Nhân Vật Trong Truyện Cổ Tích Tày- Nùng Xứ Lạng


người khổng lồ mang tính chất như con người lao động bình thường (Tại sao có đồng bằng và đồi núi, Chuyện Tài Ngào, Công việc bỏ dở của Thần Nông...). Trong tư duy của người Tày- Nùng, toàn bộ mặt đất là một đám ruộng lớn của người khổng lồ, chính vì vậy mới có cách giải thích có đồng bằng và đồi núi ngày nay là do người khổng lồ bỏ dở công việc cày ruộng, bừa ruộng của mình.

3.1.1.2. Nhân vật trong truyền thuyết Tày, Nùng xứ Lạng

Trong truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng có thể thấy những nhân vật trong truyền thuyết xứ Lạng, họ là những con người như đôi trai gái dân tộc giàu lòng yêu nước trong truyện Câu chuyện về ngõ Thề , bẩy chàng dũng sĩ hoá thân thành bảy ngọn núi để án ngữ quân giặc trong truyện truyền thuyết về cửu Quỷ, núi Quỷ... Hệ thống những nhân vật này đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống đánh giặc giữ gìn bản làng của đồng bào Tày, Nùng xứ Lạng.

Mặt khác truyền thuyết xứ Lạng còn biểu hiện sự rơi rớt của tín ngưỡng dân gian nguyên thuỷ qua một số truyền thuyết giải thích về một số lễ hội với sự xuất hiện của nhân vật là những con vật thiêng như rắn, ông Cộc ông Dài, thuồng luồng. Nhân vật thần Rắn gắn liền với việc giải thích một loạt các lễ hội dọc bờ sông Kỳ Cùng chảy qua như: đình Vằng Khắc, hội Bưa Lừa-Văn Mịch, hội Phài Lừa- Nà Lình... Sự xuất hiện nhiều của hình tượng Rắn qua một số truyền thuyết để giải thích về dấu tích đền, đài, lễ hội phần nào để giải thích sự hung dữ của các con sông, thác nước, tục thờ cúng thần Nước xuất phát từ nỗi sợ hãi Thuỷ thần của người nguyên thuỷ xa xưa. Bởi trong thực tiễn đời sống, nước là một hiểm hoạ lớn nhất đối với con người, dân gian còn truyền rằng “Nhất thuỷ nhì hoả”. Khi quá nhiều nước sẽ dẫn đến ngập lụt, khi thiếu nước sẽ dẫn đến khô hạn. Sự xuất hiện của hình tượng Rắn trong kho tàng truyện cổ dân gian xứ Lạng còn là sự ẩn chứa ước muốn cầu mong về sông nước hiền hoà, tránh những thảm hoạ do thiên tai gây ra.


Có thể thấy, các nhân vật trong truyền thuyết Tày- Nùng xứ Lạng là những nhân vật lịch sử được đồng bào huyền thoại hoá một cách hồn nhiên theo chiến công phi thường và hoá thân kỳ ảo. Các nhân vật truyền thuyết được gửi gắm sức mạnh của cộng đồng bản làng, rồi trở nên linh thiêng, được gọi tên địa danh để ghi dấu công ơn. Trong tâm thức người dân Tày- Nùng xứ Lạng, các nhân vật thần tự nhiên được lưu giữ một cách sinh động qua việc người dân thực hành ghi lễ. Đó là việc hàng năm các bản làng đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị thần bảo trợ và cầu mong vị thần ban phúc lành cho dân bản.

