Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu Và Cơ Sở Lý Luận

Những vấn đề được thảo luận và đánh giá của luận án được giới hạn trong phạm vi tư liệu mà chúng tôi thu thập được. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan của ngữ liệu nghiên cứu thì việc dịch tiếng Việt tương đương với ngữ liệu tiếng Đức lấy từ các tác phẩm văn học được giữ nguyên theo các bản dịch tiếng Việt đã được công bố và một phần nhỏ tư liệu tiếng Đức lấy từ các nguồn khác thì được dịch sát nghĩa để đảm bảo tính đặc thù và khách quan của ngôn ngữ.

Luận án chọn giới từ định vị không gianauf/ in trong tiếng Đức làm đối tượng so sánh đối chiếu với giới từ định vị không gian trên/ trong trong tiếng Việt.

4. Phương pháp luận và nghiên cứu

Để triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, một số phương pháp chính được sử dụng trong luận án bao gồm: phương pháp miêu tả, phân tích, thu thập; phương pháp so sánh, đối chiếu; phương pháp phân tích ngữ nghĩa và thủ pháp thống kê phân loại.

- Phương pháp miêu tả, phân tích, thu thập được sử dụng kết hợp phương pháp định lượng và định tính nhằm tạo nên cơ sở thực tiễn để chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt giữa giới từ chỉ không gian trong tiếng Đức và tiếng Việt và tăng thêm tính thuyết phục của các nhận xét, đánh giá và tổng kết của luận án. Phân tích các ý nghĩa cụ thể và ý nghĩa khái quát của nhóm giới từ định vị không gian chỉ địa điểm tĩnh, chuyển động auf/in trong tiếng Đức với trên/ trong trong tiếng Việt và cơ sở tri nhận của chúng. Ngoài ra, tác giả sử dụng phương pháp thu thập để giúp lấy thông tin thông qua các bài viết xuất bản bằng tiếng Đức và các cơ sở của điều tra mà chủ yếu là các tài liệu nghiên cứu và sách về giới từ. Qua đó, luận án có thể khái quát được các nghĩa cũng như cơ sở tri nhận của giới từ định vị không gian trong tiếng Đức và tiếng Việt.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu được sử dụng trong hầu hết các phần của luận án, từ khâu khảo sát, thống kê, phân loại, phân tích, miêu tả, kết luận… giúp cho việc liên hệ những đặc điểm về khái niệm giới từ không gian, nhằm chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các giới từ chỉ không gian trong tiếng Đức và tiếng Việt theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận, so sánh đối chiếu đặc điểm ngữ nghĩa, đặc điểm tri nhận luận không gian các giới từ auf/in trong tiếng Đức với tiếng Việt. Đối chiếu mối quan hệ giữa auf/ in với trên/ trong từ hai góc độ tri nhận khác nhau của người Đức và người Việt và so sánh về tri nhận định

vị không gian. Phương pháp so sánh đối chiếu mà tác giả sử dụng là đối chiếu một chiều: xuất phát từ việc miêu tả, phân tích sự mở rộng, phát triển ngữ nghĩa trên cơ sở nghiệm thân của giới từ auf/in trong tiếng Đức để tiến hành miêu tả, phân tích sự mở rộng, phát triển đặc điểm ngữ nghĩa của từ tương đương trong tiếng Việt. Từ đó, luận án tiến hành đối chiếu để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt được thể hiện trong hai ngôn ngữ.

- Phương pháp phân tích ngữ nghĩa được sử dụng để:

Phân tích các ngữ cảnh trong câu tiếng Đức đối chiếu với tiếng Việt, phát hiện các nghĩa tố cần yếu trong cấu trúc nghĩa của từ.

Phân tích đặc điểm ngữ nghĩa của các giới từ không gian auf/in trong tiếng Đức đối chiếu với tiếng Việt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.

- Thủ pháp thống kê phân loại được sử dụng để thống kê phân loại các giới từ định vị không gian auf/in căn cứ trên ngữ liệu bằng tiếng Đức và tiếng Việt được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau để tìm ra các nghĩa và cơ sở tri nhận của giới từ định vị không gian của người Đức và người Việt. Thủ pháp này đặc biệt được sử dụng nhiều ở chương cuối - chương khảo sát việc sử dụng các giới từ không gian trong tác phẩm văn học tiếng Đức được dịch sang tiếng Việt nhằm xem xét sự phong phú của các giới từ được sử dụng, xem xét sự chênh nhau về tần suất xuất hiện của các giới từ có trong nguyên bản và bản dịch, xem xét tần số các của các lỗi dịch v.v. Qua đó, luận án tìm ra các nguyên nhân để có thể có những kết luận về cách sử dụng khác nhau các giới từ mang tính chất đặc trưng văn hóa dân tộc trong hai thứ tiếng.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Đối chiếu giới từ chỉ không gian auf - in trong tiếng Đức với trên - trong trong tiếng Việt - 3

Nghiên cứu về giới từ trong tiếng Đức không nhiều. Vì vậy qua việc nghiên cứu này, luận án đã hệ thống hóa và làm sáng tỏ lý luận về đặc điểm giới từ định vị không gian trong tiếng Đức cụ thể là các giới từ auf/in đối chiếu với tiếng Việt và cơ sở tri nhận của nhóm giới từ này.

Luận án đã tập trung phân tích ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của giới từ không gian auf/in trong tiếng Đức đối chiếu với tiếng Việt nhằm làm rõ sự tương đồng và khác biệt về tri nhận không gian trên/ trong của người bản ngữ và người Việt.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa lý luận

Có thể nói luận án là thử nghiệm đầu tiên, khảo sát, nghiên cứu lý luận về đặc điểm giới từ định vị không gian auf/in (trên/ trong) trong tiếng Đức đối chiếu với tiếng Việt tổng hợp từ nhiều góc độ: nghĩa học, ngôn ngữ học tri nhận và sự hành chức của chúng (qua cuốn tiểu thuyết Die Vermessung der Welt và bản dịch Đo thế giới). Bằng cách vận dụng những thành tựu ngôn ngữ học trong và ngoài nước ở cả 3 lĩnh vực kể trên, đặc biệt là ngữ nghĩa học tri nhận, luận án đã làm rõ được những sự giống nhau và khác nhau về nội dung ngữ nghĩa và các chế định tri nhận trong việc sử dụng của các giới từ không gian trong tiếng Đức và tiếng Việt, quyết định các đặc điểm ngữ pháp của chúng. Từ đó luận án góp phần làm sáng tỏ các luận điểm lý thuyết, lý luận và bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu về đặc điểm giới từ định vị không gian auf/ in (trên/ trong) theo các quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận. Ngoài ra luận án cũng tập trung nghiên cứu cặp giới từ định vị không gian auf/in (trên/ trong) trong tiếng Đức so sánh đối chiếu với tiếng Việt.

Kết quả khảo sát về các đặc điểm ngữ nghĩa của giới từ tri nhận không gian này góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm luận chứng để đi sâu nghiên cứu thêm về ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của chúng. Ngoài ra, luận án còn góp phần khẳng định một trong những hướng đi mới của ngành ngôn ngữ hiện đại.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Việc phân tích ngữ nghĩa và cơ sở tri nhận của giới từ định vị không gian auf/ in (trên/ trong) có ý nghĩa thực tiễn vì nó giúp cho việc dạy và học giới từ này hiệu quả hơn. Trong quá trình dạy và học tiếng Đức, có những sự nhầm lẫn mà nhiều người chưa hiểu rõ nghĩa của chúng do có sự khác nhau về tri nhận không gian giữa người bản ngữ và người Việt. Do đó, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần giúp người dạy và học sử dụng và hiểu dễ dàng hơn về nhóm giới từ này.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đặc điểm giới từ định vị không gian trong tiếng Đức so sánh đối chiếu với tiếng Việt sẽ giúp người học hiểu sâu và rõ hơn về những sự tương đồng và khác biệt giữa chúng, cũng như đóng góp thêm một hướng nghiên cứu mới với một màu sắc riêng về đặc điểm giới từ định vị không gian trong hai ngôn ngữ.

Kết quả nghiên cứu của luận án cũng cung cấp một khối ngữ liệu Đức – Việt về giới từ này giúp ích cho công tác dịch thuật trong hai ngôn ngữ, việc biên soạn tài liệu tham khảo, giáo trình, từ điển giải thích tiếng Việt hoặc từ điển đối chiếu Đức - Việt và Việt - Đức cũng như có thể là đóng góp thêm ý kiến vào việc đổi mới giáo trình phục vụ cho việc dạy và học giới từ auf/in nói riêng và tiếng Đức nói chung.

7. Cấu trúc của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần Nội dung

nghiên cứu của luận án gồm 3 chương như sau:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận

Chương 2. Đặc điểm ngữ nghĩa các giới từ chỉ không gian auf/ in trong tiếng Đức đối chiếu với tiếng Việt.

Chương 3. Đối chiếu cơ sở tri nhận không gian của giới từ auf/ in trong tiếng Đức với tiếng Việt

Chương 4. Khảo sát thực tiễn sử dụng các giới từ auf in trong tác phẩm “Đo thế giới” với bản dịch tiếng Việt.

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Những nghiên cứu nói chung trên thế giới về giới từ định vị không gian

Trong ngữ pháp, giới từ (tiếng Đức: Präposition) là một bộ phận lời nói giới thiệu một giới ngữ. Một giới từ được đặt vào câu sẽ chỉ ra mối quan hệ giữa những điều được đề cập trong câu ấy. Ví dụ, trong câu Die Katze schläft auf dem Sofa (Con mèo ngủ trên ghế sofa), từ auf là một giới từ chỉ địa điểm, giới thiệu giới ngữ “auf dem Sofa”. Trong tiếng Đức, các giới từ không gian được dùng phổ biến như: in, an, auf, … Các giới từ chỉ không giann này được rất nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu, theo A. Herskovits (1986), mỗi giới từ đều có một nghĩa lý tưởng (ideal meaning), có tính hình học tồn tại trong một thế giới lý tưởng của các đường, điểm, bề mặt và của các mối quan hệ như: bao hàm, tiếp xúc, giao nhau. Khi nói về vị trí của giới từ thì Sommerfeldt/ Starke (1998) giải thích theo nghĩa khác: “Theo vị trí của chúng, giới từ được xếp vào các nhóm khác nhau: giới từ luôn ở vị trí đứng trước danh từ hoặc cụm từ như: in, an, auf, ...” [121], và “nhóm giới từ thường đứng sau danh từ hoặc cụm từ như: zuliebe, zuwider, ... những giới từ vừa có thể đứng trước vừa có thể đứng sau danh từ hoặc cụm từ là: nach, zu ...” [121]. Phân loại từ loại về giới từ, chúng ta có thể tìm xem các tác giải như Wöllstein- Leisten, A./ Heilmann, A./ Stepan, P./ Vikner, S. (2006) [145]; Musan, R. (2009) [114, tr.16]; Pafel, J. (2011) [115]. Theo Helbig/ Buscha (2001) thì hầu hết giới từ thứ yếu đi với thuộc cách hay sở hữu cách (Genitiv - chủ sở hữu của một vật hoặc trong trường hợp danh từ đi kèm với những giới từ được quy định dùng với Genitiv), chỉ rất ít đi với tặng cách (Dativ - tân ngữ gián tiếp, danh từ đi kèm với những giới từ được quy định dùng với Dativ) hoặc đối cách (Tân ngữ trực tiếp, danh từ đi kèm với những giới từ được quy định dùng với Akkusativ) [88, tr.353]. Trong tiếng Đức có ba giống: đực (männlich/Maskulinum - der), cái (weiblich/Femininum - die) và trung (sächlich/Neutrum - das). “Có 20 giới từ chính yếu, những giới từ này ngắn có một đến hai hình vị và được sử dụng với tần số rất cao trong ngôn ngữ, trong khi đó giới từ thứ yếu chỉ xuất hiện trong những cấu trúc tranh luận và xã hội phức tạp” [142, tr.614]. Tác giả Wolfgang Boettcher (2009) cũng đề cập đến nguồn gốc của giới từ, ông cho rằng “theo đó giới từ phát triển từ danh từ, động từ, trạng từ và

tính từ”. [143, tr.142]. Weinrich, H (2005) cho rằng “đối với những cách cụ thể thì giới từ xuất hiện bằng cách đi kèm với mạo từ, trong một vài trường hợp thì nó có thể được rút ngắn” [142, tr.614].

Khi đề cập đến giới từ chỉ không gian liên quan đến vấn đề tri nhận, ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive linguistic) trong những thập niên trở lại đây đã nổi lên như một khuynh hướng ngôn ngữ học độc đáo, đầy triển vọng với những tên tuổi lớn như Langacker, Fauconnier, Herskovits, Jackendoff, Lakoff, Talmy, Taylor, Weizbicka. Năm 1957, Chomsky trong cuốn Các cấu trúc cú pháp (Syntactic structures) đã kêu gọi ngôn ngữ học phải trở thành một bộ phận của khoa học tri nhận. Các tác giả đã có những công trình viết về giới từ định vị không gian trong ngôn ngữ học tri nhận.

Nhà ngữ pháp chức năng nổi tiếng Halliday [86] cho rằng “giới từ không tách rời khỏi các từ loại khác mà luôn được xếp đặt, kết hợp, sử dụng trong tình huống, ngữ cảnh, trong mối quan hệ tầng bậc gồm ngữ cảnh ngữ nghĩa, từ vựng- ngữ pháp”.

Tiếp theo, đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của Leech [106], Leech và Svartvit [105] trình bày rất nhiều vấn đề liên quan đến giới từ chỉ không gian. Hai tác giả đã chỉ ra một điều thú vị là việc lựa chọn một giới từ chỉ nơi chốn nào đó phụ thuộc vào cái cách thức chúng ta nhìn sự vật theo các chiều không gian (một chiều, hai chiều hay ba chiều).

Nghiên cứu chuyên sâu hơn về giới từ không gian, phải kể đến những công nghiên cứu của Talmy [130], [134] và Herskovits [90], [91] chú trọng đến việc miêu tả ý nghĩa và cách dùng của các giới từ không gian và các biểu đạt không gian, cả từ góc nhìn ngôn ngữ và tri nhận. Talmy [130] nói đến các sơ đồ không gian (tức là các kiểu hình học hóa) các đối tượng định vị, phân loại các thuộc tính không gian thành các loại nhỏ hơn như: vật lý, hình học, tôpô, Talmy [134] thảo luận kỹ về hình học của các vật thể trong mối quan hệ không gian và hình thành các phân loại cấu trúc không gian của ngôn ngữ. Herskovits [90], [91] bàn về các vấn đề: các tình huống, các nghĩa lý tưởng, các yếu tố ngữ dụng liên quan đến giới từ và các miêu tả hình học của các vật thể trong các mối quan hệ không gian, trong đó hai cách thức tri nhận và miêu tả không gian được gọi là hai cách nhìn cơ bản, chính tắc

(fundamental/canonical) và cách nhìn ý niệm hóa hình học (geometrical conceptualization).

Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu về đặc điểm giới từ không gian trong tiếng Anh như một số tác giả Brugman, Brenda, Svorou với các tác phẩm như The Story of over (1988); The cognitive Perspective on the Polysemy of the English Spatial Preposition Over (2014); The grammar of space (1994). Về sau này, đáng chú ý là công trình nghiên cứu của Tyler and Evans (2003) trình bày một phân tích lý thuyết cơ bản về ngữ nghĩa của giới từ tiếng Anh [140]. The Semantics of English prepositions: Spatial senses, embodied meaning and cognition, Cambridge University Press. Hoặc bản dịch Tyler, A & Evan, V. (2003), The Semantics of English prepositions: Spatial senses, embodied meaning and cognition, Cambridge University Press. (Bản dịch của Lâm Quang Đông và Nguyễn Minh Hà. (2017), Ngữ nghĩa giới từ tiếng Anh: Khung cảnh không gian, nghĩa nghiệm thân và tri nhận, Nxb ĐHQG.)

Hai tác giả Tyler and Evans cho rằng tất cả các giới từ trong tiếng Anh đều được mã hoá trong các mối quan hệ không gian giữa hai thực thể vật lý. Ngoài nghĩa gốc không gian của chúng, các giới từ còn có nhiều nghĩa khác không chỉ về không gian, nhưng được gắn với sự tri nhận vật lý - không gian của con người. Các tác giả nhấn mạnh đến một khái niệm rất quan trọng trong ngữ nghĩa của các giới từ là “kịch cảnh không gian” (spatial scene) biểu hiện một quan hệ được ý niệm hóa (a conceptualized relation) dựa trên sự tương tác và trải nghiệm không gian của các thực thể. Các thực thể có quan hệ với nhau theo một cách thức hình thể - không gian (spatio-configurational) nào đó.

Một trong những nghiên cứu gần đây nhất đó là nghiên cứu của Brenda [70] cũng đã trình bày rất kỹ về mạng lưới nghĩa của giới từ không gian dựa trên các nghĩa đã được Tyler và Evans [140] trình bày nhưng có sự phân tích kỹ hơn và so sánh với các giới từ tương đương được sử dụng bởi người Ba Lan. Nghiên cứu cũng đã cung cấp cho độc giả một cách nhìn rõ nét hơn về sự khác biệt trong tri nhận không gian giữa người Anh và người Ba Lan.

Ngoài ra, Conventry và Garrod‟s [76] đã đóng góp thêm cho mảng nghiên cứu này thông qua việc đưa ra các yếu tố để phân biệt các thành tố chức năng trong các nghĩa không gian. Trong việc định vị trong không gian, việc xác định nghĩa

hình (Figure) và nền (Ground) rất quan trọng. Nó đóng vai trò xác định hệ quy chiếu để định vị sự vật trong không gian.

1.1.2. Những nghiên cứu trong nước về giới từ định vị không gian trong tiếng Việt

Trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có một lớp từ thể hiện không gian. Chúng phản ánh cách nhận thức về thế giới xung quanh của dân tộc nói thứ tiếng đó. Sự nhận thức này liên quan đến đặt trưng văn hoá – tâm lý của họ. Trong khi nhận thức về thế giới, trước hết là thế giới khách quan: con người luôn nhận biết các vật thể trong không gian và trong thời gian. Do đó, không gian và thời gian là hai phạm trù được đặc biệt chú ý nghiên cứu trong ngôn ngữ học.

Ngôn ngữ học truyền thống coi không gian và thời gian có vai trò như nhau, do đó trong Việt ngữ học mới hình thành nên thuật ngữ “thời vị ngữ”. Thế nhưng trong những năm gần đây các nhà ngôn ngữ đã có nhiều nghiên cứu về hai phạm trù này và đã đi đến nhận xét rằng không gian có vai trò quan trọng hơn thời gian trong việc tổ chức ngôn ngữ. Các hình ảnh trong thế giới được phản ánh qua ngôn ngữ trước hết là sự phản ánh về sự nhận thức không gian rồi mới tới thời gian. Từ đó trong ngôn ngữ học hiện đại hình thành nên một ngành khoa học mới gọi là khoa học tri nhận. Điều này một lần nữa cho thấy không gian có vai trò rất quan trọng trong ngôn ngữ. Và nó cũng là đối tượng được dùng để nghiên cứu của các ngành khoa học khác như toán học, vật lý học, triết học…

Có thể nói lịch sử nghiên cứu về giới từ tiếng Việt được bắt nguồn từ khá sớm nhưng vẫn còn ít công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu. Những nghiên cứu ban đầu làm việc theo phương thức ngữ pháp dịch, cụ thể là đối chiếu với các bản dịch tương ứng giữa các ngôn ngữ với tiếng Việt để phân loại giới từ. Và những nghiên cứu này được nhóm các tác giả như Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, Trần Trọng Kim, ... đã làm trong suốt những năm đầu thế kỉ XX và là người đưa ra tên gọi “giới từ” khi xác định chúng là “tiếng dùng để liên lạc”. Trong những nghiên cứu của các tác giả như Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Tài Cẩn đã dựa vào các đặc điểm từ vựng - ngữ pháp của từ trong hoạt động ngôn ngữ để phân loại chúng nên đã khắc phục được những nhược điểm của nhiều tác giả đi trước nghiên cứu về chúng. Theo Nguyễn Kim Thản [39, tr.330] thì “giới từ là một loại hư từ (trong nhóm quan hệ từ) có tác dụng nối liền từ phụ (hoặc từ tổ phụ) với từ chính (hoặc từ tổ chính) biểu thị quan hệ ngữ pháp giữa hai đơn vị đó”.

Xem tất cả 217 trang.

Ngày đăng: 11/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí