Vẫn là giọng điệu tâm tình sâu lắng, rất khác với giọng thơ của Trịnh Hoài
Đức. Nâng chén rượu giải buồn mà lại là “gượng” (cưỡng) nâng:
十年湖海萍蓬跡一片山河楚越踪客况無聊詩思苦强將杯酒豁心胸
Thập niên hồ hải bình bồng tích, Nhất phiến sơn hà Sở Việt tung. Khách huống vô liêu thi tứ khổ, Cưỡng tương bôi tửu khoát tâm hung.
(Ngô Nhân Tĩnh, Hồ Quảng quy chu đồ trung tác tam thập vận, 2) (Mười năm như cánh bèo trôi trên sông biển,
Một mảng non sông là dấu vết của nước Sở và nước Việt. Tình cảnh của khách buồn bã, làm tứ thơ khó nhọc, Gượng đem chén rượu giải nỗi lòng.)
Sau chuyến đi sứ Trung Quốc, cuối năm Đinh Mão 1807, Ngô Nhân Tĩnh nhận mệnh làm chánh sứ sang Chân Lạp ban phong cho vua Nặc Chân, cùng đi trong chuyến này có phó sứ Trần Công Đàn. Trên đường đi, gặp lũ lớn ở sông Trà Khúc, Quảng Ngãi, ông viết thơ bày tỏ nỗi sốt ruột, trễ nải trong việc sứ, mặc dù ông đã tự an ủi mình rằng “dục tốc tùng lai đa bất đạt” (xưa nay muốn nhanh chóng thường không đạt). Bài thơ tuy bày tỏ sốt sắng lo lắng việc sứ chậm trễ nhưng cũng đượm chất chiêm nghiệm về đạo trị nước khi nhìn cơn lũ.
Và bài thơ lưu biệt các bạn đồng liêu để đưa Nặc Chân về Chân Lạp lần cuối cùng với Tả quân Lê Văn Duyệt – người đã khiến cho Ngô Nhân Tĩnh phải ngậm oan mà ra đi – đặt cuối tập thơ cũng mang chất giọng trầm hùng:
滿城春色送征鞍
Có thể bạn quan tâm!
- Cách Dùng Điển Cố Theo Kiểu “Ám Dụng” Và “Phản Dụng”, “Tân Dụng”, “Tá Dụng”
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 23
- Trịnh Hoài Đức – Trang Nhã Và Hào Sảng
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 26
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 27
- Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ - 28
Xem toàn bộ 409 trang tài liệu này.
半句心頭欲話難未信臨民師子產敢將市義效馮驩江山有意雲相浄天地無心物自閒此去已期梅月會休將杯酒唱陽關
Mãn thành xuân sắc tống chinh an,
Bán cú tâm đầu dục thoại nan. Vị tín lâm dân sư Tử Sản,
Cảm tương thị nghĩa hiệu Phùng Hoan.
Giang sơn hữu ý vân tương tịnh, Thiên địa vô tâm vật tự nhàn.
Thử khứ dĩ kỳ mai nguyệt hội,
Hưu tương bôi tửu xướng Dương Quan.
(Ngô Nhân Tĩnh, Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận)
(Cảnh xuân đầy thành đưa tiễn người đi xa,
Nửa lời tâm sự, muốn nói nhưng khó nói.
Chưa tin ta thương dân như con, còn học Tử Sản, Nhưng dám mua nghĩa, bắt chước theo Phùng Hoan Sông núi có ý, mây sạch làu,
Trời đất vô tâm, vạn vật tự thành. Từ đây, hẹn hội ngộ vào mùa mai,
Chớ nâng chén rượu hát khúc Dương Quan).
Khi viết lời tựa cho tập thơ Ngô Nhân Tĩnh, Bùi Dương Lịch cảm nhận:
忠 愛 之 情 發 之 詩 , 隨 感 隨 發 , 筆 與 情 到 而 其 一 般 宕 佚 之 致 , 飄 乎 旁 日 月 而 挾 宇 宙 , 隱 隱 乎 情 之 外 , 非 一 篇 一 句 所 可 指 摘 。 殆 蒙 莊 所 謂 若 有 真 宰 而 不 得 其 朕 者 斯 非 神 之 全 歟 ? “Trung ái
chi tình phát chi thi, tuỳ cảm tuỳ phát, bút dữ tình đáo nhi kỳ nhất ban đãng dật chi trí phiêu hồ. Bạng nhật nguyệt nhi hiệp vũ trụ, ẩn ẩn hồ tình chi ngoại, phi nhất thiên nhất cú sở khả chỉ trích. Đãi Mông Trang sở vị “nhược hữu chân tể nhi bất đắc kỳ trẫm”1 giả, tư phi thần chi toàn dư?” (Cái tình trung quân ái quốc phát lộ vào thơ, theo cảm xúc mà phát ra, câu chữ ý tình đều thấu đáo mà thơ thường phóng dật vô cùng, nương tựa nhật nguyệt, ôm cả vũ trụ, tình cảm chan chứa, nào phải chỉ một bài một câu mà có thể trích được, quả giống như lời Trang Tử nói, “giống như có đấng chân tể nhưng mà không thấy được dấu vết đó”, ấy không phải là sự toàn vẹn của thần chăng?)
Với tính cách đạm bạc, phong thái nhàn dật, những dòng thơ của Ngô Nhân Tĩnh dường như phóng dật thanh thoát. Tình cảm mà Ngô Nhân Tĩnh dành cho quê hương đất nước, cho bè bạn sâu đậm và nồng hậu khiến thơ ông mang chất giọng tâm tình, chiêm nghiệm và thâm trầm. Chất phóng dật trong thơ Ngô Nhân Tĩnh khác với Trịnh Hoài Đức và kiểu thâm trầm cũng không giống với nét suy tư của người bạn ông Lê Quang Định, có lẽ vì thế mà thơ của Ngô Nhân Tĩnh được đánh giá rất cao bởi các nhân sĩ Bắc Hà.
3.2.3. Lê Quang Định – khoan thai và đôn hậu
Lê Lương Thận trong bài tựa tập Hoa Nguyên thi thảo nhận xét về thơ Lê Quang Định có viết:
1 Câu này lấy từ sách Trang tử, Tề vật luận: 若 有 真 宰, 而 特 不 得 其 眹 (giống như có đấng chân tể (trời) mà không thể thấy được dấu vết của trời)
今 讀 其 詩 雍 容 不 迫 , 一 本 之 以 溫 柔 敦 厚 之 意 , 形 於 咨 嗟 嘆
詠 之 間, 不 假 雕 琢 而 其 氣 自 充, 直 可 繼 前 徽 而 光 國 體 “Kim độc kỳ
thi, ung dung bất bách, nhất bản chi dĩ ôn nhu đôn hậu chi ý, hình ư tư ta thán vịnh chi gian, bất giả điêu trác nhi kỳ khí tự sung, trực khả kế tiền huy nhi hậu quang quốc thể” (Nay đọc thơ ông, ung dung thong thả, suốt tập đều lấy ý ôn, nhu, đôn, hậu bày tỏ vào trong lời ca ngâm than thở, không cần chạm trổ câu chữ mà khí thơ tự đầy tràn, thật có thể kế thừa tiền nhân để làm rạng rỡ quốc thể).
Quả thật, thơ của Lê Quang Định có cái thong dong, nhàn nhã của một người tính tình cẩn thận nhưng mang tố chất một tài tử. Toàn tập thơ của Lê Quang Định cùng một giọng điệu khoan thai, nhàn nhã, đôn hậu.
言語羞將品使才
直敎寸念得叨陪龍城雲樹描離思燕地梯航逐遠來征眼翠連關上椏皇華香送隴頭梅今朝非以尋常醉擕手相將莫厭杯
Ngôn ngữ tu tương phẩm sứ tài, Trực giao thốn niệm đắc đao bồi. Long thành vân thụ miêu li tứ, Yên địa thê hàng trục viễn lai.
Chinh nhãn thuý liên quan thượng liễu, Hoàng hoa hương tống lũng đầu mai. Kim triêu phi dĩ tầm thường tuý,
Huề thủ tương tương mạc yếm bôi.
(Lê Quang Định, Lưu biệt Bắc thành chư liêu hữu,
bộ Quỳ Giang hầu nguyên vận)
(Thẹn đem lời nói bình phẩm tài năng của sứ giả, Tấc lòng luôn nghĩ mình may mắn được chọn đi sứ.
Mây và cây ở thành Thăng Long tô vẽ nỗi sầu xa cách, Thuyền sứ lên đất Bắc (Trung Quốc) như đẩy người xa thêm. Trông xa liễu trên quan ải một màu xanh biếc nối liền,
Trên đường đi sứ, hoa mai đầu truông núi đưa hương. Sáng nay chẳng phải say vì những việc tầm thường, Tay nắm tay, xin chớ từ li.)
Phong thái ung dung của Lê Quang Định hiện rõ ngay trong những bài thơ từ đầu tập đến cuối tập. Giọng điệu trong thơ Lê Quang Định không gay gắt, không quá trầm buồn mà thong dong. Cả nỗi nhớ mẹ nhớ cha của ông trên chặng đường đi sứ khi gặp ngày giỗ hay trong nỗi buồn suy tư cũng mang giọng khoan thai, tâm sự:
桑蓬易足平生志
香火難供一寸誠揮淚自羞豺獺念低頭空聽鷓鴣聲整容參望虛靈鑒霜鬂愁催鏡裡盈
Tang bồng dị túc bình sinh chí, Hương hoả nan cung nhất thốn thành. Huy lệ tự tu sài lãn niệm,
Đê đầu không thính giá cô thanh. Chỉnh dung tham vọng hư linh giám, Sương mấn sầu thôi kính lý doanh.
(Lê Quang Định, Khách trung ngộ huý nhật cảm tác)
(Bình sinh chí tang bồng dễ thành,
Hương lửa khó cúng, chỉ một tấc lòng thành. Gạt lệ tự thẹn cho lòng hiếu thua loài sói, Cúi đầu nghe mãi tiếng đa đa.
Sửa áo mão bái lạy nơi xa, mong hương linh chứng giám,
Mái tóc sương pha bởi sầu giục đầy cả trong gương.)
Những bài thơ ông viết tặng cho những nhân sĩ Thanh triều càng bộc lộ phong cách tự tại thong dong của nhà thơ, của một chánh sứ cầu phong:
江關歷歷泛星槎
偶向湘潭覩物華風惹琹聲堂上曲園留春色縣中花北南分土雖千里今古斯文亦一家半面莫嫌相識淺時牽清夢到天涯
Giang quan lịch lịch phiếm tinh tra, Ngẫu hướng Tương Đàm đổ vật hoa.
Phong nhạ cầm thanh đường thượng khúc,
Viên lưu xuân sắc huyện trung hoa. Bắc nam phân thổ tuy thiên lý,
Kim cổ tư văn diệc nhất gia.
Bán diện mạc hiềm tương thức thiển, Thời khiên thanh mộng đáo thiên nha.
(Lê Quang Định, Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự Tri huyện) (Lướt thuyền trải khắp non sông,
Chợt vào Tương Đàm xem cảnh sắc phồn hoa. Gió lộng tiếng đàn cầm trên công đường, Vườn nhà giữ sắc xuân, hoa trong huyện.
Đất đai chia nam bắc tuy cách ngàn dặm, Nhưng văn hoá xưa nay cũng chỉ coi là một nhà. Gặp gỡ vội vàng, biết nhau cũng chẳng mấy, Thường dắt giấc mơ thanh tao đến chân trời.)
Cái vẻ khoan thai ung dung, cẩn thận từ bản tính tác giả đã truyền hơi vào thơ, biến thành giọng điệu khoan thai hoà nhã. Lê Quang Định là chánh sứ phái đoàn thỉnh phong đầu tiên khi Gia Long thống nhất đất nước, do đó không thể không nói đến tâm thái sảng khoái, ung dung của một sứ thần Việt Nam đối với các nhân sĩ Thanh triều. Tâm thái đã thanh nhàn thì thơ đâu thể xúc bách, nên lời lẽ vào thơ cũng tự tại khoan thai.
Bài thơ ngẫu hứng làm trên đường tuy có sự chiêm nghiệm về thời cuộc nhưng người đọc vẫn thấy tiết điệu khoan dung hoà nhã:
幾度桑田幾度滄
堪輿一塊正茫茫山河著落枰中久王伯盈輸局裡忙天若無文機不造地因有理險能藏桑蓬最是平生意莫厭間關道路長
Kỷ độ tang điền kỷ độ thương,
Kham dư nhất khối chính mang mang.
Sơn hà trứ lạc bình trung cửu, Vương bá doanh du cục lý mang. Thiên nhược vô văn cơ bất tạo, Địa nhân hữu lý hiểm năng tàng. Tang bồng tối thị bình sinh ý,
Mạc yếm gian quan đạo lộ trường.
(Lê Quang Định, Ngẫu tác)
(Mấy độ nương dâu hoá thành biển cả, Một mảnh dư đồ còn mịt mờ.
Non sông được hay mất, trong cờ đã có từ lâu, Vương bá thắng hay thua, trong cuộc còn bận. Trời nếu không có văn, cơ xảo không tạo được, Đất vì có lý, hiểm hung có thể ẩn tàng.
Thoả chí tang bồng là ý cả cuộc đời,
Nên chẳng chán đường dài cách trở núi non.)
Bốn câu đầu là chiêm nghiệm về thời cuộc, bốn câu sau là ngộ lẽ trời đất, vì thế tác giả dẫu rong ruổi trên đường xa hiểm trở mà chẳng ngại. Phong thái an nhàn ấy sở dĩ có được cũng là do bản tính cẩn trọng thuần phác của một nhà Nho vui với đạo.
Có thể nói phong cách và giọng điệu thơ của Gia Định tam gia được hình thành không chỉ bởi những yếu tố nghệ thuật nội tại của thơ ca, mà không thể không tính đến những yếu tố khách quan từ xã hội, văn hoá kinh tế chính trị thời bấy giờ
đã góp phần làm nên chất giọng và phong cách thơ của các ông. Trịnh Hoài Đức có phong cách phóng khoáng hào sảng của một nhà nho hành đạo pha chất tài tử từ việc hấp thu văn hoá đa dạng ở Nam Bộ; Ngô Nhân Tĩnh ý thơ phóng dật ẩn ức thâm trầm bởi tính cách và những cảnh ngộ oan tình; và Lê Quang Định tài hoa nhưng ít đa tình lại nhiều suy tư của người gốc miền Trung vào Nam Bộ kiếm sống. Những yếu tố ấy góp lại sẽ làm nên tiếng nói, làm nên chất giọng khá riêng trong thơ mỗi tác giả.
Từ phong thái đến giọng điệu là một ranh giới khá gần. Do vậy xác định giọng điệu ngoài việc dựa vào hình thức nghệ thuật thơ còn phải chú ý đến phong thái tính tình của tác giả. Tuy nhiên, với thể thơ Đường luật, chúng ta khó mà xác định giọng điệu từ hình thức câu thơ, vì kết cấu thơ luật đã trở thành khuôn mẫu chung. Người xưa bàn thơ, đọc lên và cảm nhận bằng sự tinh nhạy từng trải, hơn là ngồi soi từng câu từng chữ. Tình cảm thế nào sẽ phát lộ vào thơ thế ấy. Cho nên đọc thơ, người đọc cũng tự nhiên cảm nhận được tình cảm của nhà thơ.
Hẳn nhiên một tác giả không bao giờ chỉ một giọng điệu mà có khi đa giọng. Những giọng khác nhau làm nên tính đa dạng của tác giả, nhưng để khu biệt giữa các tác giả, giọng điệu chủ đạo là vấn đề quan trọng. Nếu Nguyễn Du với giọng điệu tâm tình, chiêm nghiệm về cuộc đời là giọng điệu chính, thì giọng điệu chủ đạo của Trịnh Hoài Đức là giọng điệu khảng khái và hào sảng của một vị quan hiển đạt thanh bạch. Ngô Nhân Tĩnh với giọng thâm trầm, tâm tình và Lê Quang Định với giọng hoà nhã, khoan thai.
Như đã nói, để đưa ra đặc điểm phong cách nghệ thuật của một tác giả là việc làm không dễ dàng, nhất là những tác giả thời trung đại sáng tác bằng chữ Hán, thứ chữ rất lạ đối với những người hậu học bằng quốc ngữ La-tinh như chúng ta. Do vậy, việc đề ra đặc điểm phong cách nghệ thuật trong luận án này vẫn mang ý kiến vừa chủ quan vừa khách quan. Hy vọng vấn đề sẽ được tiếp tục trong một chuyên luận khác chỉ riêng về nghệ thuật thơ của Gia Định tam gia khi có điều kiện nghiên cứu tiếp.
TIỂU KẾT
NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA
Nhìn chung, thơ Gia Định tam gia dù hạn chế về đề tài và thể loại, nhưng đã kế thừa và phát huy được những khai phá của tiền nhân. Những sự vật, hình ảnh thường thấy trong đời sống có từ thơ Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập, hay thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm… đã được Gia Định tam gia, đặc biệt là Trịnh Hoài Đức thừa kế và đưa vào thơ chữ Hán của mình, tạo nên những hình ảnh nghệ thuật thú vị, tự nhiên như ở thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Tao đàn của Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Tiếng Hán, đối với những người Minh Hương vừa là một cổ ngữ, nhưng đồng thời cũng là một loại sinh ngữ. Do đó, việc dùng ngôn ngữ Hán để diễn đạt những sự vật đời thường cũng là hợp lý. Đồng thời, có thể lý giải từ góc độ ý thức nghệ thuật của Trịnh Hoài Đức. Phải chăng Trịnh Hoài Đức muốn đưa những hình ảnh đời thường vào thơ với mục đích dân dã hoá thể loại thơ vốn rất bác học?
Thơ Trịnh Hoài Đức có đóng góp lớn đối với phương diện này. Một loạt những hình ảnh, sự vật như tua quạt (Hổ phách lân phiến truỵ), cây móc tai (Nhĩ bả), chiếc kính mắt (Mục kính), tôm càng xanh (Thanh hà), cá rô (Quá sơn ngư)… cho đến những loại cây quả Miền Nam như: cây bần (Thuỷ liễu), cây khế (Dương đào), cây mãng cầu (Phật đầu lê), cây ổi (Dã thạch lựu)… khi vào thơ, được tác giả cấp thêm biểu tượng mới: biểu tượng quân tử. Việc làm này dường như lại ngược với điều vừa nói trên, tức là ông đang tạo cho những hình ảnh bình thường ấy một nội dung bác học.
Hình ảnh con tôm trong thơ Trịnh Hoài Đức là biểu tượng kẻ sĩ, thì đến thời của Học Lạc, một nhà thơ trào phúng xuất sắc trong nền văn học Hán Nôm Gia Định, con tôm đã trở thành biểu tượng kẻ vô đức, vô tài. Từ đó cho thấy, việc thay đổi nhân sinh quan trước những rạn nứt của thể chế chính trị đương thời, hệ quả là xảy ra một cuộc thay đổi quan niệm thẩm mỹ. Thơ thời Gia Định tam gia mang tính giáo hoá theo kiểu Nho gia, nên ôn nhu đôn hậu; còn thơ giai đoạn sau, đặc biệt khi những người cầm bút ý thức được mỗi ngọn bút, mỗi bài thơ là vũ khí chiến đấu sắc bén, công kích những thói hư tật xấu, những kẻ xu nịnh, tự nhiên bản thân thơ ca cũng sẽ mang tính chiến đấu. Trong thơ Nôm của Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt,
Nguyễn Hữu Huân… ta sẽ thấy đề tài viết về những sự vật dân dã đời thường này, nhiều khi có vẻ như dung tục nhưng tính đả kích chiến đấu cao (Phan Văn Trị với thơ Con muỗi, Cái cối xay, Con cua, Hột lúa… ; Huỳnh Mẫn Đạt với Chó già, Đĩ già đi tu… ).
Việc dùng các thể thơ Đường luật trong sáng tác, một mặt cho thấy sở trường của các ông, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự hạn chế trong lựa chọn thể thơ để biểu đạt tư tưởng tình cảm. Trong Gia Định tam gia, Trịnh Hoài Đức là người sáng tác nhiều thể loại hơn so với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh, cho phép chúng ta suy luận ông là người linh hoạt, thừa kế và làm chủ được nhiều thể loại trong sáng tác. Ngoài ra, thể thất ngôn bát cú liên hoàn trước đây rất ít người sử dụng đã xuất hiện trong sáng tác của Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Trãi trước đó có dùng thể thất ngôn tứ tuyệt liên hoàn này nhưng không thấy phổ biến. Đến giai đoạn sau, thể thơ này được các nhà thơ Nam Bộ sử dụng nhiều hơn. Trịnh Hoài Đức có 20 bài thơ Nôm viết theo thể thất ngôn bát cú liên hoàn, sau đó, lại thấy Nguyễn Đình Chiểu dùng để viết thơ viếng Trương Định (12 bài), điếu Phan Tòng (10 bài), ngoài ra Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị (Tôn Thọ Tường có Tự thuật làm theo thể liên hoàn (gồm 10 bài), Phan Văn Trị hoạ lại thơ của Tôn Thọ Tường để đả kích, gây nên một cuộc bút chiến; Phan Văn Trị còn có thơ Hoài cảm cũng gồm 10 bài) và Lê Quang Chiểu cũng có thơ theo thể này…
Về ngôn ngữ, các ông vẫn sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Hán, tuy nhiên được dùng khá linh hoạt. Đó là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại, giữa ngôn ngữ ước lệ với ngôn ngữ đời thường, cùng với việc sử dụng điển cố điển tích và những thi liệu Hán học, khiến thơ của các ông có những hình ảnh, kiến giải khá đặc biệt. Thơ của Gia Định tam gia nhìn chung rất giống với thơ thời Trần từ phương diện sử dụng ngôn ngữ. Điều đó có thể khiến thơ của Tam gia dễ dàng hoà nhập vào trong ngôi nhà thơ của toàn dân tộc.
Việc dùng chữ Nôm để sáng tác thơ, đối với Trịnh Hoài Đức cũng mang ý nghĩa lớn. Ông sáng tác thơ Nôm trên đường đi sứ là điều ít thấy trong lịch sử thơ ca dân tộc. Sự đóng góp của Trịnh Hoài Đức về mặt ngôn ngữ Nôm cũng phải được nói đến như sự truyền thừa và phát triển từ tiền nhân, đồng thời làm nhịp cầu cho những nhà thơ Nam Bộ ở giai đoạn sau phát huy tính linh hoạt, khả năng diễn đạt của tiếng Nôm trong sáng tác.