Thi Pháp Thể Hiện Hình Tượng Hoàng Đế Lê Thánh Tông Trong Thơ

bảo rằng: “Phàm Trung Hoa đối với Man Di, cũng như người thân có bốn chân tay, vận động co duỗi là tuỳ ở lòng người, chon nên bảo lòng là chủ. Nếu ở một tay hay một chân mà mạch máu ngừng trệ, gân cốt không yên, thì lấy thuốc thang để chữa, mà thấy công hiệu thì lại châm cứu cho đến khỏi, không phải là không biết thuốc thang đắng miệng, mà châm chích cho thủng da đâu, chỉ vì tốn ít mà ích nhiều. Người làm chủ thiên hạ cũng giống như thế. Cho nên Thái Tổ hoàng đế ta nhận ngôi của nhà Chu nhường, đổi quốc hiệu là Tống, thanh minh văn vật, biến đổi theo xưa, ở ngôi của đế vương, xem bệnh của người Man Mạch, cho nên năm thứ 1 thứ 2 thì thuốc thang cho các đất Kinh, Thục, Tương, Đàm; năm thứ 3 thứ 4 thì châm cứu cho các đất Quảng, Việt, Ngô, Sở, gân cốt và mạch máu đã có vẻ hơi khá, không phải là thần cơ trí tuệ của vương giả mà làm được như thế ư? Đến khi ta nối giữ nghiệp lớn, thân coi như chính sự, cho đất Phần, đất Tinh là bệnh ở trong bụng, nếu chưa chữa khỏi bệnh trong lòng bụng thì chữa sao được bệnh ở bốn chân tay. Bấy giờ mới luyện thuốc thang bằng nhân nghĩa, soạn đồ châm cứu bằng đạo đức, đem chữa bệnh cho đất Phần, đất Tinh, chỉ chữa một lần mà khỏi. Nay chín châu bốn biển đã khoẻ mạnh và yên ổn, duy còn Giao Châu của người, xa ở cuối trời, thực là ở ngoài năm cõi mà là chỗ thừa của bốn chân tay, ví như một ngón chân tay của thân thể người, tuy rằng một ngón bị đau, thánh nhân lại không nghĩ đến hay sao? Vì thế cần mở lòng ngu tối của ngươi để được thấm nhuần thánh giáo của ta, người có theo không?...‖[75; tr.134-135]. Ta thấy lời lẽ của vua nhà Tống rất ngạo mạn, xem các nước nhỏ như ―chân tay‖ thậm chí coi Đại Việt ta chỉ như ―chỗ thừa của bốn chân tay‖ và cần mở ―lòng ngu tối‖. Khi giặc Minh xâm lược nước ta chúng cũng tuyên bố là đạo quân nhân nghĩa, điếu dân phạt tội, hiếu sinh. Lê Thánh Tông cũng học cách diễn ngôn này để tỏ rõ uy quyền với Chiêm Thành, Ai Lao. Đọc các bản chiếu đánh Chiêm Thành, Bồn Man, Ai Lao của hoàng đế thứ tư nhà hậu Lê trong Đại Việt sử kí toàn thư cũng thấy giọng điệu tương đồng. Chẳng hạn:

Canh Dần, Hồng Đức năm thứ 1 (1470)…ngày mồng 6 vua xuống chiếu thân đi đánh Chiêm Thành…chiếu rằng: “Xưa Thái Tổ Cao Hoàng đế ta dẹp yên loạn lạc, gây dựng nước nhà, Thái Tôn Văn hoàng đế ta kính trời thương dân, nói chí theo việc, nước lớn quý mến, nước nhỏ sợ hãi, bên trong sửa sang, bên ngoài đánh dẹp. Những người mặc xiêm cỏ búi tóc dùi cũng phải trèo núi mà sang, vượt biển mà đến. Muôn nơi mến đức, tám cõi phục uy. Nguy xuẩn thay Chiêm Thành, thập thò trong hang thỏ! Như loài ong độc, được nuôi rồi đốt lại, như giống cầm thú ăn no thì quên ơn. Kẻ vô đạo lừng khừng, hạng tiểu trí luẩn quẩn. Tiếng xấu đồn khắp, quên mình không đất chôn vùi, lòng ác ngấm ngầm, còn nghĩ bắn trời làm kế (…) Ta thể lòng thượng đế, nói chí vua cha. Giết kẻ thù chín đời theo nghĩa Xuân Thu, định mưu kế trọn vẹn cho yên nhà nước. Cứu triệu dân khỏi khổ treo ngược, dẹp nước loạn trái đạo lâu năm…‖[75; tr.655-656]…

Nhìn chung, cái nhìn của Lê Thánh Tông đối với Chiêm Thành và các dân tộc khác là sự mô phỏng cách nhìn của hoàng đế Trung Hoa- nội Hạ ngoại Di-xem mình là trung tâm vũ trụ. Với quan điểm đó Lê Thánh Tông có thể tự tin, tự hào xem những hành động chinh phạt, trừng phạt của mình là hoàn toán chính đáng, hợp lòng người và lòng trời, đúng nhân nghĩa.

Tóm lại, với cái nhìn từ bên trong thông qua bức chân dung tự hoạ ta thấy trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Lê Thánh Tông là hoàng đế trăn trở nhiều nhất về ―đạo làm vua‖ - đến ―cả trong mơ còn thức‖ về những điều đã làm, phải làm trên cương vị người đứng đầu đất nước: Vạn khoảnh thanh thanh thị hạ điền/Tế dân đương dĩ thực vi thiên/Thôn đầu tam lưỡng nông phu đáo/Giai vị kim niên thắng tích niên (Lúa chiêm muôn khoảnh xanh xanh/Nuôi dân phải lấy chuyện ăn làm đầu/Mé thôn mấy cụ bảo nhau/Rằng so năm ngoái hoa màu nay hơn). Để Nam thiên vạn cổ sơn hà tại, không được quên bài học an dân từ Hưng Đạo vương: Hoàn hoàn Hưng Đạo an dân tích/Giản sách lưu phương vạn cổ đàm (Nghỉ lại ở Vạn Kiếp); từ Ức Trai: Dân là nước chừ vua là thuyền/Nước dìm thuyền chừ nước chở thuyền (Lam Sơn Lương thủy phú). Dù trong con người ông, không phải không có điểm mâu thuẫn như qua bài thơ viết về Dương Quý Phi, nhân vật được vua Đường Minh Hoàng sủng ái bên đất Trung Hoa, từng là ―nguyên nhân‖ chính gây nên loạn An Lộc Sơn, Lê Thánh Tông đã nêu cao ý thức ―cảnh giác‖ của bản thân về ―tửu sắc‖…ấy thế nhưng về cuối đời, ông lại ―nhiều phi tần quá, nên mắc phải bệnh nặng‖ (Vũ Quỳnh) - thậm chí Trần Quốc Vượng, một sử gia thời hiện đại còn khẳng định ông mắc bệnh giang mai (?) [172; tr.768] - thì trên thực tế, nếu loại trừ yếu tố bản năng (con người tự nhiên), những suy nghĩ, cái nhìn ―từ bên trong‖ của Thiên Nam động chủ ở tư thế một hoàng đế (con người xã hội) hoàn toàn thống nhất, phù hợp với những hành động ông đã làm. Cái tôi của ông trong thơ vì thế còn có thiên hướng bình luận, giáo huấn đạo đức Nho giáo, muốn trình diễn một quan niệm về mẫu hoàng đế cần có những phẩm chất tốt đẹp nhất về nội trị, về ngoại giao, về giáo dục đạo đức và sự tự tu dưỡng. Vua Minh Mạng sau này có hỏi quần thần so sánh mình với Lê Thánh Tông xem ai hơn, tức là có ý xem Lê Thánh Tông rất xứng đáng với sự trông mong từ Nho giáo và bách tính. Nhân dân có lẽ cũng không trông mong gì hơn ở một vị vua như thế: chăm dân từ trong giấc ngủ, khuya sớm chuyên cần (Lòng vì thiên hạ những sơ âu); thấu hiểu sự vất vả phía sau cái chợp mắt lúc ban trưa: Phất phất lương phong nghi ngọ mộng/Hạ huề lao khổ vị tằng tri (Gió hiu hiu mát người êm giấc/Nỗi khổ nhà nông dễ có hay?); dân được mùa - no ấm vẫn sợ ―nghĩa nhân ban xuống chưa tròn‖; luôn biết ―gìn chí cũ‖, ―giữ lòng thành‖, ―lo nước, kính trời‖, ―tôn đức, chí tình‖… Ông là người được lịch sử ―chọn‖ và đã ―hoàn thành‖ xuất sắc sứ mệnh của mình.

4.4. Thi pháp thể hiện hình tượng hoàng đế Lê Thánh Tông trong thơ

Thi pháp thể hiện hoàng đế trong thơ Lê Thánh Tông là thi pháp miêu tả nhân vật theo mô hình thánh nhân quân tử, cụ thể là mẫu hình hoàng đế. Do đó Luận án bước đầu chọn triển khai phương diện về ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật với mục đích nhận diện rõ và sâu hơn những diễn ngôn về Đức và đường lối chính trị của đế vương Việt Nam trong thời kì cực thịnh của Nho giáo.

Chúng ta đều biết ngôn ngữ văn học chủ yếu trong thơ nhà Nho giai đoạn đầu vừa là ngôn ngữ ngoại nhập, ngôn ngữ sách vở ảnh hưởng từ nền văn hóa Hán. (Bao gồm: từ Hán-Việt; điển cố, thi liệu Hán học) vừa là ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ đời sống (Bao gồm: lớp từ thuần Việt, ngôn ngữ VHDG và thành phần ngôn ngữ đời sống). Ngôn ngữ ngoại nhập xuất hiện ở tất cả sáng tác của các tác giả cuối thể kỉ XIV và cả hai tác giả thế kỉ XV là Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông. Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ đời sống ở hai nhà thơ lớn ở ở thế kỉ XV vì sáng tác của họ có cả thơ Nôm. Còn hình tượng nghệ thuật chủ yếu bao hàm nội dung: những hình ảnh cụ thể, cảm tính, đồng thời là những ước lệ nghệ thuật phản ánh bản chất đối tượng miêu tả, khái quát hoá đối tượng miêu tả. Tức là sẽ có hệ thống hình tượng được tạo nên bởi những ước lệ nghệ thuật có sẵn trong quan niệm, trong sách vở và có hệ thống hình tượng được tạo nên từ chính bản thân đời sống.

Trở lên, tìm hiểu ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật trong thơ Lê Thánh Tông chúng tôi chủ yếu tập trung vào hai phương diện cơ bản là: 1. hệ thống ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật biểu đạt những tư tưởng chính trị, những quan niệm của Nho giáo; 2. hệ thống ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật biểu đạt cho quan niệm về Đức của đế vương.

4.4.1. Hệ thống ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật biểu đạt những tư tưởng chính trị, quan niệm của Nho giáo

Đề tài, ngôn ngữ, hình tượng thơ Lê Thánh Tông khá phong phú nhưng tất cả đều thể hiện rất rõ tư tưởng Nho giáo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.

Trước hết, chùm thơ trong ―Thiên địa môn‖ như Nguyên đán, Xuân, Hạ, Thu, Đông, Nguyệt, Tân Nguyệt…đã thể hiện được sự biến dịch của tạo hóa theo quyluật vận hành trong Chu Dịch – bộ kinh lớn nhất trong kinh điển Nho gia: ―Một khí trời đắp đổi vần/Ba tháng đông lại ba tháng xuân/Sinh thành mọi vật đều tươi tốt/Đầm ấm nào ngày chẳng đượm nhuần‖ (Xuân – bài 5); ―Từ thuở Chu Minh chịu lệnh h è/Thừa lương đình vắng rạng bằng the/Ngày chầy đêm kíp sầu hồn bướm/Lá rụng hoa tàn động xác ve‖ (Hựu hạ). Lê Thánh Tông am tường lý màu nhiệm của tự nhiên: vơi rồi lại đầy, méo rồi lại tròn, nên ông viết: ―Méo ắt có khi tròn có thuở/Bốn mùa một tiết rạng khăng khăng(Tân Nguyệt)…

Đọc thơ Lê Thánh Tông một điều nữa dễ nhận ra là hệ thống ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật diễn tả những khái niệm chính trị theo quan niệm của Nho giáo. Bộ phận thứ nhất là ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật liên quan đến các diễn ngôn về vua, thiên tử, trời, mệnh trời, thiên mệnh. Theo thống kê của chúng tôi thì những từ trên được nhắc tới gần 30 lần và tuỳ từng trường hợp sẽ được định danh khác nhau. Chẳng hạn, với ―vua‖ thì chúng ta có những cách gọi: ngôi hoàng cực, chín trùng, quân vương, đế vương, chúa…và có khi là gắn luôn cả sự đánh giá: minh quân, thánh quân, vua hiền…Với ―trời‖ thì có lúc được gọi là thiên, thiên tâm, hoàng thiên, có lúc là trời, việc trời, lẽ trời, mệnh trời…và thái độ cũng rất rõ ràng: kính thiên. Việc liên tục nhắc đến hai cặp phạm trù vua, thiên tử và trời, mệnh trời cho thấy Lê Thánh Tông đã rất ý thức về vị trí, vai trò của bậc làm vua. Vua chính là con trời, được trời uỷ thác để cai trị thiên: ―Lòng vì thiên hạ những sơ âu/Thay việc trời dám trễ đâu”

Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV - 19

Bộ phận thứ hai là những ngôn từ, hình tượng nghệ thuật biểu đạt tư tưởng thân dân. Đây là bộ phận chiếm tỉ lệ tương đối cao trong thơ Lê Thánh Tông. Theo thống kê của Luận án thì có tới gần 60 bài thơ thể hiện cho tư tưởng này. Trong đó ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân trong hình dung của hoàng đế Lê Thánh Tông. Họ là nông phu, lao chúng, lê nguyên, thứ dân, dân lành, thương sinh…Và nhiệm vụ của đế vương chính là nuôi dân, điếu dân, mong cho dân có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc….Các bài thơ như Ba tiêu, Táo, Thừa Đang, Thiềm thừ, Cú, Thổ Vu, Bài thơ ngắm trăng tỏ chí…đã thông qua những hình tượng nghệ thuật bắt nguồn trực tiếp từ đời sống như cây chuối, cây khoai, cái bếp, cái rế, con cóc để nói về ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ, của đấng quân vương:

- Đành hay giống cố phù nước

Con cháu đời đời dõi đĩnh sinh (Ba tiêu)

- Điều vạc nhiều phen phù khoẻ nước Công danh choi chói dõi muôn đời (Táo)

- Miếu đường có thưở vang lừng tiếng

Giúp được dân lành kẻo nắng nôi (Thiềm thừ)

Làm vua theo quan niệm của Lê Thánh Tông trong bài Quân đạo là ―trên kính trời, dưới nuôi trăm họ‖, phải cần kiệm, biết dùng và coi trọng kẻ bầy tôi, phải thực thi nhân nghĩa: ―Đuốc ngọn soi thấu khắp chốn, biết rõ cảnh ấm rét của dân/Trong nước và các dân tộc láng giềng cùng vui sống ngày thanh bình‖. Điều này cũng đã được Thân Nhân Trung và Nguyễn Trọng Ý đề cao trong thơ Phong đăng:

- Công hiệu thịnh trị càng tốt đẹp, lòng càng thận trọng Lo việc dân, chăm việc nước, luôn luôn cố gắng

- Vũ trụ, tuy đã đến lúc thịnh trị tuyệt đỉnh,

Vẫn phải cố gắng lo toan cho muôn việc trị bình…

Những bài thơ như Tết Nguyên Đán, Vịnh cảnh mùa xuân, Nhất canh, Hạ thì, Chích trợ sơn, bài 3… lại mượn điển về xã hội Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn để nói đến mong ước cuộc sống hạnh phúc cho người dân:

Lê Thánh Tông cũng thường sử dụng điển cố, thi liệu Hán học. Theo thống kê của chúng tôi thì số lần dùng điển cố, thi liệu Hán học trong thơ Lê Thánh Tông là 48 lần. Có điều đặc biệt là Lê Thánh Tông ít dùng thi liệu Hán học hơn điển cố. Về thi liệu Hán học, ông chỉ trích một số câu trong Kinh Thi và hai lần sử dụng thơ của hai nhà thơ nổi tiếng là Đỗ Phủ, Âu Dương Tu (Chinh Tây kỷ hành thi tập, bài 10; Chinh Tây kỉ hành thi tập, bài 14). Còn việc sử dụng điển cố, phần lớn Lê Thánh Tông nhắc đến những danh Nho, những anh hùng, những nhân vật trong lịch sử hoặc dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Nhìn chung điển cố trong thơ Lê Thánh Tông được sử dụng chủ yếu trong hai trường hợp: Thứ nhất, để khẳng định phẩm chất kẻ sĩ quân tử, ông thường nhắc đến những vua sáng, tôi hiền như: Trương Lương, Hàn Tín, Hán Cao Tổ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…hoặc những con người có nhân cách trong sạch như Đào Tiềm, Khuất Nguyên; những ông tổ của Nho gia như Khổng Tử, Mạnh Tử…Thứ hai, để nêu cao lí tưởng về một xã hội thái bình, thịnh trị cũng như ca ngợi triều đại Lê Thánh Tông đang trị vì, tác giả dùng điển Nghiêu Thuấn như chúng tôi đã chỉ ra ở trên. Tư tưởng Nho giáo thể hiện rõ nhất trong việc sử dụng điển cố ở những bài thuộc Nhân đạo môn, Phẩm vật môn. Con người, thậm chí mọi sự vật trong thơ đều bị chi phối bởi quan điểm Nho giáo. Ngay đối với bản thân mình, Lê Thánh Tông luôn ý thức trách nhiệm của người làm vua trước muôn dân trong thiên hạ, trước vận mệnh đất nước. Qua bài thơ Tự thuật (bài 60), Lê Thánh Tông như quên đi bản thân mình: ở trên lo theo ―đạo trời‖, ở dưới ―chăm cho dân chúng‖. Con người của đạo lý ấy quên mất cái tôi, bản thân luôn lo tu dưỡng ―trống dời canh còn đọc sách‖ để ra sửa trị giúp thiên hạ có cuộc sống thanh bình theo trật tự lễ giáo: ―chiêng xế bóng chửa thôi chầu‖. Với cương vị của người đứng đầu thiên hạ, không gì vui hơn khi: ―Chín trùng chễm chễm ngôi hoàng cực/Năm phúc hây hây dưới thứ dân/Mây họp đền Nam chầu chực sớm/Bên tai dường mắng tiếng thiều quân‖ (Hựu Nguyên đán). Đó là thành quả của công tu dưỡng, giáo hóa tới muôn dân.

Khi đã ―an dân‖ thì mong muốn lớn của hoàng đế triều Lê chính là đưa đất nước đi theo con đường đức trị, văn trị. Ta thấy trong sáng tác của Lê Thánh Tông

chiếm tỉ lệ tuy không nhiều nhưng lại có ý nghĩa trong đường lối chính trị của vua chính là những ngôn từ, hình tượng biểu đạt cho những khái niệm đức trị, văn trị: ba lần ông nhắc tới từ ―tu văn‖ và một lần nhắc tới ―văn đức‖…; ngoài ra ông cũng nhắc tới thi nhân (3 lần), khách thơ, khách văn chương (5 lần) cũng nhằm nhấn mạnh, đề cao con đường văn trị. Bài thơ Văn nhân thi trong Quỳnh uyển cửu ca đã thông qua hình tượng người thi nhân và thi phẩm của họ Lê Thánh Tông đã lí tưởng hoá vai trò, sức mạnh của ―văn‖ đối với cuộc sống, lịch sử, đất nước, nhân dân:

Thư song sớm tối đọc chuyên cần, Điệu thức thanh cao, mới ý vần.

Cốt cách thần tiên, người cưỡi nguyệt, Ngôn từ gấm vóc, khách làng văn.

Hùng hồn chữ chữ bừng trời thẳm, Thần điệu câu câu khóc quỉ thần Tấc dạ trắng trong bằng ngọc quý, Ôn hoà lai láng bốn mùa xuân.

Bài thơ này chỉ có ý nói sự nhất quán giữa Tâm (cái chứa chất bên trong) và ngôn từ (cái thể hiện ra bên ngoài): lòng ông trong sáng như ngọc, ngôn từ đẹp như gấm vóc là để thể hiện trung thực tâm chí bên trong (người xưa sợ nhất là sự giả dối, nói thì hay nhưng tâm không sáng). Và khi đất nước đi theo con đường văn trị cũng nghĩa là dân sẽ được sống trong cảnh thanh bình:

- Bốn phương phẳng lặng kình bằng thóc

Thong thả kìa ai bủa lưới câu (Bạch Đằng giang)

- Ơn vua tiếng trẻ hát vang

Thái bình, cõi vắng, đất hoang cũng mừng (Nghỉ lại ở cửa biển Càn)

- Sửa đức tu văn lo bữa bữa

Bốn phương vui vẻ hưởng thanh bình (Văn Minh Cổ Xuý thi tập, bài 4)… Có lẽ bởi vậy mà đâu đó trong thơ Lê Thánh Tông ta bắt gặp cả tư tưởng vô vi

của Lão-Trang qua sự chan hoà của tâm hồn thi nhân với những hình tượng thiên nhiên như suối, núi đá, nhà sàn, cây xanh, trăng, gió mây…

Ngoài ra ta thấy rằng: thơ Nôm Lê Thánh Tông với những ngôn ngữ, hình tượng đậm chất Nho giáo cũng chỉ ra cho thấy những quy tắc ứng xử của Nho gia đã chi phối hành xử của mỗi cá nhân: ―đời dõi Nho tông‖, ―nối dòng thi Lễ‖, ―vua tôi đạo cả ở trên đầu‖…Lê Thánh Tông được xem là người đầu tiên dùng chữ Nôm làm thơ vịnh sử. Có lẽ ông ý thức đúng đắn về giá trị của Tiếng Việt khi làm thơ vịnh sử để tạo nên những tấm gương lịch sử dễ nhớ, dễ ghi. Những bài học ấy cũng chính là

những minh chứng cụ thể cho giềng mối đạo đức ―tam cương ngũ thường‖ của Nho gia: ―Cất quân nhân nghĩa yên đòi chốn/Lấy đức khoan hòa trị bốn phương/Chói lói gây nên công nghiệp Hán/Vì hay thâu đãi kẻ hiền lương‖ (Hựu Hán Cao Tổ); ―Thờ chúa, thờ chồng hết tấc thương/Một mình lọn đạo việc cương thường‖ (Mỵ Ê)…Những nguyên tắc giáo dục con trẻ của ông cũng thật sự nghiêm khắc: ―Đạo cha, đức mẹ chất tày non/Lấy thảo mà thờ ấy đạo con/Bú mớm chớ quên ơn cúc dục/Viếng han từng chữ thuở thần hôn‖ (Tử đạo)...Thơ vịnh vật là những bài thơ tác giả mượn sự vật để qua đó nói lên ý chí, thái độ sống và phẩm cách của con người theo nguyên tắc Khổng-Mạnh: ―Tiết cứng chẳng kinh sương tuyết bén/Tài cao dưỡng để miếu đường dùng‖ (Tùng thụ); ―Lòng không chẳng vả phô niềm tục/Khí cứng hằng thìn một tiết thanh‖ (Quân tử trúc)…

4.4.2. Hệ thống ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật biểu đạt cho quan niệm về Đức của đế vương

Như chúng tôi đã phân tích ở phần về hình tượng Lê Thánh Tông trong thơ thì cách nhìn về Đức ở hoàng đế là một quan niệm tiếp thu từ nền văn hoá Trung Hoa. Và để diễn đạt cho khái niệm, tư tưởng này Lê Thánh Tông đã sử dụng những ngôn từ, hình tượng một mặt khẳng định những giá trị hợp với đức hiếu sinh của trời đất, thiên tử; một mặt phê phán tất cả những biểu hiện được cho là đi ngược lại những giá trị tốt đẹp, chuẩn mực đó. Để ca ngợi Đức, nhà thơ thường nhắc tới những từ như đức cao xanh, hợp đức, tích công đức, bố đức, sửa đức, đức độ, nhân nghĩa, đức nhân, nhân đức…:

Tổ tiên tích công đức tựa biển rộng mênh mông

Cháu con hưởng hạnh phúc như Thái Sơn vững chãi (Văn Minh Cổ Xuý thi tập, 3)

Âm đức chính là cái đức tích ngấm ngầm, con cháu sẽ hưởng đức của cha ông. Và rõ nhất, tập trung nhất về việc ―ca công tụng đức‖ phải kể đến tập thơ Quỳnh uyển cửu ca được sáng tác vào năm 1494. Số là vào hồi ấy, khoảng những năm Sửu và Dần (1493-1494) có mấy hội được mùa liền. Lê Thánh Tông có phần đắc ý coi đó là một điềm lành của triều đại mình, vì có Đức nên trời cho được mùa. Ngay câu mở đầu của bài Được mùa, vua Lê đã nói rõ ý đó:

Việc bày tỏ đức độ, thi hành nhân nghĩa tin rằng chưa có thể, Hoàng thiên cho phúc được mùa liên tiếp…

Câu mở đầu bài Được mùa của Thân Nhân Trung cũng tán theo như vậy:

Đức của vua cảm kích đến trời có đủ năng lực linh diệu, Ngòi bút “lân” viết to mấy chữ “điềm lành Hồng Đức”…

Việc Lê Thánh Tông cũng như các văn thần trực tiếp nhắc tới khái niệm Đức trong những bài thơ xướng hoạ được mùa cho thấy một điều rằng: giai cấp phong kiến thống trị đã mượn việc được mùa để khẳng định đức độ nhà cầm quyền và nền chính trị vững vàng của họ. Bởi lẽ như chúng tôi đã nhắc đến, theo thuyết ―tương nhân tương cảm‖ trong văn hoá trung đại thì việc trời ban cho mùa màng bội thu chính là kết quả của việc vua chúa cai trị thiên hạ có Đức. Hay nói cách khác vì vua có Đức nên cảm được trời và trời ban cho mùa màng tươi tốt…Không phải bỗng nhiên mà vị chủ soái hội Tao Đàn đã phải ―Cúi lạy sơn thần xin nhuận vật/Hoà làm mưa ngọt được mùa to‖. Có lẽ bởi thế mà trong bài thơ Minh quân lương thần tuy vua Lê không trực tiếp nói đến Đức nhưng người đọc vẫn cảm thấy ánh lên màu hồng của lí tưởng về Đức.

Và muốn cho địa vị của mình vững vàng Lê Thánh Tông cũng hiểu rằng phải không ngừng ―trau đức sửa mình‖, không lúc nào được lơi là mất cảnh giác:

- Dân đen no ấm ứng vào triệu tốt,

Ngày đêm nghĩ ngợi lại càng nơm nớp. (Được mùa)

- …Trong yên lặng, ngoài vỗ về, đem sức kéo lại trời,

Vui sau lo trước: có cái lòng cứu đời… (Tiết của bề tôi)

Bên cạnh việc ca ngợi công đức của vua, thiên triều, thơ Lê Thánh Tông còn có một bộ phận phê phán những biểu hiện đi ngược lại giá trị của Đức. Đó là khi ông nhắc tới Chiêm Thành và bọn giặc dữ nơi biên giới. Với hàng loạt ngôn ngữ và hình ảnh cụ thể Lê Thánh Tông đã không ngần ngại gọi chúng với thái độ phân biệt mang đậm ảnh hưởng của quan niệm Hoa Di trong văn hoá Hán: bọn giặc Minh hung tàn (Châu Cơ thắng thưởng thi tập, bài 5), lũ hôi tanh nơi biên tây (Chinh tây kỉ hành thi tập, bài 1), lũ rợ Khiết Du (Chinh tây kỉ hành thi tập, bài 3), lũ giặc Khiết Du ngu xuẩn (Chinh tây kỉ hành thi tập, bài 5), Trà Toàn thất đức (Chinh tây kỉ hành thi tập, bài 7), lũ người xấu ở cõi tây bản chất cực kì xấu xa (Chinh tây kỉ hành, bài 10), Chiêm Thành cuồng bạo (Chinh tây kỉ hành, bài 19)…Theo Lê Thánh Tông những dân tộc nhỏ trên là những kẻ

―thất đức‖, ―hung tàn‖, ―xấu xa‖ chỉ là những kẻ man di mọi rợ nên trách nhiệm của vua và quần thần là phải đi đánh dẹp, phải khai hoá. Và trong thực tế Lê Thánh Tông đã nhiều lần đích thân cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng biên giới và đánh Chiêm Thành.

Ngoài việc sử dụng nhiều hệ thống ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật mang tính bác học thể hiện cho những vấn đề chính trị, đạo đức liên quan đến các khái niệm nho

Xem tất cả 190 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí