nêu, cho thấy các quy định này chưa có tính hệ thống, nằm rải rác ở nhiều văn bản. Do vậy, trước yêu cầu phát triển của đời sống kinh tế xã hội, việc hoàn thiện và hệ thống hòa các quy định của hòa giải nói chung và hòa giải vụ án HN&GĐ nói riêng là một đòi hỏi cần thiết.
Ngày 15/6/2004, BLTTDS đã được thông qua, với 36 chương, 418 điều đã quy định khá chi tiết và cụ thể về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự trong đó có vụ án HN&GĐ. Đây là sự kiện quan trọng trong đời sống pháp luật Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật TTDS. Trong BLTTDS, chế định hòa giải các vụ án dân sự đã được kế thừa và hoàn thiện, khắc phục những tồn tại và bất cập của các quy định về hòa giải các vụ án dân sự, thống nhất về trình tự và thủ tục hòa giải các vụ án dân sự, HN&GĐ, kinh tế, lao động.
Cho đến nay BLTTDS 2004 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 về một số nội dung như thẩm quyền giải quyết của Tòa án, về thủ tục hòa giải, sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa… Thủ tục giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình được thực hiện theo quy định từ Điều 180 đến Điều 188 BLTTDS và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 02/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai " thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm" của BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLTTDS mà không cơ quy định riêng về hòa giải vụ án HN&GĐ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Thông qua việc nghiên cứu có hệ thống các khái niệm về hòa giải và hòa giải vụ án HN&GĐ, luận văn đã xây dựng một cách đầy đủ và hoàn thiện về khái niệm hòa giải vụ án HN&GĐ. Từ đó rút ra những đặc trưng riêng của hòa giải vụ án HN&GĐ so với hòa giải một vụ án dân sự. Bản chất của hòa giải vụ án HN&GĐ tại Tòa án là nội dung quan trọng thể hiện quyền tự định
đoạt của đương sự về hòa giải, Tòa án, thẩm phán chỉ có vai trò chủ động giúp các đương sự thỏa thuận phương thức giải quyết vụ án trên cơ sở những quy định của pháp luật.
Thủ tục hòa giải vụ án HN&GĐ được tiến hành theo các quy định về hòa giải vụ án dân sự nhưng có những đặc thù riêng do yếu tố tình cảm, quan hệ gia đình là yếu tố cơ bản chi phối quan hệ HN&GĐ.
Hiệu quả của hoạt động hòa giải vụ án HN&GĐ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên yếu tố trình độ năng lực, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất khi tiến hành hòa giải vụ án HN&GĐ.
Thông qua việc nghiên cứu một cách có hệ thống các quy định hòa giải vụ án HN&GĐ qua các giai đoạn của Pháp luật Việt Nam, luận văn đã làm rõ quá trình hình thành và phát triển của các quy định về hòa giải. Kết quả nghiên cứu này giúp cho tác giải luận văn có góc nhìn xuyên suốt và sâu sắc về vấn đề nghiên cứu.
Từ những kết quả nghiên cứu lý luận về hòa giải vụ án HN&GĐ là tiền đề cần thiết để phân tích, đánh giá pháp luật tố tụng Việt Nam hiện hành về hòa giải vụ án hôn nhân gia đình (chương 2), đồng thời là cơ sở quan trọng để luận văn đưa ra những kiến nghị về nâng cao hiệu quả của hòa giải vụ án HN&GĐ (chương 3).
Có thể bạn quan tâm!
- Ý Nghĩa Của Hòa Giải Vụ Án Hôn Nhân Và Gia Đình
- Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Hòa Giải Vụ Án Hôn Nhân Và Gia Đình
- Hòa giải vụ án hôn nhân và gia đình - 5
- Những Vụ Án Không Tiến Hành Hòa Giải Được
- Hòa giải vụ án hôn nhân và gia đình - 8
- Hòa giải vụ án hôn nhân và gia đình - 9
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Chương 2
HÒA GIẢI VỤ ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH
Hòa giải vụ án HN&GĐ được thực hiện theo thủ tục hòa giải các vụ án dân sự nói chung, được quy định từ Điều 180 đến Điều 188 BLTTDS và Nghị quyết số 05/2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, khi tiến hành hòa giải vụ án HN&GĐ có đặc thù riêng.
2.1. NGUYÊN TẮC TIẾN HÀNH HÒA GIẢI
Nhận thức rõ vai trò của hòa giải pháp luật hiện hành đã quy định "Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự" [25, Điều 10]. Nguyên tắc hòa giải là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà khi thực hiện hoạt động hòa giải, người tiến hành hòa giải phải tuân thủ một cách đầy đủ, toàn diện và nghiêm túc. Nội dung nguyên tắc này được quy định tại khoản 2 Điều 180 BLTTDS:
2.1.1. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình
Phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình. Tôn trọng sự tự nguyện của các đương sự cũng là sự thể hiện của nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự. Nếu vi phạm nguyên tắc này chẳng những không bảo vệ được lợi ích của đương sự mà còn ảnh hưởng đến chính hiệu lực pháp lý của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Người làm công tác hòa giải phải hiểu được tâm lý của những người đang có mâu thuẫn, tranh chấp, giữa họ ai cũng có những lý lẽ cho rằng mình
đúng và không chấp nhận lý lẽ của bên kia. Do đó, khi hòa giải, người tiến hành hòa giải phải giúp họ bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận ra sự thật, thấy rõ cái đúng, cái sai của cả hai bên. Chỉ khi nào họ hiểu đúng đắn và thông cảm với nhau thì họ mới tự nguyện cùng nhau giải quyết mọi mâu thuẫn. Tuy nhiên có những trường hợp, nếu tiến hành hòa giải các bên có thể chưa chấp nhận ngay thì người tiến hòa giải phải dùng phương pháp thuyết phục để hai bên đi đến thỏa thuận mà không được tìm cách áp đặt.
Nhiệm vụ của Tòa án là thuyết phục, giúp các bên tranh chấp tìm được tiếng nói chung để tự dàn xếp mâu thuẫn một cách ổn thỏa. Vì lẽ đó, trước hết Tòa án phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, tôn trọng ý chí của họ. Tòa án chỉ đóng vai trò là người trung gian hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải chứ không áp đặt, bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. Nếu các bên không chấp nhận việc hòa giải thì Tòa án không thể dùng ý chí chủ quan của mình mà bắt buộc họ phải tiến hành hòa giải, mọi tác động đến sự tự do ý chí của các bên như cưỡng ép, làm cho một trong hai bên bị lừa dối hay nhầm lẫn đều không thể hiện đầy đủ tính tự nguyện của các bên. Sự tự nguyện của đương sự được thể hiện ở hai nội dung:
- Tự nguyện tham gia phiên hòa giải:
Cơ sở pháp lý của hòa giải xuất phát từ nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự. Theo đó đương sự được quyền tự do ý chí của mình trong việc lựa chọn các hành vi tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đương sự có quyền lựa chọn có tham gia hòa giải hay không. Nếu bị đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng có nghĩa là bị đơn từ chối việc tiến hành hòa giải, Tòa án sẽ lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung (khoản 1 Điều 182 BLTTDS).
- Tự nguyện thỏa thuận về giải quyết nội dung vụ việc:
Trong quá trình hòa giải, các bên tranh chấp được bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp. Nếu đương sự chấp nhận thỏa thuận nhưng thỏa thuận này không thực sự tự nguyện xuất phát từ ý chí chủ quan của đương sự, có thể bị ép buộc hay lừa dối thì không được coi là tự nguyện thỏa thuận. Trong vụ án HN&GĐ, khi tiến hành hòa giải, mặc dù hai bên thỏa thuận nhất trí với nhau về giải quyết vụ việc, nhưng có rất nhiều trường hợp, sự thỏa thuận của đương sự là do ép buộc nhưng họ thường có xu hướng dấu kín những nguyên nhân đó, có thể đó là vấn đề tình cảm liên quan trực tiếp đến danh dự của hai bên vợ và chồng. Ví dụ: Trong quan hệ vợ chồng vì người vợ không sinh được con nên người chồng ép phải ly hôn để lấy vợ khác, mặc dù người vợ rất yêu thương người chồng nhưng vì không muốn nói ra sự thật nên chấp nhận yêu cầu của chồng. Có vụ án tranh chấp về mức cấp dưỡng nuôi con, khi hòa giải hai bên tự nguyện thỏa thuận với nhau không yêu cầu bên còn lại phải cấp dưỡng nuôi con. Nếu xem xét không kỹ thì thấy rằng thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện, tuy nhiên thực tế thì lại xảy ra trường hợp, vì tính sĩ diện hay tự ái mà bên được nuôi con lại không cần cấp dưỡng, trong khi đó lại không có đủ điều kiện chăm sóc con một mình, bên còn lại thì có đủ khả năng cấp dưỡng. Như vậy trong những trường hợp như thế này thỏa thuận của đương sự là tự nguyện nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ nên cũng không được chấp nhận. Do đó khi tiến hành hòa giải đòi hỏi người Thẩm phán phải hết sức mềm dẻo, kiên trì, tích cực hòa giải để tìm ra nguyên nhân thực sự giúp họ đoàn tụ. Hòa giải có thể được tiến hành nhiều lần vì luật không quy định về số lần được tiến hành hòa giải đối với một vụ án, tuy nhiên phải đảm bảo không vi phạm tố tụng về thời hạn giải quyết vụ án, do đó Thẩm phán tiến hành hòa giải một mặt kiên trì hòa giải nhưng phải hết sức linh hoạt đảm bảo đúng quy định về tố tụng.
2.1.2. Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội
Nhà nước chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, do đó mọi sự thỏa thuận trái pháp luật đều không có giá trị pháp lý. Tòa án nhân danh nhà nước chỉ có thể công nhận những thỏa thuận của các đương sự nếu các thỏa thuận đó phù hợp với các quy định của pháp luật. Sự tuân thủ pháp luật là yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, trong quá trình hòa giải, các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau nhưng các thỏa thuận đó không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội thì thỏa thuận đó cũng không được công nhận. Mặt khác, là một hoạt động tố tụng, hòa giải chỉ được tiến hành trên cơ sở của pháp luật và mọi sự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Tòa án phải luôn dựa vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải quyết tranh chấp giữa các bên, coi đó là cơ sở suốt quá trình hòa giải, không được giải thích tùy tiện, theo ý chủ quan. Để có thể vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể đòi hỏi người hòa giải phải nắm vững các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong một số lĩnh vực như: HN&GĐ (chủ trương về xây dựng gia đình văn hóa, những nguyên tắc cơ bản của chế độ HN&GĐ, các quy định về điều kiện kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con, quan hệ giữa anh, chị, em và các thành viên trong gia đình…).
Việc hòa giải phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật về phạm vi hòa giải không "vượt quá phạm vi hòa giải". Hòa giải không phải là việc phân xử, phán xét nên nếu chỉ đưa ra những quy định của pháp luật thì chưa thể "gỡ rối" sự việc. Người Việt Nam vốn có lối sống trọng tình, nặng nghĩa. Cho dù các mâu thuẫn có gay gắt đến đâu thì giữa các bên tranh chấp vẫn còn một sợi dây gắn bó, đó là cái nghĩa giữa các thành viên trong gia đình, là cái tình xóm giềng "tối lửa, tắt đèn". Đặc biệt trong vụ án HN&GĐ yếu tố tình cảm là yếu
tố chi phối toàn bộ quan hệ HN&GĐ. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của hòa giải là việc Tòa án phải dựa vào các chuẩn mực đạo đức, các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương để động viên, khuyên nhủ các bên dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Việc vận dụng các câu ca dao, tục ngữ, phong tục, tập quán phải có sự chọn lọc cho phù hợp, phải là phong tục tập quán tốt đẹp, phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, tránh các giáo lý, hủ tục lạc hậu.
Tuy nhiên, các nguyên tắc tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 180 BLTTDS chưa bao quát được hết các tình huống xảy ra khi áp dụng vào giải quyết các tranh chấp về HN&GĐ. Đó là các trường hợp:
+ Tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn và tranh chấp về chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Trong khi tiến hành hòa giải vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản và đề nghị Tòa án công nhận nhưng giá trị tài sản mà họ thỏa thuận thấp hơn so với giá thị trường. Như vậy trong trường hợp này Tòa án có ra quyết định công nhận hay không? Nếu công nhận trong trường hợp này mặc dù không vi phạm về nguyên tắc tiến hành hòa giải nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, nếu thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời trốn tránh nghĩa vụ nộp án phí cho Nhà nước.
+ Ly hôn giả tạo: Khi hai vợ chồng thống nhất với nhau ly hôn để một bên lấy vợ hoặc chồng kết hôn lần hai nhằm mục đích lợi nhuận. Trước mặt Thẩm phán tiến hành hòa giải hai bên đóng giả như hai kẻ thù đối mặt với nhau để đòi được ly hôn. Trong trường hợp này Tòa án có ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự hay không?
+ Thỏa thuận về mức cấp dưỡng: Khi thỏa thuận về mức cấp dưỡng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp dưỡng (trẻ em và người già), mặc dù thỏa thuận đó là tự nguyện nhưng có ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó không.
Như vậy, cần sửa đổi và bổ sung nguyên tắc tiến hành hòa giải cho phù hợp với pháp luật dân sự và thực tiễn các tranh chấp đang diễn ra.
2.2. PHẠM VI HÒA GIẢI
Phạm vi hòa giải là giới hạn những vụ án mà Tòa án phải tiến hành hòa giải.
Tại khoản 1, Điều 180 BLTTDS 2004 quy định trách nhiệm hòa giải của Tòa án: "Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại điều 181 và 182 của Bộ luật Tố tụng dân sự" [25].
Như vậy, hòa giải tiến hành đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án trừ những trường hợp không hòa giải được hoặc pháp luật quy định không được hòa giải.
2.2.1. Những vụ án không được hòa giải
Những vụ án không tiến hành hòa giải được bao gồm:
Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Theo hướng dẫn tại Điều 15 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định:
Tài sản của Nhà nước được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước quy định tại Điều 200 BLDS năm 2005 và được điều chỉnh theo các quy định tại mục 1 Chương XIII của BLDS năm 2005.
Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước là trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự,... gây ra và người được giao chủ sở hữu đối với tài sản Nhà nước đó có yêu cầu đòi bồi thường.
Khi thi hành quy định tại khoản 1 Điều 181 của BLTTDS cần phân biệt:
- Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi