Kiểm Định Mối Liên Hệ Giữa Việc Biết Tiếng Khmer Và Các Đặc Điểm Nhân Khẩu Của Người Trả Lời

Bên cạnh việc hiểu về nhu cầu được người lao động Khmer nhập cư xem như một đặc điểm quan trọng đối với những người hỗ trợ thì việc biết tiếng Khmer cũng có mối liên hệ với các biến liên quan đến độ tuổi và số năm ở Bình Dương như ở bảng 3.22:

Bảng 3.22: Kiểm định mối liên hệ giữa việc biết tiếng Khmer và các đặc điểm nhân khẩu của người trả lời

Mối liên hệ


Hệ số Cramer-V

Hệ số P-value

Độ tuổi * Biết tiếng Khmer


0,164

0,008

Số năm ở Bình Dương * Biết Khmer

Học vấn * Biết tiếng Khmer

tiếng

0,358


0,208

0,000


0,000

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư từ thực tiễn tỉnh Bình Dương - 16

N = 360 và không có ô nào có tần số mong đợi dưới 5

Nguồn: Số liệu khảo sát đề tài năm 2018

Khi so sánh về số năm ở Bình Dương, kết quả cho thấy càng ít thời gian ở Bình Dương thì tỷ lệ người trả lời cho rằng biết tiếng Khmer là rất cần thiết càng cao (55% ở chỉ báo dưới 3 năm so với 21,8% và 23,2% theo số năm tương ứng là 3 đến 5 năm và trên 5 năm). Tương tự như kết quả trên, khi xét về độ tuổi thì nhóm tuổi dưới 30 có sự khác biệt so với nhóm trên 30 tuổi theo chiều hướng nhóm tuổi cao mong đợi người hỗ trợ cần biết tiếng Khmer nhiều hơn nhóm trẻ tuổi (57,8% so với 42,2%).

Như vậy, với đặc thù là người DTTS, người lao động Khmer trong nghiên cứu này mong đợi người hỗ trợ cần biết tiếng Khmer. Điều này, có thể giúp họ có thể dễ dàng trong việc trao đổi thông tin, thể hiện nhu cầu của bản thân một cách tốt nhất. Điều này, càng quan trọng hơn đối với nhóm người lớn tuổi và mới đến Bình Dương. Qua kết quả phân tích, cho thấy cần quan tâm hơn đến nhóm mới đến Bình Dương và nếu như người hỗ trợ mà có thể giao tiếp được bằng tiếng Khmer là điều rất tốt cho việc hỗ trợ.

Tiểu kết chương 3

Chương 3 trình bày về thực trạng hỗ trợ sinh kế và các yếu tố ảnh hưởng đến hỗ trợ sinh kế đối với người lao động Khmer nhập cư. Về các nguồn vốn sinh kế, có thể thấy đa phần họ đều dựa vào sức khỏe để có thể kiếm được việc làm và chủ yếu là những công việc giản đơn, nặng nhọc. Về mức lương, cho thấy có sự tương đồng với mức lương trung bình của công nhân đang làm việc ở Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều biến động về giá cả thì sự mất cân đối về chi tiêu là một trong những vấn đề mà họ phải đối diện.

Đối với thực trạng hỗ trợ sinh kế, kết quả nghiên cứu cho thấy trong bốn loại hình hỗ trợ liên quan đến sinh kế thì hỗ trợ tâm lý là hoạt động mà người lao động Khmer nhập cư tiếp cận nhiều nhất với vai trò của gia đình. Trong khi đó, hoạt động hỗ trợ tăng cường mạng lưới xã hội thì tỷ lệ lao động Khmer tiếp nhận được là thấp. Ở hoạt động hỗ trợ việc làm, vai trò của hệ thống đồng hương – thân tộc là nổi bật nhất. Cuối cùng, mặc dù các đoàn thể xã hội cũng có cố gắng trong việc thiết kế các hoạt động hỗ trợ người lao động Khmer nhập cư với các mô hình chi hội thanh niên công nhân nhà trọ hay chi hội nữ công nhân Khmer ở các khu trọ và cũng cố gắng duy trì sinh hoạt định kỳ nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi.

Ở phần phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ sinh kế, kết quả nghiên cứu khẳng định tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng của đồng hương đối với hỗ trợ sinh kế và có thể coi đây là nguồn vốn xã hội gần như là quan trọng nhất mà họ đang có. Ngoài ra, thời gian ở Bình Dương cũng là yếu tố có ảnh hưởng theo hướng thời gian càng ngắn thì có nhiều khả năng nhận hỗ trợ hơn nhất là trong hỗ trợ về mặt thông tin. Chính vì thế, trong các hoạt động hỗ trợ sinh kế, cần quan tâm đến nhóm mới đến và nên dựa vào hệ thống đồng hương để có thể nắm bắt, tâm tư nguyện vọng và từ đó thiết kế các hoạt động hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của người lao động Khmer nhập cư.

Chương 4

ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG TRONG HỖ TRỢ SINH KẾ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG KHMER NHẬP CƯ

TẠI BÌNH DƯƠNG

4.1. Sự cần thiết của ứng dụng phương pháp Phát triển cộng đồng

Về cơ sở lịch sử, việc triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng là rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Bởi lẽ, người Việt Nam có truyền thống đùm bọc, thương yêu nhau. Ở điều 294 Bộ luật Hồng Đức quy định những người gặp hoàn cảnh khó khăn, không có người để nương tựa thì quan chức địa phương và người dân nơi đó phải có trách nhiệm giúp đỡ họ: “Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may kẻ ấy chết thì trình quan trên, liệu bề chôn cất, không được để hài cốt phơi bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị biếm hay bị bãi chức…”.

Hay theo Điều 605 quy định về cách ứng xử khi gặp trẻ em đi lạc : “Nếu ai bắt được trẻ con đi lạc thì phải báo quan làm bằng chứng thật, có ai đến nhận thì được lấy tiền nuôi dưỡng (mỗi tháng 5 tiền), trái luật không cho người ta nhận con thì xử tội nhẹ hơn tội quyến rũ một bậc”. Trường hợp kẻ nào “làm chuyện ngược ngạo (lượm trẻ lạc về, không nuôi còn hành hạ) để đến nỗi con người ta chết thì đánh 80 trượng, đền 5 quan tiền nhân mạng cho cha mẹ đứa trẻ chết”.

Ngay cả việc xử lý đối với người dân tộc phạm tội cũng được xem xét, áp dụng phong tục tập quán của họ và có xu hướng ít nghiêm khắc hơn người thường như tại Điều 40 có quy định: “Những người miền thượng du (miền núi) cùng phạm tội với nhau thì theo phong tục xứ ấy mà định tội. Những người thượng du phạm tội với người trung châu (vùng đồng bằng) thì theo luật mà định tội”.

Truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được kế thừa và quy định trong các bộ luật hiện thời như Bộ luật lao động (2012) hay Luật Việc làm (2015) đều có những điều khoản quy định dành cho đối tượng là người lao động thiểu số như điều 8 trong Bộ luật lao động nghiêm cấm việc phân biệt đối xử người lao động về dân tộc hay điều 12 quy định: “Nhà nước phải Có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách

khuyến khích để người lao động tự tạo việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc ít người để giải quyết việc làm”.

Về kết quả nghiên cứu thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng, cho thấy để có thể hỗ trợ sinh kế đối với lao động Khmer nhập cư từ thực tiễn Bình Dương cần phải dựa vào các nguồn vốn xã hội mà trong đó hệ thống đồng hương là vô cùng quan trọng. Điều này cũng gợi ý là các hoạt động CTXH hỗ trợ đối với người lao động Khmer nhập cư nên dựa vào cộng đồng mà họ đang tạm trú với hệ thống đồng hương có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của họ.

Về cơ sở thực tiễn, có thể xem những người lao động Khmer nhập cư đang sinh sống tại khu trọ 30/4 ở đường Bình Hòa là một cộng đồng nhỏ khi có đầy đủ các đặc điểm của một cộng đồng khi có thời gian trên 10 năm sống chung với nhau tại một địa bàn địa lý cụ thể và có sự duy trì bản sắc văn hóa riêng thông qua các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, các thành viên luôn có ý thức cộng đồng, có sự gắn kết và chia sẻ với nhau tạo thành tính cố kết cộng đồng với vai trò nổi bật của hệ thống thân tộc và đồng hương.

Ngoài ra, khu trọ cũng có chi hội thanh niên công nhân trực thuộc sự quản lý của Đoàn phường Bình Hòa – Thị xã Thuận An nên có thể kết hợp và vận dụng nguồn lực của hệ thống Đoàn Thanh niên trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, một điểm thuận lợi là địa bàn triển khai hoạt động hỗ trợ cũng là địa bàn thực tập phát triển cộng đồng của sinh viên chương trình CTXH của trường Đại học Thủ Dầu Một nên người dân cũng quen với các hoạt động trong tiến trình phát triển cộng đồng.

4.2. Khái niệm cộng đồng và phát triển cộng đồng

4.2.1. Khái niệm cộng đồng

Thuật ngữ “cộng đồng” vốn bắt nguồn từ gốc tiếng Latin là “cummunitas”, với nghĩa là toàn bộ tín đồ của một tôn giáo hay toàn bộ những người đi theo một thủ lĩnh nào đó [20]. Có thể thấy, khái niệm cộng đồng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ Khoa học Tự nhiên đến Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong từng lĩnh vực khác nhau, cộng đồng được tiếp cận và định nghĩa theo những cách khác nhau.

Trong lĩnh vực xã hội học, cộng đồng được nhà xã hội học người Đức Ferdinand Toennies nêu ra trong công trình “Gemeinchaft und Gesellschaft” (Cộng đồng và hiệp hội) xuất bản lần đầu tiên tại Leipzig vào năm 1887. Theo Toennies, cộng đồng là thế giới của những quan hệ gần gũi, tình cảm, mặt đối mặt, gắn với nơi chốn, vị thế xã hội quy gán và một cộng đồng thuần nhất và được điều tiết còn xã hội thì gắn với đô thị, đời sống công nghiệp, di động, hỗn tạp và phi nhân cách cộng đồng là một thực thể xã hội có độ gắn kết và bền vững hơn so với hiệp hội hay xã hội), bởi “cộng đồng” được đặc trưng bởi “sự đồng thuận về ý chí” của các thành viên của cộng đồng. Theo ông, cấu trúc cộng đồng có những đặc trưng sau: thứ nhất, về tính quan hệ xã hội mang tính chất tinh thần, thân thiện. Thứ hai, là tính bền vững theo nghĩa là tính cộng đồng phải được khẳng định qua dòng chảy của lịch sử. Thứ ba, tính cộng đồng khi được xét bởi các vị thế xã hội gán nhãn và cuối cùng tính cộng đồng lấy quan hệ dòng họ làm quan niệm cơ bản và mang cả hai đặc trưng: dòng họ là huyết thống và dòng họ trở thành khuôn mẫu văn hóa của sinh hoạt cộng đồng [21].

Trong kinh tế học, Robert Putnam cho rằng “cộng đồng” như là một loại “vốn xã hội” (social capital). Theo đó, cộng đồng được tạo từ tinh thần gắn kết và sự hình thành các mạng lưới xã hội (social networks), trong đó từng người cảm thấy yên tâm, an toàn khi họ ở trong cộng đồng, trong mạng lưới và do đó sẵn sàng đóng góp, hy sinh vì cộng đồng, bảo vệ lợi ích của cộng đồng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Trong tâm lý học, khi bàn về cộng đồng, các nhà nghiên cứu thường quan tâm đến ý thức cộng đồng (sense of community) và coi đây là yếu tố trọng nhất tạo nên sức bền cố kết nội tại (internal cohesion) của cộng đồng. Bốn yếu tố sau đây chính là cơ sở của ý thức cộng đồng: 1) tư cách thành viên (membership); 2) ảnh hưởng (influence); 3) sự hội nhập và sự đáp ứng các yêu cầu (integration and fulfillment of needs) và 4) sự gắn bó, chia sẻ tình cảm (shared emotional connection).

Trong lĩnh vực Công tác xã hội, Warren cho rằng cộng đồng là một phức hợp của những đơn vị và hệ thống xã hội thực hiện những chức năng xã hội chính yếu

liên quan đến việc những nhu cầu của người dân ở cấp độ địa phương.[20] Ở Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh (2002) cho rằng cộng đồng được hình thành bởi ba yếu tố là con người, môi trường và mối tương tác. Con người bao gồm các đặc điểm như họ tộc, dân tộc, ngôn ngữ. Môi trường gồm môi trường sinh thái và môi trường xã hội, đây là nơi để con người có thể trao đổi thông tin và tương tác qua lại lẫn nhau. Các tương tác của con người trong cộng đồng với nhau và với môi trường của mình để chia sẻ những quan tâm, lợi ích chung, bao gồm nguồn sống, thu nhập, nghề nghiệp và sở thích.

Tóm lại, có nhiều cách hiểu khác nhau về cộng đồng. Tuy nhiên, khi bàn về cộng đồng thì có những điểm tương đồng như sau:

- Là tập hợp của một số đông người sống cùng địa bàn, có bản sắc/bản thể riêng;

- Thành viên có sự gắn kết với cộng đồng và với các thành viên khác trong cộng đồng;

- Có nhiều yếu tố tạo nên bản sắc cộng đồng nhưng quan trọng nhất là ý thức cộng đồng;

- Mỗi cộng đồng đều có những biểu hiện bên ngoài để nhận biết và có những quy tắc, chế định hoạt động và ứng xử chung của cộng đồng.

Từ việc tổng hợp và phân tích ở trên, trong luận án này cộng đồng được hiểu là một tập thể có tổ chức, bao gồm các cá nhân con người sống chung trên một địa bàn nhất định, chia sẻ chung những đặc tính xã hội hoặc sinh học. Cộng đồng thường được đặc trưng bởi bản sắc riêng được hình thành dựa trên sự đồng thuận về ý chí, tình cảm niềm tin và ý thức thuộc về.

4.2.2. Khái niệm phát triển cộng đồng

Thuật ngữ “phát triển cộng đồng” (Community development) được sử dụng vào năm 1938 bởi Hội truyền giáo quốc tế (International Missionary Council). Trong đó, hội đã xác định phương pháp, trọng điểm và những nguyên tắc trong phát triển cộng đồng mà nội dung của nó vẫn còn có ý nghĩa cho đến ngày nay. Lịch sử phát triển cộng đồng còn được tính từ cột mốc Lịch sử của phát triển cộng đồng xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX ở Ghana, những người Anh đã giúp

người dân cải thiện đời sống bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương [73]. Đến năm 1950, Liên hiệp quốc đã công nhận khái niệm phát triển cộng đồng và khuyến khích các quốc gia sử dụng như là một công cụ để thực hiện các chương trình phát triển.

Phát triển cộng đồng theo Liên hiệp quốc (1956) là “những tiến trình qua đó nỗ lực của dân chúng kết hợp với nỗ lực của chính quyền để cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá của các cộng đồng và giúp các cộng đồng này hội nhập và đồng thời đóng góp vào đời sống quốc gia” [74].

Thập niên 1960 – 1970 được coi là thập kỷ phát triển thứ nhất của phát triển cộng đồng. Kết quả lượng giá giai đoạn này cho thấy nếu tiến hành một cách ồ ạt theo phong trào và mang tính áp đặt từ trên xuống sẽ không mang lại hiệu quả một cách thực chất và bền vững. Chính vì thế, khái niệm phát triển cộng đồng về sau đã đề cập nhiều hơn đến tính tự chủ và phát huy năng lực của người dân để đáp ứng nhu cầu của chính họ như Nguyễn Thị Oanh đã định nghĩa như sau: “phát triển cộng đồng là một tiến trình làm chuyển biến cộng đồng nghèo, thiếu tự tin thành cộng đồng tự lực thông qua việc giáo dục gây nhận thức về tình hình, vấn đề hiện tại của họ, phát huy các khả năng và tài nguyên sẵn có, tổ chức các hoạt động tự giúp, bồi dưỡng và củng cố tổ chức, và tiến tới tự lực, phát triển” [74].

Ở một khía cạnh khác, tác giả Bhattacharyya (2004) cho rằng một khái niệm phát triển cộng đồng phải thỏa mãn hai điều kiện. Đầu tiên, nó phải có sự khác biệt trong mục đích và phương pháp luận của nó so với các ngành khác. Thứ hai, nó phải có tính phổ quát trong phạm vi: nó phải được áp dụng cho tất cả các loại hình xã hội, thành thị cũng như nông thôn, hậu công nghiệp cũng như tiền công nghiệp, cho dân người định cư cũng như người du cư [92]. Từ đó, tác giả đưa ra định nghĩa như sau:

Phát triển cộng đồng phải là một tiến trình với những mục đích và phương pháp đặc thù nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề của cộng đồng trong mối tương tác với các hệ thống khác từ địa phương đến quốc gia và bối cảnh toàn cầu hóa. Mục đích của phát triển cộng đồng là thúc đẩy sự đoàn kết và sự tương tác của các tác nhân (agency) có liên quan để giải quyết các vấn đề của cộng đồng [92].

Như vậy, Phát triển cộng đồng là một phương pháp của công tác xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng nguyên tắc, kỹ năng và tiến trình của công tác xã hội. Phát triển cộng đồng xuất phát từ nhu cầu của người dân và để giải quyết các vấn đề của cộng đồng, người dân phải được tham gia, đoàn kết một cách chặt chẽ với nhau. Mặt khác cần phải có sự phối hợp giữa người dân với các tổ chức xã hội và giữa các tổ chức xã hội cũng phải có sự tương tác để tạo nên nguồn lực tổng hợp nhằm thúc đẩy cộng đồng phát triển.

4.3. Nguyên tắc và tiến trình trong phát triển cộng đồng

4.3.1. Nguyên tắc trong phát triển cộng đồng

Từ các tài liệu đã tổng hợp, tựu trung lại, phát triển cộng đồng dựa trên nguyên tắc là phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của cộng đồng/ của người dân. Khi tiến hành hoạt động phát triển cộng đồng, người dân trong cộng đồng được tham gia và ra quyết định cho những vấn đề của cộng đồng mình dựa trên việc phát huy tối đa nội lực của cộng đồng. Tác viên cộng đồng phải tin vào khả năng cộng đồng/ người dân sẽ thay đổi tích cực và dân chủ bàn bạc với cộng đồng. Mặt khác, tác viên cộng đồng có thể hỗ trợ kết nối với các nguồn lực bên ngoài và mở rộng các hình thức hợp tác. Tuy nhiên, luôn phải tuân thủ theo tiến trình và phương pháp tiếp cận đặc thù.

4.3.2. Tiến trình Phát triển cộng đồng

Tiến trình phát triển cộng đồng thường liên quan đến yếu tố thời gian và việc thay đổi tích cực của cộng đồng. Đây là môt quá trình được xem là khá phức tạp và khó khăn trong việc thực hiện can thiệp bằng hình thức đồng tham gia. Theo đó, tiến trình này thường gồm các bước sau [20]

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn cộng đồng và tiếp cận cộng đồng;

Bước 2: Thiết lập mối quan hệ với cộng đồng và xây dựng nhóm nòng cốt. Trong giai đoạn này cần xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương và cộng đồng dự định tiến hành hoạt động Phát triển cộng đồng. Thông báo và xin ý kiến của người dân và hoạt động phát triển cộng đồng. Từ đó, mời gọi những thành viên tích cực, thực lòng muốn thay đổi cộng đồng của mình một cách tích cực hơn để thành lập nhóm nòng cốt;

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/07/2022