Biểu Hiện Của Cái Nhìn Về Đức Trong Thơ Lê Thánh Tông

hợp nhất‖ (Người và Trời là một thể). Đế Vương là người có những phẩm chất đặc biệt được Trời lựa chọn để uỷ nhiệm quyền lực cai quản thiên hạ, là người có khả năng liên thông với trời đất, thần linh vì có đức tương đồng với trời đất. Thượng thư, Đại Vũ mô nói về đức của vua Vũ: ―Duy đức động thiên‖ (Đức của vua Vũ làm Trời cảm động). Kinh Dịch: ―Đức tượng thiên địa viết đế‖ (Người có đức giống đức trời đất là đế). Trang Tử, Thiên địa: ―Đế vương chi đức phối thiên địa‖ (Đức của bậc đế vương sánh với trời đất)…Tư tưởng đức của đế vương sánh ngang với đức trời đất phản ánh quan niệm triết học vạn vật nhất thể, thiên nhân hợp nhất thời trung đại. Trời chỉ lựa chọn người có đức để cai quản, trị vì thiên hạ: ―Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ‖ (trời không thân với ai, chỉ giúp cho kẻ có đức. Thượng thư, Thái Trọng chi mệnh). Cách diễn ngôn này của Nho gia có ý nghĩa hai mặt: một mặt dùng thần quyền (uy lực của Trời) để hợp pháp hoá vương quyền, đế quyền- một kiểu diễn ngôn có lợi cho đế vương và triều đại thống trị; mặt khác, diễn ngôn lại hàm ý đòi hỏi cao đối với tu dưỡng đạo đức của chính đế vương- điều có lợi cho dân, thuộc về tư tưởng dân bản. Trời có ý chí và tình cảm, song vì trời sinh ra muôn dân nên trời quan tâm đến ý dân. Thiên tử phải tự giác tu dưỡng theo ý mà thiên ý lại là ý dân. Thượng Thư, Cao Dao mô: ―Thiên thông minh, tự ngã dân thông minh. Thiên minh uy, tự ngã dân minh uy‖ (Trời thông tỏ và sáng suốt thì dân cũng thông tỏ và sáng suốt. Trời thể hiện uy thế thì dân ta cũng thể hiện uy thế). Mạnh Tử dẫn Thượng Thư, Thái Thệ:

―Thiên tử tự ngã dân thị; Thiên thính tự ngã dân thính‖ (Trời nhìn điều dân ta nhìn; Trời nghe điều dân ta nghe). Ý trời cũng là ý dân. ―Dân chi sở dục, thiên tất lòng chi‖ (Điều mong muốn của dân trời tất theo). Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn Vũ mà được thiên hạ, là trời cho mà cũng là dân cho. Nếu người lãnh đạo thất đức, mất lòng dân, có thể bị trời rút lại sự lựa chọn đó. Sách Quốc ngữ, Tấn ngữ 6 chép: ―Duy hậu đức giả năng thụ đa phúc‖ (Chỉ người có nhiều đức mới có thể nhận được nhiều phúc). Và ―phú đức, phúc chi cơ dã, vô đức nhi phúc giáng, do vô cơ nhi hậu dong dã, kì hoại dã vô nhật hĩ‖ (Đức là nền móng của phúc, không có đức mà được giáng phúc khác nào không có móng mà xây tường dầy, việc sụp đổ là mau chóng).

4.3.1.2. Biểu hiện của cái nhìn về Đức trong thơ Lê Thánh Tông

Ca ngợi Đức:

Từ trước đến nay khi nói về nội dung thơ ca của Lê Thánh Tông các nhà nghiên cứu thường chỉ ra đặc điểm nổi bật là ―ca công tụng đức‖. Vậy cội nguồn của việc ca ngợi Đức ấy xuất

phát từ đâu? Và nó được biểu hiện thế nào trong sáng tác của ông? Khởi nguồn của cảm hứng ca ngợi Đức ấy chính là xuất phát từ sự ra đời của Hội tao đàn và tập thơ Quỳnh uyển cửu ca. Hội Tao Đàn là cách gọi đã thành thói quen của phần đông các nhà nghiên cứu xưa nay về một sinh hoạt văn học cung đình có nhiều tiếng vang cuối đời Hồng Đức - dưới sự chủ trì của Lê Thánh Tông. Sử cũ chép: Ất Mão năm thứ 26 (1495) - nhà Minh, năm Hoằng Trị thứ 8 - Làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca. Vua thấy hai năm Sửu và Dần các thứ lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điểm tốt, gồm có các bài về đạo làm vua, tiết làm tôi, vua sáng tôi giỏi, tưởng xa đến người anh hiền kỳ tài, cùng viết chân viết thảo, chơi đùa thành văn, nhân gọi là tập Quỳnh uyển cửu ca. Tất cả những đề tài trong các bài ca vịnh ấy đều nhằm vào một chủ đề: ca ngợi thái bình thịnh trị và Đức cai trị của Hoàng đế triều Lê. Đây là hình ảnh nhà vua chung vui với niềm vui mừng được mùa của người dân cũng như mong ước cho người dân được mùa màng tươi tốt:

Đức nhân ban bố đáng bao lăm, Giáng phúc trời cho lúa bội tăng. Đoan sĩ đường đường nên quý trọng,

Ngoan phu bướng bỉnh phép nghiêm minh. Hạ, Thương khuôn mẫu thường răn giới, Văn, Vũ điển chương vẫn phát tâm.

Dân chúng ấm no điềm thịnh hiện, Sớm khuya nơm nớp với chuyên cần.

(Quỳnh uyển cửu ca)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 190 trang tài liệu này.

Cần phải nói thêm là theo quan niệm của xã hội quân chủ phương Đông truyền thống, được mùa không chỉ là chuyện ―đồng quê vang rộn tiếng ca vui‖, đời sống người nông phu sẽ có một vài năm no đủ, yên ấm…mà cao hơn, thể hiện điều Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận từng xướng họa - rằng nhà vua vì có Đức lớn nên nhận được mệnh Trời và không hổ thẹn với Trời khi được ủy nhiệm việc ―hóa dân‖, ―chăm dân‖:

- Tiếp nối được trời, đức của nhà vua thật kỳ diệu toàn năng, Phúc lành ứng hợp, chính là chuyện mùa màng bội thu

Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV - 17

- Đời thịnh trị tột bậc sẵn có gió hòa, Điềm lành ứng luôn, thường hay mưa thuận.

Thóc lúa tích trữ chín năm, dự trữ trong nước dồi dào, Bốn bể bình yên, công nghiệp nhà vua thật lớn.

Hai vị văn thần hàng đầu của Lê Thánh Tông muốn khẳng định: Đức trị của nhà vua dồi dào đến mức kỳ diệu toàn năng, lay động cả trời đất - chuyện mùa màng bội thu kia chỉ là hệ quả tất yếu từ cái Đức của nhà vua mà thôi! Hay nói như Đổng Trọng Thư, giữa Trời - người đã có sự ―tương cảm‖ (thiên nhân tương cảm/thiên nhân tương dữ) và

Thiên chi sinh dân, phi vị vương dã, nhi thiên chi lập vương dĩ vị dân dã. Cố kỳ Đức túc dĩ an lạc dân giả, thiên dữ chi; kỳ Ác túc dĩ tàn hại dân giả, thiên đoạt chi (Trời sinh ra dân không phải vì vua, nhưng trời lập nên vua là vì dân vậy. Cho nên, vua có đủ ĐỨC thì dân an vui; vua ÁC thì dân bị tàn hại, trời sẽ lấy lại tất cả). Thời Lí, Quốc sư Viên Thông cũng từng chia sẻ với nhà vua (Lí Nhân Tông) về lẽ trị loạn rằng: ―Thiên hạ ví như món đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nguy, chỉ cốt ở ĐỨC nhà vua thực hành khác nhau mà thôi. ĐỨC hiếu sinh của nhà vua thấm nhuần đến nhân dân thì nhân dân yêu mến vua như cha mẹ, tôn kính vua như mặt trời mặt trăng, thế tức là đặt thiên hạ vào chỗ yên vậy (…) Việc trị loạn còn cần ở các quan, được lòng người thì trị an, mất lòng người thì loạn lạcCác bậc thánh vương đời xưa biết vậy nên bắt chước trời không ngừng sửa mình, bắt chước đất không ngừng tu ĐỨC để yên dân. Sửa mình thì trong lòng cẩn trọng như đi trên băng mỏng, yên dân thì kinh sợ như người cưỡi ngựa mà nắm dây cương mục nát” [160; tr.240]. Chẳng phải mỗi khi gặp phải thiên tai địch họa, mùa màng thất bát, nhà vua thường phải lập đàn tế trời, tự nhận mình tài hèn đức mỏng, mong được đấng cao xanh trên kia rủ lòng thương tới muôn dân trăm họ sao? Trong ý nghĩa ấy, lúc ―xứ xứ tức đao binh‖, toàn dân ―nở mặt mày‖, vua - tôi làm thơ xướng họa là cách giữ Đế quyền rất có… văn hóa mà mọi triều đại quân chủ cần hướng tới - không gì ý nghĩa hơn. Cho nên, khi làm thơ dâng lên Thái Tổ Cao Hoàng Đế, vị vua thứ tư nhà Hậu Lê bày tỏ sự tri ân sâu sắc với tổ tiên vì cái ƠN, cái ĐỨC các bậc tiền bối đã ―vun/gieo trồng‖ giúp hậu thế:

Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự, Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.

(Cháu nay Hồng Đức nhờ ơn trước, Cơ nghiệp Thành Chu vận nước dài).

(Quỳnh uyển cửu ca)

Tự khẳng định chế độ thịnh trị và tài đức bản thân vào năm nào ngẫu nhiên được mùa thực chất cũng là một cách khẳng định quân quyền tuyệt đối. Ngay từ thời Lí, các ông vua cũng đã thể hiện thái độ ―chia sẻ‖ chung vui với người dân vào năm được mùa, dĩ nhiên cũng ngầm khẳng định quyền uy của người lãnh đạo. Toàn thư chép về việc ân điển vua Lí Thái Tông ban cho nhân dân sau chuyến đi đánh thắng Chiêm Thành cũng là dịp dân được mùa lớn: ―Giáp Thân, năm thứ 3 (1044)…Mùa đông, tháng 11…Vua xuống Chiếu rằng: ―Đánh dẹp phương xa, tổn hại việc làm nông, ngờ đâu mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu nhân dân đã no đủ thì trẫm còn thiếu với ai? Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền tô thuế năm nay, để yên ủi sự khó nhọc lặn lội‖ [75; tr.188].

Sau này chúa Trịnh thường lặp lại mô hình về cách diễn ngôn tự ca ngợi của Lê Thánh Tông: gặt mùa, mừng được mùa là cách tự đề cao Đức vì có Đức mà trời phù hộ cho mùa màng bội thu. Ví như, Kỷ Hợi năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), ngày 24 tháng 6, chúa Trịnh đích thân làm bài thơ Thời vũ giáng, dân đại duyệt(tức Mưa xuống đúng lúc, dân rất hả hê) bằng chữ Nôm để họa với các triều thần. [69, tr.282-283]. Hay Nhâm Dần năm Bảo Thái thứ 3 (1722), tháng 9, chúa Trịnh ra chơi phía Tây thành [Thăng Long], xem xét việc gặt mùa. Bấy giờ được mùa, lúa tốt, chúa Trịnh đích thân đi xem, ban cho rượu thịt và đích thân làm bài thơ Phong niên thi(tức bài thơ tỏ nỗi vui mừng đối với năm được mùa) và một thiên “Phong niên vịnh” (tức bài vịnh về năm được mùa) để kỷ niệm. Bài “Phong niên thi” được viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật, còn bài “Phong niên vịnh” cũng được viết bằng chữ Hán nhưng dùng ―kiều dương cách‖ – một cách điệu từ khúc xưa [69; tr.313-320]. Đây là hai sáng tác khá hay và độc đáo của chúa Trịnh Cương. Cả hai bài đều thể hiện niềm hân hoan, hạnh phúc đối với năm được mùa.

Trau Đức:

Là Hoàng đế, Lê Thánh Tông hiểu rằng muốn cho muôn dân có được cuộc sống ấm no hạnh phúc tất phải có vị vua sáng, có nhiều người hiền tài gánh vác việc nước, chăn dắt muôn dân. Thấu hiểu điều này, Lê Thánh Tông một mặt không ngừng trau dồi, học hỏi, tu đức sửa mình để trở thành một hoàng đế anh minh một mặt không ngừng quan tâm, yêu chuộng người hiền, cổ vũ anh tài hăng hái tham gia triều chính. Lê Thánh Tông có lẽ là người đã nói đến nhiều nhất trong thơ trách nhiệm của bậc quân vương. Và qua thơ ca của Người ta thấy cái tôi Hoàng đế- nhà nho Lê Thánh Tông đã bộc lộ rõ nét cách nhìn về Đức của người lãnh đạo. Ông không chỉ ―yêu thương dân‖, ―kính trời‖, chăm lo cho ―đời thịnh‖…mà còn ham học hỏi kinh điển Trung Quốc với việc chăm đọc các sách như Tứ Thư, Ngũ Kinh, lịch sử…:

- Đạo lớn đế vương nghĩ đã tinh, Thương yêu dân chúng kính trời xanh. Tìm tòi kế sách xây đời thịnh

Bỏ hẳn chơi bời giữ nếp thanh. (Đạo làm vua)

- Tài trai gánh vác lên ngôi trọng

Đêm vắng mê say đọc sách vui. (Dừng lại ở núi Cổ Quý)

Khi đã xác định ―chính trị là ở chỗ an dân‖ và ―lo trước vui sau, là lòng giúp nước‖, con người nhà nho Lê Thánh Tông đã không ngừng rèn luyện bản thân để đưa đất nước đi lên theo con đường văn trị. Dù dân chúng sống ấm no nhưng nhà vua vẫn sớm khuya chăm chỉ chính sự, nơm nớp lo lắng vì nhà vua xác định rõ vì ―thay việc trời‖ nên không bao giờ

được trễ nải : ―Dân chúng ấm no điềm thịnh hiện/Sớm khuya nơm nớp với chuyên cần‖. Đặc biệt nhà vua rất ham đọc sách. Lúc nào cũng mong đọc rộng, đọc nhiều như Đỗ Phủ từng nói: ―làm trai phải đọc rộng đến năm xe sách‖ (Nam nhi tu độc ngũ xa thư); để có đủ tầm văn hóa điều hành đất nước. Chính Lê Thánh Tông đã tự bộc bạch:

Lòng vì thiên hạ những sơ âu, Thay việc trời dám trễ đâu Trống dời canh còn đọc sách

Chiêng xế bóng chửa thôi chầu (Tự thuật)

Và Lê Thánh Tông cũng như các bề tôi dẫu có thoả mãn với hiện thực đến mấy cũng luôn đề cao ý thức trách nhiệm của người cầm quyền với dân với nước (Thần tiết- Lê Thánh Tông; Phong đăng-Thân Nhân Trung; Phong đăng- Nguyễn Trọng Ý).

Thôi thúc mình. Chăm chỉ trau dồi, tu dưỡng, Lê Thánh Tông cũng luôn là người mong cho đất nước có được nhiều hiền tài. Bởi thế trong thơ ông nhiều lần ông nhắc đến những những nhân tài trong một niềm trân trọng. Chẳng hạn, những bài thơ ông làm viếng Trạng Nguyên Lương Thế Vinh và Nguyễn Trực (Viếng Trạng Nguyên họ Lương xã Cao Hương; Viếng Trạng Nguyên làng Nghĩa Bang).

Đặc biệt, Lê Thánh Tông đã đồng cảm được với bi kịch của thiên tài Ức Trai và minh oan cho ông: ―Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo‖. Chỉ riêng việc làm này thôi Lê Thánh Tông cũng đã chứng tỏ được sự anh minh và cái tầm của mình vì thế ông trở thành vị vua chiếm được nhiều cảm tình, sự yêu mến của người đời nhất.

Tự xem mình là người có đức độ và luôn biết cần mẫn, tu dưỡng đạo đức; chăm chú công việc của một đế vương Lê Thánh Tông thực sự đã tạo nên trong thơ hình ảnh mẫu mực về một mẫu hoàng đế lí tưởng trong mắt quân thần, dân chúng. Đây có lẽ là lí do khiến ta còn thấy cái tôi nhà nho trong thơ ông luôn có thiên hướng bình luận, giáo huấn đạo đức như về vấn đề đạo hiếu, vấn đề đạo đức người phụ nữ trong xã hội nam quyền.

Ông vua có hiếu:

Đọc thơ Lê Thánh Tông người ta ấn tượng nhiều bởi giọng thơ đầy tính khoa trương, một kiểu thơ đậm ý vị quan phương. Nhưng đâu đó ta vẫn bắt gặp những vần thơ bộc lộ tâm sự riêng của vị nhà nho- hoàng đế này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn đã nhận xét:

Trong tính chất xác hợp nhất, Lê Thánh Tông bộc lộ mình với tất cả sự siêng năng, bổn phận và trách nhiệm (…). Và dầu có quan phương đến đâu chăng nữa, thấp thoáng đâu đó vẫn thấy những suy cảm riêng tư ở con người Lê Thánh Tông‖ [30; tr.414-415]. Đọc những bài thơ của Lê Thánh Tông, chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên ở một điểm: Lê Thánh Tông

là một người mạnh mẽ, là người đứng đầu trăm họ, là một anh hùng nhưng lại có những tình cảm hết sức đời thường, riêng tư. Chẳng han như nỗi nhớ mẹ mỗi khi đi xa. Không chỉ một lần mà có tới bốn lần nhà thơ nhắc đến mẹ trong thơ:

- Biển dữ Chiêm Thành roi lấp cạn

Cung sâu Trường Lạc dạ mơ màng (Chinh Tây kỉ hành thi tập, bài 5)

- Mòn mỏi con mắt nhớ mẹ hiền xưa

(Ấy là) lúc ngồi nghe tiếng sóng vỗ ầm trong đêm. (Chinh Tây kỉ hành thi tập, bài 7)

- Nào có trong quân nguồn hứng lạ

Niềm mong từ mẫu lúc nào quên! (Chinh Tây kỉ hành thi tập, bài 11)

- Gió đưa giấc mơ bay về kinh đô

Trông về quê mẹ đường xa vời vợi. (Bài thơ ngắm trăng tỏ chí)

Ta như quên đi Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế oai phong lẫm liệt mà thấy ở đây một cậu bé Tư Thành có chút yếu mềm trong tình cảm. Chính điều này khiến Lê Thánh Tông gần chúng ta, đáng yêu hơn. Và nếu xét trong tổng thể con người hoàng đế ta vẫn thấy một sự thống nhất: Lê Thánh Tông luôn muốn tự trau dồi mình để trở thành một hình mẫu đẹp trong mắt quần thần, dân chúng. Khi vua nhớ mẹ, thương mẹ tức vua là người có hiếu, mà hiếu thường đi đôi với trung, bản thân vua giữ đạo hiếu là để khích lệ đạo trung-hiếu ở bầy tôi. Tự Đức sau này cũng tỏ ra rất có hiếu là vì vậy.

Ông vua có cái nhìn nam quyền:

Không chỉ nói về đạo hiếu để nêu gương, mà trong thơ của mình Lê Thánh Tông còn bộc lộ quan điểm bình giá đối với người phụ nữ. Trong quan niệm của một hoàng đế-nhà nho trong xã hội quân chủ chuyên chế Lê Thánh Tông có những cái nhìn mang đậm tư tưởng nam quyền về người phụ nữ: tất cả tiêu chí về sắc đẹp, các chuẩn mực hành vi của phụ nữ, cách đánh giá phụ nữ đều phải chịu sự chi phối của đạo đức Nho giáo.

Lê Thánh Tông là một nho quân trong giai đoạn cực thịnh của nho giáo. Những hình bóng giai nhân như Tây Thi, Vương Tường, Điêu Thuyền mà vua Lê nhắc đến không phải vì vẻ đẹp hình thức của họ mà có lẽ chính vì những sự hi sinh của họ dành cho triều đình, cho đất nước: ―Ca ngợi ả Tây lừng thuỷ quốc‖, ―Một thân vực được Hán giang hà”, “Gươm phấn quét không loài Đổng, Lữ/Dao vàng đem lại Hán sơn xuyên”…Do đó ta hiểu vì sao cũng nói về mĩ nhân nhưng khi nhắc tới người đẹp ―tu hoa‖ Dương Quý Phi thì thái độ của Lê Thánh Tông khác hẳn. Trong tập thơ Cổ tâm bách vịnh ông đã có cái nhìn khinh miệt, sợ hãi, xa lánh với Thái Chân, ông xem nàng là yêu ma đã mê hoặc Đường Huyền Tông, và vẽ lên cảnh tượng suy tàn đáng sợ do nàng gây ra:

Yêu khí lăng cung khuyết, Cao đường mộ vũ biên, Châu trầm ngọc toái hậu, Tiễu tiễu dạ như niên.

(Yêu khí nghi ngút khắp trong cung khuyết, Cung điện đắm chìm trong cơn mưa chiều, Sau buổi châu ngọc đắm chìm, tan nát ấy, Là đêm dài tịch mịch tựa cơn mưa chiều).

Từ trong thâm tâm hẳn đế vương nào cũng hơn một lần xác minh cho lời than thở của Khổng Tử ―ngô vi kiến hiếu đức như hiếu sắc giả‖ (ta chưa từng thấy ai đã ưa chuộng đức như ưa chuộng sắc cả); hẳn ai cũng mơ ước được sở hữu, thủ đắc cái ―sắc‖ ấy. Nếu không vậy thì sao Ngô Phù Sai có thể để mất nước vì mĩ nhân Tây Thi? Hay Triệu Phi Yến lại có thể làm loạn trong cung đình nhà Hán?...Ngay Đường Huyền Tông cũng vậy, dẫu biết Dương Ngọc Hoàn đã trở thành vợ của con trai và mình là bố chồng của nàng, cũng đã từng có suy nghĩ rằng ―Ngọc Hoàn đã là Hoàng phi tử, không thể chống lại thánh chỉ của ta thật nhưng việc chiếm đoạt mĩ nhân vẫn bị thiên hạ cho là vô sỉ. Ta thà chết chứ không thể làm như vậy‖. Song thực thế thì thế nào chúng ta đều quá rõ. Đường Huyền Tông không thể không chiếm đoạt nhan sắc của Dương Ngọc Hoàn vì sự mê đắm đã quá lớn.

Quan niệm trên của Lê Thánh Tông cho thấy một điều rất thực tế trong đời sống xã hội Việt Nam thời trung đại: các nhà nho thường xa lánh, hắt hủi người đẹp, xem người đẹp như nguyên nhân gây nên suy vong, sụp đổ của triều đại, bất hạnh và tai hoạ cho gia đình, đau khổ cho cá nhân. Ngay đến Nguyễn Trãi dẫu mê Thị Lộ, vẫn có bài thơ Nôm Răn sắc:

Sắc là giặc đam mà chi

Thuở trọng còn phòng có thuở suy Trụ mất quốc gia vì Đát Kỉ

Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi.

Trọng Đức hơn trọng Sắc là một thực tế đã từng kéo dài ở Trung Quốc và Việt Nam. Người ta đã nhìn hiện thực dưới dạng lộn ngược: lẽ ra phải lên án xã hội nam quyền mà Nho giáo bảo vệ, lẽ ra phải bênh vực những người phụ nữ đẹp thì người ta lại xem họ như ―vưu vật‖ luôn nhắc nhở phải xa lánh, hắt hủi hồng nhan. Vậy những người phụ nữ thực sự xứng đáng được các nhà nho ca ngợi phải là những người đáp ứng đúng những tiêu chuẩn đạo đức mà nho giáo đề ra. Và đấy là lí do ta hiểu tại sao Lê Thánh Tông dành những tình cảm yêu thương cho hai thân phận người phụ nữ bất hạnh là nàng Mỵ Ê và nàng Vũ Nương. Mỵ Ê là vợ chúa Chiêm Thành tên Sạ Đẩu. Sử nhà Lí

chép: năm Thiên cảm Thánh Vũ thứ nhất (1044) Lí Thái Tông đi đánh Chiêm, chém được Sạ Đẩu, tiến vào Phật Thệ, bắt thê thiếp Sạ Đẩu đem về. Khi về đến hành diện Lí Nhân (Hà Nam) nhà vua sai triệu Mỵ Ê đến hầu thuyền ngự. Mỵ Ê lấy làm đau khổ, tủi nhục, liền quấn chăn vào mình nhảy xuống sông tự vẫn, nhà vua khen là trinh tiết phong là Hiệp chính hựu thiện phu nhân. Về sau dân ở đây lập đền thờ. Lê Thánh Tông làm bài thơ “Vịnh Mị Ê” có lẽ trong dịp đi qua đến thăm đền Mỵ Ê. Bài thơ không chỉ là sự chia sẻ, thương cảm mà còn là khẳng định, ngợi ca tiết hạnh Mị Ê- dĩ nhiên theo quan điểm của Nho giáo:

Thờ chúa, thờ chồng hết tấc thương Một mình lọn đạo việc cương thường Non thiêng dễ hóa hồn Tinh Vệ

Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm Vương Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt

Sử xanh chép để bút còn hương

Vũ Thị Thiết tức Vũ Nương, người huyện Nam Xương, lấy chồng là Trương Sinh, khi Vũ Nương có mang thì Trương Sinh phải sung vào quân ngũ, sau khi thị sinh con trai đặt tên là Đản. Tối đến nàng thường chỉ bóng mình để nói dối con là bố của Đản. Ít lâu sau, Trương Sinh trở về thì đứa trẻ không nhận là bố và nói: ― Bố Đản cứ tối mới đến, mẹ Đản đi đâu bố Đản đi đấy, ngồi cùng ngồi, nằm cùng nằm‖. Trương Sinh vốn tính đa nghi, nghe con nói liền nghi vợ có tình riêng với người khác nên mắng nhiếc tàn nhẫn và đuổi đi. Vũ Nương phân trần mãi không được, bèn tắm rửa sạch sẽ rồi ra sông Hoàng Giang tự vẫn…Bi kịch của người đàn bà họ Vũ trong chế độ nam quyền đã gây xúc động nhà thơ và ông đã thấu hiểu được nỗi đau của nàng (Qua Hoàng giang, viếng người đàn bà họ Vũ; Lại bài viếng Vũ thị).

Đồng cảm với bi kịch người phụ nữ bạc mệnh, nhưng chúng ta cũng thấy rõ rằng những người phụ nữ mà Lê Thánh Tông chia sẻ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo. Cả Mỵ Ê và Vũ Nương đều chứng minh sự trong sạch và khẳng định phẩm chất của mình bằng cái chết. Với những từ ngữ đặc sệt khái niệm Nho giáo như thờ chúa, thờ chồng, cương thường, tiết trinh, giữ phận ta lại thấy rằng những người phụ nữ mà Lê Thánh Tông cảm thương chính là những người phụ nữ lí tưởng tiêu biểu cho đạo tam tòng tứ đức của Nho giáo. Với con mắt nam quyền mặc dù thương Vũ Nương nhưng Lê Thánh Tông lại không hề phê phán gay gắt Trương Sinh: ―Thương nàng hóa lại trách Trương Sinh”, “Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng‖ chỉ vì ―Hiềm nghi một phút bỗng vô tình‖. Đây là cái nhìn thấu tình đạt lí và độ lượng hay là cái nhìn đầy những thiên kiến, bất công với người phụ nữ, bảo vệ lợi ích cho nam giới?

Tóm lại thơ viết về người phụ nữ của Lê Thánh Tông mang đặc trưng quan niệm của văn chương nhà nho. Ở đấy nhan sắc phụ nữ không được ngợi ca thậm chí còn bị xem như là

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022