dưới chân những dãy núi cao. Do vậy họ đã tạo ra được một nền kinh tế nông nghiệp phức hợp và một nền văn hoá mà các nhà khảo cổ gọi là “ Văn hoá thung lũng”. Những đặc điểm tự nhiên phức hợp này là chỗ dựa để người xưa tin rằng đó là những kỳ tích do người khổng lồ tạo ra.
Nhiều văn bản truyện cổ xuất hiện và được lưu truyền trong các dân tộc Tày, Nùng từ vùng Cao Bằng đến khắp các vùng của Lạng Sơn, đặc biệt là các thiên thần được coi là có công tạo lập đất nước, tạo lập vùng định cư của các dân tộc. Trong kho tàng truyện kể dân gian xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng có thần thoại “ Công việc bỏ dở của Thần Nông” (Thần thoại dân tộc Tày). Truyện kể rằng: “ Ngày xưa, xứ Cẩu Phung có vợ chồng Thần Nông sinh được hai con trai. Khi hai con đã lớn, vợ chồng Thần Nông bèn chia đôi đất mình đã khai phá thành ruộng cho hai con mỗi đứa một nửa, lấy con sông Bắc Khê làm giới hạn... Khi chia đất cho hai con xong thấy đất còn rộng quá mà ruộng thì ít, liền phá hoang thêm. Vợ chồng Thần làm việc suốt ngày đem. Từng khu rừng hoang nối tiếp nhau đổ dưới bàn tay của vợ chồng Thần. Hàng ngày trời mở mắt xem Thần Nông làm việc. Mặt trời đưa đến đâu, cây rừng mới ngả đều khô hết. Ngả cây xong, Thần Nông phóng lửa đốt. Rồi chồng phía Đông, vợ phía Tây, hai Thần thi nhau làm. Trâu của hai Thần cày rất khoẻ, đất lật lên từng tảng to nhỏ, cao thấp như những trái đồi, trái núi. Nhưng vì bắt trâu làm quá sức, nên khi Thần chưa kịp bừa nhỏ, san bằng những tảng đất ấy, thì trâu đã lăn ra chết cả. Trời biết vợ chồng Thần Nông bắt trâu chết, tức giận liền gọi về trời. Công việc phá hoang của Thần Nông vì vậy phải bỏ dở.
Thần Nông đã tạo nên cánh đồng Thất Khê bao la bằng phẳng. Núi đồi bao vây lấy cánh đồng này, từng dãy nhấp nhô chạy từ phía Bắc xuống phía Nam là dấu tích công việc bỏ dở của Thần Nông. Những tảng đất cày lên chưa kịp bừa nhỏ chính là ngọn núi Khau Sliêng, Khau Piao, Lũng Phầy, Khau Luông, Hua Vài ngày nay. Lũng Phầy là nơi Thần Nông châm mồi lửa
đầu tiên đốt rừng, Hua Vài là nơi trâu Thần kiệt sức ngã gục chết. Nhớ ăn Thần, về sau dân vùng này dựng đền thờ tại làng Nà Sùa ở giữa cánh đồng của người con thứ. Hằng năm cứ đến ngày 12 tháng 4 âm lịch, các xã nằm trong cánh đồng Thất Khê đều góp gạo, thịt tế Thần Nông...”[Công việc bỏ dở của Thần Nông, 3, 119-121]
Với đồng bào xứ Lạng, Thần Nông không chỉ là người tạo lập vùng đất, ruộng đồng mà Thần Nông còn là người cai quản ruộng vườn, đất đai. Vị Thần có thể hô gió, gọi mưa cho mùa màng, cây cối tốt tươi, cho cuộc sống dân bản bình an, vụ mùa bội thu, chăn nuôi gia súc đầy đàn, đầy lũ.
Sống ở vùng rừng núi hoang sơ, hiểm trở, luôn phải đối mặt với những bí ẩn, thách thức của tự nhiên, đồng bào Tày- Nùng ở xứ Lạng ngày từ những ngày đầu tiên cư trú trên mảnh đất ruộng đồng này đã mang trong mình khát khao nhận thức, lý giải các hiện tượng tự nhiên kỳ vĩ quanh mình. Trong tư duy của đồng bào thời xa xưa, tạo ra vũ trụ, sắp đặt vũ trụ phải là những con người, những vị thần mang trong mình sức mạnh siêu nhiên, công trạng siêu phàm như vậy. Cách giải thích hồn nhiên, ngây thơ tuy không có tính khoa học nhưng đã chứng tỏ người xưa đã rất quan tâm đến mọi hiện tượng xung quanh mình, đã quan sát tỉ mỷ và cố gắng giải thích sự tồn tại của nó.
Một bộ phận trong truyện kể xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng xứ Lạng còn có những câu chuyện để giải thích về các địa danh bao quanh con người được gọi là thần thoại địa danh. Thần thoại địa danh của đồng bào Tày, Nùng xuất hiện để giải thích sự hình thành núi sông, gò bãi...bằng cách nhân tính hoá, nhân hình hoá các hiện tượng tự nhiên, khoác cho tự nhiên những hành động, sự việc hệt như của con người. Tên gọi Bủng Kham là một vũng nước ở thôn Nà Phái xã Đại Đồng huyện Tràng Định. Xưa kia nơi đây là vũng nước rộng, nước chảy trong vắt quanh năm. Hiện nay Bủng Kham chỉ còn một vũng nước nhỏ, dấu tích còn lại là cồn cát phía Đông và gò đá phía Tây, trên
Có thể bạn quan tâm!
- Về Điều Kiện Xã Hội Và Lịch Sử Tộc Người Tày- Nùng Xứ Lạng
- Văn Hóa, Văn Học Dân Gian Dân Tộc Tày –Nùng Xứ Lạng
- Một Số Thể Loại Truyện Kể Dân Gian Tày- Nùng Xứ Lạng
- Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 8
- Truyện Cổ Tích Sinh Hoạt Tày- Nùng Xứ Lạng.
- Nhân Vật Trong Truyện Cổ Tích Tày- Nùng Xứ Lạng
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
mặt có dấu vết các bàn “ô ăn quan” tương truyền là nơi đùa của các nàng Tiên xưa kia. Truyện kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, có bẩy nàng tiên đã trốn Ngọc Hoàng xuống hạ giới ngao du. Khi bay qua vùng Cẩu Pung thấy phong cảnh sơn thuỷ hữu tình nơi đây tuyệt đẹp, bèn dừng chân ngắm cảnh và tắm mình trong dòng nước trong xanh mát rượi. Vì quá mải vui, các nàng tiên quên cả về trời. Lâu không thấy các nàng về, Ngọc Hoàng phái thiên thần đi tìm. Nghe tiếng Thiên thần gọi, các nàng giật mình biết quá mải vui mà phạm lệnh Thiên đình nên vội vàng xiêm áo bay về trời, quên cả bảy dải lụa xanh ở Cẩu Pung. Bảy dải lụa xanh ấy tự nhiên biến thành bảy dòng suối lớn trong xanh mát rượi, tưới cả cho cánh đồng rộng lớn. Đó là các con suối Nặm Ăn, Khuổi Nộc, Pác Chác, Khuổi Ngìn, Khuổi Sao, Khuổi Mịt, Thâm Luông. Từ ấy cánh đồng có tên gọi là Thất Khê, tức là bảy con suối. Trong số bẩy con suối đó thì suối Nặm Ăn là lớn nhất, nước trong xanh nhất, mát nhất, có phong cảnh đẹp nhất mà Nàng tiên chọn tắm, đó là vũng nước xoáy Bủng Kham ở thôn Nà Phái, xã Đại Đồng. Những khi gió mát trăng thanh, đêm khuya vắng lặng, Nàng tiên cả thường gọi các em đến tắm dòng nước mát và đã khoét xuống gò đá hai bàn “chét” cho các em cùng chơi. Đánh “chét ô ăn quan” là một trò chơi giải trí thú vị và phổ biến ngày xưa của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Gò đá Bủng Kham là nơi lạnh lùng khác thường, ngày xưa những lúc vắng lặng hoặc lúc hoàng hôn buông xuống, ít ai dám đi qua, và Bủng Kham trở thành đất thiêng từ đó”.[44, 31-32]
Nhân dân quanh vùng quan niệm Bủng Kham là nơi vui chơi giải trí của thân tiên rất thiêng, nên ai chịu khó thờ cúng ở đó thì sẽ được các nàng Tiên phù hộ cho làm ăn phát đạt, mùa màng nương rẫy bội thu, gia súc đầy đàn, cuộc sống yên bình, gia đình no ấm hạnh phúc. Công cuộc kiến tạo núi sông của tự thân vũ trụ trở thành công việc của các thần, của những anh hùng văn hoá, những lực lượng siêu nhiên. Điều đó đã thể hiện, niềm tin, khao khát
nhận thức khám phá vũ trụ và tình yêu, lòng tự hào của đồng bào về vẻ đẹp của thiên nhiên; ước mong chinh phục, thắng đoạt tự nhiên dù chỉ trong tưởng tượng, bằng tưởng tượng
Xem xét và khảo sát thần thoại của đồng bào Tày- Nùng xứ Lạng tuy với số lượng ít nhưng cũng phần nào cho ta thấy cảm quan và trí tưởng tượng của đồng bào vô cùng phong phú. Dù hoang đường khó tin nhưng chúng vẫn mang sức hấp dẫn đặc biệt, sức “ hấp dẫn của một nghệ thuật nảy nở trên những điều kiện xã hội sơ khai, một nghệ thuật về sau không bao giờ có thể sản sinh được nữa”.
2.4.2. Truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng
Từ thần thoại suy nguyên, nặng về luận đoán, suy tưởng về sự hình thành vũ trụ, về việc sinh ra con người thuở ban đầu, thần thoại đã phát triển thành những bài ca hào hùng ca ngợi những chiến tích kỳ diệu của con người bước đầu chinh phục thiên nhiên, sáng tạo văn hoá trong buổi đầu của sự hình thành tộc người. Đó chính là ngọn nguồn của truyền thuyết. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài “ Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương” đã viết: “ Một nguồn sử quý giá là truyền thuyết dân gian...những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân ta qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng. Chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hoá mà đời đời con cháu ưa thích”. Đúng như vậy, truyền thuyết cũng như văn học nói chung với tất cả tính hư cấu và sức tưởng tượng bay bổng kỳ diệu tới đâu chăng nữa cũng chỉ là bắt rễ bén mầm từ thực tiễn xã hội.
Truyền thuyết thường thể hiện cảm quan của nhân dân về một sự kiện, một nhân vật lịch sử gắn với những tên gọi núi sông, gò bãi, làng xóm, đình đền, miếu mạo, lễ hội.... Truyền thuyết được coi như những “dấu tích” những
“ bằng cớ” về chiến tích của các nhân vật anh hùng, là nơi những sự kiện lịch sử,... đã “diễn ra”.
Khi khảo sát 8 truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng có trong các tài liệu mà chúng tôi thu thập để nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm truyền thuyết tiêu biểu trong truyền thuyết xứ Lạng đó là truyền thuyết về anh hùng chống giặc ngoại xâm và truyền thuyết về thần tự nhiên.
2.4.2.1. Truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng về đề tài anh hùng chống giặc ngoại xâm.
Lịch sử nước ta là lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm. Dân tộc ta luôn luôn phải chống giặc ngoại xâm từ mọi ngả, đặc biệt là phong kiến phương Bắc thuở xưa chưa bao giờ bỏ tham vọng thôn tính nước ta, đồng hoá nhân dân ta. Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền sống, bảo vệ nền văn hoá dân tộc là một nội dung rất phong phú của lịch sử nước ta. Truyền thuyết đã ghi lại nội dung này bằng nhiều mẩu chuyện chống ngoại xâm quyết liệt và đầy vinh quang trên khắp các chặng đường lịch sử: từ những truyện kể về bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đến câu chuyện kể về bà Triệu cưỡi voi chém giặc cùng các nữ tướng...
Trong thực tế lịch sử, các tộc anh em trên khắp mọi miền của đất nước, bằng cách này hay cách khác, đã đóng góp phần của mình vào các chiến thắng vinh quang đó. Bằng thể loại truyền thuyết, các tác giả dân gian trong đó có tộc người Tày- Nùng ở xứ Lạng đã khắc hoạ lịch sử bằng những hình tượng độc đáo của địa phương, góp phần bồi đắp truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết sắt son của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đồng bào ở đây vẫn lưu truyền những mẫu kể ngắn gọn về các anh hùng chống giặc ngoại xâm. Tềnh Tổng gắn với câu chuyện về ông quan cai quản đất xứ Lạng hồi đó là Hán quận công tìm cách trừ cướp giặc, cứu người bị nạn trong truyện “Tềnh Tổng”. Ngõ Thề ở Chi Lăng gắn với câu chuyện tình của một đôi trai
gái giàu lòng yêu nước trong truyện “Câu chuyện về Ngõ Thề ở Chi Lăng”. Đó còn là bảy chàng dũng sĩ đã hoá thành bảy ngọn núi để án ngữ quân giặc, sống mãi với quê hương bản làng trong truyện về Cửa Quỷ, núi Quỷ (Chi Lăng)...
Những sự kiện, những nhân vật trong truyện có thể không hoàn toàn có thực nhưng với đồng bào nó lại có tác dụng khái quát lịch sử, đời sống tinh thần chung của cộng đồng làng bản. Nội dung cơ bản của nhóm truyện kể này là phản ánh công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, quá trình làm ăn sinh sống, giữ gìn, xây dựng bản làng. Chi phối toàn bộ nội dung này là nguồn cảm hứng ngợi ca, tôn vinh. Công cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống ngoại xâm...đó đã để lại những tia hồi quang đậm nét trong lòng nhân dân, trở thành nguồn cảm hứng để họ sáng tạo ra những truyền thuyết muôn đời cho thế hệ.
Lòng ngưỡng mộ, cảm phục trước những hy sinh, những đóng góp cao cả, những tài năng, phẩm chất của con người này đã khiến dân gian sáng tạo nên những câu chuyện đầy thơ mộng, lưu truyền từ đời này sang đời khác, như để nhắc nhở con cháu mình về công lao của những lớp người đi trước. Điều này cho thấy chính lịch sử hào hùng của bản làng, của tộc người đi qua đã để lại ở mỗi làng, mỗi xóm, mỗi vùng đất, những di tích, lễ hội những nét khắc trạm không thể phai mờ. Đồng bào truyền miệng nhau đời này qua đời khác những câu chuyện hào hùng đó làm cho những con người, những sự kiện lịch sử trong truyện là có thực và chính nó đã khắc tạo tên, tạo hình cho núi sông, đất nước, tạo nên bản sắc của bản làng. Mỗi câu chuyện như một bài ca ca ngợi công lao, sự đóng góp của mỗi con người dành cho bản làng yêu dấu.
2.4.2.2. Truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng về các vị thần tự nhiên
Khi khảo sát truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng, chúng tôi nhận thấy ở thể loại thần thoại trong quá trình lưu truyền và tồn tại đã có sự biến đổi về nhiều mặt và chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử, yếu tố tôn giáo và tín
ngưỡng dân gian đã làm cho quá trình truyền thuyết hoá thần thoại diễn ra mạnh mẽ. Xưa kia, người Việt nói chung và người Tày, Nùng nói riêng đã có một hệ thần thoại phong phú, đó là những truyện kể về các thực thể tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, bầu trời, biển cả, dòng sông, ngọn núi, cây cối, tảng đá, vật tổ...tất cả đều gắn với các tình tiết hoang đường, kỳ ảo, phản ánh tư duy nhận thức huyền thoại của con người về thế giới tự nhiên. Thế giới tự nhiên ấy đã được con người gắn cho bản tính thần linh, do thần linh sinh ra và cai quản. Về sau do quá trình lịch sử hoá, địa phương hoá..., các thần thoại đó đã được sáng tạo và tái sáng tạo. Chính điều này làm cho diện mạo, bản chất nguyên sơ của thần thoại không còn nguyên dạng nữa, thần thoại đã mang cả tính chất truyền thuyết. Trong quá trình lưu truyền lâu dài qua các triều đại, qua nhiều thế hệ người dân, các thần thoại dần trở thành những truyền thuyết đúng nghĩa, bởi trên thực tế đã diễn ra quá trình truyền thuyết hoá thần thoại. Tuy nhiên, các yếu tố thần thoại, hay nói cách khác các mảnh vụn của thần thoại vẫn còn lưu dấu vết rất đậm trong các truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết về các thần tự nhiên, và đó là sự hỗn dung về thể loại giữa thần thoại và truyền thuyết. Đề cập đến yếu tố tự nhiên trong thể loại truyền thuyết dân gian, tác giả Trần Thị An trong bài Những biểu tượng không gian thiêng trong truyền thuyết dân gian người Việt đã chỉ ra rằng: “Núi, đá, sông nước, cây và mây mù là biểu tượng của không gian thiêng trong truyền thuyết. Đó là nơi trú ngụ của thần linh, là không gian tồn tại của sự sống trong dạng động và tĩnh...”[1,803-829 ]. Tuy nhiên, tác giả chưa đi đến khẳng định về sự tồn tại của dạng truyền thuyết về thần tự nhiên với tư cách là một tiểu loại nằm trong thể loại truyền thuyết dân gian. Xét dưới tiêu chí nội dung và thi pháp của thể loại truyền thuyết, chúng tôi nhận thấy có một mảng truyền thuyết xứ Lạng về thần tự nhiên khá phổ biến và được biểu hiện dưới các dạng thái khác nhau. Đó là truyền thuyết về những nhân vật nguyên dạng là thần tự nhiên và truyền thuyết về các nhân vật thần tự nhiên đã được lịch sử hoá. Trong đó bao gồm
các truyền thuyết về thần Nước, thần Đá, thần Núi. Gắn liền với các truyền thuyết là các di tích, phong tục thờ cúng và lễ hội được lưu truyền từ xa xưa. Các nhân vật thần Nước vốn là những nhân vật thần thoại giải thích cho sự ra đời, tồn tại của dòng sông, mặt hồ và cả quá trình chinh phục nguồn nước của con người. Trong truyện kể dân gian xứ Lạng các nhân vật này được gắn với những sinh hoạt văn hoá lễ hội, tục thờ liên quan đến việc giải thích nguồn gốc hình thành của các lễ hội. Vì thế, các truyện kể dân gian về nhân vật thần Nước đậm tính chất của nhân vật truyền thuyết
Giống như dân tộc Việt ở vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các dân tộc người thiểu số Tày, Nùng trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là canh tác cây lúa và một số hoa màu khác. Họ rất coi trọng từng thửa ruộng, mảnh vườn của mình và nghề nông. Trong sản xuất nông nghiệp và trồng cây lúa, yếu tố nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Nước làm cho con người sợ hãi khi lũ lụt, và nước giúp nhà nông cấy cày, sản xuất trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng lưu giữ cho mình khá nhiều những truyền thuyết phản ánh tính cầu nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp như những môtip chuyện về Ông Cộc, Ông Dài, Thần Rắn được lưu truyền dọc bờ sông Kỳ Cùng và liên quan đến sự tích các lễ hội như: Lễ hội đình Vằng Khắc, lễ hội Phài Lừa Nà Lình, lễ hội Bưa Lừa Văn Mịch, lễ hội chùa Tiên...Những sự tích này chúng tôi sẽ lý giải sâu hơn ở những nội dung tiếp theo.
Như vậy, xét về đặc trưng thể loại, những câu chuyện truyền thuyết Tày, Nùng xứ Lạng đã được sử dụng như những chứng cứ lịch sử, như sự ghi nhận lòng tri ân của nhân dân (tác giả và là người kể truyền thuyết) đối với nhân vật trong truyện. Những tên địa danh, những sự tích lễ lễ hội... đều gắn với những truyền thuyết cụ thể. Điều này khiến cho truyền thuyết của đồng bào vừa đầy màu sắc huyền thoại vừa như là những điều “có thực” xảy ra từ cuộc sống giữ gìn bản làng của chính họ