Kinh tế Du lịch ở thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh 1986 - 2013 - 8

2.2.1. Du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là một khái niệm mới đối với ngành du lịch Việt Nam. Du lịch tâm linh là gắn liền với yếu tố “thiêng liêng”, con người đến với loại hình du lịch này để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với môi trường tự nhiên, giao tiếp với tâm linh, hưởng thụ sinh hoạt văn hóa làm cho họ cảm nhận được sự gần gũi với thiên nhiên.

Điều lý thú của du lịch tâm linh còn ở chỗ tất cả du khách đều như nhau trong vai trò của một tín đồ, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, không phân biệt sang hèn, giới tính, tuổi tác, địa vị xã hội… Du lịch tâm linh vì vậy có thể giúp mỗi người gỡ bỏ vai diễn kẻ lạ mặt trong đời để sống hòa hợp tự nhiên như tất cả chúng sinh trên mặt đất.

Khi mà đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, xã hội ngày càng hiện đại thì con người ta lại càng có nhu cầu hướng tới việc nâng cao đời sống tinh thần. Việc tìm đến với du lịch tâm linh như là một sự việc tất yếu, đặc biệt là với một quốc gia có truyền thống thờ cúng mang hơi hướng của văn hóa Phật giáo như Việt Nam thì việc tìm hiểu du lịch tâm linh là gì lại càng là một xu thế tất yếu. Cựu Tổng thống Ấn Độ, tiến sĩ A.P.J Abdul Kalam đã từng khẳng định: “Du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết…”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị du lịch quốc tế về tâm linh vì sự phát triển bền vững: “Trên thế giới này, dù chúng ta khác nhau về màu da, tôn giáo, song niềm tin mà chúng ta gửi gắm, tôn thờ đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung và triết nhân bản. Chính đặc tính không biên giới và chung hướng đích đã làm nên sự giao thoa, ngưỡng vọng về tâm linh và nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau. Đó vừa là nhu cầu, là cơ hội, là mảnh đất vô cùng sinh động để du lịch phát triển. Loại hình du lịch tâm linh vốn luôn sẵn có tiềm năng”.

Việc đến các địa điểm tôn giáo của du khách trong loại hình Du lịch tâm linh không chỉ đơn giản là vãn cảnh, hay tìm hiểu một nền văn hóa khác. Du lịch tâm linh đến các di tích của đạo Phật sẽ giúp con người tháo gỡ được các cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho tinh thần con người trong xã hội hiện đại. Như vậy, có thể thấy tâm linh chính là con đường rộng để du lịch phát triển.

Trong những năm gần đây du lịch tâm linh đã xuất hiện và phát triển ở nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Việt Nam là một trong số những quốc gia được đánh giá là có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch tâm linh. Việt Nam là một quốc gia rất giàu có các thánh tích: chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Hương (Hà Tây), Yên Tử (Quảng Ninh), Phát Diệm (Ninh Bình) hay Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh). Trong đó Yên Tử (Quảng Ninh) trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330), vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách Thạch thất mị ngữ và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị. Tại trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334), vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Ngày 17/5/2008, Yên Tử và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã cùng với chùa Bái Đính ở Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là những địa danh của Việt Nam được chọn là những thắng tích phật giáo cho các đại biểu tham dự đại lễ phật đản thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam đến tham quan.

Đến nơi đây du khách có cơ hội tìm hiểu nghiên cứu văn hóa phật giáo, được thực sự hòa mình và tìm hiểu phái tại các Di tích và Thiền viện Trúc lâm Yên Tử, được có những giây phút lắng lại để suy ngẫm về bản thân và cuộc đời thông qua các khóa tu thiền ngay tại Thiền viện. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử thường xuyên đón những Phật tử lên tu thiền, học cách sống chậm và sống có ý nghĩa hơn. Các khóa tu thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, tuy nhiên, có một số người tự nguyện kéo dài khóa tu nhiều tháng liền. Đặc biệt trong mùa hè, nhiều bậc phụ huynh đưa con lên chùa tham gia khóa Học tu. Cùng với Yên tử, di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Ba Vàng góp phần không nhỏ sự thịnh vượng của Phật giáo Việt Nam, vào sự phát triển du lịch tâm linh của thành phố.

2.2.2. Du lịch văn hóa

Theo Luật du lịch Việt Nam “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” [37, tr9]. Du lịch văn hóa dựa trên các tài nguyên du lịch là các giá trị văn hóa của một quốc gia, đó là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Du lịch văn hóa dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc kể cả phong tục tín ngưỡng… để tạo ra sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trên cơ sở nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí và Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và Du lịch Uông Bí cùng các tài nguyên nhân văn phong phú, độc đáo (27 di tích và danh lam thắng cảnh) đã đưa những nơi này thành nơi tham quan, vãn cảnh lý tưởng và chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa đặc sắc đáng trân trọng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Các di tích văn hóa điển hình:

Khu di tích lịch sử văn hóa Yên Tử

Kinh tế Du lịch ở thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh 1986 - 2013 - 8

Hơn 700 năm qua, danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Đức Hoàng Đế anh hùng Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi năm 1285

và năm 1288, Ngài đã truyền ngôi cho con, từ bỏ lầu son điện ngọc xuất gia về Yên Tử tu hành với pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà, đạo hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ và đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc dân tộc, trở thành đạo Phật của quốc gia Đại Việt và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ngày nay. Đến Yên Tử, du khách được tìm hiểu lịch sử hệ thống di tích gồm 10 ngôi chùa, hàng trăm Am tháp, hàng ngàn di vật, cổ vật quý có giá trị lịch sử cao gắn liền với sự tồn tại và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dấu tích thời Trần đặc sắc nhất là lăng Quy Đức và tháp Huệ Quang, trong tháp có tượng đá và xá lị Trần Nhân Tông, quanh có tường xây bằng gạch và lợp ngói mũi hài kép thời Trần. Khu di tích Yên Tử là kết tinh, hội tụ của nền văn hoá dân tộc với kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn văn hoá của các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Từ chùa Giải Oan lên đến Chùa Đồng, du khách được chiêm ngưỡng đường tùng cổ kính với hơn 200 cây tùng 700 tuổi, bia Phật, tượng An Kỳ Sinh thiên tạo, chùa Đồng cao 1.068m so với mặt nước biển, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (được khánh thành ngày 3/12/2013 tức ngày 01 tháng 11 năm Quý Tỵ), thác Ngự Dội, nền am Hoa, am Dược, am Thiền Định... gắn liền với những huyền thoại về vua Trần Nhân Tông. Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử được xếp hạng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2012 được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Chùa Ba Vàng

Chùa Ba Vàng nằm trên địa bàn phường Quang Trung, cách Trung tâm Thành phố gần 2km, nằm cạnh khu du lịch sinh thái Lựng Xanh, với hệ thống giao thông đường bộ mới được đầu tư, rất thuận tiện cho du khách di chuyển trong tuyến du lịch Yên Tử - Hồ Yên Trung - Hồ Công Viên - Ba Vàng- Lựng Xanh. Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự, được xây dựng năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông tức năm 1676. Chùa nằm ở độ cao 340m, so với mặt nước biển, trên một vị thế hết sức đẹp của thành phố Uông Bí. Đến với khu di

tích, danh thắng này, du khách sẽ được thăm các công trình kiên trúc lớn, khu đồi thông bao quanh với không khí trong lành, tươi mát. Hơn nữa, tại đây, nhìn xuống, du khách có thể bảo quát trung tâm Thành phố, hướng ra xa là sông Bạch Đằng và thưởng thức bức tranh Uông Bí toàn cảnh. Với những đặc điểm về địa thế cũng như bề dày lịch sử, Chùa Ba Vàng được xếp hạng di tích cấp Tỉnh năm 2007. Để phát huy giá trị di tích, chùa đã và đang được đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục, công trình kiến trúc với quy mô lớn. Năm 2014, Chùa Ba Vàng được tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Ngôi chùa có Tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương”.

Đền, Chùa Hang Son

Cách trung tâm Thành phố 6 km về phía tây nam, cách quốc lộ 18A, quốc lộ 10 gần 2 km, Đền Hang Son thờ Thánh Hang Son - Bát Hải Đại Vương. Cái tên “Hang Son” mang dấu ấn của Trần Hưng Đạo khi ngài đưa quân về đây mai phục, tích trữ lương thảo chuẩn bị cho trận đánh quân Nguyên Mông trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Đến thế kỷ XVI, nhân dân quanh vùng đã góp công, của dựng thêm Phật điện và từ đó đền Son mang tên Chùa Son là sự kết hợp Phật giáo với tín ngưỡng của nhân dân. Hang Son là động do thiên nhiên tạo nên, nằm cạnh một nhánh của sông Bạch Đằng, gồm một dãy núi cao, đủ các hình dáng. Nơi đây sơn thuỷ hữu tình, cảnh đẹp nên thơ, ngày xưa từng là nơi du ngoạn của các vua, quan các triều đại phong kiến Việt Nam. Phía trong hang tạo hình vòm và thắt lại ở phía trên trông giống như một gác chuông, phía bên trái của hang có một vòm nhỏ được gọi là Vọng Cung. Phía trong cùng của Vọng Cung có một vòm nhỏ được gọi là Cung cấm, cạnh đó có một lối nhỏ đi xuống phía dưới được gọi là Cửa xuống địa ngục và một lối nhỏ đi lên và thông trên đỉnh núi gọi là Cửa lên thiên đường. Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Hang Son được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định bảo vệ năm 1999.

Đình Đền Công

Đình Đền Công trên địa bàn xã Điền Công, cách trung tâm thành phố 4km về phía nam, bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trên diện tích đất hơn 4000m2, Đình Đền Công gồm một ngôi đình thờ chính và hai nhà tả vu, hữu vu. Đình Đền Công được làm trên gò đất nơi phát hỏa hiệu lệnh của chiến trận Bạch Đằng, là nơi thờ Thành hoàng của làng Điền Công gồm các vị thần: Trần Hưng Đạo là Thượng đẳng thần và bốn vị Tướng quân đã giúp Trần Hưng Đạo làm nên đại thắng năm 1288 là: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần , Phi Bồng Tướng quân và Bạch Thạch Tướng quân. Đình lưu giữ nhiều hiện vật quý: Bài vị, kiếm gỗ, kiêu long đỉnh, đại tự, giữ được Văn bia, hệ thống kiến trúc thời Nguyễn. Năm 2000, Đình Đền Công được xếp hạng bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và đến năm 2012, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (nằm trong cum di tích chiến thắng Bạch Đằng).

Cụm di tích đình - chùa - nghè LạcThanh

Giáp trung tâm thành phố, đình Lạc Thanh nằm giữa khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, đây là ngôi đình cổ thuộc tổng Bí Giàng xưa còn lại cho đến ngày nay, được xây dựng vào thời Hậu Lê. Đình thờ 12 vị Thành hoàng, trong đó có hai vị là Cao Sơn và Quý Minh được thờ tại Đình, 10 vị được thờ tại mười nơi khác nhau, mỗi vị trông coi, cai quản một xứ, nhân dân gọi đó là Nghè. Tại khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh có 7 vị Thành hoàng được thờ ở 7 ngôi nghè: Nghè Cụ thờ Phạm Năng Nhẫn (vị quan Đại thần triều Hậu Lê), Nghè Thất Tích thờ Hiển Tích đại thần (thần Tích xưa), Nghè Trung Lang thờ Lương Trung đại thần (thần Lương thiện, trung hiếu), Nghè Lung Cung thờ Long Cung đại thần (thần Thủy Cung), Nghè Cửa Thờ thờ Đống Hiếu đại thần (thần gò, đống tốt), Nghè Đống Sếu thờ Bản Thổ đại thần (thần Thổ Công bản xã), Nghè Cây đa thờ Linh Thung đại thần (thần Tôn kính). Tại khu 5, phường Quang Trung có 2 vị Thành hoàng được thờ ở 2 ngôi nghè: Nghè Bà Chúa thờ Thái Trưởng công chúa tôn thần (Công chúa con vua), Khe Nghè thờ Ma

Tuyền đại thần (thần Thác nước). Tại khu vực Công ty than Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công có Nghè Gốc Lim thờ 1 vị Thành hoàng là Côn Hiếu đại thần (thần Núi tốt). Ngoài các nghè: Nghè Cụ, Trung Lang, Lung Cung, Cửa Thờ, Bà Chúa, các nghè còn lại không còn di tích gốc, di vật, cổ vật gì. Cụm di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh xây dựng để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng đã có công với làng xã và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Di tích đình, nghè, chùa Lạc Thanh được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng cụm di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2011.

Chùa Phổ Am

Chùa Phổ Am nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, cách trung tâm Thành phố 2 km. Chùa được xây dựng ở chân núi Duật Vân vào thời Lê Dụ Tông, nằm trên mảnh đất cao, thoáng mát, sáng sủa mang yếu tố dương. Xa xa trước cửa Chùa có dòng sông Uông uốn lượn tạo ra yếu tố âm. Âm dương kết hợp tạo ra muôn loài, do vậy trong chùa cây cối quanh năm tươi tốt, khắc thêm cho Chùa cảnh linh thiêng, huyền bí làm tôn kính nơi cửa Phật. Theo truyền thuyết kể lại: Vua Trần Nhân Tông lên tu ở núi Yên Tử, Ngài đã từng đi qua đây, thấy nơi đây cảnh rất đẹp, núi sông hài hòa ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, Ngài đã quyết định đặt tên núi đó là núi Duật Vân. Chùa đã và đang được xây dựng với

các hạng mục công trình: Tòa chính điện (300 m2), nhà thờ Tổ (300 m2), nhà

thờ Mẫu (300 m2), nhà khách (200 m2), Lầu Cô, Lầu Cậu… Chùa là nơi Thờ Phật đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân quanh vùng.

Nhà máy điện Uông Bí

Thuộc địa bàn phường Quang trung, Nhà máy điện Uông Bí cách trung tâm Thành phố 1 km. Đây là di tích cách mạng, là một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ, được xây dựng vào năm 1961, từng là nhà máy điện lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay, nhà máy điện đã được sửa chữa, nâng cấp và mở rộng với tổng diện tích 407.665 m2. Ngày 02/02/1965 (ngày mồng một tết Ất Dậu), cán bộ công nhân nhà máy và nhân dân Uông Bí được vinh dự đón Chủ tịch Hồ

Chí Minh về thăm. Trong suốt hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đã có 4 thế hệ kề vai sát cánh xây dựng Nhà máy: Thế hệ kháng chiến chống Pháp (1959 - 1964); Thế hệ chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975); Thế hệ vượt khó thời bao cấp (1976 - 1986); Thế hệ đổi mới và hội nhập quốc tế (1987 đến nay). Nhà máy đã được Đảng, Chính phủ và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động năm 1973; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998; Huân chương kháng chiến hạng Nhì năm 1973; Huân chương lao động hạng Nhất năm 1973 và 1975; Huân chương độc lập hạng Nhì năm 1996 và 2006…

2.2.3. Du lịch lễ hội

Lễ hội là một hoạt động văn hóa truyền thống mang tính phổ quát, trong khi đó du lịch là một hoạt động kinh tế mang tính tổng hợp, trong bước đường phát triển ngành du lịch cũng phải tìm đến, khai thác và sử dụng lễ hội với tư cách là một sản phẩm văn hóa đạt hiệu quả cao nhiều mặt. Việc tổ chức các tour du lịch tới các địa phương trên khắp miền đất nước, trong một khoảng thời gian nhất định trong năm mà thời gian đó trùng với thời gian mở hội của địa phương. Hoạt động này giúp cho du khách cảm nhận được những giá trị văn hóa về nhiều mặt thông qua hoạt động lễ hội của địa phương. Du lịch lễ hội là hoạt động du lịch gắn với thời gian mở hội, do vậy cũng giống với lễ hội nó chỉ diễn ra theo thời gian, mùa vụ, thường tập trung vào các tháng mùa xuân và cuối thu. Du lịch lễ hội thường diễn ra trong một không gian, thời gian nhất định nên người tổ chức phải nắm chắc thời gian và không gian, hoạt động của lễ hội cùng với nhân dân để khai thác phù hợp, đúng hướng, có hiệu quả. Trong quá trình phát triển người dân Việt Nam ngày càng có điều kiện về thời gian, kinh tế, nhu cầu vui chơi giải trí, thẩm nhận các giá trị văn hóa cũng không ngừng nâng cao. Đến với lễ hội dân gian truyền thống của thành phố Uông Bí, du khách sẽ được đến với lễ hội Yên Tử là một lễ hội hành hương lớn vào mùa xuân ở nước ta. Các lễ hội khác với các hình thức: rước sắc, lễ Thượng nguyên

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/04/2023