Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 26


Xác định giọng điệu là tương đối khó đối với những nhà thơ trung đại, do đó, tuy không thể nói nhiều về các giọng khác nhau của Gia Định tam gia, nhưng chúng tôi đã cố gắng xác định giọng điệu chủ đạo từ thực tiễn nội dung thơ của các ông thông qua tâm sự, phong cách và hoàn cảnh, cảnh ngộ của từng tác giả. Trong Gia Định tam gia, thơ của Trịnh Hoài Đức nổi bật không những vì số lượng, mà còn vì sự phong phú đa giọng. Mặc dù mỗi tác giả có thể có nhiều giọng đan xen, nhưng trong đó vẫn nổi lên giọng điệu chủ đạo: Trịnh Hoài Đức với giọng hào sảng, Ngô Nhân Tĩnh với giọng thâm trầm và Lê Quang Định với giọng khoan thai… sẽ góp tiếng nói riêng của mình vào dàn đồng ca toàn dân tộc.

Với dung lượng hạn hẹp, luận án chưa thể phân tích hết nghệ thuật thơ của Gia Định tam gia từ nhiều phương diện. Để tìm hiểu nghệ thuật thơ Gia Định tam gia, hẳn sẽ cần một chuyên luận riêng, khảo sát đầy đủ từ nhiều góc độ. Nhưng từ những điều trình bày trên, có thể cho ta hình dung về nghệ thuật thơ của các tác giả Hán Nôm trong buổi đầu của nền văn học Hán Nôm Nam Bộ đã có sự thuần thục và được ấn chứng qua sự giao lưu với những nhân sĩ đất Bắc cũng như ở nước ngoài.

Thơ Gia Định tam gia, trong bối cảnh phát triển của văn học Hán Nôm Nam Bộ, tuy chưa có những thành tựu lớn, nhưng đã tạo bản lề cho văn học Hán Nôm Nam Bộ ở giai đoạn đầu được liền mạch với giai đoạn sau. Đồng thời những thi phẩm này khơi nguồn cho văn mạch Miền Nam chảy rộng hơn sâu hơn vào trong dòng chảy văn học chung.

Nhìn chung, phong cách nghệ thuật thơ Gia Định tam gia trong buổi đầu của văn học Hán Nôm Nam Bộ mang những đặc điểm sau: ổn định, nghiêm chỉnh, trang nhã dù đang viết về những đề tài rất đời thường trong cuộc sống; cái nhìn nhã hoá những sự vật hiện tượng trong đời sống với ngôn ngữ vừa bác học vừa giản dị trang nhã; phong cách ca ngâm hoạ vịnh bắt nguồn từ nghệ thuật diễn xướng dân gian rất phổ biến trong đời sống ở Nam Bộ; chú ý đến việc ghi lại hiện thực sinh động bằng thơ, do đó mang tính chất tự sự rõ nét đan xen trong chất trữ tình.

Xuất hiện trên thi đàn trong buổi đầu văn học Hán Nôm Nam Bộ giữa bối cảnh lịch sử đang có nhiều chuyển động, thơ Gia Định tam gia vừa mang nội dung và hình thức có vẻ như cũ so với nền văn học toàn dân, nhưng lại vừa có tính chất mới mẻ đối với vùng đất Nam Bộ - một vùng đất đang đi lên từ buổi đầu khai hoang đến buổi xây dựng thiết chế thống trị trong toàn quốc của triều đình Nguyễn. Do


vậy, thơ của Gia Định tam gia đối với tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ có những đóng góp nhất định về nội dung cũng như về hình thức nghệ thuật: đó là cuộc sống đang ươm mầm trên mảnh đất Nam Bộ đã được ánh phản trong thơ của các ông và sự định hình về thể loại. Chính vì thế, thơ Gia Định tam gia mang tính chất “dấu nối” giữa thơ ca truyền thống của cả dân tộc với thơ ca Hán Nôm đang hình thành và phát triển ở Nam Bộ, để rồi sau đó, đội ngũ sáng tác trên vùng đất mới này sẽ tiếp tục ghi dấu ấn của mình trong nền văn học Việt Nam.


KẾT LUẬN

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 409 trang tài liệu này.


Gia Định tam gia là những nhà thơ lớn ở buổi đầu của nền văn học Hán Nôm Gia Định Nam Bộ. Thế nhưng thơ của các ông cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và tìm hiểu một cách thấu đáo mà chỉ mang tính chất giới thiệu khái quát. Luận án của chúng tôi đã nghiên cứu tìm hiểu ở các phương diện tiêu biểu và bước đầu đạt được những kết quả sau:

Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 26

1. Về công bố văn bản tác phẩm thơ của Gia Định tam gia. Công trình dịch và giới thiệu thơ của các ông nhiều nhất cho đến nay là công trình Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh. Tuy có những đóng góp nhất định về việc giới thiệu thơ của Tam gia nhưng trong công trình này vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Nhận thấy công tác văn bản là yếu tố quan trọng đầu tiên để tìm hiểu một cách chính xác tư tưởng tình cảm của Gia Định tam gia, chúng tôi, một mặt thừa kế những thành quả của người đi trước, mặt khác cố gắng khảo sát dịch thuật gần như toàn bộ thơ của Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức 287/327 bài; Ngô Nhân Tĩnh 182/187 bài do thiếu mất 5 bài; Lê Quang Định 75/77 bài do thiếu mất 2 bài. Tổng cộng đã dịch 544 bài) nhằm bổ sung và cung cấp cho người đọc những tư liệu khả tín. Ngoài ra, chúng tôi dịch và công bố tất cả 9 bài tựa, bạt trong các thi tập của Gia Định tam gia nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu quan niệm sáng tác cũng như hiểu thêm những khía cạnh khác về cuộc đời và thơ Tam gia.

2. Nội dung tư tưởng thơ Gia Định tam gia được chúng tôi làm rõ trong chương 2. Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh là những danh thần triều Nguyễn sơ, với một vương triều vừa được thiết lập lại hẳn nhiên vẫn còn mang những yếu tố tiến bộ tích cực, do đó, trong tư tưởng và tình cảm của các ông vẫn xem vua là đại diện của nước, trung với vua là trung với nước và đôi lúc còn mang nhiều yếu tố tư tưởng Nho giáo chính thống khi nhìn về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Cái nhìn lầm lạc và ngộ nhận về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn xuất phát từ những hạn chế mang tính lịch sử, do đó không phải chỉ riêng Gia Định tam gia, mà ta còn thấy ở những tác giả khác trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ giai đoạn đầu bởi tất cả được nhìn trên quan điểm và tư tưởng chính thống. Vì thế, khi tìm hiểu về Gia Định tam gia, không thể tách rời hoàn cảnh lịch sử, xã hội chính trị, tư tưởng văn hoá đã chi phối đến đời sống tinh thần của họ, mà phải nhìn nhận nó trong mối quan hệ


biện chứng, từ đó mới thấy được những giá trị nhân văn trong tư tưởng tình cảm của

nhà thơ thông qua tác phẩm.

Những quan niệm về văn chương của Gia Định tam gia phần nào cho thấy yếu tố tiến bộ tích cực của các ông. Thơ đối với các ông hoàn toàn không phải phục vụ thi cử, không phải để nổi danh ở đời như một số nhà thơ quan niệm, mà xuất phát từ nhu cầu tâm hồn cần được giãi bày, nhu cầu giải trí, thưởng thức thẩm mỹ nghệ thuật để nâng cao chân, thiện, mỹ và với mục đích hết sức đơn giản: ghi lại sự việc thông qua lăng kính tình cảm của nhà thơ để truyền lại cho con cháu đời sau. Chính quan niệm như thế, các ông đến với thơ cũng hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên, và lạ hơn là nhiều khi các ông chỉ cần bạn bè truyền đọc mà ít quan tâm đến việc cho khắc in lưu hành.

Tư tưởng trung quân yêu nước gắn liền với lòng tự hào dân tộc là nội dung thường thấy trong thơ của các ông. Tinh thần luôn hướng về vua về nước của một nhà Nho tích cực nhập thế hành đạo, bản thân nó hoàn toàn không có lỗi, đồng thời xét trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, đó là tinh thần đáng quý, bởi các ông đã tiếp nhận và nuôi dưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ những người thầy danh tiếng.

Bên cạnh tư tưởng Nho giáo chính thống nhưng chưa đến mức phản động như ở thời Tự Đức về sau, những yếu tố phi Nho cũng tồn tại trong tư tưởng của Gia Định tam gia mặc dù vẫn còn ở mức độ nhạt. Những yếu tố phi Nho này trong giai đoạn sau sẽ được dịp phát triển khi cuộc sống biến động đổi thay đến chóng vánh, sự có mặt của nhiều dòng tư tưởng, nhiều thành phần dân cư, nhiều thể thức văn hoá, và đặc biệt khi triều đình phong kiến đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân, đã làm bùng nổ sự tự bứt phá và giải phóng tư tưởng khỏi những ràng buộc vô lý của tư tưởng Nho giáo ở tầng lớp trí thức Nam Bộ. Trong giai đoạn đầu của triều Nguyễn, vì trải qua nhiều gian nan mới giành được chính quyền, nên Gia Long thi hành các chính sách có ích cho nhân dân. Trong buổi đầu ấy, Gia Định tam gia cũng hết sức phò vua giúp nước, nhưng bản thân các ông vẫn muốn thực hiện kiểu hành xử của người thức thời thoái ẩn. Ước mơ thoái ẩn vui cảnh điền viên, du sơn ngoạn thuỷ là ước mơ gần như quá xa xỉ đối với các ông. Thế nên, chúng ta không lấy làm lạ khi những tư tưởng phi Nho muốn hưởng lạc nhàn dật, hay muốn lên tiên, tu đạo học Phật vẫn xuất hiện trong thơ như một ám ảnh trong cuộc đời.


Mảng thơ viết về thiên nhiên của Gia Định tam gia đặc biệt của Trịnh Hoài Đức vừa phản ánh những nét hoang sơ nhưng dồi dào tiềm năng và đầy sức sống của Nam Bộ, vừa phản ánh sinh hoạt lao động của con người đã in dấu lên thiên nhiên ấy. Miêu tả thiên nhiên nhưng các nhà thơ hoàn toàn cởi bỏ những sáo ngữ thường thấy trong thơ Đường, thay vào đó dùng những từ ngữ vừa sinh động vừa cụ thể hoá được đối tượng mà các ông hướng đến. Điều đó cho thấy tình cảm sâu sắc của các ông đối với quê hương Nam Bộ cũng như đối với dân tộc.

3. Luận án cũng đi vào tìm hiểu các phương diện nghệ thuật trong thơ Gia Định tam gia tập trung ở chương 3, như vấn đề về thể loại, ngôn ngữ, thủ pháp sử dụng điển cố… Đồng thời, chúng tôi thử xác định giọng điệu của từng tác giả để hướng đến việc tìm hiểu phong cách của mỗi nhà thơ.

Với mảng đề tài khá hẹp, chủ yếu về thiên nhiên, vịnh vật, vịnh sử, các ông còn làm thơ theo lối vịnh hoạ (một lối chơi thơ trước đó ít thấy xuất hiện ở những nơi khác như Đàng Ngoài) khá đặc thù của phong cách vừa phóng khoáng vừa cứng rắn của người Nam Bộ. Với mảng đề tài và lối chơi thơ này, việc Gia Định tam gia dùng nhiều thể thơ thất ngôn bát cú cũng là hợp lẽ. Riêng Trịnh Hoài Đức có sáng tác hai bài thơ ngũ ngôn cổ phong (một trong Cấn Trai thi tập, và một bài thơ do Nguyễn Liên Phong chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca), lời lẽ phóng khoáng thoả mái, thể hiện phong cách thơ của Trịnh Hoài Đức. So với những nhà thơ khác như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản… thì con số 2 bài thơ cổ phong của Trịnh Hoài Đức quá ít ỏi. Việc sáng tác bằng nhiều thể thơ cũng nói lên phong cách từng nhà thơ, đồng thời cho thấy nội dung tư tưởng tình cảm cũng như mức độ biểu đạt rộng lớn hơn, mang tính tự sự nhiều hơn.

Về ngôn ngữ thơ, đáng chú ý là sự kết hợp từ ngữ khá sáng tạo theo nếp nghĩ dân tộc, đồng thời đã thấy ít đi những sáo ngữ. Trịnh Hoài Đức còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ. Điều này sẽ không lạ đối với trường hợp như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Du… nhưng lại rất lạ đối với Trịnh Hoài Đức. Ông là người Minh Hương, nhưng mang tinh thần dân tộc Việt khá đậm. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của văn hoá Việt trên vùng đất này rất lớn. Ngôn ngữ thơ Nôm Trịnh Hoài Đức vừa mang tính dân tộc cũng vừa mang tính đặc thù của địa phương Nam Bộ, do đó cũng là những tư liệu quý khi khảo sát về chữ Nôm Nam


Bộ. Việc sử dụng các biện pháp tu từ, điển cố điển tích như phương tiện nghệ thuật cũng xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Gia Định tam gia. Cách dùng điển trong thơ đôi lúc hiểm quái mà không quá lạm dụng, điều đó cho thấy phong cách phóng khoáng của văn hoá Nam Bộ và văn hoá Hoa Nam ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tác. Ngoài ra các ông còn thường xuyên sử dụng các biện pháp tu từ chủ yếu như nhân hoá, ẩn dụ, so sánh… biến thiên nhiên thành những thực thể sống động và xây dựng được những hình tượng nghệ thuật khá đặc biệt.

Thơ là tiếng nói, là tinh hoa của tâm hồn như Trịnh Hoài Đức từng phát biểu, nó gắn liền với hoàn cảnh lịch sử và cuộc đời mỗi thi nhân, do vậy, mỗi nhà thơ là một tiếng nói riêng, một giọng điệu riêng. Thơ Trịnh Hoài Đức tràn đầy âm vang tiết điệu tự hào, chất hào sảng là giọng điệu chủ đạo; thơ Lê Quang Định mang giọng điệu ôn nhu của một tài tử tài hoa, nhã nhặn; còn Ngô Nhân Tĩnh lại mang giọng điệu thâm trầm, chiêm nghiệm. Hẳn nhiên ngoài giọng chủ đạo ấy vẫn có những giọng điệu khác đan xen hoà lẫn làm nên chất đa dạng trong thơ của các ông. Nhưng chính giọng điệu chủ đạo trong thơ đã làm nên phong cách thơ của mỗi tác giả.

4. Xét trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, Gia Định tam gia thi vừa kế thừa tinh hoa của thơ ca cổ điển Trung Quốc và dân tộc ở phương diện đề tài, thể loại, vừa kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ở phương diện nội dung phản ánh, đặc biệt là tình cảm yêu quê hương, đất nước, tình cảm chân thành với gia đình, bè bạn…

Có thể nói, trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ, Gia Định tam gia là những người có đóng góp lớn cho văn hoá, văn học Nam Bộ. Các ông là lớp người sau hội Tao đàn Chiêu Anh Các, nhưng trước nhóm Bạch Mai thi xã – thành lập nên nhóm thơ Gia Định Sơn Hội. Việc thành lập thi xã là kiểu chơi thơ đặc thù của khu vực Nam Bộ và là một kiểu trau dồi ấn chứng thơ ca với nhau. Nếu xét trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, bản thân nó cũng đã đóng góp trong việc hình thành đội ngũ trí thức miền Nam. Những nội dung tư tưởng trung quân ái quốc được thể hiện trong thơ Gia Định tam gia, sẽ có sự biến chuyển theo xu hướng khác trong lớp nhà Nho tiếp theo ở Nam Bộ khi triều đình nhà Nguyễn bắt đầu có những chính sách, hành động ngược lại với nguyện vọng của nhân dân, dẫn đến sự phân hoá tư tưởng thành hai cực rõ rệt trong tầng lớp trí thức. Một bộ phận các nhà Nho đứng về phía


nhân dân mặc dù vẫn hoạt động chính trị trong triều Nguyễn và những chí sĩ yêu nước đứng về phía nhân dân chống lại triều đình, đánh giặc ngoại xâm với một bộ phận trung thành với triều đình nhà Nguyễn phản động và thực dân Pháp. Dầu là thơ chữ Hán hay chữ Nôm, từ thơ của Gia Định tam gia đến thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Trần Thiện Chánh, Nguyễn Thông… đều mang tư tưởng, tình cảm, phong cách và tâm lý của người dân Việt trên mảnh đất Nam Bộ mà tổ tiên vừa khai hoang. Gia Định tam gia đã tạo sức ảnh hưởng của mình không chỉ ở khu vực Nam

Bộ mà còn với khu vực Bắc Bộ. Việc Huỳnh Ngọc Uẩn đề xướng thơ xướng hoạ cảnh Thăng Long ba mươi vần được các sĩ phu Bắc Hà hưởng ứng chính là kiểu vịnh hoạ theo thể thức của Tao đàn Chiêu Anh các và Gia Định tam gia… Thể thơ liên hoàn mà Trịnh Hoài Đức sử dụng trong sáng tác thơ Nôm của mình đã được những nhà thơ sau ở Nam Bộ thừa kế tiếp tục như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường... Việc các nhà thơ danh tiếng ở Bắc Hà phê bình thơ viết tựa bạt cho thơ của Gia Định tam gia cũng cho thấy văn học Hán Nôm Nam Bộ tuy mang những đặc điểm, tính chất của địa phương nhưng cũng đã bắt đầu hội nhập vào mạch nguồn văn học Hán Nôm chung của toàn dân tộc.

Trên tinh thần đó, vị trí của Gia Định tam gia trong việc xây dựng nền văn học văn hoá của dân tộc cần được nhìn nhận và đánh giá lại. Các ông là những nhà thơ lớn tiêu biểu của nền văn học Hán Nôm Nam Bộ, là những người vừa thừa tiếp truyền thống của dân tộc vừa khơi nguồn cho văn mạch ở miền Nam. Các ông xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các nhà thơ lớn của dân tộc bởi những đóng góp trên phương diện văn hoá nghệ thuật và cả phương diện địa dư lịch sử. Với tinh thần đó, chúng tôi mong rằng, sau luận án này sẽ có thêm những hội thảo khoa học về văn học Hán Nôm Nam Bộ, về Gia Định tam gia cũng như xuất bản toàn bộ thơ Gia Định tam gia, đồng thời có thể hoàn thành bộ tuyển tập văn học Hán Nôm Nam Bộ với quy mô rộng lớn hơn. Ngoài ra có thể giảng dạy thơ ca Gia Định tam gia trong chuyên đề về văn học Hán Nôm Nam Bộ cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành văn học. Hy vọng từ nay khi nói đến văn học Hán Nôm Nam Bộ, Gia Định tam gia sẽ được nhắc đến như những tác giả tiêu biểu của một vùng văn học cùng với những nhà thơ Nam Bộ khác như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông…


5. Mặc dù đã cố gắng với tinh thần làm việc hết lòng, chắc chắn luận án không tránh khỏi những thiển cận, sơ suất và có thể còn những vấn đề chưa đề cập. Nghiên cứu thơ Gia Định tam gia trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ là một bước tiếp cận đúng đắn để hiểu rõ hơn về thơ Tam gia trong quá trình phát sinh phát triển văn học Nam Bộ theo quan điểm duy vật lịch sử. Vấn đề này có thể mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi từng tác giả để có dịp tìm hiểu sâu và kỹ hơn về tư tưởng tình cảm và phong cách nghệ thuật. Từ việc nghiên cứu thơ văn Hán Nôm từng tác giả tiến đến nghiên cứu dòng văn học của những di dân, di thần người Hoa khi họ chọn Việt Nam làm quê hương để thấy tình cảm, tư tưởng của họ đối với Việt Nam, đồng thời hiểu được ảnh hưởng văn hoá Việt đi vào đời sống tinh thần của họ. Hẳn nhiên việc làm này cần nhiều thời gian và công sức, chúng tôi mong rằng có thể tiếp tục nghiên cứu giới thiệu thêm những tác giả văn học Hán Nôm ở Nam Bộ một cách toàn diện hơn để từ đó có cái nhìn toàn cảnh về văn học Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Xem tất cả 409 trang.

Ngày đăng: 02/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí