Sự Đóng Góp Của Du Lịch Trong Tổng Sản Phẩm Trong Nước


c. Điểm hấp dẫn và dịch vụ bổ sung

Giống như lĩnh vực lưu trú, việc cung ứng các điểm hấp dẫn và dịch vụ bổ sung cũng có sự phân hoá cao và rất đa dạng. Nhưng khác với bộ phận lưu trú và vận chuyển, các sản phẩm cung ứng này thường có xu hướng dành cho từng thị trường du khách riêng biệt và các nhà cung ứng được xác định hoàn toàn thuộc về ngành du lịch.

Có bốn loại điểm hấp dẫn, tuy nhiên trong mỗi loại có sự đa dạng và ranh giới giữa các loại điểm hấp dẫn này thường không rõ ràng nên khó xác định một lĩnh vực riêng biệt kinh doanh điểm hấp dẫn trong ngành du lịch như các lĩnh vực kinh doanh lưu trú hoặc lữ hành.

Đối với các dịch vụ bổ sung có thể còn khó xác định hơn vì chúng liên quan chặt chẽ với nhu cầu du lịch ở cả khu vực nguồn khách và khu vực điểm đến. Ví dụ về một số dịch vụ du lịch bổ sung ở hai khu vực như trong bảng 1.33.


Bảng 1.3. Các dịch vụ du lịch bổ sung



Dịch vụ cho khách du lịch

Dịch vụ cho nhà cung ứng


Ở khu vực nguồn khách

Bảo hiểm du lịch Tài chính du lịch

Thị thực và hộ chiếu

Thông tin của văn phòng du lịch quốc gia

Ấn phẩm quảng cáo thương mại Sách hướng dẫn và thời gian biểu Hệ thống đăng ký qua mạng

Phân phối sách hướng dẫn du lịch


Ở khu vực

điểm đến du lịch

Hướng dẫn tour Ngân hàng

Y tế

Thông tin về địa phương

Hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

Đào tạo du lịch

Hỗ trợ marketing Hỗ trợ đặc biệt

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 188 trang tài liệu này.

Kinh tế du lịch Phần 1 - 5



3 Theo: Bull, A. (1998), The Economics of Travel and Tourism, 2nd edition, Longman, Melbourne.


Mức độ phức tạp của các hoạt động này tuỳ thuộc vào bản chất của từng thị trường khu vực hoặc quốc gia. Hầu hết các văn phòng du lịch quốc gia ở nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong nước (trung ương hoặc địa phương) ngoài chức năng quản lý nhà nước về du lịch còn thực hiện hoạt động cung cấp các dịch vụ trong một phạm vi nhất định nhằm tối đa hoá lượng khách du lịch cho quốc gia hoặc địa phương mình.

d. Các doanh nghiệp trung gian (môi giới)

Bộ phận cuối cùng của ngành du lịch bao gồm các doanh nghiệp trung gian (môi giới) - những người tổ chức, sắp xếp và phân phối các sản phẩm du lịch. Đó là các hãng đại lý du lịch và các công ty lữ hành (hãng điều hành tour).

Thông thường, đại lý du lịch là các đại lý bán - cung ứng dịch vụ bán cho người uỷ thác là các nhà cung ứng vận chuyển, lưu trú... Mặt khác, đại lý cũng có thể cung ứng dịch vụ lựa chọn nhà cung ứng cho những người dự định đi du lịch. Do đó, những người này nên được coi là những người môi giới (trung gian) hơn là người làm đại lý bởi vì họ làm cầu nối cho cung và cầu trên thị trường lại với nhau. Hầu như toàn bộ thu nhập của đại lý nhận được là khoản hoa hồng do các nhà uỷ thác trả trên mức giá (hoặc doanh thu) của dịch vụ bán được.

Tại một số quốc gia nguồn khách chính, các hãng đại lý du lịch hoạt động trong tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ vì có rất nhiều hãng đại lý (ví dụ, khoảng 2.500 hãng ở Mỹ, mỗi nước Anh và Đức có khoảng

5.000 hãng) đang cung cấp các dịch vụ rất giống nhau, còn các lợi thế khác biệt về cơ bản chỉ là vị trí hoặc các kỹ năng bán.

Các công ty lữ hành (điều hành tour hoặc nhà bán buôn tour) thực sự là những nhà sản xuất một loại sản phẩm du lịch đặc biệt. Sản phẩm chương trình trọn gói bao gồm một hoặc nhiều dịch vụ du lịch "được đóng gói" để bán cho khách du lịch. Các công ty lữ hành là nhà uỷ thác và người mua các sản phẩm của họ là khách du lịch. Điểm chung trong các công ty lữ hành là họ có thể cung cấp sản phẩm du lịch một cách


hoàn hảo cho bất kỳ ai có nhu cầu đi du lịch. Các công ty lữ hành có nhiều hình thức hoạt động kinh doanh khác nhau như:

- Các công ty ở khu vực nguồn khách cung ứng các chương trình trọn gói bằng hàng không với các chuyến bay thuê bao hoặc thường kỳ.

- Các công ty cung ứng các chương trình trọn gói mở rộng bằng xe buýt hoặc các chương trình khác bằng đường bộ hay đường biển.

- Các công ty chỉ tập trung hoạt động như một cơ sở bán buôn cho các tập đoàn khách sạn hoặc cho thuê phương tiện vận chuyển...

- Các công ty điều hành hoạt động tham quan ở điểm đến và thường là các đại lý làm đại diện cho các công ty du lịch nước ngoài ở điểm đến.

Mục tiêu của các công ty lữ hành có thể khác nhau, đó là tối đa hoá lợi nhuận hoặc chỉ để hỗ trợ nhằm gia tăng số du khách hoặc tạo ra sự chuyển quyền sở hữu cho công ty lữ hành đối với một doanh nghiệp bị thua lỗ, ví dụ như đối với một hãng vận chuyển du lịch.


1.2. VAI TRÒ CỦA DU LỊCH TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

1.2.1. Vai trò trong tổng sản phẩm trong nước (GDP)

1.2.1.1. Sự đóng góp của du lịch trong tổng sản phẩm trong nước

Ở nhiều quốc gia, du lịch được coi là một ngành vừa sử dụng các nguồn tài nguyên của quốc gia vừa tác động đến sự phát triển của quốc gia đó. Vì vậy, du lịch được nhìn nhận như là một chủ thể của các chính sách kinh tế vĩ mô. Du lịch thường liên quan nhiều đến các chính sách về việc làm hoặc cán cân thanh toán mà những vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý kinh tế vĩ mô hiện đại.

Quy mô và giá trị của nền kinh tế quốc dân thường được biểu hiện bằng tổng giá trị của tất cả hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định - trong một năm. Đó chính là tổng sản phẩm trong nước (GDP) của một quốc


gia. Hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra để tiêu dùng (C) và để đầu tư

(I) nhằm hình thành nên vốn cố định tiếp tục sản xuất các hàng hoá và dịch vụ khác (tái sản xuất mở rộng). Đây là hai yếu tố chủ yếu nhất của GDP.

Do đó, có thể xác định một cách đơn giản là GDP = C + I với giả thiết nền kinh tế đóng, nền kinh tế không có hoạt động thương mại với bên ngoài. Giả thiết trên không phù hợp với thực tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, vì vậy, trong thời kỳ xác định GDP phải bao gồm giá trị của tất cả hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (X) đồng thời khấu trừ giá trị của tất cả hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (M). Khi đó, ta có GDP = C + I + X - M.

Thống kê ở nhiều quốc gia lại sử dụng tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc thu nhập quốc dân (NI) để đo lường chi tiết hơn sự phát triển của nền kinh tế. Mặc dù có thể sử dụng nhiều chỉ tiêu khác nhau như vậy, nhưng hầu hết các quốc gia sử dụng GDP làm chỉ tiêu cơ bản đo lường nền kinh tế quốc dân.

Ngành du lịch có thể tham gia và đóng góp vào tất cả các khía cạnh của GDP. Thứ nhất, hầu hết các chi tiêu của du khách được coi như là tiêu dùng (C) đối với du lịch trong nước và đối với các yếu tố dịch vụ trong nước cung cấp cho các chuyến đi du lịch ra nước ngoài. Thứ hai, chi tiêu của các doanh nghiệp về xây dựng, mua sắm nhà cửa và các trang thiết bị... để cung ứng các dịch vụ du lịch là một phần của đầu tư (I), trong đó bộ phận lớn hơn cả là khoản đầu tư của chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ ba, một du khách trong nước đi du lịch nước ngoài sử dụng các hàng hoá và dịch vụ do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, hiểu theo một cách nào đấy thì điều này tương tự như "nhập khẩu" các hàng hoá và dịch vụ đó. Khoản chi tiêu này tạo sự rò rỉ của tiền tệ (thu nhập) ra khỏi nền kinh tế quốc dân. Cuối cùng là tình huống ngược lại, khách du lịch quốc tế sử dụng các hàng hoá và dịch vụ do các doanh nghiệp trong nước cung cấp thì điều này được hiểu tương tự như "xuất khẩu" các hàng hoá và dịch vụ đó.


1.2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự đóng góp của du lịch trong GDP

Mỗi quốc gia thường có những đánh giá khác nhau về sự đóng góp và vai trò của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân. Nguyên nhân là do một số nhân tố ảnh hưởng đến du lịch: Có những nhân tố thuộc về phía cầu (sự ổn định và phát triển của cầu du lịch nội địa và cầu du lịch quốc tế đến địa phương và quốc gia phần nào quyết định tầm quan trọng của du lịch), nhưng khả năng phát triển của ngành du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu và cầu du lịch trong nền kinh tế lại phụ thuộc nhiều và thường xuyên hơn vào các nhân tố thuộc về phía cung. Trên phương diện này, du lịch cũng giống như tất cả các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân.

Thông thường có 5 nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến vai trò của du lịch trong GDP. Mỗi nhân tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung mà trong đó có ngành du lịch.

a. Nguồn tài nguyên

Hoạt động kinh tế phụ thuộc trước hết và quan trọng nhất vào dự trữ các nguồn tài nguyên sẵn có để sử dụng như các nhân tố sản xuất. Những nguồn tài nguyên này bao gồm đất đai, lao động, vốn và doanh nghiệp. Tài nguyên du lịch (tài nguyên tự nhiên) là yếu tố chủ yếu nhất quyết định sự phát triển của ngành du lịch ở bất kỳ một quốc gia nào. Ngành du lịch có một số yêu cầu đặc biệt về các tài nguyên nhất định liên quan đến đất đai và các đặc tính của nó như sự độc đáo hoặc tính chất sở hữu. Những đặc tính này tác động đến quyết định cuối cùng của nền kinh tế là sẽ dành các tài nguyên đó cho ngành du lịch.

Ngoài nhân tố đất đai và các đặc tính của đất đai, hầu hết hoạt động du lịch hiện đại còn cần đến một số yếu tố khác như sự sẵn có của lực lượng lao động có kỹ năng. Trong khi nhiều lĩnh vực kinh doanh trong ngành du lịch có thể không đòi hỏi lao động có mức độ cao về các kỹ năng hoặc phẩm chất truyền thống, nhưng sự sẵn có hoặc thiếu hụt lực


lượng lao động với thái độ tích cực đối với du lịch và du khách là một vấn đề có tầm quan trọng căn bản. Tương tự như vậy, nền kinh tế sẵn sàng và có khả năng cung cấp vốn đầu tư cho ngành du lịch dưới dạng cơ sở hạ tầng, hệ thống khách sạn, giao thông vận tải... sẽ ảnh hưởng đến quy mô phát triển của ngành.

b. Tình trạng kỹ thuật và công nghệ

Nhiều nước kém phát triển cho rằng du lịch là một ngành dễ phát triển vì so với nhiều ngành khác du lịch chỉ cần công nghệ thấp và có thể làm chủ dễ dàng các kỹ thuật. Nhưng khi du lịch phát triển rộng khắp thế giới và trở nên phức tạp hơn, đóng góp vào GDP nhiều hơn thì du lịch có xu hướng phối hợp với các công nghệ cao. Khi các đầu vào áp dụng kỹ thuật cao sẽ làm tăng năng suất lao động của ngành và vì vậy làm tăng sự đóng góp của du lịch vào GDP.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại hoạt động du lịch với công nghệ thấp, đặc biệt với những phân khúc thị trường mà du khách có nhu cầu tìm đến cuộc sống tự nhiên hoặc hoang sơ (ví dụ du lịch sinh thái) nhưng trình độ phát triển của các nước nguồn khách đảm bảo rằng khoản thu hồi của ngành du lịch sẽ đạt mức cao ở những nơi có sự hỗ trợ của kiến thức và áp dụng kỹ thuật cao.

c. Sự ổn định chính trị và xã hội

Các nhân tố phi kinh tế, đặc biệt các nhân tố chính trị và văn hoá được các nhà kinh tế nhìn nhận là rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng và sự phát triển của các ngành trong một nền kinh tế. Đối với du lịch đây là một nhân tố đặc biệt quan trọng. Vì những người tiêu dùng du lịch phải đến tận "nhà máy" để mua sản phẩm, nên các điều kiện chính trị và xã hội ở "nhà máy" đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chấp nhận sản phẩm và do đó ảnh hưởng đến sự thành công của ngành du lịch. Chúng ta có thể vẫn mua hàng hoá được nhập khẩu từ một quốc gia đang có tình hình chính trị không ổn định, nhưng mong muốn đến thăm quốc gia đó là điều sẽ không thể xảy ra.


Trong thực tế, sự ổn định chính trị và xã hội được một số nhà nghiên cứu coi như là một đặc điểm của sản phẩm du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến cầu của nhiều phân khúc thị trường du lịch. Khi các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội của một điểm đến du lịch biến động lớn hơn khả năng dự trữ nguồn tài nguyên thì chúng có thể là nguyên nhân làm vai trò và sự đóng góp của ngành du lịch trong GDP không ổn định.

d. Tâm lý xã hội

Một nhân tố phi kinh tế ảnh hưởng chủ yếu khác là tâm lý xã hội của cả người cung ứng và người tiêu dùng du lịch.

Thứ nhất, thái độ của người dân nước chủ nhà đối với khách du lịch, đặc biệt những người lao động trong ngành là một khía cạnh quan trọng của sản phẩm du lịch và sự ảnh hưởng của nó có bản chất tương tự như sự ổn định chính trị và xã hội. Một khách hàng mua một đôi giày có thể rất ít quan tâm đến đạo đức, thái độ và động cơ của những người công nhân làm ra chúng trong nhà máy, nhưng một người khách du lịch sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thái độ của những người cung cấp dịch vụ du lịch.

Thứ hai, về phía cầu, tập quán tiêu dùng du lịch là một nhân tố quan trọng. Chẳng hạn, có hai thị trường nguồn khách có thu nhập tương tự, các điều kiện khác như nhau nhưng lại có thể khác nhau về xu hướng lữ hành. Nguyên nhân có thể do sự khác nhau về các giá trị truyền thống và văn hoá, thái độ, hoặc chất lượng của bầu không khí và môi trường vật chất xung quanh các gia đình. Xu hướng lữ hành sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành ở bất kỳ một điểm đến du lịch nào có sự liên kết chặt chẽ với khu vực nguồn khách.

đ. Đầu tư

Các quốc gia có nguồn dự trữ tài nguyên dồi dào và sẵn có để sử dụng cho du lịch mới tạo tiền đề để phát triển ngành, còn mức độ đầu tư và sự hình thành vốn cố định của nền kinh tế sẽ có vai trò quan trọng hơn nhiều. Ví dụ, so sánh với ngành công nghiệp nặng, du lịch không cần đầu


tư nhiều vào nhà xưởng và trang thiết bị trên một đơn vị đầu ra, chỉ có một số lĩnh vực kinh doanh của ngành có yêu cầu nhiều hơn về sự hình thành vốn cố định đó là vận chuyển hành khách và lưu trú.

Một số đầu tư nhằm thay thế khả năng suy giảm, như thay thế máy bay cũ hoặc nội thất cũ trong khách sạn. Tuy nhiên, du lịch là ngành vừa chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng mốt và vừa phải tổ chức cho khách hàng tiêu dùng ngay tại "nhà máy" của mình nên phải đầu tư một cách chắc chắn vào các phương tiện mới và đầu tư mở rộng, coi đó như một phần trong chiến lược cạnh tranh của ngành. Khả năng và nguồn cung cấp tài chính sẵn sàng cho những đầu tư nói trên của một nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế đó. Các khả năng và nguồn tài chính này lại phụ thuộc vào các mô hình tiết kiệm, bản chất của các thị trường tài chính, các tỷ lệ thu hồi đầu tư hiện tại trong ngành du lịch so sánh với các ngành khác và sự hỗ trợ của chính phủ.

1.2.1.3. Đo lường sự đóng góp của du lịch trong GDP

a. Một số khó khăn khi đo lường

Đánh giá sự đóng góp của một ngành đối với nền kinh tế quốc dân luôn luôn là một vấn đề phức tạp. Đánh giá sự đóng góp của một ngành dịch vụ thậm chí còn phức tạp hơn ngành sản xuất hàng hoá vì bản chất vô hình của sản phẩm dịch vụ. Đối với du lịch việc đánh giá lại còn đặc biệt khó khăn hơn nữa vì sự khó phân định các khái niệm dịch vụ trong ngành này. Đây là một thực tế đối với cả những nơi có các số liệu thống kê đáng tin cậy của chính phủ hoặc của các hiệp hội trong ngành.

Tuy khó khăn như vậy, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn cố gắng tìm cách đánh giá sự đóng góp của ngành du lịch nhằm mục đích so sánh và quy hoạch phát triển. Những đóng góp này là sự tổng hợp các giao dịch thương mại của cá nhân và tổ chức trong hoạt động du lịch. Nhờ đó, có thể đáp ứng yêu cầu so sánh một cách tương đối với các ngành hoặc các quốc gia khác. Tuy nhiên, khó có thể xác định chính xác "giá trị thực" của ngành bởi vì không thể tính toán hết được các khoản làm tăng hoặc

.....

⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2024