Truyền thuyết Tày, Nùng xứ Lạng không đơn giản chỉ là tên đất, tên làng, những dấu tích, tín ngưỡng để lại mà còn là âm thanh của đất- những âm thanh thân thiết từ cuộc sống, từ lịch sử đấu tranh, sinh sống, làm ăn mấy ngàn năm của vùng đất vọng truyền về. Những truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang đậm âm thanh núi rừng. Ở đó ẩn chứa sâu sắc những giá trị chân - thiện - mỹ của người dân xứ hoa Hồi.
2.4.3. Truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng
Truyện cổ tích là một thể loại tiêu biểu và quan trọng nhất làm nên giá trị đặc sắc của kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói chung và của đồng bào Tày- Nùng xứ Lạng nói riêng. Truyện cổ tích là loại truyện xuất hiện từ rất xưa, chủ yếu do các tầng lớp bình dân sáng tác, trong đó óc tưởng tượng (bao gồm cả huyễn tưởng) chiếm phần quan trọng.
Đề tài và tư tưởng trong truyện cổ tích của mỗi dân tộc đều có tính chất chung toàn nhân loại, nhưng lại có những cách thể hiện riêng, độc đáo mang nét văn hoá của mỗi dân tộc, trong đó yếu tố văn hoá vùng, miền đã góp phần quan trọng tạo nên sự độc đáo ấy. Nằm trong mạch nguồn chung của kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện cổ tích dân gian Tày- Nùng xứ Lạng không chỉ thể hiện những quan niệm của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn về thiện-ác, chính-tà, sống- chết...về những sự việc xẩy ra hàng ngày trong xã hội mà còn thể hiện niềm mơ ước cháy bỏng vào một cuộc sống muôn nghìn lần tốt đẹp hơn về lẽ công bằng, dân chủ, no ấm, yên vui.
Dựa trên các văn bản truyện cổ tích xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng đã được sưu tầm, được xác định chúng tôi nhận thấy, trong truyện cổ tích xứ Lạng xuất hiện cả truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Đặt truyện kể dân gian xứ Lạng của dân tộc Tày, Nùng nói chung và truyện cổ tích xứ Lạng của dân tộc Tày, Nùng nói riêng trong bối cảnh không gian văn hoá xứ Lạng chúng tôi sẽ đi khảo sát và tìm hiểu ba thể loại này.
2.4.3.1. Truyện cổ tích loài vật.
Truyện cổ tích loài vật là những truyện hướng về sinh hoạt của xã hội loài vật và lấy loài vật làm nhân vật chính, nhất là những con vật gần gũi và có nhiều ảnh hưởng, tác dụng đối với đời sống con người (như: con trâu, con bồ câu, con sáo, con thỏ, con cáo, con cọp, con khỉ…). Ở đây, sự nhân cách hóa con vật vừa bắt nguồn từ quan niệm cổ xưa trong thần thoại vừa là một biện pháp nghệ thuật để phản ánh, nhận thức đối tượng. Vì thế ở đây vừa có nội dung sinh vật học, vừa có nội dung mang ý nghĩa xã hội với những mức độ khác nhau và hai mặt nội dung đó hòa quyện với nhau rất chặt, nhiều khi rất khó tách bạch. Nhân vật chính trong cổ tích loài vật chủ yếu là các con vật. Đây là các con vật gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của người nông dân, gồm các gia súc gia cầm nhưng cũng có loại nhân vật loài vật tự nhiên chưa qua thuần chủng .
Trong di sản cổ tích xứ Lạng, chúng tôi thấy rằng các mô-típ và mẫu kể về loài vật có giá trị rất đặc thù. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy truyện cổ tích về loài vật chiếm 6/32 truyện cổ tích. Điều này đã giúp phần làm nên sự đa dạng, độc đáo của kho tàng văn học dân gian Tày- Nùng xứ Lạng. Sống với khung cảnh núi rừng, ngoài cuộc sống gieo trồng làm nương rẫy, đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng còn có những công việc đi săn, thả lưới bắt thú trên rừng nên trong những câu chuyện cổ tích đã có rất nhiều truyện kể về những con vật, đặc biệt là con hổ. Đối với đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng thời kỳ xa xưa, hổ không phải là loài ác thú dữ dằn mà chỉ là con vật hiền lành như mọi loại thú nuôi khác, gần gũi với người nông dân, vì thế trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện kể về lòng biết ơn con người của Hổ. Đó là truyện Hổ ơn người: “Xưa có cặp vợ chồng trẻ, vợ nết na hiền hậu. Anh chồng là con nhà khá giả có ruộng lúa, ao cá. Nhưng khi bố mẹ anh qua đời, anh mải mê cờ bạc, nhiều lần vợ can ngăn nhưng anh không nghe, về sau gia tài bị khánh
Có thể bạn quan tâm!
- Văn Hóa, Văn Học Dân Gian Dân Tộc Tày –Nùng Xứ Lạng
- Một Số Thể Loại Truyện Kể Dân Gian Tày- Nùng Xứ Lạng
- Truyền Thuyết Tày- Nùng Xứ Lạng Về Đề Tài Anh Hùng Chống Giặc Ngoại Xâm.
- Truyện Cổ Tích Sinh Hoạt Tày- Nùng Xứ Lạng.
- Nhân Vật Trong Truyện Cổ Tích Tày- Nùng Xứ Lạng
- Một Số Môtif Trong Truyện Kể Dân Gian Tày- Nùng Xứ Lạng
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
kiệt, họ hàng chê trách, xóm giềng xa lánh. Vợ anh hàng ngày phải vào rừng đào củ mài, củ nâu. Một hôm, vào buổi sáng, anh chồng vào rừng làm nương, bỗng thấy một con hổ cái chết, trên bụng có con hổ con còn đang ngậm vú mẹ. Anh bèn mang hổ con về nuôi. Qua vụ lúa, hổ con lớn lên, giúp anh trông nương rẫy, chăn gà vịt không cho muông thú khác đến bắt và phá hoại nương rẫy. Gia đình anh dần trở lại khá giả. Anh không đi làm nữa và trở nên lười biếng. Con hổ cũng được chiều chuộng hơn, nhiều lúc bắt trộm cả gà, vịt. Hàng xóm khó chịu và rất nghét hổ. Anh bèn nghĩ cách cho hổ ra canh giữu hồ nuôi cá gốc mai của mình và dặn hổ chỉ khi nào thấy anh đi guốc gốc mai ra thăm ao cá thì cho tới, còn ngoài ra thì cứ việc vồ giết thịt. Dặn hổ như thế, nhưng mấy hôm sau, trong đêm trăng sáng anh lại nảy ý định ra thăm. Anh đã rón rén đi chân không tới. Hổ không nhận ra anh, đã vồ và cắn chết anh rồi mới nhận ra chủ của mình. Ngày đám tang của anh, hổ bắt về một con lợn rừng lớn để làm ma rồi quỳ xuống trước quan tài, sau đó quật đuôi vào rừng đi mất” .
Hay truyện Hổ không ăn thịt Mèo có nội dung giải thích rất chất phác, ngây thơ về đặc điểm của loài Hổ trong tư duy của đồng bào nơi đây: “Hổ và Mèo vốn là hai chị em, một hôm trời rét Hổ em thấy lửa bèn bàn với Hổ chị bắc thang vào xin Người lửa, lại được người cho ăn nên ở lại luôn với Người. Hổ chị đến tìm em bị chó đuổi, bỏ chạy vào rừng từ đó không quay trở lại nữa. Cũng từ đấy Hổ em hoá thành Mèo”. Do quan hệ chị em với Mèo nhà như vậy nên Hổ không bao giờ ăn thịt Mèo. Bên cạnh đó còn có truyện thi vượt suối, kể về cuộc thi nhảy giữa Hổ và con “Cẩu tệnh” (con ễnh ương). “Hổ ngờ nghệch đã để cho “ Cẩu tệnh” lừa ngậm vào đuôi vượt suối sang trước nhờ cái quật đuôi của Hổ trước khi nhảy. Hổ thua cuộc sợ quá bỏ chạy. Từ đó Hổ không dám bén mảng tới bờ suối là giang sơn của lũ “Cẩu tệnh”[59, 618-619]. Truyện kể Hổ, người và Gà Gô bằng mưu trí của mình,
người đã chiến thắng trước Hổ tham ăn, dữ dằn, hung tợn và ngốc nghếch, hay hiếp đáp các loài vật khác. Khiến cho Hổ bị lửa bén khắp người, may có Gà Gô thương tình mách kế nhảy xuống nước, nên thoát chết. Hổ hết lời cảm ơn Gà Gô. Từ đấy, Hổ và Gà Gô trở thành đôi bạn thân thiết. Vì vậy, ngày nay ở khu rừng nào có Gà Gô là thường có Hổ. Cũng từ đó, Hổ không làm bạn với người nữa, trở nên thù ghét người. Đòn đau, nhớ đời, từ đó Hổ rất sợ các vật đụng vào dái nó. Đi đâu một bước nó thường ngoái đầu nhìn lại phía sau, vì sợ có ai đuổi theo xẻo mất dái.
Óc quan sát và sự cảm nhận tinh tế của người xưa trong quá trình thuần dưỡng thú nuôi, trong buổi đầu khai thiên lập địa của con người nơi đây đã là chất xúc tác để họ kể lên những câu chuyện hấp dẫn như đã kể trên.
Đồng bào Tày- Nùng có cách phát hiện và lý giải những đặc điểm sinh vật và thói quen sinh hoạt của những con vật sống quanh mình theo cách riêng của người miền núi một cách chất phác, cô đọng mà lý thú. Ngay bản thân tên truyện cũng gợi lên tính chất đó như ở truyện Lợn ăn ngập nanh, chó ăn một bát kể rằng : Người nuôi cả lợn và chó. Chúng cứ quanh quẩn đòi ăn suốt ngày. Người đi đâu chúng chạy theo đến đấy. Người đi ra đồng làm cỏ lúa. Lợn và chó đi theo, chúng đùa rỡn nhau ở trên bờ, lúc lúc lại kêu đói. Người vừa giận vừa thương gọi chúng lại và ra điều kiện: Con nào giúp người làm cỏ lúa, nay mai lúa chín gặt về có cơm ngon ta cho ăn no. Lợn chăm chỉ giúp người làm cỏ lúa còn chó thì lười, sợ nước, không dám xuống nằm còng queo trên gốc cỏ “hút” chờ chủ về. Mùa lúa chín. Người thổi cơm ăn chi phần nhiều cho lợn. Lợn ăn xốc, nó ngoạm từng miếng cháy ngập nanh. Chó lười biếng chỉ được người cho ăn một bát nhỏ. Chó tức quá làm đơn lên bụt trời kiện người. Có cỏ “hút” chứng, Chó thua kiện, cụp đuôi lủi thủi về nhà. Từ đấy bữa nào lợn cũng được ăn ngập nanh răng, còn chó phải chịu ăn một bát nhỏ. Chó thù cỏ “hút”, nên truyền cho con cháu hễ thấy cỏ “hút” ở đâu là ghếch chân vào đái cho bõ giận.
Có thể thấy phần lớn trong các câu chuyện đặc tính của loài vật được đồng bào nhìn nhận với cách nhìn nhân hoá các loài vật dưới con mắt của một loại, một quan hệ ứng xử nào đó của xã hội loài người chứ không phải là xã hội loài thú. Cho nên, hình ảnh các con vật cùng mối quan hệ giữa chúng vừa giống như chúng tồn tại ngoài đời thực, nghĩa là trong cái thế giới hoang dã của chúng, vừa mang theo đặc tính của con người và mối quan hệ giữa người và người. Bản thân sự tồn tại trong sự đối kháng giữa loài cọp với loài thỏ, khỉ, voi là một sự tồn tại tự nhiên, tuân theo luật điều tiết tự nhiên nên không con nào là xấu hay tốt, không con nào tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển của thế giới tự nhiên cả. Đi vào thế giới của cổ tích loài vật, con hổ trong truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng nhiều khi là kẻ hung tợn và ngốc nghếch, hay hiếp đáp các loài vật hiền lành nhưng đôi khi cũng là con vật sống rất nghĩa tình. Con lợn có đức tính chịu khó làm việc. Trong các con vật thì Thỏ là con vật được tác giả dân gian gán cho đặc tính tinh khôn, hiểu biết nhiều lĩnh vực, nhất là trong các truyện của các dân tộc miền núi Trường Sơn, Tây Nguyên hay các dân tộc Khơme Nam bộ, Chăm. Con thỏ trong truyện cổ tích người Việt là vị quan toà xử kiện giỏi (Thỏ xử kiện, Thỏ nổi tiếng quan toà, Làm thế nào để thỏ cứu voi khỏi bị hổ ăn thịt, Thỏ xử kiện yêu tinh phải thua…), là vị thầy thuốc đầu tiên dạy cho loài người làm thuốc (Con thỏ thầy thuốc), là người anh hùng (Thỏ lừa hổ, Thỏ và cá sấu…). Có khi thỏ vì quá khôn ngoan mà ranh mãnh, chơi khăm bạn bè (Thỏ, gà và hổ; Một số mẹo lừa của thỏ…). Truyện kể dân gian Tày, Nùng xứ Lạng có truyện Thỏ làm chúa tể sơn lâm kể về con thỏ bằng sự nhanh trí và thông minh bỗng thành vị quan toà xử kiện giỏi, đóng vai là vị cứu tinh của nhiều loài vật thoát khỏi phải nộp mạng cho sư tử được muôn loài tôn làm chúa tể sơn lâm.
Nhân vật chính của truyện cổ tích loài vật Tày- Nùng xứ Lạng có tính hai mặt vừa giống nguyên mẫu chính con vật ngoài đời, vừa giống với những
hạng người khác nhau trong xã hội. Nguyên tắc thể ấy thể hiện trong việc kết hợp biện pháp nhân cách hoá với biện pháp tả chân. Đằng sau việc miêu tả loài vật là thể hiện nhận thức và thái độ của tác giả dân gian với từng loài vật. Thái độ của tác giả dân gian đối với từng loài vật thể hiện quan hệ giữa con người với loài vật với đủ cả hai mặt biểu hiện của nó: thứ nhất là xung đột chưa điều hoà được giữa người với động vật hoang dã, thứ hai là sự xung đột đã được điều hoà giữa người với động vật đã được thuần hoá. Bắt nguồn từ thần thoại về loài vật với nhu cầu chinh phục tự nhiên, thuần hoá động vật đến cổ tích loài vật thì sự xung đột giữa con người với tự nhiên đã chuyển hoá thành xung đột có tính xã hội trong quan hệ giữa các loài vật. Trong các mối quan hệ xung đột có tính xã hội thì mối xung đột giữa kẻ yếu với kẻ mạnh được chú trọng. Đó chính là sự phản ánh mối quan hệ xung đột có tính giai cấp trong xã hội phong kiến đã được nhân hoá trong mối quan hệ giữa loài thú yếu và loài thú mạnh trong truyện kể. Điều này đã đưa truyện cổ tích loài vật Tày- Nùng xứ Lạng gần có tính chất với cổ tích sinh hoạt và ngụ ngôn.
Có thể nói sự xuất hiện phong phú của truyện cổ tích loài vật Tày- Nùng xứ Lạng nói riêng cũng như truyện cổ tích loài vật nói chung của “văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam đã lấp đầy một trong những ô trống của bảng phân loại văn học dân gian Việt Nam (cũng như truyện thơ và sử thi miền núi)”. [55,14-15].
2.4.3.2. Truyện cổ tích thần kỳ
Trong truyện cổ tích của dân tộc Tày- Nùng xứ Lạng, bộ phận truyện cổ tích thần kỳ là bộ phận có vị trí khá đặc biệt bởi tư tưởng thẩm mỹ cũng như chất liệu tạo dựng cốt truyện của nó đều có mối liên hệ với thời đại cổ tích thần kỳ của các dân tộc thiểu số thời tiền sử và sơ sử. Đáng chú ý nhất ở bộ phận này là các típ truyện về người mồ côi (4/7 truyện), típ truyện về nhân vật người em út và xung đột anh em (2/7 truyện). Đó là những mẫu kể có nguồn
gốc từ buổi ban đầu tan rã của xã hội nguyên thuỷ gắn với sự manh nha tính tư hữu của con người thời sơ sử. Đặc biệt phổ biến trong truyện cổ xứ Lạng là típ truyện “người mồ côi” (vằng chạ, pjạ, chạ...). Những truyện đó đều kể về một nhân vật mồ côi với tên gọi khác nhau. Đó là những nhân vật như : Tài Xì Phoòng, Thàng Cao Chúa, Côi, Opjạ (chàng mồ côi). Truyện Tài Xì Phoòng kể như sau: Nhân vật mồ côi (dân tộc Nùng) tên là Tài Xì Phoòng vì không muốn giết chết một con cá nên bị tên chủ là Núng Cúm đuổi đi. Con cá được cứu mạng chính là công chúa, con vua thuỷ tề đã đón Tài Xì Phoòng xuống Thuỷ cung, gặp vua cha. Hai người xin phép vua cha cho kết hôn và được vua cha tặng cho một chiếc tẩu thần bằng bạc. Trở về trần, hai vợ chồng nhờ tẩu thần nên có nhà đẹp, giàu có. Núng Cúm biết tin, đến thăm và đòi đổi nhà, đổi vợ. Tài Xì Phoòng nghe lời vợ nhận đổi. Sau đó nàng đã hoá phép cho mọi thứ biến mất, tên Núng Cúm tham lam bị nước cuốn trôi xuống vực thẳm. Còn nhân vật mồ côi Thàng Cao Chúa trong truyện Thàng Cao Chúa thì vì thương con rắn mai hoa đang sắp sửa bị làm thịt đã mua lại rắn và mang ra bờ sông thả xuống nước. Con rắn được cứu sống đó chính là con gái Vua Long Vương. Đáp đền công ơn cứu sống của Thàng Cao Chúa, công chúa đã tự nguyện gắn bó với chàng. Công chúa bằng khả năng thần kỳ của mình đã biến chiếc lều nhỏ thành một toà lâu đài đồ sộ với đầy đủ các thứ đồ dùng bằng vàng, bạc. Từ đấy hai vợ chồng sống yên vui, hạnh phúc. Tin Thàng Cao Chua có vợ đẹp, nhà cao cửa rộng đến tai vua. Vua kéo quân đến xem và bắt Thàng Cao Chúa vì cớ dám làm cái nhà to hơn cung điện. Vua bắt nhường vợ đẹp. Công chúa đồng ý và bàn cách với chồng để diệt trừ tên vua bạo ngược. Nàng hoá phép khiến cho tên vua bị trôn vùi dưới biển cả bao la rồi trở về bên Thàng Cao Chúa. Truyện Òpjạ (chàng mồ côi) kể về Õ Pjạ và người con thứ hai của Õpjạ đã đấu tranh không ngừng để chống lại các thế lực tàn bạo và vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
Họ là những con người cùng khổ nhất: mồ côi cả cha, mẹ lại bị cướp đoạt tài sản, bị lừa lọc, phản trắc... Nhưng với phẩm chất ngay thẳng, thật thà, chất phác thông minh, lanh lợi, lại được sự trợ giúp của thần linh và mọi người, mồ côi đã được đền đáp. Hoặc trở nên giàu có lấy được con gái phú ông, lấy công chúa con gái vua, hoặc trở thành vua, đánh tan quân giặc hung hãn cứu muôn dân...Người mồ côi cùng khổ nhất- như cuộc đời muôn người lao động dưới chế độ cũ, nhưng cũng thông minh nhất, nhân đạo nhất- như chính nhân dân lao động. Có thể đồng bào Tày- Nùng đã gửi gắm tất cả nỗi niềm cơ cực và khao khát được sống trong hạnh phúc, no ấm- khi kể câu chuyện cổ về “người mồ côi”.
Bên cạnh đó, truyện cổ tích thần kỳ Tày- Nùng xứ Lạng cũng đáng chú ý về kiểu truyện nhân vật người em út và xung đột anh em. Đây là một trong những kiểu truyện cổ tích thần kỳ quen thuộc của người Việt. Cùng kiểu truyện, người Việt có truyện Cây khế, người Thái có truyện Hai anh em, người Mèo có truyện người tham vỡ bụng. Đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng có các truyện: Chim phàng náo, Hai anh em và ba con yêu tinh. Truyện Chim phàng náo kể về hai anh em mồ côi. Lúc nhỏ sống với nhau rất hoà thuận nhưng khi người anh lấy vợ nghe lời vợ người anh chia gia tài cho em một mảnh rẫy khô cằn nho nhỏ với một cây đào ở tận ven rừng xa tít còn người anh lấy hết những phần ruộng, đám nương đẹp. Chàng chăm chỉ làm ăn, một thời gian cây đào sai chĩu quả có một con chim phàng náo đến nói xin đào của chàng trai về chữa bệnh cho hai con nhỏ và hứa sẽ đền đáp công ơn chu đáo bằng cách bảo người em khâu một chiếc túi để đưa đi lấy vàng của thần Mặt Trời. Vốn hiền lành, lương thiện không có lòng tham nên người em chỉ đi tay không. Thương chim phàng náo trở sẽ nặng chàng chỉ lấy mười thỏi vàng rồi theo chim về. Từ đó người em trở nên giàu có. Người anh biết chuyện, liền đến nhà em và muốn đổi tất cả gia tài vườn ruộng để lấy cây đào và cái lều nhỏ xíu. Khi chim đến, người anh cũng làm như người em và được chim đưa