(Bắc Giang) sau khi được phát hiện thì chỉ một mình thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, mà các hội thẩm tham gia xét xử các phiên tòa trước đó không một ai bị kỷ luật11. Đến nay dù pháp luật đã có những bổ sung, điều chỉnh, nhưng quy định vẫn chung chung, rất
khó xác định về sai phạm (nếu có) để quy trách nhiệm đối với hội thẩm khi tham gia xét xử.
Nguyên nhân dẫn đến việc HTND không hoặc không thể thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và việc ít phải chịu trách nhiệm pháp lý trong TTHS hiện nay, có thể rút ra như sau:
Thứ nhất, theo quy định, khi được phân công xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, nhưng pháp luật không quy định cụ thể hội thẩm phải nghiên cứu hồ sơ vụ án như thế nào, trách nhiệm cụ thể của hội thẩm trong việc tuân thủ quy định này ra sao,… Do đó, khả năng xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về vụ án, nhất là trong việc lượng hình, quyết định hình phạt, trách nhiệm dân sự, bồi thường theo pháp luật rất khó đảm bảo. Chưa kể, đối với các vụ án phức tạp, phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài dẫn đến hội thẩm e ngại, sợ trách nhiệm, thiếu tự tin khi đưa ra quan điểm riêng của mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hội thẩm thường phó thác, ỷ lại, trông chờ vào thẩm phán.
Khi trả lời câu hỏi khảo sát: “Yếu tố chính khiến vai trò, nhiệm vụ của hội thẩm nhân dân khó đạt như yêu cầu là do đâu?” thì chỉ có 6% cho rằng do “Pháp luật quy định”, còn 53% đánh giá do “Ý thức và năng lực của hội thẩm” và do “Sự chi phối từ thực tế” chiếm 41% [113] (Biểu đồ 3.2, Phụ lục, tr.11). Kết quả này cho thấy, lý do khiến vai trò, nhiệm vụ của HTND không được như các yêu cầu đặt ra trong xét xử hình sự hiện nay không phải do pháp luật quy định mà hầu hết là bởi ý thức, năng lực của hội thẩm cùng các yếu tố chi phối từ thực tế.
11Ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người do một vụ án mạng diễn ra vào tháng 3/2003 ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ông được trả tự do vào tháng 11/2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án là Lý Quý Chung ra đầu thú. Ông Chấn đã phải ngồi tù oan hơn 10 năm. Đây là một trong những vụ án oan gây xôn xao dư luận. Năm 2014, ông Phạm Tuấn Chiêm - cựu thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm xét xử vụ án này ngày 27/7/2004 - để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Thứ hai, trong khi kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện làm việc giữa hội thẩm và thẩm phán còn một khoảng cách quá xa thì việc thực hiện nguyên tắc “ngang quyền” và quyết định theo đa số của hội thẩm khi tham gia xét xử nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Kết quả điều tra của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp tại một số TAND tỉnh và huyện ở phía Bắc cho thấy, số người được hỏi cho rằng hoạt động của hội thẩm mang tính hình thức chiếm tới 46% [77]. “Theo nhận xét của nhiều địa phương, mới có khoảng trên dưới 50% HTND hoạt động tích cực. Vai trò của HTND ở nhiều phiên tòa nhiều khi còn có tính chất hình thức” [59, tr.61].
Thứ ba, thẩm phán là người được trang bị về kiến thức pháp luật, nhưng không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, do đó cần có sự hỗ trợ từ phía các hội thẩm có kiến thức chuyên môn sâu, nhưng HTND tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án nói chung phần lớn trong số họ chưa thể hiện được điều này cũng như trách nhiệm nặng nề mà người dân trao cho. Lý do bởi, việc lựa chọn hội thẩm hiện nay chưa chú trọng đến những người có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu nên chưa bổ khuyết được kiến thức cho thẩm phán trong việc xét xử; HTND làm nhiệm vụ xét xử chủ yếu do kiêm nhiệm nên cùng với những điều kiện hạn chế, họ phải đối mặt với chịu trách nhiệm công vụ, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính tại nơi đang công tác, nên dù họ có thực hiện tốt hay chưa tốt nhiệm vụ của HTND thì cũng không ảnh hưởng đến việc xét nâng lương, bổ nhiệm, khen thưởng,… Nhiều trường hợp bản án của HĐXX bị hủy, bị sửa do áp dụng pháp luật không đúng hoặc gây oan sai, nhưng HTND tham gia HĐXX vẫn không phải chịu trách nhiệm gì. Ngoài ra, còn phải kể đến những tác động từ bên ngoài, thái độ của cộng đồng cũng khiến hội thẩm nhiều khi bị chi phối, không thực hiện đúng chức trách của mình, khiến vai trò của họ khá mờ nhạt.
Thứ tư, không ít hội thẩm khi tham gia xét xử và nghị án thường thiếu lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình, gần như chỉ “trông chờ” vào chủ tọa. Điều này cũng lý giải vì sao vừa qua có đến trên 90% nội dung biên bản nghị án trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự,… tại cấp sơ thẩm HTND đều nhất trí với ý kiến của thẩm phán. Tổng hợp công tác xét xử trong 11 năm (2008-2018) của TAND huyện
Có thể bạn quan tâm!
- Quy Định Về Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự Dưới Chính Quyền Cách Mạng Ở Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Hiến Pháp Năm 2013
- Quy Định Về Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Và Trách Nhiệm Của Hội Thẩm Nhân Dân
- Thực Tiễn Thực Hiện Quy Định Về Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Và Trách Nhiệm Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Thực Tiễn Quản Lý, Giám Sát Đối Với Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự
- Yêu Cầu Tăng Cường Vai Trò Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự Ở Việt Nam
- Hoàn Thiện Quy Định Pháp Luật Về Hội Thẩm Nhân Dân
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
Hoài Đức (Hà Nội) và TAND huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) cho thấy hầu hết các HTND tham gia xét xử đều đồng ý với thẩm phán trong các vụ án, nhưng trong đó có không ít án bị hủy. Cụ thể, trong số 2.640 vụ án do TAND huyện Hoài Đức xét xử với 5.475 lượt hội thẩm tham gia, nhưng chỉ có 02 vụ án hội thẩm có ý kiến khác với thẩm phán và có 43 vụ án bị hủy (Xem: Bảng 3.7, Phụ lục, tr.5). Tương tự như vậy, từ năm 2008 đến 2018, TAND huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đưa ra xét xử 732 vụ án, có 1.464 lượt hội thẩm tham gia nhưng chỉ có 01 vụ án hội thẩm có ý kiến khác với thẩm phán và có 44 vụ án bị hủy (Xem: Bảng 3.8, Phụ lục, tr.6).
Cùng với đó, tổng hợp các vụ án hình sự có hội thẩm TAND tham gia xét xử của TAND TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến năm 2021 cho thấy, tất cả các hội thẩm đều đồng tình với ý kiến của thẩm phán. Cụ thể, trong 7 năm (2015-2021), TAND TP. Hải Phòng xét xử 745 vụ án hình sự có 1.580 HTND tham gia; TAND TP. Đà Nẵng xét xử 341 vụ án hình sự có 983 HTND tham gia, nhưng không có vụ án nào hội thẩm có ý kiến khác với ý kiến của thẩm phán. Đặc biệt, từ năm 2015 đến 2021, mỗi năm TAND TP. Hà Nội và TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử hàng trăm vụ án hình sự có các HTND tham gia nhưng cũng không có vụ án nào HTND có ý kiến khác với ý kiến của thẩm phán (Xem: Bảng 3.2, Bảng 3.3, Bảng 3.4, Bảng 3.5, Phụ lục, tr.3-4).
Thứ năm, mặc dù pháp luật quy định hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thậm chí có thể bị xử phạt tù đến 15 năm nếu ra bản án trái pháp luật. Nhưng ngay với biện pháp chế tài được xem là nghiêm khắc này cũng rất khó áp dụng, bởi theo nguyên tắc “tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”, việc ra bản án trái pháp luật nếu được phát hiện cũng chỉ xử lý đối với trường hợp đa số thành viên hoặc tất cả các thành viên trong HĐXX biểu quyết ra bản án trái pháp luật, còn trường hợp thiểu số biểu quyết ra bản án trái pháp luật sẽ không bị chế tài (Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015). Với bản án trái pháp luật giả sử có HTND thuộc đối tượng bị xem xét xử lý cũng rất khó vì bản án đó còn có sự tham gia, giám sát của các tổ chức, cá nhân khác và còn được xử phúc thẩm do bị kháng cáo, kháng nghị; hơn nữa cá nhân hội thẩm cũng viện ra các lý do khác nhau để thoái thác, trốn tránh trách nhiệm.
Pháp luật quy định “trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm gửi giấy mời hội thẩm đến trụ sở tòa án để nghiên cứu hồ sơ vụ án và trao đổi các vấn đề cần thiết về nghiệp vụ xét xử đối với vụ án đó” và “trong trường hợp có lý do chính đáng để từ chối việc tham gia xét xử thì trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, hội thẩm phải có văn bản nêu rò lý do từ chối xét xử và gửi cho chánh án TAND cùng cấp để xem xét” [103]. Nhưng không phải lúc nào hội thẩm cũng nhận được ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng như đến trụ sở tòa án để tiến hành các thủ tục, trao đổi nghiệp vụ, tiếp cận hồ sơ vụ án. Nhiều trường hợp hội thẩm vì các lý do khác nhau đã không dành thời gian nghiên cứu hồ sơ hoặc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến vụ án mà mình được phân công xét xử. Dẫu vậy, đến nay pháp luật chưa có quy định bắt buộc hội thẩm phải nghiên cứu vụ án là bao nhiêu, việc nắm bắt nội dung vụ án và các quy định liên quan như thế nào mới được tham gia xét xử. Điều này không giống như quy định của pháp luật trong giai đoạn 1945-1959 là trừ các trường hợp thật đặc biệt, còn lại tòa án phải thông báo cho hội thẩm 7 ngày trước khi mở phiên tòa, HTND phải đến tòa án trước khi phiên tòa mở ít nhất 01 ngày, khi cần thiết tòa án có thể yêu cầu hội thẩm điều tra thêm trước khi ngồi xét xử [57, tr.9]. Chưa kể, trong trường hợp hội thẩm từ chối vì lý do nào đó hoặc bị thay đổi, hội thẩm (dù là dự khuyết) khi gần đến thời điểm mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Có thể thấy, trong trường hợp vụ án không quá phức tạp, HTND tham gia từ đầu và với tinh thần trách nhiệm cao, khi đó vụ án sẽ diễn ra thuận lợi với chất lượng xét xử đảm bảo. Tuy nhiên, trong các vụ án phức tạp, HTND được phân công xét xử vì lý do nào đó từ chối hoặc bị thay đổi, và trong trường hợp HTND không thực sự dành tâm huyết, thời gian chuẩn bị cho việc nghiên cứu về vụ án thì việc xét xử sẽ rất khó khăn, thậm chí quá trình xét xử vụ án sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt chất lượng cao. Bởi, không giống như chế độ bồi thẩm đoàn của nhiều nước là các các bồi thẩm viên chỉ xem xét, biểu quyết vấn đề cơ bản của vụ án, còn việc áp dụng điều luật do thẩm phán chuyên nghiệp thực hiện, trong khi đó ở nước ta HTND cùng thẩm phán trực tiếp xét xử từ đầu đến khi kết thúc vụ án.
3.2.3. Thực tiễn năng lực, trình độ của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự
Trong thời gian gần đây, đội ngũ HTND nói chung đã được nâng cao cả về trình độ, kiến thức và kỹ năng xét xử. Nếu như ở nhiệm kỳ 2011-2016, trong tổng số 15.630 HTND hai cấp cả nước (trong đó 1.771 hội thẩm cấp tỉnh, 13.859 hội thẩm cấp huyện), có 2.887 có trình độ đại học luật (18,5%), 8.253 người có trình độ chuyên ngành khác (52,8%), còn lại 4.490 người có trình độ dưới đại học (28,7%) [57, tr.65], thì đến nhiệm kỳ 2016-2021 trong tổng số 17.014 hội thẩm (1.785 hội thẩm cấp tỉnh và 15.299 hội thẩm cấp huyện), số lượng hội thẩm có trình độ đại học và đại học luật đã tăng lên đáng kể [99]. Điều này phần nào cũng được thể hiện qua tổng hợp kết quả bầu cử hội thẩm nhiệm kỳ 2016-2021 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ở nhiệm kỳ 2016-2021, không riêng ở thủ đô Hà Nội 99% HTND cấp tỉnh có trình độ từ đại học trở lên, mà ở các tỉnh miền núi, thuộc diện khó khăn nhưng tỷ lệ hội thẩm có học vấn cao cũng chiếm tỷ lệ lớn. Ví dụ, nhiệm kỳ 2016-2021 tỷ lệ HTND cấp tỉnh có trình độ đại học và trên đại học của các tỉnh: Bắc Cạn là 21/22, Điện Biên là 27/29, Tuyên Quang là 22/23, Lâm Đồng là 33/34, Sóc Trăng là 29/29 (Xem: Bảng 3.9, Phụ lục, tr.6).
Bên cạnh trình độ học vấn cao thuộc các chuyên ngành khác nhau, tỷ lệ hội thẩm có trình độ pháp luật cũng khá lớn. Tổng hợp HTND cấp tỉnh có trình độ cử nhân luật trở lên ở nhiệm kỳ 2016-2021 tại một số tỉnh như sau: Bắc Cạn có 7/22, Điện Biên 7/22, Gia Lai 10/32 (Xem: Bảng 3.10, Phụ lục, tr.7). Có thể thấy, ngay tại các tỉnh miền núi, nhưng số lượng hội thẩm TAND cấp tỉnh có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật đang chiếm trên 20% và tỷ lệ này ở các tỉnh đồng bằng và thành phố còn cao hơn.
Cùng với các HTND tái cử thì số lượng HTND tham gia lần đầu ngày một nhiều, góp phần giúp cho kinh nghiệm, kỹ năng xét xử được kế thừa, đổi mới giữa những người cũ và người mới. Tổng hợp tỷ lệ hội thẩm tái cử và tham gia lần đầu ở một số tỉnh, thành phố phần nào phản ánh điều đó. Cụ thể, ở nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh Bắc Cạn có 22 HTND cấp tỉnh thì có 4 người tái cử và 18 người tham gia lần đầu; tỉnh Điện Biên có 29 HTND cấp tỉnh thì có 5 người tái cử và 24 người tham
gia lần đầu; tỉnh Gia Lai có 32 HTND cấp tỉnh thì có 19 người tái cử và 13 người tham gia lần đầu; TP. Hà Nội có 100 HTND cấp tỉnh thì có 44 người tái cử và 56 người tham gia lần đầu; tỉnh Lâm Đồng có 34 HTND cấp tỉnh thì có 22 người tái cử và 12 người tham gia lần đầu; tỉnh Sóc Trăng có 29 HTND cấp tỉnh thì có 14 người tái cử và 15 người tham gia lần đầu (Xem: Bảng 3.11, Phụ lục, tr.7).
Hội thẩm có trình độ thuộc các lĩnh vực khác nhau và tỷ lệ hội thẩm có kiến thức pháp luật cao được bầu mới cùng với các hội thẩm tái cử có uy tín, kinh nghiệm xét xử là cơ sở quan trọng cho thấy chất lượng hội thẩm đang được cải thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xét xử và mục tiêu cải cách tư pháp ở nước ta.
Tuy nhiên, từ thực tế, năng lực xét xử của HTND vẫn còn khá khiêm tốn. Một trong những hạn chế dễ nhận thấy thể hiện ở chỗ, HTND là người cùng với thẩm phán trực tiếp tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự với tỷ lệ cao hơn thẩm phán, trừ những vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, tuy nhiên trình độ và kinh nghiệm hiện nay rất khác nhau. Để trở thành thẩm phán thì các tiêu chuẩn được quy định hết sức chặt chẽ, ví dụ để được bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 66 Luật Tổ chức TAND về trình độ, năng lực,… còn trải qua thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ do Học viện Tư pháp hoặc Học viện Tòa án tổ chức, có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán sơ cấp. Đối với thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp, các tiêu chuẩn này còn khắt khe hơn nữa. Dẫu vậy, hàng năm các thẩm phán còn phải tham dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn chuyên môn của ngành. Trong khi đó, đối với HTND, nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 85 Luật Tổ chức TAND về sức khỏe, phẩm chất đạo đức, độ tuổi, “có kiến thức pháp luật” và “hiểu biết xã hội” là đã có thể được lựa chọn bầu làm hội thẩm, mà các tiêu chuẩn đề ra này hoàn toàn mang tính định lượng không rò ràng, không cụ thể nên rất dễ tùy nghi vận dụng. Do đó, khi tham gia xét xử, bản thân hội thẩm xem xét các vấn đề đặt ra đối với họ chủ yếu bằng kinh nghiệm sống, chứ không hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật thực định. Thậm chí nhiều khi họ cũng không thể biết quan hệ pháp luật đó phải áp dụng luật nội dung nào cho phù hợp, trong khi pháp luật lại trao cho họ “ngang quyền” với thẩm phán khi thảo luận quyết định những vấn đề tội danh, hình phạt, biện pháp
tư pháp,…. HTND cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các định kiến cá nhân của mình hoặc các thông tin từ dư luận. Bên cạnh đó, HTND phải tham gia xét xử trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những lĩnh vực cần kiến thức chuyên ngành, nhưng vấn đề lại ít được chú trọng khi lựa chọn hội thẩm và nhiều khi không phải là thế mạnh của họ cũng dẫn đến khó khăn trong việc nhận diện vấn đề, đưa ra quyết định giải quyết vụ án.
Mặc dù BLTTHS quy định hội thẩm tham gia xét hỏi nhưng thường vẫn thiếu chủ động, nếu có thì cũng chỉ mang tính chất bổ sung để cùng thẩm phán làm sáng tỏ vấn đề. Nhiều hội thẩm đặt câu hỏi dài dòng, không sát với thực tế, có khi lặp lại, thiếu thuyết phục; có trường hợp không đặt câu hỏi đưa ra các yêu cầu không đúng, không cần thiết hoặc ngồi im không hỏi gì. Khi thảo luận, quyết định cùng thẩm phán về những vấn đề mới phát sinh, quyết định việc hoãn, tiếp tục phiên tòa, hội thẩm cũng thường có ý trông chờ, dựa theo ý kiến của chủ tọa và các thẩm phán, thậm chí còn đưa ra những ý kiến chưa đúng, chưa phù hợp với quy định và thực tế. Điều này không những làm cho những người tham dự phiên tòa cảm nhận HTND luôn “lép vế”, không chuyên nghiệp và làm giảm đi sự nghiêm túc, thiếu niềm tin vào năng lực, vai trò của HTND trong HĐXX. Các hội thẩm làm việc kiêm nhiệm hoặc là người nghỉ hưu, khi tham gia HĐXX thường chỉ xuất hiện, trao đổi, gần gũi với thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, nên vẫn có một khoảng cách với những người tham gia tố tụng, khiến không ít người cho rằng HTND là “người của nhà nước”. Cá biệt, có hội thẩm còn vì định kiến hoặc muốn thể hiện mình nên có thái độ trịnh thượng làm cho hình ảnh bị méo mó, khó hiểu. Trong quá trình xét xử luôn diễn ra nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi các thành viên HĐXX phải rất tập trung, nhất là theo quy định hiện nay là đề cao kết quả tranh tụng, coi đó là yếu tố quan trọng để HĐXX đưa ra phán quyết. Nhưng do pháp luật tố tụng vẫn quy định về trình tự xét hỏi nên vô hình trung làm cho HĐXX mất đi vai trò “trọng tài” để vô tư, khách quan xem xét, đánh giá chứng cứ, lập luận của các bên (buộc tội và bên gỡ tội) để từ đó đưa ra những nhận định khách quan về vụ án.
Qua đó có thể thấy, quan điểm, quyết định của HTND trong các vụ án hình sự không cao, trong nhiều trường hợp tư cách đại diện của người dân tham gia xét xử bị hiểu sai, có khi còn gây phản cảm trong suy nghĩ của không ít người dân.
Như đã nêu ở tiểu mục 3.2.2 và tổng hợp hoạt động xét xử các vụ án hình sự có HTND tham gia từ năm 2015 đến 2021 của TAND TP. Hà Nội, TAND TP. Đà Nẵng, TAND TP Hồ Chí Minh (Bảng 3.2, Bảng 3.3, Bảng 3.4, Bảng 3.5, Phụ lục, tr.3-
4) cho thấy, hầu hết trong các vụ án hội thẩm đều thống nhất ý kiến với thẩm phán. Ở đây, một phần thể hiện sự nhận thức, đánh giá chung giữa hội thẩm và thẩm phán trong HĐXX, nhưng không loại trừ do năng lực xét xử, sự yếu kém của HTND.
Thống kê kết quả xét xử 7 năm (2015-2021) các vụ án có hội thẩm TAND tham gia xét xử của TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội), TAND quận Dương Kinh (Hải Phòng) 100% các vụ án hội thẩm đều thống nhất ý kiến với thẩm phán, nhưng hàng năm vẫn có án bị hủy. Đơn cử như TAND huyện Phúc Thọ và TAND quận Dương Kinh, có những năm vẫn bị hủy 1 hoặc 2 bản án. Riêng TAND quận Hoàng Mai năm nào cũng có án bị hủy, thậm chí số án bị hủy năm 2017 là 4, năm 2018 là 6 và năm 2021 trong số 468 vụ có HTND tham gia nhưng có 7 bản án bị hủy (Xem: Bảng 3.12, Bảng 3.13, Bảng 3.14, Phụ lục, tr.7-8). Trường hợp án bị sửa, hủy hoặc có sai phạm trong quá trình xét xử, nếu nguyên nhân từ thẩm phán sẽ bị xử lý hết sức nghiêm khắc, trong khi đó nếu lỗi do hội thẩm gây ra nếu chưa phải ở mức nghiêm trọng rất khó xác định và vẫn chưa có các biện pháp chế tài cụ thể.
Còn theo Báo cáo của TAND tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2011-2016 có 26 hội thẩm TAND tỉnh (cuối nhiệm kỳ còn 25 vị). Trong nhiệm kỳ, các HTND tỉnh đã tham gia xét xử tổng số 257 vụ án các loại, trong đó có 22 vụ án bị cải sửa và 4 vụ án bị hủy. Qua đánh giá phân loại nhiệm kỳ, có 14 vị đạt mức "Phát huy tác dụng tốt", 8 vị "Hoạt động khá" và 3 vị "Hoạt động trung bình" [127].
Tổng hợp tình hình giải quyết, xét xử án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm án hình sự hai cấp trên cả nước trong 3 năm 2018, 2019, 2020 (Xem: Bảng 3.15, Phụ lục, tr.9) cho thấy, tỷ lệ án, quyết định bị hủy, bị sửa chiếm tới 5,7%, 5,85% và 5,5%; trong đó, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan (0,9%; 0,95; 0,91%).