Một Số Môtif Trong Truyện Kể Dân Gian Tày- Nùng Xứ Lạng


Tình cảm vợ chồng thiêng liêng gắn bó cũng được phản ánh trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng. Hoà vào dòng chảy của những câu chuyện cổ, câu chuyện về những người vợ chung thuỷ vẫn sáng mãi như một bài ca đẹp về đức tính, phẩm hạnh của người phụ nữ Tày, Nùng xứ Lạng nói riêng, của phụ nữ Việt Nam nói chung. Đó là người vợ bồng con ra đỉnh núi chờ chồng rồi hoá đá trong truyện Đá trông chồng. Đó là vợ chàng Trương Hịnh Ca khi chồng đi vắng vẫn thuỷ chung đoan chính chờ chồng, bị nghi oan vẫn giữ niềm tin một ngày chồng mình sẽ hiểu ra trong truyện Người đàn bà đoan chính.

Qua vài nét phác hoạ về một số nhân vật chính diện trung tâm của truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng, ta phần nào thấy được bức tranh hoạ những đường nét cơ bản về những kiểu loại nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng. Đó là nét vẽ phong phú, sinh động về nhân vật chịu số phận bất hạnh; những nét vẽ cảm động về tình bạn, tình cảm gia đình...Tất cả làm hiện lên một bức tranh giàu hình ảnh, đa màu sắc, thể hiện tài năng của các tác giả hay những ước mơ khát vọng về hạnh phúc công bằng, về cuộc sống ấm no tốt đẹp. Đó là nguyện vọng chính đáng của những con người lao động xưa.

Bên cạnh những nhân vật chính diện giữ vai trò then chốt trong tác phẩm thì “nhân vật phụ giữ vị trí thứ yếu so với nhân vật chính trong diễn biến của cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.” [11, 231]. Đây là những nhân vật gắn với những chi tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phù trợ cho nhân vật trung tâm. Nhân vật chính diện là nhân vật phụ trong truyện cổ tích Tày, Nùng có thể là những nhân vật đế vương được nhắc đến như những ông vua, công chúa, Long Vương, con gái vua Thuỷ Tề... Đây là những đại diện của những người thuộc tầng lớp trên và thường là người có vai trò quan trọng trong việc thay đổi số phận cho nhân vật chính diện trung tâm. Tài Xì Phoòng vì cứu được con gái Long Vương


nên được Long Vương cho lấy công chúa và ban cho chiếc Phù Lù Tẩu ước gì được đấy, Thàng Cao Chúa lấy được con gái Long Vương sống cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Chàng mồ côi nghèo lấy được con gái vua... Đó chính là ước mơ của nhân dân lao động về những hạnh phúc và công bằng. Hay đó còn là những nhân vật phụ là những con người bình thường. Họ bao gồm: cộng đồng dân làng, bạn bè, bố mẹ, vợ chồng. Khi những người mồ côi không còn cha mẹ, người thân thì cộng đồng dân làng là nhân vật bao bọc nuôi dưỡng họ lớn lên. Hò Kính Thán đã lớn lên dưới ngưỡng cửa của các bác, các chú trong bản. Cộng đồng dân làng ở bản có khi là những nhân vật giải quyết mối xung đột của câu truyện. Trong truyện Người đàn bà đoan chính những người hàng xóm đã minh chứng cho sự chung thuỷ của vợ chàng Trương Hịnh Ca. Nhân vật dân làng xuất hiện nhiều lần với vai trò giúp đỡ nhân vật chính đã cho thấy cuộc sống cộng đồng của đồng bào Tày, Nùng rất gắn bó, cố kết chặt chẽ. Đó cũng thể hiện mơ ước của người xưa về cuộc sống thanh bình, con người cá nhân hoà cùng con người xã hội để cùng đoàn kết nhau vượt qua mọi khó khăn.

