Một Số Lý Thuyết Về Không Gian Trong Ngôn Ngữ Học Tri Nhận

Nhưng về sau này đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến giới từ của một số tác giả như Nguyễn Lai (1990), Nguyễn Cảnh Hoa (2001), Lý Toàn Thắng, Trần Quang Hải, Dương Kỳ Đức (2001) ... nghiên cứu sâu hơn đến phương diện ngữ nghĩa của những giới từ. Tuy nhiên không một ai trong những tác giả này nghiên cứu độc lập về giới từ và sử dụng chúng như là một đối tượng nghiên cứu chủ đạo. Với Nguyễn Lai thì đối tượng mà ông quan tâm đến là nhóm từ chỉ hướng vận động: “ra, vào, lên, xuống, qua, đến, đi, ...”. Còn với Lý Toàn Thắng lại là cơ chế tri nhận không gian của người Việt và những đặc trưng của tri nhận không gian trong định vị không gian.

Nguyễn Minh Thuyết (1986) khi bàn về vấn đề xác định hư từ trong tiếng Việt cho rằng giới từ là một từ loại nằm trong hư từ chân chính, nó “(1) không có ý nghĩa chân thực; (2) không có khả năng làm thành phần câu và khả năng một mình làm nên một câu độc lập” [62, tr.39].

Ngoài ra, đi theo hướng nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận, chúng ta không thể không kể đến tác giả Lý Toàn Thắng với một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về sự tri nhận không gian như luận án TSKH của tác giả (bằng tiếng Nga) với đề tài “Mô hình không gian của thế giới: sự tri nhận, văn hoá và tâm lí học tộc người” [51], từ luận án này, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt” [54] tiếp tục phân tích sâu về các vấn đề liên quan đến sự tri nhận không gian, trong đó ông dành nhiều trang viết về các từ “trên – trong”. Chú ý hơn nữa là, trong lần tái bản [55], ông đã dành gần hết chương 8 để bàn về các ý niệm “trên - trong” và bình diện nghĩa của câu; và gần đây ông còn có bài khảo sát riêng về Định vị không gian “trên - dưới” trong tiếng Việt [56]. Nghiên cứu đã cung cấp cho người đọc một cách nhìn về ý niệm “trên” trong tiếng Việt, khái niệm “định hướng tuyệt đối” và đặc điểm tri nhận trong cách dùng từ định vị “trên”. Tác giả đã so sánh, đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Pháp, để làm nổi bật lên nét đặc thù trong sự định vị “trên” của tiếng Việt, tuy nhiên ông chưa đề cập đến từ “dưới”.

Tiếp đến là một nghiên cứu gần đây của Đinh Văn Đức [15] cũng đề cập đến cách dùng của các giới từ chỉ địa điểm. Ông cũng cho rằng chỉ có người Việt mới hiểu đúng được cách dùng thế nào là “trên” “dưới” được minh họa trong các ví dụ sau: Bóng đèn ở trên trần, Ngồi dưới đất. Ông cũng đưa ra thêm các ví dụ khác

về giới từ “trên”. Ví dụ câu “Trên bàn có cuốn sách” thì khác với câu “Trên vấn đề này còn nhiều thắc mắc”. Ở đây, ông muốn minh chứng rõ ràng từ “trên” đã có một sự chuyển dịch trong quá trình ý niệm hóa vì “trên bàn” là quy ước với một sự vật cụ thể, còn “trên vấn đề” lại là một khái niệm trừ tượng. Giá trị tuyệt đối của từ “trên” trong hai câu trên là giống nhau, đó là giá trị tuyệt đối của cái nghĩa ngữ pháp, nó hình thức hóa bởi vị trí của giới từ ở trước danh từ. [15, tr.260].

Đáng chú ý hơn nữa là cuốn sách “Các bài giảng về từ pháp học tiếng Việt” của tác giả Đinh Văn Đức [15], ông đã chỉ ra rằng các giới từ chỉ vị trí như: “trên, dưới, trước, sau, trong, ngoài, cạnh, bên, …” (ở chương 7 về liên từ và giới từ) là kết quả của quá trình tri nhận, ý niệm hóa và tạo nghĩa.

Ngoài ra, nói về đặc điểm giới từ chỉ không gian và thời gian, tác giả có thể tìm thấy trong các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sỹ, báo cáo khoa học có đề tài liên quan đến giới từ tiếng Đức như luận án của tác giả Lê Thị Lệ Thanh “Trường từ vựng - ngữ nghĩa các từ ngữ biểu thị thời gian của tiếng Việt (trong sự so sánh với tiếng Đức)” (2001). Liên quan đến đối chiếu về giới từ không gian trong tiếng Anh và tiếng Việt, có luận án của Đặng Thị Hương Thảo “Ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của các giới từ định vị không gian theo chiều “trên-dưới” trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt.” (2019) ...

1.2. Một số lý thuyết về không gian trong ngôn ngữ học tri nhận

1.2.1. Khái niệm cơ bản về tri nhận và về không gian

Tri nhận (cognition) – là khái niệm trung tâm của khoa học tri nhận. Nó chứa đựng hai nghĩa của những từ La Tinh kết hợp lại: cognitio có nghĩa là nhận thức và cogitatio có nghĩa là tư duy, suy nghĩ và gọi chung là tri nhận (cognition). Trần Văn Cơ [9] cho rằng tri nhận biểu hiện một quá trình nhận thức hoặc là tổng thể những quá trình tâm lí (tinh thần, tư duy) – tri giác, phạm trù hoá, tư duy, lời nói v.v… phục vụ cho việc xử lí và chế biến thông tin. Theo ông thì tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu cảm tính được сải biến khi truyền vào trong não dưới dạng những biểu tượng tinh thần (hình ảnh, mệnh đề, khung, cảnh v.v.) để có thể lưu lại trong trí nhớ con người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.

Lý Toàn Thắng [57, tr.14] đã nhận xét: “Tri nhận được hiểu như là một quá trình xử lí thông tin diễn ra trong tâm trí mỗi cá nhân con người. Khảo sát quá trình đó tức là tìm hiểu xem những thông tin mà người tiếp nhận được trình bày, xử

lí và cải biến như thế nào trong những khả năng và quá trình tinh thần/tri nhận khác nhau của con người, cũng như các quá trình tri nhận sử dụng các tri nhận hiện hữu và tạo sinh các tri thức mới ra sao. Nói một cách khác, mục đích xử lí thông tin, các hệ thống biểu hiện tri thức cũng như nghiên cứu những nguyên lí tổ chức khả năng tri nhận của con người trong một cơ chế thống nhất và xác lập các mối quan hệ qua lại giữa chúng”.

Đối chiếu giới từ chỉ không gian auf - in trong tiếng Đức với trên - trong trong tiếng Việt - 4

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh: Đối với khoa học tri nhận, trên đại thể tri nhận được hiểu như sau: đó là một hệ thống những khả năng và quá trình tinh thần của con người liên quan tới tri thức như: tri giác, ngôn ngữ, chú ý, ký ức, suy lí, quyết định, giải quyết vấn đề tư duy, học tập, đôi khi tùy theo tác giả, cũng có thể kể thêm vào đây cả: cảm xúc là một cái mà bình thường ra tâm lí học vốn không coi thuộc vào số các quá trình tinh thần/tri nhận.

N. Chomsky (1980) khẳng định rằng động từ tiếng Anh to cognize vừa biểu hiện những hành động có mục đích, có ý thức, vừa biểu hiện những quá trình diễn ra một cách vô thức. Đó là cơ sở để ông đối lập động từ to cognize “tri nhận” với động từ to know “biết”.

Cấu trúc và quá trình tri nhận đã được các nhà tri nhận luận nghiên cứu dưới nhiều dạng rất phong phú, chẳng hạn, dưới dạng những kiến tạo mô hình kiểu khung (frame) của M. Minsky, kiểu cấu hình ứng dụng của Ch. Fillmore, kiểu mô hình tri nhận lí tưởng của G. Lakoff, kiểu không gian tinh thần của R. Jackendoff, kiểu siêu phạm trù ngữ nghĩa-ngữ pháp của L. Talmy hoặc kiểu bức tranh ngây thơ về thế giới của Ju. Aprexian v.v…

Không gian là một mô hình mở rộng ba chiều không biên giới trong đó các vật thể và sự kiện có vị trí và hướng tương đối với nhau. ... Theo quan điểm của Isaac Newton thì không gian là tuyệt đối - theo nghĩa nó tồn tại vĩnh viễn và độc lập với sự có mặt hay không của vật chất trong không gian. Không gian vật lý thường được hiểu trong ba chiều tuyến tính, mặc dù các nhà vật lý thường xem nó, cùng với thời gian, là một thực thể chung của continum bốn chiều không biên giới gọi là không thời gian. Khái niệm không gian được coi là quan trọng cơ bản để hiểu các tính chất vật lý và quá trình của vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn có những tranh luận từ các nhà triết học về liệu không gian là một thực thể, là mối liên hệ giữa các thực thể, hay là một khái niệm định nghĩa trong khuôn khổ của ý thức.

Theo tác giả Frawley [84] thì khi nghiên cứu về không gian và cách biểu hiện nó trong ngôn ngữ chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm cơ bản như sau:

- Không gian là một khái niệm quan hệ;

- Không gian đó được tri nhận dựa trên những nhận thức kinh điển và ngây thơ của chúng ta về thế giới.

Muốn nắm được và hiểu rõ hơn về các mối quan hệ trong không gian, chúng ta cần phải biết đến khái niệm khung cảnh không gian. Các tác giả Tyler và Evans [140, tr.28] đã đưa ra nhận xét như sau: “Như vậy, khung cảnh không gian và sự ý niệm hóa khung cảnh không gian của chúng ta bao gồm các thực thể trên thế giới có quan hệ với nhau theo những cách lặp đi lặp lại. Cái quan hệ được ý niệm hóa phụ thuộc vào hiểu biết độc đáo của con người chúng ta cũng như trải nghiệm của chúng ta về thế giới vật chất” và các tác giả cũng nêu rõ: “Khi một khung cảnh không gian đã được kiến tạo, trong đó thực thể được ý niệm hóa là có quan hệ với nhau theo những cách thức nhất định, sự ý niệm hóa này là có ý nghĩa; nó cung cấp những khái niệm như sự nâng đỡ và sự bao chứa. Một khái niệm như sự nâng đỡ xuất phát từ trải nghiệm không gian - vật lý; đến lượt nó, nó có thể được mở rộng một cách có hệ thống sang các lĩnh vực phi không gian”. Nếu muốn giải thích các nghĩa không gian và phi không gian thì chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về không gian cũng như khung cảnh không gian.

Ngoài ra, theo Maria và Elsa [112] chúng ta cũng cần phải nhắc tới không gian tinh thần vì nó được kiến tạo nên bởi các khung và các mô hình tri nhận. Khi chúng ta nghĩ và nói sẽ hình thành nên không gian tinh thần.

Khi xác định mối quan hệ trong không gian, chúng ta không chỉ xác định vị trí tĩnh tại của chủ thể mà còn xác định cả quan hệ động của chủ thể khi chủ thể chuyển động từ vị trí này đến vị trí khác. Để xác định rõ được mối quan hệ của chủ thể trong không gian thì chúng ta cần xác định rõ vị trí không gian như là vị trí gốc (xuất phát) hay là vị trí đích (cần hướng đến). Điều này được chứng minh qua mô hình chia cắt không gian của Frawley [84] và mô hình tầng bậc quan hệ không gian của Trujillo [139, tr.171].

Như vậy có thể nói rằng, những khái niệm và định nghĩa của các tác giả về tri nhận và không gian là rất đa dạng, phong phú, có nhiều cách nhìn đa chiều về không gian trong ngôn ngữ học tri nhận. Nhờ đó mà nhóm tác giả khi nghiên cứu về

đề tài đã dựa trên khung lý thuyết tri nhận và không gian của các tác giả đi trước để làm tiền đề nghiên cứu cho luận án của mình.

1.2.2. Sự định vị và các đặc điểm định vị không gian trong ngôn ngữ học

Tác giả Levinson đã mở đầu cho phần tri nhận không gian trong khoa học tri nhận như sau: “Nhân loại tư duy theo không gian” (Human beings think spatially). Tác giả viết tiếp “Không có ngoại lệ - nhưng cũng không có bất kỳ sự hoài nghi nào về một trong những trò lừa gạt cố hữu của sự tri nhận có tính nhân bản” [107, tr. 357]. Ở đây tác giả muốn nói đến như là một lời cảnh báo rất nghiêm túc vì khái niệm không gian trong ngôn ngữ học là một cái gì đó rất khác với không gian vật lý khách quan trong nhận thức khoa học, cũng như không gian chủ quan tồn tại trong đầu óc con người với tính cách như là một chủ thể nhận thức về không gian.

Theo như Levinson đã viết “Không gian tuyệt đối là vô nghĩa, nó chỉ cần cho chúng ta để bắt đầu bằng sự quy chiếu không gian đến một hệ thống của các trục (đối xứng) được giới hạn một cách cố định cho cơ chế” (108, tr.5).

Cũng theo Stacey “Chúng ta trải nghiệm thế giới này bằng những cách thức mà sự thành tạo sinh học của chúng ta đã xác định. Chúng ta được cho biết rằng có một thế giới bên ngoài với những chi phối của các quy tắc vật lý, nhưng những gì mà chúng ta trải nghiệm lại không nhất thiết là một thế giới có luật lệ về mọi phương diện. Chúng ta được biết rằng có các nguyên tử, nhưng chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy chúng, chúng ta được dạy rằng có trọng lực nhưng chúng ta chỉ thấy có các quả táo rơi từ trên cây xuống, chúng ta được dạy rằng trái đất thì tròn và chuyển động không ngừng, nhưng hình như là nó đứng yên và bằng phẳng dưới chân ta; chúng ta được dạy rằng trái đất chuyển động quanh mặt trời, nhưng sáng nào chúng ta cũng thấy mặt trời mọc lên từ đường chân trời, và tối nào cũng lặn xuống, chẳng phải là trái đất chuyển động” [122, tr.8]. Cũng theo như những lời trích dẫn từ công trình nghiên cứu The Grammar of Space (Ngữ pháp không gian) của Svorou (1994) đã chỉ ra cho thấy một sự khác biệt lớn lao giữa không gian vật lý và không gian nhận thức. Một cách tiên nghiệm, có thể nói rằng không gian trong ngôn ngữ không phản ánh toàn bộ không gian nhận thức, mà là một sự phản ánh có chọn lọc và chịu sự chi phối của hệ thống ngôn ngữ, đặc biệt là sự chi phối xuất phát từ những khả năng hạn chế của ngôn ngữ.

Trong giao tiếp hàng ngày, con người trao đổi, giao tiếp với nhau về các sự việc đồng thời cũng định vị chúng trong không gian, các diễn biến của các sự việc được trao đổi cùng với các yếu tố cấu thành tạo nên chúng cũng như các đặc trưng của chúng, ấn định thời gian cho chúng xuất hiện. Cũng theo Svorou (1994) thì mỗi một biểu đạt định vị không gian có một mức độ minh bạch hay tường minh khác nhau. Tính minh bạch tham gia vào các sự tình với những yếu tố được hình dung khác nhau trong mối quan hệ với ý muốn của người nói. Tuy nhiên, các mức độ minh bạch cũng phụ thuộc vào ý định giao tiếp của người nói, vào chính diện người nghe và vào ngữ cảnh giao tiếp xung quanh mà họ đang tham dự. Theo tác giả Lê Văn Thanh “Nếu người nói và người nghe cùng biết mốc trực chỉ “(tại) đây” và “(trong) lúc này” và đang nói về các thực thể trong phạm vi ngữ cảnh ấy, họ có thể sử dụng những cách diễn đạt có độ tường minh thấp (như: “(ở) đây, (ở) đó, (ở) kia”), và như thế là đủ và thỏa đáng [48, tr.42]. Khi người nói và người nghe ít nhiều có sự hiểu biết khác biệt về mốc trực chỉ thì thường xảy ra những cách diễn đạt có độ tường minh cao.

1.2.3. Vị trí, hướng và các trục định vị không gian


Theo tác giả Frawley 84 thì có những vị trí phụ thuộc vào góc độ vị trí của 1

Theo tác giả Frawley [84] thì có những vị trí phụ thuộc vào góc độ (vị trí) của người nói, người nghe và có những vị trí mang tính độc lập riêng. Ông đã đưa ra sự định vị có tính chia cắt không gian qua sơ đồ như sau:

Trong đó:

a. trùng, b. (bên) trong, c. (bên) ngoài, d. (bên) dưới, e. (bên) trên, f. (phía) trước, g. (đằng) sau, h. (bên) cạnh.

Nhìn vào sơ đồ chúng ta thấy có tám vị trí và đây là những vị trí cơ bản (được diễn giải chủ yếu từ tiếng Anh) và mang tính chất tĩnh tại. Hay nói đúng hơn đây là tám kiểu dạng quan hệ định vị không gian chủ yếu của đối tượng định vị (ĐTĐV) với đối tượng quy chiếu (ĐTQC) (trong đó X có quan hệ không gian với Y theo kiểu dạng trên/ dưới, trong ...). Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các vị trí

được phân bổ theo các trục được áp đặt một cách tri nhận vào ĐTQC với tư cách như là một thực thể không gian ba chiều. Các vị trí (a, b, c) là những vị trí mang tính tôpô, đứng độc lập khách quan. Bên cạnh khái niệm vị trí định vị không gian thì còn có một khái niệm quan trọng cũng tham gia vào mối quan hệ định vị không gian đó là “hướng”. Theo Frawley thì “Hướng cấu thành sự trải nghiệm không gian của con người như là đường chuyển động và đường nhìn” [84, tr.24]. Một hướng có thể cho là không gian. Lyons [111] đã đưa ra nhận xét rằng trong không gian nhận thức, tồn tại ba hướng ưu tiên đến vị thế gồm các hướng như: hướng trên - dưới (trục thẳng đứng), hướng trước - sau (trục thiên tuyến) và hướng phải - trái (trục đối lập bên). Do vậy mà nhận xét của ông được nhiều người đồng tình, ủng hộ, xuất phát từ những nguyên do mang tính nhân bản đó là lấy con người làm gốc rễ, làm trung tâm như hai tác giả Becker và Carrol (1997) và những tác giả khác cũng từng nêu rõ: “Hình dáng đứng thẳng của con người, sự phi cân xứng giữa phần trên và phần dưới của cá thể và sự trải nghiệm các hệ quả của trọng lực cho phép nhận biết chiều thẳng đứng. Chiều thiên tuyến có thể được phái sinh từ đường chuẩn của chuyển động và đường nhìn và từ sự phi cân xứng của mặt trước và mặt sau của cơ thể con người. Không có một sự phi cân xứng thị giác nào thuộc kiểu dạng đã nói đối với trục bên ở trong tập quán phân chia trái và phải. Bên trái được xác định theo phía trái tim theo đó con người là một ứng viên lý tưởng trong hệ thuật ngữ hình học: một điểm không cho việc thiết lập một hệ thống nhân hình ba chiều của các trục đồng hiện. Một hệ thống như vậy có thể áp dụng cho một đối tượng bất kì nào ...” [68, tr.25]

1.2.4. Những quan điểm đa nghĩa về không gian trong ngôn ngữ học tri nhận

Theo hai tác giả Tyler và Evans [140, tr.37] đã đúc kết hai quan điểm để giải thích quan hệ giữa các nghĩa khác biệt của các giới không gian: đồng âm và đơn nghĩa. Với quan điểm đồng âm thì cho rằng các nghĩa gắn với một hình thức cụ thể nào đó được lưu trữ đơn giản trong vốn từ vựng tinh thần với tư cách là các mục từ đơn nhất. Từ đồng âm hay bị nhầm lẫn với từ nhiều nghĩa vì từ nhiều nghĩa là từ có nhiều nghĩa khác nhau. Còn với quan điểm đơn nghĩa thì cho rằng có một nghĩa rất trừu tượng duy nhất và các nghĩa khác chỉ là những biến thể theo ngữ cảnh. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng nếu dựa trên hai quan điểm trên để phân biệt các nghĩa thì có thể không có lý giải thỏa đáng cho các nghĩa khác nhau. Do đó, tác giả đưa ra

một quan điểm khác là đa nghĩa có nguyên tắc nhằm hạn chế các nhược điểm của hai quan điểm trên. Vì vậy dựa trên quan điểm này các tác giả đã đưa ra được những lý giải cho việc các nghĩa của các giới từ có mối quan hệ với nhau một cách hệ thống và có lý do.

Thêm nữa, quan điểm đa nghĩa cũng như cách thức xác định nghĩa riêng biệt và nghĩa “nguyên thủy” của Tyler và Evans đã giúp cho việc phân tích các nghĩa trở lên rõ ràng và hợp lý. Theo các tác giả thì chúng ta cần có tiêu chí để xác định nghĩa “nguyên thủy”. Và sau khi phân tích các cách xác định nghĩa “nguyên thủy” của các nhà nghiên cứu đi trước, các tác giả đã đưa ra hai loại bằng chứng để hạn chế bớt tính võ đoán trong việc lựa chọn nghĩa “nguyên thủy” đó là: bằng chứng ngôn ngữ và bằng chứng thực tế. Về bằng chứng về ngôn ngữ, các tác giả đưa ra 5 tiêu chí như sau: (1) nghĩa được kiểm chứng sớm nhất, (2) chiếm ưu thế trong mạng ngữ nghĩa, (3) sử dụng trong các dạng thức tổ hợp, (4) mối quan hệ với các giới từ không gian khác, (5) dự đoán ngữ pháp.

1.2.5. Tri nhận nghiệm thân

Do bản chất cơ thể của mình, bao gồm cả kiến trúc giải phẫu thần kinh, chúng ta có một cách nhìn riêng về thế giới. Nói cách khác, phân tích của chúng ta về “hiện thực” được điều đình, ở mức độ lớn, bằng bản chất sự nghiệm thân của chúng ta. Trí não của con người, thông qua những trải nghiệm hoặc có tính cá nhân hoặc dựa vào hệ thống ý niệm của cộng đồng diễn ngôn, dung nạp, xử lý, lưu trữ, phục hồi và cả truy xuất tri thức không hoàn toàn thụ động mà có tính tương tác theo những phương thức tri nhận nhất định.

Tương tác dễ quan sát nhất là với chính cơ thể của con người, coi con người là trung tâm, tất cả các sự tình đều xuất phát từ con người mà ngôn ngữ học gọi là những trải nghiệm nghiệm thân. Trước hết, xuất phát từ thân xác con người (nghiệm thân sinh lý). Thân xác - một thực thể gần gũi, nơi thu nhận thông tin đầu vào, nơi khởi phát những ý niệm cụ thể nhưng tầm bao quát và ảnh hưởng của nó trong tri nhận không chỉ có thế. Những trải nghiệm tinh thần như nhận thức, cảm xúc và cả trải nghiệm vật chất như tư thế của con người tách biệt với mặt phẳng, vận động trên mặt phẳng, đứng/ nằm; các hướng di chuyển như lên/ xuống, trước/ sau, phải / trái; cách cảm nhận ở đây/ ở đó/ đằng kia, bây giờ/ sau này/ lúc đó/ lúc khác… của con người đều có thể là nguồn gốc của sự phóng chiếu.

Xem tất cả 217 trang.

Ngày đăng: 11/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí