Đối với cộng đồng địa phương, nội dung tham quan không phải là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thường xuyên vào điểm du lịch (yếu tố này chỉ chiếm 10% ý kiến trả lời). Một số nội dung phỏng vấn sâu cho thấy, đối với các điểm du lịch văn hóa (như đình, chùa, miếu,...) yếu tố khiến họ thường xuyên vào điểm du lịch chính là yếu tố tâm linh. Trong khi, đối với ẩm thực truyền thống, các món ăn ngon là yếu tố khiến cộng đồng địa phương quay trở lại.
Đối với doanh nghiệp du lịch, 18/30 ý kiến cho rằng nội dung tham quan hấp dẫn (chiếm 46,6%). Số ý kiến không đồng ý chiếm tỉ lệ khá cao (26,7%), do một số điểm du lịch chậm đổi mới và chưa đa dạng nội dung tham quan.
+ Khả năng tiếp cận
* Tiếp cận bến bãi: Kết quả khảo sát khách du lịch cho thấy, số người đồng ý rằng việc tiếp cận bến bãi thuận tiện ở mức trung bình (chiếm 47,6% [n=420]). Có 20,2% khách du lịch cho rằng bến bãi đỗ xe không thuận tiện. Nguyên nhân do diện tích bến, bãi tại các điểm du lịch trong Khu vực trung tâm Thành phố hẹp. Nhiều điểm du lịch thậm chí không có bãi đỗ cho xe ô tô 45 chỗ (như Bưu điện Trung tâm Thành phố). Đối với khách du lịch đi bộ hoặc di chuyển bằng xe máy, việc tiếp cận bãi đỗ xe có phần thuận tiện hơn. Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch, du khách còn cảm thấy lúng túng khi tìm bãi đỗ xe (như Chợ Bến Thành, TTTM Vincom Đồng Khởi). Một khách du lịch cho biết: “Tôi đi xe máy mà cảm thấy tìm chỗ đỗ xe rất khó” (Nam, 25 tuổi, Quảng Ngãi, Chợ Bến Thành, 17/05/2014). Nguyên nhân khiến 1/3 (32,9%) khách du lịch không có ý kiến do họ đi xe buýt, taxi, hoặc đi bộ tới điểm du lịch nên không đưa ra nhận định. Tuy vậy, nhiều điểm du lịch đã quy hoạch bãi đỗ xe khá tốt nên khách du lịch ít có lời than phiền (như CVVH Suối Tiên và CVVH Đầm Sen).
Về phía doanh nghiệp du lịch, nhiều HDV than phiền về tình trạng thiếu bãi đỗ xe (43,3% ý kiến không đồng ý bến bãi đỗ xe thuận tiện). Việc kết hợp giữa đi thuyền ngắm cảnh trên sông với tham quan một số điểm du lịch văn hóa ven sông còn nhiều hạn chế. Trong đó, nguyên nhân quan trọng theo anh Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn Du lịch TASAHA là việc thiếu bến thuyền để khách có thể dừng lại và di chuyển đến các điểm du lịch.
* Tiếp cận giá vé tham quan (tiếp cận chi phí)
Về phía khách du lịch, số ý kiến cho rằng giá vé vào cổng tham quan là chấp nhận được chiếm 41,9%. Mức giá chấp nhận được đa phần là ở các điểm du lịch do Nhà nước quản lý (như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Lịch sử TPHCM). Có 8,1% ý kiến cho rằng giá vé vào cổng cao (như Căn cứ Rừng Sác và Thảo Cầm Viên Sài Gòn). Tỉ lệ khách du lịch không có ý kiến về giá vé chiếm 50,0%, do một số điểm du lịch vào cửa miễn phí (như Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Bưu điện Trung tâm Thành phố, Lăng Ông Thủy Tướng).
Về phía cộng đồng địa phương, giá vé tham quan cao không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thường xuyên vào điểm du lịch. Yếu tố này chỉ chiếm 10,9% ý kiến trả lời. Hầu hết cộng đồng địa phương sống gần điểm du lịch cảm thấy điểm du lịch đã quen thuộc nên ít vào. Riêng một số công trình tín ngưỡng - tôn giáo, họ thường xuyên vào hơn vì lý do tâm linh (như Lăng Ông Thủy Tướng).
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu Đồ Số Lượt Khách Tham Quan Các Bảo Tàng Ở Tphcm Qua Các Năm 2010 - 2015
- Thực Trạng Khai Thác Các Điểm Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Quan Trọng Cho Phát Triển Du Lịch Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Đánh Giá Thực Trạng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
- Biểu Đồ Ý Kiến Doanh Nghiệp Du Lịch Về Các Chỉ Tiêu Đánh Giá Tại Điểm Du Lịch (%)
- Định Hướng Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Theo Tuyến
- Một Số Giải Pháp Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân Văn Ở Thành Phố Hồ Chí Minh
Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.
Về phía doanh nghiệp du lịch, 80% ý kiến cho rằng giá vé vào cổng chấp nhận được. Số ý kiến không đồng ý chỉ chiếm 3,3%. Một số HDV cho rằng việc đầu tư CSVC-KT (bảng chỉ dẫn, lối đi lại, nhà hàng, nhà vệ sinh) và nội dung tham quan chưa tương xứng với giá vé khách du lịch chi trả để được sử dụng dịch vụ. “Giá vé 40.000đ/ khách là cao so với cơ sở hạ tầng tại điểm du lịch” (Nam, HDV, KDL sinh thái Cần Giờ, 30/04/2014).
+ Thời gian khai thác (Sự sẵn sàng phục vụ)
* Tính liên tục (thời gian mở cửa đón khách trong ngày và trong tuần): Về phía khách du lịch, 71,7% (n=420) cho rằng giờ mở cửa tham quan là hợp lý. Có 28 ý kiến (6,7%) không đồng ý với giờ mở cửa tham quan hiện tại. Lí do chủ yếu là sự gián đoạn tham quan vào giờ nghỉ trưa tại một số DTLSVH như tại Dinh Độc Lập và Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Khách du lịch (đi tự do) không biết giờ nghỉ trưa tại các điểm du lịch này nên khi đến nơi thì sắp/đã đóng cửa.
Về phía doanh nghiệp du lịch, có 24/30 (80%) ý kiến cho rằng giờ mở cửa tham quan trong ngày và trong tuần tại các điểm du lịch văn hóa là hợp lý. Ở đây có sự linh động trong việc thiết kế chương trình tham quan cho phù hợp với giờ mở cửa. Một HDV cho biết: “Nếu điểm tham quan không tiếp khách vào buổi trưa,
HDV sẽ bố trí ăn trưa vào thời điểm đó” (Nam, 62 tuổi, HDV tự do, Chợ Bến Thành, 10/05/2014).
* Tính nhanh chóng, kịp thời: Có hơn một nửa (55,2% [n=420]) ý kiến cho rằng các yêu cầu được đáp ứng nhanh chóng. Cảm nhận của khách du lịch quốc tế về sự nhanh chóng, kịp thời cao hơn khách du lịch nội địa (65,6% so với 48,8%). Ý kiến khách du lịch không đồng ý chiếm tỉ lệ thấp (chiếm 6,9%). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới nhóm khách không đồng ý này vì hiệu ứng về những mặt tiêu cực thường lan truyền nhanh hơn mặt tích cực. Có tới 37,9% khách du lịch được hỏi không có ý kiến về sự nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu. Lý do phổ biến vì họ không nhờ sự hỗ trợ từ nhân viên phục vụ nên họ không đưa ra ý kiến đánh giá.
+ Sức chứa khách (cảm giác khó chịu vì đông người)
Số lượng người tập trung trong các điểm du lịch ít gây cảm giác khó chịu cho khách du lịch, ngay cả vào các dịp lễ hội và sự kiện đặc biệt. Chỉ có 48/420 khách du lịch (tương ứng 11,4%) cho rằng họ cảm thấy khó chịu vì đông người. Đối với khách du lịch tại những nơi buôn bán lâu đời như Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, họ khó chịu vì đông người cản trở lối đi, gây không khí oi bức và tạo cảm giác chật chội khi ngồi ăn. Tại các khu trò chơi trong CVVH Đầm Sen và CVVH Suối Tiên, khách du lịch cảm thấy khó chịu vì nhiều người sử dụng dịch vụ cùng lúc (như sử dụng bể bơi).
Đối với cộng đồng địa phương, họ không cảm thấy khó chịu khi có nhiều khách du lịch tới tham quan điểm du lịch. Một người dân tại Miếu Bà Thiên Hậu cho biết: “Chùa đông mới tốt. Chùa vắng như chùa Bà Đanh thì làm chùa làm chi” (Nam, 79 tuổi, Người dân địa phương, Hội quán Tuệ Thành, 05/03/2015).
Đối với doanh nghiệp du lịch, 2/3 (66,7%) số doanh nghiệp cho rằng điểm du lịch không quá tải vì đông khách; 1/5 ý kiến không đồng ý vì họ cho rằng một số điểm du lịch văn hoá vẫn còn quá tải vào mùa cao điểm (như Dinh Độc Lập, CVVH Đầm Sen, CVVH Suối Tiên, Khu DTLS Địa đạo Củ Chi).
+ Tính an toàn
* An toàn khi di chuyển: Nhìn chung, khách du lịch cảm thấy việc đi lại tại điểm du lịch an toàn, với 82,4% ý kiến đồng ý. Có 12,6% ý kiến cho rằng việc đi lại
không an toàn, đặc biệt là việc băng qua đường để vào điểm du lịch. Đây là cảm nhận của nhiều khách du lịch tại Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Thành phố, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Thảo Cầm Viên Sài Gòn,… Chẳng hạn, tại Chợ Bến Thành, một khách du lịch cho rằng: “Thấy người và xe đông đúc quá nên tôi rất lo ngại về chuyện đi lại xung quanh chợ” (Nữ, 28 tuổi, Phần Lan, Chợ Bến Thành, 13/05/2014). Tại Chợ Lớn, một khách du lịch cũng cho biết: “Có quá nhiều phương tiện đi lại quanh chợ, tôi thấy không an toàn tí nào” (Nam, 47 tuổi, Malaysia, Chợ Lớn, 01/06/2014).
Cộng đồng địa phương sinh sống lâu năm và đã quen với văn hóa đi lại tại điểm du lịch nên có tới 88,2% ý kiến cho rằng việc đi lại an toàn. Doanh nghiệp du lịch là đơn vị trực tiếp đưa khách đến các điểm du lịch nên họ chú ý hơn tới vấn đề này. Số ý kiến cho rằng điểm du lịch an toàn chỉ chiếm 50% (xem Câu 7, Phụ lục 8)
* An ninh trật tự: Nhìn chung, an ninh tại các điểm du lịch được khách du lịch cho là tốt, với 85,5% ý kiến đồng ý (359/420 khách). Tuy nhiên, nhiều khách du lịch cảm thấy không an tâm khi điểm du lịch đông người, đặc biệt là tại các chợ, các lễ hội và sự kiện. Một khách du lịch tại Chợ Bến Thành cho biết: “Dù chưa có chuyện gì xảy ra nhưng tôi cứ thấy không an tâm” (Nam, 21 tuổi, Sinh viên, Nhật Bản, Chợ Bến Thành, 13/05/2014).
Về phía cộng đồng địa phương, 84,5% ý kiến đồng ý rằng tình hình an ninh trật tự tại điểm du lịch tốt. Tuy vậy, tỉ lệ cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế không đồng ý về nội dung điểm du lịch có an ninh tốt cao hơn nhóm không tham gia hoạt động kinh tế (tỉ lệ ý kiến tương ứng là là 10,9% và 1,8%). Lý do là nhóm cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên có mặt ở điểm du lịch nên họ hiểu rõ tình hình an ninh trật tự hơn nhóm không tham gia hoạt động kinh tế.
* An toàn vệ sinh thực phẩm: Tại các điểm du lịch đã áp dụng những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế TPHCM. Tuy nhiên, môi trường ăn uống tại nhiều điểm du lịch chưa thật sự đảm bảo, nhất là vào thời gian diễn ra các sự kiện đặc biệt. Có 15,5% khách du lịch cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Về phía doanh nghiệp du lịch, chỉ 47% số người được khảo sát cảm thấy vệ sinh thực phẩm an toàn.
* Vệ sinh môi trường: Có 73,3% khách du lịch cho rằng rác thải được thu gom sạch sẽ. Tuy nhiên, còn một bộ phận khách du lịch nội địa chưa có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định. Trong các lễ hội và sự kiện đặc biệt, du khách xả rác khá bừa bãi trên lối đi. Chẳng hạn như trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (CVVH Đầm Sen), Lễ hội Nghinh Ông, Ngày hội Du lịch TPHCM (Công viên 23 tháng 09). Tại các khu vực ăn uống trong các điểm du lịch, nhiều khách du lịch thản nhiên xả đồ ăn xuống chỗ ngồi (như CVVH Đầm Sen, CVVH Suối Tiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn).
Hình 2.8 cho thấy, các chỉ tiêu có mức độ đồng ý thấp nhất và tỉ lệ không đồng ý cao thứ hai là vệ sinh thực phẩm. Một mặt, vấn đề an toàn vệ sinh trong ăn uống tại một số điểm du lịch chưa được đảm bảo. Mặt khác, do khách du lịch không sử dụng dịch vụ ăn uống nên không có ý kiến.
Chỉ tiêu về an toàn trong di chuyển và an toàn về an ninh trật tự chiếm trên 80% ý kiến đồng ý của khách du lịch. Tuy nhiên, kết quả này chỉ đúng trong các điểm du lịch văn hóa. Bởi vì ngoài khuôn viên một số điểm du lịch, việc khách du lịch qua đường, tình trạng cướp giật và chèo kéo khách vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Một số khách du lịch không sử dụng dịch vụ ăn uống nên chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, tỉ lệ phần trăm không có ý kiến cao (29,5%).
Nguồn: Số liệu điều tra
Hình 2.8. Biểu đồ đánh giá của khách du lịch về tính an toàn tại các điểm du lịch (n=420)
+ CSHT và CSVC-KT phục vụ du lịch
* Tính đầy đủ và tính đồng bộ: Những nội dung khiến khách du lịch phản ánh nhiều nhất là tình trạng thiếu nhà vệ sinh và thiếu bảng chỉ dẫn (hoặc bảng chỉ dẫn
không rõ ràng). Khi được hỏi, một số khách du lịch cho hay: “Tôi không biết toilet ở đâu cả” (Nam, 68 tuổi, Malaysia, Chợ Bến Thành, 13/05/2014); “Nhà vệ sinh ít và khó tìm, không thấy bảng hướng dẫn” (Nữ, 34 tuổi, Long An, Chợ Lớn, 26/05/2014). Tại một số điểm du lịch, tuy có sự đầy đủ và đồng bộ về các cơ sở dịch vụ song quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu khi có đông khách du lịch. Chẳng hạn tại Dinh Độc Lập, điểm bán vé hơi hẹp, tạo cho khách du lịch cảm giác chật chội. Hay tình trạng thiếu chỗ ngồi vào các ngày cao điểm trong nhà hàng tại CVVH Đầm Sen và Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Về phía doanh nghiệp du lịch, 11/30 ý kiến đồng ý về tính đầy đủ, đồng bộ. Số ý kiến không đồng ý chiếm tỉ lệ khá cao, chủ yếu liên quan đến bến bãi, cơ sở dịch vụ trong điểm du lịch.
* Tính hợp lý: Nhìn chung, cách bố trí các cơ sở dịch vụ và công trình công cộng tại các điểm du lịch tương đối hợp lý (64,5% khách du lịch đồng ý). Có thể kể đến các địa điểmtiêu biểu như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, CVVH Suối Tiên,… Tuy nhiên, việc bố trí lối đi lại và các bảng chỉ dẫn tại một số điểm du lịch chưa thực sự hợp lý. Một khách du lịch tại Chợ Lớn cho biết: “Nhiều lối đi trong khu vực chợ còn hẹp, các gian hàng chưa thành dãy rõ ràng và thiếu bảng chỉ dẫn” (Nữ, 42 tuổi, Quảng Nam, Chợ Lớn, 27/05/2014). Tại TTTM Vincom Đồng Khởi, tuy công trình được xây dựng hiện đại song khách du lịch chưa thật sự hài lòng về tính hợp lý khi di chuyển tại các cầu thang. Một khách du lịch cho biết: “Ở Nhật Bản, thang cuốn giữa các tầng được xếp sát nhau nên xuống tầng này có thể xuống tiếp tầng khác ngay được. Còn ở đây, chúng tôi lên hoặc xuống một tầng đều phải đi vòng một đoạn rồi mới đến thang cuốn khác. Như thế rất bất tiện” (Nam, 22 tuổi, Nhật Bản, TTTM Vincom Đồng Khởi, 03/09/2014).
+ Nhân viên phục vụ tại điểm du lịch
* Sự thân thiện: So với các nội dung đánh giá khác, tiêu chí này có tỉ lệ khách du lịch đồng ý cao, với 75,0% ý kiến đồng ý. Trong đó, tỉ lệ khách du lịch quốc tế cho rằng nhân viên tại các điểm du lịch văn hóa thân thiện cao hơn 11,1% khách du lịch nội địa (81,9% so với 70,8%). Một khách du lịch cho biết: “Khi tôi hỏi đường thì được chỉ tận tình” (Nữ, 23 tuổi, Anh, Dinh Độc Lập, 12/05/2014).
Bên cạnh đó, 62% khách du lịch chưa hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên tại điểm du lịch. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, đặc điểm chung là nhân viên phục vụ ít tươi cười khi tiếp xúc với khách du lịch. Ngoài ra, có những nhân viên tỏ ra không thân thiện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ khách du lịch khi họ muốn biết thêm thông tin nào đó. Một khách du lịch cho biết: “Khi tôi muốn hỏi thêm thông tin tại quầy bán vé thì nhân viên bán vé không trả lời, chỉ bảo chúng tôi “nhanh lên, nhanh lên” để đẩy chúng tôi ra khỏi quầy bán vé” (Nam, 26 tuổi, Romania, Dinh Độc Lập, 12/05/2014).
* Sự am hiểu lĩnh vực phụ trách: Gần 1/2 số ý kiến của khách du lịch cho rằng nhân viên phục vụ am hiểu lĩnh vực mình phụ trách (chiếm 49,5%). Số khách du lịch không nêu ý kiến chiếm tới 45,2%, do họ không nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên phục vụ.
+ Sự thân thiện của cộng đồng địa phương
Cảm nhận của khách du lịch về sự thân thiện của cộng đồng địa phương ở mức khá (62,6%) và có sự khác biệt giữa khách du lịch nội địa với khách du lịch quốc tế. Trong khi 85,6% (n=160) khách du lịch quốc tế cho rằng cộng đồng địa phương thân thiện khi họ có dịp tiếp xúc thì con số này ở khách du lịch nội địa chỉ đạt 48,5% (n=260).
Về phía cộng đồng địa phương, chỉ có 7,3% (n=110) ý kiến khảo sát cho rằng họ khó chịu vì khách du lịch tới đông. Ngoài ra, có tới 83,6% ý kiến cộng đồng hài lòng chung với hoạt động du lịch đang diễn ra tại điểm du lịch. Điều này cho thấy, ít có sự xung đột về lợi ích giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch.
- Đánh giá chung về khai thác các điểm du lịch quan trọng
Như đã trình bày ở chương 1, trong mục này, sự hợp lý trong khai thác các điểm du lịch văn hóa được phân thành 05 mức đánh giá, dựa trên tỉ lệ phần trăm ý kiến đồng ý của các bên tham gia đánh giá, gồm: 1/ Rất không hợp lý (0 - 20% ý kiến đồng ý); 2/ Không hợp lý (21 - 40% ý kiến đồng ý); 3/ Bình thường/Trung bình (41 - 60% ý kiến đồng ý); 4/ Khá hợp lý (61 - 80% ý kiến đồng ý); 5/ Rất hợp lý (81-100% ý kiến đồng ý).
+ Về phía cộng đồng địa phương: Dưới đây là biểu đồ tổng hợp đánh giá của cộng đồng địa phương về một số tiêu chí thể hiện thực trạng khai thác TNDLNV (xem Hình 2.9).
Nguồn: Số liệu điều tra
Hình 2.9. Biểu đồ ý kiến cộng đồng địa phương về các chỉ tiêu đánh giá tại điểm du lịch (%)
Như vậy, trên phương diện cảm nhận của cộng đồng, chỉ tiêu đang được khai thác khá hợp lý là vệ sinh môi trường (rác thải được thu gom sạch sẽ). Các chỉ tiêu được khai thác rất hợp lý theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm: an toàn di chuyển (đi lại an toàn), an ninh trật tự (an ninh tốt) và sức chứa khách (không khó chịu vì đông người).