Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 2


mưu sinh cơm áo gạo tiền. Vì vậy, đang đặt ra những vấn đề cấp thiết và mang tính thời sự trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Việc khai thác, giữ gìn và phát huy nguồn mạch văn hóa dân tộc- văn học dân gian của xứ Lạng - chính là một việc làm thiết thực để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam.

1.2. Lý do nghệ thuật

1.2.1. Trải qua nhiều thế kỷ, trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh xã hội, dân tộc Tày, Nùng nói chung và người Tày, Nùng ở xứ Lạng nói riêng đã xây dựng cho mình một kho tàng văn học dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, nhưng cũng không phá vỡ tính thống nhất chung của văn hóa Việt Nam. Nói cách khác văn học dân gian của tộc người Tày –Nùng ở xứ Lạng với những nét đặc sắc riêng đã góp phần làm nên bộ mặt phong phú, đa dạng nhưng thống nhất chung của văn học dân gian Việt Nam.

1.2.2. Truyện kể dân gian Việt Nam nói chung và truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng đang là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học xã hội và nhân văn trong đó có khoa học văn học dân gian. Việc nghiên cứu truyện kể nói chung và truyện kể xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng nói riêng có thể nói là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng.

1.2.3. Việc chú trọng khai thác những di sản văn học của các dân tộc ít người cùng với nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác những di sản văn học quý báu của dân tộc Kinh chính là việc góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới Xã hội chủ nghĩa ở một quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa “Thống nhất trong đa dạng”.

Xứ Lạng là một trong những cái nôi của văn hoá dân gian Tày, Nùng. Ở đó hội tụ đầy đủ các loại hình văn học dân gian trong đó có truyện kể dân gian là một di sản vô cùng phong phú, quý giá. Nó được xem là thể loại ổn định,


phản ánh rõ nét đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và bản sắc con người nơi đây. Nó vừa mang tính loại hình vừa mang tính đặc thù chưa từng được nghiên cứu một cách hệ thống .

Hơn nữa hiện nay việc nghiên cứu học tập văn học dân gian địa phương vào chương trình phổ thông vẫn chưa được chú trọng. Là giáo viên THPT, tôi nghĩ nghiên cứu về truyện kể dân gian xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng là một việc làm cần thiết để gìn giữ di sản phi vật thể của dân tộc Việt Nam nói chung và của dân tộc Tày- Nùng ở xứ Lạng nói riêng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Chính vì những lẽ trên và trên cơ sở tiếp tục kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu là: Khảo sát truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng với mong muốn đóng góp ý kiến của mình vào công cuộc nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc ít người hiện nay đặc biệt là thể loại truyện kể. Đồng thời cũng là người công tác và gắn bó với bà con dân tộc Tày- Nùng một thời gian dài, tôi muốn góp tiếng nói tri ân của mình với vùng đất, con người xứ Lạng. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng bài giảng trong nhà trường và làm tài liệu cho những người quan tâm đến truyện cổ Việt Nam nói chung và truyện kể xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng nói riêng.

2. Lịch sử vấn đề

Khảo sát truyện kể dân gian Tày - Nùng xứ Lạng - 2

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện kể dân gian thuộc loại hình tự sự bằng văn xuôi dân gian bao gồm các thể loại: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười và giai thoại. Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, việc sưu tầm và tìm hiểu thể loại truyện cổ dân gian Việt Nam đã được các học giả quan tâm và tiến hành nghiên cứu từ khá sớm.

Truyện cổ dân gian, hơn mọi thể loại khác có một sức hấp dẫn kì lạ và vốn có một đời sống học thuật phong phú và sớm hơn rất nhiều so với các thể loại khác của văn học dân gian.


2.1. Trong công trình “ Tổng tập văn học dân gian người Việt” do GS.TS Kiều Thu Hoạch chủ biên, các tác giả đã chỉ ra rằng “Truyện cổ dân gian Việt Nam vốn được ghi chép, sưu tầm từ rất sớm trong các tác phẩm khởi đầu của nền văn học như Báo cực truyện, Giao Chỉ Kí (Thế kỷ XII), Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú (Thế kỉ XIV-XV); rồi những tập như Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Thiên Nam vân lục (Nguyễn Hành), Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề), Truyền kì tân phả (Đoàn Thị Điểm), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ- Nguyễn Án)...

Vào những thế kỷ sau như thế kỷ XIX và thời kỳ cận đại của thế kỷ XX, việc sưu tầm, biên soạn truyện cổ dân gian ngày càng được nhiều người chú trọng. Cuối thể kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có nhiều bộ sưu tập truyện cổ ra đời do các văn sĩ có ý thức lưu tâm đến vốn văn học cổ truyền của nước nhà đã ghi chép và xuất bản như Chuyện khôi hài (1882), Chuyện đời xưa (1886) của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn (1880: tập 1, 1885: tập 2) của Huỳnh Tịnh Của, Nam Hải dị nhân (1920) của Phan Kế Bính, Truyện cổ nước Nam (1932-1934) của Nguyễn Văn Ngọc v. v...

Từ sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ những năm 50 của thế kỷ XX, vốn văn hóa dân gian nói chung và truyện cổ dân gian nói riêng lại càng được coi trọng và việc sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu chúng được xem như những hoạt động khoa học, một ngành khoa học độc lập, được nâng lên ở một cấp độ mới. Kết quả của ngành nghiên cứu văn học dân gian và truyện cổ dân gian đã đạt được là những kết quả khả quan, với một loạt công trình có tầm cỡ ra đời liên tiếp như: Truyện cổ tích Việt Nam (1955) của Vũ Ngọc Phan, Lược khảo về thần thoại Việt Nam (1956) của Nguyễn Đổng Chi, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (1957) của Nguyễn Đổng Chi, Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong v.v...

2.2. Cùng với văn học dân gian của người Kinh, bộ phận văn học dân gian của người Tày, Nùng- cư dân bản địa và là chủ thể ở vùng Đông Bắc (Việt


Bắc) với bản sắc riêng của một tộc người miền núi, đã góp phần làm nên bộ mặt phong phú đa dạng của văn học dân gian Việt Nam... Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học dân gian Tày- Nùng đến thời điểm này vẫn còn nhiều khoảng trống. Ngoài một số công trình sưu tầm và giới thiệu văn bản truyện kể như Truyện kể Việt Bắc (1963), Truyện cổ Tày- Nùng (1974), Truyện cổ các dân tộc ít người Việt Nam (1978), Truyện cổ Bắc Kạn (2000)... thì các công trình chuyên biệt về truyện kể dân gian Tày- Nùng lại có phần ít ỏi, chỉ có vài ba công trình. Cụ thể như Sưu tập và khảo cứu truyện cổ Tày của hai tác giả Vũ Anh Tuấn và Vi Hồng (tài liệu đánh máy 257 trang- Khoa ngữ văn Đại học sư phạm Thái Nguyên). Tìm hiểu một cặp mẫu kể dân gian miền núi dưới góc độ loại hình của tác giả Vũ Anh Tuấn (Tạp chí Văn học số 4- 1991), Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số típ truyện kể dân gian Tày vùng Đông Bắc Việt Nam của tác giả Vũ Anh Tuấn (Luận án PTS- 1991), Tìm hiểu quan niệm về cái đẹp và nghệ thuật trong văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam của Hoàng Minh Lường (Luận văn Thạc sĩ Đại học sư phạm Hà Nội 1987-71 trang), Truyện thơ Nôm Tày- Đặc điểm nổi bật trong văn hóa dân gian và văn hóa Tày của Hà Thị Bích Hiền (Luận văn Thạc sĩ Đại học sư phạm Hà Nội 2000-98 trang). Hiện tượng vượt biển (Khảm Hải) trong đời sống văn hóa dân gian Tày của Nguyễn Thị Nhin (Luận văn Thạc sĩ Đại học sư phạm Hà Nội 2003- 100 trang), Khảo sát và so sánh một số típ truyện kể dân gian Tày- Việt của Lương Anh Thiết (Luận văn thạc sĩ Đại học sư phạm Thái Nguyên 2003- 122 trang), Khảo sát những đặc điểm truyền thuyết của người Tày ở Bắc Kạn của Mai Thu Thuỷ (Luận văn thạc sĩ Đại học sư phạm Hà Nội 2005- 100 trang)....

2.3. Người Tày- Nùng là chủ thể văn hoá chính ở xứ Lạng. Văn hoá, văn học dân gian của tộc người Tày- Nùng xứ Lạng là mảnh đất ẩn tàng những “nguồn lợi” quý giá đòi hỏi phải có sự nhọc công tìm hiểu. Nghiên cứu về văn


học dân gian đặc biệt là khảo sát diện mạo chính của truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng cho đến thời điểm này theo khảo sát của chúng tôi thì chưa có một công trình chuyên biệt nào. Chỉ có một số công trình nhỏ, lẻ riêng biệt về văn học dân gian như công trình Đặc điểm dân ca đám cưới Tày, Nùng xứ Lạng của Lộc Bích Kiệm (Hội văn học nghệ thuật Lạng Sơn 2004- 138 trang), giới thiệu Truyện kể Tày, Nùng xứ Lạng của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn (Chủ biên), Phạm Nguyên Long, Lâm Mai Lan... trong công trình Địa chí Lạng Sơn- Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội- 1999), Bước đầu tìm hiểu thơ ca dân gian của người Tày, Nùng xứ Lạng của tác giả Thái Vân (Tạp chí văn học số 11- 1996) ...

Tôi không có tham vọng là luận văn sẽ bao quát được hết vẻ đẹp lấp lánh của văn hóa dân tộc Tày –Nùng, đời sống tâm tư, tình cảm mà đồng bào gửi gắm trong kho tàng truyện kể xứ Lạng. Nhưng kế thừa các nghiên cứu đi trước, đề tài của chúng tôi hy vọng bước đầu giải quyết được những vấn đề cụ thể của truyện kể xứ Lạng.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đề tài luận văn của chúng tôi có tên là Khảo sát truyện kể dân gian Tày -Nùng xứ Lạng. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi sẽ là truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng đã được sưu tầm, biên soạn và xuất bản.

Tài liệu chúng tôi chọn làm tài liệu khảo sát chính là tập Truyện cổ xứ Lạng của dân tộc Tày và Nùng do Nguyễn Duy Bắc, Hoàng An, Hoàng Tuấn Cư, Hoàng Nam, Vi Hồng Nhân, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1997. Cùng với một số truyện sưu tầm trong công trình Lễ hội dân gian Lạng Sơn của Hoàng Páo, Hà Văn Thanh, Bế Kim Loan, Vũ Kiều Oanh, Sở văn hoá thông tin Lạng Sơn sưu tầm, giới thiệu và một số truyện trong Ai lên xứ Lạng của Hà Văn Thư, Hoàng Nam, Vi Hồng Nhân, Vương Toàn, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1994.


Ngoài ra chúng tôi còn mở rộng thêm biên độ khảo sát các truyện cổ của các dân tộc Tày và Nùng ở các địa phương khác và một số dân tộc khác để làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan. Nguồn tư liệu chủ yếu được trích trong các công trình :

* Truyện cổ Bắc Kạn, tập 1+ 2+ 3, Sở Văn hóa TTTT Bắc Kạn, 2000.

* Truyện cổ Tày – Nùng, Nxb Văn học, H, 1974.

* Truyện cổ Việt Bắc, Nxb Văn hoá - Viện văn học, H, 1963.

* Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb Khoa học xã hội- H, 2009.

* Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 2009.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu bao trùm của luận văn là tìm hiểu đặc điểm truyện kể dân gian xứ Lạng của dân tộc Tày, Nùng trên bình diện thể loại, qua góc nhìn bản sắc văn hoá tộc người, chỉ ra sự tác động của môi trường tự nhiên, văn hoá xã hội hình thành nên những sáng tạo tinh thần đó, cụ thể là:

4.1. Tìm hiểu vùng đất xứ Lạng- nơi hình thành, lưu truyền những truyện kể dân gian để cố gắng đi tìm lý do vì sao vùng đất và tộc người Tày, Nùng ở đây lại lưu giữ một số lượng truyện kể dân gian phong phú, đặc sắc như vậy

4.2. Tiến hành khảo sát phân loại truyện kể dân gian xứ Lạng của đồng bào Tày, Nùng theo tiêu chí thể loại mà các nhà foklore học đã đề xuất. Qua đó làm sáng tỏ những đặc điểm tư tưởng -thẩm mỹ của truyện kể xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng trong đời sống tâm hồn, tình cảm Tày, Nùng- hai dân tộc có vị trí đứng thứ hai sau người Kinh- hai dân tộc có vai trò chủ thể văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam để làm sáng tỏ một giá trị văn hóa lâu đời và đặc thù, góp phần bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, phát huy tác dụng giáo dục tốt đẹp của nó trong cuộc sống hiện nay.


5. Phương pháp nghiên cứu:

Để đạt được mục đích nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp có tính phổ biến trong nghiên cứu khoa học như:

* Phương pháp sưu tầm, khảo sát: Văn học dân gian ra đời sớm và được lưu lại trong trí nhớ của nhân dân bằng con đường truyền miệng. Vì vậy để có thêm tư liệu trong quá trình khảo sát chúng tôi sử dụng phương pháp sưu tầm.

* Phương pháp thống kê: Phương pháp này giúp đưa ra được những số liệu cụ thể, chính xác về vấn đề cần khảo sát. Từ đó dẫn đến những kết luận khách quan.

* Phương pháp tổng hợp, hệ thống tư liệu : Phương pháp hệ thống là cách đặt truyện cổ xứ Lạng của dân tộc Tày Nùng trong cùng một hệ thống như truyện kể Bắc Kạn, truyện kể Việt Bắc, truyện kể Tày, Nùng để thấy được nét chung cũng như nét riêng của nó

* Phương pháp phân tích, so sánh: phương pháp này tìm ra những điểm giống và điểm khác của truyện cổ xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng và truyện cổ dân tộc Tày- Nùng của các địa phương khác nói riêng và truyện cổ của các dân tộc khác nói chung. Người viết phải phân tích, đối chiếu truyện cổ xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng với truyện cổ của các địa phương, các dân tộc khác.

* Phương pháp nghiên cứu liên ngành: phương pháp này dùng để lý giải cho những đặc điểm của truyện cổ xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng. Kiến thức của nhiều ngành khác nhau như : lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học... sẽ rất hữu ích trong việc nghiên cứu.

6. Đóng góp của luận văn:

- Phác họa diện mạo chung của truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng.

- Làm rõ đặc điểm nội dung, nghệ thuật của truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng và qua đó hiểu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của con người dân tộc Tày- Nùng nói riêng và xứ Lạng nói chung.


- Góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần của văn học dân gian xứ Lạng của dân tộc Tày- Nùng nói riêng và văn học dân gian cả nước nói chung. Từ đó khẳng định sự bền vững của bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương và của đất nước Việt Nam.

7. Cấu trúc của luận văn

Luận văn ngoài phần Mở đầu Kết luận. Phần Nội dung gồm ba chương:

Chương I : Vùng đất, con người xứ Lạng với sự hình thành, tồn tại và lưu truyền truyện kể dân gian Tày- Nùng.

Chương II: Các thể loại truyện kể dân gian Tày- Nùng xứ Lạng.

Chương III: Đặc điểm truyện kể dân gian Tày – Nùng xứ Lạng trên một số bình diện.

Phụ lục: Phần này của Luận văn bao gồm: Hệ thống những tác phẩm truyện kể đã được sưu tầm và sưu tầm thêm (có thể có), được sắp xếp theo thể loại.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 02/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí