Xây Dựng Cơ Sở Vật Chất Và Đội Ngũ Làm Công Tác Giáo Dục

Sau thời gian củng cố và phát triển đất nước, cùng với các tỉnh, thành trong cả nước; Tỉnh uỷ- Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Trường sư phạm cấp II hệ 12+2 thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1976, sau đó, Trường Cán bộ quản lí ra đời (từ năm học 1979 - 1980). Cả hai trường đã góp phần đào tạo giáo viên cấp II và đội ngũ cán bộ quản lí cho các trường cấp I,II. Bên cạnh đó còn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại chức cho ngành giáo dục Tiền Giang và một số tỉnh bạn. Tuy nhiên các trường sư phạm giai đoạn này nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, chuẩn hoá giáo viên một số môn như: giáo dục công dân, nhạc, họa, thể dục và giáo viên dạy hướng nghiệp. Đây là các môn học còn mới mẻ, đa phần giáo viên dạy chéo môn chưa qua đào tạo chính qui, chưa đúng chuyên ngành.

Từ khi được Bộ giáo dục và đào tạo công nhận là trường Cao đẳng sư phạm (9.1997), trường song song tiến hành đào tạo giáo viên cấp II hệ 12+3 và đào tạo hoàn chỉnh cho giáo viên chưa hoàn thành chương trình 12+3 ra trường những năm trước đó.

Với qui mô đào tạo ra trường hàng năm từ 700 đến 900 giáo viên cấp I, II và cán bộ quản lí; các trường trong tỉnh đã đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, mẫu giáo và cán bộ quản lí giáo dục của tỉnh.

Công tác đào tạo sư phạm ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, kỉ cương nền nếp được giữ vững, có nhiều cải tiến về phương pháp dạy và học theo hướng biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Cả hai trường sư phạm là Cao đẳng và Trung học sư phạm đã cố gắng biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy; gắn nghiên cứu khoa học với thực tế dạy và học.

Hệ thống đào tạo nghề được hình thành rộng khắp và có bước phát triển vững chắc. Hình thức đào tạo đa dạng, số lượng ngành nghề phong phú, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học nghề của mọi tầng lớp trong xã hội. Hệ thống các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh gốm có:

- 4 trường Trung học chuyên nghiệp gồm:

+ 1 trường trung học y tế, nay là trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang ở số 83 Thái Sanh Hạnh, phường 9, Thành phố Mỹ Tho.

+ 1 trường Trung học Văn hoá - Nghệ thuật đặt tại số 56 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 9, Thành phố Mỹ Tho.

+ 1 trường Trung học dạy nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam bộ tại ấp Phong Thuận xã tân Mỹ Chánh, Thành phố Mỹ Tho.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

+ 1 Trung tâm đào tạo Bưu chính viễn thông 2 ở ấp Phong Thuận xã tân Mỹ Chánh, Thành phố Mỹ Tho.

- 1 trường trung cấp nghề, ở số 11B/17, đường Học Lạc, phường 8, Thành phố Mỹ

Giáo dục - Đào tạo Tiền Giang hai mươi năm đổi mới 1986 - 2006 - 6

Tho.


- 2 Trung tâm nghề và 3 Trung tâm giới thiệu việc làm của các ngành và đoàn thể.

Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của trung ương và địa phương trên địa

bàn Tiền Giang sử dụng các chương trình đào tạo theo mã ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép đào tạo theo qui định nhà nước. Đó là các chương trình thuộc các nhóm nghề: y, dược, sư phạm, văn hoá nghệ thuật, nông nghiệp, kinh tế, bưu chính viễn thông và tin học..

Các trường Bổ túc văn hoá, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề của Tỉnh bên cạnh việc học tập còn tổ chức lao động sản xuất, vừa đào tạo, vừa cải thiện một phần đời sống và cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học. Các trường có lớp đào tạo cán bộ chủ chốt cho các hợp tác xã ở những vùng sâu của huyện Cái Bè, Gò Công…đáp ứng yêu cầu thực tế trong những năm 1986 - 1990.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, các trường sư phạm, y tế, kinh tế đã có nhiều cố gắng trong công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn lại giáo án, giáo trình cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, để mau chóng giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các xã vùng sâu còn nhiều khó khăn như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành; các địa phương đã giải quyết bằng một số biện pháp:

Tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở trường Trung học sư phạm, hợp đồng đào tạo như đã làm ở Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành.

Đưa giáo viên cấp III ở những bộ môn thừa xuống dạy ở cấp II hoặc giáo viên cấp II xuống dạy tiểu học.

Một giáo viên dạy 2 lớp, dạy lớp ghép hưởng hai đầu lương.

Hệ thống các trường sư phạm, sang những năm đổi mới đã có những chuyển biến lớn, ngoài việc đào tạo giáo viên theo chức năng như trước, trường còn làm thêm nghĩa vụ đào

tạo giáo viên cho tỉnh bạn Kiên Giang và Cà Mau; đồng thời đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên đã ra trường.

Đội ngũ giáo viên ngày càng được tổ chức và tham gia các lớp bồi dưỡng:

- Bồi dưỡng thay sách cải cách giáo dục: thực hiện cho toàn bộ giáo viên với nhiều phương pháp (thông qua tài liệu, băng ghi âm, băng hình) kết hợp giải thích, đi sâu vào các vấn đề mới và khó.

- Bồi dưỡng tin học cho bộ phận giáo viên nòng cốt ở các trường.

- Bồi dưỡng đại học, sau đại học để nâng cao trình độ.

- Bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì. Chu kì 1992 - 1996, tại Tiền Giang, tiến độ tổ chức bám sát tiến trình do Bộ qui định gồm 4 công đoạn:

Công đoạn 1: Tự bồi dưỡng thông qua tài liệu của Bộ.

Công đoạn 2: Thảo luận tại Tổ chuyên môn có đề dẫn và yêu cầu hệ thống, giải đáp.

Công đoạn 3: Nghe hệ thống, giải đáp.

Công đoạn 4: Tổ chức kiểm tra thi theo hội đồng thi bồi dưỡng thường xuyên.

Mỗi công đoạn trên được thực hiện liên tục trong năm học vì vậy kết quả bồi dưỡng ngày càng khả quan.

2.2.2.4. Xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ làm công tác giáo dục

Trong tình hình chung của giáo dục – đào tạo đồng bằng sông Cửu Long, những năm đầu đổi mới, giáo dục – đào tạo Tiền Giang gặp nhiều thử thách to lớn như thiếu giáo viên, đội ngũ không đồng bộ, tỉ lệ đạt chuẩn chưa cao.

Trong các năm từ 1986 - 1990, tình trạng thiếu giáo viên rất trầm trọng nhất là thiếu giáo viên tiểu học. Một bộ phận giáo viên bỏ việc, thôi việc hoặc chuyển ngành do tình hình kinh tế - xã hội lúc này còn khó khăn, lương giáo viên lại quá thấp. Bình quân hàng năm có 200 giáo viên rời ngành giáo dục; số giáo viên ra trường sư phạm hàng năm chỉ bù đắp số bỏ việc, có khi còn thiếu hụt.

Ngành mầm Non thiếu hụt trầm trọng giáo viên nhà trẻ, phần lớn chỉ được đào tạo cấp tốc 2, 3 tháng; thậm chí có người chưa qua trường lớp nào vẫn đảm đương công việc một cô nuôi dạy trẻ.

Trước tình hình đó, các trường sư phạm trong tỉnh đã gia tăng chỉ tiêu đào tạo vừa để bù đắp số giáo viên bỏ việc vừa để bổ sung số giáo viên tăng do phát triển trường lớp học

sinh tăng hàng năm. Với nhiều cố gắng của ngành, đến năm 1999 - 2000, Tiền Giang đã căn bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên tiểu học.

Cơ sở vật chất cho các trường học rất hạn chế, phần lớn các trường còn bằng tre lá tạm bợ. Có trường không thể học được trong mùa mưa do dột nát, lầy lội như các điểm trường tiểu học và trung học cơ sở ở các vùng xa của Cái Bè, Cai Lậy. Các trường ở bậc trung học cơ sở trở lên được đầu tư nhiều hơn nhưng số lượng không nhiều, phần lớn các trường khang trang, có đủ phương tiện dạy và học nằm ở khu vực thị trấn, thị xã. Thiệt thòi thuộc về những vùng sâu vùng xa của các huyện như Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công…

Mạng lưới trường, cơ sở đào tạo tỉnh giai đoạn này ít về số lượng, qui mô nhỏ, cơ sở vật chất, kỹ thuật xuống cấp, thiết bị dạy nghề cũ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên thiếu, không được thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, làm cho năng lực đào tạo của các trường bị hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

Như vậy, từ năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước được tiến hành một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc, đã tạo ra những thuận lợi to lớn cho việc phát triển giáo dục - đào tạo.

Tuy ở giai đoạn đầu, tình hình có những chuyển biến phức tạp, do sự thay đổi từ cơ chế cũ bao cấp sang cơ chế mới: ngân sách đầu tư cho giáo dục còn thấp, một số cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp nghiêm trọng, đời sống của cán bộ - công nhân viên nói chung và đông đảo giáo viên nói riêng còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được thay đổi, ở các vùng sâu thiếu nhiều giáo viên tiểu học, nhất là các vùng Huyện Cái Bè, Cai Lậy… nên ngành giáo dục chưa thích ứng kịp thời.

Hơn nữa, do tác động của tình hình xã hội, hậu quả của sự suy thoái kinh tế kéo dài làm cho kinh phí nhà nước thiếu hụt, lạm phát tăng nhanh là nguyên do làm cho mức đầu tư cho ngành giáo dục còn ít. Những năm đầu sau đổi mới, tốc độ phát triển của ngành giáo dục có chậm , số lượng trường lớp và học sinh có tăng nhưng không đáng kể.

Từ 1992 trở về sau, đặc biệt từ khi có nghị quyết trung ương 4 (khoá VII) và nghị quyết trung ương 2 (khoá VIII), sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà có những bước phát triển mới. Đến năm 1994 - 1995, công tác bồi dưỡng chuẩn hoá đạt kết quả khả quan, tổng số cán bộ, giáo viên tiểu học đã chuẩn hoá 12+1 và 12+2 đạt tỉ lệ 71,8%, trung học cơ sở chuẩn hoá 12+2, 12+3 đạt 73% [62, 11].

Việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và thi bồi dưỡng thường xuyên bám sát tiến độ phát hành tài liệu của Bộ. Từ năm học 1994 - 1995 trở về sau, khâu tổ chức ra đề thi đã được cải tiến một bước đáng kể nhằm mục đích nâng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tỉ lệ tốt nghiệp cả đào tạo và bồi dưỡng mỗi năm đạt 96,70% trở lên. Một số đơn vị có đội ngũ giáo viên có trình độ chuẩn chiếm tỉ lệ khá như: thành phố Mỹ Tho, Thị xã Gò Công, Gò Công Tây, Châu Thành. Đội ngũ giáo viên tiểu học thiếu và hụt hẫng về trình độ chiếm tỉ lệ còn cao như Cái Bè, Cai Lậy đang có kế hoạch bồi dưỡng để nâng lên trong giai đoạn kế tiếp.

Công tác giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là việc chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Đây là mảng mà Tiền Giang quyết tâm phấn đấu rất lớn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng.

Công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai từ năm 1990 bởi ở thời điểm cuối năm 1989, số trẻ em ở Tiền Giang trong độ tuổi tiểu học chưa đến trường và số trẻ 14 tuổi chưa tốt nghiệp tiểu học còn đông. Trên cơ sở có Chỉ thị 01 của Hội Đồng Bộ Trưởng, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, sự chỉ đạo cụ thể của Uỷ ban Quốc gia chống mù chữ; Bộ Giáo dục – Đào tạo, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã triển khai chương trình này.

Giai đoạn 1990 - 1996, cả tỉnh tập trung thực hiện công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học trên tất cả các địa bàn. Chỉ thị 01 của Hội Đồng Bộ Trưởng và Luật phổ cập giáo dục tiểu học đã tạo cơ sở pháp lí cho nhiệm vụ nâng cao mặt bằng dân trí. Bên cạnh đó, Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ nhiệm kì 1991 - 1995 đã góp phần củng cố nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Các chỉ thị của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh hàng năm luôn xác định chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải phấn đấu thực hiện. Chính vì vậy hàng loạt các công văn, chỉ thị của Tỉnh Uỷ, Uỷ ban đã ban hành:

- Chỉ thị số 02 ngày 17.06.1992 của Tỉnh uỷ

- Công văn số 83 ngày 10.03.1995

- Chỉ thị số 02 ngày 18.03.1995 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Đây là những văn bản chỉ đạo chuyên đề về công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Qua quá trình thực hiện, tháng 11.1996, Uỷ Ban Quốc Gia – Chống Mù Chữ và Bộ Giáo dục – đào tạo đã tiến hành kiểm tra, công nhận Tiền Giang đã đạt chuẩn quốc gia về

chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Đây là tỉnh đầu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh thứ 16 trong cả nước đạt chuẩn quốc gia.

Để có được thành quả to lớn đó, ngành giáo dục – đào tạo Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực:

- Trước hết, bằng nhiều biện pháp, Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Ban chỉ đạo tỉnh đã thường xuyên, liên tục làm chuyển biến nhận thức trong các cấp uỷ Đảng, các cấp chính quyền, Đoàn thể nhân dân và bản thân đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục – đào tạo về tầm quan trọng của giáo dục. Từ đó nhiều chỉ thị, chương trình, đề án được liên tục ban hành, triển khai, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng nhằm động viên và đẩy mạnh phong trào chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học.

Qua sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4, điều đáng mừng là các quan điểm của Đảng về công tác giáo dục – đào tạo đã được cụ thể hoá bằng chương trình hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Sau Hội nghị khoa giáo Trung Ương tháng 4 năm 1996 tại Tiền Giang, công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đã có nhiều tiến bộ mới. Toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu duy trì kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia.

- Thứ hai, Tỉnh luôn chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên tiểu học và công tác giáo dục thường xuyên. Con đường ngắn nhất, chắc chắn nhất, tiết kiệm nhất để công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học đạt sự bền vững cao là huy động triệt để trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1 chính qui thông qua cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường” và hạ đến mức thấp nhất tỉ lệ lưu ban, bỏ học. Để đạt được yêu cầu này, các ngành các cấp có liên quan đã hết sức coi trọng công tác điều tra cơ bản và trẻ bước vào lớp 1 cần chuẩn bị ở lớp mẫu giáo để có thể học lớp 1 một cách vững vàng.

- Thứ ba, bản thân ngành giáo dục – đào tạo đã phát huy vai trò nòng cốt:

Tham mưu tốt với cấp Uỷ, Hội đồng nhân dân các cấp ở các địa phương và phối hợp với các thành viên khác trong Ban chỉ đạo.

Quán triệt quan điểm và nhận thức về công tác phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp quản lí giáo dục và đội ngũ giáo viên.

Trong chỉ đạo thực hiện, luôn chú ý kết hợp chặt chẽ giữa phổ cập trong và ngoài nhà trường; trong đó, phổ cập trong nhà trường là nhiệm vụ chính, phổ cập ngoài nhà trường là biện pháp hỗ trợ, dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Đội ngũ giáo viên dạy xoá mù chữ, phổ cập thường xuyên cần được tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nhất là phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng phổ cập.

Bên cạnh đó, mạng lưới trường lớp cũng cần được chú ý qui hoạch hợp lí trên từng địa bàn xã, ấp; tạo điều kiện cho học sinh đến trường một cách thuận lợi, nhất là đối với học sinh tiểu học.

- Thứ tư, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Thực hiện Chỉ thị 01/HĐBT, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học từ Tỉnh đến Huyện, Thành, Thị và xã phường, Thị trấn.

Đặc biệt ở cơ sở đã chú trọng xây dựng Tổ vận động ở khu phố, ở ấp đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả. Vai trò, nhiệm vụ của Trưởng ban chỉ đạo, Hiệu trưởng chuyên trách rất quan trọng vì vậy cần được cấp Uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thường xuyên theo dõi để củng cố, kiện toàn, bổ sung thay thế kịp thời.

Sự phối hợp, kí kết liên tịch giữa ngành giáo dục – đào tạo với Hội Phụ nữ, Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Bộ đội biên phòng đã huy động được sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ trung tâm. Nhiều đơn vị, cá nhân điển hình, hàng trăm tấm gương quần chúng nhân dân đã tận tụy, quan tâm chăm lo cho con trẻ đến các lớp học phổ cập ngày càng nhiều thêm.

Phát huy thành quả đạt được, toàn tỉnh đã tiếp tục:

- Thực hiện nhiệm vụ mục tiêu chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở đến năm 2000 của Uỷ ban nhân dânTỉnh;

- Chương trình hành động số 02 ngày 23.04.1997 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000;

- Hưởng ứng Chỉ thị 23 ngày 13.10.1997 của UBND Tỉnh về nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở đến năm 2000 và 2010.

Như vậy, sau 10 năm cùng cả nước đi vào công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục. Thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4 của Đảng về “Tiếp tục đổi mới về sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, đến năm học 1994-1995, sự nghiệp giáo dục - đào tạo Tiền Giang đã có sự đổi mới, tạo nên những chuyển biến quan trọng, chấm dứt thời kì

xuống cấp, mở đầu thời kì phát triển mới, qui mô trường lớp tiếp tục được mở rộng tạo sự cân đối hài hoà, đa dạng các loại hình trường lớp, phù hợp với điều kiện kinh tế và từng địa bàn dân cư. Sự phát triển theo hướng đổi mới của giáo dục – đào tạo Tiền Giang đáp ứng được nhu cầu học tập, bồi dưỡng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo chung của vùng đất nằm ở vị trí cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2.2.2.5. Những hạn chế của ngành giáo dục – đào tạo Tỉnh nhà

- Đại bộ phận nhân dân Tiền Giang là nông dân, sống phân tán, thu nhập thấp, trình độ dân trí chưa cao, ý thức về việc học và tạo điều kiện cho con em được học tập còn hạn chế.

- Ngân sách đào tạo chưa tập trung về Sở giáo dục – đào tạo tỉnh mà do nhiều ngành quản lí nên việc lập kế hoạch ngân sách đào tạo chưa thông suốt giữa địa phương với trung ương .

- Còn có khoảng cách về giáo dục - đào tạo giữa thị xã, thị trấn với nông thôn vùng sâu, vùng xa. Học sinh đi học trễ tuổi, không khai sinh, không ra lớp mẫu giáo, tỉ lệ lưu ban bỏ học còn cao ở những vùng nghèo, vùng xa. Các địa phương như: Thành phố Mỹ Tho, các thị trấn Tân Hiệp, thị trấn Chợ Gạo, thị trấn Cai Lậy, thị trấn Cái Bè, thị xã Gò Công số lượng và chất lượng trong giáo dục - đào tạo bao giờ cũng cao hơn những ấp, xã ở các vùng nông thôn sâu và xa của những địa phương này.

- Tình trạng di dân và việc qui hoạch lại khu dân cư ở vùng mới khai hoang tạo nên sự không ổn định về nơi ở và nơi học. Nhiều trường hợp tạm vắng tạm trú, di chuyển, làm ăn xa không khai báo, làm cho công tác điều tra cơ bản gặp nhiều khó khăn. Đường xá đến trường, nhất là các điểm trường tại ấp có nơi còn rất xấu, nhiều nơi học sinh phải đi bằng xuồng mới đến được lớp học. Mặt khác còn có sự chênh lệch trong phân bố, bổ nhiệm, cơ sở vật chất và nhân sự….

- Học sinh bỏ học còn nhiều, xoá mù chữ nhưng hiện tượng tái mù tăng. Cơ sở trường lớp xuống cấp, các điều kiện về trang thiết bị phục vụ quá trình giáo dục gần như chưa đáp ứng. Vùng sâu, vùng xa của các huyện còn thiếu giáo viên, thiếu người có kinh nghiệm giảng dạy đặc biệt là dạy cho người mù chữ.

- Những khó khăn về kinh tế, xã hội, lũ lụt liên tiếp ở các năm 1994,1995,1996 đã hạn chế, tác động không nhỏ công tác giáo dục của tỉnh.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023