Văn Hóa, Văn Học Dân Gian Dân Tộc Tày –Nùng Xứ Lạng


trường tồn cùng sông Kỳ Cùng”. [5, 53]. Đến và tụ cư ở xứ Lạng dù có những khác nhau về nguồn gốc, huyết thống, ngôn ngữ, sắc thái văn hóa, nhưng tất cả đều giống nhau về tinh thần yêu quê hương, đất nước, tình yêu đồng bào, nghĩa đồng chí, đức hy sinh, tính cộng đồng để từ đó làm nên bản sắc văn hóa Đại Việt. Trong môi trường văn hóa đa sắc tộc ấy truyện kể xứ Lạng được tôn vinh và giữ gìn hơn bao giờ hết bởi nó chính là một một phần làm nên gương mặt Tày- Nùng- một chủ thể quan trọng của văn hóa xứ Lạng. Truyện kể xứ Lạng từ lâu đã là tài sản chung của xứ Lạng nói riêng và của các thành phần dân tộc Việt Nam cộng cư lâu dài trên cùng một địa bàn sinh tụ nói chung. Xứ Lạng là nơi chung sống bảy thành phần dân tộc xoay quanh chủ thể Tày, Nùng. Vì vậy đọc truyện kể xứ Lạng chúng ta sẽ thấy đặc điểm “Hội tụ- tiếp xúc là chất kết dính độc đáo. Tộc người Kinh, Sán Chay sẽ thấy tâm hồn mình trong các truyền thuyết Tày, Nùng. Tộc người H’mông sẽ thấy mình đồng điệu trong các truyện Dao và tất cả sẽ cùng nhận ra trong đó tâm hồn và tính cách Đại Việt” [ 55, 11]

1.2. Văn hóa, văn học dân gian dân tộc Tày –Nùng xứ Lạng

1.2.1. Văn hóa, văn học dân gian xứ Lạng nói chung

Giống như các tỉnh miền núi phía Bắc, xứ Lạng là tỉnh có các dân tộc ít người chiếm số đông. Là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó dân tộc Tày và Nùng chiếm số đông nhất, bên cạnh đó còn có các dân tộc khác cùng chung sống như Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’mông, Thái, Mường... Điều này đã tạo nên những mảng mầu văn hóa vô cùng đặc sắc cho xứ Lạng.

Khi nghiên cứu về xứ Lạng, nghiên cứu Nguyễn Trường Thanh trong bài Xứ Lạng một vùng văn hoá đã cho rằng: Xứ Lạng chính là một vùng văn hóa đặc sắc. Căn cứ vào các di chỉ khảo cổ nổi tiếng “rìu đá Bắc Sơn”, “ đầu Bắc Sơn” thì từ lâu cư dân của nền văn hóa Bắc Sơn đã biết chinh phục thiên


nhiên, sáng tạo nên nền nông nghiệp sơ khai với nghề làm vườn cổ xưa, nghề thuần dưỡng thú rừng, cây ăn trái và rau quả và những dấu tích của văn hóa Bắc Sơn cũng chứng minh một điều rằng xứ Lạng cũng là một trong những trung tâm của nền văn minh lúa nước cổ xưa của châu Á - Văn hóa Bắc Sơn nền văn hóa của cư dân ở hang, săn bắn, hái lượm động thực vật trong các thung lũng, bước đầu biết đến nông nghiệp sơ khai. Xứ Lạng còn được biết đến với nền “văn hóa Mai Pha” hậu kỳ của nền văn hóa Bắc Sơn, chủ nhân của nền văn hóa Mai Pha thuộc khối Âu Việt (gồm Tày, Nùng, Lý, Lão...) đã sáng tạo và phát triển nền văn minh thung lũng, nền nông nghiệp trồng lúa đầu tiên trên vùng núi nước ta. Cùng với chủ nhân của nền văn hóa Phùng Nguyên là khối Lạc Việt lập nghiệp trên vùng tam giác châu thổ Bắc Bộ tạo dựng nền văn minh sông Hồng. Cả hai khối này đều là người Việt cổ, nền tảng của quốc gia Âu Lạc thống nhất, thời đất nước vừa bước vào nền văn minh. Vì vậy nền văn hóa Mai Pha có một ý nghĩa trọng đại, nó lấp đầy khoảng trống sơ sử trong không gian Âu Lạc cổ đại ở phía Đông Bắc(mà về thời gian còn tạo thành truyền thống liên tục kể từ thời thái cổ Thẩm Khuyên- Thẩm Hai: văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha) cho đến tận thời kỳ lịch sử trên vùng đất xứ Lạng, một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền văn hiến Đại Việt.

Thiên nhiên với cảnh trí độc đáo và nằm ở địa đầu của Tổ quốc nên từ lâu đã có sự giao lưu văn hóa rất lớn điều này đã là chất xúc tác quan trọng làm nên đặc điểm cốt cách con người xứ Lạng vừa hiền lành, dũng cảm, thành thực như chính núi rừng quê hương lại vừa mẫn cảm, khôn ngoan trước tình hình biên giới, trước biến động chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự ở hai biên giới. Những điều này đã tác động không nhỏ tới văn hóa, văn học dân gian xứ Lạng và làm nên gương mặt riêng của mảnh đất biên cương này.

Xứ Lạng là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em. Mỗi tộc người cùng xây dựng cho mình một truyền thống văn hóa, văn học thống nhất trong

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.


đa dạng, vừa có tâm hồn rộng mở, tiếp thu cái hay cái đẹp của văn hóa các dân tộc khác, đồng thời vẫn giữ được cái cốt cách của bản sắc văn hóa các dân tộc. Hơn nữa, các dân tộc này không chỉ sinh sống ở xứ Lạng mà còn sinh sống ở nhiều nơi khác trên cả nước. Vì vậy văn hóa, văn học xứ Lạng tự thân nó không thể tách rời, không chỉ còn có bản sắc riêng mà còn mang trong mình những đặc điểm chung của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 5

1.2.2. Văn hóa, văn học dân gian dân tộc Tày – Nùng xứ Lạng:

Ở xứ Lạng có thể khẳng định một điều tộc người Tày- Nùng chính là chủ thể văn hóa quan trọng nhất. Hai dân tộc Tày, Nùng từ xưa đã chung sống hòa hợp với nhau trên một vùng đất nằm dọc dài biên giới Việt- Trung, họ cùng sinh cơ lập nghiệp lâu đời, có nguồn gốc lịch sử chung và tiếng nói giống nhau sống xen kẽ ở từng xã và làng bản. Do quan hệ chặt chẽ về nhiều phương diện như vậy, nên hai dân tộc này có nhiều nét tương đồng về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Họ có thể nghe, hiểu và dùng chung tiếng nói của nhau. Cho nên khi đi tìm hiểu lịch sử, văn hóa, văn học dân gian của hai tộc người này, các nhà nghiên cứu thường gộp chung hai tộc người này là một. Tuy nhiên đã gọi là hai dân tộc thì mỗi dân tộc lại có những đặc điểm, bản sắc văn hóa, văn học dân gian riêng. Cần có những công trình nghiên cứu hai tộc người này trong sự tách biệt, nhằm tìm ra bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải đơn giản, TS dân tộc học Hoàng Nam trong công trình Dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam đã viết: “ Dân tộc Tày và Nùng là hai dân tộc được phát triển từ hai thị tộc lưỡng hợp thuộc bộ lạc nguyên thủy. Vì vậy việc tách bạch trình độ phát triển của xã hội Tày, Nùng là việc làm cần được tính toán toàn diện và thận trọng hơn”.

Thiên nhiên phú cho xứ Lạng đầy ưu ái nhưng cũng không kém những bất thuận, nằm ở địa đầu Tổ quốc, cửa ngõ biên giới giao lưu rộng mở với văn minh Trung Hoa mà không kém những phức tạp. Tất cả những điều này đã


tác động không nhỏ đến điều kiện sống, sinh hoạt, cốt cách, văn hóa, văn học dân gian của người Tày, Nùng- chủ thể văn hóa, văn học dân gian chính của văn hóa, văn học dân gian xứ Lạng. Với số lượng dân cư của hai tộc người Tày, Nùng chiếm tới hơn 80% dân số toàn tỉnh, xứ Lạng là một vùng có nền văn hóa đậm nét Tày, Nùng. Đó là “nền văn hóa thung lũng (valley culture)- một nền văn hóa vừa phải thích ứng với các thung lũng để làm ruộng nước như ở đồng bằng, lại vừa phải thích với địa hình miền núi, rừng đặc trưng của xứ Lạng để khai phá rừng trồng trọt khô cạn” [48,62] . Trong cuộc sống lao động đó, người Tày, Nùng đã tạo ra được một nền văn hóa tinh thần với những phong tục tập quán lâu đời, phong phú và đa dạng .

Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra một nền văn hoá dân gian Tày, Nùng khá độc đáo, phong phú, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc

Buổi bình minh của lịch sử, đồng bào Tày- Nùng đã có những quan niệm về thế giới tự nhiên, về vũ trụ. Vũ trụ có chỗ tận cùng gọi là “fạ slút nặm tẳng” tức là nơi tận cùng của trời đất, nơi mà nước biển tự dâng lên trời. Đó là nơi trời đất giao nhau. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, khi mới khai thiên lập địa, trời đất rất gần nhau. Thậm chí khi giã gạo, chày còn có thể đụng vào trời. Trời đất chia làm ba mường: mường trời là thế giới thần tiên, mường người là mặt đất, mường âm là mường của những người sống trong lòng đất, chỉ nhỏ bằng chiếc bình vôi. Thế giới vạn vật với người Tày, Nùng vừa gắn bó thân thiết lại vừa bí hiểm. Họ quan niệm thế giới do các vị thần linh cai quản, đứng đầu là Trời. Trời ở rất xa ta, người ta không thể nhìn thấy được. Nhưng qua dải sông Ngân Hà trong suốt như một tấm kính khổng lồ, Trời nhìn thấu mọi sự vật, sự việc nhỏ to dưới trần gian. Cho nên khi gặp hoạn nạn, gặp oan khổ họ thường kêu trời phù hộ hoặc chứng kiến việc mình làm

Một điều quan trọng cũng cần phải nói tới chính là những nét đẹp trong văn hóa sắc tộc bản làng của họ. Người Tày, Nùng sống hồn hậu, chân thành


như đồi núi, núi đá, suối chảy quê hương. Bản làng là đơn vị hành chính đồng thời là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa tinh thần từ ngàn đời xưa cho đến nay. Ở đó họ sống với nhau ấm cúng, chia sẻ ngọt bùi đắng cay và ít khi có sự bon chen thù hận. Những lúc bên nhau như vậy, họ thường kể cho nhau nghe những câu chuyện của đồng bào họ. Những câu chuyện mà người Tày, Nùng từ già, đến trẻ đều biết và kể được. Họ gọi lối kể chuyện này là “Chảng cỏ xiền”, “Chảng cỏ mừa đía” (nói chuyện đời xưa). Những biểu hiện văn hóa ấy như sợi chỉ đỏ sống âm ỉ, bền vững trong cuộc sống của người Tày, Nùng cho đến mãi muôn đời.

