Bảo Ninh – Cây Bút Truyện Ngắn Xuất Sắc Của Văn Học Viết Về Chiến Tranh Thời Hậu Chiến


Có thể kể đến giọng điệu thâm trầm, day dứt trong Cỏ lau, giọng điệu vừa buồn bã, tái tê vừa giận dữ trong Mùa trái cóc ở miền Nam… của Nguyễn Minh Châu.

Đa phần các truyện ngắn viết sau 1975 đều mang “chất giọng bi và tính bi”. Câu chuyện buồn của cô y sĩ Trường Sơn trở về sau chiến tranh trong Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) hay nỗi lòng của người mẹ lặn lội đi tìm con trong Thời gian của Cao Duy Thảo... được thể hiện với một chất giọng trầm buồn. Những tình huống và tình tiết có trong truyện ngắn nhất quán với vấn đề tác giả đặt ra: Ra khỏi chiến tranh, con người liệu còn gặp những nỗi đau nào nữa? Và thời gian liệu có thể trở thành thứ thuốc giảm đau để giúp người mẹ già đã từng dâng cho Tổ quốc đứa con yêu quý nhất mà rồi bao năm vẫn nhức nhối một nỗi đau ngậm ngùi. Chất bi trong giọng điệu ở các truyện ngắn này là sản phẩm của lịch sử. Nó ít xuất hiện trong văn học chiến tranh mặc dù hàng ngày con người phải chứng kiến bao đau thương mất mát bởi họ có một mục đích lớn lao: Vượt lên trên tất cả để giải phóng Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Chỉ đến sau chiến tranh, chất bi đó mới trở thành giọng điệu phổ biến. Nó được ra đời từ sự nhận thức sâu sắc, thấm thía một cái gì đau hơn nỗi đau cụ thể và tạo thành những giọng điệu khác nhau. Chính sự đa dạng trong cách nhìn và cách thể hiện đó đã tạo ra một bức tranh hiện thực phong phú, đa dạng, phản ánh đúng bản chất cuộc đời và con người.

Một đặc điểm không thể không kể đến trong việc đổi mới trong văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến là sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật về chiến tranh. Đó là sự xuất hiện tính đa dạng của phương thức khái quát hiện thực chiến tranh và tính đa thanh của việc đánh giá hiện thực đó trong tác động của nó đối với số phận đất nước, dân tộc và từng con người. Điều này làm cho diện mạo của văn học về chiến tranh trở nên phong phú hơn nhiều, có khả năng đáp ứng nhu cầu và cuốn hút người đọc ngày hôm nay vốn có những đòi hỏi mới, ngày càng phức tạp.

Việc thay đổi tư duy nghệ thuật, thay đổi quán tính viết không chỉ là tuyên ngôn mà đã được thể hiện qua các sáng tác. Viết về những trạng thái sống của con


người trong và sau chiến tranh, các tác giả đã chạm được đến tầng sâu của đời sống tâm linh, đời sống bản thể của con người. Đó là những tác phẩm: Hai người đàn bà xóm trại (Nguyễn Quang Thiều), Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến), Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu)

Có thể nói, với cái nhìn sâu sắc về chiến tranh, các nhà văn hôm nay đã góp phần tạo nên một không khí sôi nổi trên văn đàn. Một số tác giả trẻ đã có sáng tác về chiến tranh như: Nguyễn Thế Hùng, Bùi Thị Như Lan, Trần Thanh Hà… Tuy nhiên, phải thừa nhận văn học viết về chiến tranh dường như vẫn là thách thức với các nhà văn trẻ. Dễ nhận ra các gương mặt nổi bật viết về chiến tranh phần lớn là những nhà văn cầm súng đã có cống hiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến và trong sáng tạo nghệ thuật.

1.3. Bảo Ninh – Cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến

1.3.1. Tiểu sử

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Quê ông ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Bảo Ninh vào bộ đội năm 1969. Ông từng chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976 - 1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984 - 1986 Bảo Ninh học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997.

1.3.2. Sự nghiệp sáng tác

Truyện Ngắn Bảo Ninh - 4

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm mà những vết thương trong tâm hồn bao người lính vẫn còn như rỉ máu. Với Bảo Ninh cũng vậy, những vết thương trận mạc không chỉ hằn sâu trong từng trang của Nỗi buồn chiến tranh và hàng loạt truyện ngắn mà còn đang thao thức, trằn trọc nơi cuốn tiểu thuyết ông sắp hoàn thành.


Rời quân ngũ cùng bộ đồ lính bạc phếch trên người, Bảo Ninh kiếm sống với những công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chỉ đến khi cha ông, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ, dẫn ông đến nhà bạn thân là Hoàng Ngọc Hiến (trường viết văn Nguyễn Du) thì cuộc đời Bảo Ninh bước sang một trang khác. Trong hành trang tâm hồn ông, chiến tranh là “nỗi buồn nguyên khối”, là nỗi nhớ da diết, là kí ức không thể phai mờ. Viết về chiến tranh thời hậu chiến, với Bảo Ninh và các nhà văn quân đội chính là niềm khao khát, niềm hạnh phúc và say mê hay cũng là món nợ văn chương cần phải trả đối với cuộc đời. Nói như nhà văn Chu Lai, “Bây giờ sau 35 năm, có thể gác lại quá khứ, nhưng không có nghĩa là quên đi quá khứ. Vì nếu chúng ta quên đi quá khứ thì lại là có lỗi với những người đã hi sinh, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Bảo Ninh ra mắt công chúng bằng truyện ngắn đầu tay Trại “Bảy chú lùn” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1987. Ít lâu sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất hiện nhưng do thị hiếu người đọc lúc bấy giờ nhà xuất bản đã đặt cho nó cái tên Thân phận của tình yêu. Đến năm 1991, tác phẩm đạt giải nhất Giải thưởng Hội nhà văn cùng với hai tác phẩm khác là Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng thì tên tuổi của Bảo Ninh mới thực sự thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc cùng giới lý luận phê bình và sáng tác. Tâm sự về thành công ban đầu ấy, nhà văn bộc lộ: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học Việt Nam thời đổi mới nên một tác giả mới như tôi vẫn được chú ý và cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã được nhận giải thưởng vào thời kì đặc biệt đó, thời kì văn học có những thay đổi sâu sắc và đích thực”.

Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm không có cốt truyện, tình tiết rành mạch mà chỉ là những mảng hồi ức chắp nối của nhân vật Kiên - một người lính của tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn B3 còn sống sót - về cuộc chiến tranh đẫm máu vừa qua và về mối tình với cô bạn học trường Bưởi tên Phương. Tính chất tự sự và tính chất tự truyện đã giúp Bảo Ninh thể hiện táo bạo quan niệm nghệ thuật cũng như cái nhìn mới về người lính trong chiến


tranh sau những “độ lùi” của thời gian. Là một nhân chứng bước ra cuộc từ chiến, Bảo Ninh không nhìn chiến tranh bằng những tấm huân chương, những bản anh hùng ca chiến thắng như một số tác phẩm viết trong chiến tranh (như Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu…). Trong Nỗi buồn chiến tranh, người lính được nhìn nhận bằng sự thật trần trụi về nỗi đau, nỗi mất mát, nỗi ám ảnh kinh hoàng về sự tàn khốc của chiến tranh còn chiến tranh hiện lên với tất cả sự tàn khốc, sự ghê rợn… Nó không chỉ bi tráng, bi hùng mà còn là bi thảm. Tất cả những gì khốc liệt nhất, đau thương nhất của chiến tranh đều được Bảo Ninh thể hiện trong tác phẩm. Nỗi buồn chiến tranh là đứa con tinh thần của một “tay nhà văn phường” vốn là “binh nhì trong chiến tranh” cố gắng vật lộn để viết một cuốn sách trình bày những cảm nhận, những kỷ niệm về đồng đội, về bạn bè, người thân, tình yêu của mình trong những tháng ngày chiến chinh dằng dặc. Người lính năm xưa, nhà văn phường hôm nay đang trong tình trạng “bấn loạn, rối bời” đã ý thức được rất sâu sắc cái giá mà bản thân anh và đồng đội phải trả cho chiến tranh, cho vinh quang và chiến thắng ngày hôm nay. Nhưng trước sự thờ ơ, vô cảm của con người hiện tại, anh thấy hụt hẫng, xót xa. Anh đã chọn con đường viết văn để trả món nợ tinh thần cho quá khứ, cho đồng đội.

Không ai biết đích xác con số tái bản cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh trong hai chục năm qua là bao nhiêu, nhưng chắc chắn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được tái bản khá nhiều lần ở trong và ngoài nước. Cho đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Việt Nam trong nước được in nhiều nhất ở nước ngoài. Theo thông tin mới nhất, Nỗi buồn chiến tranh đã được chuyển ngữ và giới thiệu trên 18 quốc gia trên thế giới. Tác phẩm sẽ được Nxb Trẻ độc quyền xuất bản bản tiếng Việt kể từ tháng 5/2011 theo thỏa thuận nhượng quyền giữa Nxb và nhà văn. Năm 1994, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo đã được ca tụng rộng rãi, đón nhận một cách nồng nhiệt dưới cái tên The Sorrow of War. Tờ Independent, một trong những nhật báo có uy tín của nước Anh nhận xét về cuốn tiểu thuyết


của Bảo Ninh: “Vượt ra ngoài sức tưởng tượng của người Mỹ, Nỗi buồn chiến tranh đi ra từ chiến tranh Việt Nam đã đứng ngang hàng với cuốn tiểu thuyết chiến tranh vĩ đại của thế kỉ Mặt trận phía tây yên tĩnh của Eerrich Maria Rơmáccơ – Một cuốn sách viết về sự mất mát của tuổi trẻ, cái đẹp, một câu chuyện tình đau đớn. Một thành quả lao động tuyệt đẹp”.

Nhân danh quá khứ, nỗi buồn đau và nhân danh những người đã ngã xuống, Kiên đối thoại với thời hậu chiến còn chưa hiểu hết về chiến tranh, chưa hiểu hết về nỗi đau của người lính. Đây là một tiểu thuyết mang cấu trúc kiểu lồng ghép “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”, “tiểu thuyết na ná dòng ý thức” với sự dẫn dắt của nhiều ý tưởng và nguyên tắc khá đặc biệt. Vì thế, Bảo Ninh đã đưa ra một món ăn tinh thần trái với khẩu vị quen thuộc, tạo cho người đọc một cái nhìn đa chiều, gây nên một làn sóng phê bình rộng rãi. “Thân phận của tình yêu không chỉ nói về chiến tranh mà còn nói về hôm nay. Những người lính đã kết thúc chiến tranh một cách vinh quang có đủ tư cách để nói tiếng nói không bằng lòng với những điều tiêu cực ngày hôm nay… Để bạn đọc biết chiến tranh có nhiều con đường, con đường nào cũng nhằm mục đích mang lại hạnh phúc cho mọi người và bao giờ cũng phải trả giá rất đắt” (Cao Tiến Lê).

Bảo Ninh đã đem lại vinh quang cho nền văn học nước nhà bằng Giải thưởng châu Á 2011 - Nikkei Asia Prizes. Đây là giải thưởng thường niên của báo Kinh tế Nhật Bản dành cho những cá nhân và tập thể người châu Á có cống hiến xuất sắc trên 3 lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật và văn hóa. Lễ trao giải diễn ra ngày 25/5/2011 tại Tokyo, Nhật Bản. Hội đồng xét duyệt trao giải đánh giá nhà văn Bảo Ninh là người có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn học với thiên tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch, giới thiệu tại Nhật Bản liên tiếp trong hai năm 1997, 1999 và được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới về chiến tranh.

Nếu như ký ức chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh đeo đẳng nhân vật trong tiểu thuyết của Bảo Ninh thì đối với ông, Nỗi buồn chiến tranh cũng trở thành nỗi ám ảnh toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại.


Sau Nỗi buồn chiến tranh, tác giả hầu như chỉ sáng tác truyện ngắn. Thông qua hệ thống truyện ngắn, Bảo Ninh đã chứng tỏ được tài năng của mình ở “thể loại tự sự cỡ nhỏ” này. Ông là một cây bút “có duyên” và gây “ấn tượng” với bạn đọc. Trong cuốn Truyện ngắn Bảo Ninh do Nxb Công an nhân dân ấn hành năm 2004 và cuốn Bảo Ninh - Lan man trong lúc kẹt xe - Những truyện ngắn hay nhất và mới nhất của Nxb Hội nhà văn 2005 có 28 truyện ngắn thì đến 22 truyện viết về đài tài chiến tranh và người lính, gồm các truyện: Ba lẻ một, Bên lề cuộc tấn công, Bí ẩn của làn nước, Cũ xưa, Giang, Mùa khô cuối cùng, Gọi con, Hà Nội lúc không giờ, Hỏa điểm cuối cùng, Hữu khuynh, La Mác - xây - e, Ngàn năm mây trắng, Rửa tay gác kiếm, Thách đấu, Tình thư, Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng, Kì ngộ, Lá thư từ Quý Sửu, Ngôi sao vô danh, Thời tiết của kí ức, Trại “Bảy chú lùn”, Khắc dấu mạn thuyền. Sáu truyện ngắn còn lại viết về đề tài khác trong cuộc sống hiện tại sau chiến tranh. Mặc dù không viết trực tiếp về chiến tranh nhưng những tác phẩm ấy đều là hệ lụy nảy sinh từ chiến tranh.

Trong 22 truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh và người lính chỉ có ba truyện được kể ở thời điểm hiện tại: La Mác - xây - e, Ngàn năm mây trắng, Kì ngộ còn lại là truyện xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Trong 22 truyện ngắn ấy có 15 truyện nhân vật chính là người lính, gồm: Trại “Bảy chú lùn”, Ba lẻ một, Lá thư từ Quý Sửu, Ngôi sao vô danh, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền, Bên lề cuộc tấn công, Hữa khuynh, Hà nội lúc không giờ, Cũ xưa, Giang, Mùa khô cuối cùng, Hỏa điểm cuối cùng, Thách đấu, Tình thư. Qua sự thống kê trên, ta thấy viết về chiến tranh và người lính vẫn là “đề tài ruột” của Bảo Ninh.

Đầu năm 2009, Nxb Văn học cho ra mắt tập truyện ngắn mới có cái tên đặc biệt Chuyện xưa kết đi, được chưa? gồm 14 truyện ngắn, trong đó có 7 truyện ngắn đã được đông đảo bạn đọc biết đến trước đó gồm: Mắc cạn, Bội phản, Gọi con, Thách đấu, Cũ xưa, Giang, Hữu khuynh. Còn lại 7 truyện ngắn mới là: Sách cấm, Cái búng, Mối ngờ, Bằng chứng, Chuyện xưa kết đi, được chưa?, Đêm trừ tịch, Quay lưng thì chỉ có Cái búng là không tác phẩm viết về chiến tranh. Tập truyện ngắn này là tập hợp của những câu chuyện “không có gì


quá phi phàm” nhưng lại là những câu hỏi lớn đặt ra khi người lính hậu chiến. Bước ra khỏi chiến tranh trở về với cuộc sống bình thường, họ bị đẩy vào dòng chảy của thời đại, bỡ ngỡ và lạ lẫm với hiện thực thời bình. Họ như bị “mắc cạn” vào cái bản lề chuyển giao khắt khe của thời đại. Đó là những câu chuyện chưa bao giờ hết của hai thế hệ, thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay.

Ngoài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận của tình yêu) và các tập truyện ngắn, Bảo Ninh còn viết một số bài trên báo Văn nghệ trẻ bàn về sự đổi mới của văn học. Trong phần hai của bài viết Văn học đổi mới đến từ cuộc chiến, Bảo Ninh đã chỉ trích một số quan niệm ấu trĩ khi xử lí Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và lý giải về việc thưởng thức văn học của độc giả. Đồng thời đã khen ngợi sự đổi mới đề tài chiến tranh của Thái Bá Lợi (truyện ngắn) và Lê Lựu (tiểu thuyết). Tác giả viết: “Tôi nghĩ rằng họ, chẳng hạn nhà văn Thái Bá Lợi của Hai người trở lại trung đoàn, nhà văn Lê Lựu của Thời xa vắng có ý chí đổi mới sáng suốt và mãnh liệt đồng thời quả cảm và gan lỳ chẳng kém gì người nông dân gan dạ dám chọn con đường đúng đắn nhưng đầy cay đắng và cô đơn của bí thư Kim Ngọc. Tôi tự hỏi rằng nếu không có những người nông dân cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ ấy thì liệu nền kinh tế của đất nước và đời sống của mọi người ngày hôm nay sẽ như thế nào?” [63,3]. Bảo Ninh là một trong những nhà văn góp phần đổi mới văn học viết về đề tài chiến tranh: “Nếu không có ý chí và tác phẩm sáng ngời tinh thần đổi mới ngay từ đầu những năm 1980 của các nhà văn mà hầu hết là cựu chiến binh thì ngày nay các nhà văn và cả độc giả nữa sẽ có kiểu tư duy văn học kiểu gì?” [63,3]. Cũng trên báo Văn nghệ trẻ ở bài viết Nói hay viết dở, Bảo Ninh đưa ra một quan niệm mới về việc viết văn của lớp nhà văn sau chiến tranh. Ông khẳng định, đổi mới là nhu cầu tự thân của văn học: “Mỗi thời mỗi khác, nhưng tựu trung đều kêu gọi và thôi thúc chúng tôi hãy khác đi, hãy mau mau đổi mới, hãy mạnh dạn cách tân, hãy từ bỏ lối mòn trong suy nghĩ và trong sáng tác” [62,2].

Có thể nói, Bảo Ninh thuộc về một kiểu người viết đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại, những nhà văn từng đi qua chiến tranh với tư cách


người lính. Ở Việt Nam, hầu hết những thành tựu chính của văn học viết về chiến tranh đều thuộc kiểu tác giả này. Bảo Ninh nói riêng và một số nhà văn viết về chiến tranh nói chung đã khẳng định một con đường tìm tòi nghệ thuật: Nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh bằng trải nghiệm và cái nhìn cá nhân, tái hiện cái chiều kích đau thương và bộ mặt tàn khốc không hề quy giản của chiến tranh, nói lên tiếng nói cảnh báo về những hiểm họa của chiến tranh để lại thời hậu chiến. Đồng thời phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm lên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh.

1.3.3. Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Bảo Ninh

Chiến tranh đã đi qua gần bốn mươi năm. Thế nhưng, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, ký ức về những con người anh hùng trong một thời đại anh hùng thì vẫn tươi mới, vẹn nguyên mỗi khi ta đối diện từng trang sách trong những tác phẩm văn học của thời kỳ này. Với Bảo Ninh cũng vậy, câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể phai mờ trong ký ức nhà văn.

Hầu hết các tác phẩm của Bảo Ninh đều viết về chiến tranh, viết về cuộc sống và những năm tháng chiến đấu của người lính, viết về kẻ thù bên kia chiến tuyến, và viết về những khó khăn trong cuộc sống ở hậu phương miền Bắc khi đất nước bị chia cắt… Có lẽ, không phải chỉ có Bảo Ninh đề cập đến vấn đề chiến tranh thời hậu chiến. Nhưng, cái làm nên gương mặt Bảo Ninh chính là cách thể hiện những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra cho đất nước và con người Việt Nam. Bảo Ninh đã không ngần ngại đề cập đến những mặt trái và khuất lấp về chiến tranh, về con người trong chiến tranh. Những điều đó là sự suy nghĩ lắng đọng nhất của “một người đã từng cùng vạn người nếm vị mặn của lệ chiến tranh”. Đặc biệt, những vấn đề của thời hậu chiến (cuộc sống, con người, đạo đức, mối quan hệ giữa thế hệ hôm qua và thế hệ hôm nay..) được đặt ra một cách thường trực, bức xúc.

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí