Bói Que Và Bói Úp Ngửa (Khuổm Hai) Bằng Thanh Tre, Đồng Xu

trong các hình thức tâm linh như sự hiện diện tượng trưng của người chủ áo. Cảm giác về việc "áo đung đưa" hoặc "cầm nặng tay" được cho là "do các phi về báo, nếu nó không về là mình không thấy gì đâu".

3.1.2. Bói trứng (cướk xáy)

Bà mo Lót (Thuận Châu) vừa cười vừa hỏi, thử xem chồng có ngoại tình không nhé? Hơi ngần ngừ một chút nhưng rồi tôi cười phá lên và bảo, được, cô hỏi phi hộ cháu xem nào. Bà mo đứng cạnh gác thờ ma tổ sư, tay trái xòe ra, đặt quả trứng vào lòng bàn tay, từ từ đưa lên sát miệng, hà hơi vào quả trứng rồi miệng lẩm nhẩm một lúc và duỗi dần tay ra. Quả trứng trong lòng bàn tay bà từ từ dựng đứng lên, đứng im một lúc rồi đổ. Tôi thót tim, căng thẳng hỏi: chết rồi, phi bảo là có à cô? Bà mo cười hóm hỉnh, xòe tay ra rồi bảo: Cô hỏi chồng cháu không ngoại tình đúng không? Trứng tự đứng lên thế này là phi bảo đúng rồi, không ngoại tình đâu, yên tâm nhé.

Với nhiều thầy mo tại Sơn La, thao tác sử dụng trứng bói trên lòng tay cho dựng lên như bà mo Lót là không hề phổ biến1. Trứng được bà dùng như một phương tiện giao tiếp và nắm bắt ý muốn của các phi. Dựa vào lời được nói trước đó và sự chuyển động của quả trứng trên tay, trứng dựng lên hoặc nằm im, bà mo sẽ hiểu ý mà phi muốn truyền đạt. Chẳng hạn, khi bà hỏi ma sư phụ có đồng ý cho đi cúng lễ tại chỗ này chỗ kia hay không - trứng dựng đứng lên, bà sẽ đi. Cũng có khi, ma

không cho bà đi cúng, và bà bảo đúng là lễ cúng đó bà chưa được học thật, "nếu có cố đi thì cũng chịu, không biết cúng thế nào".

Với một số thầy mo khác, trứng được dùng để lăn trên áo của chủ bói, chủ cúng, vừa để tìm ra thứ làm hại, vừa để chữa bệnh. Căn cứ vào các dấu hiệu thể hiện trong lòng đỏ và lòng trắng của quả trứng sau khi đập ra, thầy mo xem xét và đưa ra phán đoán về tình trạng của người bệnh, gọi tên đúng loại phi gây ra bất thường2. Bài học cụ thể về các dấu hiệu nhận biết này được ghi chép lại trong lời bói trứng (Pưng quám tế), được các thầy mo truyền dạy cho nhau và thường không được nói ra với người bên ngoài (xem lời bói trứng trong Phụ lục 3. Lời và thao tác trong các hình thức bói Thái).

Trứng ngoài ra còn được thầy mo sử dụng để bói tìm đất làm mộ cho người chết tại rừng ma và để bói gạo trong lễ cúng (trứng cắm trên bát gạo, mo đọc lời quy ước


1 Hình thức dựng trứng đứng trên tay để bói xem bệnh hồn bệnh vía có xuất hiện trong lễ xăng khan của dòng mo môn vùng Thái Thanh - Nghệ. Trong lễ hội này, trứng được xem là có nàng Ò nhập vào, trở nên linh thiêng và các mo có thể dùng để bói. Mo hà hơi vào quả trứng, đặt trứng vào lòng bàn tay, đọc bài chú, dùng phép thuật để dựng đứng quả trứng lên, cung cấp thông tin về căn bệnh của khách hàng [237, tr.881].

2 Chẳng hạn, lòng trứng có đốm đỏ là dấu hiệu liên quan đến ma nhà, các mảng lồi lên tức có phi dữ hại, nếu nhiều mảng trắng là tình hình rất nghiêm trọng, có thể sắp chết (Tư liệu phỏng vấn mo Khặn, Mộc Châu 24/03/2017).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

rồi cầm gạo thả rơi trên chóp trứng, dựa vào hạt đọng lại trên trứng để biết thông tin). Tung trứng xuống đất, nếu trứng vỡ (còn nguyên lòng đỏ), nơi đó sẽ được chọn để đặt mộ cho ma hồn. Hình thức tung trứng này được nhiều nhóm Thái thực hiện khi tìm chỗ chôn cất thi hài. Người tung có thể là ông cậu lúng ta bên nhà mẹ, cũng có thể do người con rể cả, hoặc đi cùng thầy mo hoặc không, và đều phải đảm bảo các nguyên tắc khi ném (mạnh, dứt khoát), khi tìm chỗ tiếp theo (theo đúng hướng lăn chỉ dẫn của quả trứng), khi xác định vị trí tim của người chết (đúng chỗ lòng đỏ trứng vỡ). Không ai bỏ về khi tung mãi mà trứng chưa vỡ, cũng không tỏ ra sốt ruột, mệt mỏi khi trứng vẫn đang lăn. Nhẫn nại và bình thản tìm kiếm vị trí theo ý của người chết, đến khi được "phi nhất trí" mới thôi. Việc sử dụng que đánh dấu vị trí chôn cũng tương tự thao tác mà người Thái thường dùng để đánh dấu sở hữu khi kiếm được một tổ ong trong rừng hay khi đi tìm chọn được vạt đất làm nương, đám gianh để dành cắt hay cây to làm nhà. Nhìn thấy dấu hiệu này, không ai chiếm hữu vị trí hoặc của cải đó nữa vì nó đã thuộc về một ai đó (hoặc phi nào đó, như trong trường hợp tung trứng chọn chỗ chôn cất).

Việc ném trứng cũng được sử dụng để bói dự đoán trước về tương lai, như trong thao tác mo mường ném quả trứng nhuộm đỏ trên cạn và quả trắng xuống suối, bói xem năm đó bản được mùa hay không trong lễ xên bản xên mường ở Mộc Châu. Hai quả cùng vỡ - được mùa, hai quả không vỡ - gặp khó khăn, một vỡ một lành tình hình sẽ diễn ra bình thường, không tốt không xấu [211].

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 12

3.1.3. Bói thóc, gạo (khảu cák, khảu xàn)

Với hình thức này, có hai dạng bói chính - hoặc sử dụng thóc/ gạo riêng, hoặc bói gạo với trứng, kiếm. Việc bói này thường được dùng khi chọn đất làm nhà, hoặc trong các nghi thức cúng lễ của thầy mo. Khi cúng lễ, mo bói trên bát gạo tại mâm dành riêng cho thầy cúng và các ma một âm binh (pãn cãi). Cũng có lễ, thầy mo dùng kiếm dựng trên bát gạo, kiểm tra về việc các thần linh được mời đã về dự tại mâm lễ hay chưa. Nếu kiếm đứng, thỉnh cầu đã thành, nếu kiếm đổ, tức phải hát xướng lại, hoặc mâm lễ cần bổ sung thêm gì đó.

Trước khi làm nhà mới, việc bói thóc/ gạo diễn ra sau khi chủ nhà đã xác định được khu vực dự định sẽ dựng nhà (với việc làm lại nhà trên nền đất cũ thì không bói). Tùy từng nơi mà một trong số các hình thức bói sẽ được lựa chọn, hoặc chôn thóc dưới hố tại gian chính hoặc vài điểm khác trong nhà nhằm kiểm tra sự chuyển dịch của thóc, cũng là dò xem đất có yên ổn hay không, hoặc có thể chọn cách đào hố ở vài điểm rồi úp bát, để qua đêm nhằm kiểm tra độ ẩm của đất. Tuy nhiên, các trao đổi với thầy mo và chủ nhà đều cho thấy, dù nhìn vào biểu hiện bên ngoài, việc

bói cung cấp các thông tin chính xác về tình trạng nền đất dựng nhà (đất động hay vững, ẩm hay khô ráo, có nguy cơ sạt lở hay không) song những người thực hiện việc bói đều xem điều đó như là thông báo của phi đin, vị thần chủ đất tại nơi họ dự định sinh sống (về thao tác và lời bói, xin xem mục Bói gạo, thóc trong Phụ lục 3. Lời và thao tác trong các hình thức bói Thái).

3.1.4. Bói que và bói úp ngửa (khuổm hai) bằng thanh tre, đồng xu

Que bói đựng trong ống bói (bẳng mo), hai thanh tre (tốc phạch) với một mặt cật một mặt nhẵn, đồng xu (bằng đồng hoặc bạc) là các công cụ, hiện vật thiêng thường được thầy mo Thái sử dụng trong việc bói, cúng.

Hình thức bói tốc phạch tức đọc lời khấn rồi gieo hai thanh tre vào một đoạn tre, tùy theo hình thức rơi xuống trong quan niệm của thầy mo mà xác định là được hoặc không được, có thể là một mặt cật một mặt nhẵn hoặc cả hai thanh đều ngửa mặt cật. Thầy mo có thể có sẵn bộ thanh tre này, hoặc thậm chí khi tới cúng tại nhà gia chủ mới tự làm để phục vụ riêng cho lễ cúng. Tuy nhiên, hình thức bói bằng thanh tre như vậy không được nhiều thầy mo Thái Sơn La ưa chuộng, vì nó "hơi đơn giản", và đôi khi, "không được chu đáo lắm". Vật để bói mà họ ưa thích thường là vật đã được họ dùng lâu năm, gắn với những "sự khác thường", vì đó là dấu hiệu của việc phi cho để "tự nó tìm đến mình".

Phổ biến nhất là việc mo dùng các que bói. Ông mo Đinh Thế Mín (Vân Hồ) kể rằng, 24 que bói trong ống mo của ông là bằng tre nứa, do ông tự kiếm tự vót. Nhưng không phải cây nào cũng dùng để vót được. Cây vót để gieo bói cho chuẩn là nằm trong hai trường hợp: 1) Phải là cây mọc trong lòng một cây gỗ nào đó. Khi đi tìm mà thấy cây thò ngọn lên trên ngọn cây kia thì phải leo lên chặt vì loại cây này gieo quẻ rất chuẩn. 2) Con chuột, con dúi bao giờ cũng cắn cây thành từng khúc rồi kéo xuống tổ của nó làm lương thực. Phải rình rồi cố lấy cái đoạn nó đã cắn, lại phải là đoạn vừa, không được lấy đoạn dài, bởi vì lấy được thế nào phải dùng nguyên như thế, không được chặt ngắn đi. Loại này rất khó tìm, và rất quý, vì có khi rình lấy được rồi thì lại không vừa vì dài quá. Hai mươi tư que này do ông kiếm và vót từ hồi làm mo đến giờ (tgần 40 năm), đầu tiên chỉ có hai cái được mo sư phụ cho, sau rồi kiếm dần dần, phi nó cho dần. Cũng có khi ông dùng que vót tại chỗ cúng, 2 hoặc 3 que thôi, xong việc thì bỏ đi không dùng lại nữa. Ông bảo, lúc cúng, bói bằng que bói sẽ nói đại ý thế này, ví dụ nhé, nếu ma đã nhận và đã xong thì là que đôi, sau đó cầm lấy một phần que trong số gần 30 que để đếm (lấy ngẫu nhiên), nếu kết quả là đôi thì vậy đã xong, đã được, còn nếu mình nói đôi mà lại cầm lấy ra số que lẻ,

hoặc nói là lẻ mà lại ra là đôi thì tức là chưa được, phải làm lại (Tư liệu điền dã, 11/2/2017).

Việc bói úp ngửa còn có thể xuất hiện dưới dạng mo gieo đồng tiền xu, những thứ được mo giữ gìn trong túi đồ thiêng (khụt xanh1), "gieo xuống 3 đồng, xin cho hai sấp một ngửa thì nghĩa là được, không được theo ý mình muốn thì phải hát lại, cúng lại"2. Bà mo Song (Mộc Châu) thường sử dụng hai đồng bạc gieo xuống đĩa với quy ước "Tồ khoằm pền lục trai, tồ hài pền lục ái" (úp con trai, ngửa con gái) để quyết định cách thức chữa bệnh hoặc cúng lễ cho khách hàng. Ông mo Biêu (Thuận Châu) lại sử dụng hai đồng xu (bằng đồng), một mặt được nhuộm đen, mặt kia trắng với quy định, trắng là cười, đen là giận dữ, "nếu một cười cả hoặc giận cả thì không được, một đồng nọ một đồng kia mới tốt"3.

3.1.5. Bói nến (tiễn minh)

Bói nến thường không được thực hiện độc lập mà diễn ra trong quá trình thực hiện nghi lễ, đặc biệt trong những lễ liên quan đến việc hôn nhân hoặc kéo dài tuổi thọ. Với quan niệm minh, nen là nền và chỗ dựa của hồn, cây nến sáp ong được hình tượng hóa thành hình ảnh tượng trưng cho sức sống của minh nen luôn xuất hiện trong các mâm lễ cúng Thái. Trong lễ xên pạk khớ (cúng gạt hạn), loại lễ chỉ dành cho người già, được xem là lễ cúng cuối cùng trong cuộc đời của một cá nhân, với mục đích để người già sống khỏe sống yên, kéo dài tuổi thọ, sau lễ cúng này sẽ không cúng thêm lễ nào nữa, có phần lễ đà nen, bố mo mẹ một thắp nến sáp ong (tiễn minh), gọi là nến đo đời chủ áo nhằm theo dõi nến cháy để xem vận số của người. Nếu lửa cháy đều, nến cháy thẳng, không tắt không đổ thì hồn vía còn khỏe mạnh, ngược lại là dấu hiệu của việc vận số sắp hết.

Trong lễ cưới, sau lễ rước dâu, gian nhà ngủ của hai vợ chồng trẻ được bày hai mâm cỗ với thịt lợn chín để thầy mo làm lễ cúng hồn cúng vía (thực chất là lễ cưới hồn vía cho hai người), với sự tham gia của họ hàng của hai bên. Trên mâm thắp hai ngọn nến, với hai nén hương cắm vào bát gạo. Họ nhà trai bỏ tiền vào đĩa để mừng vía dâu rể (chốm khuân pạu). Nếu hai ngọn nến cháy hết, thẳng hoặc nghiêng vào nhau là điềm lành, còn nếu nến tắt dở chừng hoặc đổ thì hai vợ chồng sẽ phải trải qua nhiều khó khăn.


1 Khụt xanh: túi đựng hiện vật thiêng của thầy mo Thái. Khụt = bùa hộ mệnh. Trong túi có thể là các đồ như miếng đá, đồng hình cái rìu (khoan tông phạ), miếng đồng, tóc ma rừng (chọng phi pá), răng nanh lợn lòi, thậm chí hòn bi ve, chuỗi hạt nhựa giả ngọc trai… mà thầy mo có được trong một tình huống khác thường nào đó.

2 Tư liệu điền dã, 11/02/2017.

3 Tư liệu điền dã, 13/07/2018.

3.2. Ma thuật xử lý, chế ngự phi: Hành vi, nghi lễ

Bói xác định các nguyên cớ, thăm dò ý các phi và kéo theo đó là một hệ thống các quy định để xử lý các vấn đề đã được tìm ra. Tuy nhiên, vì phi là một hệ thống rất rộng, gồm hồn vía người, các loại ma tổ tiên, ma dữ, các Then trên trời, với các thuộc tính vừa chung vừa riêng (chung vì rất người, lại riêng theo đặc tính của từng dạng thức phi), vậy nên các hành vi, nghi lễ ma thuật dành cho phi cũng rất đa dạng. Hệ thống nghi lễ này, nếu xét theo tính mục đích cụ thể, có thể phân chia thành ma thuật cầu mưa (hướng tới phi then chuyên trách các hiện tượng tự nhiên, tới hệ thống phi bản phi mường), ma thuật trong nghi lễ vòng đời (hướng tới hệ thống phi đẳm tổ tiên; tới hệ thống phi then liên quan, chẳng hạn then Ló, mẹ Bảu lo việc tạo sinh trong ma thuật liên quan sinh nở, then Khớ lo kéo dài sự sống trong ma thuật kéo dài tuổi thọ, then Sính lo phân chia các ma hồn người chết về từng đẳm dòng họ trên mường trời trong ma thuật tang ma…; tới các phi gây hại có thể tác động tới các nghi lễ vòng đời này như phi pái chết đường sinh nở, chuyên hại bà mẹ trẻ em, phi cướt, ma trẻ ranh chuyên đi trêu bắt lũ trẻ…); ma thuật xử lý các vấn đề liên quan hồn vía người (hồn đi lạc, hồn bị thần linh, ma bắt…).; ma thuật tình yêu (với việc tác động vào hệ thống hồn vía của hai người). Tuy nhiên, cách phân loại theo nhu cầu và mục đích cụ thể này không thực sự chỉ ra các đặc trưng riêng biệt của ma thuật Thái vốn điển hình với sự liên quan chặt chẽ tới những kiến tạo về các loại phi và thuộc tính tương ứng. Khi buộc phải lựa chọn một cấu trúc, tôi chọn mô tả hệ thống hành vi nghi lễ ma thuật theo mục đích tác động trực tiếp từng loại phi. Tùy theo trật tự, thuộc tính đã được kiến tạo về loại phi đó, ma thuật sẽ được thực hiện với các thao tác, vật dụng phù hợp nhằm đạt đến hiệu quả cao nhất.

3.2.1. Ma thuật tương tác với khuân

Đời sống Thái luôn dành mối bận tâm lớn cho khuân/ phi khuân1 (hồn, ma hồn), thứ được xem là phần 'mắt nhìn không thấy'2 nhưng quyết định diện mạo và sự tồn tại của mọi vật thể. Thế giới xung quanh con người và chính bản thân con người luôn chịu sự chi phối và tác động của thứ khuân này, và vì thế, các tương tác với hồn diễn ra có tính thường ngày, và trong mọi lĩnh vực đời sống Thái.

Với riêng hồn của người, những kiến tạo về hệ thống này là cơ sở hình thành, tạo lập nên hệ thống các hành vi ma thuật tương tác với hồn trên cả ba cấp độ cá nhân, gia đình, bản mường, và tập trung vào hai phương diện chính:


1 Trong phần này, để ngắn gọn, tôi sẽ chỉ sử dụng khái niệm khuân với hàm nghĩa khuân/ phi khuân.

2 Trong một cuộc trò chuyện, mo Hiễn (thành phố Sơn La) có nhắc đến cụm từ này - "cái mà mắt nhìn thấy thì không sợ, chỉ sợ cái không nhìn thấy, lắm chuyện là ở cái không nhìn thấy ấy".

(1) Đảm bảo về mặt trật tự và nguyên tắc: hồn luôn cần được gắn với cơ thể, tồn tại và được bảo vệ trong một không gian nào đó, và khi thể xác chết, cần đưa hồn tới những nơi đã được tin và quy định rằng dành riêng cho hồn.

(2) Giải quyết các vấn đề liên quan đến hồn, dựa trên các thuộc tính đã được xác lập như hồn có thể tự ý rời bỏ cơ thể, dễ dàng rơi rụng, dễ buồn tủi, sợ hãi, dễ bị tổn hại. Những biến động về sức khỏe, sinh mệnh và sự an yên của đời sống con người thường được xem là liên quan tới đời sống và thuộc tính này của hồn. Vì vậy, mọi hành vi ma thuật nhằm xử lý vấn đề của hồn trong các tình huống đều hướng tới các mục đích cụ thể, trực tiếp, và đều dựa trên các nguyên tắc, thuộc tính cơ bản đã được xác lập trước đó.

Các mô tả và phân tích dưới đây sẽ tập trung vào các hành vi ma thuật giải quyết ba vấn đề lớn của đời sống hồn, cũng đồng thời tương ứng với các giai đoạn hoặc sự biến có thể xảy đến trong đời sống của một con người gồm, 1- gắn hồn với một sinh thể cụ thể, sửa chữa các hồn khi hồn rơi rụng do buồn tủi, đi lạc hoặc bị ma ác bắt giữ; 2- gắn kết hai hệ thống hồn khi hai người kết hôn; 3- phân rải, chia tách hệ thống các hồn ngụ trong cơ thể khi người chết, bảo vệ hệ thống hồn người sống khi phải đối diện với sự khủng hoảng trước cái chết của thành viên trong cộng đồng.

3.2.1.1. Gắn hồn với sinh thể: sửa hồn làm vía (peng khuân)

Với khuân của người, truyền thống Thái mặc định về sự rơi rụng thường xuyên của hệ thống các hồn vía. Điều này đặt ra nhu cầu về việc, cần có một sự kiểm soát liên tục để đảm bảo rằng, hồn vía phải được gắn liền với sinh thể. Có hai cơ chế kiểm soát khuân được cộng đồng Thái duy trì và thực hiện một cách thường xuyên, liên tục: 1- Cơ chế tự kiểm soát, khi người chủ hồn, hoặc người thân của chủ hồn thực hiện các thao tác, dùng lời nói, lời khấn để tác động/ kiểm soát/ đảm bảo cho hồn vía gắn với sinh thể; 2 - Cơ chế hỗ trợ kiểm soát, với sự tham gia của những người chuyên nghề tâm linh, của hệ thống nghi lễ và có sự hiện diện của cộng đồng (gia đình, dòng họ, dân bản).

Ở cơ chế thứ nhất, việc tự làm vía được diễn ra phổ biến trong đời sống thường ngày, với đa dạng các hình thức. Đó có thể là lời thầm thì 'pù khuần khuầy ma' (hồn đi về nhé) mỗi khi người quay về từ đâu đó, là hành động ngắt vài chiếc lá, cầm vài viên sỏi ở nơi người và hồn lui tới1, là cách viên một nắm cơm nếp nhỏ cho trẻ khi chúng đến chơi nhà, là cách tránh nói nặng lời kẻo hồn ai đó buồn tủi. Những câu chuyện kể về việc gọi hồn vía của sinh viên trọ học dưới Hà Nội, của một gia đình


1 Hành động này thường được thực hiện với câu nói "khoăn bảy ín du nị du nơ, mổm kha nay mưa hươn thôi" (vía của cháu … đi đến đây chơi, chơi xong rồi đi về nhà thôi, đừng đi lang thang).

người Thái đi du lịch, ở khách sạn, resort các nơi ở Việt Nam hay khi sang Singapore, sang Pháp, Ý cung cấp những bằng chứng đa dạng cho tâm thức kiểm soát hồn vía thường trực này.

Cơ chế thứ hai, hỗ trợ kiểm soát, được kích hoạt và thực hiện khi có biến cố đặc biệt bất thường xảy ra với hồn, thường biểu hiện qua việc chủ hồn tự dưng đau ốm, hay trước hoặc sau khi một người đối mặt với sự biến hệ trọng nào đó trong đời (chẳng hạn, trước và sau khi kết hôn, trước và sau khi chứng kiến cái chết của một người thân, trước và sau khi sinh nở). Trong trường hợp không có điều bất thường, lý tưởng nhất với một gia đình Thái là có thể thực hiện lễ gom hồn tụ vía hàng năm trong lễ cúng ma tổ tiên (xên hưỡn), đúng như câu tục ngữ Thái "muốn ăn vót đũa, muốn ở vót tên, muốn sống lâu cúng Bảu1/ muốn tuổi thọ cúng hồn"2. "Không ốm, cúng cũng tốt"3, vì cả năm di chuyển và đối diện nhiều biến cố, hồn vía chắc chắn bị rơi rụng. Còn khi đã có những bất thường về mặt sức khỏe, biểu hiện thường thấy là

các căn bệnh về mặt thể xác, các đau đớn có tính vật lý ở bộ phận nào đó trên cơ thể, các nghi lễ dành riêng cho việc tìm kiếm - gom tụ - sửa chữa - gắn hồn với từng bộ phận sinh thể sẽ được tiến hành, hướng tới mục đích xử lý trực tiếp các bất thường.

Hệ thống các lễ cúng Thái cho thấy, việc làm vía, sửa hồn cần và được thực hiện trong nhiều trường hợp. Làm vía có thể là toàn bộ mục đích của một lễ (khi hồn vía đi lạc hoặc bị phi hại bắt giữ), hoặc có thể chỉ là một phần trong chuỗi nghi lễ nhằm hướng đến việc xử lý vấn đề nào đó của phi (chẳng hạn, trong các lễ cúng xên kẻ cởi tội cho phi tổ tiên hay rũ bỏ vận hạn bị then gieo trúng hay các lễ thực hiện trước một sự biến quan trọng trong đời). Logic được đưa ra là, có sự cố là hồn vía dễ hoảng loạn và rời bỏ. Nên xử lý sự cố, cũng đồng nghĩa với việc phải gom tụ hồn về lại trong sinh thể. Từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng, dù nghi lễ diễn ra với lí do gì thì phần nghi thức chăm sóc hồn cũng luôn được thực hiện, với các thao tác thông thường nhất là gom tụ hồn vía, buộc hồn mời hồn ăn, răn hồn ngủ yên trong sinh thể.

Liên quan tới việc gắn hồn với sinh thể, để hồn ở đúng vị trí, có một hệ thống các hành vi, nghi lễ và chuỗi các lễ mà ngay trong tên gọi đã thể hiện rõ mục đích này. Lễ peng khuân4 (sửa hồn), hết khoăn (làm vía)1, với chuỗi hịak khuân, páo



1 Me Bảu: bà mụ trên mường trời, chuyên đúc hồn người ở trần gian.

2 Tiếng Thái: é kin lau thú, é dú lau pưn, é dứu xên Bảu/ é thảu é ké xên khuân.

3 Bà mo Lót (Thuận Châu) nói trong một cuộc chuyện trò, khi bà kể rằng rất muốn làm lễ cúng hồn vía cho

cả gia đình, "muốn lắm, làm được thì tốt lắm", nhưng vì mới sửa lại nhà nên hết tiền, không còn tiền để làm lễ cúng nữa.

4 Panh khuân hay peng khuân vốn vẫn được gọi là nghi lễ "cúng hồn" (panh cảu panh khuân - cúng hồn cúng vía). Chữ panh trong tiếng Thái có nghĩa là "sửa, chữa" - tương ứng với chuỗi nghi lễ sửa chữa để hệ thống hồn vía bình thường trở lại.

khuân (tìm, gọi, chiêu hồn), ha khuân (lùng, tìm kiếm hồn để mo địu, ẵm hồn trên vai trên lưng), hom khuân (gom, tụ hồn), áp khuân (tắm hồn, để hồn vía sạch sẽ xuống nhập thân), ói khuân (dỗ hồn), xú khuân2 (thết đãi hồn), tom khuân (mừng hồn, mỗi người trong nhà đến cùng ăn một miếng mừng đón hồn), son khuân (răn hồn, với son khuân dú - răn hồn ở và son khuân non - răn hồn ngủ).

Các tên gọi này tương ứng với chuỗi kết cấu thông thường của một nghi lễ sửa hồn với trình tự: 1- (mo) Đánh thức đội quân âm binh hỗ trợ dậy3; 2- Hồn mo cùng đội quân đi đến các không gian tâm linh, đánh thức chủ thể phi tại các nơi này để: Trình bày vấn đề của chủ cúng (nguyên cớ lễ cúng) - Mời ăn - Biếu quà - Xin tìm kiếm hoặc chuộc hồn vía; 3- Địu, cõng hồn vía trên thân hồn mo để mang về nhà; 4- Làm nghi thức nhập

hồn vía từng bộ phận vào cơ thể; 5- Răn dạy hồn ở yên trong thân thể; 6- Tiễn đội quân âm binh, kết thúc nghi lễ. Kèm theo hệ thống lễ này là các thao tác, hiện vật và ngôn ngữ ma thuật được sử dụng để công cuộc sửa chữa hồn vía có thể thành toàn. Ma thuật với hồn, vì thế, cũng chính là một dạng ma thuật chữa bệnh thể xác cho con người, vì "hồn vía yên ổn, khỏe mạnh thì cơ thể mình mới không đau không ốm"4.

Dù luôn được biểu đạt với một tên gọi chung là sửa hồn làm vía nhưng các tình huống sửa chữa cụ thể, đi kèm với đó là các thao tác, hành vi, hiện vật và ngôn ngữ ma thuật trên thực tế diễn ra rất đa dạng. Mo cúng là người đã có được thông tin cụ thể về vấn đề của hồn vía từ việc bói, vì thế, các hiện vật ma thuật cần chuẩn bị cho việc sửa chữa hồn đã được mo báo trước cho người nhà, và đến từng khâu, từng chặng trong lễ, mo sẽ tiến hành trực tiếp các thao tác. Nếu cúng tìm gọi hồn vía đi lạc (hiạk khuân lông), lễ không thể thiếu một túi vải to dùng để đựng áo của các thành viên trong nhà để hồn người thân níu giữ hồn vía lạc ở lại, chiếc vợt xúc cá để xúc giữ hồn, thanh củi cháy dở chặn ma dữ. Mo khoác túi ra ngoài đường, vừa gọi vừa lấy vợt xúc hồn vía cho vào túi áo và mang lên nhà, buộc hồn vào tay chủ áo.


1 Tên gọi ở vùng Thái trắng Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên.

2 Trong các văn bản cúng, xú khuân vẫn được dịch là "cúng hồn", hoặc đôi khi là "tụ hồn", "mừng hồn". Nhưng từ nghĩa đen trong tiếng Thái là 1. cưới, 2. thết đãi, tương ứng với thao tác, lời cúng khấn trong nghi lễ của thầy mo mời hồn ăn sau khi đã nhập vào từng bộ phận - hồn tay vào tay, hồn mắt vào mắt…

3 Trong các văn bản cúng, đội quân âm binh này được mô tả là sống trên mường một, chuyên hỗ trợ các mo

một trong việc đi tìm hồn gọi vía tại các nơi về; chịu sự điều khiển, sai khiến, răn dạy của các mo. Các mo luôn có một cách thức ứng xử thống nhất với đội quân này: đánh thức dậy - mời ăn - kéo đi cùng các nơi - căn dặn không phá hoại bất cứ thứ gì tại các nơi đến - xong việc, mo gom tụ xuống đủ, tắm táp rồi mời ăn, mời trở lại ngụ trên mường một.

4 Bà mo Song ở Mộc Châu thường xuyên nói câu này trong các cuộc chuyện trò.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023