3.1.1.3.2. Nhân vật phản diện

Nhân vật phản diện là những nhân vật luôn đối nghịch với nhân vật chính diện. Đây là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý và lý tưởng của con người. Họ được miêu tả với thái độ chế giễu, lên án, phủ định. Kiểu nhân vật này xuất hiện trong câu chuyện cổ tích có mâu thuẫn, xung đột. Đó là những câu chuyện cổ tích ra đời khi xã hội phân hoá giai cấp, có kẻ giàu người nghèo. Vì vậy, nhân vật phản diện thường thể hiện hình ảnh của giai cấp thống trị trong xã hội.

Nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Việt Nam có thể nhắc đến mẹ con Cám, Lý Thông, lão Phú Ông...Đó là những kẻ cơ hội, ích kỷ, gian ác, xảo quyệt. Cuối cùng chúng đều phải chịu hình phạt đích đáng.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Nhân vật phản diện của truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng khá phong phú, đa dạng. Đó là anh cả, chị dâu, bọn Vua, quan địa phương.... Họ vừa là những con người vừa tham lam ích kỷ, vừa ngu dốt độc ác, vừa là nhân vật thuộc giai cấp thống trị. Có sự xuất hiện của các nhân vật này là sự phù hợp với sự chuyển mình của thế chế chính trị xã hội ở thời điểm các câu chuyện cổ tích ra đời.

Trong truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng mâu thuẫn xung đột giữa nhân vật phản diện gây hại trực tiếp với nhân vật chính diện được thể hiện trên các bình diện: địa vị, quyền thế, đạo đức và tính cách.

Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 11

Nhân vật phản diện được xây dựng ở địa vị xã hội cao hơn nhân vật chính diện là nhân vật thuộc giai cấp thống trị trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng như tên vua tàn bạo trong truyện Cô bé chăn vịt, lão cai tổng tham lam vô độ trong truyện Lão trưởng giả vừa thọt vừa mù, tên Núng Cún tham lam trong truyện Tài Xì Phoòng...những nhân vật này đều là những con người có tiền có quyền. Họ lợi dụng sức mạnh của quyền lực, địa vị và sự giàu có để bắt nạt những con người yếu thế. Sự xuất hiện của những nhân vật trong truyện kể Tày, Nùng xứ Lạng đã thể hiện rõ sự đối lập giữa các giai cấp trong xã hội. Đó là sự đối lập giữa kẻ giàu người nghèo, giữa địa vị giàu có với thân phận nghèo khổ. Nó phản ánh thực trạng xã hội đã phân hoá giai cấp sâu sắc.

Không chỉ đối lập về quyền lực địa vị, những nhân vật phản diện còn đối lập về đạo đức tính cách với nhân vật chính diện. Nếu nhân vật chính diện là đại diện cho những phẩm chất đạo đức tốt đẹp thì nhân vật phản diện là đại diện của cái ác, cái xấu. Người em út mồ côi chăm chỉ hiền lành bao nhiêu thì anh cả, chị dâu lại lười biếng tham lam bấy nhiêu. Vì lòng tham mà họ quên tình anh em ruột thịt. Những bậc minh quân sáng suốt thay thế bằng những hôn quân bạo chúa chỉ ra sức bóc lột con người nhỏ bé và làm điều phi nghĩa.

Những nhân vật phản diện thuộc giai cấp thống trị vì sự ích kỷ của bản thân mà sẵn sàng gây hại, lừa dối nhân vật chính diện. Những con người nhỏ


bé, yếu thế, hiền lành, thật thà, trở thành nạn nhân, phải rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà vua trong truyện Thàng Cao Chúa ra lệnh bắt giam Thàng Cao Chúa, viện cớ là người cùng đinh mà dám ngạo mạn làm nhà to hơn cung điện của vua, để có thể chiếm được vợ đẹp của chàng mồ côi. Núng Cún trong truyện Tài Xì Phoòng nổi lòng tham vừa muốn đoạt vợ của Tài Xì Phoòng vừa muốn chiếm cái phù lù tẩu đã chuốc rượu say rồi cõng chàng vào buồng vợ Ba để vu vạ. Dẫu gây hại, lừa dối bằng cách này hay cách khác thì chúng đều bộc lộ bản chất tham tham, ích kỷ, gian ác của mình. Đây là những những nhân vật bộc lộ mặt trái của xã hội có giai cấp.

Các tác giả dân gian đã bộc lộ quan niệm “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” “gieo nhân nào gặt quả nấy” qua những kết cục bi thảm của nhân vật phản diện: Lão Núng Cún tham lam muốn đổi vợ mồ côi và chiếm đoạt đồ vật thần, đã bị nước lũ dâng lên, cuốn hắn về vực thẳm (Tài Xì Phoòng), anh cả chị dâu bị thần Mặt Trời phun lửa thiêu chết (Chim phàng náo), tên vua hiếu sắc bị trừng trị thích đáng (Thàng Cao Chúa)...

Như vậy, những nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng xuất hiện ở nhiều góc độ, qua đó biểu hiện những mối quan hệ phức tạp trong xã hội của đồng bào Tày, Nùng. Đa số những nhân vật phản diện phải chịu hình phạt tương xứng với tội ác mà họ gây ra. Xét ở một góc độ nào đó, xây dựng nhân vật phản diện trong tương quan đối lập với nhân vật chính diện là một cách tác giả dân gian làm nổi bật phẩm chất đạo đức, vẻ đẹp tâm hồn của những nhân vật chính diện.

3.1.1.3.3. Lực lượng thần kỳ

Lực lượng thần kỳ là nhân vật đặc trưng của thể loại truyện cổ tích. Đây là những nhân vật gắn liền với việc thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân lao động xưa. “Các lực lượng thần kỳ như chiếc cầu kỳ diệu đã nối liền cuộc đời thực và cuộc đời mộng tưởng của các nhân vật chính diện làm cho nó trở


thành một thể thống nhất trong trí tưởng tượng đặc biệt của tác giả truyện cổ tích” [41, 73]. Có thể hiểu đơn giản đây là những nhân vật thần kỳ giúp đỡ, hỗ trợ cho nhân vật chính diện. Trong truyện cổ tích ta thường gặp các nhân vật thần kỳ khi mâu thuẫn truyện căng thẳng, nhân vật chính bế tắc. Đó là khi cô Tấm gặp phải những hoàn cảnh khó khăn oà lên khóc và Bụt xuất hiện. Đó là khi anh Khoai không tìm được cây tre trăm đốt thì được Bụt hiện lên giúp đỡ. Cũng giống như truyện cổ tích Việt, truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng có thể là những nhân vật thần viện trợ, giúp đỡ nhân vật chính diện thông qua nhiều hình thức. Đó là người vợ Thàng Cao Chúa làm phép biến cái lều nhỏ thành một toà nhà đồ sộ trong nhà bày biện đủ các thứ đồ dùng bằng vàng, bằng bạc rồi dùng phép để nhấn chìm tên vua tham lam, hiếu sắc xuống biển sâu. Bên cạnh đó truyện cổ tích Tày, Nùng cũng có những đồ vật thần mang phép màu kỳ lạ. Vật thiêng trong truyện cổ tích người Việt là “ niêu cơm thần”, “đàn thần”, “cung thần”, “sáo thần”...thì truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng cũng có các đồ vật thiêng như cái phù lù tẩu- cái bầu bằng bạc có thể cho mọi thứ ở trên đời (Tài Xì Phoòng). Đồ vật thần kỳ đã giúp đỡ nhân vật chính diện, hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn, nguy hiểm. Đó còn là những con vật thần: Chim phàng náo nói tiếng người và trở chàng mồ côi đi lấy vàng(Chim phàng náo). Vợ chồng giảng pức- cào cào bưởi giúp dấu vợ chồng nàng tiên trứng vào só cây để tránh bầy vượn truy đuổi rồi bằng sự lanh lẹn, thông minh của mình đã chiến đấu để bảo vệ vợ chồng nàng tiên trứng. Ghi nhận công ơn này, “vợ chồng nàng tiên trứng đã tặng vợ chồng giảng pức mỗi người một đôi áo xanh, hồng nên ngày nay đôi cánh cào cào bưởi, tức là giảng pức cái áo ngoài xanh thắm, cái trong hồng đào” [Nàng tiên trứng 3,189]. Tác giả dân gian đã nhân cách hoá con vật để nó trở thành người bạn trung thành của con người. Từ đó góp phần làm nổi bật sự xấu xa, bất nghĩa của nhân vật phản diện


Có thể thấy lực lượng thần kỳ trong truyện cổ tích Tày, Nùng đã góp phần thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân lao động xưa, vừa thể hiện trí tưởng tượng bay bổng của tác giả dân gian làm cho câu chuyện cổ tích trở nên ly kỳ hấp dẫn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người thưởng thức.

Ngoài các nhân vật thần kỳ phù trợ cho nhân vật chính diện, trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng còn có đối tượng nhân vật thần kỳ độc ác, dữ dằn, gây ra tai hoạ phá hoại cuộc sống của con người. Đó là các nhân vật cụ thể là: yêu tinh, giả chan, Dà Dìn... những nhân vật này xuất hiện trong thế tương quan đối lập với lực lượng thần kỳ tuyến chính diện.

Yêu tinh giả chan, Dà Dìn là khái niệm trừu tượng chỉ những loài yêu ma tinh khôn, là kẻ thù của con người. Trong truyện cổ tích Tày, Nùng yêu tinh giả chan, Dà Dìn xuất hiện là những kẻ ngày đêm rình bắt trẻ con đem đi ăn thịt, lùng bắt người già đem đi hút máu. Cuộc sống yên bình của nhân dân trong vùng bị phá vỡ bởi nạn giả chan, Dà Dìn. Những quái vật gây hại xuất hiện và bị diệt trừ cũng là một cách để nhân vật chính diện bộc lộ sức mạnh và phẩm chất. Lớp nhân vật này được dựng lên bằng trí tưởng tượng của tác giả dân gian Tày, Nùng. Thực chất đây là cách phản ánh thế lực phản diện đối lập trong xã hội loài người qua những câu chuyện cổ tích.

Tóm lại, truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích Tày, Nùng nói riêng là bức tranh sinh động phản ánh lịch sử xã hội cùng nhận thức của nhân dân về con người và cuộc sống. Thế giới nhân vật trong những câu chuyện ấy được xây dựng rất phong phú, đa dạng. Nó miêu tả những mối quan hệ phức tạp trong gia đình và ngoài xã hội; phản ánh những mâu thuẫn gay gắt giữa thiện và ác, giữa người tốt kẻ xấu trong xã hội hình thành giai cấp đối kháng.

3.1.2. Một số môtif trong truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng

3.1.2.1. Môtíp người khổng lồ gặp trở ngại

Trong trí tưởng tượng của người xưa, các sự vật hiện tượng có trong tự nhiên như sông ngòi, đồi núi, đồng bằng, sấm chớp, mưa gió...đều do người khổng lồ tạo thành.


Các sự vật hiện tượng mà những người khổng lồ tạo ra thường gắn liền với địa bàn cư trú nhất định của tộc người. Người Tày, Nùng cổ từ lâu đã sống tập trung ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Đó là một miền đất có những dãy núi khá cao, những vùng đồi rộng nổi lên giữa trập trùng rừng nhiệt đới rậm rạp, hoang dã, mà các đỉnh hầu như bị một lưỡi dao của ông khổng lồ nào đó cắt phẳng đều (hình như đấy chính là vết tích của ông Tài Ngào để lại). Người Tày, Nùng đã quần cư đông đảo ở những thung lũng trù mật, dưới chân những dãy núi cao. Do vậy họ đã tạo ra được một nền kinh tế nông nghiệp phức hợp và một nền văn hoá mà các nhà khảo cổ gọi là “văn hoá thung lũng”. Những đặc điểm tự nhiên này là chỗ dựa để người xưa tin rằng đó là những kỳ tích do người khổng lồ tạo ra. Khi người khổng lồ đang thực hiện chức năng kiến tạo, khai sáng vũ trụ của mình thì bỗng nhiên gặp trở ngại, công việc của họ phải bỏ dở. Chính từ sự bỏ dở đó, các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên được hình thành.

Trong các thần thoại Tày- Nùng xứ Lạng, trở ngại mà người khổng lồ gặp phải tự nhiên xuất hiện và nó nằm ngoài ý muốn của họ. Đó là đòn gánh bị gãy, người mẹ tự nhiên bị ốm hoặc qua đời. Từ trở ngại này mà hình thành nên đồi núi, đồng bằng, hang động, sông suối...như ngày nay. Trong kho tàng truyện kể dân gian xứ Lạng của đồng bào Tày Nùng, trở ngại là do chính người khổng lồ tạo ra, môtíp này được thể hiện qua truyện Công việc bỏ dở của Thần Nông. Theo cách giải thích của đồng bào thì “Vì bắt trâu bừa quá sức, nên trâu đã lăn ra chết. Trời biết việc đó, tức giận liền gọi Thần Nông về trời. Công việc phá hoang của Thần Nông vì vậy phải bỏ dở. Thần Nông đã tạo nên cánh đồng Thất Khê bao la bằng phẳng. Núi đồi vây lấy cánh đồng này, từng dãy nhấp nhô chạy từ phía Bắc xuống phía Nam là dấu tích công việc bỏ dở của thần Nông. Những tàng đất cày lật lên chưa kịp bừa nhỏ chính là ngọn núi Khau Sliêng, Khau Pjao, Lũng Phầy, Khau Luông, Hua Vài ngày nay. Lũng Phầy là nơi Thần Nông châm mồi lửa đầu tiên đốt rừng. Hua Vài là


nơi con trâu của Thần kiệt sức ngã xuống gục chết”[Công việc bỏ dở của Thần Nông,3, 120].

3.1.2.2. Môtíp dấu tích để lại của nhân vật

Qua khảo sát có thể nhận thấy các dấu tích được giải thích trong truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng chính là những dấu tích để lại của nhân vật sau khi khép lại hành trình hoặc số phận của mình. Những vết tích ấy cùng với đặc điểm, tính chất, hình hài của nó đã gợi hứng để nhân dân sáng tạo nên những truyện kể dân gian thú vị, mang sức hấp dẫn riêng trong kho tàng truyện kể của dân tộc. Người nghe chuyện có thể vừa hình dung về núi, sông, đèo, thác quanh mình vừa đắm chìm trong lời kể dân gian để tâm hồn bay bổng cùng trí tưởng tượng vô cùng phong phú, lãng mạn của nghệ sĩ nhân dân. Dấu tích để lại của nhân vật vì vậy là môtíp rất tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải mã cách giải thích tên gọi địa danh của mọi thể loại truyện kể dân gian. Trong thần thoại, dấu tích để lại sau hành trạng, số phận của các vị thần, trong truyền thuyết là những nhân vật lịch sử, còn trong cổ tích là con người đời thường, đôi khi là nhân vật thần kỳ giữ chức năng trợ thủ cho nhân vật chính

Xứ Lạng có cánh đồng Thất Khê bao la bằng phẳng là do công lao xưa của Thần Nông phá hoang, phát rẫy mà thành. “Núi đồi bao quanh cánh đồng cày lên làm thành những ngọn núi Khau Sliêng, Khau Pjao, Lũng Phầy, Khau Luông, Hua Vài ngày nay. Lũng Phầy là nơi Thần Nông châm mồi lửa đầu tiên đốt rừng. Hua Vài là nơi con trâu của Thần kiệt sức ngã xuống gục chết” [Công việc bỏ dở của Thần Nông, 3, 120].

Trong truyền thuyết xứ Lạng của đồng bào Tày- Nùng, dấu tích để lại của nhân vật còn là những chiến công, là sự hoá thân của nhân vật, là những sự kiện khác có liên quan đến nhân vật. Những dấu vết đó là sự phản ánh một cách chung nhất, khái quát nhất lịch sử (lịch sử hiểu theo nghĩa chung nhất của nó), phong tục tập quán, đời sống tâm linh tín ngưỡng của cư dân địa phương. Gắn với nó là nguồn cảm hứng ngợi ca, tôn vinh.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 02/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí