Tình Hình Nghiên Cứu Ngoài Nước Có Liên Quan Đến Luận Án


Tạp chí Kế toán & Kiểm toán, số 7, 2013, Tr 29-32…Những bài báo trên đây chỉ đề cập đến một vài khía cạnh cụ thể trong kiểm toán báo cáo tài chính tại các NHTM, không mang tính toàn diện như mục tiêu nghiên cứu trong luận án của tác giả.

Về các nghiên cứu cấp nhỏ hơn, theo khảo sát của NCS, hiện nay chưa có tác giả nào có nghiên cứu liên quan đến kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT độc lập ở Việt Nam thực hiện.

Với những phân tích nêu trên, tác giả thấy rằng còn rất nhiều khoảng trống để NCS tiếp tục nghiên cứu về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT độc lập ở Việt Nam thực hiện đặc biệt trong điều kiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý về hoạt động kinh doanh của các NHTM đã thay đổi toàn diện từ năm 2011 đến nay. Đồng thời từ năm 2011 đến nay cũng đã có rất nhiều thay đổi diễn ra liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập BCTC như việc ban hành và áp dụng Luật kiểm toán độc lập, việc ban hành và áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán (CMKit) Việt Nam mới thay thế cho hệ thống CMKit cũ, việc ban hành chương trình kiểm toán mẫu của Hiệp hội KTV hành nghề Việt Nam, việc tiếp cận với những phương pháp kiểm toán hiện đại, những kỹ thuật kiểm toán tiên tiến trong môi trường áp dụng CNTT…Vì vậy còn rất nhiều khoảng trống để nghiên cứu sinh có thể nghiên cứu cho luận án của mình.

2.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước có liên quan đến luận án

Theo tìm hiểu thông qua internet và thư viện mở của một số trường đại học, NCS chưa thấy có đề tài hoặc luận án nào đề cập trực tiếp đến kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT độc lập thực hiện. Phần lớn các giáo trình, tài liệu, sách, luận án…mà NCS biết chỉ đề cập đến kiểm toán nói chung hoặc các vấn đề chi tiết trong kiểm toán như trọng yếu, rủi ro, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán…Các tài liệu có liên quan đến hướng nghiên cứu của luận án phần lớn chỉ là các sách hướng dẫn về thực hành kiểm toán ngân hàng hoặc những quy định, hướng dẫn mang tính chất chỉ dẫn của các tổ chức nghề nghiệp như:

Các sách có đề cập đến kiểm toán ngân hàng như: “Auditing: Principles and Techniques”, S. K. Basu, Pearson Education India (2005); “Stock Audit & Receivables Audit in Banks”, D.P.Gupta,R.K.Gupta, Taxmann Publications Pvt. Ltd. (2006); “Auditing: Principles and Practice" (second edition)”, Ravinder Kumar &Virender Sharma, Prentice-Hall of India Pvt.Ltd (2013); “Bank Audit a practical guide for bank auditors (2nd Edition)””, Anil K. Saxena, Taxmann Publications Pvt. Ltd (2016); “Guide to Bank Audit (3rd edition)”, CA.Kamal Garg, Bharat, 2016…Tất cả các cuốn sách này chủ yếu được viết theo hướng ứng dụng nhằm hướng dẫn thực hành kiểm toán ngân hàng cho các KTV như: Phương pháp kiểm toán; Quy trình kiểm toán; Các chương trình kiểm toán tại chi nhánh và hội sở; Các thủ tục kiểm toán đối với các


khoản mục trên bảng CĐKT, báo cáo thu nhập (các khoản ứng trước, cho vay, các khoản phải thu, chứng khoán, …); Kiểm toán trong môi trường máy tính…

Ngoài ra, còn có một số bài báo trên các tạp chí nghiên cứu về kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng như:

Bài báo “Nghiên cứu kinh nghiệm về kiểm toán độc lập ngân hàng của Serbia”, (Biljana Jovković; Snežana Ljubisavljević; Vladimir Obradović, ECONOMIC ANNALS, Volume LVII, No. 194 / July – September 2012, UDC: 3.33 ISSN: 0013- 3264, DOI:10.2298/EKA1294041J). Trên cơ sở quy định của pháp luật tất cả các NHTM tại Cộng hòa Serbia đều phải thực hiện kiểm toán độc lập, bài báo đã nghiên cứu về các vấn đề như: Các dịch vụ tổ chức kiểm toán độc lập cung cấp cho NHTM; Các lý do cần thiết phải kiểm toán độc lập; Các cơ quan có ảnh hưởng đến chất lượng của kiểm toán độc lập; Các lợi ích kinh tế của kiểm toán độc lập và những hạn chế vốn có của kiểm toán độc lập. Từ đó, nhóm tác giả cũng đưa ra các gợi ý để bổ sung trong lý thuyết và thực hành kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC NHTM nói riêng cũng như nâng cao nhận thức của các nhà quản lý ngân hàng về vai trò và tầm quan trọng của kiểm toán độc lập BCTC NHTM.

Bài báo “Những yếu tố quyết định chất lượng kiểm toán độc lập của ngân hàng” (José Alves Dantas và Otavio Ribeiro de Medeiros – R. Cont. Fin. – USP, São Paulo, v. 26, n. 67, p. 43-56, jan./fev./mar./abr. 2015). Nhóm tác giả đã nghiên cứu để xác định các yếu tố quyết định chất lượng cuộc kiểm toán độc lập đối với các tổ chức ngân hàng ở Bazil như việc đo lường chất lượng kiểm toán; Chất lượng thực sự và chất lượng được cảm nhận; Chất lượng KTV; Chất lượng thông tin; Trách nhiệm của KTV đối với lợi ích của quản lý; Các chuyên gia kiểm toán; Độ dài của hợp đồng giữa KTV và các tổ chức tài chính; Sự hiện diện của Ủy ban kiểm toán; Các phương pháp luận để đo lường chất lượng kiểm toán như Mô hình tính toán chất lượng kiểm toán Proxy...

2.3. Kết luận chung từ các công trình nghiên cứu đã công bố và những những điểm mới trong nghiên cứu của Luận án

Các kết luận chung rút ra từ các công trình nghiên cứu đã công bố

Sau khi nghiên cứu tổng quan các công trình đã công bố liên quan đến kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán BCTC NHTM nói riêng, NCS thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, liên quan trực tiếp đến đề tài luận án mà NCS nghiên cứu, chưa có luận án nào trong nước đề cập đến. Phần lớn các công trình nghiên cứu mới chỉ chủ yếu tập trung giải quyết những nội dung và khía cạnh cụ thể nhất định trong hoạt động kiểm toán BCTC NHTM, không mang tính toàn diện như đã phân tích cụ thể tại từng công trình nêu trên. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu đã công bố còn một số hạn chế như:

Về đối tượng nghiên cứu: Phần lớn các công trình chỉ tập trung nghiên cứu cuộc kiểm toán BCTC DN nói chung hoặc nghiên cứu cuộc kiểm toán BCTC trong các lĩnh vực


đặc thù (DN xây lắp, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán…) hoặc chỉ đi vào nghiên cứu một vài vấn đề riêng lẻ trong cuộc kiểm toán BCTC NHTM hoặc trong một loại hoạt động kinh doanh cụ thể của NHTM …mà chưa có công trình nào đi vào nghiên cứu tổng thể các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Về phạm vi nghiên cứu: Phần lớn các công trình nghiên cứu về kiểm toán BCTC doanh nghiệp do các tổ chức kiểm toán độc lập hoặc nghiên cứu về hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng do Kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán nội bộ thực hiện. Chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và đưa ra đánh giá tổng thể về cuộc kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Về thời gian nghiên cứu: Mục đích nghiên cứu luận án của NCS là nghiên cứu và đánh giá thực trạng kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT tại thời điểm nghiên cứu. Theo khảo sát của NCS, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và khảo sát tổng thể cuộc kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Khoảng trống nghiên cứu và những điểm mới trong nghiên cứu của luận án

Từ các nhận xét trên, NCS cho rằng khoảng trống để NCS nghiên cứu về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Chính vì vậy, trong phạm vi luận án này, điểm mới mà NCS muốn đi sâu làm rõ bao gồm:

- Nghiên cứu những đặc điểm đặc trưng của NHTM so với các DN thông thường trong nền kinh tế qua đó chỉ rõ những ảnh hưởng của những đặc điểm này đến cuộc kiểm toán BCTC NHTM;

- Nghiên cứu những đặc trưng, những điểm khác biệt giữa cuộc kiểm toán BCTC NHTM so với các cuộc kiểm toán BCTC DN thông thường trên các khía cạnh như mục tiêu kiểm toán, nội dung kiểm toán, quy trình kiểm toán, kỹ thuật kiểm toán…qua đó luận án tập trung đi sâu khái quát hóa quy trình mẫu để thực hiện một cuộc kiểm toán BCTC ngân hàng thương mại trên cơ sở rủi ro với đầy đủ các bước công việc và nội dung công việc cần thực hiện;

- Nghiên cứu về kiểm toán đối với một số hoạt động kinh doanh đặc thù của NHTM như hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn, hoạt động kinh doanh ngoại tệ, hoạt động đầu tư….

- Nghiên cứu việc sử dụng các nền tảng CNTT tại các DNKT để kiểm toán BCTC NHTM, loại khách thể kiểm toán có mức độ ứng dụng công nghệ ở mức độ rất cao trong quản lý rủi ro và lập BCTC.

Từ những điểm mới mà luận án đi sâu nghiên cứu trên đây, luận án đã hệ thống hóa, làm rõ những vấn đề lý luận về kiểm toán BCTC để vận dụng và xây dựng lý luận về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT độc lập thực hiện; phân tích thực trạng và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện cuộc kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT


độc lập thực hiện trên các vấn đề như: Đối tượng, mục tiêu, nội dung, quy trình, các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán và KSCL hoạt động kiểm toán.

3. Mục tiêu nghiên cứu của luận án

Luận án có các mục tiêu nghiên cứu như sau:

Nghiên cứu, hệ thống hóa, bổ sung và phát triển lý luận chung của kiểm toán BCTC vào kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT;

Nghiên cứu thực trạng kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT ở Việt Nam hiện nay. Vận dụng các lý luận đã được hệ thống hóa, bổ sung và phát triển để phân tích những ưu điểm và những hạn chế trong thực trạng kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT ở Việt Nam hiện nay.

Từ hệ thống lý luận và thực trạng đã phân tích, luận án đưa ra các quan điểm, giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện kiểm toán BCTC NHTM cho các DNKT nói riêng từ đó góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC nói chung ở Việt Nam hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

Về đối tượng nghiên cứu:

Luận án nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT ở Việt Nam thực hiện.

Về phạm vi nghiên cứu

- Luận án nghiên cứu về kiểm toán BCTC NHTM bao gồm các vấn đề về đối tượng, mục tiêu, căn cứ, nội dung, quy trình, các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán và KSCL kiểm toán BCTC NHTM. Luận án không đề cập đến tổ chức cuộc kiểm toán BCTC NHTM.

- Luận án chỉ nghiên cứu về kiểm toán BCTC của loại hình NHTM với các hoạt động kinh doanh truyền thống, đặc thù của một NHTM như hoạt động huy động vốn, hoạt động tín dụng, hoạt động thanh toán, hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh ngoại tệ…;

- Luận án chỉ nghiên cứu về kiểm toán BCTC của NHTM chứ không đi vào việc kiểm toán BCTC hợp nhất của NHTM.

- Luận án nghiên cứu về kiểm toán BCTC NHTM trong mối liên hệ với môi trường áp dụng CNTT, với hoạt động KSNB của NHTM và với kiểm toán tuân thủ chứ không đi sâu vào nghiên cứu về kiểm toán trong môi trường tin học, kiểm toán độc lập về hoạt động KSNB của NHTM và kiểm toán tuân thủ. Luận án không đề cập đến loại kiểm toán hoạt động.

- Luận án nghiên cứu kiểm toán BCTC NHTM do các KTV độc lập trong các DNKT ở Việt Nam thực hiện. Luận án không đề cập đến loại hình Kiểm toán Nhà nước hay Kiểm toán Nội bộ.


- Theo quy định hiện hành (Thông tư số 39/2011/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thì các DNKT phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định mới đủ điều kiện kiểm toán cho các ngân hàng nên tại Việt Nam hiện nay số lượng DNKT kiểm toán cho các NHTM khá khiêm tốn, chỉ có 10 công ty, chủ yếu tập trung vào các DNKT có quy mô lớn. Trong quan hệ đó, tác giả chỉ khảo sát thực tế tại các DNKT hiện có tham gia kiểm toán BCTC NHTM. Trong Luận án, tác giả chia các đối tượng khảo sát thành hai nhóm công ty: (1) Các DNKT Big Four và (2) Các DNKT ngoài Big Four.

Danh sách các DNKT được khảo sát về kiểm toán BCTC NHTM


STT

Tên công ty

Tên viết tắt

I

Các DNKT thuộc Big Four

1

Công ty TNHH Deloitte Việt Nam

Deloitte

2

Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam

PwC

3

Công ty TNHH KPMG Việt Nam

KPMG

4

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam

E&Y

II

Các DNKT ngoài Big Four

5

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C

A&C

6

Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC

AASC

7

Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học

AISC

8

Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam

DFK

9

Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam

AFC

10

Công ty Kiểm toán Mỹ AA

AA

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.

Hoàn thiện kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng thương mại tại các doanh nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam - 3

Tác giả chia ra hai nhóm DNKT để khảo sát vì hai nhóm này có những điểm khác biệt khá rõ nét trong kiểm toán BCTC NHTM về số lượng khách hàng thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, về số năm kinh nghiệm kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng, về số lượng và kinh nghiệm của KTV kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng, về ứng dụng các kỹ thuật kiểm toán hiện đại vào công tác kiểm toán, về thực tế thực hiện cuộc kiểm toán BCTC NHTM…Do đó để đảm bảo mô tả và đánh giá tốt nhất những điểm còn hạn chế trong thực trạng kiểm toán BCTC NHTM đồng thời đưa ra được những giải pháp hoàn thiện hiệu quả nhất cho các nhóm DNKT khi thực hiện cuộc kiểm toán BCTC NHTM, tác giả đã chia các DNKT thành hai nhóm như trên để khảo sát.

- Luận án lựa chọn thời gian nghiên cứu từ năm 2010 – 2016.

5. Phương pháp nghiên cứu luận án

Phương pháp luận chung: Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nghiên cứu các sự vật và hiện tượng trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Từ thực tiễn khái quát thành lý luận; từ lý luận soi xét, chỉ đạo thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm tra lý luận.


Phương pháp nghiên cứu cụ thể:

Đây là các phương pháp nghiên cứu cụ thể được tác giả sử dụng trong việc thu thập thông tin; xử lý thông tin và trình bày thông tin để hình thành nên luận án. Cụ thể luận án đã sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn giải, quy nạp, logic, lịch sử, thống kê, điều tra khảo sát thực tế …để nghiên cứu luận án.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận án thực hiện thu thập các dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp liên quan đến kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện. Căn cứ vào hai nguồn dữ liệu này, luận án thực hiện các phương pháp phân tích dữ liệu, từ đó chỉ ra những thành công cũng như hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó trong kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT. Trên cơ sở đó, luận án đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện. Cụ thể:

Phương pháp thu thập dữ liệu

Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp

Để thu thập dữ liệu sơ cấp liên quan đến kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện, luận án sử dụng hai phương pháp là phỏng vấn và khảo sát.

Đối với phương pháp phỏng vấn:

Tác giả phỏng vấn 15 nhân sự công tác trong các NHTM (Giám đốc, Trưởng phòng, Kế toán viên…) và 25 KTV thực hiện cuộc kiểm toán BCTC NHTM (bao gồm thành viên BGĐ phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán, Trưởng phòng kiểm toán, Chủ nhiệm kiểm toán, KTV chính và trợ lý kiểm toán). Phương pháp phỏng vấn thông qua gặp và phỏng vấn trực tiếp; phỏng vấn qua điện thoại.

Thời gian phỏng vấn: Năm 2013, 2014, 2015 và 2016.

Nội dung phỏng vấn bao gồm: Các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của NHTM, yêu cầu và thực trạng lập BCTC NHTM; các yêu cầu và thực trạng kiểm toán BCTC NHTM.

Đối với phương pháp khảo sát:

Công cụ khảo sát là Phiếu khảo sát.

Đối tượng khảo sát là 140 KTV thuộc hai nhóm DNKT có thực hiện kiểm toán BCTC NHTM là các DNKT Big Four và các DNKT ngoài Big Four. Các KTV này được tác giả chia thành hai nhóm sau: (1) Các thành viên BGĐ; Các Trưởng phòng và chủ nhiệm kiểm toán và (2) Các KTV và trợ lý kiểm toán trực tiếp thực hiện kiểm toán BCTC NHTM. Kết quả tổng hợp phiếu khảo sát như sau:

Tổng hợp phiếu khảo sát


STT

Đối tượng khảo sát

Số phiếu

gửi đi

Số phiếu

thu về

Tỷ lệ phản hồi

(%)

1

KTV thuộc các DNKT Big Four

70

56

80%

2

KTV thuộc các DNKT ngoài Big Four

70

50

71%

(Nguồn: Tổng hợp từ các phiếu khảo sát)


Thời gian khảo sát: Năm 2013, 2014, 2015 và 2016.

Nội dung khảo sát: Đánh giá thực trạng công tác kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về kiểm toán BCTC NHTM cũng như thực trạng kiểm toán BCTC NHTM, tác giả cũng tham gia các khóa đào tạo về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT tổ chức.

Đối với thu thập dữ liệu thứ cấp

Dữ liệu thứ cấp của luận án được tác giả thu thập từ hệ thống giáo trình chuyên ngành kiểm toán trong nước và quốc tế, các chuẩn mực, quy định có liên quan đến kiểm toán nói chung và kiểm toán BCTC NHTM nói riêng của Việt Nam và quốc tế, chương trình và hồ sơ kiểm toán của các công ty kiểm toán, các số liệu thống kê đã được công bố, các báo cáo tổng hợp từ các tổ chức, cơ quan quản lý có liên quan, các công trình nghiên cứu khoa học của các tác giả trong nước và quốc tế đã được công bố tại các thư viện của trường đại học, các ấn bản phẩm đã được xuất bản hoặc các trang web của các trường đại học… Trên cơ sở các dữ liệu thứ cấp thu thập được, luận án đã hệ thống hóa và khái quát hóa thành cơ sở lý luận và thực trạng về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Căn cứ vào các kết quả thu thập từ nguồn dữ liệu sơ cấp và nguồn dữ liệu thứ cấp, luận án thực hiện phân tích các dữ liệu đã thu thập được trên phần mềm Excel để tổng hợp số liệu theo từng câu hỏi khảo sát. Kết quả khảo sát được thể hiện trên Phụ lục 2.1B, Tổng hợp kết quả khảo sát về kiểm toán BCTC NHTM đối với Giám đốc kiểm toán/Trưởng phòng/Chủ nhiệm kiểm toán tại các DNKT và Phụ lục 2.1C. Tổng hợp kết quả khảo sát về kiểm toán BCTC NHTM đối với KTV tại các DNKT.

Trong nghiên cứu lý luận, luận án kết hợp lý luận với thực tiễn, kết hợp cả nghiên cứu định tính (phân tích, tổng hợp lý luận, phỏng vấn và điều tra thực tế…về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện) kết hợp với nghiên cứu định lượng với các kỹ thuật như so sánh, phân tích, tổng hợp số liệu, tổng hợp kết quả khảo sát…Trên cơ sở những kiến thức đã tích lũy được về kiểm toán độc lập BCTC NHTM, kết hợp với việc tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước về lĩnh vực này, tác giả đã phân tích và tổng hợp để hoàn thành lý luận chung về kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

Trong nghiên cứu thực tiễn, luận án vận dụng các phương pháp cụ thể như điều tra, tổng hợp, phân tích... thực trạng kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện. Để đánh giá được thực trạng công tác kiểm toán BCTC NHTM, luận án cũng áp dụng phương pháp tổng hợp và so sánh để tìm ra những ưu điểm và những hạn chế trong công tác này. Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn đó, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện kiểm toán BCTC của NHTM do các DNKT thực hiện.


Ngoài ra luận án còn sử dụng các phương pháp trình bày kết quả nghiên cứu như: Phương pháp quy nạp, phương pháp diễn giải, phương pháp thống kê… để tổng hợp kết quả khảo sát và đưa ra các phân tích, đánh giá, nhận định về công tác kiểm toán BCTC NHTM do các DNKT thực hiện.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Luận án

Việc hoàn thành luận án trên có những ý nghĩa khoa học và thực tiễn như sau:

Về mặt lý luận: Luận án là tài liệu nghiên cứu khoa học cho các vấn đề lý luận về kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán BCTC NHTM nói riêng. Lý luận này có thể là tiền đề và cơ sở để hình thành lý luận cho các loại kiểm toán BCTC chuyên ngành khác;

Về mặt thực tiễn:

Luận án nghiên cứu thực trạng kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT ở Việt Nam hiện nay để đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện kiểm toán BCTC NHTM cho các DNKT nói riêng từ đó góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC nói chung ở Việt Nam hiện nay. Kết quả của Luận án có thể là tài liệu tham khảo cho các DNKT triển khai một cuộc kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán BCTC của NHTM nói riêng, cũng như để điều chỉnh lại nề nếp hoạt động kiểm toán BCTC cho phù hợp.

Luận án cũng là gợi ý để các cơ quan chức năng Nhà nước, Hiệp hội nghề nghiệp, Ban lãnh đạo các công ty kiểm toán…tham khảo nhằm quản lý tốt hơn để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán BCTC NHTM tại các DNKT ở Việt Nam trong thời gian tới.

Luận án cũng là tài liệu tham khảo cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học cho sinh viên chuyên ngành kinh tế nói chung và chuyên ngành kiểm toán, chuyên ngành ngân hàng nói riêng tại các trường đại học và cao đẳng.

7. Nội dung kết cấu của Luận án

Ngoài Mở đầu, Kết luận, Mục lục, Phụ lục, Danh mục công trình đã công bố của tác giả liên quan đến luận án, Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của Luận án được trình bày trong 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng thương mại tại các doanh nghiệp kiểm toán độc lập;

Chương 2: Thực trạng kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng thương mại tại các doanh nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay;

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng thương mại tại các doanh nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/05/2023