Thực Tiễn Thực Hiện Quy Định Về Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Và Trách Nhiệm Của Hội Thẩm Nhân Dân Trong Tố Tụng Hình Sự

thấy ý nghĩa, vai trò của HTND trong TTHS phù hợp với quy định tại Tuyên bố Bắc Kinh năm 1995 về nguyên tắc độc lập tư pháp, do chánh án tòa án tối cao của 20 nước thông qua, trong đó có Việt Nam [14]. Nguyên tắc độc lập trong xét xử của thẩm phán và hội thẩm, một mặt để họ có quyền vận dụng tất cả các điều kiện, phương tiện, cách thức cần thiết, theo quy định để làm nhiệm vụ được giao, đồng thời không chịu sự tác động, chi phối nào từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, “chế độ xét xử có hội thẩm tham gia”, “tòa án xét xử tập thể”, “Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên HĐXX và thư ký tòa án”;… thể hiện vai trò của HTND tham gia xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là rất quan trọng. Nói cách khác, hội thẩm khi tham gia HĐXX là giữ vai trò của “quan tòa”, điều này khác với chế độ bồi thẩm đoàn hay thẩm phán không chuyên ở nhiều nước hiện nay.

Sự tham gia của HTND trong xét xử giúp cho các phán quyết của tòa án được nghiêm minh, phù hợp với thực tế, điều kiện xã hội, đồng thời giúp cho đường lối xét xử của tòa án được người dân tôn trọng, tin tưởng, góp phần hạn chế oan sai, nâng cao ý thức pháp luật cho cộng đồng. Các HTND ngày càng ý thức rò hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội, cùng với thẩm phán giải quyết các vụ án “thấu tình đạt lý”.

Theo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao: Số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%); hệ thống tòa án các cấp đã giải quyết hơn 2,37 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. Các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5% [99].

Thống kê kết quả các vụ án hình sự có HTND tham gia xét xử của TAND TP. Hải Phòng, TAND TP. Hà Nội, TAND TP. Đà Nẵng, TAND TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến năm 2021 cho thấy, toàn bộ các vụ án HTND đều thống nhất ý kiến với thẩm phán và số lượng án bị hủy, bị sửa chiếm tỷ lệ ít. Cụ thể, trong 7 năm liên tục (2015-2021), trong các vụ án hình sự có HTND tham gia xét xử ở những thành phố lớn này không có vụ án nào HTND có ý kiến khác với thẩm phán; trong

đó, TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm 5.052 vụ án hình sự có HTND tham gia, có 101 bản án bị hủy; TAND TP. Đà Nẵng xét xử sơ thẩm 529 vụ án hình sự có HTND tham gia, có 02 bản án bị hủy; thậm chí 7 năm TAND TP. Hải Phòng xét xử sơ thẩm 1.075 vụ án hình sự có HTND tham gia, nhưng không có bản án nào bị hủy (Xem: Bảng 3.2, Bảng 3.3, Bảng 3.4, Bảng 3.5, Phụ lục, tr.3-4). Điều này phần nào cho thấy sự thống nhất cao của hội thẩm và thẩm phán tại các phiên tòa, hơn nữa cũng phản ánh về năng lực, chất lượng xét xử của hội thẩm ở những nơi này trong thời gian gần đây khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực và Chiến lược cải cách tư pháp được chú trọng.

Chế định HTND đã và đang khẳng định sự đúng đắn, cần thiết về vai trò đại diện nhân dân trong TTHS ở nước ta. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng và chất lượng HTND ngày càng được chú trọng, nâng cao. Trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, các TAND địa phương đã có 11.118 hội thẩm được bầu (HTND cấp tỉnh là

1.473 người, HTND cấp huyện là 9.645 người) [77]; nhiệm kỳ 2011-2016 có 15.630 HTND được bầu (HTND cấp tỉnh là 1.771 người, HTND cấp huyện là 13.859); nhiệm kỳ 2016-2021, cả nước có 16.699 HTND được bầu (HTND cấp tỉnh là 1.801 người, HTND cấp huyện là 14.898 người), đến thời điểm [99]. Trong đó, HTND có trình độ và kiến thức pháp luật ngày càng cao. Tổng hợp số liệu HTND cấp tỉnh của một số tỉnh, thành phố trên cả nước nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, tỷ lệ HTND có trình độ đại học trở lên như sau: Bắc Cạn 21/22, Điện Biên 27/29, Hà Nội 99/100, Tuyên Quang 22/23, Tuyên Quang 22/23, Sóc Trăng 29/29, Lâm Đồng 33/34; tỷ lệ HTND có trình độ cử nhân luật trở lên như sau: Bắc Cạn 7/22, Điện Biên 7/29, Gia Lai 10/32, Tuyên Quang 4/23 (Xem: Bảng 3.9, Bảng 3.10, Phụ lục, tr.6-7). Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng HTND và là cơ sở giúp cho công tác xét xử hiệu quả, thực chất hơn.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 quy định hội thẩm là người tiến hành tố tụng mà không chỉ chung chung là tham gia xét xử. Chưa kể, đến nay các hội thẩm còn có tổ chức riêng của mình, đó là các Đoàn hội thẩm được tổ chức và thành lập trong cả nước, hoạt động theo quy chế riêng do y ban Thường hội Quốc hội quy định [125].

Việc quy định lựa chọn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quản lý HTND chặt chẽ với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm cùng các điều

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

kiện, tiêu chuẩn của HTND còn góp phần ổn định về số lượng, đồng thời hạn chế xáo trộn, gây ảnh hưởng, tốn kém cho cộng đồng, xã hội. Điều này hoàn toàn khác với chế độ bồi thẩm đoàn là mỗi khi lựa chọn bồi thẩm đoàn để tham gia xét xử vụ án hình sự. Bởi, với số lượng bồi thẩm viên đông (chính thức và dự khuyết) cùng với quy trình thành lập bồi thẩm đoàn, việc lựa chọn ngẫu nhiên trong số những công dân trong địa bàn sẽ gây ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của nhiều người. Chưa kể trong trường hợp bồi thẩm đoàn phải thành lập lại do không đạt được sự đồng thuận đa số, các bồi thẩm viên khi tham gia xét xử không được nghiên cứu trước hồ sơ vụ án và phải dành thời gian để tòa án phổ biến cách thức “làm nhiệm vụ xét xử”,… sẽ làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc tìm hiểu về vụ án, chất lượng xét xử.

Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về HTND cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn về nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo pháp luật”, mặc dù theo quy định hiện hành thì hội thẩm tham gia tiến hành tố tụng, nhưng việc “độc lập” chỉ bao gồm giai đoạn xét xử hay bao gồm các hoạt động tố tụng khác vẫn chưa được làm rò. “Thực tế cho thấy nguyên tắc này còn bị vi phạm, thậm chí ở một vài nơi sự can thiệp thô bạo từ bên ngoài khiến thẩm phán và hội thẩm xét xử không khách quan, ra bản án không phù hợp với quy định của pháp luật, tác động xấu đến xã hội” [16, tr.37]. Tình trạng tác động, can thiệp từ phía lãnh đạo tòa án, tòa án cấp trên hoặc các tập thể, cá nhân khác vào HĐXX và hội thẩm; việc trao đổi, xin ý kiến lãnh đạo về “đường lối giải quyết vụ án”, “báo cáo án”, “thỉnh thị án” hay “tham khảo ý kiến” giữa các thẩm phán, hội thẩm vẫn chiếm một tỷ lệ cao ở các tòa án địa phương; việc hội thẩm phó thác cho thẩm phán, hội thẩm không thực sự chú tâm đến quá trình nghiên cứu hồ sơ, xét xử vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong cuộc khảo sát thẩm phán năm 2006, 68,05% số thẩm phán huyện thừa nhận là có tham khảo ý kiến của lãnh đạo tòa án hoặc ý kiến của tòa án cấp trên, thậm chí năm 2011 tỷ lệ này còn cao hơn [16, tr.29]. Thẩm phán đã vậy, với HTND là người hạn chế hơn về trình độ, điều kiện xét xử chắc hẳn còn dễ bị tác động, ảnh hưởng và chi phối nhiều hơn khi tham gia xét xử vụ án hình sự. Kết quả Báo cáo Khảo sát nhu cầu tòa án cấp huyện trên toàn quốc từ Dự án VIE/02/015 hỗ trợ thực thi Phát triển hệ thống pháp luật Việt

Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay - 13

Nam đến năm 2010 cho thấy 47,43% hội thẩm thừa nhận rằng mình có cân nhắc ý kiến của thẩm phán khi giải quyết vụ án [16, tr.66]. Còn kết quả từ cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3, tháng 4 năm 20209, khi trả lời câu hỏi: “Vai trò đại diện cho người dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự của HTND như vừa qua”, thì chỉ có 8% ý kiến đánh giá “Tốt”, trong khi 42% cho là “Bình thường” và có đến 50% ý kiến đánh giá là “Kém” [113] (Biểu đồ 3.1, Phụ lục, tr.11).

Điều này làm cho những nguyên tắc xét xử nhiều khi trở nên hình thức và không được tôn trọng, làm giảm vai trò của hội thẩm, phá vỡ nguyên tắc tính đại diện của nhân dân trong xét xử. Vai trò đại diện nhân dân tham gia xét xử vẫn chưa được đảm bảo, sự hoài nghi về tính hình thức và năng lực yếu kém của HTND trong xét xử đang tồn tại rất lớn.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này có thể rút ra như:

Thứ nhất, trong khi quy định HTND với thành phần tham gia HĐXX nhiều hơn thẩm phán (2/1 hoặc 3/2), ngang quyền với thẩm phán, quyết định theo đa số, nhưng thực tế kỹ năng, điều kiện, năng lực tham gia xét xử của HTND thẩm phán khác nhau, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về việc HTND phải nghiên cứu hồ sơ như thế nào, cơ chế khen thưởng, kỷ luật ra sao như hiện nay sẽ khó đảm bảo năng lực của HTND trong TTHS. “Báo cáo khảo sát thực trạng quản lý hành chính tòa án nhân dân tại Việt Nam” trong dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và báo vệ quyền tại Việt Nam” do Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc thực hiện năm 2012, phản ánh “Một số hội thẩm cho rằng, họ có vai trò nhất định trong công tác xét xử với tòa án nhưng vai trò này chưa thực sự được coi trọng. Các hội thẩm cũng thừa nhận một số nguyên nhân như: kiến thức pháp luật của hội thẩm không bằng thẩm phán, công tác hội thẩm là công tác kiêm nhiệm nên hội thẩm không thể đầu tư nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hồ sơ. Các hội thẩm cũng cho biết là do thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án không đủ để hiểu


9 Khảo sát do tác giả luận án tiến hành trên phạm vi toàn quốc, diễn ra từ ngày 31/3/2020 đến 6/4/2020 theo phương pháp điều tra xã hội học bằng hình thức trả lời 7 câu hỏi theo phiếu đã được chuẩn bị. Cuộc khảo sát với 100 người đang làm việc và đều có học vị từ cử nhân trở lên; trong đó: trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (các chuyên ngành khác nhau): 45 người (45%); cử nhân luật, thạc sĩ luật, tiến sĩ luật: 90 người (90%); giáo viên, công chức, viên chức: 40 người (40%).

rò các tình tiết của vụ án nên một số hội thẩm đã phải bị ảnh hưởng vào ý kiến của thẩm phán. Thực tiễn này đã tồn tại trong nhiều năm” [16, tr.71].

Thứ hai, “khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”, được coi là nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp, nhưng thực HTND vừa qua phần lớn là kiêm nhiệm, các tiêu chí để trở thành HTND vẫn chung chung, họ rất ít có điều kiện để nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu về vụ án so với thẩm phán; do điều kiện thực tế, họ rất có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài, như: yếu tố cảm tính chủ quan, quan điểm của thẩm phán, sự chi phối từ bên ngoài,… Họ hầu như không phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, trừ những trường hợp vi phạm cụ thể, rò ràng trong quá trình làm nhiệm vụ hội thẩm.

Thứ ba, về nguyên tắc tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, số lượng hội thẩm trong HĐXX luôn nhiều hơn so với thẩm phán, quyết định của HĐXX ra sao phụ thuộc rất lớn vào hội thẩm. Tuy nhiên, trong khi thẩm phán được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, quy định rất rò về trách nhiệm và là người xét xử chuyên nghiệp thì HTND lại chỉ tham gia xét xử đối với những vụ án theo sự phân công của chánh án. Do kiến thức pháp lý hạn chế, năng lực, điều kiện tham gia xét xử và trách nhiệm của HTND quy định thiếu chặt chẽ, nên không phải lúc nào và ở mỗi vụ án cụ thể hội thẩm cũng có nhận định, quyết định phù hợp, đúng đắn nhất. Chưa kể, có những vụ án hình sự phức tạp, số lượng bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đông, hồ sơ vụ án dày hàng nghìn bút lục, thời gian xét xử kéo dài, là thử thách lớn đối với HTND.

Thứ tư, thời gian và điều kiện nghiên cứu hồ sơ của hội thẩm như hiện nay là quá ngắn (tối đa 15 ngày) so với thẩm phán nhưng lại cùng thẩm phán trong HĐXX giải quyết từ đầu đến cuối vụ án. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì “Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án…”, điều này có nghĩa thẩm phán được phân công xét xử vụ án có thời gian nghiên cứu hồ sơ khá dài. Dẫu vậy, nhưng ngay thẩm phán trực tiếp được phân công xét xử vụ án hình sự, nhưng thực tế lại không được chú trọng. Báo cáo khảo sát thực trạng quản lý hành chính TAND tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ xem xét cứu hồ sơ vụ án hình sự “Khoảng

dưới một giờ đồng hồ trước khi diễn ra phiên tòa” của thẩm phán tòa án cấp tỉnh là 15,1%, thẩm phán toàn án cấp huyện là 12,1%; “Vài giờ đồng hồ vào ngày diễn ra phiên tòa” của thẩm phán tòa án cấp tỉnh là 10,5%, thẩm phán tòa án cấp huyện là 17,3%; “Hơn một ngày” của thẩm phán tòa án cấp tính là 44,3%, thẩm phán tòa án cấp huyện là 56,0%; “Hơn một tuần” của thẩm phán tòa án cấp tỉnh là 30,1%, thẩm phán tòa án cấp huyện là 14,5%. Như vậy, thời gian xem xét hồ sơ dưới một giờ hoặc chỉ vài giờ trước khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ án hình sự của thẩm phán cấp tỉnh là 25,6%, thẩm phán tòa án cấp huyện là 29,4%; thời gian xem xét hồ sơ hơn một tuần trước phiên tòa xét xử vụ án hình sự của thẩm phán cấp tỉnh chỉ chiếm 30,1% và thẩm phán tòa án cấp huyện chỉ chiếm 14,5% (Xem: Bảng 3.6, Phụ lục, tr.5). Với thẩm phán là người trực tiếp thụ lý, xét xử chính các vụ án hình sự đã vậy, đối với HTND bị hạn chế về thời gian, điều kiện thì việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hẳn còn ít hơn rất nhiều. Trong khi, HTND về cơ bản phải tham gia xét xử tất cả các loại án hình sự,… thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn cộng với kỹ năng, kiến thức pháp luật hạn chế khiến hội thẩm khó có đủ khả năng để đánh giá hết các chứng cứ, nội dung trong hồ sơ để có quyết định đúng đắn về vụ án, nhất là đối với những vụ án phức tạp, vụ án có nhiều bị cáo tham gia, vụ án có hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn bút lục… Phần lớn các hội thẩm đều cho rằng thời gian nghiên cứu hồ sơ với họ là khá ngắn, thậm chí có trường hợp trả lời phỏng vấn chuyên sâu cho biết họ đã từng được phân công tham gia HĐXX ngay trước khi phiên tòa diễn ra. Vì không nắm được hết thông tin về vụ án nên ý kiến của hội thẩm không sát với thực tế và không được coi trọng, do đó họ chủ yếu dựa vào thẩm phán phụ trách việc xét xử chính [16, tr.28].

Thứ năm, phần lớn HTND là những người kiêm nhiệm, đã nghỉ hưu hoặc đại diện cho các đoàn thể quần chúng, song sự đại diện này chưa thực sự toàn diện. Họ có thể có kinh nghiệm sống và hiểu biết xã hội, nhưng không phải ai, lúc nào cũng biết về các vấn đề chuyên môn liên quan đến nội dung vụ án và được bồi dưỡng, có kiến thức pháp lý như yêu cầu. Theo thống kê, trong cơ cấu thành phần hội thẩm hiện nay có đến 99,95 % hội thẩm đại diện cho 7% dân số Việt Nam là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng hưu trí, nhưng chỉ có 0,03% hội thẩm đại diện cho

93% dân số còn lại tham gia hoạt động xét xử của tòa án [4]. Trong bối cảnh kinh tế

- xã hội phát triển, nhiều loại hình tội phạm mới xuất hiện với tính chất và mức độ ngày một tinh vi, nhưng số lượng HTND được ấn định, bầu theo nhiệm kỳ của HĐND (cấp huyện hoặc cấp tỉnh), trong khi chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc vẫn chưa thỏa đáng nên khả năng lựa chọn, phân công HTND tham gia xét xử không phải lúc nào cũng đảm bảo yêu cầu. Hiện nay, dù đã có quy định về Đoàn hội thẩm, nhưng do điều kiện thực tế nên cách thức tổ chức, hoạt động nhiều nơi vẫn chưa thống nhất, hiệu quả.

3.2.2. Thực tiễn thực hiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự

HTND ở Việt Nam là một chức danh tư pháp, làm nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án. Do đó, HTND có các nhiệm vụ và quyền hạn mang tính đặc thù, điều này khác với quy định về chế độ bồi thẩm đoàn. Cùng với đó, pháp luật cũng quy định hội thẩm có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp tham gia xét xử vụ án, không được từ chối nếu không có lý do chính đáng khi được phân công xét xử, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi, phải giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật; phải tham gia bồi dưỡng pháp luật, kỹ năng xét xử; giữ mối quan hệ với nhân dân; chịu sự quản lý của các tổ chức, cơ quan liên quan; gương mẫu trong sinh hoạt và chịu sự giám sát của nhân dân... Mặt khác, hội thẩm còn phải thực hiện quy chế của Đoàn hội thẩm, báo cáo công tác cá nhân với tổ chức, cơ quan quản lý. Thực tiễn pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HTND là khá rộng và ngày càng cụ thể. Hàng chục năm qua, hầu hết các HTND đã nỗ lực, có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào hoạt động xét xử nói chung và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm ở nước ta.

HTND nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho tòa án theo quy định của pháp luật [67], [125]. Thực tiễn

cho thấy, chỉ những trường hợp quá rò ràng do vi phạm pháp luật, còn lại rất hiếm khi hội thẩm bị xem xét kỷ luật và chịu trách nhiệm khi có những sai sót do mình gây ra. Trường hợp hội thẩm thiếu trách nhiệm, tìm cách không thực hiện đúng yêu cầu đặt ra rất khó khăn, còn nếu vi phạm đến mức phải xử lý thì cũng phải trải qua nhiều thủ tục, quy trình giải quyết với sự tham gia của nhiều tổ chức, cơ quan. Có không ít hội thẩm vì các lý do khác nhau nên thoái thác nhận nhiệm vụ khi được phân công xét xử, có trường hợp tham gia chiếu lệ hoặc không thực hiện nghiêm túc, đúng nhiệm vụ của mình,… Chưa kể, do chịu sự chi phối từ bên ngoài hoặc do năng lực yếu, ngại va chạm nên HTND còn trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần dẫn đến tình trạng án hình sự kéo dài, gây oan sai, nhưng việc quy trách nhiệm và xử lý rất khó khăn. Đơn cử, một trong những vụ việc đã được báo chí phản ánh khá nhiều, đó là vụ án Đào Xuân Phương “cố ý gây thương tích” do tòa án hai cấp ở tỉnh Thái Nguyên xét xử kéo dài suốt 10 năm nhưng vẫn gây tranh cãi. Ở vụ án này, không tính đến gần 20 lần hoãn xét xử, tòa án hai cấp TP. Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên đã xử 4 vòng, trong đó 4 phiên tòa cấp sơ thẩm TP. Thái Nguyên đều xử Đào Xuân Phương có tội do ý kiến của các hội thẩm, dù thẩm phán chủ tọa phiên tòa khẳng định chưa đủ căn cứ buộc tội [110]. Nói rò hơn, trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm, mặc dù các thẩm phán chủ tọa đều biểu quyết không có tội, nhưng HĐXX vẫn tuyên có tội theo kết quả biểu quyết của các hội thẩm10.

Lịch sử hoạt động tố tụng ở Việt Nam đến nay chưa có hội thẩm nào phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến hoạt động xét xử. Thậm chí, có những trường hợp sai phạm do công tác xét xử gây ra rất nghiêm trọng, nhưng chỉ có thẩm phán phải chịu trách nhiệm. Điển hình như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn



10 Đào Xuân Phương bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên ra quyết định khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” ngày 31/8/2009 theo yêu cầu của người bị hại liên quan đến vụ việc xẩy ra tại tổ 14, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên ngày 9/4/2008. Ngày 10/9/2009, Cơ quan cảnh sát điều tra có quyết định thay đổi sang tội danh “Cố ý gây thương tích”. Trong thời gian bị tạm giam liên tục suốt 5 năm (2009-2014), Phương liên tục kêu oan, không tìm được vật chứng, hồ sơ vụ án bị sửa chữa, bị hại và người làm chứng liên tục thay đổi lời khai,…. Trong quá trình đó, TAND Thái Nguyên đã phải họp ba cơ quan tư pháp của tỉnh, rồi thỉnh thị lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và TAND tối cao. Như vậy, sau gần 20 lần trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, hơn 10 phiên tòa được mở ở 2 cấp trải qua 4 vòng xét xử với 10 năm kéo dài, phiên tòa phúc thẩm cuối cùng đã kết tội Phương 5 năm tù đúng với thời gian tạm giam trước đó, nhưng bản án vẫn chưa thuyết phục dư luận.

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 07/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí