7.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể
7.2.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
Phương pháp nghiên cứu tài liệu, sách, báo từ đó xác định hướng nghiên cứu đề tài, các khái niệm liên quan đến KNHT trong học thực hành của SV SPKT.
7.2.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi;
- Phương pháp quan sát;
- Phương pháp phỏng vấn sâu;
- Phương pháp giải bài tập tình huống;
- Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động;
Có thể bạn quan tâm!
- Kỹ năng hợp tác trong học thực hành của sinh viên các trường đại học sư phạm kỹ thuật - 1
- Kỹ năng hợp tác trong học thực hành của sinh viên các trường đại học sư phạm kỹ thuật - 2
- Các Nghiên Cứu Về Kỹ Năng Hợp Tác Trong Học Thực Hành
- Các Mức Độ Hình Thành Kỹ Năng
- Khái Niệm Kỹ Năng Hợp Tác Trong Học Tập Của Sinh Viên
Xem toàn bộ 251 trang tài liệu này.
- Phương pháp chuyên gia;
- Phương pháp thực nghiệm sư phạm tác động;
- Phương pháp xử lý số liệu và đánh giá bằng thống kê toán học với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS phiên bản 20.0;
8. Đóng góp mới của luận án
8.1. Đóng góp về mặt lý luận
Luận án đã góp phần làm sáng tỏ lý luận về kỹ năng hợp tác trong học thực hành của SV SPKT. Cụ thể: luận án đã xây dựng được các khái niệm: hợp tác, kỹ năng hợp tác, kỹ năng hợp tác trong học tập, kỹ năng hợp tác trong học thực hành của sinh viên SPKT, qua đó bổ sung lý luận về kỹ năng hợp tác. Xác định được 3 nhóm KN thành phần của KNHT trong học thực hành của SV SPKT bao gồm: KN lập kế hoạch hợp tác; KN tổ chức thực hiện kế hoạch hợp tác và KN đánh giá hiệu quả hợp tác. Xác định được các yếu tố từ SV và nhà trường ảnh hưởng tới KNHT trong học thực hành của sinh viên SPKT. Với những kết quả này đã góp phần làm sáng tỏ hơn lý luận về KNHT trong học thực hành của sinh viên SPKT, đóng góp vào lý luận về KN trong tâm lý học.
8.2. Đóng góp về thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần làm sáng tỏ mức độ biểu hiện của các kỹ năng thành phần của KNHT trong học thực hành của SV các trường
đại học SPKT hiện nay, đồng thời xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng này. Đề xuất được biện pháp tác động tâm lý - sư phạm có tính khả thi nhằm nâng cao KNHT trong học thực hành cho sinh viên SPKT. Kết quả nghiên cứu này góp phần bổ sung nguồn tư liệu thực tiễn cho giảng viên và sinh viên trong giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy nghề trong các trường SPKT. Các kết quả khảo sát thực trạng cũng là tư liệu thực tiễn đối với giáo viên giảng dạy các môn kỹ thuật, công nghệ ở các trường phổ thông và các cơ sở đào tạo nghề khác.
9. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu và kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến luận án đã được công bố, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về kỹ năng hợp tác trong học thực hành của sinh viên đại học sư phạm kỹ thuật.
Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu.
Chương 3: Kết quả nghiên cứu thực trạng về kỹ năng hợp tác trong học thực hành của sinh viên các trường Đại học sư phạm kỹ thuật.
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KỸ NĂNG HỢP TÁC TRONG
HỌC THỰC HÀNH CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT
1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Các nghiên cứu về kỹ năng hợp tác trong học tập của sinh viên
1.1.1.1. Các nghiên cứu ở nước ngoài
Kỹ năng hợp tác trong học tập được nhiều tác giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu theo hai hướng chính:
Hướng tiếp cận KNHT trong học tập dưới góc độ hoạt động học tập hợp tác
Những năm đầu thế kỷ 20, nhà Tâm lý học L.X.Vưgotsky đưa ra lí thuyết học tập tương tác. Theo ông, cơ chế của việc học là sự kết hợp giữa học cá nhân và học hợp tác. Đồng quan điểm này, Slavin R.E (1990) cũng nhấn mạnh “thông qua việc hướng dẫn của thầy và làm việc hợp tác với bạn học, học sinh được trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ… để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung, thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của các em nhanh hơn so với các hoạt động cá nhân” [67]. Slavin R. E (1983) cho rằng: hợp tác trong học tập chỉ đạt kết quả cao khi hội tụ đầy đủ các yếu tố: sự tự nỗ lực, sự cố gắng không ngừng nghỉ của cá nhân và đánh giá kết quả học tập dựa vào sản phẩm cá nhân; kết quả học tập được đánh giá trong điều kiện cạnh tranh; xây dựng kế hoạch giảng dạy dựa trên các nhiệm vụ học tập khác nhau; thái độ của người học khi làm việc hợp tác; sự vận dụng các KN xã hội của mỗi cá nhân [71].
Larson & LaFasto (1989) quan niệm, hợp tác là điều kiện, môi trường quan trọng để nhóm làm việc hợp tác thực hiện có hiệu quả công việc. Không có sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm sẽ không hoàn thành được công việc chung. Sự hợp tác trong nhóm thể hiện ở sự sẵn sàng, tin tưởng, sự sẻ chia, sự tôn trọng nhau giữa các thành viên [60].
Theo Johnson (1994), hợp tác trong học tập là hoạt động học tập mà trong đó học sinh làm việc cùng nhau để tối đa hóa khả năng học của mình với các thành viên khác nhằm đạt mục đích học tập đặt ra. [78]
Johnson D. W & Johnson R.T (1995) cho rằng KNHT trong học tập biểu hiện ở sự kết hợp, cộng tác, phối hợp giữa các cá nhân với nhau; hợp tác là môi trường để làm việc nhóm hiệu quả [77].
Luca, J & Tarricone, (2001), quan niệm các cá nhân trong nhóm phải có đủ khả năng để thích ứng với môi trường làm việc hợp tác nơi mà các mục tiêu chung chỉ đạt được thông qua sự phối hợp, sự liên kết xã hội không phải là sự cạnh tranh của các mục tiêu cá nhân [59].
Martin Hoegl & Hans Georg Gemuenden (2001), quan niệm có 5 yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của làm việc hợp tác trong nhóm, bao gồm: giao tiếp; sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau thường xuyên; sự công bằng giữa các thành viên trong nhóm; sự tự giác, tích cực, nỗ lực của các thành viên và sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên khi thực hiện nhiệm vụ chung của nhóm [61].
Zhuang và các cộng sự (2008), cho rằng KNHT giữa các thành viên trong học tập nhóm thể hiện ở các mặt: chiến thuật giải quyết xung đột và bất đồng giữa các thành viên trong nhóm; chiến thuật trong việc tiếp xúc, trao đổi công việc với nhau; KN thích ứng; KN liên kết giữa các thành viên trong nhóm; sự hỗ trợ, động viên lẫn nhau giữa các thành viên [81].
Có thể thấy, các tác giả Baggs &Schmitt (1988), Martin Hoegl & Hans Georg Gemuenden (2001) nêu ra cũng như quan điểm của Zhuang và các cộng sự (2008), đều nhấn mạnh đến thành tố tạo nên hợp tác đó là: phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau một cách thường xuyên giữa các thành viên khi tham gia làm việc cùng nhau, thông qua sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tự nguyện, sự cởi mở, tin tưởng, tôn trọng nhau, cùng với sự nỗ lực của từng cá nhân để thực hiện tốt các mục tiêu của cá nhân và mục tiêu chung.
Như vậy, khi bàn về KNHT trong học tập các tác giả nước ngoài đều nhấn mạnh đến hoạt động phối hợp, gắn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình làm việc hợp tác.
Có thể thấy, những người xem KNHT dưới góc độ hoạt động đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng sự phối hợp hoạt động của cá nhân. Tuy nhiên các tác giả
đều thống nhất rằng, sự phối hợp hoạt động được coi là có tính hợp tác khi các cá nhân nỗ lực hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, sự cởi mở, tin tưởng, tôn trọng nhau để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ học tập của cá nhân cũng như nhiệm vụ học tập chung.
Hướng tiếp cận KNHT trong học tập là một quá trình gắn kết, hỗ trợ, chia sẻ giữa các thành viên trong nhóm học tập
Các tác giả V.Ôkôn.V (1981), I.F Kharlamov (1978) cho rằng để có được KNHT nhóm, trước hết phải biết xây dựng, lập kế hoạch học tập và thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đó. Đây là yếu tố quan trọng trong hoạt động học tập của sinh viên nhằm đạt hiệu quả cao [45], [47]. Tuy nhiên, ở đây các tác giả mới chỉ quan tâm đến việc trong nhóm đã tiến hành lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ học tập cho các cá nhân như thế nào và việc thực hiện kế hoạch diễn ra có thực sự nghiêm túc hay không. Các tác giả chưa bàn đến việc đánh giá hiệu quả của việc thực hiện kế hoạch học tập đạt ở mức độ nào, những yếu tố nào tốt cần được phát huy, những yếu tố nào cần chú ý rèn luyện thêm.
Baggs & Schmitt (1988) cho rằng hợp tác là KN phức hợp do nhiều thành tố tạo nên, bao gồm: sự chia sẻ để lên kế hoạch; ra quyết định; giải quyết vấn đề; thiết lập mục tiêu; trách nhiệm cá nhân; làm việc phối hợp; giao tiếp; sự cởi mở. Như vậy theo quan niệm của các tác giả, hợp tác được tạo nên thông qua nhiều thành tố, trong đó có các thành tố cơ bản là sự chia sẻ để lên kế hoạch; sự phối hợp làm việc cùng nhau; sự cởi mở…[51].
Theo Cohen (1994), Học tập nhóm có sự hợp tác sẽ được được thể hiện ở nhóm nhỏ (4 – 6) sinh viên tham gia vào một nhiệm vụ tập thể đã được phân công rõ ràng [52]. Theo tác giả, học tập hợp tác trong nhóm là một quá trình học tập mà trong đó các thành viên phối hợp với nhau để lập kế hoạch, phân công công việc hợp lý cho từng thành viên, có sự hợp tác giữa các thành viên để hoàn thành nhiệm vụ học tập chung, đồng thời thông quá đó để tiếp thu tri thức, hình thành kỹ năng, kỷ xảo tương ứng.
Theo D. W.Johnson, Roger T.Johnson & Holubec (1998) cho rằng, có 5 đặc điểm quan trọng nhất góp phần thành công vào hoạt động hợp tác trong nhóm học
tập là: sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực; ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân; sự tác động tương hỗ; các năng lực xã hội; đánh giá trong các nhóm [56]. Theo tác giả để hợp tác trong học tập đạt kết quả ngoài việc chú ý đến ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ sẵn sàng tích cực phối hợp, hỗ trợ của mỗi cá nhân trong nhóm cần chú ý đến việc đánh giá kết quả thực hiện công việc trong nhóm. Bởi có đánh giá kết quả làm việc hợp tác cùng nhau mới thấy hết được những cái được, cái chưa được của từng thành viên cũng như của nhóm để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tuy nhiên, quá trình hợp tác trong học tập được tổ chức, triển khai các bằng cách nào thì chưa được làm rõ.
Scarnati J.T (2001) cho rằng “làm việc nhóm là một quá trình hợp tác giúp các thành viên bình thường đạt được các kết quả phi thường” [66]. Theo đó, hợp tác trong học tập là quá trình làm việc chung cùng nhau trong nhóm, thông qua đó làm cho từng thành viên dần thích ứng với sự phân công công công việc, sự phối hợp giữa các cá nhân để hoàn thành công việc chung. Trong hoạt động nhóm, tính cách, năng lực của mỗi cá nhân được bộc lộ, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với tập thể được nâng cao.
Cobbe Jim (2008), cho rằng đối với sinh viên ngoài việc phải có KN chuyên ngành được đào tạo vừa phải có KN mềm, KN mà bất cứ môi trường làm việc nào cũng đòi hỏi như KN làm việc theo nhóm, KN lập kế hoạch làm việc cho bản thân, KN xử trí các tình huống trong quan hệ với cấp trên và cấp dưới, KN quản lý thời gian, và KN nghiên cứu để tìm câu trả lời nếu nó không có sẵn [54].
Có thể thấy, các tác giả theo hướng này đều thống nhất rằng trong học tập, cũng như trong cuộc sống nếu không có KNHT sẽ không có thành công, KNHT trong học tập bao gồm các KN chia sẻ để lập kế hoạch, phối hợp, bàn bạc để ra quyết định thực hiện kế hoạch để giải quyết các vấn đề đặt ra nhằm hoàn thiện công việc cá nhân và công việc chung của nhóm KN đánh giá kết quả thực hiện nhằm thúc đẩy quá trình làm việc hợp tác đạt hiệu quả cao hơn.
1.1.1.2. Các nghiên cứu về kỹ năng hợp tác trong học tập ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hiện nay cũng đã có một số công trình nghiên cứu về KNHT trong học tập, cũng chủ yếu đi theo hai hướng sau:
Hướng tiếp cận KNHT trong học tập dưới góc độ hoạt động học tập hợp tác.
Tác giả Ngô Thị Thu Dung (2002) dựa trên cách tiếp cận hoạt động, quan sát quá trình học hợp tác nhóm của học sinh tiểu học, tác giả đã chỉ ra 18 KNHT cơ bản thuộc 3 nhóm: nhóm KN nhận thức học tập; nhóm KN tổ chức; nhóm KN giao tiếp cần phải rèn luyện cho học sinh tiểu học [9].
Tác giả Đặng Thành Hưng khi nghiên cứu: "Hệ thống KN học tập hiện đại” [14], “Nhận diện và đánh giá kỹ năng” [15], “Dạy học hiện đại - lý luận, biện pháp, kỹ thuật” [16]... đã chỉ ra hệ thống các KN học tập trong môi trường hiện đại chính là thiết lập các mối quan hệ tích cực, cùng nhau hợp tác chia sẻ và giải quyết các vấn đề. Tác giả đề ra 5 nguyên tắc trong học tập hợp tác: sự phụ thuộc tích cực, sự tương tác trực diện, trách nhiệm và công việc cá nhân, sử dụng những KN cộng tác trong nhóm và nguyên tắc xử lý tương tác nhóm. Tác giả đã chỉ ra điểm khác biệt giữa học kiểu hợp tác, học kiểu cá nhân, nhóm cạnh tranh. Tác giả cũng nêu ra các nguyên tắc của dạy học hợp tác nhóm nhỏ và các biện pháp đảm bảo những nguyên tắc đó. Tuy nhiên, tác giả vẫn chưa làm rõ được cơ sở tâm lí của những vấn đề được nêu ra
Trong bài “Hợp tác một KN cần thiết cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu ở trường đại học” tác giả Phạm Xuân Vũ đã phân tích rõ vai trò của KNHT của SV như: tăng cường sức mạnh của nhóm cũng như của mỗi thành viên, tạo cơ hội cho mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tiến tới thực hiện được mục tiêu chung của nhóm; hợp tác nhằm hình thành quan hệ liên nhân cách vững chắc trong nhóm, tập thể hợp tác nhằm điều chỉnh tâm lý của mỗi cá nhân: giảm sự căng thẳng, kiêu căng, tự cao, tự đại; luôn biết tư duy sáng tạo, tự tin, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác; tạo bầu không khí tâm lý thoải mái, vui vẻ; dư luận xã hội lành mạnh; hợp tác là điều kiện rất cần thiết để nhóm trở thành một tập thể vững mạnh [41]. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, tác giả mới chỉ dừng lại ở việc phân tích tầm quan trọng của KNHT trong học tập, còn KNHT trong học tập có những thành phần nào, mức độ biểu hiện ra sao chưa được bàn đến.
Tác giả Nguyễn Thị Thanh (2013) khi nghiên cứu về dạy học theo hướng phát triển KN học tập hợp tác cho SV Đại học Sư phạm cho rằng: KN học tập hợp
tác là một trong những KN học tập quan trọng phù hợp với phương thức đào tạo ở đại học trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trong môi trường học tập ở bậc đại học cần tổ chức học tập hợp tác, người học phải làm việc phối hợp cùng nhau, thảo luận, trao đổi với nhau để giải quyết các nhiệm vụ học tập để đạt kết quả chung, nhờ đó khả năng tư duy, sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp và khả năng giải quyết vấn đề của SV đạt kết quả cao hơn so với cách học truyền thống [34]. Dựa trên yếu tố tâm lý đó, trong nghiên cứu này, tác giả đã đề xuất 4 nhóm KN học tập hợp tác cần phát triển cho SV gồm: KN xác lập vị trí của cá nhân trong hoạt động nhóm; KN biểu đạt và tiếp nhận thông tin học tập; KN xây dựng và duy trì bầu không khí thân thiện tin tưởng lẫn nhau; KN giải quyết những bất đồng. Tuy nhiên, các thành phần, mức độ biểu hiện KN học tập hợp tác của SV chưa được làm rõ.
Tác giả Nguyễn Diễm My (2017), cho rằng: một trong những KN học tập mang lại hiệu quả cao trong học tập đó là KNHT giữa SV với GV và giữa SV với SV thông qua mức độ thực hiện các KN bộ phận như KN lắng nghe, KN truyền thông, KN thảo luận, KN giải quyết vấn đề, KN quản lí cảm xúc và KN giải quyết xung đột. Trong nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra 71 tiêu chí với 5 mức độ để đánh giá mức độ biểu hiện của các KN này trong học tập [25]. Tác giả nhận định hợp tác là một phẩm chất của người lao động và càng quan trọng hơn trong xã hội hiện đại nhưng KN hợp tác của SV với GV đạt mức khá cao trong khi đó KNHT trong học tập của SV với SV khác ở mức trung bình, có những KN bộ phận ở mức yếu kém cần rèn luyện. Tuy nhiên, tác giả chưa bàn sâu đến nguyên nhân cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến KNHT trong học tập của SV.
Có thể thấy, những người theo xu hướng này đều thống nhất hợp tác trong học tập bao gồm sự phối hợp, cộng tác, chia sẻ, hỗ trợ, gắn kết giữa các thành viên trong nhóm học tập hợp tác trên tinh thần tự giác, trách nhiệm và phụ thuộc tích cực lẫn nhau. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu này chưa làm rõ được cách thức, nội dung, cấu trúc tâm lý của các hành động hợp tác trong học tập, chưa bàn sâu đến mức độ biểu hiện và các yếu tố ảnh hưởng đến KNHT trong học tập của SV.