Yêu Cầu Tăng Cường Vai Trò Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự Ở Việt Nam

Thứ hai, phán quyết cuối cùng của tòa án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa và như vậy, yêu cầu đặt ra là khá cao về bản lĩnh, nghiệp vụ chuyên môn đối với những người tiến hành tố tụng, nhất là các thành viên trong HĐXX. Trong khi pháp luật đòi hỏi thẩm phán phải có tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ cùng với những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình bổ nhiệm, quản lý thì HTND về cơ bản vẫn không đòi hỏi cao về kiến thức pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ. Phần lớn HTND lâu nay vẫn xem việc tham gia xét xử là công việc kiêm nhiệm, thường thì khi có các vụ án mà đương sự, bị cáo có liên quan đến các lĩnh vực nào đó, hội thẩm sẽ được mời tham gia xét xử. Nhưng do các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện làm việc của hội thẩm vẫn chạn chế thì việc để hội thẩm và thẩm phán có quyền ngang nhau khi xét xử rất khó đảm bảo chất lượng trong các phán quyết của tòa án.

Thứ ba, việc quản lý HTND hiện nay còn khá lỏng lẻo, động lực để hội thẩm tham gia giải quyết vụ án là không cao vì lợi ích cũng như trách nhiệm của họ trong các vụ án cũng không phải là vấn đề lớn nên rất khó ràng buộc. HTND do nhiều tổ chức cơ quan tham gia quản lý, giám sát nhưng đến nay vẫn không có cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về sai phạm của hội thẩm. Biện pháp chế tài cao nhất đối với sai phạm của hội thẩm là truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng quy định này hoàn toàn thiếu các căn cứ pháp lý và thực tế áp dụng. Trong trường hợp hậu quả do các hội thẩm gây ra nếu bị phát hiện khi đó sẽ có nhiều lý do để biện minh, như trình độ, năng lực có hạn, điều kiện, thời gian nghiên cứu hồ sơ, xét xử bị chi phối;...

Thứ tư, cùng với kiến thức, năng lực và sự chi phối về điều kiện xét xử, các hội thẩm còn lo ngại về trách nhiệm nên không phải bao giờ và lúc nào cũng có thể toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, do yếu tố nhận thức và quy định còn bất cập liên quan đến việc bảo đảm để HTND thực hiện nhiệm vụ nên địa vị pháp lý, vai trò của HTND vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Chưa kể, HTND là đối tượng dễ bị các đối tượng tác động, chi phối. Hiện vẫn có nhiều bản án sơ thẩm bị kháng cáo, tình trạng án kéo dài và những vụ việc oan sai, có dấu hiệu oan sai trong TTHS, trong đó không ít trường hợp do yếu tố hội thẩm, thậm chí nhiều người dân cho rằng HTND chỉ là người thừa hành của thẩm phán, HTND tham gia xét xử chỉ mang tính hình thức.

Chương 4

YÊU CẦU VÀ CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


4.1. Yêu cầu tăng cường vai trò của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam

4.1.1. Yêu cầu của việc tăng cường bảo vệ công lý, quyền con người

Từ góc độ pháp luật TTHS, các nguyên tắc của Hiến pháp và văn bản pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi hoạt động TTHS là hoạt động phán quyết về hành vi tội phạm của người bị buộc tội và áp dụng trách nhiệm hình sự - biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất đối với người đó; cùng với đó là sự tác động đến quyền con người nói chung, quyền của người bị buộc tội nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, chính trị, thì tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng đa dạng, phức tạp. Nhiều loại tội phạm hình sự mới xuất hiện cùng với đó còn là những biểu hiện sai phạm trong tố tụng, tình trạng oan sai ở các vụ án hình sự diễn ra vừa qua đòi hỏi hệ thống pháp luật cần được điều chỉnh và sửa đổi phù hợp. Điều này đặt ra các yêu cầu nhất định, cụ thể:

Thứ nhất, toàn bộ các quy định của pháp luật TTHS đều phải hướng tới việc thực hiện đúng đắn quyền tư pháp hình sự, xét xử và phán quyết một cách công khai, nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, quyền con người. Để thực hiện được điều đó, chế định HTND cần được tăng cường hoàn thiện cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Thứ hai, các quy định của pháp luật TTHS, trong đó có các nguyên tắc liên quan trực tiếp đến bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người (nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử,...), đảm bảo cho các chủ thể tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng cần được hoàn thiện.

Thứ ba, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện nay xác định tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, giữ vai trò trung tâm của hoạt động tư pháp, do

Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay - 16

đó, cùng với việc hoàn thiện pháp luật, cần tăng cường địa vị, điều kiện tố tụng của các chủ thể TTHS, nhằm bảo đảm cho HĐXX trong đó có HTND thực hiện đúng, đầy đủ các quyền tố tụng của mình.

Để nâng cao chất lượng xét xử, phán quyết của tòa án dựa vào kết quả tranh tụng và bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả, hạn chế oan sai trong các vụ án hình sự, thì cùng với việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp 2013, còn cần có sự đổi mới và nâng cao vai trò, năng lực của các cơ quan, người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng. Riêng đối với đội ngũ HTND trong TTHS, bên cạnh việc nâng cao vai trò, địa vị pháp lý, cần có các quy định và áp dụng thực hiện nhằm đảm bảo khả năng xét xử. Đây không những là yêu cầu, mà còn là mục tiêu thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

4.1.2. Yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tạo ra những tiền đề quan trọng cả về vật chất và tư duy cho các cuộc cải cách khác, trong đó có cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, cải cách hệ thống tư pháp và TTHS nói riêng. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, thực tế cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới. Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, các loại hình tội phạm mới với quy mô và tính chất nghiêm trọng xuất hiện, đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh, đổi mới, thậm chí phải có các quy định mới phù hợp với thực tế.

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, song song với hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự mới đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số lượng án hình sự chưa được phát hiện và đưa ra xử lý, tình hình tội phạm với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, xuất hiện sự móc nối giữa đối tượng phạm tội ở trong nước với các tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Điều này đòi hỏi cần có sự đổi mới trong cải cách thủ tục TTHS nhằm tạo ra các quy trình, thủ tục tố tụng thật sự khoa học, hợp lý để ngăn

ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải không ngừng được chú trọng, nâng cao về phẩm chất, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ.

Về mặt xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục ghi nhận những nguyên tắc pháp lý tiến bộ của văn minh pháp lý nhân loại và làm sâu sắc thêm những nguyên tắc này, đó là nguyên tắc bảo đảm quyền con người; đã có những điều chỉnh khá cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bào chữa để tăng cường cho các chủ thể này các cơ hội tham gia tích cực hơn, đầy đủ hơn vào hoạt động TTHS, bổ sung các quy định đề cao trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng,… Tuy nhiên, những kết quả đó mới là bước đầu và mới tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc nhất. Tình trạng vi phạm các quyền của công dân trong hoạt động điều tra, bắt tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra ở một số nơi, có vụ việc gây nhiều bức xúc trong dư luận. Xét cả trên bình diện pháp lý và thực tiễn, vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập trong TTHS đã và đang làm ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, ảnh hưởng đến yêu cầu xây dựng một nền tư pháp dân chủ, công bằng nghiêm minh, bảo vệ công lý và chưa tạo ra được cơ chế pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy các cơ quan tiến hành tố tụng tự hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Chủ trương “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa" chưa đi vào chiều sâu và chưa thực sự phát huy hiệu quả, do đó, cải cách tư pháp hình sự cần đáp ứng yêu cầu tăng cường hơn nữa tính dân chủ, bảo đảm tốt hơn nữa các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Kết quả khảo sát cho thấy, khi trả lời câu hỏi “HTND chiếm đa số (2/3 hoặc 3/5) trong HĐXX và trực tiếp tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật như hiện nay?” Có đến 47% ý kiến cho rằng “Không phù hợp” và 20% “Ý kiến khác” và chỉ có 33% ý kiến cho rằng “Phù hợp” (Biểu đồ 4.1, Phụ lục, tr.12). Qua đó, phản ánh mô hình tổ chức xét xử hình sự hiện nay cơ bản một phần đã đáp ứng được yêu cầu chung, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý cần được nghiên cứu, sửa đổi.

Vấn đề công khai, minh bạch, dân chủ, giản tiện, bảo đảm quyền tiếp cận, quyền tham gia của công dân luôn là đòi hỏi đối với quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới nhấn mạnh: "Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, bảo đảm đúng pháp luật… Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, HĐND, của tổ chức xã hội và của nhân dân đối với công tác tư pháp. Công tác giám sát của Quốc hội, HĐND đối với các cơ quan tư pháp tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh việc bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án và giám sát việc ban hành các văn bản pháp luật về lĩnh vực tư pháp" [6]. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu: "Tăng cường kiểm tra, thanh tra và có cơ chế thanh tra, kiểm tra từ bên ngoài đối với hoạt động của các chức danh tư pháp… Tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp...” [8]. Vì vậy, cải cách tư pháp trong lĩnh vực hình sự, TTHS cùng với việc đòi hỏi nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật còn phải tiếp tục hướng tới việc xây dựng các cơ chế quản lý, giám sát đồng bộ, hợp lý, hiệu quả.

4.1.3. Yêu cầu hội nhập quốc tế về tố tụng hình sự

Hợp tác quốc tế về tư pháp có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, góp phần thể chế hóa và thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị xác định: “Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia. Tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực... Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố” [8]. Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: “Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm, trước hết là với các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống, các nước trong khu vực ASEAN. Tổ chức thực hiện tốt các công ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm mà Nhà

nước ta đã ký kết hoặc gia nhập. Tiếp tục nghiên cứu tham gia, ký kết các điều ước quốc tế khác liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm” [7].

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta đã tham gia, ký kết nhiều thỏa thuận, công ước đa phương và song phương liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có vấn đề quyền con người, hoạt động tư pháp. Nhiều quan điểm về tư pháp độc lập, tính minh bạch, công khai trong xét xử thể hiện trong các công ước quốc tế trùng hợp với các nguyên tắc hiến định ở nước ta vốn được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và được cụ thể hóa trong BLTTHS, Luật Tổ chức TAND,… Cụ thể, nếu trong Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 (UDHR), Điều 10 ghi nhận mọi người đều có “quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan” hay trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia, Điều 14 xác định mọi người có “quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, công minh được thiết lập theo pháp luật” và trong điều kiện HĐXX “có năng lực, độc lập và không thiên vị” thì trong Hiến pháp năm 2013 quy định “tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý,…” (khoản 3 Điều 102), “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, …”, “tòa án nhân dân xét xử công khai” (Điều 103) [72].

Điều này cho thấy, hoạt động hợp tác quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi chúng ta phải có những điều chỉnh, đổi mới từ nhận thức đến việc quy định, thực hiện pháp luật trong hoạt động tư pháp, hình sự. Đó chẳng những là yêu cầu đảm bảo thực thi các điều ước quốc tế, mà còn giúp chúng ta kế thừa, chọn lọc những thành tựu khoa học pháp lý tiến bộ, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động tư pháp, xét xử.

4.1.4. Yêu cầu từ thực tiễn hoạt động xét xử

Trải qua hàng chục năm thực hiện mô hình xét xử hình sự có sự tham gia của hội thẩm đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự ở nước ta. Tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh.

Trước hết, theo quy định, số lượng hội thẩm bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với thẩm phán. Đây là một lợi thế để các hội thẩm thể hiện “ngang quyền” với thẩm phán khi xét xử trên tinh thần dân chủ, nhưng trình độ kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ giữa hội thẩm và thẩm phán vẫn là một khoảng cách. Khi tham gia xét xử, bản thân hội thẩm thường xem xét các vấn đề đặt ra đối với họ chủ yếu bằng kinh nghiệm sống là chính, chứ không hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật thực định, thậm chí họ cũng không thể biết quan hệ pháp luật đó phải áp dụng luật nội dung nào cho phù hợp. Cùng với đó, chế độ nghiên cứu hồ sơ của hội thẩm với thời gian ngắn, nhưng không phải lúc nào hội thẩm cũng được hoặc chịu tiếp cận hồ sơ vụ án để nghiên cứu.

Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án nói chung phần lớn trong số họ chưa thể hiện được trách nhiệm nặng nề mà người dân trao cho họ, bởi cùng với các quy định còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, chế độ bồi dưỡng dành cho hội thẩm thấp, trách nhiệm về việc thực hiện vai trò hội thẩm vẫn chưa rò ràng,... Ngoài ra, trong quá trình xét xử, nghị án, tuy pháp luật đã có những quy định nhằm hạn chế sự “dẫn dắt”, “áp đặt” của thẩm phán, nhưng thực tế hầu hết trong các vụ án hình sự, hội thẩm gần như “phó thác" trách nhiệm cho thẩm phán. Do tác động của những hạn chế nêu trên nên khi tham gia HĐXX, vai trò của không ít hội thẩm chưa được thể hiện rò nét và đúng nghĩa là người đại diện của quần chúng nhân dân. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết ý kiến của hội thẩm đều đồng tình với thẩm phán trong HĐXX các vụ án hình sự (Xem tiểu mục 3.2.2).

Thực trạng tỷ lệ án hình sự bị hủy, bị sửa chiếm tỷ lệ cao; nhiều vụ án oan sai mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải công khai xin lỗi, tiến hành bồi thường hàng chục tỷ đồng, gây xôn xao dư luận (như các vụ án oan sai: vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ ông Nguyễn Lâm Sáu (Đắk Lắk), vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình),…) mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây, đang đặt ra những dấu hỏi lớn về TTHS, trong đó có năng lực, chất lượng xét xử của thẩm phán và HTND. Theo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) chỉ tính từ 1/1/2010 đến hết năm 2020, các cơ quan nhà nước đã giải quyết xong trên 420 vụ việc bồi thường oan sai với số tiền phải bồi thường ước tính trên 225 tỷ đồng, đó là

chưa kể đến các vụ việc chưa được phát hiện hoặc chưa giải quyết. Trong số 225 tỷ đồng đó, Nhà nước thu chỉ hồi lại được từ cán bộ, công chức gây ra oan sai vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng [47].

Kết quả khảo sát, khi trả lời cho câu hỏi: “HTND tham gia xét xử trong các vụ án hình sự vừa qua”, có 11% ý kiến cho rằng “Hiệu quả”, 39% ý kiến đánh giá “Chưa hiệu quả” và 50% ý kiến cho là “Mang tính hình thức” (Biểu đồ 4.2, Phụ lục, tr.13). Điều này không những làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn tác động không tốt, thậm chí gây phản cảm trong quần chúng về vai trò của HTND đòi hỏi cần sớm có các giải pháp phù hợp, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử án hình sự.

4.2. Các giải pháp tăng cường vai trò của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự

4.2.1. Tăng cường nhận thức, tuyên truyền về hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự

Chế định HTND vừa nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động xét xử của tòa án, vừa góp phần đưa tiếng nói từ phía xã hội vào quá trình xét xử, giúp cho việc xét xử chính xác, khách quan, phù hợp với quy định và bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng cơ bản của nhân dân. Quá trình tham gia xét xử của HTND cũng là quá trình HTND giám sát hoạt động xét xử của tòa án. HTND là những người thay mặt cho nhân dân tham gia hoạt động xét xử, đảm bảo cho hoạt động xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Chế định HTND là một trong những hình thức cơ bản để thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Hội thẩm là người có kinh nghiệm hoạt động xã hội, có mối quan hệ khá rộng với nhiều tầng lớp dân cư, nên có khả năng hiểu đặc điểm, hoàn cảnh, tâm lý của người vi phạm pháp luật nói chung, người phạm tội nói riêng, từ đó giúp tòa án giải quyết vụ án kịp thời và đúng đắn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ HTND, tòa án có điều kiện nắm bắt ý kiến quần chúng nhân dân đối với hoạt động xét xử, đồng thời thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân. Qua đó, nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong nhân dân.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/06/2022