viết về một con người mới có thực là Phạm Trung Pồn. Nhờ tình yêu, người thanh niên bị mù cả hai mắt này đã vượt lên mặc cảm số phận để sống và làm nhiều việc có ích. "Anh sáng chế ra rất nhiều thứ có ích cho mọi người: "máy cày", "máy đập", "máy gieo" v.v...Anh không đi xa được, nhưng máy của anh đi xa, (...), công việc của anh nhiều báo chí đã nói đến". Đọc những truyện ngắn này, điều dễ nhận thấy là do chưa nắm kịp những vấn đề đúng thực của đời sống nên nhà văn lộ rõ sự sắp đặt, bố trí, việc xử lí tâm lí của nhân vật chưa thật đúng với logic đời sống, thậm chí còn có phần bắt chước một vài sáng tác nước ngoài.
Viết về đề tài con người mới, cuộc sống mới trên các vùng rẻo cao ở miền Bắc, Nguyên Ngọc mới tìm thấy một phong cách thật sự là của mình. Đọc một số truyện ngắn về miền núi trong tập Rẻo cao, "ta lại được gặp Nguyên Ngọc trong giọng điệu đằm thắm, sôi nổi, những cảm xúc tinh tế, ngọt ngào, cái nhìn lành khỏe, trong trẻo. Ở đây, sau Đất nước đứng lên, lại một lần nữa, ta thấy thiên nhiên và con người miền núi quả có một vẻ hấp dẫn, một sức tác động trở lại đối với Nguyên Ngọc, làm cho ngòi bút của ông trở nên phơi phới, tha thiết, lắng sâu"[30]. Hay nhất trong tập là truyện ngắn Rẻo cao. Đây cũng là cái truyện viết tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc. Truyện không có cốt, tóm tắt rất nhạt vì nó chẳng có gì cả. Nguyên Ngọc kể về một ông già người Mèo có tên là Cắm. Ông bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, mải việc nước đến quên cả lấy vợ. Về già, không còn đủ sức đi nữa, ông về quê, "làm cách mạng" ở quê. Công việc của ông là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các làng bản. Ông không biết chữ nên thằng cháu ruột của ông - một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Chỉ xanh là ông Lý A Pù. Chỉ đỏ là ông Ma Văn Keo, xóm Nà Thăn...Thế là ông cắt rừng đi ngay trong đêm. Với chất liệu như thế chỉ đủ để viết một cái tin vắn. Vậy mà Nguyên Ngọc dựng được thành một truyện ngắn
đặc sắc, giàu ý nghĩa, làm toát lên vẻ đẹp của con người vùng cao nhiệt tình, trách nhiệm, gắn bó với Đảng, yêu quê hương, đất nước. Hay truyện ngắn Dũng cảm cũng với tinh thần ngợi ca như thế. Ở tác phẩm này, Nguyên Ngọc kể về cô giáo Tuyết, người Hà Nội đã bỏ thủ đô, bỏ cả người yêu, xung phong lên miền núi dạy học. Cô hết lòng thương yêu các em. Cô biết mình sẽ gắn bó lâu dài với các em, cô không bỏ các em mà về xuôi được. Hoặc Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng cũng là một trong những truyện ngắn hay của Nguyên Ngọc. Truyện kể về cô gái Mèo Vàng Thị Mỹ ở với bố trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Ở đó nếu có khách tới nhà thì cũng chỉ là thú rừng thôi. Cô bé thấy thèm người. Rồi ông bố cho cô đến với người. Đó là một phiên chợ. Cơ man nào là người. Ông bố bán thuốc phiện - một thứ vàng đen, mong giúp con gái đổi đời. Nhưng bị trả quá rẻ, ông không bán. Thế rồi trên đường trở về, bố con ông bị bọn người đó chặn lại. Chúng cướp không số thuốc phiện rồi bắn chết ông. Cô bé may mà thoát chết. Rồi cô được một bà góa đem về nuôi. Năm 13 tuổi, cô bị gả chồng. Chồng cô là thằng bé mới 7 tuổi, con lão chúa đất. Ngày về nhà chồng, cô khóc nhiều lắm. Khóc vì không được cô độc sống giữa các vách núi. Cô lại phải đến với người. Ở nhà chồng, cô bỗng nhận ra bố chồng là một tên dã thú đã giết bố cô. Thế là cô bỏ trốn. Bây giờ thì cô sợ phải gặp người. Cứ thấy làng, thấy người là cô tránh. Cô đi lang thang rồi lạc vào rừng. Hoang mang và đói lả, cô ngồi thụp bên hang đá, thiếp đi. Khi bừng tỉnh dậy, cô thấy trong hang lại có tiếng người. Thế là cô bé vùng dậy chạy. Nhưng không còn đủ sức chạy nữa. Cô lại phải gặp người. Không phải người thú mà là người cách mạng. Chính người cách mạng đó đã cứu giúp cô. Rồi cô gặp Đảng. Đảng chỉ cho cô đường đi, nước bước. Và sau này cô đã trưởng thành, trở thành Chủ tịch xã, giúp dân mình bỏ cây thuốc phiện để trồng ngô sắn, đổi thay cuộc đời. Cô nói với bà con: "Ngày xưa người đối với người coi nhau như thú dữ; bây
giờ có Đảng, có Chính phủ, có cụ Hồ, người với người mới tin nhau, giúp nhau như thể anh em một nhà vậy. Đó là chủ nghĩa xã hội đấy, bà con ạ...".
Như vậy có thể thấy, khi viết Mạch nước ngầm, Nguyên Ngọc còn có đôi chút bối rối, bi quan. Ông cho rằng những khó khăn, thử thách đối với con người trong hòa bình còn gay go gấp mấy lần trước cái chết, và do vậy nhiều người khó lòng vượt qua nổi. Nhưng ở tập truyện Rẻo cao, nhà văn lại cho thấy cái nhìn đầy tinh thần lạc quan và tin tưởng vào con người. Ông bộc lộ suy nghĩ về con người mới, về trách nhiệm của nhà văn: "Văn học bao giờ cũng tìm đến biểu hiện những đỉnh cao của cuộc sống. Ngày nay những đỉnh cao đó nó lẩn khuất trong những điều rất nhỏ hàng ngày. Chính trong những việc rất nhỏ hàng ngày đó đang rèn luyện, đang hình thành những con người mới chắc chắn, toàn diện, đối tượng cao quý của mỗi người viết chúng ta" (Văn nghệ quân đội, số 8-1961). Đó chính là cơ sở cho những chuyển biến mạnh mẽ của Nguyên Ngọc để ông khắc phục những chỗ yếu cũ và phấn đấu vươn lên vị trí những hàng đầu.
2.2.2. Giai đoạn từ 1965 đến 1975
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyên Ngọc trở lại chiến trường miền Nam vừa chiến đấu vừa sáng tác dưới bút danh Nguyễn Trung Thành. Hàng loạt các tác phẩm với nhiều thể loại ra đời trong thời kì này như tùy bút Đường chúng ta đi, Trận đánh bắt đầu hôm nay; bút kí Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; kí sự Đất lửa; truyện ngắn Rừng xà nu; tiểu thuyết Đất Quảng,... Tất cả các tác phẩm đều nóng hổi tinh thần chiến đấu, với những tấm gương anh hùng quả cảm, hết lòng vì sự nghiệp cứu nước, giọng văn hào hùng, khích lệ, tràn đầy cảm xúc. Trong những sáng tác này, Nguyên Ngọc đều tập trung đi tìm câu trả lời cho "Một câu hỏi lớn lao, bức xúc, nóng hổi: Bằng cách nào đây, bằng con đường nào đây, đánh ngã kẻ thù tàn bạo, đánh đổ con ác thú Mỹ, để giữ quyền sống cho dân tộc, cho ta và cho bạn bè năm châu?"[45].
Có thể bạn quan tâm!
- So Với Các Tác Phẩm Đạt Giải Thưởng Của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1951-1952 Và 1954-1955
- Bối Cảnh Lịch Sử, Xã Hội Và Văn Học Chống Mỹ
- Chặng Đường Sáng Tác Mới Của Nguyên Ngọc
- Rừng Xà Nu Và Đất Quảng Trong Dàn Đồng Ca Văn Học Chống Mỹ
- Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 9
- Giới Thuyết Về Phong Cách Và Phong Cách Sử Thi
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Ở tùy bút, bằng giọng điệu chính luận trữ tình đằm thắm, thiết tha, với suy nghĩ bay bổng nhưng chín chắn và điềm tĩnh, thay mặt cho những người lính Nguyễn Trung Thành đã bày tỏ cảm xúc: "Những người lính đều hiểu rằng muốn tiêu diệt quân giặc, phải hiểu rõ chúng và tự hiểu rõ mình. Chính vì thế mà cần có những người trinh sát gan dạ, từng trải và thông minh. Mười năm nay chúng ta đã nguyện làm đội trinh sát trong đoàn quân rộng lớn những người lao động đau khổ trên trái đất. Mười năm nay chúng ta trinh sát và tiến đánh con ác thú đế quốc Mỹ... Suy nghĩ về kẻ địch và về chính mình. Chân lí đã mọc lên từ trong máu đổ mười năm. Bằng máu và nước mắt, bằng những hi sinh không bờ bến, chúng ta đã đốt lên ngọn đuốc soi đường, soi rõ bộ mặt, tâm địa, gan ruột kẻ thù, soi rõ gót chân A-sin của chúng nó rồi! Và soi rõ cả quả tim ta, những sức lực và trí tuệ tiềm tàng trong máu và trong cánh tay ta! Rồi chúng ta đứng dậy" (Đường chúng ta đi). "Chúng ta ra đi từ giữa bùn đen và đau thương. Chúng ta ra đi từ chỗ chưa phải là con người. Ôi, cái chân lí lạ lùng và kì diệu: muốn làm người thì phải đổ máu. Bởi vì muốn làm người thì nhất thiết phải chiến thắng", "khi kẻ thù cướp đi mất của mình những gì thân yêu nhất thì mình phải lau nước mắt, bước tới một bước nữa, xáp mặt kẻ thù gần hơn nữa, với một khẩu súng trong tay và một lời hỏi tội trong quả tim" (Trận đánh bắt đầu hôm nay). Nguyễn Trung Thành nói về một con đường - "đường chúng ta đi", con đường đi từ trong máu và nước mắt, từ trong nước sôi lửa bỏng đến cái ngày chúng ta được cầm súng trong tay. "Qua máu lửa, chúng ta hiểu kĩ hơn, sâu hơn, quả tim Việt Nam chúng ta đúc bằng gang và trí tuệ chúng ta đã chín đến chừng nào (...). Chúng ta hiểu chúng ta rồi, và chính vì thế mà sức chúng ta càng mạnh hơn bao giờ hết, niềm tin của chúng ta càng vững như thép và tình yêu dân tộc trong chúng ta càng thấm sâu vô cùng"(Đường chúng ta đi). Và nhà văn nói về "một ngày rất bình dị, bình thường". "Nhưng ngày ấy sẽ mãi mãi đứng cao vòi vọi
trong những chuỗi năm tháng dài vô tận của cuộc sống, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn năm trước cha ông chúng ta thường ngước mắt ngóng trông về ngày đó, và vĩnh viễn về sau, lớp lớp những thế hệ nối tiếp chúng ta sẽ tự hào xúc động quay nhìn lại ngày đó như nhìn một ngọn tháp vòi vọi trong không gian và thời gian, ánh sáng của ngôi sao bất diệt từ đỉnh tháp ấy sẽ mãi mãi soi đường cho cuộc đi tới dũng cảm và bất tận của con người"(Đường chúng ta đi).
Tiếp tục dòng cảm xúc khi nghĩ về "những ngày rất kì lạ" ấy, Nguyễn Trung Thành viết truyện ngắn Rừng xà nu. Qua câu chuyện kể về Tnú của cụ già Mết với dân làng Xô Man, chuyện của một đời con người được kể trong một đêm, nhà văn đã giúp người đọc hiểu được nguyên nhân của ngày Đồng khởi. Đồng khởi chính là sự bùng nổ của những căm hờn chất chứa từ lâu, bởi những tội ác vô cùng man rợ mà kẻ thù đã gây ra, bởi "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo". Một thời điểm ngắn, một ngày sống với làng quê của Tnú sau ba năm đi lực lượng trở về mở ra cả một quãng đường dài của nhân dân, của cách mạng, từ quá khứ đến tương lai, từ những đau thương lớn đến một cuộc đồng khởi vĩ đại, "cả làng Xô Man ào ào rung động và lửa cháy khắp rừng". Được viết với bút pháp chặt chẽ, chất tượng trưng quyện chặt với đời thực, cô đúc lại từ một khối vốn sống phong phú nhiều mặt, Nguyễn Trung Thành đã dựng lại cả quá trình cuộc sống của một con người, một dân tộc trong những mảng đậm nhất, gây xúc động nhiều nhất.
Đến tiểu thuyết Đất Quảng, nhà văn vẫn tiếp tục cái hàm súc, cô đúc đó của Rừng xà nu. Bao nhiêu ý nghĩa trong chữ "đất" đã được gợi ra ngay từ trong câu ca dao xứ Quảng được chọn làm đề từ cho tác phẩm:
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm Rượu Hồng đào chưa nhấm đã say.
Đất, tượng trưng cho quê hương, và đất, tượng trưng cho truyền thống tổ tiên ông bà. Đất mang nặng đau thương oán thù, đất cháy lửa và sinh sôi. Con người gắn với đất, và tô điểm cho đất bằng máu và nước mắt của mình. Bối cảnh của truyện là một vùng "đất Quảng" xơ xác vì địch quần phá: "Nhìn lại sau lưng chỉ thấy một vùng mênh mông không người, xóm làng bị đốt trụi, ruộng vườn bị xéo nát, mặt đất đâu đâu cũng nồng lợm hơi thuốc đại bác lân tinh nửa tháng rồi còn âm ỉ bốc cháy". Nhưng ở nơi giặc Mỹ và tay sai dã man định tiêu diệt mọi sự sống ấy thì chính nơi đó sức sống lại sôi lên mãnh liệt nhất: "Có cái gì đang rùng rùng chuyển động trong lòng sâu của đất, mặt đất mà quân thù tưởng đã ém chặt được bằng máu và tội ác, có cái gì đang báo hiệu náo nức và đe dọa trong những tảng mây cuồn cuộn vần vũ trên bầu trời, trong khối lớn hàng triệu con người căm uất cùng cực đau khổ. Hàng triệu con người bỗng hiểu ra rằng mong ước lớn nhất, da diết nhất âm ỉ đốt cháy tâm can họ năm sáu năm trời nay chính là mong ước một cuộc nổi dậy, một trận đánh, một cuộc chiến tranh thiêng liêng. Và cuộc chiến tranh ấy đã đến". Với Đất Quảng, Nguyễn Trung Thành dẫn ta đi vào không khí một cuộc chiến đấu giữa địch và ta ngay từ đầu đã căng thẳng và có ý nghĩa điển hình.
Nhưng cuốn tiểu thuyết chưa được viết xong. Cuộc sống đang được người viết triển khai. Sự đấu sức sẽ bước vào thời kì căng thẳng nhất khi thằng địa chủ ác ôn Hứa Min bước vào "sân khấu", và đằng sau đó cả một đám giặc Mỹ làm nền. Thử thách quyết liệt đã mở ra với cái chết của bé Xuyến, và thêm chút bí mật, li kì là sự xuất hiện của một người đàn bạ lạ mặt - mụ Tám. Chính nhân vật này sẽ có khả năng mở ra nhiều tình huống về sau cho sự đọ sức tiếp giữa ta và địch. Không khí Đất Quảng cũng tương tự như không khí Ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi. Cuộc sống không thể dừng lại đấy, có một sự chuyển động gấp rút bên trong đang đẩy nó đi tới một cao trào. Cao trào đầy kịch tính. Chính trong những cao trào đầy kịch tính như thế, nhà
văn nhằm đưa tới cho ta một bức tranh rộng lớn về cuộc chiến đấu ở miền Nam. Ở đó bộ mặt của kẻ thù càng man rợ bao nhiêu, ý đồ và khát vọng của chúng càng sâu độc bao nhiêu thì sự kiên trì, anh dũng chịu đựng những gian khổ, những thử thách lớn lao và quyết tâm tiêu diệt kẻ thù đến cùng của nhân dân miền Nam càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
* * *
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Trung Thành luôn chú ý miêu tả, khắc họa bộ mặt kẻ thù để từ đó khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong thời đại đánh Mỹ. Việc mô tả kẻ thù, và nói chung là các loại nhân vật tiêu cực và phản diện rất cần thiết, như một mặt tương phản để làm nổi bật nhân vật chính - nhân vật anh hùng - con người mới của chúng ta. Đấu tranh càng quyết liệt, những thử thách đặt ra cho con người càng lớn, thì phẩm chất anh hùng của con người càng có điều kiện bộc lộ. Vì thế trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành, nhân vật chính diện luôn luôn được hiện lên rõ nét. Đó là cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Heng...trong Rừng xà nu; đó là ông già sông Trúc, Sáu Thắm, Vân, Vi, Hoàng, bé Sơn, bé Xuyến, bé Xí...trong Đất Quảng; đó là Lê Văn Nghiêu trong Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; đó là mẹ Lúa, chị Thanh, anh Quyết trong Đất lửa,... Tất cả họ đều là những anh hùng quả cảm, kiên cường, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của dân tộc. Ở những nhân vật này, chúng ta nhận ra hình ảnh con người miền Nam của Việt Nam với tất cả những đau thương lớn lao, nhưng cũng với tất cả vẻ rạng rỡ trên gương mặt. Bởi vì ở họ cùng lớn lên với nỗi đau chồng chất là sự lớn lên của sức chịu đựng, của ý chí quyết tâm biến căm thù thành hành động, ở sự nhận thức đúng đắn về con đường đi của mình trong con đường đi chung của nhân dân, của dân tộc. Tiêu biểu như Tnú ở Rừng xà nu trưởng thành trong những ngày tháng bom đạn ác liệt của kẻ thù rải xuống vùng đất quê hương mình. Làng quê Tnú sống "ở trong tầm đại bác
của đồn giặc". Không cam chịu chấp nhận cảnh quê hương bị kẻ thù tàn phá, bà con làng quê mình bị giết hại, Tnú đã quyết định "đi lực lượng" để trả mối thù cho quê hương, cho những người thân yêu. Tnú ra đi trong nỗi đau xé lòng sau khi chứng kiến cảnh vợ con mình bị kẻ thù dùng cây gậy sắt đập chết; bản thân anh bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay. Nỗi đau ấy đã khơi thành ngọn lửa căm thù, lòng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù tàn bạo. Tnú trở thành niềm tự hào của nhân dân làng Xô Man, của mảnh đất Tây Nguyên anh hùng. Hay Sáu Thắm ở Đất Quảng lớn lên cùng nỗi đau quê hương bị kẻ thù tàn phá. Rồi đến khi lấy chồng, sinh con, chị lại phải trải qua cơn vượt cạn trong lao quận, "hai tay còn bị đóng chặt trong xiềng sắt", đứa con đầu lòng của chị "rơi ra trên nền xi-măng lạnh đến nỗi suốt một ngày đầu không cất được tiếng khóc, chỉ chắp mãi đôi môi tím rịm như một con cá bị ném lên cạn". Và cảnh chồng chị bị kẻ thù tra tấn đến nát phổi, "anh ho ra từng cục huyết bầm lợn cợn". Song kẻ thù đâu đã dừng tay, chúng vẫn tiếp tục đàn áp, khủng bố nhân dân, truy diệt cán bộ cách mạng. Anh Quế - chồng Thắm đã bị thằng Hứa Xâng giết hại. "Thắm mê mẩn điên dại" tưởng như "không gượng lên nổi nữa". Nhưng rồi nhớ lời căn dặn của chồng, Sáu Thắm đã vực dậy để "đi tìm đồng chí". "Chẳng phải tìm lâu, thực ra thì hơi thở lửa hừng hực trên khắp đồng bằng Quảng Nam đã giục những con người đau khổ nhất đứng dậy đi tìm đến nhau". Và Sáu Thắm đã trưởng thành nhanh chóng trên mảnh đất quê hương chìm trong khói lửa bom đạn của kẻ thù. Qua cuộc đời chị, chị hiểu rằng: "Mảnh đất đây cũng như cuộc đời chị, trui rèn trong đau thương cùng cực rồi và từ đó mà đứng dậy, còn gian lao ác liệt nào đánh ngã nổi". Cũng như Sáu Thắm, chị Thanh ở Đất lửa cũng trưởng thành trong "những ngày khủng khiếp nhất trong cuộc chiến đấu của miền Nam ta". Sau khi anh Quyết - chồng chị bị bọn thằng Hứa Xâng cắt tiết, rồi vứt xác anh xuống sông, chị Thanh với "tất cả tình yêu của chị, hạnh phúc của chị, đau thương của chị,