3.1.1.3. Nhân vật trong truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng

So với hai thể loại thần thoại và truyền thuyết thì truyện cổ tích là thể loại có hệ thống nhân vật phong phú nhất. Thế giới nhân vật trong truyện cổ tích Tày- Nùng xứ Lạng khá sinh động và hấp dẫn. Điều này đã phản ánh khả năng tư duy, tưởng tượng, sáng tạo phong phú của nhân dân lao động xưa. Nhân vật trong cổ tích Tày-Nùng xứ Lạng đa dạng với sự xuất hiện khá đầy đủ của các loại nhân vật trong truyện cổ tích nói chung. Theo cách phân loại truyền thống, hệ thống nhân vật của truyện cổ tích Tày- Nùng có thể chia ra thành: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện và lực lượng thần kỳ. Tuyến nhân vật chính diện và phản diện luôn luôn đối lập nhau mâu thuẫn và xung đột gay gắt, cùng phát triển theo những chi tiết, sự kiện, biến cố của truyện. Lực lượng thần kỳ xuất hiện có thể làm nảy sinh hoặc giải quyết những mâu thuẫn trong truyện. Thông qua hệ thống nhân vật trên, tác giả dân gian Tày, Nùng thể hiện những triết lý nhân sinh, quan niệm thẩm mỹ, ước mơ và niềm tin cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa sẽ thắng gian tà.

3.1.1.3.1. Những nhân vật chính diện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Trong bất cứ truyện cổ tích nào, nhân vật chính diện bao giờ cũng là nhân vật mang lý tưởng, quan điểm tư tưởng, đạo đức tốt đẹp của thời đại. Truyện cổ tích của đồng bào Tày- Nùng xứ Lạng có một số kiểu nhân vật


Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 10

chính diện trung tâm như: nhân vật người khoẻ mạnh, nhân vật có số phận bất hạnh, nhân vật mồ côi, nhân vật đức hạnh... Nhìn chung, họ là những con người lương thiện, nghèo khổ nhưng phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tâm hồn trong sáng. Ngoài những nhân vật chính diện trung tâm, các tác giả dân gian Tày, Nùng còn xây dựng những nhân vật chính diện là nhân vật phụ khá sinh động. Đó là cộng đồng dân làng, những nhân vật đế vương hoặc là nhưng con vật thân thuộc với cuộc sống của đồng bào Tày, Nùng. Các nhân vật này dù là nhân vật phụ song có vai trò không thể thiếu. Bởi họ giúp đỡ, phù trợ làm nổi bật nhân vật chính diện trung tâm. Dù là nhân vật chính diện trung tâm hay là nhân vật phụ thì cũng đều thể hiện nghệ thuật xây dựng nhân vật rất đặc sắc trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng. Hệ thống nhân vật chính diện trong truyện kể dân gian Tày, Nùng xứ Lạng khá phong phú, đa dạng.

Cuộc sống sớm phải đương đầu với những khó khăn thủ thách của tự nhiên nên đồng bào Tày, Nùng không nguôi mơ ước có sức khoẻ để chinh phục thiên nhiên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhân vật người khoẻ bao giờ cũng được miêu tả với sức khoẻ hơn hẳn người bình thường. Trước hết, sức khoẻ của họ được biểu hiện ở ngoại hình. Thàng Cao Chúa trong truyện cùng tên là người “làm nghề bán củi nuôi thân từ năm 13 tuổi. Tuy làm việc vất vả nhưng chàng rất chóng lớn. Năm 17 tuổi, chàng đã lớn khoẻ như nhiều chàng trai mười chín, hai mươi [Thàng Cao Chúa,3, 87]. Sức khoẻ của nhân vật người khoẻ không chỉ biểu hiện ở ngoại hình, mà còn bộc lộ qua những việc làm, hành động trong cuộc sống hàng ngày. “Hò Kính Thán ăn rất khoẻ và làm rất khoẻ. Từ khi về ở với bố mẹ nuôi, chàng ăn ngon ngủ kỹ, nên càng khoẻ mạnh hơn và làm việc hăng hơn. Chỉ trong mấy ngày làm than, chàng đã dự trữ cho bố mẹ nuôi đủ than dùng trong suốt một năm”[Hò Kính Thán,3, 274].

Sức khoẻ của nhân vật người khoẻ còn biểu hiện qua hành động chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác. Những nhân vật có sức khoẻ hơn người nên


hành động của họ đều mang tầm vóc dũng sĩ lớn lao, người có nghĩa hiệp và chủ yếu được miêu tả với cảm hứng anh hùng ca. Họ sẵn sàng làm những việc có ích cho cộng đồng. Hò Kính Thán dám góp cả trăm lạng bạc mà bố nuôi dặn đi mua sắt để giúp bà con nhanh chóng xây dựng cầu. Pjạ và người con thứ hai của Pjạ trong truyện Ò pjạ (chàng mồ côi), kết tinh của cuộc hôn nhân giữa người trần và người tiên, với tài ba lỗi lạc, trí thông minh, sáng tạo của mình, đã chiến thắng thiên nhiên, tiêu diệt các loài yêu quái hại người, tiêu diệt áp bức để cho loài người sinh tồn và phát triển, cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng công bằng và tốt đẹp hơn.

Cuộc chiến đấu của nhân vật người khoẻ với những thế lực đối lập là một cuộc chiến giữa thiệc và ác, giữa chính và tà. Các tác giả đã thể hiện thái độ bênh vực cái thiện, khẳng định ngợi ca cái đẹp. Kết thúc câu chuyện về nhân vật người khoẻ, sau khi chiến thắng cái ác, các nhân vật hưởng cuộc sống hạnh phúc. Hò Kính Thán với hành động nghĩa hiệp, tiếng vang truyền khắp mọi nơi, Thàng Cao Chúa sống yên vui hạnh phúc cùng công chúa, Người con thứ hai của Pjạ sau khi cứu sống công chúa và trừ được hiểm hoạ cho đất nước đã được nhà vua gả con gái thứ hai và tổ chức lễ cưới linh đình. Truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng đã xây dựng những nhân vật người khoẻ với cảm hứng ngợi ca những việc làm, chiến công phi thường và kết thúc truyện là một kết thúc có hậu, xứng đáng với phẩm chất, tài năng của họ.

Thế giới nhân vật của truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng rất phong phú, sinh động. Bên cạnh những nhân vật về người khoẻ mạnh, truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng tập trung miêu tả số phận bất hạnh của những con người dưới đáy xã hội. Ta có thể gọi chung đó là những nhân vật bất hạnh. Trong truyện cổ tích của bất kỳ dân tộc nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy những nhân vật bất hạnh. Có thể nói, kiểu nhân vật này chiếm số lượng đông đảo trong thế giới nhân vật của truyện cổ tích nói chung. Truyện cổ tích ra đời vào thời


điểm lịch sử gia đình lớn tan rã, chế độ tư hữu phụ quyền bắt đầu thiết lập và hình thành xã hội có giai cấp. Trong xã hội ấy, có không ít những con người nghèo khổ, nhỏ bé bị chèn ép, ức hiếp. Những con người thấp cổ bé họng đã không nguôi mơ ước về một xã hội công bằng, hạnh phúc. Tiếng nói tâm hồn của họ được bộc bạch bằng những câu chuyện cổ tích cũng bắt đầu từ đó.

Nhân vật bất hạnh trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng chiếm đại đa số. Trong 32 truyện cổ tích khảo sát thì có 7 nhân vật bất hạnh. Điều này chứng tỏ các tác giả dân gian đã đặc biệt dành sự quan tâm sâu sắc tới những thân phận như “cái kiến con ong” trong xã hội. Những số phận bất hạnh có thể là người mồ côi không người thân thiết, không của cải, phải vật lộn với miếng cơm manh áo; cũng có thể là người em út bị yếu thế trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Dù thế nào thì những nhân vật bất hạnh luôn là hiện thân của những con người lương thiện, con người lý tưởng. Và không sớm thì muộn, họ cũng sẽ được nhận một cuộc sống xứng đáng với phẩm chất đạo đức con người của họ.

Nhân vật bất hạnh được tập trung miêu tả nhiều nhất đó là nhân vật mồ côi. Họ gặp nhiều khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, nhỏ bé, bất hạnh đứng ngoài guồng quay ào ạt của xã hội, có khi chỉ còn lại một mình, không có người thân thích. Cũng có khi có anh chị, nhưng chính những người ruột thịt lại đẩy họ xuống vũng bùn lầy. Truyện Chim phàng náo kể về hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khi lấy vợ, người anh nghe lời vợ chia gia tài cho người em là một mảnh rẫy khô cằn và một cây đào ở ven rừng xa tít. Còn bao nhiêu ruộng tốt, bằng phẳng, anh chị tham lam chiếm giữ hết. Từ đây, người em phải chịu cuộc sống khổ cực cả vật chất lẫn tinh thần. Truyện Hai anh em và ba con yêu tinh kể về hai anh mồ côi ăn ở với nhau rất hoà thuận và biết thương yêu nhau, nhường nhịn nhau. Nhưng khi người anh lấy vợ thì anh em đã khác trước. Người chị dâu không những ăn ở với em không tốt mà còn lấy


cớ là em chỉ ăn hại, bèn xúi chồng ghét bỏ em và đuổi em ra khỏi nhà. Thấy anh chị ăn ở tệ bạc với mình, người em đành gạt nước mắt ra đi.

Điều đáng lưu ý là các nhân vật mồ côi trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng một số không có tên gọi cụ thể. Họ chỉ được gọi chung là mồ côi. Hai chữ “mồ côi” từ chỗ là đặc điểm của nhân vật đã trở thành tên riêng của nhân vật. Bên cạnh đó cũng có những cái tên riêng xuất hiện như Thàng Cao Chúa, Tài Xì Phoòng... đều mang khí vị của núi rừng Việt Bắc. Có khi những cái tên riêng của nhân vật mồ côi được đặt theo một đặc điểm riêng biệt của họ. Chàng Kính Thán mồ côi cha mẹ, 15 tuổi phải vào rừng làm than, lúc nào người chàng cũng bám đầy bụi than. Vì vậy nên mọi người gọi chàng là Kính Thán (Kính Thán tiếng Nùng nghĩa là đen như than).

Ngoại hình của nhân vật bất hạnh ít được miêu tả cụ thể. Người mồ côi là nam giới chỉ được miêu tả chung chung là những chàng trai khoẻ mạnh. Thàng Cao Chúa “từ năm 13 tuổi, tuy làm vất vả, phải ăn đói mặc rách, nhưng chàng rất chóng lớn. Năm 17 tuổi, chàng đã lớn khỏe như nhiều chàng trai mười chín, hai mươi”. [Thàng Cao Chúa, 3, 87]. Vẻ đẹp của những nhân vật mồ côi là vẻ đẹp của sức khoẻ, của con người lao động.

Truyện cổ tích Tày, Nùng miêu tả nhân vật bất hạnh là nam giới nhiều hơn nữ giới. Trong 7 nhân vật bất hạnh chỉ có 1 nhân vật bất hạnh là nữ giới đó là cô bé mồ côi trong truyện Tiếng chim gọi vịt. Cũng như các dân tộc khác, trong xã hội cũ, đồng bào Tày, Nùng coi trọng nam giới hơn nữ giới. Người phụ nữ không được đối xử bình đẳng, không được đi học, không được chia gia tài... Tuy vậy, họ vẫn được chồng con tôn trọng vì có vai trò quan trọng trong việc quản lý gia đình và lao động sản xuất. Có thể giải thích điều này dựa vào thời điểm lịch sử xã hội loài người khi truyện cổ tích ra đời. Đó là sự chuyển biến của xã hội từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ quyền.

Vượt lên hoàn cảnh nghèo khổ vất vả, những nhân vật bất hạnh luôn được miêu tả với phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Đó là những phẩm chất: cần cù, chịu khó, nhân hậu, hiền lành, thương người, dũng cảm.


Những con người mồ côi trong truyện cổ tích Tày, Nùng bao giờ cũng cần cù, chăm chỉ trong lao động. Chịu thương, chịu khó được miêu tả như là một đức tính không thể thiếu ở người mồ côi. Khi ở với anh chị, người em mồ côi chăm chỉ làm việc làm chị dâu rất vui lòng. Nhưng thấy người em ăn khoẻ, chị dâu bắt chồng chia gia tài cho em ra ở riêng. Khi ra ở riêng người em càng thể hiện rõ sự cần cù, chăm chỉ của mình. Cũng giống như người em trong truyện Cây khế của người Việt, người em út trong truyện Chim phàng náo hết sức chịu thương chịu khó. Chỉ được hưởng một mảnh rẫy khô cằn và một cây đào, chàng chăm lo phá bụi cuốc đất chờ mùa trồng trọt và vun xới cho cây đào. Cây đào ra quả, chàng chăm sóc cẩn thận. Nhưng khi chim phàng náo ngỏ ý xin quả đào về chữa bệnh cho con, chàng đồng ý cho chim mẹ lấy đi gần hai trăm quả. Để trả ơn, chim đưa chàng đi lấy vàng ở đảo của thần Mặt trời. Từ đó người em được đổi đời... Xây dựng những nhân vật mồ côi chăm chỉ cần cù có lẽ các tác giả dân gian muốn gửi gắm chân lý: hạnh phúc không đến với những người lười biếng, chỉ có chăm chỉ lao động mới đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ.

Không chỉ cần cù chăm chỉ, nhân vật bất hạnh còn có lòng nhân hậu, hiền lành, thương người. Thàng Cao Chúa là chàng mồ côi nghèo nhưng lại sẵn lòng giúp đỡ người khác. “Chàng còn có lòng thương với tất cả các loài vật. Con trâu hàng xóm đến rút rạ mái nhà chàng, chàng chỉ xua đi chứ không đánh đập. Có đàn kiến bò lên chạn bát, chàng chỉ nhẹ tay quét đi chứ không giết con nào. Chàng nghĩ rằng chúng cũng phải đi kiếm ăn cực khổ như mình...”[Thàng Cao Chúa, 3, 87]. Lòng nhân hậu là bản chất tốt đẹp của người mồ côi, em út.

Truyện cổ tích phản ánh mơ ước của nhân dân lao động về một cuộc sống công bằng, bình đẳng và thể hiện niềm tin “ ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Vì vậy với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, các nhân vật bất hạnh đều được ban thưởng. Tài Xì Phoòng vì cứu được con gái Long Vương nên được


Long Vương cho lấy công chúa và ban cho chiếc Phù Lù Tẩu ước gì được nấy, Thàng Cao Chúa lấy được con gái Long Vương sống cuộc sống ấm êm, hạnh phúc...Đa phần các nhân vật bất hạnh đều được thay đổi cuộc đời. Trong nhận thức của nhân dân lao động xưa, có cuộc sống giàu sang, có vợ đẹp, được làm quan to, làm vua, làm hoàng hậu, làm phò mã chính là những gì hạnh phúc nhất. Và họ dành điều đó cho những nhân vật của mình như là một phần thưởng xứng đáng cho phẩm chất đạo đức tốt đẹp của các nhân vật.

Truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng còn có những truyện ca ngợi những tình cảm thiêng liêng quan trọng trong đời sống hàng ngày. Đó là tình bạn, tình cảm vợ chồng, tình cha con. Những nhân vật chính trong những truyện cổ tích này có thể gọi là những nhân vật đức hạnh. Truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng Tình bạn kể về mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa VoÕng và Liòng. Họ cùng giúp đỡ nhau vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Câu chuyện đề cao đức tín nghĩa giữa bạn bè và tinh thần giúp đỡ bạn vô tư, làm cho người bạn vì được cảm hoá mà bỏ thói hư tật xấu làm người lương thiện.

Người con nuôi hiếu nghĩa cũng là nhân vật được ca ngợi trong truyện cổ tích Tày, Nùng xứ Lạng. Hò Kính Thán vốn là người mồ côi, được vợ chồng bác thợ rèn nhận làm con nuôi. Khi giàu có, chàng có dịp báo hiếu cha mẹ nuôi một cách hào hiệp và giấu cha mẹ đến phút cuối cùng, làm họ rất cảm động. Câu chuyện này phản ánh một phong tục đẹp của đồng bào Tày, Nùng. Đó là tục nhận con nuôi. Những em bé bất hạnh được những người giàu lòng nhân ái nhận làm con nuôi. Con nuôi cũng được xem như con đẻ được hưởng quyền lợi như con đẻ. Bởi vậy, tình cảm giữa cha mẹ nuôi và con nuôi nhiều khi rất thắm thiết không khác gì giữa cha mẹ sinh đẻ và con đẻ trong gia đình. Chúng ta không thấy xuất hiện xung đột mâu thuẫn giữa nhân vật người con nuôi và nhân vật người con đẻ. Có lẽ là bởi phong tục nhận con nuôi tốt đẹp của đồng bào là rất phổ biến.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 02/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí