xao động lại lộ ra chính những khi đó. Lòng ông đã yên tĩnh sao ông vẫn băn khoăn: ―Tiếng dế vì ai mà rầu rĩ mãi?‖ (Sơn vũ). Ông bảo từ nay ông ―không lo lắng gì‖ (Diên Hựu tự) nhưng sao ông lại ―tiếc cảnh xuân không có chủ, thơ không có nguồn thơ‖ và buồn khi thấy ―mấy cây hoa buồn trước gió xuân‖ (Thử Bảo Khánh tự bích gian đề) và cớ gì ông phải ―mượn tứ xuân an ủi ông già ốm yếu‖ (Mai hoa) và như dằn dỗi: ―quên mình, quên đời, quên tất cả‖ (Cúc hoa)…Tuy nhiên khi đã đạt đạo rồi thì Huyền Quang cũng như các thiền sư khác có thể sống thật theo đúng bản thân con người mình (bản lai diện mục), không câu nệ vào bất cứ giáo điều hay qui ước nào cả. Không phải là thiền sư thiền định để đạt Tâm không-đối cảnh vô tâm- thế mà lại hữu tâm thì sao gọi là thiền, vậy phải chăng Huyền Quang thi sĩ chỉ là giả thiền, phần con người nhà nho vẫn còn đậm?
Sự “hữu tâm” ở Huyền Quang
Chúng ta đều biết Huyền Quang xuất thân học nho như nhiều thiền sư khác. Bởi thế, con người thiền sư không nhất thiết là không được xúc cảm, không được buồn thậm chí không được sống một cảnh đời bình thường. Trái lại, ở Huyền Quang thi sĩ-thiền sư nhiều khi ―con người vô ý‖ lại gắn với hình ảnh của tự nhiên giản dị mà rất đời thường:
Củi tàn, thôi chẳng thắp thêm hương, Miệng đáp gia đồng hỏi mấy chương. Bận bịu cho ai cười chế lão,
Liền tay ống thổi với mo nang. (Địa lô tức sự)
Qua bài thơ hiện lên hình ảnh một ông già bình dị, cởi mở vừa làm những công việc lao động chân tay lặt vặt của đời sống thường nhật như: nhóm bếp, thổi lửa vừa trò chuyện với trẻ con chứ không phải một thiền sư suốt ngày lo tụng kinh niệm Phật.
Do đó ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi Huyền Quang bày tỏ nỗi xúc động về cảnh thương tâm đối với tên giặc bị bắt:
Chích máu thành thư muốn gửi đưa, Rẽ mấy biên tái nhạn bơ vơ,
Mấy nhà buồn ngắm trăng đêm vắng,
Xa cách lòng chung một đợi chờ. (Ai phù lỗ)
Có thể bạn quan tâm!
- Giới Thuyết Chung Về Vấn Đề Nghiên Cứu
- Đường Lối Thiền Tông Và Quan Niệm Về Ngôn Từ Của Thiền Tông
- Nhân Vật Thiền Sư Huyền Quang Tự Biểu Hiện Qua Thơ Thiền-Kệ
- Nhân Vật Thiền Sư Huyền Quang Trong “Tam Tổ Thực Lục”
- Cách Nhìn Của Giới Thế Tục Về Sự Chân Tu Của Huyền Quang
- Thi Pháp Thể Hiện Nhân Vật Thiền Sư Huyền Quang Trong “Tổ Gia Thực Lục”
Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.
Phật giáo nói về ―từ bi, hỷ xả‖. Từ bi tức là thương xót, nên sự thương cảm với tên lính giặc cũng là để thể hiện tư tưởng này chăng?
Ta cũng không ngạc nhiên nếu như trong thơ ông nhiều khi vẫn còn phảng phất giọng điệu cảm khái trước nhân tình thế thái ―giàu sang như mây nổi‖ (Tặng sĩ đồ đệ tử) hay hồi tưởng về quá khứ dân tộc (Qua Vạn Kiếp) giống thơ nhà nho vì trước khi trở thành thiền sư Huyền Quang là nhà nho và bâygiờ đắc đạo rồi thì ông hoàn toàn có thể mượn những cách nói của nhà nho để nói về Thiền. Bởi có nhà
nghiên cứu đã nhận xét về Huyền Quang như sau: ―Huyền Quang xuất hiện như một ẩn sĩ Nho gia, một Phật tử thoát tục hơn một đạo sĩ tiêu dao…Huyền Quang là thiền sư đậm Nho hơn Đạo‖[18; tr.462]. Ta hãy lắng lòng để cùng Huyền Quang thưởng thức hoà mình với thiên nhiên trong niềm an nhiên tự tại của cuộc sống thiền định qua những áng thi thiền như: Trú miên, Đề động hiên đàn việt giả sơn…
So sánh Huyền Quang với một thiền sư xuất hiện trước như Viên Chiếu (999-1090) càng thấy rõ sự biến chuyển rõ rệt trong tinh thần nhập thế. Viên Chiếu là Thiền sư hiểu sâu Thiền học, theo dòng Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang, chủ trương tam giáo đồng nguyên, các lời thuyết pháp của ông mang rõ nét của các ―công án‖ thiền Trung Quốc. Đây là những câu thơ-kệ thiền sư trả lời môn đệ in đậm hình thức công án: ―Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu/Xuân ấm về oanh náu đầu cành‖; ―Xuyên rặng trúc, còi theo gió tới/Vượt bờ tường núi đội trăng sang‖…Đến Huyền Quang dường như công án đã mờ nhạt. Huyền Quang thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, tinh thần nhập thế rất mạnh. Thơ Huyền Quang có những ảnh hưởng pha trộn với thơ thiên nhiên nhà nho. Huyền Quang xuất thân học Nho rồi theo Phật, nên tính chất nhập thế đã đậm nét hơn rất nhiều.
Trạng thái thiền định như trên của Huyền Quang cũng là điểm gặp gỡ đối với những thiền sư khác như Tịnh Không (Trí nhân vô ngộ đạo), Trần Thái Tông (Tùy cơ hành động), Tuệ Trung (Ngẫu tác, Phóng cuồng ngâm), Trần Thánh Tông (Tự thuật), Trần Nhân Tông (Xuân vãn)…
Có thể nói với những quan niệm trên của Huyền Quang, Tịnh Không, Tuệ Trung, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,…các tác giả thơ thiền vẫn là con người ―thế gian‖, con người của đạo trong đời, đắc đạo giữa cuộc đời. Một Ni sư đời Đường (Trung Quốc) cũng đã từng nói về quá trình ngộ nào của bản thân thế này: ―Tìm hoài đâu thấy bóng xuân sang/Giày thơm dạo khắp đỉnh mây ngàn/Trở về chợt ngửi mùi hương mai ngát/Xuân ở đầu cành đã chứa chan‖ (Tìm mai). Chẳng phải Đàn kinh đã chép rằng ―giác ngộ đạo phật tại thế gian chứ không phải ngoài thế gian. Tìm giác ngộ ở ngoài thế gian cũng giống như tìm sừng con thỏ. Kiến giải đúng đắn về tu hành là thế gian. Loại trừ hết thảy kiến giải đúng đắn cũng như sai lầm thì giác ngộ sẽ tự nhiên đến‖. Đời và Đạo giống như ―bông sen mọc trong bùn‖, khi cứ hồn nhiên mà nghĩ ―chẳng phải đời cũng chẳng phải đạo‖ cũng như không ―bùn‖, không phải ―hoa sen‖ thì con người đã đắc đạo rồi. Cứ ―tùy tục‖ mà ứng xử với Đời và Đạo thì ắt đời tìm thấy đạo và đạo lại gặp đời:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Cư trần lạc đạo- Trần Nhân Tông)
(Sống giữa cõi trần, tùy duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn có của báu, đừng tìm đâu khác. Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì chẳng cần hỏi thiền là gì).
Bốn câu thơ trên của Trần Nhân Tông có lẽ đã gói ghém đủ cả tư tưởng ―hòa quang đồng trần‖, ―cư trần lạc đạo‖ của thơ thiền Lí- Trần. Và tư tưởng này đã tạo nên một vẻ đẹp nổi bật của con người thiền sư Lí- Trần, đó là tinh thần dấn thân nhập thế làm chính trị, góp phần tạo nên cái gọi là ―hào khí Đông A‖ của một thời oai hùng.
2.2.2. Thi pháp miêu tả nhân vật Huyền Quang trong Thơ Thiền
Thi pháp tả nhân vật Huyền Quang qua thơ-kệ của chính ông được chúng tôi khai thác ở phương diện ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật thơ ca bởi vì đây là yếu tố thể hiện rõ nhất nghệ thuật khắc hoạ chân dung tự hoạ của thiền sư. Trước khi đi vào tìm hiểu thi pháp miêu tả nhân vật Huyền Quang chúng tôi sẽ khái quát về đặc điểm ẩn dụ trong thơ thiền cũng như đặc điểm chung của ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật trong thơ thiền Lí- Trần vì đây là những cơ sở giúp cho việc phân tích thi pháp nhân vật thiền sư Huyền Quang qua thơ-kệ.
2.2.2.1. Đặc điểm của ẩn dụ trong thơ thiền
Khái niệm ẩn dụ:
Ẩn dụ thực chất là so sánh ngầm, trong đó vế so sánh giản lược đi chỉ còn lại vế được so sánh. Ta biết rằng so sánh là một thao tác tư duy theo quan hệ liên tưởng: đối chiếu A và B để tìm ra những đặc trưng của A. Các yếu tố của một cấu trúc so sánh đã được xác định như sau:
A a x B
(cái được so sánh) (thuộc tính) (từ được so sánh) (cái so sánh)
So sánh logic đòi hỏi cái so sánh và cái được so sánh phải cùng loại. Ngược lại trong so sánh tu từ, cái so sánh và cái được so sánh phải khác loại. Sự khác biệt giữa A và B tạo nên những bất ngờ trong cấu trúc so sánh. Hiệu quả diễn đạt, hiệu quả thẩm mĩ nảy sinh từ chính mối liên tưởng bất ngờ đó.
Trong ẩn dụ thì B ẩn đi chỉ còn lại A. Và ẩn dụ chính là phương thức chuyển nghĩa của A thay cho B khi A và B có một nét nghĩa tương đồng nào đó. Như vậy, ẩn dụ là một kiểu tư duy mang tính trí tuệ và gợi ra trường liên tưởng phong phú mang hiệu quả diễn đạt và thẩm mĩ hết sức độc đáo và thú vị. Có lẽ bởi vậy mà nó đã trở thành một phương thức diễn đạt không thể thiếu trong văn học Phương Đông từ xưa đến nay trong đó có thơ Thiền.
Đặc điểm của ẩn dụ trong thơ Thiền:
Ngôn ngữ thơ Thiền trước hết mang nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật trung đại Phương Đông mà một trong những đặc trưng cơ bản là tính hàm súc. Tính chất này qui định theo nó những biện pháp nghệ thuật tương hợp là tượng trưng, ẩn dụ và điển cố. Điều này có
cơ sở sâu xa từ đặc thù của tư duy và triết học cũng như mĩ học Phương Đông. Triết học Phương Đông là triết học của nguyên lí ‗vạn vật nhất thể‖ trong đó con người là một phần của thiên nhiên. Đối với Phương Đông thiên nhiên là hình bóng của con người, nói về thiên nhiên là đi vào chiều sâu của tâm hồn mình, từ thiên nhiên, vạn vật mà hiểu rõ con người, cuộc sống. Đặc trưng thẩm mĩ của thi ca Phương Đông là nghệ thuật ―biểu diễn cái không lời‖ (―ngôn vô ngôn‖ như Lão Tử nói hay ―thính hồ vô thanh‖ nói theo Trang Tử). Do đó cần tiết kiệm ngôn từ đến mức tối đa và nói cốt để khơi gợi hơn là tham vọng diễn tả trọn vẹn đối tượng. Thơ Thiền chịu ảnh hưởng sâu xa yếu chỉ triết lí ―trực chỉ nhân tâm‖ nên càng có có xu hướng đạt đến mức cao nhất của tính hàm súc, đồng thời tính gợi mở.
Bởi thế phương thức biểu đạt chính trong Thơ Thiền nói chung và thơ Thiền Lí-Trần VN nói riêng là cách nói ẩn dụ, ngụ ý để gợi sự trực cảm nơi người đọc. Nhà thơ Thiền ít khi trình bầy trực tiếp, rõ ràng và đầy đủ về chân lí, về những vấn đề tu thiền cho người đọc thấu hiểu bằng lí trí. Họ quan niệm tất cả sự hiển ngôn dù cố gắng đến đâu vẫn không vượt qua được sự hữu hạn của ngôn ngữ tương đối, không thể nào diễn tả trọn vẹn được chân lí tuyệt đối mà chỉ làm chân lí sai lệch đi. Nhiệm vụ của thiền gia không phải là áp đặt sự hiểu biết của mình cho người khác mà chỉ hướng dẫn, khơi gợi sao cho người khác tự lĩnh hội được chân lí. Chính tôn chỉ ―tâm truyền‖ này đã qui định cách biểu đạt phổ biến trong thơ thiền đó là Ẩn dụ. Theo thống kê của Đoàn Thị Thu Vân thì trong số 192 bài thơ Thiền Lí-Trần thì có tới 108 bài thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ (chiếm tới 60%). Còn theo thống kê của chúng tôi trong 164 bài thơ Thiền Đường-Tống Trung Hoa [147, 148] thì có hơn một nửa số bài là sử dụng ẩn dụ (chiếm 50%)…Do đó có thể nói ẩn dụ mặc nhiên đã được công nhận là cách diễn đạt thích đáng nhất trong thơ Thiền. Nó được nhiều người dùng và bởi thế có xu hướng trở thành những điển cố, ước lệ. Có thể tìm thấy trong thơ Thiền Lí-Trần VN hay Đường-Tống Trung Hoa rất nhiều những ẩn dụ quen thuộc như: gia, gia hương (nhà, quê hương đó là nơi ban đầu, nguồn cội của mỗi người, chỉ bản thể, tâm tự tại); Minh châu, bảo ngọc (của quý, của báu chỉ Phật tính trong mỗi người); bản lai diện mục, nương sinh diện (chỉ cái tâm nguyên thuỷ); liên phát lô trung (hoa sen nở trong lò, chỉ cái chân tâm của người đạt đạo bền vững thường tồn, không sợ thử thách), Trường An lộ (con đường tới Tràng An, chỉ con đường tới chân lí)…
Với quan niệm ―dĩ tâm truyền tâm‖, ―vô ngôn đốn ngộ‖ nhưng tại sao thiền sư lại sáng tác thơ ca (các bài kệ có hình thức thơ ca) như vậy? Tiêu Lệ Hoa giải thích đây là tự giác văn học [20, 21]. Vấn đề là Thiền tông chủ trương không lập văn tự, không dùng các khái niệm để thuyết giảng
mà phải dùng hình ảnh, ngụ ngôn để tác động vào kinh nghiệm trực giác của người nghe/đọc, từ đó ngộ ra chân lý. Theo Nguyễn Đăng Thục ―cái tinh thần ―dĩ tâm truyền tâm‖ đặc biệt của Thiền học ấy đã được minh chứng bằng sự tích lịch sử điển hình trong Phật giáo Á Đông, mà Quốc sư Thông Biện Việt Nam đời Lí đã kể lại cho Hoàng Thái Hậu Thánh Cảm Linh Nhân như sau:
―Khi Phật sắp vào Niết Bàn, e rằng người đời mắc vào lỗi lầm và khiên trệ, nên có bảo Văn Thù: Ta dòng dã 49 năm chưa từng thuyết một chữ nào. Lại bảo ta có thuyết gì chăng? Nhân tiện tay cầm cành hoa giơ lên, mọi người đều không hiểu. Chỉ có Ca Diếp (Mahkasiapa) tôn giả nhếch mép cười. Phật biết ông hội ý tâm hợp mới đem Chánh Pháp Nhãn Tạng truyền cho. Đấy là Tổ thứ nhất. Vì thế mới gọi là ―Tâm tông truyền riêng ngoài giáo lí. Giáo ngoại biệt truyền chi tâm tông dã‖. (Đại Nam Truyền Đăng tập lục). Chính đây là sự yên lặng hùng biện của đức Phật Thích Ca‖ [160; tr.18]. Như vậy tư tưởng Tâm tông của Thiền tông đã được trình bầy cô đọng trong công án ―niêm hoa vi tiếu‖. Chủ trương này dẫn đến chỗ hình tượng của thơ thiền rất sâu sắc, nhiều khi khó hiểu, giàu chất thơ, nhưng dù thế nào thì các hình tượng thiên nhiên cũng được dùng để thuyết giảng đạo lý thiền chứ không đơn giản là nói lên tình yêu thiên nhiên. Người Trung Quốc nói Thiền tông là sự Trung Quốc hóa Phật giáo Ấn Độ mà sự Trung Quốc hóa này lại được biểu hiện đậm nhất là ở sự Thi hóa Phật giáo. Bản chất Thiền tông được người Trung Quốc coi là triết học tôn giáo được thi hóa. Chẳng hạn, bài thơ Thường cư vật ngoại (Thường ở ngoài vật) của thiền sư Đâu Suất Tùng Duyệt đời Tống đã thông qua mô tả những hình tượng: vị tăng già trên núi, mục đồng trên lưng trâu, cao nhân nằm thong dong trên đá để biểu đạt sự thể ngộ thật tướng chân như của thiền sự: ―Ngoài vòng thế tục sống qua ngày/Vắt vẻo lưng trâu tiếng sáo bay/Mục khúc tự yên non tự biếc/Lòng này chẳng để mây trắng bay‖. Bài Phong Tiêu Tiêu Hề Mộc Diệp Phi (Gió hiu hiu chừ lá động lay) của Hối Đường Tổ Tâm cũng đời Tống đã mượn những hình ảnh ẩn dụ từ thiên nhiên để biểu đạt ý nghĩa trở về nhà: ―Gió hiu hiu chừ lá động bay/Chim nhạn chẳng về không tăm hơi/Một khúc hoàn lương đâu ai thổi/Mặc ta đánh phách gõ nhịp hoài”…Hay các kinh điển thường lấy hoa làm biểu tượng để ẩn dụ Phật tính có lẽ chính vì xuất phát từ điển cố ―Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu‖ như trên.
Trên đây là những giới thuyết cơ bản trong quan niệm về các diễn ngôn của Thiền Tông. Từ những diễn ngôn đó ta hiểu được đặc điểm ẩn dụ trong thơ thiền. Đây là cơ sở giúp ta sẽ khám phá con người thiền sư Huyền Quang qua thơ cũng như phương pháp tu tập của ông. Huyền Quang được biết đến là một tác giả thơ thiền lớn thời Trần chính bởi những bài thơ-kệ của ông không chỉ diễn tả những tư tưởng, triết lí nhà Phật mà quan trọng hơn phần lớn là bày tỏ cảm xúc mang màu sắc, ý vị thiền trước thiên nhiên, cuộc sống, con người với nhiều hình ảnh, ngôn từ thi vị.
2.2.2.2. Một vài đặc điểm chung của ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật trong thơ thiền Lí-Trần.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về văn học Phật giáo thì thơ thiền đời Lí và thơ đời Trần đều bao gồm hai bộ phận: thơ thiền thiên về triết lí và thơ thiền thiên về trữ tình. Thơ thiền thiên về triết lí thường là các bài kệ trực tiếp luận bàn về các vấn đề lớn của Phật giáo như sinh, lão, bệnh, tử, sắc thân, thực tướng, hữu vô, phật, pháp, tăng, tâm, vật, phàm, thánh, giới, định tuệ…Bộ phận này chiếm tỉ lệ lớn trong toàn bộ thơ thiền. Theo thống kê của Nguyễn Phạm Hùng: ―xét trong thơ thiền đời Lí, thì bộ phận này là 139 đơn vị tác phẩm trên tổng số 148 đơn vị tác phẩm, chiếm 94%; ở đời Trần nó gồm 182 đơn vị tác phẩm trên 257 đơn vị tác phẩm, chiếm 70%” [54; tr.47]. Bộ phận thứ hai tuy ít hơn nhiều nhưng lại có giá trị văn học. Cũng theo Nguyễn Phạm Hùng “bộ phận này chiếm tỉ lệ thấp trong toàn bộ thơ thiền: 6% ở đời Lí, 30% ở đời Trần‖ [54; tr.49].
Tuy sự phân định trên đây chỉ mang tính tương đối nhưng khi đọc thơ thiền chúng tôi rút ra nhận xét chung như sau: với bộ phận thơ thiên về triết lí thì ngôn ngữ sử dụng chủ yếu là ngôn ngữ mang chức năng tôn giáo, lớp từ ngữ thuộc phạm trù phật giáo, điển cố, điển tích, hình ảnh gắn với nhà Phật. Còn bộ phận thơ thiên về trữ tình ngôn ngữ sử dụng giàu tính văn học hơn, không trực tiếp sử dụng các từ ngữ nhà Phật, các hình ảnh, điển cố, điển tích Phật giáo…Ngoài ra cả hai bộ phận này cũng thường sử dụng các biện pháp tu từ như tượng trưng, ước lệ, ẩn dụ, so sánh…và cách tổ chức ngôn từ như đảo trang, đối ngẫu, tỉnh lược để diễn đạt tinh thần thiền, cảm xúc thiền, tư tưởng thiền.
Các tác giả thơ thiền thường xuyên sử dụng các khái niệm, phạm trù mang triết lí thiền và mĩ học thiền. Trước hết là lớp từ ngữ mang ý nghĩa thực như Tâm, Ngộ- Liễu- Giác, Hữu Vô, Hữu Không, Tính, Tịch…Theo thống kê của Đoàn Thị Thu Vân khi bàn về ngôn ngữ trong thơ thiền Lí- Trần thì trong tổng số 192 bài thơ mà tác giả khảo sát, tần số xuất hiện của các loại từ này như sau: Tâm (40 lần), Ngộ- Liễu- Giác (21 lần), Hữu Vô, Hữu Không (16 lần), Sắc Không (9 lần), Chân như (8 lần), Tướng (8 lần), Duyên (8 lần), Bồ đề (6 lần), Niết Bàn (5 lần), Sinh diệt, sinh tử (6 lần), Chân huyễn (5 lần)… như thế đủ thấy sự khu biệt rất rõ của thơ thiền so với các loại thơ khác. Nó cũng cho thấy cả tính loại biệt về tác giả và độc giả thơ thiền. Tác giả thơ thiền tất phải là các thiền sư và người am hiểu về đạo Phật. Còn độc giả chủ yếu, ban đầu của thơ thiền là giới tu hành, tăng chúng, các đồ đệ cầu học đạo; sau đó là những người yêu mến, ngưỡng mộ đạo, muốn nhận thức về đạo.
Bên cạnh loại từ vựng mang ý nghĩa thực còn loại ẩn dụ từ vựng. Loại này tần số xuất hiện ít hơn nhưng làm cho câu thơ thiền trở lên hàm súc, sinh động hơn. Những ẩn dụ từ
vựng thường được nhắc đến trong thơ thiền Lí- Trần là: bản lai diện mục, bản lai thân (7 lần); Tứ đại, tứ xà (4 lần); Nhị kiến (3 lần); Ngũ nhãn (2 lần); Thạch hổ (2 lần); Tam độc (2 lần); Lục tặc (2 lần); Thạch hổ (2 lần); Tào khê (5 lần); Tây lai ý (3 lần); Nê ngưu (3 lần)… Đây cũng là những hình ảnh gắn với Phật giáo nhưng nó giàu ý nghĩa biểu đạt hơn. Chẳng hạn, khi nói ―nê ngưu‖ (trâu bùn) thì chỉ việc con người vì mê lầm mà đánh mất chân tâm. Nói ―thạch hổ‖ (hổ đá) là chỉ những vọng kiến, vọng thức làm lầm lạc con người. Còn ―tào khê‖ chỉ cội nguồn của tông phái thiền. ―Tây lai ý‖ chỉ ý hỏi về yếu chỉ của đạo thiền…vv.
Sử dụng ngôn ngữ thơ ca nói chung để diễn tả các hiện tượng của đời sống, của thiên nhiên, của tâm trạng con người mới là nét đặc sắc của thơ thiền Lí-Trần. Và Huyền Quang thi sĩ là một trong số ít ỏi tác giả đã có nhiều sáng tác như vậy.
2.2.2.3. Ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật trong thơ-kệ của thiền sư Huyền Quang
Huyền Quang được xem là vị đại biểu ưu tú nhất của dòng thơ Thiền thiên về trữ tình của Việt Nam. Thơ ông kết hợp hài hoà giữa những rung cảm cá nhân với tư tưởng Thiền học. Ông không mấy khi trực tiếp phát biểu, chứng minh, giải thích cho Thiền lí bằng những ngôn ngữ nhà Phật, mà thường bộc lộ những tâm sự, cảm xúc, rung động trực tiếp trước cuộc đời với những ngôn từ mang đặc trưng của thi ca nghệ thuật nói chung. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 24 bài thơ của Huyền Quang thì chỉ có khoảng 6 bài (chiếm 25%) là có sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang ý nghĩa Phật giáo (tạm gọi là thơ triết lí). Đó là năm bài thơ nhắc tới tên chùa-không gian lui về ở ẩn của nhà sư: Nhân có việc đề ở chùa Cứu Lan, Ở Am núi Yên Tử, Hoạ bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh, Đề chùa Đạm Thuỷ; Diên Hựu tự và bài Tặng những con em trên đường sĩ hoạn, Nhà đá. Còn lại 75% là những bài thơ sử dụng hình ảnh thi liệu từ thiên nhiên gần gũi với thơ thế tục (tạm gọi là thơ trữ tình). Nhưng cũng phải nói rằng trong 6 bài thơ triết lí trên thì đi vào nội dung cũng chỉ có hai bài trực tiếp đề cập đến các phạm trù kinh điển của Phật giáo như quan niệm về thị phi trong thái độ ―vô phân biệt‖ trong bài Diên Hựu tự:
Muôn duyên chẳng vướng xa trần tục, Một mảy nào lo: rộng nhãn quan.
Thấu hiểu thị phi đều thế cả,
Dầu ma, dầu Phật chốn nào hơn? (Chùa Diên Hựu)
Huyền Quang diễn đạt tư tưởng ―bất nhị‖ rất rõ ràng: thị phi (phải trái) bình đẳng như nhau. Nếu như không còn vương vấn vạn duyên, tường chùa ngăn cách cõi tục; không còn một chút ưu phiền thì mới có thể phóng tầm mắt ra xa. Và khi đã hiểu được thị phi đều như
nhau thì cung ma hay nước Phật cũng đều tốt như nhau. Tuy rằng tư tưởng này đã thể hiện trong tiền bối khi họ viết ―phàm thánh như nhau‖ (Tuệ Trung), ―Ma cung Phật quốc‖ (Trần Nhân Tông) song nói toạc ra một cách táo bạo và triệt để như thế thì chỉ có ở Huyền Quang.
Hay những lời khuyên răn sĩ đồ, đệ tử về phương pháp tu hành ―giữa thiên nhiên‖ trong bài Tặng sĩ đồ, đệ tử:
Giàu sang đến chậm như mây nổi, Năm tháng trôi vèo tựa nước sa. Rừng suối chi bằng về ẩn quách, Gió thông một sập, chén đầy trà.
―Giàu sang‖, danh vọng là những thứ dễ khiến cho người ta lầm lạc, đánh mất chân tâm, tự tính. Xã hội là nơi thân xác, hình hài con người chịu mệt mỏi cho cuộc tranh đua bất tận vì các giá trị vật chất, nói như Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn triều đình thì tranh nhau về danh, ở chốn chợ búa thì tranh nhau về lợi, hay như Nguyễn Công Trứ cảm khái ―cái hình hài làm thiệt cái thân‖. Do đó để ―thân hết luỵ nên thân nhẹ‖ và để tâm quét sạch mọi bụi trần thì chỉ có cách tìm đến với thiên nhiên, chan hoà với thế giới thiên nhiên. Đó là con đường tu luyện giúp Huyền Quang đạt Đạo và ông muốn đem kinh nghiệm ấy truyền dạy cho học trò.
Chiếm tỉ lệ áp đảo trong thế giới thi thiền của Huyền Quang là những bài thơ sử dụng thi liệu, điển cố trong văn học trung đại nói chung và những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống.
Về thi liệu: Thiền sư sử dụng những hình tượng quen thuộc trong thi học như Mây, núi (rừng), trăng, hoa, sông (nước, suối), chim, mùa thu…Trong đó thì mây xuất hiện 3 lần, gió:4 lần, trăng: 4 lần, chim: 3 lần, sông (suối): 5 lần, mùa thu: 5 lần, nhiều nhất là núi (rừng) được nhắc tới gần 10 lần và hoa gần 20 lần. Như chúng tôi đã phân tích ở phần chân dung tự hoạ của thiền sư Huyền Quang thì tất cả những hình tượng thiên nhiên trên đều là những ẩn dụ để tác giả diễn tả những ngụ ý thiền và nội tâm nhàn tịnh của thi tăng. Về phương diện thi pháp này thì Huyền Quang có điểm gặp gỡ và khá gần gũi với những thi tăng Đường Tống bên Trung Hoa. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 164 bài thơ thiền Đường Tống [147, 148] thì thấy tần số xuất hiện của những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật có sẵn trong quan niệm, trong sách vở trên như sau: mây: 30 lần, gió: 34 lần, trăng: 36 lần, hoa: 40 lần, núi (rừng): 60 lần, sông (suối): 30 lần, mùa thu: 20 lần…Tất cả những điều này cho thấy: các thơ thiền luôn có ý thức dùng thiên nhiên làm những biểu tượng ẩn dụ cho những quan niệm về con người thiền sư, nói về thiên nhiên là đi vào chiều sâu tâm hồn mình, từ thiên nhiên mà hiểu sâu con người, cuộc sống.