Đầu Tư Trực Tiếp, Gián Tiếp, Và Đầu Tư Khác Vào Lào Giai Đoạn 2002 - 2012 (Triệu Usd)


Bên cạnh đó, Lào còn là quốc gia nhận được nhiều hỗ trợ quốc tế từ các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế. Viện trợ của nước ngoài đã tăng từ 45 triệu USD năm 1986 lên 140 triệu USD năm 1989, 330 triệu USD năm 1996, 500 triệu USD năm 2008. Cùng với viện trợ nước ngoài thì vốn đầu tư nước ngoài vào cũng tăng dần qua các năm, từ mức 187 triệu USD năm 2006, tăng lên 318,6 triệu USD năm 2009, 466,9 triệu USD năm 2011. Viện trợ nước ngoài và vốn đầu tư trước tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lào.


Biểu đồ 3 3 Đầu tư trực tiếp gián tiếp và đầu tư khác vào Lào giai 1


Biểu đồ 3.3: Đầu tư trực tiếp, gián tiếp, và đầu tư khác vào Lào giai đoạn 2002 - 2012 (triệu USD)

Nguồn: ADB statistics.

Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ VIII tháng 3 năm 2006 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: "xây dựng vững chắc hệ thống chính trị dân chủ nhân dân, trong đó Đảng là hạt nhân lãnh đạo, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội; đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; kinh tế phát triển dựa trên sự phát triển nông nghiệp vững chắc và lấy phát triển công nghiệp làm cơ sở, tạo tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo chuyển biến cơ bản về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phát triển nhịp nhàng các thành phần kinh tế, trong đó thành phần kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể được củng cố và phát triển vững mạnh. GDP tăng gấp 3 lần năm 2000; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế".

Được cụ thể hóa bằng các kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm, việc thực hiện mục tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu, khu vực cũng như trong nước như sau:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

a/ Bối cảnh quốc tế và khu vực

Thuận lợi:

- Mối quan hệ quốc tế của Lào với các quốc gia khác trên thế giới cũng như trong khu vực được cải thiện, đặc biệt là sau khi hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực thông qua việc gia nhập và tham gia các hoạt động của ASEAN.

- Thị trường xuất khẩu được mở rộng, giá trị các khoản tài trợ, cho vay với những điều kiện ưu đãi tăng lên. Vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước.

- Sự phát triển về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, vật liệu mới và công nghệ sinh học tạo điều kiện để nền kinh tế tiến tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

- Các đối tác phát triển chiến lược của Lào đều phát triển mạnh, và thực hiện những cam kết hỗ trợ cho nền kinh tế Lào.

Khó khăn và thách thức:

- Xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Lào.

- Trình độ kinh tế của Lào còn thấp, là một quốc gia đang phát triển đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng lên từ nền kinh tế thế giới.

- Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, trong đó có Lào, đặc biệt là khu vực xuất khẩu và các dự án đầu tư lớn.

- Nhu cầu lớn về tài nguyên trong khu vực của các quốc gia láng giềng đã làm ảnh hưởng tới dự trữ tài nguyên của Lào cũng như môi trường tại Lào.

b/ Bối cảnh trong nước

Thuận lợi:

- Các chính sách của quốc gia ban hành theo Nghị quyết của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 8 là kịp thời và đáp ứng đúng nhu cầu phát triển kinh tế.

- Quốc hội chính thức phê chuẩn kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm lần thứ sáu trong năm 2006.

- Chính quyền trung ương và địa phương đã chuyển kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm thành các chương trình và dự án cụ thể và thực hiện tích cực.

- Kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm lần thứ sáu nhận được sự trợ giúp cả trong nước lẫn quốc tế.


- Tình hình chính trị và xã hội trong nước diễn biến ổn định.

Khó khăn và thách thức:

- Tình trạng thiên tai trong hai năm 2008, 2009 cũng như các dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của Lào.

- Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu và các dự án lớn. Thiếu hụt nguồn vật liệu thô, đặc biệt là dầu, là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến khu vực kinh doanh.

- Việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội lần thứ sáu bị chậm một năm, dẫn đến sự trì hoãn trong tiến trình thực hiện các chương trình và dự án cụ thể, gây khó khăn cho công tác thực hiện các kế hoạch đề ra.

- Nhiều chương trình và dự án thiếu hụt sự hỗ trợ về tài chính do ảnh hưởng của thiên tai dẫn tới việc phân bổ nguồn vốn không theo như kế hoạch. Khả năng quản lý kinh tế vĩ mô cũng như quản trị các đơn vị hành chính còn nhiều hạn chế.

- Tốc độ tăng trưởng dân số nhanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đặt ra bài toán về việc làm, chăm sóc xã hội cho người dân cũng như nâng cao trình độ cho lực lượng lao động.

- Hạn chế trong hệ thống quản lý tại các cấp từ trung ương cho tới địa phương. Thông tin và dữ liệu thống kê rất hạn chế và không đầy đủ.

Đầu tư vào khoáng sản và thủy điện trong những năm gần đây là nguồn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính của nền kinh tế Lào, góp phần vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo tại quốc gia này. Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi kinh tế tại Lào vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách. Cơ sở hạ tầng còn khá lạc hậu cho dù hệ thống đường bộ đã được cải tạo nhưng đi lại vẫn khó khăn, hệ thống thông tin liên lạc còn giới hạn, điện sinh hoạt chỉ mới có ở một số khu vực đô thị… Do vậy, nền kinh tế Lào cần phải tiếp tục được đầu tư hơn nữa và phải tập trung vào việc đa dạng hóa kinh tế để tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên. Với lượng dân số trẻ ngày càng đông hơn thì nhu cầu có việc làm sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời đặt ra áp lực cho việc tạo công ăn việc làm; tuy vậy, Lào cần phải nghiên cứu tác động của việc này trên cơ sở phân tích ích lợi từ tăng trưởng kinh tế và sự bất cập xuất phát từ khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường.


3.2. ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA NGÂN HÀNG NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

3.2.1. Diễn biến tiền tệ và tình hình phát triển của hệ thống ngân hàng tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Để có cơ sở đánh giá thực trạng điều hành CSTT của Ngân hàng nước CHDCND Lào, trước tiên cần phải phân tích diễn biến tiền tệ và hệ thống ngân hàng tại Lào trong thời gian vừa qua.

3.2.1.1. Diễn biến tiền tệ tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Theo Luật Ngân hàng nước CHDCND Lào, một trong những mục tiêu của NHTW là thúc đẩy và duy trì sự ổn định của đồng nội tệ, quản lý hiệu quả tốc độ tăng trưởng tài sản nội tệ ròng, duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý, và hướng tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo các kế hoạch năm năm. Trên thực tế, Ngân hàng nước CHDCND Lào nhận định và điều hành CSTT hướng tới mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát dưới tốc độ tăng trưởng GDP, cung tiền dưới mức 25%, hạn chế biến động của tỷ giá hối đoái với đồng USD và THB trong phạm vi ±5% mỗi năm [48, tr.10]. Để có thể thực hiện mục tiêu lạm phát, Ngân hàng nước CHDCND Lào lựa chọn hai mục tiêu trung gian là tỷ giá và cung tiền, tỷ giá và tiền cơ sở là mục tiêu hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, các công cụ CSTT trực tiếp và gián tiếp được sử dụng để tác động vào lượng tiền cơ sở và tỷ giá, từ đó dần ảnh hưởng tới mục tiêu trung và các mục tiêu cuối cùng của CSTT. Có hai đặc điểm nổi bật về tiền tệ tại CHDCND Lào tác động đến công tác điều hành CSTT tại quốc gia này.

Thứ nhất, quy mô của khu vực tiền tệ đã phát triển nhanh chóng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kể từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997.

Sự tăng trưởng tiền tệ tại Lào diễn ra với tốc độ nhanh, mạnh nhưng lại không đồng đều qua các năm; có thời điểm tăng trưởng cung tiền lên tới 45,9% năm 2000 nhưng có thời điểm lại giảm xuống còn 8,2% năm 2005. Tỷ lệ M2/GDP diễn biến khá ổn định ở mức 20% cho tới năm 2007 và sau đó tăng rất mạnh, trung bình mỗi năm tăng 16,5%. Nếu như lượng hàng hóa nền kinh tế tạo ra không tương xứng với lượng tiền gia tăng cũng như nhu cầu nắm giữ tiền của công chúng chỉ ở mức


thấp thì lạm phát xảy ra là điều khó tránh khỏi. Với một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế như CHDCND Lào thì tốc độ tăng trưởng cao của lượng tiền trong nền kinh tế là điều hợp lý nhưng nếu mức độ biến động là quá cao (như năm 2005 và 2006, 2008 và 2009) thì sẽ gây bất ổn cho môi trường kinh tế vĩ mô.


Biểu đồ 3 4 Tăng trưởng cung tiền GDP và tỷ lệ M2 GDP của Lào giai đoạn 2


Biểu đồ 3.4: Tăng trưởng cung tiền, GDP, và tỷ lệ M2/GDP của Lào giai đoạn 2000 - 2012

Nguồn: ADB statistics.

Thứ hai, Lào là quốc gia có tình trạng đô la hóa rất cao.

Nguyên nhân này bắt nguồn từ thực tế lòng tin của công chúng vào giá trị đồng nội tệ bị xói mòn mạnh mẽ sau giai đoạn lạm phát cao trước năm 2000. Tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ có những thời điểm lên tới 32,7% vào năm 2010 khi lượng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của nền kinh tế tăng cao, trong khi công chúng lại có xu hướng tích trữ ngoại tệ để bảo đảm giá trị hơn là bán lại cho các NHTM.

Mặc dù tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên cung tiền đã giảm dần từ mức trên 60% vào năm 2004 xuống còn 42,5% vào năm 2012, đây vẫn là một tỷ lệ cao. Ngoài lý do lạm phát và biến động tỷ giá cao cũng như đặc điểm vị trí địa lý và thương mại với Thái Lan, thì còn các nhân tố khác khiến cho tình trạng đô la hóa xảy ra phổ biến ở Lào là sự kém phát triển của thị trường tiền tệ, hạn chế các giao dịch liên ngân hàng, nghiệp vụ thị trường mở hoạt động kém sôi nổi, và không có sự tồn tại của thị trường trái phiếu. Tình trạng đô la hóa cao xảy ra làm giảm đi hiệu lực điều hành CSTT của Ngân hàng nước CHDCND Lào do NHTW không thể tác động một cách chủ động và kiểm soát tốt lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế.



Biểu đồ 3 5 Tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ cung tiền và tỷ lệ tiền 3


Biểu đồ 3.5: Tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ, cung tiền, và

tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên cung tiền của Lào giai đoạn 2004 - 2012

Nguồn: ADB Statistics.

Quy mô khu vực tiền tệ tăng trưởng mạnh (thể hiện ở tỷ lệ cung tiền trên GDP tăng cao đột biến) và tình trạng đô la hóa cao trong khi những tiền đề cơ bản cho điều hành CSTT chưa thực sự phát triển như thị trường tiền tệ và liên ngân hàng chưa phát triển, cho thấy tình trạng phát triển tiền tệ tại Lào là còn tương đối non trẻ. Thực trạng này đặt ra cho Ngân hàng nước CHDCND Lào những khó khăn nhất định trong việc thực hiện các biện pháp điều hành hướng tới các mục tiêu của CSTT.

3.2.1.2. Tình hình phát triển hệ thống ngân hàng tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Hệ thống ngân hàng tại Lào chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp từ thời điểm tháng 10 năm 1988, khi cơ chế kinh tế mới được thực hiện từ năm 1986. Quá trình chuyển đổi này được thực hiện khi Hội đồng Bộ trưởng của Lào ra Quyết định số 11/Hội đồng bộ trưởng vào ngày 12/03/1988 về chuyển đổi hệ thống ngân hàng Lào phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Ngân hàng nước CHDCND Lào là cơ quan ngang Bộ, là thành viên của Chính phủ, có trự sở chính đặt tại thủ đô Vientiane, là đơn vị giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tại Lào. Ngân hàng nước CHDCND Lào cũng có nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối, quản lý việc in tiền cho lưu thông thay cho Chính phủ, quản lý hệ thống thanh toán giữa các ngân hàng, báo cáo thường xuyên tình hình kinh tế với Chỉnh phủ, là đại diện của Chính phủ tại Quỹ tiền tệ quốc tế, và thực hiện các chức năng khác do Chính phủ giao phó.


Đứng đầu trong bộ máy tổ chức của Ngân hàng nước CHDCND Lào là Ban điều hành do 1 phó thủ tướng là chủ tịch, hai phó chủ tịch bao gồm Thống đốc và Bộ trưởng Bộ tài chính, ngoài ra còn có các thành viên khác từ Bộ Năng lượng và khóa sản, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và lâm nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng nước CHDCND Lào. Xếp sau Ban điều hành là Thống đốc và các Phó Thống đốc, các vụ chức năng như Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Giám sát Ngân hàng thương mại, Vụ Hoạt động ngân hàng, Vụ Giám sát các tổ chức tín dụng, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ kế toán, Vụ Tổ chức và nhân sự, Văn phòng, Vụ phát hành tiền, Vụ Công nghệ thông tin.

Năm 1988 cũng là năm mà Luật thu hút đầu tư nước ngoài được ban hành, đã khuyến khích các ngân hàng ngoại mở chi nhánh tại Lào. Hệ thống ngân hàng tại Lào trải qua lần tái cấu trúc thứ hai sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997 và lần tái cấu trúc thứ ba vào năm 2003. Ngoài bốn ngân hàng Nhà nước, đã có nhiều hơn các ngân hàng tư nhân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập kể từ lần tái cấu trúc thứ ba. Tính đến thời điểm cuối năm 2011, hệ thống ngân hàng tại Lào có bốn ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, hai ngân hàng liên doanh, tám chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chín ngân hàng tư nhân, và hai văn phòng đại diện. Sự tăng lên đột biến về số lượng các ngân hàng bắt nguồn từ những cải cách về mặt thể chế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi Lào tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu đầu tư của đất nước cần tới nguồn vốn từ bên ngoài có thể thu hút được thông qua việc cho phép các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh…

Biểu đồ 3 6 Số lượng các ngân hàng hoạt động tại Lào giai đoạn 2002 2011 4

Biểu đồ 3.6: Số lượng các ngân hàng hoạt động tại Lào giai đoạn 2002 - 2011

Nguồn: [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63].


Tín dụng tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế mà thị trường chứng khoán chưa phát triển. Giai đoạn từ năm 2007 cho tới này, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Lào đã tăng mạnh, đưa tỷ lệ tín dụng/GDP từ mức 7,9% năm 2007 lên mức 34,4% năm 2011 và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền luôn song hành cùng với nhau trong giai đoạn này, cho thấy quy mô của khu vực tiền tệ lẫn quy mô, tầm quan trọng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nóng về tín dụng cũng đã đặt ra những lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng cao là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của thị trường tài chính nhưng nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn khả năng quản lý và giám sát của cơ quan quản lý thì rủi ro tiềm ẩn sẽ là rất lớn. Thứ hai, sự cạnh tranh khốc liệt trong thu hút vốn khi số lượng ngân hàng tăng lên dẫn tới mức lãi suất cho vay cao hơn và đặt ra nghi vấn liệu hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục thu được lợi nhuận khi mà áp lực lãi suất cao đè nặng lên những người đi vay. Hai vấn đề này càng đáng lo ngại hơn khi năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng tại Lào là rất thấp. Mặc dù quá trình bơm vốn cho hệ thống ngân hàng Nhà nước đã được thực hiện nhưng vốn chủ sở hữu vẫn ở mức thấp hơn so với quy định về tỷ lệ an toàn vốn, chỉ ở mức 4,8% năm 2010 và 6% năm 2011 [48, tr. 30].


Biểu đồ 3 7 Tăng trưởng tín dụng đối với khu vực DNNN tư nhân và tỷ lệ 5


Biểu đồ 3.7: Tăng trưởng tín dụng đối với khu vực DNNN, tư nhân, và tỷ lệ tín dụng trên GDP của Lào giai đoạn 2003 - 2012

Nguồn: [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63].

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 28/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí