Rừng Xà Nu Và Đất Quảng Trong Dàn Đồng Ca Văn Học Chống Mỹ


hai hòn máu của chồng chị để lại, và cả kẻ thù nữa, tất cả đều thống thiết gọi chị khẩn trương chuẩn bị cho một ngày cầm súng và nổi dậy", v.v...

Rõ ràng với Nguyễn Trung Thành, cuộc chiến đấu trên đất lửa miền Nam đã được thể hiện trong những đường nét vô cùng quyết liệt. Và để góp phần chứng tỏ điều đó, nhà văn đã không ngần ngại cho chúng ta chứng kiến tội ác của kẻ thù, cũng như những đau thương lớn mà nhân dân miền Nam phải chịu đựng trong suốt mấy chục năm qua. Nhưng cuộc sống không phải chỉ có đau thương. Đúng ra đau thương chính là chỗ xuất phát cho nhà văn đi tới tìm hiểu sức mạnh của lòng căm thù, và từ căm thù nhà văn đi tới giải thích các chiến công của quần chúng cách mạng.

Những trang đặc sắc của Nguyễn Trung Thành là những trang ông đi vào quá trình đó của cuộc sống, cũng chính là quá trình ông đi vào sức mạnh và vẻ đẹp của con người miền Nam. Con người miền Nam, đối với Nguyễn Trung Thành hẳn là một đối tượng đầy hấp dẫn mà bấy nhiêu thời gian, bấy nhiêu trang viết, nhà văn mới chỉ có thể nêu được một vài nhận xét khiêm tốn. Nhưng chúng ta thấy rõ, bằng những quan niệm, những suy nghĩ đúng đắn và có phần độc đáo, nhà văn dường như đang đi vào thời kì chín muồi của quá trình tích luỹ để chuẩn bị cho sự ra đời của những hình tượng có tầm khái quát lớn.

Là nhà văn luôn có ý thức muốn nhìn nhận cuộc sống trong cả quá trình, muốn làm sáng rõ hành động con người từ những động cơ, những nguyên nhân, Nguyễn Trung Thành đặc biệt lưu ý chúng ta một nét khá nổi bật này ở nhân vật: đó là lòng căm thù và sự hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về kẻ thù. Bởi vì, theo ông, hai mặt này thường gắn với nhau: họ cần hiểu kẻ thù để làm cho chí căm thù của mình luôn được mài sắc và luôn đúng hướng. Nói cách khác, họ cần biết nâng nỗi căm thù riêng của mỗi cá nhân lên thành nỗi căm thù chung của giai cấp, của dân tộc. Chính vì thế, thằng Xí - cháu bà Lúa


(trong Đất Quảng), cha đi bộ đội, mẹ bị một thằng Mỹ sún răng hiếp rồi mổ bụng, "từ đó gặp thằng Mỹ nào nó cũng cố tìm coi thử có sún răng không"? Xí đi tìm một thằng Mỹ sún răng. Nhưng cách mạng miền Nam thì phải tìm và tiêu diệt hết thảy bọn đế quốc Mỹ xâm lược. Bà con làng Xô Man muốn giết một thằng Dục - kẻ đã dùng cây gậy sắt đập chết mẹ con Mai và dùng nhựa xà nu tẩm đốt mười đầu ngón tay Tnú. Nhưng Tnú "đi lực lượng" phải quyết giết cho hết tất cả những thằng Dục, bởi lẽ "chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục cả". Thực tế cuộc sống chiến đấu đã giúp con người nhận thức được điều đó. Đau thương đưa tới căm thù, nhưng là một căm thù tỉnh táo trên cơ sở một sự nhận thức sâu về kẻ thù và một quyết tâm hành động. Nguyễn Trung Thành đã suy nghĩ đúng và cố gắng thể hiện cho được những điều ấy. Song chỉ với lòng căm thù không thôi chưa đủ. Những trang dồi dào cảm xúc của Nguyễn Trung Thành chính là những trang nhà văn đi vào các mối quan hệ ràng buộc nhiều mặt của con người trong chiến đấu, để từ đó giúp chúng ta nhìn nhận nguồn gốc thực sự của những chiến công mà nhân dân ta giành được. Với Nguyễn Trung Thành, dân ta chiến đấu là bởi còn có một tình yêu, một sự gắn bó sâu sắc bền chặt với quê hương, và do vậy họ mang được trong mình sức mạnh tổng hợp của quê hương. Về thăm một vùng đất lửa, Nguyễn Trung Thành nhận xét: "Ở đây, mấy mươi năm nay, cuộc sống của một xóm, một làng, một xã và cuộc sống của những con người ở đó gắn bó quyện chặt lấy nhau đến nỗi không sao tách gỡ ra được dầu chỉ là một ngày một tháng" (Đất lửa). Kể chuyện về Kơ-pa Kơ-lơng, nhà văn nhấn mạnh rằng mới mười tám tuổi, em "đã đi gần suốt cuộc đời của dân tộc mình" (Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông). Chính đó là lí do giải thích sức mạnh không bao giờ vơi cạn của nhân dân ta, và là cơ sở cho những trang viết chân thực và sâu sắc của Nguyễn Trung Thành. Trong Đất lửa, Nguyễn Trung Thành kể chuyện giặc Mỹ đặt mìn đánh bật từng gốc tre để bắt cán bộ, chị Thanh liều hi sinh


xông vào khối thuốc nổ, lấy thân mình "nằm đè lên cái khối thuốc sắp bùng cháy" để bảo vệ hầm bí mật khỏi bị phá tung khiến cho bọn Mỹ sửng sốt, kinh ngạc, bất ngờ . Nhưng điều kì diệu là chị Thanh không chết. "Chị Thanh vẫn sống. Cái gốc tre quê hương, một cái gốc tre nhăn nheo, sần sùi, to khỏe như khuôn ngực một cụ già nông dân suốt đời dang nắng trên sông Bầu Đưng đã che cho chị (...). Và cái gốc tre vạm vỡ, rắn như thép đó khi bị bắn tung lên đã hất chị Thanh văng ra một bên và che luôn cho chị". Đó là sức mạnh của quê hương và sức mạnh của truyền thống dân tộc trong quá trình đấu tranh đánh giặc giữ nước. Mỗi con người ra trận hôm nay đều là sự tiếp tục và có sự tiếp sức của người đi trước. "Lớp người này ngã xuống hoặc ra đi, lớp người khác mới mẻ bước lên, nhanh chóng già dặn trong khói lửa" (Đất Quảng).

Nghĩ sâu về truyền thống, Nguyễn Trung Thành đã dành những trang xúc động để nói về thế hệ ông cha đi trước: "Chúng ta nghe những người cộng sản nguyên thuỷ bốn nghìn năm trước đã theo đức tổ Hùng Vương đến sinh cơ lập nghiệp trên bãi phù sa sông Hồng, những người nô lệ nổi dậy trong cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương, những người nông dân vót nhọn cọc sắt đâm thủng thuyền Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng, những người dân cày chém chết Liễu Thăng dưới chân ải Chi Lăng, những người áo vải đã đánh trận phản công vĩ đại của Nguyễn Huệ diệt mấy mươi vạn quân xâm lược Tôn Sĩ Nghị ở Đống Đa; chúng ta nghe Nguyễn Trãi trong rừng đêm chép binh thư...". Và nhà văn đưa ra nhận xét: "Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kì và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình" (Đường chúng ta đi). Nghĩ về sự tiếp tục của truyền thống trong hiện tại, nhà văn đã dựng lên thành công hình ảnh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.


nhiều thế hệ cùng đi đánh giặc. Lớp ông già trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành quả là giàu chất tượng trưng. Đó là cụ Mết (trong Rừng xà nu) đã được nhà văn miêu tả như hiện thân của truyền thống dân tộc. Cụ là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là người chứng kiến, người viết sử cho lớp lớp những thế hệ anh hùng. Đó là "ông già sông Trúc" (trong Đất Quảng) cả cuộc đời như gắn làm một với lịch sử quê hương. Ông già với những đêm không ngủ để lắng nghe mọi tiếng động dội lên từ mặt đất làng quê ông và cũng là từ trong sâu thẳm cuộc đời ông. Mỗi tiếng động gợi cả một quãng đời "từ tiếng gầu đạp nước reo vui của cô gái mơn mởn ngày xưa mà ông thương bằng một tình thương cộc cằn, tiếng gió nam lào xào đồng lúa tháng ba nức mà già hai phần ba đời người cách mạng mới giành lại được cho ông, tiếng gọi lạc lõng của một con chim đêm loạng choạng bay ngang những chân ruộng ngập nước sặc mùi cỏ úa và xác Tây, tới tiếng kêu thất thanh nghẹn tắc của những người bị giết hai ven bờ sông Trúc, tiếng chó sủa dân vệ cồn cào đêm đen, tiếng còi tàu thét vang nghiến nát đầu thằng ác ôn Hứa Xâng (...), tiếng súng du kích nổi dậy và tiếng mõ sôi náo nức những đêm đồng khởi, tiếng giày đinh Mĩ lội đêm rào rạo nổng cát Cồn Hến, tiếng chân bộ đội khiêng pháo qua làng đi đánh sân bay lạch bạch trên những đường ruộng nhầy nhụa trận mưa cuối mùa muộn màng...". Nếu những ông già sông Trúc, cụ già Mết trong cách miêu tả của Nguyễn Trung Thành dường như đã được nâng lên thành biểu tượng của đất nước, của lịch sử thì lớp con trẻ lại được nhà văn miêu tả trong những nét chấm phá mà vẫn rất chân thực, cụ thể, độc đáo và không kém phần sinh động. Đó là thằng bé Heng (trong Rừng xà nu)" đội cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự". Heng giống như một cây xà nu mới lớn, "ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời" và sẽ phát triển đến đâu chưa ai lường được...; Đó là bé

Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 8


Xuyến, Sơn, Xí (trong Đất Quảng) thân nhau như anh em. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng cả ba đứa đều thấu hiểu nỗi đau thương của quê hương và đều căm thù bọn Mỹ - Ngụy, v.v...

Có thể nói, với việc mô tả hai thế hệ nhân vật, một già, một trẻ, Nguyễn Trung Thành đã mở rộng hình ảnh cuộc chiến đấu hiện tại, và mặt khác, thể hiện được một cách thành công ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng cho những quyền lợi dân tộc cơ bản của nhân dân ta. Chừng nào chưa có độc lập, tự do thực sự thì chừng đó nhân dân ta còn tiếp tục chiến đấu, một cuộc chiến đấu "năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa", đời cha chưa đánh xong, đời con đánh tiếp, như lời Bác Hồ dạy.

Thể hiện cuộc sống trong cả một quá trình và trong xu thế đi tới của nó, Nguyễn Trung Thành cũng đã dựng lên rất thành công không khí một cuộc đồng khởi vĩ đại, dồi dào chất anh hùng ca. Xúc động trong những đau thương, sâu lắng trữ tình khi đi vào nguồn gốc sức mạnh và vẻ đẹp của con người, ngòi bút Nguyễn Trung Thành trở nên hùng tráng khi viết về những trang quật khởi: "Kẻ thù đã bắt đầu mở tiệc trên mảnh đất chúng tưởng đã san phẳng bằng máy chém và rào kín bằng dây thép gai Mỹ, bỗng nghe mảnh đất dưới chân chúng rùng rùng chuyển động. Súng đã nổ bốn bề, người đã ào ào xông tới, mõ đã dậy khắp làng quê. Khởi nghĩa! Khởi nghĩa!. (...). Rồi khi ta nổ súng, ta bỗng nghe bên cạnh ta, song song với tiếng ta hò reo là tiếng mõ dậy của mẹ, của chị, của vợ, của em ta đang xông tới trên tiền tuyến của họ" (Đường chúng ta đi). Và Rừng xà nu dẫn ta đi vào không khí đó một cách tự nhiên. Khi những đau thương và sức chịu đựng của dân làng Xô Man đã đến mức tột cùng, khi ngọn lửa xà nu trên tay Tnú đang cháy lên rần rật, phút im lặng của chịu đựng và nén đợi đã chấm hết để cho một cơn giông nổi lên: "- Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! (...).Tiếng chiêng nổi lên... Đứng trên đồi


xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng".

Nguyễn Trung Thành đã nhận xét đúng: nỗi đau càng thấm khi con người bị bó tay. Nỗi đau sẽ được vơi nhẹ đi rất nhiều khi con người hành động. "Ngày trước mỗi người ngã xuống dường như là một sự mất mát suông. Kẻ thù giết chúng ta rồi cứ nhởn nhơ đứng đó, không chút suy suyển. Còn chúng ta thì chỉ có căm thù chất chứa thêm, càng u uất và không có gì để hành động cả, không được đứng dậy, không được báo thù. Bây giờ thì mỗi người ngã xuống đều là ngã xuống trong một cuộc đi tới, một trận tấn công. Những người còn sống lại bận rộn ngay vì trăm công ngàn việc phức tạp, khẩn trương của cuộc chiến đấu đang tiếp tục"(Đất Quảng). Có điều, hành động đó, sức quật khởi đó không phải là một cái gì đột ngột. Nó là cái thế tất nhiên phải đi tới, cho nên nó phải được chuẩn bị. Không phải chuẩn bị bằng suy nghĩ đơn thuần, mà là qua máu lửa, hi sinh để rồi chúng ta hiểu chúng ta, "và chính vì thế mà sức chúng ta càng mạnh hơn bao giờ hết, niềm tin của chúng ta càng vững như thép và tình yêu dân tộc trong chúng ta càng thấm sâu vô cùng"(Đường chúng ta đi). Kẻ thù hung hãn điên cuồng không phải là đối tượng cho ta trầm tư, chiêm nghiệm, suy nghĩ mà chính là đối tượng cho ta hành động. Đặc điểm cơ bản của con người chúng ta là sự nhất trí giữa suy nghĩ và hành động, và cơ bản là con người hành động. Nét đó, qua Rừng xà nu, Đất Quảng,... Nguyễn Trung Thành đã thể hiện được một cách đúng đắn, trọn vẹn.

* * *

Nguyễn Trung Thành sâu lắng trong tuỳ bút, điêu luyện trong truyện ngắn, hàm súc trong truyện dài, mặc dù những gì ông viết dường như còn mang tính chất một sự chuẩn bị để đi tới một sáng tác lớn mà có lẽ ông chỉ mới bắt tay vào...Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đã có thể cho ta một bức tranh


đặc sắc về đất lửa miền Nam trong cuộc đấu tranh căng thẳng, gay go giữa nhân dân ta với mọi loại kẻ thù, và trong cái thế vươn lên, quật khởi của cách mạng đang đi tới. Nhạy cảm, sôi nổi, giàu hình ảnh và suy nghĩ, những trang viết của Nguyễn Trung Thành nhìn chung hài hoà được chất cô đọng của kịch, chất trữ tình của thơ và chất tráng lệ của hùng ca. Sáng tác Nguyễn Trung Thành có xu hướng vừa muốn giữ được cái bộn bề gai góc, đa dạng, nhiều màu sắc, cung bậc của sự thật, vừa muốn đạt tới cái cân đối hài hòa của một sự tái tạo, khái quát, chắt lọc công phu. Tuy vậy có thể một đôi khi ý muốn đó quá sức đối với người viết, hoặc người viết chưa có đủ điều kiện để thực hiện ý muốn đó, nên không tránh khỏi gây cho người ta một cảm giác nặng nhọc, vất vả, thiếu ít nhiều cái thanh thoát, nhẹ nhõm, tự nhiên mà vẫn sâu sắc của Nguyễn Thi, như trong Người mẹ cầm súng, Ở xã Trung Nghĩa.

Tuy vậy, đó chỉ là một vài thiếu sót. Nhìn chung, Nguyễn Trung Thành là nhà văn có bản sắc rõ nét và có đóng góp nổi bật trong văn học cách mạng miền Nam. Những tác phẩm của ông được viết ra bằng cảm xúc dồi dào, với hình ảnh mới mẻ, và suy nghĩ độc đáo về nhiều vấn đề lớn của hiện thực cách mạng miền Nam, khiến cho người đọc thực sự xúc động. Bởi vì, những gì nhà văn cảm thụ, suy nghĩ đều xuất phát từ sự thể nghiệm sâu sắc của chính bản thân ông. Và bởi vì, ở Nguyễn Trung Thành, tình yêu, lòng tin, sự gắn bó với nhân dân, với đất lửa quả là chân thành, thuỷ chung, nồng nhiệt.

2.3. Rừng xà nu Đất Quảng trong dàn đồng ca văn học chống Mỹ

Trong những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, nền văn học cách mạng cũng chuyển sang chặng đường mới. Cùng với thơ, các thể loại văn xuôi cũng được phát triển mạnh và chuyển hướng rõ rệt hướng vào các nhiệm vụ và mục tiêu của cuộc chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, giành độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc. Trong nền văn học cách mạng ở vùng giải phóng miền Nam, văn xuôi là bộ phận


phát triển mạnh nhất và có nhiều thành tựu nổi bật. Từ đầu những năm 60, được tiếp sức bằng một đội ngũ gồm nhiều cây bút tài năng từ miền Bắc trở về và được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ và những thắng lợi của cuộc chiến đấu ở miền Nam, văn xuôi vùng giải phóng trưởng thành nhanh chóng và có nhiều tác phẩm thành công thu hút được sự chú ý của công chúng rộng rãi. Tiêu biểu trong số những tác giả, tác phẩm ấy phải kể đến Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) với tập truyện ngắn Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969) và tiểu thuyết Đất Quảng (tập 1 - 1970).

2.3.1. Truyện ngắn “Rừng xà nu”

Rừng xà nu là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Trung Thành, được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (NXB Giải Phóng, 1969). Truyện ngắn này được viết năm 1965, lúc đế quốc Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc. Nói như Nguyễn Trung Thành, đó là "những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hứng, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất còn trực tiếp với đế quốc Mỹ". Lúc này, cả dân tộc phải đương đầu với thử thách lớn lao nhưng vẫn kiên trì mục tiêu và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bởi có sự gần gũi, hiểu biết và yêu mến cuộc sống cũng như những phẩm chất bất khuất, kiên trung, thuỷ chung với cách mạng và giàu khát vọng tự do giải phóng của người dân Tây Nguyên mà Nguyễn Trung Thành đã rất thành công với tiểu thuyết Đất nước đứng lên thời chống Pháp, như chính tác giả đã công nhận: "Cho phép tôi thú thật: Tôi đọc say mê và cảm động. Và cũng buồn nữa. Tôi thấy hình như bây giờ tôi không còn có thể viết được như ngày ấy. Ngày ấy tôi đã viết được những trang, đã viết được một quyển sách thật giản dị, trong sáng và đẹp, một vẻ đẹp chừng mực nào đó gần như đến hoàn chỉnh". Và sau khoảng mười năm, vào thời kì chống Mỹ, nhà văn lại

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/02/2023