thiêng, tư tưởng hoá kiếp luân hồi của Phật giáo đều thâm nhập vào đời sống của con người. Bên cạnh đó, các hình thức xem tử vi tướng số, xem ngày tháng tốt, thực hiện các nghi lễ cưới xin, làm nhà mới đều được sử dụng rộng rãi.
Sau Đạo giáo, Phật giáo, đời sống cuả người Dao Tuyển còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Biểu hiện rõ nhất là ở việc thờ cúng tổ tiên, sùng bái thầy cấp sắc.
Tuy ảnh hưởng của Tam giáo nhưng tàn dư tôn giáo sơ khai vẫn tồn tại. Đó là tàn dư ma thuật tình yêu với các loại bùa ngải, ma thuật làm hại với quan niệm về ma Ngọ Hải. Đặc biệt là tín ngưỡng liên quan đến việc chữa bệnh phát triển khá mạnh. Từ quan niệm hồn đến nguyên nhân ốm đau, bệnh tật là do bị hồn ma bắt, đến việc cúng bái chữa bệnh.
Các tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp tồn tại với nhiều hình thức như việc cầu cúng miếu làng, làm phép thuật trừ sâu bệnh, tổ chức lễ cúng cơm mới ...
Tóm lại: Tam Giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tín ngưỡng của đồng bào Dao Tuyển ở Lào Cai. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là sự biển hiện của từng tôn giáo trong tín ngưỡng của người Dao Tuyển là không rõ nét. Tất cả các tôn giáo trên đều quyện chặt với nhau, cùng với những tàn dư tôn giáo sơ khai tạo nên hệ thống tín ngưỡng - tôn giáo hỗn hợp, phức tạp và đa dạng trong đời sống văn hoá của con người.
Tôn giáo tín ngưỡng của người Dao Tuyển ở Lào Cai gồm nhiều hình thức, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số hiện tượng tiêu biểu:
*Thờ cúng tổ tiên
Theo quan niệm của người Dao Tuyển: Tổ tiên là những người đã khuất trong dòng họ tính từ 6 đời trở xuống. Khi ông bà cha mẹ mất, linh hồn của họ trở về thế giới bên kia nhưng những linh hồn ấy vẫn thường xuyên đi lại chăm nom cho con cháu nơi dương thế. Tổ tiên thuộc loại ma lành, phù hộ
cho con cháu, nếu không thờ cúng thì tổ tiên có thể bắt tội, làm cho con cháu ốm đau, bệnh tật, đói khổ. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình. Những ngày mà người Dao Tuyển thờ cúng tổ tiên là ngày mùng một tết, ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, ngày cúng cơm mới.
*Thờ cúng Bàn Vương
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ ca dân gian của người dao tuyển ở Lào Cai - 1
- Thơ ca dân gian của người dao tuyển ở Lào Cai - 2
- Vai Trò Của Thơ Ca Dân Gian Trong Đời Sống Tinh Thần Của Người Dao Tuyển
- Thơ Ca Dân Gian Người Dao Tuyển Là Tiếng Ca Ai Oán Của Những Người Mồ Côi Bất Hạnh
- Tình Yêu Gắn Liền Với Hôn Nhân Và Sự Thuỷ Chung
Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.
Bên cạnh việc thờ tổ tiên, người Dao Tuyển ở Lào Cai cũng như các ngành Dao khác còn thờ ông tổ cộng đồng dân tộc Dao là Bàn Vương. Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên gia đình vào các dịp lễ cấp sắc, đám chay, tết lễ, ngày rằm, mùng một hàng tháng. Ngoài việc thờ cúng hàng ngày còn có những lễ cúng Bàn Vương riêng. Hình thức cúng Bàn Vương thường có các nghi lễ như lễ khất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.
*Lễ cấp sắc
Người Dao Tuyển có nghi lễ quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người nam giới được tổ chức trang trọng gọi là lễ cấp sắc. Cấp sắc là một nghi lễ rất phổ biến trong dân tộc Dao. Khi gia đình người Dao Tuyển có con trai từ 11 đến 17 tuổi cần phải làm lễ cấp sắc. Người được cấp sắc mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương và mới được Bàn Vương phù hộ. Người không được cấp sắc thì cho dù tuổi già cũng vẫn bị coi là trẻ con và khi chết hồn không được đoàn tụ với tổ tiên. Tiến trình của lễ cấp sắc có rất nhiều tình tiết phức tạp, lễ diễn ra suốt ba ngày hai đêm với các nghi lễ chính như: lễ ăn sư, lễ kêu thầy, lễ công tào, lễ khởi sự, lễ cấp sắc, lễ điệu binh, lễ hợp vũ, lễ hương hoa, lễ giải tuế, lễ mời thánh, lễ an đòn, lễ tú đăng, lễ hi diên, lễ du thần, lễ búa nhị, lễ túc bị, lễ tảo chiền, lễ phá ngục, lễ hưởng thực, lễ thiết điện, lễ đăng chương, lễ tháo lâu, lễ thăng đô, lễ tống thánh. Người Dao Tuyển tin rằng, người được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng tộc mới được phát triển. Vì vậy, cho dù tốn kém, họ vẫn tổ chức bằng được nghi lễ này.
*Nghi lễ đám cưới
Lễ cưới là phong tục trọng đại của đời người, là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, in đậm dấu ấn tín ngưỡng của con người. Người Dao Tuyển có quy định chặt chẽ về việc cưới, tạo thành những nguyên tắc trong hôn nhân. Chẳng hạn như nguyên tắc ngoại hôn dòng họ chi phối mọi quan hệ hôn nhân. Trong phạm vi sáu đời con cháu không được kết hôn, dựa vào thứ tự hệ thống tên đệm của từng dòng họ, các thành viên của mỗi dòng họ biết được quan hệ nội tộc và tránh kết hôn cùng dòng họ, không vi phạm quan niệm loạn luân. Nghi lễ đám cưới ở mỗi nhóm Dao, ở mỗi vùng có những nét riêng. Lễ cưới người Dao Tuyển ở Lào Cai được chia thành các nghi thức: lễ so tuổi, lễ dạm hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt.
*Nghi lễ tang ma
Người Dao Tuyển khi chết, con gái phải tắm nước lá thơm cho bố mẹ, con trai cắt tóc cho người chết. Họ tổ chức khâm liệm cho người chết một cách chu tất. Trước kia, người Dao Tuyển ở Lào Cai làm hoả táng cho người chết. Sau khi hoả táng họ lấy tro bỏ vào lọ, đem chôn ở núi đá theo từng dòng họ. Nhưng ngày nay, người Dao Tuyển tổ chức địa táng. Tuy nhiên, trong một số phong tục, bài cúng vẫn còn dấu vết hoả táng. Trong lễ tang thầy cúng phải đọc cuốn sách cúng “Tán Tảng” bài cúng đốt lửa hoả táng được tượng trưng bằng nến.
Trên đây chỉ là một số hiện tượng tiêu biểu trong truyền thống tôn giáo tín ngưỡng phong phú, phức tạp và đa dạng của tộc người Dao Tuyển ở Lào Cai. Qua những hiện tượng này, chúng tôi thấy rằng: Trong cộng đồng người Dao Tuyển vẫn còn tồn tại những tàn tích của chủ nghĩa đa thần nguyên thuỷ. Đặc biệt là tam giáo (nổi trội nhất là Đạo giáo), đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, đã ăn sâu vào tư tưởng của họ. Những yếu tố tích cực cần phải được bảo tồn và phát huy để góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc của tộc người này.
1.1.2.3. Một số thể loại văn học dân gian của người Dao Tuyển
Trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và xã hội phong kiến bất công để tồn tại và phát triển, người Dao Tuyển đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá truyền thống giàu bản sắc, đặc biệt là văn học dân gian. Văn học dân gian của người Dao Tuyển có đầy đủ các thể loại như: thần thoại, truyện cổ tích, tục ngữ, câu đố, dân ca …,với những nội dung phong phú phản ánh muôn mặt của cuộc sống, thể hiện khả năng nhận thức của con người.
*Thần thoại
Khác với các dân tộc anh em cho rằng, nhiều người sáng tạo ra thế giới, người Dao Tuyển quan niệm chỉ một mình Bàn cổ sinh thế giới vũ trụ:
Bàn Cổ hình người, lông quỉ, mồm như cái kim Đầu ngài là trời
Chân ngài là đất
Mắt trái của ngài là mặt trời
Mắt phải của ngài là mặt trăng [50, tr.45].
*Truyện cổ tích
Đồng bào Dao Tuyển thường kể chuyện cổ tích cho nhau nghe vào những đêm trăng, những lúc đi đường, trong khi lao động sản xuất… ở đâu có người tụ họp thì đồng bào lại kể cho nhau nghe. Truyện cổ tích của người Dao Tuyển khá phong phú, bao gồm cả truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích sinh hoạt. Đặc biệt, trong kho tàng cổ tích của người Dao Tuyển có hệ thống truyện kể về các sự tích trong lễ cưới như sự tích gói muối trong lễ vật cưới, sự tích vôi ăn trầu trong lễ vật cưới … Mỗi sự tích là một truyện cổ tích, vừa lí giải các nghi lễ đám cưới, vừa có giá trị giáo dục mọi người khuyến thiện trừ ác.
* Ca dao - dân ca
Ngay từ khi cất tiếng khóc trào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, người Dao Tuyển đều tắm mình trong dòng suối dân ca. Ca dao - dân ca của người Dao Tuyển phong phú, đa dạng, phản ánh mọi lĩnh vực của cuộc sống, gồm ba loại hình cơ bản: Dân ca giao duyên, dân ca than thân, dân ca nghi lễ và phong tục.
* Câu đố
Câu đố của người Dao Tuyển được sử dụng rất nhiều trong các sinh hoạt văn hoá. Căn cứ vào đối tượng, có thể phân chúng ra thành ba loại: Loại câu đố về tự nhiên (các hiện tượng thiên nhiên, cây cỏ, loài vât), loại câu đố về đồ dùng (đồ dùng sinh hoạt, sách, vũ khí) và loại câu đố về con người.
* Tục ngữ
Tục ngữ cuả người Dao Tuyển khá phong phú, với nội dung đúc kết kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm về cuộc sống, răn dạy cách ứng xử trong xã hội. Trong ứng xử, tục ngữ đề cao lối ứng xử hoà đồng, đề cao lối sống tình nghĩa đoàn kết:
Rừng rộng chiêu nhiều thú
Lòng rộng chiêu nhiều khách [50, tr.48].
Ngoài các loại hình văn nghệ dân gian trên, người Dao Tuyển còn có một loại hình văn nghệ dân gian khác khá độc đáo. Đó là nghệ thuật tạo hình dân gian. Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Dao Tuyển được thể hiện ở trang phục, ở nghệ thuật vẽ tranh thờ, ở nghệ thuật trang trí bàn thờ trong lễ cấp sắc…
Người Dao Tuyển ở Lào Cai tuy có dân số không đông, lại cư trú rải rác ở hầu khắp các huyện nhưng vẫn có một nền văn nghệ dân gian khá độc đáo, góp phần không nhỏ làm phong phú thêm nền văn hoá truyền thống giàu bản sắc của dân tộc Dao nói riêng và cả nền văn nghệ dân gian Vịêt Nam nói chung.
1.2. Khái quát về thơ ca dân gian của người Dao Tuyển
1.2.1. Khái niệm thơ ca dân gian
Trước đây, cùng với thuật ngữ Ca dao, giới nghiên cứu khi nói về những bài hát dân gian thường dùng thuật ngữ Phong dao (những câu hát dân gian có ý nghĩa giáo huấn đạo lí hoặc có liên quan đến phong tục truyền thống, tập quán của người dân). Đến đầu những năm 50 của thế kỉ XX, với sự ra đời của công trình Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (in lần đầu năm 1956), song song với thuật ngữ Ca dao, có thêm thuật ngữ Dân ca.
Hiện nay, trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian, các nhà nghiên cứu vẫn dùng thuật ngữ Ca dao dân ca hoặc Thơ ca dân gian.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính, các nhà nghiên cứu quan niệm về Ca dao và Dân ca như sau: Dân ca bao gồm phần lời (câu hoặc bài), phần giai điệu (giọng hoặc làn điệu), phương thức diễn xướng và cả môi trường khung cảnh ca hát. Còn “Ca dao được hình thành từ dân ca. Khi nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến lời ca. Khi nói đến dân ca, người ta nghĩ đến cả làn điệu và những thể thức hát nhất định”[22, tr.79].
Như vậy, có thể nhận định:“dùng danh từ ca dao để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi)” [70, tr.26].
Theo Hoàng Tiến Tựu: “Thơ ca dân gian là một loại hình văn học dân gian có đối tượng rộng hơn, bao gồm phần lời thơ của tất cả các loại dân ca và lời thơ trong các hình thức sáng tác dân gian khác” [70, tr.139].
Như vậy, thuật ngữ Thơ ca dân gian người Dao Tuyển bao gồm phần lớn các bài hát dân ca, các bài hát kể chuyện sự tích… của người Dao Tuyển. Thơ ca dân gian với hàm nghĩa như trên sẽ là cơ sở để chúng tôi đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu Thơ ca dân gian của người Dao Tuyển ở Lào Cai.
1.2.2. Sơ lược về thơ ca dân gian người Dao Tuyển
Ca hát là một trong những sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống độc đáo, đồng thời cũng là nhu cầu sinh hoạt văn nghệ phổ biến của người Dao Tuyển. Người Dao Tuyển có hai thuật ngữ gọi các sinh hoạt ca hát là “jủng” và “có”:
“Jủng” là hình thức hát các bài hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời, tự hát và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ. Ví dụ như: “Lô xây jủng” (hát ru); “Ăy con jủng” (hát đám cưới); “Ăy cỏi mần jủng” (hát đám tang)…
“Có” là hình thức hát các bài hát theo nghi thức, nội dung được ghi chép trong các sách dạy hát bằng chữ Nôm Dao. Ví dụ như: “Bốn Vôồng có” (Hát kể về sự tích Bàn Vương), “Trang thấy có”(Tương tư ca),… Muốn học các bài hát này phải biết tiếng Nôm Dao hoặc nhờ người dạy hát.
Kho tàng thơ ca dân gian Dao khá đồ sộ, nhưng cho đến nay, mặc dù đã được các học giả trong và ngoài nước dày công sưu tầm, được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức nhưng thơ ca dân gian người Dao Tuyển vẫn là một di sản văn hoá quý báu mang đậm bản sắc tộc người mà chúng ta vẫn chưa thể nắm bắt hết được cả về số lượng và nội dung. Công tác phân loại thơ ca dân gian người Dao Tuyển cũng chưa được đề cập nhiều nên chưa thực sự rõ ràng và thống thất. Tuy vậy, căn cứ vào cách phân loại thơ ca dân gian của các nhà nghiên cứu văn học dân gian, và dựa vào nội dung các bài thơ ca dân gian của người Dao Tuyển, chúng tôi đồng tình với cách phân loại của tác giả Trần Hữu Sơn, tạm thời chia thơ ca dân gian Dao Tuyển thành các loại hình như sau: Thơ ca lao động, thơ ca nghi lễ phong tục, thơ ca sinh hoạt [51, tr.24].
1.2.2.1. Thơ ca lao động
Thơ ca phản ánh quá trình lao động sản xuất của người Dao Tuyển tuy không nhiều so với các loại hình khác nhưng cũng có một số bài rất đáng chú
ý như: Các bài ca nông lịch 12 tháng. Tuy chưa có những bài ca phản ánh sự gắn bó giữa nhịp điệu lao động với cảm xúc của con người trong lao động nhưng thơ ca lao động của người Dao Tuyển cũng đã gắn công việc lao động với nội dung phản ánh kinh nghiệm sản xuất, kinh lao động của con người. Điều đặc biệt là trong các bài ca lao động xuất hiện tương đối nhiều bài ca đối đáp, trao đổi tình cảm nam nữ mang tính chất giao duyên trên khung cảnh lao động.
1.2.2.2. Thơ ca nghi lễ phong tục
Người Dao Tuyển quan niệm rằng: cuộc đời của mỗi con người đều phải trải qua 5 giới (5 thời kì). Giới Nhi (từ khi đứa bé trong bào thai đến 10 tuổi), Giới Hưng (thời kì từ 10 tuổi đến 50 tuổi), Giới Lão (thời kì ngoài 50 tuổi đến trước khi chết), Giới Ma (thời kì từ khi chết đến khi giỗ đầu), Giới Tiên (thời kì sau khi giỗ đầu).
Ứng với mỗi giới lại có nhiều nghi lễ phong tục khác nhau. Trong các nghi lễ này đều có dấu ấn của thơ ca. Thơ ca dân gian của người Dao Tuyển ở Lào Cai được sử dụng dưới các hình thức như hát cầu cúng, hát kể lại sự tích các thần nhằm cảm ơn, ca ngợi các thần thánh cai quản hoặc nhằm mục đích cầu khẩn cho các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho con người.
* Thơ ca trong lễ cúng trẻ sơ sinh
Khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày tuổi, người Dao Tuyển tổ chức lễ cúng hát đặt tên. Trong nghi lễ cúng, người cha đứa trẻ sơ sinh trực tiếp múa và hát bài hát với nội dung cầu mong thần linh phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, chiến thắng cái ác, cái xấu.
* Thơ ca trong lễ cấp sắc
Lễ cấp sắc được tổ chức khi con trai người Dao Tuyển chuẩn bị đến tuổi trưởng thành (khoảng từ 10 đến 17 tuổi). Trong lễ cấp sắc có nhiều lễ khác nhau như lễ cấp sắc, lễ khai quang, khai khởi kinh đàn… và nhiều nghi lễ bên Đạo giáo. Trong một số nghi lễ thầy cúng truyền dạy cho đứa trẻ cấp sắc các