Nói đến văn hóa Tày, Nùng cần phải nói tới ngôn ngữ, tiếng nói của họ. Tiếng Tày, Nùng vốn cùng thuộc một ngữ hệ, mà các dân tộc này thường tự gọi là “ Tay”. Tiếng Tày, Nùng có từ lâu đời, qua thời gian từ ngôn ngữ dân gian phát triển thành ngôn ngữ bác học, có chữ viết và có những tác phẩm văn học được ghi lại. Đến nay tiếng Tày, Nùng tương đối ổn định và phát triển, đáp ứng nhu cầu giao tiếp của đồng bào. Tiếng nói ấy vừa trong sáng, giản dị, dễ hiểu vừa sinh động về âm thanh, giàu có về từ ngữ, phong phú về sắc thái. Điều này thể hiện rõ qua lời ăn tiếng nói, đặc biệt là qua kho tàng văn học dân gian của họ mà truyện cổ là một minh chứng sống động nhất. Chính tiếng nói ấy đã giúp cuộc sống, xã hội Tày, Nùng thêm phát triển và ngược lại, cuộc sống xã hội phát triển làm cho ngôn ngữ của họ càng phát triển hơn.

Về tín ngưỡng, tông giáo cũng là một nét văn hóa rất quan trọng trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng, là nơi bộc lộ rõ nhất cuộc sống tinh thần của họ. “Tín ngưỡng Tày, Nùng mang tính dân gian và bản địa rất cao. Đồng bào Tày, Nùng luôn hướng niềm tin và tâm linh vào tổ tiên, vào những thiên thần, nhân thần, thần bản mệnh, các thần đất đai, sông núi, cây cỏ, vào những danh nhân có công với dân với nước... Tín ngưỡng phần lớn có xu thế hướng thiện, cầu phúc, trừ ác thông qua việc thờ cúng tổ tiên, thổ địa,


thành hoàng, ở gia đình, làng bản, đình chùa, miếu điện” [ 5, 46]. Bản chất hiền lành, hướng thiện, có hiếu với những bậc sinh thành nên “ người Tày, Nùng rất tôn trọng và yêu quý cha mẹ. Họ không chỉ đối xử tốt với cha mẹ khi còn sống mà cả khi đã khuất. Vì vậy mà thờ tổ tiên là tục lệ phổ biến của người Tày, Nùng. Bàn thờ tổ tiên thường đặt ở gian chính, hướng ra cửa. Những ngày lễ tết trong năm, những việc đại sự trong gia đình như: Mừng nhà mới, cưới xin, tang lễ, bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng là nơi để họ thỉnh cầu, giao cảm tâm linh. Ngoài ra người Tày- Nùng còn tin là có “Phi” (ma) và trong quan niệm dân gian của đồng bào thì “Phi” có hai loại: Phi lành và phi dữ (Phúc thần và hung thần)” [ 21, 15-16].

Bên cạnh đó thì các tôn giáo khác như Phật, Nho, Lão, Thiên chúa có được đồng bào tiếp nhận nhưng đã được dân gian hóa rất nhiều và chỉ tiếp thu những mặt tích cực của các tôn giáo trên phù hợp với đời sống tâm tư tình cảm, đời sống tín ngưỡng của đồng bào Tày, Nùng.

Từ các tín ngưỡng trên đã hình thành các ghi lễ và lễ hội phong phú, đa dạng. Chủ yếu là những lễ hội có tính chất toàn cộng đồng như: Tết nguyên đán, tết thanh minh, tết trung thu, tết đoan ngọ. Lễ hội Lồng tồng là lễ hội tiêu biểu nhất của đồng bào Tày, Nùng diễn ra vào sau tết âm lịch hàng năm gồm hai phần lễ và phần hội. Thực chất, hội lồng tồng là một lễ hội “xuống đồng” hội khai xuân có ý nghĩa phồn thực cầu được mùa, cầu mọi sự tốt lành. Lễ hội là nơi thể hiện đức tin, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào và là dịp để toàn dân bản sinh hoạt văn hóa. Đây cũng là mảnh đất tốt, cơ hội tốt cho văn học dân gian được tồn tại, lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Một nét độc đáo nữa của văn hoá Tày, Nùng là văn hoá hội chợ. Chợ là nơi trao đổi hàng hoá, nhưng cũng là nơi để nam nữ, thanh niên trao duyên, tỏ tình... Những điệu Sli, lượn trữ tình, thấm đẫm tâm hồn Tày, Nùng thường được hát trên các nẻo đường hội chợ.


Qủa vậy, dân tộc Tày- Nùng có một kho tàng văn học dân gian khá phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như tự sự dân gian, thơ ca dân gian, lời ăn tiếng nói của nhân dân. Thơ ca dân gian Tày, Nùng bao gồm cả thành phần nghi lễ và giao duyên. Loại hình văn học dân gian này thường gắn với những ngày chợ phiên, những ngày hội xuân, khi có khách vào bản, mừng nhà mới, mừng lễ cưới... Những dịp đó, câu Sli, điệu Lượn, lời Phuối pác ...được cất lên. Thơ ca dân gian Tày, Nùng là tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, thế giới quan của đồng bào. Nhưng có lẽ đặc sắc và phong phú nhất trong văn học dân gian Tày, Nùng là kho tàng truyện kể dân gian. Cũng như đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Tày, Nùng cũng có cho riêng mình những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười các loại. Những câu chuyện mà người dân Tày, Nùng từ người già cho đến trẻ con đều biết rõ và tự hào. Để trưng ra được tất cả những vẻ đẹp muôn hình, vạn trạng của kho tàng truyện kể thì ở những phần sau luận văn sẽ đi sau hơn.

Tiểu kết chương 1

Thông qua việc tìm hiểu những nét cơ bản về vùng đất, con người xứ Lạng, chương viết đã chỉ ra xứ Lạng không chỉ là vùng đất có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn là một vùng văn hoá đặc sắc. Xứ Lạng với thiên nhiên thơ mộng và hấp dẫn với núi sông kỳ thú, hùng vĩ những hang động kỳ ảo, khí hậu trong lành, nhiều sản vật quý hiếm, độc đáo, nằm ở địa đầu Tổ quốc, tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển tâm hồn và nhân cách của cộng đồng người Việt cổ trên vùng đất biên thuỳ này. Sự sắp đặt đặc biệt của thiên nhiên xứ Lạng cũng là cái nôi để nảy sinh ra những ý tưởng kỳ vĩ và thơ mộng của các câu truyện kể.

Cùng với cảnh đẹp, chất men của rượu nồng và tình người đằm thắm đã khiến ai quên cả lời ai dặn dò trước lúc ra đi. Những địa danh ở xứ Lạng đã đi vào biết bao huyền thoại để lại những câu hỏi cho muôn đời, muôn người muốn được khám phá, cắt nghĩa.


Dân tộc Tày- Nùng với nền văn hoá thung lũng còn in đậm dấu ấn trong các lễ hội và phong tục tập quán trong đó đã tồn tại và lưu truyền một kho tàng thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Vùng đất xứ Lạng là nơi ươm mầm, phát triển và lưu giữ những câu truyện kể đó. Con người xứ Lạng hiền lành, chăm chỉ sống hoà hợp với thiên nhiên và với các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đây chính là những yếu tố để truyện kể được sống cùng thời gian. Ngược lại truyện kể xứ Lạng cũng phản ánh một cách rõ nét quan niệm về thiên nhiên, về lao động, sản xuất, về quan hệ giữa người và người trong xã hội, về tình bạn, tình yêu, tình anh em ruột thịt, về cuộc đấu tranh chống các thế lực tàn bạo, độc ác của đồng bào các dân tộc xứ Lạng.

Như vậy, tìm hiểu về truyện kể xứ Lạng trên vùng đất sản sinh, phát triển, bảo tồn nó là một việc làm cần thiết. Từ những nét khái quát chung nhất về vùng đất, văn hoá tộc người, chúng tôi sẽ đi khảo sát sâu hơn về những đặc điểm nổi bật của truyện kể xứ Lạng dựa trên những đặc điểm của thể loại truyện kể dân gian.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 02/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí