Kết quả kiểm định ý nghĩa chênh lệch giá trị TBC_TTN của trẻ trước và sau thực nghiệm cho sig.=0.000<0.05, chứng tỏ sự khác biệt là có ý nghĩa, khẳng định hiệu quả của biện pháp thực nghiệm đã áp dụng.
4.2.2.4. Phân tích trường hợp điển hình
Trong quá trình thực nghiệm, ở mỗi lớp thực nghiệm, chúng tôi đã lựa chọn một trẻ để nghiên cứu sự thay đổi biểu hiện TTN của trẻ giữa trước và sau quá trình thực nghiệm. Phương pháp quan sát kết hợp đàm thoại với trẻ, trao đổi với giáo viên và phụ huynh được sử dụng để thu thập thông tin.
Trường hợp 1: MN01-BNA (Nữ)
Hoàn cảnh gia đình: Bé là con một trong gia đình. Bố mẹ thuộc thành phần trí thức. Trong nhà có thuê người giúp việc để đưa đón cháu đi học và cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Mẹ đặt khá nhiều kì vọng vào BNA, muốn con giỏi nhiều thứ, muốn con đỗ vào một trường tiểu học thực nghiệm ở Hà Nội nên đã lên lịch học thêm cho con khá dày đặc. Tan học ở trường mầm non, 4 giờ, BNA được bác giúp việc cho ăn nhẹ rồi tắm rửa sau đó đi học thêm tiếng Anh, sau khi học thêm về con ăn cơm tối cùng gia đình rồi nghỉ ngơi một chút, lại tiếp tục học tiếng Anh cùng mẹ hoặc đánh đàn. Thứ bảy, chủ nhật mẹ cũng đăng kí thêm cho con học thêm múa và đàn, học thêm lớp tiền tiểu học.
Đặc điểm tâm lý trẻ: BNA là bé gái khá chững chạc, điềm tĩnh, ít nói nhưng mạnh dạn, tự tin trong hoạt động.
Biểu hiện TTN của trẻ:
Khi quan sát BNA ở lớp, chúng tôi thấy có một điểm khá đặc biệt ở trẻ, đó là ít thấy em cười vui thoải mái như các bạn, khuôn mặt có dấu hiệu mệt mỏi và hay ngáp ngủ. Trao đổi với cô giáo và bà đến đón trẻ, chúng tôi hiểu ra nguyên nhân là do lịch học của trẻ quá nhiều, trẻ có ít thời gian nghỉ ngơi và được làm những việc mình thích. Mặc dù vậy, các hoạt động trong lớp trẻ đều hoàn thành. Chúng tôi đã cùng GV xin phép được thăm nhà trẻ và được gặp mẹ của BNA. Khi trao đổi, trò chuyện về tình hình của con, mẹ của em ban đầu cũng chưa tin rằng việc mình đưa ra thời khóa biểu học tập dày đặc như vậy đã có tác động đến con. Sau thời gian thực nghiệm, chúng tôi đã được GV báo cáo rằng mẹ của BNA đã có cách nhìn tích cực hơn và không ép trẻ học nhiều nữa. Đến lớp, trẻ có biểu hiện thoải mái hơn, ít ngáp ngủ hơn và nhiều năng lượng hơn để tham gia vào hoạt động.
Trường hợp 2: MN02-VGH (Nam)
Hoàn cảnh gia đình: Bé là con thứ hai của cặp anh em trai sinh đôi. Bố là kĩ sư, mẹ là giáo viên. Do sau khi sinh, mẹ của bé có sức khỏe yếu, gia đình mời bà ngoại và bà nội lên chăm sóc, mỗi bà hỗ trợ chăm sóc một cháu. Khi đó, đã có sự không thống nhất trong chăm sóc, nuôi dạy con của các thành viên trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Nghiệm Biện Pháp Giáo Dục Tính Trách Nhiệm Dựa Trên Quyền Trẻ Em Cho Trẻ 5-6 Tuổi Ở Trường Mầm Non
- So Sánh Điểm Trung Bình Ttn Của Trẻ 5-6 Tuổi Lớp Mon4 Trước Và Sau Thực Nghiệm
- Mức Độ Biểu Hiện Ttn Của Trẻ 5-6 Tuổi Sau Thực Nghiệm (Tính Theo Tc)
- Giáo dục tính trách nhiệm dựa trên Quyền trẻ em cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non - 21
- Phiếu Trưng Cầu Ý Kiến Giáo Viên Về Việc Giáo Dục Tính Trách Nhiệm Cho Trẻ 5-6 Tuổi
- Hướng Dẫn Đánh Giá Hành Động, Thái Độ Trách Nhiệm Của Trẻ 5-6 Tuổi Thông Qua Bài Tập Khảo Sát
Xem toàn bộ 279 trang tài liệu này.
Khi hai anh em VGH được 6 tháng, mẹ phải đi làm nên gửi hai anh em về quê cho ông bà. Từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 19 hai anh em được ông bà nội, ngoại chia nhau chăm sóc, cứ khoảng hai tuần ông bà nội ngoại lại “đổi” cháu một lần. Hai cháu cũng được di chuyển từ quê lên Hà Nội với bố mẹ thường xuyên. Sau 19 tháng, bố mẹ mới đón hai cháu lên Hà Nội ở hẳn cùng bố mẹ. Lúc này, trong nhà còn có thêm hai dì của cháu sống cùng. Các dì cũng có ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt của các cháu, dì hai thì xuề xòa, dễ dãi, hay mua chuộc cháu bằng các thứ quà bánh (bim bim, kẹo, đi chơi), dì út thì nghiêm khắc, ngăn cản các trò đùa nghịch của hai anh em. Quan điểm dạy con của hai bố mẹ cũng có những điểm trái chiều, mẹ kiên nhẫn, lắng nghe và chịu khó giải thích cho con, nhưng bố không kiên nhẫn, thường dùng cách mắng và phạt để con nghe lời. Mẹ cháu nói “Hai con tôi trưởng thành trên đôi tay của nhiều người”.
Đặc điểm tâm lý trẻ: VGH là trẻ khá hiếu động, nghịch ngợm. Theo mô tả của mẹ cháu thì cháu “cục tính, thô lỗ, nóng giận và hiếu thắng”. Cháu thường không ngồi im một chỗ, hay chạy nhảy, nô đùa và chơi những trò khá nguy hiểm như nhảy từ ghế nọ sang ghế kia, lao thẳng vào người bố mẹ để được bế, leo trèo lên tủ cao, khi không được như ý có thể khóc ăn vạ hàng giờ đồng hồ.
Biểu hiện TTN của trẻ:
Khi phỏng vấn trẻ, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về VGH là không chịu hợp tác. Trẻ không thích được “trò chuyện” cùng với các cô vì còn đang bận chơi trò chơi. Sau khi thấy các bạn được phỏng vấn về lớp kể chuyện rất hào hứng, còn được tặng một quyển sổ nhỏ, trẻ đã đồng ý sang phòng phỏng vấn. Các câu hỏi của người phỏng vấn đưa ra được trẻ trả lời nhanh chóng, sao cho nhanh để được nhận quà còn vào lớp. Thông tin ở câu trả lời của trẻ cho thấy trẻ chưa hiểu về trách nhiệm cần phải làm, và hay nghĩ ra các lí do để không phải làm việc: “Bố mẹ không giao việc cho con”, “Nhà con có bể cá nhưng mang đến lớp rồi”, “Các bạn phải tự làm việc của các bạn chứ”. Trẻ cũng rất cá tính, chỉ làm những gì mình thích kể cả những việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác, và khi đó thì người lớn phải nhắc nhở rất nhiều lần, thậm chí phải dùng biện pháp mạnh thì trẻ mới thôi. Sau thực nghiệm, điểm trung bình TTN của trẻ tăng từ mức thấp lên mức TB,
cho thấy được sự thay đổi của trẻ: chấp nhận làm một số công việc mà trẻ không thích như tắm, học đàn. Cứ đến giờ là trẻ biết và thực hiện theo lời nhắc của bố mẹ “Đến giờ tắm rồi”, “Đến giờ học đàn rồi”. Tất nhiên, thái độ vẫn còn chưa tự nguyện hoàn toàn, trẻ đòi “bố tắm nhanh cho con để còn xem tivi”, trẻ ra điều kiện “chỉ đánh đàn 1 lần thôi nhé”. Ở lớp thì trẻ có biểu hiện tích cực hơn do các hoạt động đã vào nề nếp. GV của trẻ cũng nhận định rằng “VGH thích được thể hiện mình, nên nếu khen ngợi trước các bạn hoặc được giao nhiệm vụ đặc biệt thì con rất
thích làm”. Các hoạt động cô giáo giao thêm về nhà như chuẩn bị vật liệu, làm đèn lồng, mang quả đến lớp để học thì trẻ rất nhớ để nhắc mẹ.
Trường hợp 3: MN03-TBT (Nữ)
Hoàn cảnh gia đình: TBT sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ đều là công nhân. Cháu là con thứ hai trong gia đình. Bố mẹ khá bận việc nên ít dành được thời gian cho con. Cháu có ông bà thường xuyên đưa đón đi học và nấu cơm nước cho cả gia đình.
Đặc điểm tâm lý: TBT tính hơi nhút nhát, không dám thể hiện bản thân.
Biểu hiện TTN của trẻ:
Trước thực nghiệm, chúng tôi tiến hành quan sát một ngày. Chúng tôi nhận thấy TBT không nhanh nhẹn, làm việc hay bỏ dở giữa chừng, chưa chủ động làm việc của mình và chưa chủ động giúp đỡ người khác. Khi tham gia bài tập khảo sát, cháu có tham gia nhiệm vụ nhưng không hoàn thành công việc chung, vừa làm vừa chơi; cháu cũng chưa biết nhường nhịn dụng cụ lao động cho bạn, làm việc xong chưa chủ động dọn dẹp vệ sinh nơi hoạt động, không lau tay sau khi làm con rối, không rửa tay sau khi lau giá đồ chơi, không cất dụng cụ tưới cây. Ở các bài tập sau khảo sát, trẻ đã tiến bộ hơn. Trẻ có gặp khó khăn trong bài tập 1 do không chuyển bóng đúng vào rổ và ở bài tập 2, do nhóm không hoàn thành được ngôi nhà từ mì nui và kẹo dẻo, nhưng trẻ đã nỗ lực làm lại và trẻ đã đánh giá đúng kết quả làm việc của mình khi được gợi ý. Theo nhận xét của PH, trẻ đã có thói quen tự làm việc của bản thân và giúp đỡ mọi người trong gia đình nhiều hơn nhưng vẫn bị chi phối bởi cảm xúc.
4.3. Nhận xét chung
Sau bốn tháng thực nghiệm chính thức, các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ 5- 6 tuổi dựa trên Quyền trẻ em được duy trì ở ba lớp thực nghiệm và có liên quan đến một số kết quả tích cực: có cải thiện thái độ, hành động và nhận thức của trẻ. So với trước thực nghiệm, chúng tôi thấy những khác biệt sau:
Về thái độ, trẻ đối xử với các bạn, và giáo viên với sự tôn trọng cao hơn; trẻ sẵn sàng và tự giác thực hiện các trách nhiệm của mình không phải vì sợ trách phạt; trẻ cũng nỗ lực hoàn thành các công việc ngay cả khi gặp việc khó.
Về hành động, trẻ ít gây rối hơn trong lớp, thay vào đó thể hiện sự hợp tác và giúp đỡ. Trẻ cũng được báo cáo tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của lớp học, thể hiện xu hướng thảo luận nhiều hơn. Trẻ có khả năng tự điều chỉnh hành vi tốt hơn, chấp nhận các trách nhiệm mà trẻ đã học được là đồng thời các quyền của trẻ.
Về nhận thức, trẻ đã hình thành ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của bản thân, hiểu rằng trách nhiệm là việc cần phải làm, nếu không có trách nhiệm thì bản thân, người khác và môi trường xung quanh đều sẽ bị tổn thương, có trách nhiệm làm cho mọi việc tốt đẹp, mọi người vui vẻ và hài lòng; trẻ cũng hiểu rằng mình phải chịu trách nhiệm cho việc mình làm; và hiểu về sự công bằng trong đánh giá.
GV phản hồi rằng các biện pháp thực nghiệm đã thay đổi tích cực đến hành vi của trẻ, hỗ trợ hữu ích cho trẻ. Trẻ tôn trọng và có trách nhiệm hơn với bản thân; tôn trọng và có trách nhiệm hơn với người khác (cô giáo, bạn bè). Trẻ có thái độ và hành động trách nhiệm hơn với môi trường xung quanh (cây cối, con vật, đồ vật, nơi hoạt động).
Về tác động của các biện pháp thực nghiệm đến GV và cha mẹ:
- Tác động của các biện pháp thực nghiệm đến giáo viên: Các biện pháp thực nghiệm đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động dạy học của GV. Họ hài lòng với các buổi đào tạo và các hỗ trợ từ chương trình thực nghiệm. GV nói rằng họ có cách nhìn nhận rõ ràng, tích cực và cố gắng thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với trẻ và đối với công việc hơn, đã quan tâm thực sự đến việc thực hiện Quyền trẻ em để từ đó hình thành TTN cho trẻ. GV có thể lập kế hoạch hoạt động GDTTN cho trẻ và hoạt động đó có ý nghĩa với trẻ. Có hiệu ứng tích cực trong thay đổi của GV khi tương tác với trẻ em, tương tác với đồng nghiệp và mức độ hài lòng với công việc. Các GV cho biết họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn khi làm việc với trẻ em, và ít thất vọng hơn với công việc chăm sóc-giáo dục trẻ. GV cũng có xu hướng ứng xử với trẻ tinh tế và nhạy cảm hơn, kết nối với trẻ hiệu quả hơn. Họ có thể tạo ra một không khí lớp học tích cực và giải quyết hiệu quả các vấn đề mà trẻ gặp phải.
- Tác động của các biện pháp thực nghiệm đến cha mẹ: Cha mẹ tham gia nhiều hơn vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo cơ hội cho con tự thực hiện các trách nhiệm tự phục vụ bản thân khi đến lớp. Họ có phản hồi tích cực về sự tiến bộ trong việc thực hiện trách nhiệm của con tại gia đình, ứng xử tôn trọng giáo viên, ứng xử tôn trọng trẻ và trao quyền cho trẻ.
- Hiệu quả kép của những biện pháp GDTTN dựa trên QTE được chỉ ra là: Khi hành vi của trẻ được cải thiện, gánh nặng trên cả GV và cha mẹ sẽ giảm, do đó, việc chăm sóc- giáo dục trẻ trở nên hiệu quả hơn, mang đến cho GV và cha mẹ sự hài lòng và hạnh phúc. Sự hài lòng, niềm vui, hạnh phúc của GV và cha mẹ, đến lượt mình, cho phép giải quyết tốt hơn vấn đề của trẻ em, thúc đẩy hình thành hành vi và ý thức tự giác thực hiện trách nhiệm của trẻ.
Trong ba trường thực nghiệm, yếu tố cơ bản phân biệt giữa các trường, là sự cam kết và hỗ trợ của GV về phương pháp tiếp cận QTE trong tất cả các khâu của quá trình tổ chức hoạt động. Mặc dù cả ba CBQL của ba trường đều ủng hộ QTE như nhau, nhưng ở trường MN05 phải đối mặt với với những ưu tiên như chương trình học theo chỉ đạo của phòng giáo dục, trình độ của giáo viên, sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ và kiểm tra từ phía Ban Giám hiệu còn theo lối truyền thống, quản lý về mặt hành chính. Do đó, ở trường MN05, mức tăng điểm TBC tính trách nhiệm của trẻ có phần thấp hơn so với hai trường MN01 và MN02.
Kết luận chương 4
Thực nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non dựa trên quyền trẻ em, qua đó chứng minh tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đã đặt ra.
1. Kết quả thực nghiệm cho thấy, sau thực nghiệm, TTN của trẻ 5-6 tuổi đã phát triển tốt hơn so với trước thực nghiệm. Điểm trung bình TTN của trẻ tăng từ mức trung bình lên mức cao. Kết quả kiểm định chênh lệch là có ý nghĩa. Các biểu hiện TTN của trẻ về nhận thức, hành động và thái độ đều tăng và có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Trong các tiêu chí thành phần, tiêu chí về thái độ đối với môi trường có mức tăng cao nhất so với các tiêu chí còn lại.
2. Kết quả thực nghiệm đã khẳng định hiệu quả của các biện pháp giáo dục TTN dựa trên Quyền trẻ em. Các biện pháp thực sự đã tác động đến trẻ em, giáo viên và cha mẹ trẻ. Các biểu hiện trách nhiệm của trẻ đã thể hiện rõ sự khác biệt, trẻ không chỉ thực hiện trách nhiệm vì những động cơ bên ngoài như được khen, hay vì vâng lời cha mẹ mà vì bản thân trẻ nhận thức được đó là việc cần phải làm để tốt cho chính mình, cho mọi người và môi trường xung quanh.
3. Sự cải thiện biểu hiện mức độ TTN của trẻ 5-6 tuổi là kết quả của các biện pháp giáo dục của giáo viên, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp rất tốt từ phía phụ huynh và chiến lược, chính sách quản lý của nhà trường, nhằm tạo cơ hội cho giáo viên chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm thực hiện giáo dục TTN cho trẻ em dựa trên tôn trọng và thực thi Quyền của trẻ em.
4. GVMN, cha mẹ và CBQL nhà trường đều nhận thấy rằng GDTTN dựa trên QTE là tôn trọng trẻ, đảm bảo cho trẻ được hưởng những điều tốt đẹp nhất, đồng thời giúp trẻ hiểu trẻ phải có nghĩa vụ, trách nhiệm để thực hiện những Quyền này. Mối quan hệ giữa Quyền và Trách nhiệm là mối quan hệ tác động qua lại, biện chứng với nhau, giúp trẻ tự tin và hạnh phúc đón nhận những điều mình đáng được hưởng nhưng đồng thởi chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và tự kiểm soát được hành vi trách nhiệm của mình với những người xung quanh nếu vi phạm Quyền của họ.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ SƯ PHẠM
1. Kết luận
1.1. Tính trách nhiệm (Responsible being) là một phẩm chất tâm lí của cá nhân, thể hiện cá nhân đó ý thức được hành động muốn làm, cần phải làm phù hợp với vai trò xã hội và tự giác thực hiện, tự chịu hậu quả với hành động đã gây ra. GDTTN cho trẻ em nói chung, trẻ 5-6 tuổi nói riêng được coi là vấn đề cấp thiết trong giáo dục hiện nay, để trẻ em trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội. Khi một đứa trẻ có trách nhiệm, đứa trẻ đó có thể cảm nhận, suy nghĩ và hành động với sự tôn trọng chính bản thân, người khác và môi trường xung quanh. Khi tất cả mọi trẻ em đều biết quan tâm đến nhu cầu, cảm xúc của người khác và mong muốn người khác cũng được hạnh phúc, chúng lớn lên sẽ trở thành người công dân có trách nhiệm với bản thân mình, biết hành động theo chuẩn mực đạo đức xã hội, tuân thủ các quy định cúa pháp luật, biết hành động bảo vệ môi trường sống của con người và xã hội sẽ tốt đẹp.
1.2. Giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi dựa trên Quyền trẻ em là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục đến trẻ nhằm hình thành ở trẻ ý thức về việc mình muốn làm, cần phải làm phù hợp với vai trò xã hội và tự giác thực hiện công việc, tự chịu hậu quả với việc đã gây ra. Quá trình này phải tương ứng với quá trình hình thành TTN, bắt đầu từ giáo dục nhu cầu, xúc cảm, mong muốn được làm việc cho trẻ; tiếp đến là tạo cơ hội cho trẻ hành động theo xúc cảm, nhu cầu của bản thân; từ đó hình thành ý thức thực hiện trách nhiệm (về cả nhận thức và thái độ) cho trẻ. Cả ba giai đoạn này diễn ra đều cần quan tâm tới đặc điểm cá nhân trẻ và môi trường, dưới sự định hướng của nhà giáo dục. GDTTN cho trẻ 5- 6 tuổi ở trường MN dựa trên Quyền trẻ em đòi hỏi phải tổ chức các hoạt động phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ, dựa vào khai thác những hoạt động ưu thế và quan tâm tới việc chuẩn bị các điều kiện phương tiện đảm bảo cho trẻ tự do, thoải mái thực hiện các trách nhiệm của mình.
1.3. Chương trình GDMN nói chung và chương trình giáo dục trẻ 5-6 tuổi nói riêng đã quan tâm đến giáo dục TTN cho trẻ. Mục tiêu, nội dung của chương trình đã đề cập đến một số yêu cầu về nhận thức, hành vi, thái độ cần đạt được ở trẻ liên quan đến trách nhiệm. Khảo sát thực trạng cho thấy, GV nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giáo dục TTN cho trẻ. Tuy nhiên, nhận thức của họ chưa đầy đủ về khái niệm, biểu hiện TTN. Thực hành chăm sóc giáo dục của họ đã đảm bảo thực hiện các Quyền của trẻ em nhưng chưa triệt để, đặc biệt là Quyền tham gia, Quyền được tôn trọng, Quyền được lắng nghe. Do vậy, việc giáo dục TTN cho trẻ còn mang tính áp đặt, chưa lấy trẻ là trung tâm. Mức độ hình thành TTN của trẻ 5-6 tuổi chưa tương xứng với nhu
cầu mong muốn tự làm việc, sự giàu xúc cảm, tình cảm và khả năng của trẻ em. Trẻ có nhận thức, hành động, thái độ đều ở mức trung bình, với cả ba loại trách nhiệm (TN với bản thân, TN với người khác và TN với môi trường). Không có sự khác biệt rõ ràng giữa trẻ nam và trẻ nữ, trẻ thành phố và nông thôn.
1.4. Luận án đã xây dựng được ba nhóm BP giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi theo hướng trao quyền cho trẻ em, bao gồm: Xây dựng môi trường giáo dục TTN dựa trên QTE phù hợp với trẻ 5-6 tuổi; Tổ chức các HĐ đa dạng cho trẻ trải nghiệm việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; Phối hợp gia đình GDTTN cho trẻ 5-6 tuổi dựa trên Quyền trẻ em. Các biện pháp này được thực hiện theo hướng bắt đầu từ xây dựng môi trường hoạt động đến tổ chức các hoạt động cho trẻ trải nghiệm thực hiện Quyền và Trách nhiệm của mình; trong quá trình đó, tăng cường phối hợp với cha mẹ và người giám hộ trẻ nhằm củng cố, rèn luyện TTN cho trẻ ở cả môi trường gia đình, tăng hiệu quả GDTTN cho trẻ 5-6 tuổi một cách bền vững.
1.5. Kết quả thực nghiệm cho thấy, sau thực nghiệm, TTN của trẻ 5-6 tuổi đã phát triển tốt hơn so với trước thực nghiệm. Kết quả kiểm định chênh lệch là có ý nghĩa. Kết quả thực nghiệm đã khẳng định hiệu quả của các biện pháp giáo dục TTN dựa trên Quyền trẻ em. Các biện pháp thực sự đã tác động đến trẻ em, giáo viên và cha mẹ trẻ. Các biểu hiện trách nhiệm của trẻ đã thể hiện rõ sự khác biệt, trẻ không chỉ thực hiện trách nhiệm vì những động cơ bên ngoài như được khen, hay vì vâng lời cha mẹ mà vì bản thân trẻ nhận thức được đó là việc cần phải làm để tốt cho chính mình, cho mọi người và môi trường xung quanh.
2. Kiến nghị sư phạm
Để đảm bảo hiệu quả của việc triển khai các biện pháp giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi dựa trên Quyền trẻ em, cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
2.1. Với Bộ Giáo dục-Đào tạo
Xem xét, bổ sung mục tiêu, nội dung giáo dục TTN và quan điểm tiếp cận giáo dục dựa trên QTE vào chương trình Giáo dục mầm non, làm cơ sở khoa học, định hướng cho giáo viên và các trường mầm non trong việc lập kế hoạch và thực hiện công tác chăm sóc- giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ 5-6 tuổi nói riêng.
2.2. Với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non
- Chú trọng hơn đến việc giáo dục TTN cho trẻ 5-6 tuổi, định hướng xây dựng mục tiêu, nội dung giáo dục TTN trong chương trình chung của nhà trường.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho giáo viên về giáo dục TTN cho trẻ dựa trên thực hiện Quyền trẻ em để giúp giáo viên hiểu rõ và áp dụng được các phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của tất cả đội ngũ trong trường nhằm xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng trẻ em, làm gương cho trẻ em ở mọi lúc mọi nơi thông qua các hình thức khác nhau, đặc biệt là xây dựng quy tắc quy định.
2.3. Với giáo viên mầm non
- Chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao hiểu biết của bản thân về Quyền trẻ em và giáo dục TTN cho trẻ dựa trên Quyền trẻ em.
- Nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong thực hiện công việc hàng ngày, làm gương cho trẻ.
- Linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động giáo dục TTN cho trẻ dựa trên nguyên tắc thực hiện Quyền trẻ em và chú trọng các biện pháp xây dựng môi trường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm để trẻ dễ dàng lĩnh hội và thấu hiểu về Quyền của mình, từ đó tự giác thực hiện các trách nhiệm của bản thân.
- Phối hợp với phụ huynh trên cơ sở xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
2.4. Với phụ huynh
- Tích cực tìm hiểu về Quyền trẻ em và ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ và thực hiện Quyền trẻ em trong gia đình cũng như ở trường mầm non.
- Tạo cơ hội cho trẻ làm việc nhà, tự lựa chọn và ra quyết định ở tất cả các công việc liên quan đến trẻ.
- Tôn trọng và hỗ trợ giáo viên trong giáo dục TTN cho trẻ tại gia đình và ở nhà trường.