Ma Thuật Gia Cố, Gắn Kết, Tách Rời Hệ Thống Hồn Vía Người Trong Những Bối Cảnh Mới

Chương 4

MA THUẬT THÁI: MỞ RỘNG RANH GIỚI, ĐA CHIỀU TƯƠNG TÁC TRONG XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI


Những mô tả và phân tích ở Chương 3 cho thấy, hành vi nghi lễ ma thuật được người Thái sử dụng nhằm tương tác với hệ thống các phi theo ý niệm truyền thống Thái. Tùy theo các thuộc tính của loại phi, các hành vi, nghi lễ ma thuật được thực hiện nhằm thao túng để các phi hành xử theo cách con người mong muốn, trong bối cảnh tâm linh của vũ trụ quan Thái. Trong Chương 4, luận án cung cấp các mô tả và phân tích về các bối cảnh xã hội đương đại mà trong đó, hành vi và nghi lễ ma thuật được sử dụng trong các hình thức mới. Sự gia tăng nhu cầu từ đời sống với các vấn đề mới dẫn đến sự mở rộng các ranh giới, các biên độ của ma thuật. Nhiều các hình thức ma thuật thường được các mo sử dụng trong truyền thống được áp dụng trong các tình huống mới, và ở chiều ngược lại, nhiều các hình thức ma thuật mới được sử dụng để đối phó với các tình thế mà trước đây chưa xuất hiện trong đời sống Thái. Các thực hành ma thuật được gán thêm các lớp nghĩa chức năng, vượt ra khỏi ranh giới của không gian Thái, trong chiều tương tác đa dạng về mặt tộc người và trong tương tác với các vấn đề văn hóa - xã hội khác. Chương này sẽ tập trung mô tả và phân tích một số dạng thức ma thuật được người Thái sử dụng trong các bối cảnh nhằm: (1) gia cố, gắn kết hoặc tách rời hệ thống hồn vía trong sinh thể người, (2) xử lý những bất an có tính hiện sinh, (3) giải quyết các sự biến xảy đến tức thời (sử dụng bùa để đòi nợ, vay vốn ngân hàng, bán đất trong đầu tư bất động sản,...), (4) thích nghi và đối phó với một số yêu cầu từ thiết chế xã hội và đời sống hiện đại, chẳng hạn việc đội mũ xe máy tham gia giao thông khi tẳng cảu hay việc sinh nở tại bệnh viện. Từ các trường hợp sử dụng trong các bối cảnh cụ thể, hình thức ma thuật Thái hiện diện trong sự kết hợp giữa nguyên lý/ nguyên tắc, ý niệm truyền thống với sự linh hoạt các yếu tố nhằm phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn mới.

4.1. Ma thuật gia cố, gắn kết, tách rời hệ thống hồn vía người trong những bối cảnh mới

4.1.1. Gia cố hệ thống hồn

Truyền thống Thái xác lập ý niệm rằng, hồn vía trong cơ thể người dễ rơi rụng và rất dễ bị hại. Nỗi bất an về hồn vì thế luôn thường trực, và hình thành một thói quen tâm lý về việc, hễ có bất thường, con người sẽ nghĩ tới sự bất ổn của hồn trong sinh thể. Gia cố hệ thống hồn vía (khuân/ phi khuân) trong sinh thể là một nhu cầu

có tính truyền thống, và việc gia cố này càng gia tăng trong bối cảnh hiện tại, khi đời sống của người Thái có nhiều thay đổi cùng với sự mở rộng các không gian sống. Từ hệ quy chiếu đời sống của hồn, người Thái tìm đến với các hình thức ma thuật, tin rằng những tương tác với hồn của người hành nghề tâm linh sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà họ hiện phải đương đầu. Vấn đề gặp phải có thể rất đa dạng tùy theo từng cảnh huống trong thực tiễn (người khó lấy vợ, người đau ốm, người làm việc gì cũng không thành,... ) nhưng đều được xem là có nguyên do chung nằm ở đời sống bất ổn của hồn.

Như câu chuyện về lễ cúng cho chủ áo là em Bình (Mộc Châu), xuất phát từ mối lo của gia đình về việc Bình đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn. Mẹ cậu quá suốt ruột nên đến tìm bà mo. Mo bói rồi thông báo, Bình bị ma hồn theo, phải làm lễ cúng giải duyên, cắt ma đi, không cho theo nữa. Nghi lễ này được bà mo gọi là lễ giải duyên âm làm vía. Lễ cúng diễn ra với sự tham dự của người mẹ, chủ áo vắng mặt. Mọi thao tác vốn thường được bà mo thực hiện với chủ cúng nay được làm với chiếc áo. Bà mo cho hay, Bình bị ma theo vì hồn vía yếu quá. Bà cho rằng, Bình đi học đi làm khắp nơi trong hàng chục năm mà "không làm lễ gom hồn vía về", do "mỗi nơi ở trọ hồn vía lại rụng một tí" nên mới thành ra yếu ớt, ma dễ làm hại. Trong lễ cúng cho Bình, bà mo ngồi trong gian thờ, hai đồng bạc cầm trên tay,

vừa khấn vừa rung nhẹ để chờ gieo xuống: "Xin Cha xin Mẹ1 khai sáng tốt tươi, tất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

cả các lễ trong gia đình cũng đã làm hết rồi, còn xin cúng vía cho cháu đi học xa không gọi vía về, chính vì thế hôm nay bố mẹ cháu có lễ mọn lòng thành, nhất tâm vào cửa Cha cửa Mẹ để xin làm lễ gọi hồn gọi vía để nhập hồn nhập vía cho cháu để ba hồn bảy vía của cháu sẽ về cùng với Cha Mẹ". Bà mẹ Bình đã ghi ra tờ giấy hàng loạt các địa danh nơi cậu từng trọ học hoặc làm việc để bà mo đọc trong lễ cúng. Bà mo nhờ cả ba loại ma tổ nghề trú tại điện thờ, gồm ma một, ma mun, ma tảy đi khắp nơi tìm hồn vía Bình về. Lễ cúng kéo dài gần 2 tiếng, và sau đó "hồn vía ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Ba Vì đi về nhà theo ma một ma mun". Bà mo làm nghi lễ để hồn vía nhập vào chiếc áo bên cạnh mâm cúng, với việc buộc sợi chỉ đen vào chỗ nẹp tay áo. Nghi lễ hoàn tất. (Tư liệu điền dã, 16/01/2019, xin xem thêm Phụ lục 14. Lễ cúng giải duyên âm, làm vía).


Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 17

1 Cha Mẹ: tên để bà một chỉ chung các lực lượng siêu nhiên hỗ trợ bà trong việc hành nghề. Trên điện thờ của bà thờ ảnh của ông bà bố mẹ, cạnh đó là tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng cô Chín Thượng Ngàn mà bà bảo là rất hợp vía bà, tượng Phật Quan Âm, tượng Đức Mẹ Maria… Ngoài ra, bà còn có sự hỗ trợ của chúa mán chúa mường, ma một, ma mun, ma tảy - ba loại phi thuộc ba hệ mo khác nhau, giúp bà xử lý các vấn đề tâm linh cho khách hàng.

Câu chuyện này, cho thấy vẹn nguyên một nỗi lo lắng Thái về đời sống của hồn trong sinh thể. Nỗi lo về việc hồn vía dễ đi lạc, mải chơi quên đường về, quen hơi sau một quãng thời gian sống ở đâu đó đã khiến việc cúng sửa hồn trở thành một thói quen, một nhu cầu gần như tất yếu. Trước đây, trong phạm vi không gian cư trú hẹp, hễ đi qua ngã ba ngã tư là người Thái gọi hồn. Nhưng thế giới Thái hiện đã thay đổi, không gian mở rộng, khoảng cách được nới dài. Người Thái ở Sơn La "đi Hà Nội như đi chợ", "dễ lắm, 10h đêm lên xe ngủ một giấc, sáng hôm sau đã tung tăng

Bờ Hồ rồi"1. Tuyến xe khách Hà Nội - Sơn La hoạt động suốt ngày đêm, xe đẹp, giá

cả cũng vừa phải, đi lại tiện lợi. Đi học, đi làm, đi chơi, đi khám bệnh khắp nơi. Rất đơn giản và thuận tiện. Không chỉ xuống Hà Nội. Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, các nơi có cơ hội việc làm đều thấy có người Thái nơi này đến. Nhiều những tình huống làm lễ, làm bùa của thầy mo cũng cung cấp thêm các thông tin về hiện tượng đi lại này của người Thái. Không chỉ đi ra tỉnh ngoài, việc đi lại ở phạm vi trong tỉnh cũng diễn ra rất thường xuyên và bình thường. Lễ cúng có thể được thực hiện cách nhà mo gần 100 km, nhà chủ sang đón thầy bằng xe máy, cúng xong

một hai hôm rồi về, "vì cũng không biết có phải cúng lâu hay không"2. Họ hàng thấy

có lễ cũng lặn lội đi tới cả trăm cây số, dự đến ngày hôm sau. Đường sá đi lại thuận tiện, đường nhựa, đường bê tông rải hầu khắp các nơi trong tỉnh, nên càng không có gì khó khăn trong việc chạy xe mấy chục, thậm chí hàng trăm cây số đường núi. Thêm nữa, hầu như ai cũng dùng di động, nên việc thông báo công việc, biết thông tin để đến nhà nhau cũng rất dễ dàng.

Trong bối cảnh việc đi lại nhiều, liên tục và mở rộng như vậy, các lễ cúng hồn mà thầy mo thực hiện càng lúc càng nhiều lên. Đi học đi làm ở xa về - gọi hồn làm vía. Đi xuất khẩu lao động về - phải cúng gọi hồn vía mới yên tâm. Đi tù gần 5 năm mới được ra trại, đau ốm triền miên, phải nhờ mo đến làm lễ. Sau lễ, ông mo bảo, chủ áo đi tù khổ nên hồn vía sợ, người vàng vọt, phải làm lễ lâu, gọi dỗ mãi3. Tình huống có thể rất đa dạng, nhưng nguyên tắc chung về cơ bản vẫn được các mo sử

dụng: dù vấn đề cụ thể là gì (đi lao động xuất khẩu, đi tù, đi học đại học, đi làm khu công nghiệp) vẫn dựa trên một phương cách sửa hồn làm vía rất truyền thống - mo tìm đến các không gian tâm linh, tìm đến các địa điểm nơi chủ áo đã đến ở, gọi hồn vía về, nhập vào thân, mời ăn, răn hồn ở yên cùng chủ áo.


1 Câu nói của em Giang, Thuận Châu, 01/12/2016.

2 Chuyện trò với mo Biêu, Thuận Châu, 26/2/2019. Sự không chắc chắn này liên quan tới đặc điểm giao tiếp với phi trong lễ cúng - phi nhập về nhanh, đồng ý nhanh thì xong sớm, phi chưa nhập về hoặc đòi thêm thứ này thứ kia phải chuẩn bị thì lại lâu.

3 Thông tin điền dã tại Mộc Châu, 11/09/2019.

Sự gia cố hệ thống hồn vía (khuân) này không chỉ gia tăng ở cấp độ cá nhân mà còn cả ở cấp độ gia đình và bản mường. Bà mo Lót (Thuận Châu) cho biết, việc làm một lễ cúng hồn cho cả nhà hàng năm là việc người Thái luôn mong muốn, chỉ sợ không đủ điều kiện để làm. Muốn làm, vì trong một năm, người trong nhà đi lại các nơi rất nhiều. Như nhà bà, do mới sửa lại nhà hết sạch tiền, nếu còn tiền, bà sẽ làm lễ cúng giải hạn nhà (xên kẻ khọk hươn). Theo bà, "cúng được là tốt, cho cả nhà khỏe

mạnh, làm gì cũng thuận lợi, gia đình giàu có lên, chứ cứ thế này nghèo quá"1.

Ở cấp độ bản làng, trong thời gian gần đây, lễ xên bản xên mường cũng được tổ chức lại ở nhiều nơi vào đầu năm mới. Lễ cúng hồn cho cả bản mường diễn ra với việc mời các phi bản phi mường, các phi trong tự nhiên,... về ăn và phù trợ cho dân bản, gọi hồn vía của người trong bản về lại sau thời gian đi chơi Tết. Như trong lễ xên diễn ra vào ngày 15 tháng 1 âm lịch ở một bản tại Mộc Châu, hàng trăm người ở trong và ngoài bản mang theo đồ lễ đến đền do bà mo bỏ tiền ra xây dựng. Trong số những người tham gia có cả người Thái, người Kinh, người H'mông, những người đã theo xem bói, chữa bệnh, xin bùa của bà mo, thấy thông tin bà nhắn qua Zalo nên mang đồ lễ đến cúng dù với nhiều người, hệ thống phi và phương cách gọi hồn vía có thể là hoàn toàn xa lạ.

4.1.2. Gắn kết, tách rời hệ thống hồn vía

Không chỉ xử lý vấn đề về sự rơi rụng của hồn, ma thuật Thái còn có các hình thức tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến việc gắn kết hoặc tách rời hồn vía của đôi lứa trong tình yêu và hôn nhân ở những tình huống mới.

Người Thái có câu "Vợ chồng không tự có/ Quả cây không tự thành/ Trời se duyên, Then định đoạt" (dẫn theo [251]). Những quy định trong luật tục, những tập quán văn hóa đều cung cấp bằng chứng cho thấy, truyền thống văn hóa Thái ủng hộ các cuộc hôn nhân có tính "chính thống", xem hôn phối là sự gắn kết giữa hai cá nhân, hai gia đình, hai dòng họ, hai hệ thống hồn vía người, trong sự thừa nhận của thế giới con người và thế giới các phi. Các chu trình, nghi thức trong hôn nhân (búi tóc ngược, trao áo), lời hát của người làm lễ búi tóc căn dặn cô dâu khi đã có chồng "nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng", lời mo cúng trình tổ tiên tại các mường tâm linh phù trợ cho đôi vợ chồng, quy định về việc chỉ người vợ chính thức đầu tiên mới được tiễn hồn về đẳm dòng họ nhà chồng trên mường trời sau khi chết,... góp phần gia cố thêm cho ý niệm này. Ghi chép còn lưu lại trong luật tục tại nhiều nhóm cộng đồng cũng cho thấy người Thái áp dụng hình phạt rất nặng cho tội



1 Trò chuyện với bà Lót (Thuận Châu), 26/2/2019.

ngoại tình1. Tuy nhiên, quan niệm và quan hệ trong tình yêu, hôn nhân của con người trong bối cảnh hiện tại đã có nhiều thay đổi. Không ít mối quan hệ hôn nhân đổ vỡ, cũng không hiếm những chuyện ngoại tình. Thầy mo ngoài việc làm lễ cúng hồn trong đám cưới còn làm cả hình thức gắn kết/ tách rời hệ thống hồn vía của cặp đôi ngoại tình, tách hồn vía những đôi vợ chồng đã ly hôn hoặc có cuộc hôn nhân gặp nhiều bất hạnh, theo yêu cầu của người thân nào đó trong nhà hoặc của một trong hai người vợ hoặc chồng. Và không chỉ làm ma thuật gắn/ tách hồn cho người Thái, mo còn làm cả cho người Kinh, người H'mông nếu họ có nhu cầu.

Chỉ riêng những câu chuyện làm bùa yêu, bùa ghét tại điện thờ của bà mo Song (Mộc Châu) đã cho thấy một bức tranh phức tạp về đời sống hôn nhân của con người thời hiện đại. Chỉ trong vòng 5 ngày, bà mo làm bùa yêu, bùa ghét tới 8 lần. Cảnh huống rất đa dạng. Có người bị vợ cũ của chồng làm bùa hại, phải nhờ bà mo làm bùa giải. Có bà mẹ, vì thương con gái, thấy con chung sống với người chồng bị nghiện mà không chịu ly dị nên đến nhờ bà mo làm bùa ghét, lộn trái áo, xiên kim lên cho hai vợ chồng bỏ nhau. Bà bảo: "Cháu nó khổ quá, mà nó lại không chịu bỏ, thì mình giúp nó cho nó đỡ khổ. Sống với thằng nghiện thì không bao giờ sướng được, khổ đến lúc nó chết thôi. Nên là kệ nó, cứ làm, rồi cái bùa nó hiệu nghiệm cái

là ghét nhau đòi ly dị ngay thôi, không sao đâu"2. Rồi có khi bà làm bùa cho một cặp

ngoại tình, người phụ nữ vì thấy người nam có vẻ "ngãng ra" nên đến nhờ bà làm bùa để quan hệ được mặn nồng như trước. (Tư liệu điền dã, Mộc Châu, đợt tháng 12/2018 và 11-17/01/2019).

Đặc biệt có trường hợp, khách hàng của bà mo sống định cư ở Nhật, về Hà Nội chơi, do có người giới thiệu liền đi xe khách lên gặp bà, nhờ làm bùa để gỡ chuyện ngoại tình của chồng. Chị này đã đi lễ khắp nơi, cả Ấn Độ, Thái Lan, khi nhờ bà mo làm bùa là "cũng không hy vọng lắm đâu, kiểu còn nước còn tát ấy, 50-50 thôi, vì đứa bồ kia nó người Nhật, con một, lại mới có 26 tuổi, trẻ và xinh lắm". Bà mo cho hay, vì không có áo của người chồng nên bà không làm bùa được. Chị khách về lại Hà Nội để hôm sau bay sang Nhật, gửi áo theo xe khách lên nhờ bà mo làm rồi hẹn chuyển khoản số tiền cúng. Bà mo cầm tờ giấy ghi địa chỉ, chép miệng rồi lẩm bẩm,



1 Chẳng hạn, Luật tục người Thái Đen ở Thuận Châu quy định, "Nếu vợ ngoại tình, chồng bắt được có quyền đánh và giết vợ cũng như tình nhân. Nếu không đánh, giết mà phát đơn kiện lên hàng mường thì kẻ ngoại tình phải nộp phạt 12 nén bạc. Nếu đàn ông ngoại tình bị chồng tình nhân đánh giết thì người chồng ấy không bị bắt tội" [251]. Theo Luật mường ở Mai Sơn, nếu nam nữ đã có vợ chồng đùa bỡn, trêu ghẹo nhau dễ dẫn đến tư tình bị tạo bản bắt phạt đôi chai rượu, đôi gà và 5 đồng bạc; nếu bắt được hai bên nam nữ quấn quýt nói chuyện yêu đương, mức phạt cao hơn, 4 chai rượu, 4 con gà, 1 con vịt, 5 đồng bạc; nếu bắt được "gái nằm ngửa, trai nằm sấp", mức phạt là 6 chai rượu, 6 con gà, 2 con vịt và 1 lạng bạc [251].

2 Thông tin trò chuyện, 10/12/2018.

"chả hiểu cái gì Ky ky tô tô thế này". Hóa ra, trên tờ giấy ghi địa chỉ nhà chị khách ở Tokyo bên Nhật. Đọc tên tuổi địa chỉ xong, bà xin Cha Mẹ1 gieo đồng bạc úp ngửa rồi trải dọc, vuốt thẳng hai cái áo, tiếp đến, bà lồng áo chị vợ vào bên trong áo người chồng, tay lồng trong tay, thân bên trong thân. Bà buộc hai cái áo lại, để lên trên bàn lễ rồi lầm rầm khấn một lúc lâu. Lúc dừng lại, bà bảo "sẽ còn phải khấn cho cháu này trong 3 ngày tới, ngày nào cũng phải làm, rồi chồng nó sẽ bỏ đứa người Nhật mà quay về với vợ con thôi"2.

Trong cuộc nói chuyện sau đó, bà mo cho biết kĩ hơn về các tình huống khiến bà quyết định dùng phép bùa yêu bùa ghét. Bà bảo, "phải cân nhắc lắm, mỗi nhà một cảnh khác nhau, cách làm bùa cũng khác nhau"3. Với bà, làm bùa yêu là "giúp người". Bà kể, "ví dụ vợ chồng sắp bỏ nhau, đánh đập nhau, tan cửa nát nhà. Cô cũng phải xem xem chồng, vợ thực hư thế nào. Cha Mẹ báo được thì cô mới làm,

còn không thì cô bảo là thôi thông cảm, vì cô không phải thần thánh đâu, không làm được thì cô bảo thẳng. Có trường hợp nó nghĩ là cô cần bao nhiêu tiền cô cứ bảo, cô cần cái gì cô cứ bảo, nhưng mình có cần gì đâu, mình chỉ muốn làm cho nó đúng thôi. Nếu cái người vợ không lo lắng gì cho gia đình, không chăm lo gì cả, lại làm cho chồng mất mặt với bạn bè thì cô đành làm cho thằng đấy nó chạy vội để nó kiếm người khác. Thế là đúng, cô làm cho thằng chồng nhẹ nhõm đi, giải phóng nó, đừng bắt nó khổ. Còn nếu con bé này nhờ cô làm để cho hai vợ chồng về ở với nhau thì cô

sẽ không nên làm, làm thế là khổ thằng chồng. Con người ấy không thay đổi được"4.

Bùa yêu còn được bà làm vào tóc, ảnh, nhưng bà cho biết, "phải là ảnh 4x6". Cách lồng áo được bà giải thích, nếu chồng đang chán mình thì áo của mình sẽ được lồng vào bên trong, rồi gấp vào. Lời khấn thì "thỉnh từ ông bà tổ tiên thỉnh xuống". Rồi bà kể về việc dùng phép bùa cạo móng chân. "Ví dụ chồng nó đang chán mình nhé, làm mọi thứ mà nó vẫn chán thì sẽ cạo 10 móng chân, nhổ 9 sợi tóc để đốt, lấy pha lẫn vào. Làm bùa cho chồng ăn, nhưng mà khó khăn công phu lắm. Phải vui vẻ, đốt ra cho vào nước uống hoặc thức ăn. Nhưng cái bát nước ấy phải đưa qua đưa lại háng. Xin Cha Mẹ rồi là phải khua qua háng của người vợ, đưa qua lại theo kiểu buộc vào nhau, làm ngược là lại phản tác dụng. Sau đó tách ra, nín thở rồi nhổ nước bọt 3 lần, làm phép thế vào bát xong rồi mới được thả cái kia vào (tóc, móng chân đã đốt), cho cơm canh vào. Nhưng mà phải rất ngon để nó ăn hết. Làm không ngon, chồng ăn một miếng rồi nó vứt đi thì vứt, không tác dụng. Nó ăn hết thế là cả con


1 Cha Mẹ: danh xưng bà mo dùng để gọi các lực lượng siêu nhiên được thờ cúng trong điện thờ của bà.

2 Thông tin điền dã, 15/01/2019.

3 Thông tin trong cuộc trò chuyện, 18/3/2018.

4 Thông tin trò chuyện, 10/12/2018.

người cháu ở trong bụng chồng cháu, chỉ thấy ẩn hiện một mình mình thôi, không nghĩ đến ai. Cô sẽ thỉnh hết với cha mẹ, vợ chỉ mang về thực hiện thôi. Làm thế thì chồng có gặp ai nữa, bản thân mình nó đã nuốt vào trong người rồi thì không thể có người thứ ba được nữa. Nhưng có những người bị ăn phải bùa của người khác rồi nhé, thì vẫn phải làm cái bùa của vợ đấy, ăn xen vào thì mới phá được bùa của người khác ra" (Tư liệu điền dã, 18/3/2018).

Như vậy, việc xử lý các tình huống liên quan đến hồn vía, việc làm bùa yêu bùa ghét trong tình yêu hay hôn nhân vẫn dựa trên các nguyên tắc đã được xác lập trong truyền thống: (1) làm vía cho cứng cáp lên, hồn vía cứng thì ma không hại; (2) Tìm xem ma nào hại để trị ma, chữa bệnh cho hồn; (3) Gắn kết áo, buộc áo, cũng là gắn hồn, buộc hồn khi làm bùa yêu và lộn trái áo, không buộc khi làm bùa ghét để hồn vía tách rời. Khách hàng và các vấn đề có thể rất khác biệt, rất đương đại, nhưng nguyên lý thực hiện của thầy mo thì rất có tính truyền thống.

4.2. Ma thuật xử lý những bất an có tính hiện sinh

4.2.1. Tiễn hồn bổ sung, hỏa thiêu gộp

Trong quan niệm vũ trụ luận Thái, cái chết của một con người được xem là sự bắt đầu của đời sống vĩnh viễn tại một nơi ở mới. Với nhóm người Thái đen tại Sơn La, hệ thống hồn tồn tại trong cơ thể sống, sau khi chết lành sẽ được phân chia để ngụ tại bốn nơi (trong nhà, rừng ma, đẳm không trung, đẳm đoi trên mường trời). Những cái chết dữ (chết khi sinh nở, chết khi còn nhỏ, chết mất xác, chết bệnh dịch,...) không có nghi thức tiễn hồn về ngụ trong nhà đẳm của tổ tiên trên mường trời, các ma hồn này sẽ sống vĩnh viễn tại các mường dành riêng cho các ma dữ và thường gây hại cho hồn vía người sống tại mường trần gian. Chết lành, nghi lễ tang ma được tổ chức với các quy định chặt chẽ nhằm mục đích phân rải các hồn về an toàn đúng nơi, chia đồ dùng vật dụng đầy đủ cho hồn, giúp hồn tạo lập cuộc sống mới. Sách cổ, luật tục của người Thái đen tại nhiều nơi quy định rõ, tang lễ Thái được thực hiện trong 5 ngày, kèm theo đó là một số nghi lễ tại nhà và tại rừng ma sau khi đã hỏa thiêu người chết. Các đồ lễ, lễ cúng, bài cúng cơm, cúng tiễn hồn trong từng công đoạn tang ma được ghi lại cụ thể, chi tiết trong luật tục Thái, với vai trò quan trọng hàng đầu của thầy mo tiễn hồn (xem thêm [256, tr.912-1103]. Bởi lẽ đó, những ma hồn tổ tiên khi chết không được thầy mo cúng tiễn hồn, không được chia của cải để làm ăn sinh sống sẽ được xem là không đến được nơi cần đến, vất vả khổ cực khi thiếu

thốn tiền bạc, vải vóc, đồ dùng, cũng có thể làm hại đến người thân1. Cúng tiễn hồn,


1 Truyện thơ Thái Khun Lú - Nàng Ủa có chi tiết, khi Khun Lú tự vẫn, chết theo người tình, cha của Khun Lú "bực tức không làm lễ vong đưa chàng, lập tức vong hồn Lú làm điều xấu bắt cha mù mắt. Sai người nhà đi xem chân gà, quẻ bói thấy rằng: Làm lễ tiễn vong hồn Lú lên mường Trời khắc khỏi". Người nhà liền mổ

chuẩn bị của cải chia cho người chết vì thế trở thành trách nhiệm, nhu cầu mà cả cộng

đồng người sống cần và muốn hoàn thành.

Trong thời kỳ những năm từ 1970 đến 1986, với mục tiêu "xây dựng nếp sống mới, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục"1, Nhà nước ban hành quy định cụ thể về việc tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội. Theo đó, "Việc tang phải được giải quyết gọn gàng và tiết kiệm. Xóa bỏ các nghi lễ và tục lệ phiền phức", "bỏ tục lệ cúng cơm người chết từng bữa hoặc cúng 3 ngày, 50 ngày, 100 ngày", "Xóa bỏ tục lệ phúng viếng bằng tiền bạc và đồ vật" (Trích theo Quyết định 56-CP,

18/03/1975). Theo thông tin hồi cố của cả các cán bộ quản lý văn hóa, tuyên giáo, thầy mo và nhiều người Thái, trong thời kì thực hiện theo quy định về nếp sống mới này, các hình thức tang ma được yêu cầu "tổ chức đơn giản, không cúng bái rình rang"2, hạn chế mọi nghi lễ, không được để người chết trong nhà quá 48 giờ, việc tang tại nhà và chôn cất tại rừng ma phải diễn ra gọn nhẹ. Đám tang thời kỳ này được nhiều người mô tả là không có lễ cúng, không có các thầy mo, không có lời

cúng tiễn hồn, người chết không được chia của cải sinh sống. Các thầy mo bị cấm hành nghề, bị tịch thu đồ nghề, sách cúng. Các nghi lễ, lễ cúng trong nhà ngoài bản đều không được phép tổ chức.

Thực hiện theo nếp sống mới, các đám tang diễn ra được người Thái xem là "không được đúng như quy định"3. Điều này khiến nhiều gia đình Thái trải qua thời kì cấm đoán nghi lễ và hạn chế tang ma với gánh nặng tâm linh kéo dài. Người chết không được làm lễ tiễn hồn, không được dùng lời và quyền phép thầy mo để tiễn hồn về với đẳm tổ tiên trở thành một trăn trở hiện sinh của người Thái trong thời hiện đại, là sự tồn đọng về tâm linh cần phải giải quyết. Thực tế này đã khiến nảy sinh những hình thức ma thuật tiễn hồn bổ sung, hỏa thiêu gộp tại nhiều nơi trong cộng đồng Thái - nhân một đám tang trong nhà mà tiễn thêm hồn của người thân đã

mất trước đó, kèm việc gửi thêm đồ dùng vật dụng và đốt thêm một giàn lửa tượng trưng (có quan tài đặt bên trên nhưng không có thi hài). Việc tiễn hồn bổ sung này buộc phải làm kèm với đám tang chính, dù có điều kiện cũng không được tổ chức một lễ riêng biệt, bởi tiễn hồn là kinh động đến hệ thống phi. Đồ dùng tiễn hồn bổ sung tương tự như đồ dành cho đám tang chính, nhưng nhỏ hơn và số lượng ít hơn.


trâu, xôi trắng, rượu cần, hoa quả trầu cau, đồ dâng Lú có vàng bạc, chăn đệm, áo quần, quạt, quả còn, ngựa

cánh, khăn piêu, kiệu vàng. Làm xong thì cha Lú mắt sáng trở lại [196, tr.100].

1 Trích Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 56-CP ngày 18 tháng 3 năm 1975 về việc ban hành bản thể lệ về tổ chức việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội.

2 Trò chuyện với bác Phương, Thuận Châu, 13/07/2018.

3 Lời bác Tiến, Mộc Châu, 22/3/2018.

Xem tất cả 403 trang.

Ngày đăng: 13/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí