Nhà Văn Ma Trường Nguyên - Cuộc Đời, Con Người Và Sự Nghiệp Sáng Tác


Vẻ đẹp và tính cách nhân vật còn được bộc lộ qua các tình huống. Các nhà văn dân tộc thiểu số thường đặt nhân vật của mình trong những tình huống thử thách để người đọc nhận ra tính cách nhân vật theo năng lực cảm thụ riêng của mình. Một số tình huống trong sáng tác của Nông Viết Toại, Vi Hồng, Kim Nhất, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên… đã tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao trong việc góp phần làm nên diện mạo nhân vật văn xuôi dân tộc thiểu số.

1.1.3.3. Đặc điểm ngôn ngữ

Nhà nghiên cứu Lâm Tiến mở đầu bài viết Ngôn ngữ trong văn xuôi dân tộc thiểu số với nhận định: “Trừ một số truyện ngắn đầu tiên của Nông Viết Toại, Nông Minh Châu, Vi Hồng sáng tác bằng tiếng dân tộc, thì văn xuôi các dân tộc thiểu số sau này đều sáng tác bằng tiếng Việt. Những tác phẩm đầu tiên đó thể hiện rất rò tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, tính cách của dân tộc. Do đó, cũng mang đậm bản sắc dân tộc trong văn học. Những tác phẩm sau này không viết bằng tiếng dân tộc nữa. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính, tiếng dân tộc chưa thực sự phát triển (và trong điều kiện lịch sử - xã hội hiện nay, do các dân tộc sống xen kẽ nên ngôn ngữ dân tộc cũng khó có điều kiện để phát triển), do đó ngôn ngữ dân tộc có những trở ngại nhất định trong việc xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật” [36]. Chúng tôi nhận thấy ở nhận định này một sự kiến giải, đồng thời cũng là một cách đặt vấn đề cho ngôn ngữ của văn xuôi các dân tộc thiểu số. Đó có thể là khó khăn đồng thời cũng là một đích giá trị để đánh giá sự thành công của các tác giả trên phương diện ngôn từ nghệ thuật. Cũng nói như Lâm Tiến trong công trình vừa dẫn thì viết văn bằng tiếng phổ thông của các nhà văn dân tộc miền núi cũng khó như việc dùng ngoại ngữ để sáng tác vậy. Và nếu như viết văn với các nhà văn miền xuôi khó một thì công việc ấy với các nhà văn miền núi còn khó mười. Cái khó nằm chính ở chỗ, nhà văn phải lựa chọn trong kho tàng “ngoại ngữ” ấy những từ ngữ diễn tả tốt nhất ý đồ nghệ thuật của mình, đồng thời không xa lạ với văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi và phải truyền được tinh chất văn hóa của đồng bào trên từng trang viết. Như thế có thể hiểu được sự nhọc nhằn của từng cây bút. Với những cố gắng không ngơi nghỉ, có thể nói, trên phương diện ngôn


ngữ, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có những bước tiến quan trọng trên bước đường hiện đại hóa của mình.

Ngôn ngữ trong văn xuôi dân tộc thiểu số “mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, gắn với tư duy trực giác và cảm tính” [17]. Người miền núi thường so sánh con người với thiên nhiên và gán cho thiên nhiên những đặc điểm của con người. Có lẽ vì thế mà ví von, so sánh liên tưởng là một thủ pháp ngôn ngữ được các nhà văn dân tộc thiểu số sử dụng với tần số cao. Các so sánh ấy thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi. Chính nhờ so sánh, liên tưởng mà văn xuôi dân tộc thiểu số rất giàu hình ảnh và chất thơ. Nhiều tác giả thường hay sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, ngôn từ dân tộc hoặc xen vào những câu hát dân ca của dân tộc mình khiến các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số mang dấu ấn khá đậm nét của văn học dân gian. Việc sử dụng so sánh, liên tưởng và sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, dân ca vừa là thành tựu song cũng lại là hạn chế trong nghệ thuật ngôn ngữ của văn xuôi dân tộc thiểu số. Nó tạo ra những tác phẩm giàu hình ảnh và chất thơ nhưng đồng thời ít nhiều cũng tạo ra sự đơn điệu, sáo mòn. Ngôn ngữ giàu chất thơ và giàu hình ảnh ấy làm đẹp tác phẩm song chính nó cũng làm thiếu đi chất lí tính vốn rất cần phải có của văn xuôi hiện đại.

Nhìn chung, ngôn ngữ văn xuôi dân tộc thiểu số là thứ ngôn ngữ mực thước, trang trọng. Nó tạo cho các tác phẩm một nét đặc trưng ngôn ngữ riêng. Về sau này, Inrasara đã sử dụng trong tiểu thuyết của mình những ngôn ngữ của đời sống bình dân mộc mạc, giản dị, thậm chí có chỗ xô bồ, dung tục. Điều này khiến cho các tác phẩm của Inrasara trở nên gần gũi, chân thực hơn. Tuy nhiên, cũng phải chú ý đến việc sử dụng những ngôn ngữ bình dân này. Trần trụi quá, xô bồ và dung tục quá sẽ ảnh hưởng lớn tới hứng thú thẩm mĩ của người đọc.

Đến đây có thể kết luận, mặc dù còn có nhiều hạn chế song không thể phủ nhận rằng văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng nghệ thuật. Ngày càng nhiều tác phẩm có dấu hiệu đổi mới trong cách nhìn và tư duy nghệ thuật với cái nhìn sâu hơn vào mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chú ý soi chiếu nhân vật ở góc độ đời tư. Sự đa dạng phong phú của thế giới


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

nghệ thuật, cách tổ chức cốt truyện, kết cấu tác phẩm, cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn từ ... trong không ít tác phẩm văn xuôi miền núi đã đóng góp vào thành tựu nghệ thuật chung của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

1.2. Nhà văn Ma Trường Nguyên - cuộc đời, con người và sự nghiệp sáng tác

Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 4

1.2.1. Vài nét về cuộc đời và con người nhà văn Ma Trường Nguyên

Ma Trường Nguyên là tên thật, cũng là bút danh của nhà văn dân tộc Tày sinh ngày 17/5/1944 tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông sinh ra và lớn lên bên dòng Khuối Quỵnh nhỏ bé, nơi mà sau này, như nhà văn bộc bạch, đã in dấu khuôn mặt của những người thân yêu của ông, nơi ghi dáng hình xứ sở, để rồi có những ảnh hưởng đến tâm hồn, đến quan niệm nghệ thuật của ông. Quê hương ông cũng từng trải qua những biến dời của lịch sử, là nơi cuộc đời Ma Trường Nguyên được đắm mình, trải nghiệm với từng việc làm, từng sự kiện, cả những cái được và cái mất, cái vui, cái buồn của đồng bào dân tộc ông trong những biến động chung của đất nước trong thế kỷ XX.

Ma Trường Nguyên hội tụ trong tâm hồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Ngay từ nhỏ, nhà văn đã được đắm mình trong một không gian giàu nét văn hóa. Ông nội của nhà văn là người thuộc rất nhiều câu chuyện cổ tích, những bài hát ví, hát lượn; cha là người hay chữ Nho, chữ Nôm Tày và hát lượn hay nhất vùng. Vùng núi quê hương ông có thiên nhiên tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Chính môi trường gia đình, quê hương đã khiến Ma Trường Nguyên có động lực mạnh mẽ để học tập, trau dồi vốn sống, vốn văn hóa, rèn luyện bút lực, sức sáng tạo. Có thể nói tất thảy những giá trị văn hóa độc đáo ấy đã góp phần tạo nên quan niệm thẩm mỹ của ông. Chính tình yêu quê hương tha thiết, sự gắn bó máu thịt với dòng Khuối Quỵnh chảy từ chân núi Hồng, thác nước Hin Lạn nước tuôn trắng xóa, những đồi cọ, rừng sim,… đã làm nên cốt cách Ma Trường Nguyên thấm đậm trong những trang văn giàu chất dân tộc miền núi nói chung và dân tộc Tày của ông nói riêng.

Hành trình đến với văn chương của Ma Trường Nguyên có lẽ là duyên nợ. Môi trường văn hóa gia đình, quê hương, tố chất nhà văn trong Ma Trường Nguyên


và sự động viên, cổ vũ của bạn bè, đồng nghiệp đã giúp ông vững bước đi trên con đường văn chương đầy khó khăn, thử thách. Cuộc đời của ông trải qua nhiều gian nan, gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng tỉnh Thái Nguyên. Sau thời gian tham gia quân đội, phục vụ chiến đấu trong đơn vị pháo cao xạ, Ma Trường Nguyên làm phóng viên báo Quân khu 3, là biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Sau đó, Ma Trường Nguyên học Trường viết văn Nguyễn Du, ngôi trường đã đào tạo cho nền văn học nước nhà những tác giả tài danh. Tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, Ma Trường Nguyên về công tác tại tỉnh Thái Nguyên quê ông. Trải qua quá trình công tác, nhà văn đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan tỉnh Thái Nguyên: Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (1985), Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1998 - 2003), Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ, Tổng biên tập báo Văn nghệ tỉnh Thái Nguyên. Những trải nghiệm cuộc đời ấy đã giúp cho Ma Trường Nguyên có được một vốn sống, vốn văn hóa phong phú. Chính vốn sống, vốn văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc ấy đã dệt thành những trang viết dạt dào tình yêu quê hương, xứ sở trong sáng tác của nhà văn. Một điều đáng chú ý ở đời sống và đời viết của Ma Trường Nguyên là dù bận rộn với những công việc từ hành chính đến quản lý thì ông vẫn dành phần lớn tâm lực cho văn chương, viết như một sự trải nghiệm, viết như một sự thôi thúc trả món nợ cuộc đời như ông đã từng chia sẻ.

Có thể nói, chính tình yêu tha thiết cuộc sống, con người và văn hóa quê hương là động lực để nhà văn luôn học tập, tìm tòi, sáng tạo và đồng thời chính tình yêu ấy đã tinh lọc vốn sống, tạo nên cốt cách dân tộc miền núi thấm đẫm trong các sáng tác của Ma Trường Nguyên.

1.2.2. Tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Ma Trường Nguyên

Ma Trường Nguyên bắt đầu sự nghiệp của mình bằng thơ. Bài thơ đầu tiên là bài Cờ hồng được in trong tập thơ Tiếng trống đông - xuân, xuất bản năm 1960, khi Ma Trường Nguyên mới 16 tuổi. Từ đó đến nay, nhà văn đã cho ra đời 20 đầu sách thuộc các thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, tự truyện, kí, tiểu luận và phê bình.


Trong một thời gian dài từ năm 1960, khi ra mắt bài thơ đầu tiên, đến năm 1990, Ma Trường Nguyên chỉ sáng tác thơ. Nhà thơ đã lần lượt công bố các tập thơ in chung: Đường qua kỉ niệm (1975), Rừng sáng (1980), Quê núi (1987) và các tập thơ in riêng: Mát xanh rừng cọ (1985), Trái tim không ngủ (1988).

Năm 1991, Mũi tên ám khói - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ma Trường Nguyên ra đời. Và trong vòng 8 năm tiếp theo, Ma Trường Nguyên đã cho ra đời liên tục 6 cuốn tiểu thuyết, 1 tập truyện kí. Đó là Gió hoang (1992), Tình xứ mây (1993), Trăng yêu (1993), Bến đời (1995), Rễ người dài (1996), Mùa hoa hải đường (1998), Cơn giông thời niên thiếu (Kí – 1997)... Đến năm 2004, Ma Trường Nguyên tiếp tục trở lại và gây ấn tượng ở những thể loại khác với tự truyện Dòng suối tuổi thơ tôi, và ba tập thơ lần lượt: Câu hát vắt qua vai (2005), Cây nêu (2006), Bắc cầu vồng thăm nhau (2007). Năm 2009, ông trình làng Những người bạn (Kí ). Và gần đây nhất là tiểu thuyết Phượng hoàng núi xuất bản năm 2012.

Có thể thấy, hành trình viết của nhà văn là hành trình đầy gian khổ với những suy tư, trăn trở, đau đáu thể hiện tinh thần, bản sắc của dân tộc trong từng tác phẩm. Từ vốn liếng thơ ban đầu của chàng trai dân tộc Tày, cho đến nay, Ma Trường Nguyên đã thể hiện được tài năng của mình trên hầu hết các thể loại. Và như ông bộc bạch, nó là sản phẩm của sự “say” đến độ nồng nàn với văn chương, chữ nghĩa, với quê hương sinh thành. Có lẽ bởi vậy mà trong tác phẩm của nhà văn, người đọc có thể nhận ra những thế hệ, những con người miền núi vừa chân chất, cần mẫn, vừa đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình. Với tình yêu thương con người, yêu cuộc sống da diết, mãnh liệt, họ đang từng ngày vươn lên trong gian khó, trong những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, trong cuộc đấu tranh gian khổ dành tự do, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới nơi vùng cao, để vượt lên trên cái tầm thường, nhỏ hẹp để vươn tới cái cao cả, để sống và để yêu thương. Đặc biệt, Ma Trường Nguyên rất dụng công trong việc ca ngợi tình yêu của con người vùng cao. Đây có thể coi là cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của ông. Tình yêu đôi lứa trở thành sợi dây xuyên suốt các tác phẩm để nhà văn kiến giải về nội lực, sức sống, phẩm giá của những người con dân tộc thiểu số giữa


những biến thiên cuộc đời. Ở một góc độ nào đó, có thể coi đây là cái “duyên” trong tiểu thuyết của nhà văn này. Chúng tôi sẽ còn trở lại vấn đề này trong những kiến giải sâu hơn trên các phương diện của tiểu thuyết Ma Trường Nguyên ở những chương sau.

Với những cố gắng vượt bậc trong văn nghiệp, các tác phẩm của Ma Trường Nguyên đã được bạn đọc đón nhận và trân trọng. Ông cũng đã dành được sự ghi nhận, đánh giá cao của xã hội. Sau Vi Hồng, Ma Trường Nguyên là nhà văn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Chặng đường lao động nghệ thuật miệt mài với những tìm tòi, sáng tạo đã đem đến cho tác giả miền núi này nhiều giải thưởng cả ở trung ương và địa phương: Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (tiểu thuyết Rễ người dài), Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập thơ Cây nêu và tập tiểu luận Hiện đại mà dân tộc), 4 lần giải thưởng văn học 5 năm của tỉnh Thái Nguyên (giải C cho tập thơ Trái tim không ngủ, giải B cho tiểu thuyết Mũi tên ám khói Mùa hoa hải đường, giải B cho tập thơ Câu hát vắt qua vai).

Trong sự nghiệp đa dạng và phong phú ấy của Ma Trường Nguyên, có thể khẳng định, tiểu thuyết chính là điểm nhấn quan trọng của ông. Như lời bộc bạch của nhà văn: Trong hành trình viết như một sự níu giữ tâm hồn mình thì ông đến với tiểu thuyết qua một sự tình cờ. Những năm tháng học ở khóa I của Trường viết văn Nguyễn Du, được tiếp xúc với những lý luận tiên tiến của văn chương thế giới mà một trong số đó là lý luận tiểu thuyết của M.Bakhtin, được nghe những bài giảng của các cây bút tiểu thuyết gạo cội của văn học Việt Nam, Ma Trường Nguyên đã âm thầm tích lũy kinh nghiệm cho mình. Và từ sự gợi ý của nhà văn Vi Hồng, ông đã thử sức mình với tiểu thuyết Mũi tên ám khói. Sau này, Ma Trường Nguyên chia sẻ về cuốn sách: “Tôi nghĩ đến đâu viết đến đấy. Tôi không làm đề cương. Tôi dựa vào nguyên mẫu là những người thân, trong đó có bố tôi, ông đã từng là cán bộ Việt Minh thời kháng chiến. Những người tôi quen biết ở bản tôi, xã tôi, những người còn sống, những người đã mất” [26, tr.53]. Và đúng như ông đã quan niệm, viết như một sự lao động đầy đam mê và cực nhọc. Ma Trường Nguyên đã lần lượt trình làng tổng cộng 8 tiểu thuyết, tạo


dựng được “tiếng nói riêng” trong mảng đề tài về dân tộc miền núi. Tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên là bài ca ca ngợi tình yêu lứa đôi và vẻ đẹp văn hóa các dân tộc miền núi. Đây là hai nguồn cảm hứng chủ đạo trong các tiểu thuyết của nhà văn dân tộc Tày này. Nó thu hút tâm lực của ngòi bút Ma Trường Nguyên mạnh mẽ. Những đoạn văn miêu tả cảnh tự tình của lứa đôi, những cảnh thiên nhiên, những lễ hội, chợ phiên, đám hát trở thành tâm điểm trong sáng tạo của nhà văn. Hai cảm hứng ấy hòa quyện chân thật mà đầy mê hoặc, trở thành nơi nương tựa cho các mạch truyện, cho cách tổ chức tác phẩm của nhà văn. Tất cả nhằm kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc trong các trang viết của ông. Chúng tôi sẽ còn trở lại những phương diện này trong các chương tiếp theo của đề tài.

Trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên, người đọc nhận ra nguồn cảm hứng bất tận về cuộc sống, thiên nhiên và con người miền núi với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là cuộc sống nhiều gian lao, vất vả nhưng sâu nặng nghĩa tình với những phong tục tập quán, những lễ hội đặc trưng cho miền núi. Đó là thiên nhiên miền núi thơ mộng mà hùng vĩ và thấm đậm tình người. Đó là những con người miền núi với cuộc sống có nhiều bất hạnh song họ đẹp cả về hình thức và tâm hồn. Bằng cách kể chuyện mộc mạc cùng với ngôn ngữ giản dị, trữ tình, và cách so sánh ví von giàu hình ảnh,... nhà văn Ma Trường Nguyên đã viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người miền núi với tất cả niềm say mê, yêu mến. Tiểu thuyết của ông mang những giá trị nhân văn sâu sắc, một niềm tin yêu, quý trọng mãnh liệt với văn hóa dân tộc. Đó chính là những đóng góp nổi bật của tiểu thuyết Ma Trường Nguyên cho bức tranh chung của tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi các dân tộc thiểu số nói chung.

Tiểu kết

Qua nghiên cứu khái quát về văn xuôi các dân tộc thiểu số và cuộc đời, con người, sự nghiệp sáng tác của nhà văn Ma Trường Nguyên, chúng tôi nhận thấy:

Với hơn 60 năm vận động và phát triển, mặc dù còn có những hạn chế song văn xuôi dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần làm giàu hơn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Lực lượng sáng tác với các cây bút


là người của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Hoa, Chăm, Thái, Ê đê, … phân bố trên nhiều vùng miền của đất nước đã làm cho các sáng tác văn xuôi dân tộc thiểu số trở nên phong phú và đa dạng với bản sắc dân tộc độc đáo. Sự mở rộng đề tài theo hướng ngày càng đi sâu khám phá những vấn đề phức tạp của đời sống thế sự miền núi, sự phát triển trên các phương diện cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ … đã giúp cho văn xuôi dân tộc thiểu số từng bước vận động và ngày càng vững chắc hơn trên con đường phát triển của mình.

Cuộc đời nhiều gian nan, thử thách tạo nên một vốn sống và vốn văn hóa phong phú, tố chất nhà văn, cùng với tình yêu quê hương miền núi sâu đậm đã giúp Ma Trường Nguyên rất nhiều trong công việc sáng tác. Với 20 đầu sách thuộc các thể loại: thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, tự truyện, kí, tiểu luận và phê bình..., nhà văn đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các giải thưởng văn học trung ương và địa phương là những món quà tinh thần mà nhà văn xứng đáng được hưởng và cũng là động lực để nhà văn tiếp tục sáng tạo trên con đường văn chương mà mình đã chọn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022