1.2.2.2. Truyền thống kế thừa và sự tác động qua lại giữa các thể loại văn học dân gian Mông
Cùng với những luận điểm chúng tôi đã trình bày ở trên, có thể nói rằng, sự ảnh hưởng của dân ca đến quá trình hình thành truyện thơTiếng hát làm dâucủa người Mông không phải là một quá trình đơn lẻ, chỉ diễn ra tự phát đối với hai thể loại này. Mà quan trọng hơn, chúng ta thấy rằng, truyện thơ của tất cả các dân tộc thiểu số khác đều có sự xuất hiện của các yếu tố có trong ca dao, dân ca. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không đậm đặc như ở trong truyện thơ Mông. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, phải chăng truyện thơ Mông hình thành trong mối quan hệ tác động qua lại giữa các thể loại văn học dân gian Mông? Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Chẳng hạn như dân ca Tiếng hát mồ côi và truyện cổ dân tộc Mông. Đây là hai loại hình khác nhau nhưng đều có ảnh hưởng nhất định tới việc chọn lựa đề tài, chủ đề cũng như các hình tượng nhân vật của hai loại hình này. Truyện cổ Mèo với 48 tác phẩm và khảo dị lấy đề tài chủ yếu là nhân vật mồ côi, một kiểu nhân vật có số phận bất hạnh trong xã hội cũ của người Mèo. Trong quá trình khái lược phạm vi đề tài tác giả Lê Trung Vũ đã chỉ ra ba kiểu cơ bản: kiểu I là “nói về quan hệ giữa mồ côi và các lực lượng thống trị”, kiểu II là “trình bày mối quan hệ giữa mồ côi và gia đình bên vợ”, kiểu III là “anh em mồ côi thương nhau, đùm bọc lẫn nhau” [20, tr.12 -15]. Nếu xét trong 367 câu ca dao Tiếng hát mồ côi từ bài số 1 đến bài số 15, chúng ta thấy rằng hầu hết 367 câu dân ca trên đều là những lời oán trách số phận bất công bằng của nhân vật trữ tình mồ côi. Đó là oán trách thân mình bị đối xử tàn tệ như thân “trâu măng buộc ách”, như “ngựa thồ không biết nghỉ”. Oán trách xã hội không công bằng, oán trách tình duyên đôi lứa không trọn vẹn do thân phận mồ côi bị rẻ rúng, bị khinh bỉ. Như vậy cả hai thể loại này đều lấy đề tài cùng một kiểu và cùng có chủ đề chung là tố cáo xã hội bất công chà đạp lên thân phận của những con người bất hạnh, có thân phận nhỏ bé, thấp cổ bé họng. Hoặc ngay trong 1663 câu thơ Tiếng hát cúng ma và tiêu biểu là bài Chỉ đường, một bài ca mà các Chí xáy hát tiễn đưa các linh hồn trở về với tổ tiên, chúng ta thấy rằng đây là một bài ca có sự kế thừa các yếu tố tự sự rõ rệt trong truyện thần thoại của người Mông. Đó là các thần thoại giải thích sự hình thành trời, đất, vũ trụ cùng với các nhân vật cụ thể như Chể Lù
(thượng đế), Ông Chày, Bà Chày, Giàng Dự, Giàng Dua....Điều đó cho thấy dân ca cúng ma đã kế thừa rất nhiều nội dung cũng như hình ảnh nghệ thuật và các yếu tố tự sự từ trong thể loại dân gian ra đời từ sớm hơn, đó là thần thoại. Điều đó chứng tỏ rằng việc kế thừa các thể loại dân gian có trước trong sự hình thành một thể loại văn học dân gian mới của kho tàng văn học dân gian Mông là một điều rất dễ hiểu. Đó là một sự vận động tự thân của nền văn học, nó đáp ứng được những yêu cầu của đời sống lịch sử - xã hội. Và sự kế thừa từ dân ca tới sự hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu cũng là một hệ quả tất yếu từ quá trình kế thừa ấy.
1.2.2.3. Sự hình thành của truyện thơ Tiếng hát làm dâu
Doãn Thanh là dịch giả có nhiều công nhất trong việc sưu tầm, công bố dân ca Mông cũng như các truyện thơ Mông đầu tiên. Doãn Thanh cũng đã từng tâm sự khi tách riêng truyện thơ Tiếng hát làm dâu (câu chuyện này tác giả Phan Đăng Nhật đặt tên theo tên của nhân vật chính là truyện thơ Vừ- chúa –pua) ra khỏi 610 câu dân ca Tiếng hát làm dâu rằng: “Tiếng hát làm dâu (Gâu uô nhangz) ngoài những bài ngắn nói lên nỗi đau khổ, uất ức của phụ nữ Mèo trong xã hội cũ, còn có những bài khá dài, những bài này ít nhiều đã mang tính chất của những câu chuyện kể bằng thơ. Nội dung của tác phẩm vẫn là mô tả lại cảnh cực nhục của các “nàng dâu”, mà cảnh cực nhục của các “nàng dâu” trong xã hội xưa thực là “muôn màu muôn vẻ”. Vì vậy, những bài hát thuộc kiểu này rất nhiều, có thể nói rằng ở vùng Mèo nào cũng có những bài hát khác nhau” [31]. Hay như tác giả Phan Đăng Nhật trong bài viết Tìm hiểu quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu cho rằng: thuật ngữ dân ca và truyện thơ là “do chúng ta quy định với nhau” và “trong quan niệm của đồng bào Mèo không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai thể tài đó. Khi chúng tôi đọc một bài dân ca Tiếng hát làm dâu, rồi đọc bài Nhàng Dợ - Chà Tăng hoặc Sèo Mỉ - A Sình (được gọi là truyện thơ) và hỏi đồng bào Mèo xem có gì khác nhau, thì đồng bào trả lời: cũng là Gâu uô nhangz cả thôi; chỉ có điều cái này là uô nhangz lu (làm dâu ngắn), còn cái kia là uô nhangz giê (làm dâu dài)” [18,tr.62]. Nói như vậy, có nghĩa là bản thân người Mèo không câu nệ trong việc phân biệt rạch ròi dân ca và truyện thơ. Tuy hai thể loại này có những đặc trưng khác nhau, nhưng vì chúng kế thừa quá nhiều nét tương đồng của nhau, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dân ca đến truyện thơ (theo chiều ngược lại thì hiếm gặp) từ nội dung,
giá trị đến hình thức nghệ thuật và phương thức diễn xướng, cho nên ranh giới giữa hai khái niệm này trong văn học dân gian Mèo dường như rất mờ nhạt. Điều đó chứng tỏ yếu tố chung giữa hai thể loại lấn át những yếu tố riêng. Khiến cho người đọc, ngay bản thân là người trong cộng đồng, cũng không phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa chúng nữa, mà đơn giản với họ, chúng chỉ khác nhau ở hai khái niệm về dung lượng “dài” và “ngắn”. Với quá trình khảo sát 6.008 câu dân ca Mông thuộc năm loại hình: Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát cưới xin, Tiếng hát cúng ma, Tiếng hát tình yêu; cùng ba truyện thơ tiêu biểu : Nhàng Dợ - Chà Tăng, Truyện Vừ- chúa- pua, A Thào – Nù Câu, chúng tôi nhận thấy rằng ba truyện thơ nói trên hầu như đều chịu ảnh hưởng của năm loại hình dân ca Mông. Mỗi loại hình chiếm từng ưu thế riêng biệt, có loại hình ảnh hưởng nhiều, nhưng cũng có những loại hình ảnh hưởng rất nhỏ, thậm chí rất mờ nhạt, phải tìm hiểu sâu mới thấy biểu hiện của nó trên một vài khía cạnh. Kết quả cụ thể của phần khảo sát sự ảnh hưởng này, chúng tôi xin được trình bày cụ thể ở hai chương tiếp theo. Chương 2 và chương 3.
Khi bàn về sự hình thành của truyện thơ Tiếng hát làm dâu, GS.TS Lê Chí Quế trong bài viết Việc phân loại các dân tộc ở miền bắc nước ta nhận định rằng: “Tiếng hát làm dâu ra đời là kết quả của những nguyên nhân xã hội và tính cách dân tộc cụ thể:
- Sự bơ vơ, lạc lõng của một thành viên bị bứt ra khỏi khối cộng đồng chặt chẽ của công xã thị tộc.
- Sự cựa quậy, vùng vẫy của một thành tố mới bổ sung vào kết cấu của một gia đình phụ quyền, khi bản thân chế độ này chưa xây dựng được một truyền thống bền vững.
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 1
- Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 2
- Cơ Sở Của Mối Quan Hệ Giữa Dân Ca Dân Tộc Mông Và Truyện Thơ Tiếng Hát Làm Dâu
- Đề Tài, Chủ Đề, Giá Trị Nội Dung Và Ý Nghĩa Tư Tưởng
- Phong Tục, Tập Quán Và Không Gian Sinh Hoạt Văn Hóa Miền Núi
- Ảnh hưởng của dân ca dân tộc Mông trong truyện thơ Tiếng hát làm dâu - 7
Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.
- Sự bất phục tùng của một tính cách phóng khoáng đối với sự đè nén khắc nghiệt.
- Hậu quả của một tình trạng kinh tế thấp kém.” [25,tr.849].
Với sự hình thành trong sự ảnh hưởng như vậy, có thể khái lược rằng, truyện thơ Mông ra đời sau dân ca Mông, truyện thơ ra đời khi đã xuất hiện các mâu thuẫn giai cấp và tầng lớp trong xã hội phụ quyền, thần quyền, buộc con người phải thể hiện hành động phản kháng của mình chứ không còn chỉ dừng lại ở tâm lí an phận trong ca dao và trong truyện cổ nữa. Điều đó cho thấy một ý thức hệ đang dần có sự
thay đổi, nó là tiền đề thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ, vượt lên trên số phận của nhiều số kiếp bất hạnh.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao truyện thơ Mông lại tiếp thu chủ yếu từ dân ca mà không phải từ các thể loại khác? Câu trả lời cũng nằm chính ngay trong nội tại của nền văn học này. Có thể nói, người Mông từ thủa sơ khai đã rất ưa chuộng các hình thức diễn xướng nghệ thuật và ca nhạc. Họ yêu thích chất trữ tình trong nghệ thuật nhiều hơn là chất tự sự. Chúng ta thấy kho tàng dân ca của họ thật đồ sộ, theo tài liệu của Doãn Thanh đã có 6.008 câu dân ca. Trong khi đó các thể loại khác như truyện cổ dân gian cũng có một dung lượng không nhỏ, nhưng so với dân ca, không thể chiếm ưu thế bằng. Dân ca đã trở thành một hình thức “trữ tình hóa” tất cả các thể loại khác để đi sâu hơn vào đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Như chúng ta biết, người Mông bản chất của họ là những con người phóng khoáng, họ sống trên vùng núi cao rất khoáng đạt. Người Mông “có một tâm hồn rất nhạy cảm chứ không hề thiên về hành động như nhiều nhận định đã nhận xét” [43, tr.859- 860]. Họ là những con người chăm chỉ, họ hát khi lên nương, hát khi địu nước, hát khi ra suối giặt đồ, hát khi xuống chợ và ngay cả trong tang lễ người ta cũng cất tiếng hát. Hát để giao duyên, hát để than thân, hát để cúng tế, và hát để mua vui. Ở không gian nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng thấy rằng, họ thiên vị yếu tố trữ tình hơn tất thảy, đơn giản, vì các thể loại văn học trữ tình bao chứa nhạc tính, đáp ứng yêu cầu diễn xướng. Điều đó chứng tỏ vì sao dân ca được yêu thích trong cộng đồng người Mông, và điều đó cũng chi phối việc hình thành nên truyện thơ, một kiểu tự sự dân gian vừa có thể diễn xướng được, vừa đáp ứng được thêm yếu tố kể trong truyện cổ dân gian.
Lại có thêm ý kiến cho rằng, có thể dân tộc Mông nhập cư vào Việt Nam muộn, ít giao lưu văn hóa với các dân tộc khác, ít chịu ảnh hưởng từ các truyện thơ của các tộc người có ở Việt Nam, liệu truyện thơ dân gian của họ có chịu ảnh hưởng của truyện thơ các dân tộc khác ở Trung Quốc? Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch trong bài viết Về truyện thơ của người Thái ở Vân Nam- Trung Quốc, ông cho rằng: “không kể những nhà nghiên cứu Trung Quốc của thế giới, ngay bản thân giới nghiên cứu khoa học Trung Quốc cũng cho rằng truyện thơ vốn không phải là truyền thống của người Hán. Mấy năm gần đây, các nhà sưu tầm văn học Trung
Quốc cũng phát hiện được vài tập truyện thơ của người Hán ở vùng Hoa Đông (Giang Tô, An Huy, Chiết Giang), song vẫn chẳng nói lên điều gì trong số lượng truyện thơ của người Hán” [8, tr.900-901]. Điều đó là một minh chứng cho thấy rằng, tuy có lịch sử từng sinh tụ tại khu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang, rất gần với Hán tộc và các tộc người khác, nhưng Miêu tộc không chịu ảnh hưởng nhiều của các dân tộc này. Bởi truyện thơ không phải thể loại văn học mà Hán tộc – một tộc người phát triển hùng mạnh ngang Miêu tộc lúc đó ưa chuộng. Cũng có ý kiến cho rằng, người Miêu đã từng sử dụng chữ viết của người Hán, song cũng chưa có chứng minh xác thực. Cũng chưa có tài liệu nào nói về sự ảnh hưởng của truyện thơ các dân tộc khác đến truyện thơ Miêu, hay ảnh hưởng đến dân ca Miêu. Thêm một luận điểm nữa, là khi khảo sát 6.008 câu dân ca và ba truyện thơ được gọi chung là Tiếng hát làm dâu nói trên, chúng tôi nhận thấy hầu như tất cả các bài dân ca và truyện thơ này đều chứa nhiều dẫn chứng nói đến các tộc người chung sống ở vùng phía Bắc Việt Nam như người Sã, người Nhắng, sông Đà, nhà ngói đỏ miền xuôi...chỉ duy nhất có Tiếng hát cúng ma là phần dân ca thấy nhắc nhiều tới vùng đất tổ tiên lạnh giá cùng với sự xuất hiện của các nhân vật thần thoại, ảnh hưởng nhiều của thần thoại Trung Quốc, ví như chuyện Nữ Oa vá trời, hay truyền thuyết về Hậu Nghệ bắn rơi mặt trời.... Vì vậy, có thể nói nền văn học dân gian của người Miêu trong lịch sử sơ khai, có lẽ ít chịu ảnh hưởng từ nền văn học dân gian của các dân tộc khác trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc. Và khi du nhập đến Việt Nam, những yếu tố nội sinh vẫn thắng thế trong quá trình hình thành nên những tác phẩm truyện thơ của dân tộc này.
Tiểu kết
Tóm lại thông qua chương 1 của luận văn, chúng tôi đã khái lược những nét cơ bản về vai trò của truyện thơ cũng như sự hình thành của thể loại truyện thơ trong văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Truyện thơ là một thể loại văn học dân gian có sự kết hợp ở cả hai yếu tố tự sự và trữ tình. Trong đó yếu tố trữ tình là nền tảng hình thức nghệ thuật của truyện thơ, giúp cho truyện thơ có nhạc tính, đáp ứng yêu cầu của các hình thức diễn xướng dân gian.
Về sự hình thành của thể loại truyện thơ, có thể nói truyện thơ dân gian (chủ yếu là truyện thơ các dân tộc thiểu số ít người) chủ yếu hình thành trên hai nền tảng: do truyền thống kế thừa các yếu tố cấu thành nên các thể loại văn học dân gian khác, thường gọi đó là quá trình phát triển dựa trên nguồn gốc nội sinh. Và nền tảng thứ hai là do quá trình tiếp biến văn hóa tộc người, quá trình giao lưu văn hóa –văn học của các tộc người với nhau, thường gọi đó là quá trình tiếp biến văn hóa tộc người.
Trong chương 1, chúng tôi đã giải quyết nhiệm vụ đầu tiên của đề tài là chỉ ra cơ sở của mối quan hệ giữa truyện thơ Tiếng hát làm dâu và dân ca dân tộc Mông. Sự ảnh hưởng này có nguồn gốc từ chính cơ sở lịch sử- xã hội và cơ sở nội tại của nền văn học. Về cơ sở lịch sử- xã hội, người Mông được coi là tộc người du nhập vào nước ta muộn nhất, và tộc người này khi du nhập vào đã có một nền văn học dân gian khá bền vững và và phát triển, thêm vào đó người Mông sống theo làng bản cùng dòng tộc, họ sống tách biệt với các dân tộc khác, họ ít có cơ hội giao lưu văn hóa và sinh hoạt cộng đồng, vì vậy truyện thơ của họ ít chịu ảnh hưởng của quá trình tiếp biến văn hóa tộc người mà chủ yếu là quá trình nội sinh của nền văn học. Với cơ sở là nội tại của nền văn học, chúng tôi đi đến kết luận rằng, văn học dân gian Mông là một kho tàng văn học dân gian phong phú về thể loại và dung lượng, nổi bật là truyện cổ, dân ca và truyện thơ. Trong đó thể loại dân ca được ưa chuộng nhiều hơn cả. Dân ca đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người Mông và nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành của các thể loại văn học dân gian ra đời tiếp sau, đặc biệt là truyện thơ.
Về quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu, trong chương 1 chúng tôi đã khái lược những luận điểm lớn, tựu tr[ung lại có thể thấy rằng: việc hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu của người Mông là một quá trình kế thừa và phát triển các yếu tố căn bản có trong dân ca Mông. Đó là sự biến đổi từ một Uô nhangz lú đến Uô nhangz giế, từ một bài dân ca Tiếng hát làm dâu ngắn đến một bài Tiếng hát làm dâu dài nhưng về bản chất vẫn là bài hát Gầu uô nhangz kể về cuộc sống khổ cực của các nàng dâu trong xã hội Mông xưa.
CHƯƠNG 2
SỰ TIẾP NHẬN NỘI DUNG THẨM MĨ DÂN CA DÂN TỘC MÔNG TRONG TRUYỆN THƠ TIẾNG HÁT LÀM DÂU
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc vì thế nền văn hóa của Việt Nam cũng là một nền văn hóa đa bản sắc. Nền văn hóa đó được chi phối và cấu thành từ nhiều yếu tố. Như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh…và trong đó không thể thiếu văn học nghệ thuật. So với các ngành nghệ thuật khác, văn học có lẽ là ngành nghệ thuật có mặt sớm hơn cả. Và Folklore là nền tảng chủ đạo cấu thành điều đó. Khi nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, giới nghiên cứu đã rất chú ý nghiên cứu tổng thể sự phát triển của nó từ nội dung phản ánh, các đặc trưng cơ bản, các loại hình cơ bản cũng như mối quan hệ tác động qua lại giữa các thể loại văn học dân gian với nhau. Nằm chung trong mạch nguồn đó, khi nghiên cứu về một thể loại văn học dân gian vô cùng độc đáo của người Mông – truyện thơ - chúng ta cũng cần phải tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng nên sự hình thành của thể loại này. Những yếu tố đó có thể thuộc phạm trù nội dung, có thể thuộc phạm trù hình thức nghệ thuật biểu hiện, cũng có thể thuộc phạm trù mĩ học của sự tiếp nhận từ các thể loại văn học dân gian khác.
Với những đặc trưng về hình thức diễn xướng và tính chất trữ tình trong truyện thơ dân gian Mông, qua khảo sát ba truyện thơ Tiếng hát làm dâu (truyện Vừ-chúa-pua) [12, tr.569 -590], A Thào – Nù Câu [30,tr.251-268], Nhàng Dợ - Chà Tăng [31,tr.89-114] cùng với điểm qua sơ lược Sèo Mỉ - A Sình, Gầu Li – Nụ Dia [12,tr.592-593] và 6.008 câu dân ca Mông, chúng tôi nhận thấy trong truyện thơ Mông có sự tiếp nhận về nội dung thẩm mĩ và sự chuyển hóa các yếu tố thi pháp trong dân ca. Trong chương 2 của luận văn, chúng tôi triển khai nội dung kết quả khảo sát về sự tiếp nhận nội dung thẩm mĩ dân ca dân tộc Mông trong ba truyện thơ nêu trên với bốn khía cạnh chính:
- Đề tài, chủ đề, giá trị nội dung và ý nghĩa tư tưởng.
- Phong tục, tập quán và không gian sinh hoạt văn hóa miền núi.
- Quan niệm về số phận và tâm lí đặc trưng của con người trong xã hội Mông.