đã hiểu được những nguyên nhân từ xã hội đã xô đẩy người phụ nữ vào con đường tội lỗi, vì vậy mà dưới mắt ông, họ trở nên đáng thương hơn đáng giận và cần nhận được sự đồng cảm. Có thể nói, đây là một hiện tượng chỉ có thể có ở các nhà văn hiện thực với nguyên tắc khách quan cao độ, chứ chưa thể có ở những nhà văn lãng mạn, mặc dù nhân vật của họ lại có khá nhiều đột biến. Tất nhiên, không phải bất cứ nhân vật nào trong chủ nghĩa hiện thực cũng nổi loạn vì có những loại nhân vật nhà văn đã quen thuộc, do đó, đã dự kiến số phận và tính cách khách quan của nó một cách đúng đắn ngay từ đầu. Mặt khác, hiện tượng nào là nhân vật nổi loạn, chỉ có nhà văn nói ra hoặc khi chúng ta có điều kiện đối chiếu văn bản chính thức của tác phẩm với những bản thảo đầu tiên mới có thể biết được.
Như vậy, nguyên tắc khách quan đã khiến nhà văn không còn giữ vai trò độc tôn đối với tác phẩm nữa. Cái có ý nghĩa quyết định đối với tác phẩm giờ đây là những quy luật khách quan, những logic không thể cưỡng lại của đời sống tự nhiên. Nhân vật giờ đây không phải là sản phẩm thụ động của một sự nhào nặn tùy tiện nữa mà là một đối tượng buộc nhà văn phải tôn trọng và nghiên cứu.
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, tác phẩm văn học cũng là sản phẩm của người nghệ sĩ nên không thể không mang dấu ấn chủ quan của họ. Nhà văn lúc này không đánh mất vai trò của mình, tác phẩm hay dở vẫn còn tùy thuộc vào tài năng của nhà văn. Hơn nữa, về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ sĩ thường là người có trái tim nồng nhiệt, có tâm hồn nhạy cảm và có tình cảm hồn nhiên, bộc trực. Do vậy, họ không thể dửng dưng, lãnh đạm trước cuộc sống mặc dù văn học là tấm gương lớn di chuyển trên đường cái quan như Stendhal đã nói, mà phải miêu tả, dẫn dắt các hiện tượng của thế giới bên ngoài xuyên qua cái tâm hồn sinh động của mình. Như vậy, yếu tố chủ quan vẫn không thể thiếu vắng trong văn học hiện thực, chỉ có điều các nhà văn cần có ý thức luôn khách quan hóa cái chủ quan của mình mới tạo nên được nhưng tác phẩm hiện thực. Những tác phẩm đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực ít nhiều còn mang tính chủ quan do còn chịu ảnh hưởng sâu đậm các tác phẩm lãng mạn. Càng về sau, tính khách quan càng cao hơn, chất hiện thực càng đậm nét hơn.
Mặc dù tuân thủ nguyên tắc lịch sử - cụ thể, phản ánh cuộc sống một cách chân thực, khách quan, chủ nghĩa hiện thực vẫn sử dụng những thủ pháp huyền ảo, phi thực tế. Sự thành công của Gogol với Chiếc áo khoác, Cái mũi, của Balzac với Miếng da lừa, Lọ nước thần,… đã cho thấy tính chất mở của thi pháp hiện thực chủ nghĩa, cho
phép trào lưu này sử dụng tương đối đa dạng những thủ pháp nghệ thuật nhằm đạt mục đích tái hiện chân thực cuộc sống.
Với những đặc điểm mĩ học của mình, văn học hiện thực chủ nghĩa đã mang lại cho văn học châu Âu một gương mặt mới. Từ chiếc nôi ấy, chủ nghĩa hiện thực đã ngày một lan rộng sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam.
4.4. Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam
Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam xuất hiện tương đối muộn, sau khi đã hình thành ở châu Âu gần một thế kỉ, đó là những năm 20 của thế kỉ XX. Vì hình thành trên cơ sở lịch sử xã hội và sự phát triển của văn hóa dân tộc nên chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam vừa mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện thực đã phát triển ở châu Âu vừa mang những nét riêng của văn học hiện thực Việt Nam. Do cơ cấu xã hội của Việt Nam lúc bấy giờ là xã hội thực dân phong kiến, nên sự phân hóa và đấu tranh giai cấp diễn ra khá phức tạp. Ngoài mâu thuẫn giai cấp còn có mâu thuẫn dân tộc và cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giai cấp gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều kiện lịch sử xã hội này đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của khuynh hướng văn học lúc bấy giờ. Về mặt văn hóa xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức đang bị xâm hại trầm trọng trước sức mạnh của đồng tiền và cuộc xâm lăng văn hóa từ phương Tây. Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện lai căng và nguy cơ bào mòn bản sắc còn là quá trình tiếp thu những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa phương Tây, như sự học tập các trào lưu văn hóa tiến bộ, trong đó có chủ nghĩa hiện thực và sự phát triển của một số thể loại như phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch. Không có những thể loại này, chủ nghĩa hiện thực không thể thực hiện những yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật của mình. Hơn nữa, đây cũng là thời kì chữ quốc ngữ phát triển khá nhuần nhuyễn, giúp cho việc sáng tác và tiếp nhận trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn. Những điều kiện văn hóa xã hội này chính là tiền đề góp phần tạo nên sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực trên mảnh đất văn hóa Việt Nam.
Nhìn chung, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam mang những đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện thực phương Tây. Các nhà văn với cảm quan lịch sử đã phản ánh trong tác phẩm của mình những sự kiện nóng bỏng, những vấn đề cấp bách và quan trọng của thời đại, cho thấy được đối kháng và đấu tranh giải quyết xung đột giữa các giai cấp trong xã hội. Hơn nữa, họ cũng đi sâu khám phá thế giới bên trong con người, thể hiện một sự tinh tế trong cảm nhận và tái hiện đời sống tâm lí của con người. Ngôn ngữ dân tộc được sử dụng đạt đến độ thành thục, điêu luyện. Các thể loại
văn học phát triển đa dạng, trong đó nhiều tiểu thuyết, nhất là truyện ngắn đạt đến trình độ không thua kém so với những đỉnh cao văn học phương Tây. Đó là lí do vì sao trong một số trường hợp, việc so sánh Nguyễn Công Hoan với Maupassand, Vũ Trọng Phụng với Balzac, Nam Cao với Chekhov không phải là nói quá. Tuy nhiên, do sự quy định của điều kiện lịch sử, xã hội nên văn học hiện thực Việt Nam chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với nông dân. Hình tượng nhân vật tư sản trong văn học Việt Nam tương đối mờ nhạt, nhường vị trí trung tâm cho những tên quan lại bóp nặn, áp bức nhân dân. Loại nhân vật này cùng với hình tượng nhân vật quan lại phong kiến trên đường tư sản hóa này và một số trường hợp nhân vật thực dân đã quyết định cảm hứng phê phán của văn học lúc này. Bên cạnh đó, khác với văn học hiện thực phương Tây, hình ảnh người nông dân thấp cổ bé họng chiếm một vị trí rất đáng kể trong văn học hiện thực Việt Nam, với cảm hứng trân trọng và cảm thương sâu sắc. Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, một số nhà văn đã tiếp thu tư tưởng Marxist, đã nhận thấy và miêu tả thành công cuộc đấu tranh của những con người giác ngộ lí tưởng cách mạng. Văn học lúc này có thêm hình ảnh của giai cấp công nhân, thể hiện tinh thần chiến đấu và lạc quan cách mạng.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn Đề Chủ Nghĩa Lãng Mạn Trong Văn Học Việt Nam
- Lí luận văn học 3 Tiến trình văn học - Đại học Tây Đô - 7
- Lí luận văn học 3 Tiến trình văn học - Đại học Tây Đô - 8
- Chủ Nghĩa Siêu Thực (Surrealism) Và Chủ Nghĩa Trừu Tượng (Abstractionism)
- Mô Tả Cuộc Sống Trong Quá Trình Phát Triển Cách Mạng
- Lí luận văn học 3 Tiến trình văn học - Đại học Tây Đô - 12
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
Nói tóm lại, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam có những đặc điểm chung của văn học hiện thực thế giới, đồng thời có những đặc trưng riêng của một nền văn học phát triển trong điều kiện lịch sử xã hội đặc biệt. Chính điều này đã quy định nên những đặc điểm của việc nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực trong khoa nghiên cứu văn học của Việt Nam.
4.5. Một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu
- Văn học Anh: Charler Dickens (Devid Copperfeild), Uyliam Thackeray (Hội chợ phù hoa), Scharlos Bronti (Jen Ere)…
- Văn học Pháp: Stendhal (Đỏ và đen), Balzac (Tấn trò đời: Lão Goriot, Eugenie Grandet), Flaubert (Bà Bovary), Gui de Maupassant (Viên mỡ bò), …
- Văn học Nga: Puskin (Evgeni Onegin, Người con gái viên đại úy, Con đầm pich), Gogol (Những linh hồn chết, Chiếc áo khoác), Turgenev (Cha và con), Lev Tolstoi (Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh), Tchekhov (tập truyện ngắn), Dostoievski (Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamadov, Lũ người bị quỷ ám), …
- Văn học Việt Nam: sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nam Cao, …
CÂU HỎI ÔN TẬP
1) Hãy chứng minh một trong các tác phẩm tiêu biểu được giới thiệu ở trên là tác phẩm được sáng tác theo phương pháp hiên thực chủ nghĩa.
2) Chỉ ra những điểm kế thừa của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn.
3) Chỉ ra những điểm phủ định của chủ nghĩa hiện thực đối với chủ nghĩa lãng mạn.
4) Chỉ ra sự giao thoa giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực trong những hiện tượng văn học cụ thể.
Chương 5
CHỦ NGHĨA TỰ NHIÊN
VÀ CÁC TRÀO LƯU THUỘC CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI
Từ nửa sau thế kỉ XIX, trong văn học có sự xuất hiện đồng loạt của nhiều trào lưu văn học khác nhau, tuy tồn tại không lâu nhưng ảnh hưởng của những trào lưu này đến văn học nói riêng và xã hội nói chung là không nhỏ. Nếu như chủ nghĩa tự nhiên được cho là sự tiếp nối của chủ nghĩa hiện thực (phê phán) thì các trào lưu thuộc chủ nghĩa hiện đại được cho là sự tiếp nối của chủ nghĩa lãng mạn.
5.1. Chủ nghĩa tự nhiên (Naturalism)
Chủ nghĩa tự nhiên khác với trường phái tự nhiên và tính chất tự nhiên chủ nghĩa. Trường phái tự nhiên chỉ một trường phái ở Nga bao gồm các nhà văn hiện thực khoảng những năm 40 - 50 thế kỉ XIX mà cơ sở lí luận của họ là những quan niệm về văn học và nghệ thuật của Belinsky đương thời. Tính chất tự nhiên chủ nghĩa có rải rác trong văn học xưa nay, chỉ những sự mô tả tràn lan, thiếu khái quát, nhất là hay tập trung vào những khía cạnh sinh vật của con người dẫn đến hậu quả hạ thấp thị hiếu thẩm mĩ của người đọc.
Chủ nghĩa tự nhiên vừa có nghĩa là trào lưu vừa có nghĩa phương pháp sáng tác, hình thành một cách tiêu biểu trong văn học Pháp nửa sau thế kỉ XIX. Lúc này, mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản càng trở nên hết sức gay gắt. Chế độ tư bản bộc lộ hết bản chất phản động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào cách mạng phát triển nhanh chóng, nhưng còn non yếu. Công xã Paris đã bị dìm trong bể máu. Trước tình cảnh ấy, một số nhà văn tuy nhận thấy mặt trái của xã hội nhưng cảm thấy hoàn toàn bị bất lực trước các thế lực cường bạo. Không đi sâu vào những cội nguồn xã hội, họ chỉ trình bày tội ác và tệ nạn trong sang tác của mình. Chủ nghĩa tự nhiên, do vậy, đã hình thành trên tâm trạng bi quan của một số nhà văn, mà tiêu biểu là Zola, Goncuort.
Về mặt tư tưởng, chủ nghĩa tự nhiên chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng của O. Comte và mĩ học H. Ten. Đây là lí thuyết phủ nhận bản chất và nguồn gốc của sự vật, cho rằng chỉ có những sự kiện và hiện tượng vật chất nghe nhìn và cảm thấy được, khoa học giải thích và kiểm nghiệm được mới đáng tin cậy, còn bản chất bên trong thì không cần tìm hiểu. Ảnh hưởng lí thuyết này, chủ nghĩa tự nhiên đã từ bỏ
khía cạnh xã hội, thường tập trung khai thác khía cạnh sinh vật và sinh lí của con người.
Vì lẽ trên, chủ nghĩa tự nhiên lấy nhân vật trung tâm của mình là con vật - người, vứt bỏ con người xã hội như Balzac đã chủ trương trong chủ nghĩa hiện thực phê phán. Họ cũng vứt bỏ luôn việc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực, tập trung vào việc khắc họa những tính khí, hiểu theo nghĩa sinh lí cá biệt, ngẫu nhiên. Nhân vật nói chung không có hồn, không có tư tưởng tình cảm hiểu theo nghĩa thông thường, mà là cảm nghĩ và hành động đều theo sự chi phối của sinh lí, di truyền và bệnh hoạn, ...
Hoàn cảnh mà trong đó nhân nhân vật hoạt động cũng được các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa quan niệm khác đi. Nó có thể mở rộng đến tất cả cái gì tác động đến cơ thể như nơi ở, thời tiết, thức ăn, thậm chí là cây cỏ, ... nhưng chỉ bao gồm những gì có tác dụng kích thích tính dục của con người. Vì vậy, những hoàn cảnh quen thuộc thường được xây dựng trong văn học tự nhiên chủ nghĩa thường là quán rượu, nhà thổ,
...
Với tính cách và hoàn cảnh như trên, đặc trưng nghệ thuật cơ bản của chủ nghĩa tự nhiên tất sẽ thiên về cự tuyệt điển hình hóa. Chi tiết được mô tả gần như chụp ảnh, được huy động một cách tràn lan, ngẫu nhiên. Nói cách khác, chi tiết đã trở thành cứu cánh chứ không phải là một phương tiện nữa. Ngôn ngữ trong các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa có phần sống sượng, giàu tính khêu gợi, có khi bất chấp cả văn phạm, thiếu một sự tinh tế trong văn phong. Về mặt chính trị, các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa thể hiện thái độ phi chính trị. Vì vậy, mâu thuẫn xã hội đang sôi sục với những đợt đấu tranh giai cấp quyết liệt đôi khi bị bỏ qua.
Phần trên chúng ta đã nói đến những nét đặc trưng của chủ nghĩa tự nhiên một cách thuần túy. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Zola, người được xem là chủ soái của chủ nghĩa tự nhiên, lại viết Gia đình Rougon – Marca với tầm vóc và giá trị hiện thực không thua kém Tấn trò đời của Balzac. Lê Ngọc Tân, trong Chủ nghĩa tự nhiên Zola và tiểu thuyết, cho rằng chủ nghĩa tự nhiên không chỉ “chụp ảnh”, hoặc “bê nguyên thực tế” vào tác phẩm như chúng ta tưởng mà luôn miêu tả cuộc sống với “tất cả sự phong phú của nó”. Qua phân tích tác phẩm Nana, Quán rượu, Hiệu hạnh phúc các bà, Nảy mầm, ông đã cho thấy sáng tác của Zola có sự “kết hợp khoa học với nghệ thuật một cách mới”, “sáng tạo một mĩ học mới”, “cho mọi thực tại một cuộc sống mới”. Nhà văn đã hiện đại hóa nghệ thuật tiểu thuyết lúc đương thời, bằng việc kết
hợp ngòi bút khách quan với bút pháp miêu tả thế giới “kì ảo, đầy màu sắc, vừa khủng khiếp vừa trữ tình”, bằng việc dân chủ hóa đề tài, tư tưởng, ngôn ngữ, vứt bỏ những điều cấm kỵ, không tránh né các vấn đề tính dục, bản năng, các nhân vật dưới đáy với ngôn ngữ bình dân. Kết quả là những tiểu thuyết của Zola đã “làm say mê lòng người từ trên một thế kỉ nay”1. Ở Việt Nam, các nhà văn trước đây bị cho là ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên, như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, … ở một số tác phẩm, ngày nay, cũng được nhìn nhận khách quan, hợp lí hơn.
5.2. Các trào lưu thuộc chủ nghĩa hiện đại (Modernism)
5.2.1. Chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism)
Trước hết cần phân biệt chủ nghĩa tượng trưng với phép tượng trưng. Phép tượng trưng vốn phản ánh được nội dung thực tế và có thể thấy ở nhiều phương pháp sáng tác khác nhau. Chủ nghĩa tượng trưng là một khuynh hướng văn học phát triển rộng rãi ở châu Âu vào những năm 70, 80 thế kỉ XIX. Ở Pháp có Rimbaud, Verlaine, Malarme; ở Bỉ có Roden và Meterlin; ở Đức có George và Hofman; ở Áo Rinke và Gopmantan; ở Anh có Wande và ở Nauy có Ipsen giai đoạn sau. Bước sang những năm 90, ở Nga có Merecovsky, Ivanov, Belưi, Brusov, Banmon, Blok, ...
Chủ nghĩa tượng trưng phủ nhận lí trí, cho đó là nguồn gốc đưa lại một lối sống con buôn, vị kỉ, một thứ văn minh vật chất bẩn thỉu. Tuyên bố gạt bỏ mọi luận đề, mọi khuynh hướng tư tưởng, trên thực tế, chủ nghĩa tượng trưng trốn tránh hiện thực, chìm sâu vào trạng thái tâm hồn của thi nhân mà nhiều khi chỉ là sự linh cảm được khơi dậy từ cõi vô thức. Các nhà văn thích nói đến những âm điệu chủ quan, họ cho rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ tồn tại như là những dấu hiệu tượng trưng cho bản chất huyền bí của tạo vật, mà chỉ riêng nhà thơ mới có những khả năng thiên bẩm, kì diệu để thâm nhập và biểu đạt được những hình ảnh tượng trưng ấy. Malarme quan niệm Thơ là một thứ siêu cảm giác, không thể giải thích được. Hình tượng thơ không cần có rõ nét, cốt ở nghĩa bong. Bài thơ được quan niệm như một bản hòa âm huyền ảo, trong đó, vần điệu, thi luật truyền thống bị đảo lộn; ngữ pháp, ngôn từ, ... nhiều khi rất bí hiểm.
Tuy vậy, cũng có những sáng tác của một số nhà thơ tượng trưng như Rimbaud, Meterlin, Rinke, Ipsen, ... có chỗ vượt ra ngoài quan điểm lí luận của họ, mang giá trị nghệ thuật cao. Ngoài ra, cũng có một số nhà thơ khác, trong quá trình sáng tác, đã thoát li quan điểm lí luận của chủ nghĩa tượng trưng chuyển sang thơ ca cách mạng, như trường hợp của Brusov và Blok, ...
1 Chủ nghĩa tự nhiên Zola và tiểu thuyết, tr.281
5.2.2. Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism)
Chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện vào những năm đầu thế kỉ XX, đến những năm 30, ở một số nước Âu Mĩ, nhất là Đức và Áo sau thế chiến thứ nhất. Ban đầu, trào lưu này xuất hiện trong hội họa, sau đó lan sang âm nhạc, văn học, sân khấu và điện ảnh.
Chủ nghĩa biểu hiện chủ trương không mô tả sự vật khách quan mà phải biểu hiện thực chất bên trong, không dừng lại ở miêu tả hành vi và hoàn cảnh mà phải đi sâu vào tâm hồn con người, không ghi chép những hiện tượng ngẫu nhiên mà phải chạm đến bản chất vĩnh hằng. Chịu ảnh hưởng của I. Kant, Cross, Bergson và Freud, họ nhấn mạnh “hiện thực chủ quan”, biểu hiện chính bản thân nghệ sĩ. Họ hay phóng đại nhằm làm biến dạng hình ảnh bên ngoài nhằm làm nổi bật nội tâm với những tình cảm mạnh mẽ, bùng nổ bên trong. Vì vậy, trong hội họa, ít thấy sự hài hòa về màu sắc mà thường là những tương phản bởi những mảng màu chói gắt. Trong âm nhạc, không coi trọng hòa âm và giai điệu, cốt gợi lên những xúc động mãnh liệt, chối bỏ thực tế.
Trong sân khấu, chủ nghĩa biểu hiện thể hiện ở sự phê phán trật tự xã hội đương thời và sân khấu giáo điều, công thức. Trang trí sân khấu không mô phỏng thực tại đời sống mà nhằm làm rõ cách nhìn nhận cuộc sống đặc biệt của tác giả thông qua các nhân vật. Chủ nghĩa biểu hiện tập trung sự chú ý vào những sự việc và sự kiện thứ yếu nhưng có sức kích động cảm giác của người xem, những tương phản ánh sáng, những kiểu nói và động tác cuốn hút được người xem là chủ yếu. B. Brecht nhà văn lớn của Đức, là người đại diện cho sân khấu biểu hiện chủ nghĩa.
Trong điện ảnh, chủ nghĩa biểu hiện xuất hiện trong điện ảnh Đức từ 1915 - 1925, thời kì khủng hoảng, mâu thuẫn xã hội sâu sắc sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Phim của các nhà điện ảnh theo chủ nghĩa biểu hiện thể hiện cuộc sống thực tại thông qua xúc cảm cá nhân, pha trộn tư tưởng chống đối chiến tranh, chống quyền lực độc đoán, với những cảm giác chủ quan, thần bí. Tiêu biểu là bộ phim Phòng làm việc của bác sĩ Caligari, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn người Đức, R. Wiene.
Trong văn học, thơ ca biểu hiện chủ nghĩa thường thể hiện nỗi căm ghét cảnh đô thị huyên náo, hỗn loạn, sa đạo và đầy rẫy tội ác, kêu gọ trở về với nhân tính phổ biến, những tình cả ẩn dật. Hình thức thơ thường tự do, không câu nệ ngữ pháp, ngắn gọn, tiết tấu rõ, về sau trở thành “thơ thuần túy” với những âm thanh, tiết tấu không mang sắc thái tư tưởng. Tiêu biểu như Ngày thu của kẻ cô đơn, Tuổi thơ của Thrakon ở Áo và Ngày mới, Thần của thành phố của Heim ở Đức, … Trong tiểu thuyết, chủ
nghĩa biểu hiện thường gắn với tên tuổi của Kafka ở Áo và J. Joyse owe Irland. Nhân