CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ ĐỊNH KIẾN GIỚI TRÊN BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
1.1. Hệ thống khái niệm liên quan
1.1.1. Giới
Vào cuối những năm 60 của thế kỉ XX, ở các nước nói tiếng Anh xuất hiện một ngành khoa học về gender (giới), sau đó lan toả nhanh chóng sang các quốc gia khác. Ở Việt Nam, ngành khoa học này bắt đầu được chú ý vào những năm 80 của thế kỉ XX. Theo đó, “Giới là một thuật ngữ để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những kì vọng liên quan đến nam và nữ.” [44]; “Giới là quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách thức mối quan hệ đó được xây dựng nên trong xã hội” [113, 34]. “Giới là sự tập hợp các hành vi học được từ xã hội và những kì vọng về các đặc điểm và năng lực cần được cân nhắc nhằm xác định thế nào là một nam giới hay một phụ nữ (hoặc một cậu bé hay một cô bé) trong một xã hội hay một nền văn hóa nhất định” [136].
Tác giả Mai Huy Bích cho rằng: Giới là những tập hợp người được xếp loại và phân biệt trên cơ sở đặc điểm giải phẫu cơ thể (trước hết và chủ yếu là cơ quan sinh dục, nhưng không chỉ có các cơ quan này) và được đông đảo các thành viên trong một cộng đồng, một xã hội hay một nền văn hóa chỉ định cho những kiểu hành vi riêng, trách nhiệm và quyền lợi riêng. Giới cũng là mối quan hệ (nam giới được xác định trong quan hệ với nữ và ngược lại). Quan hệ giới là sự tác động qua lại giữa nam và nữ theo những mẫu hình xã hội nhất định, và quan hệ này được nhìn nhận khác nhau ở những xã hội khác nhau. [15, 18].
Như vậy, khác với giới tính là khái niệm khoa học ra đời từ môn sinh vật học, giới là khái niệm khoa học ra đời từ môn nhân loại học, chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Giới không phải là cái mà con người sinh ra là đã có, không phải cái mà con người sở hữu mà là cái mà con người phải hành động, xử sự trong các hoạt động xã hội và chịu ảnh hưởng rất lớn từ quá trình giáo dục cũng như tự giáo dục. Trong một xã hội nhất định, người nam và người nữ không chỉ có những đặc điểm sinh học (giới tính) khác nhau mà còn đối diện với những mong đợi của xã hội về ngoại hình, tính cách, trách nhiệm với cộng đồng,… được cho là phù hợp với từng giới tính. Dựa vào những đặc điểm sinh học căn bản của một người là nam hay là nữ, những cơ chế xã hội đã tạo ra các khuôn mẫu giới để xác định cái gì là phù hợp với nam giới và nữ giới trong bối cảnh văn hóa
- xã hội cụ thể. Những hành vi giới không phải mang yếu tố bẩm sinh mà là sự luyện
tập của con người dựa vào những quy tắc, những chuẩn mực trong cộng đồng mà họ sinh sống, nhằm đáp ứng sự trông đợi hay kì vọng của cộng đồng đó.
1.1.2. Bình đẳng giới:
Có thể bạn quan tâm!
- Hướng Nghiên Cứu Về Bình Đẳng Giới, Định Kiến Giới Trên Truyền Thông Đại Chúng Nói Chung, Báo Mạng Điện Tử Nói Riêng.
- Nhóm Các Công Trình Nghiên Cứu Theo Hướng Phân Tích Vai Trò Của Truyền Thông Đại Chúng Với Vấn Đề Giới.
- Đánh Giá Tổng Quát Về Các Công Trình Nghiên Cứu Trong Tổng Quan
- Nhận Diện Tác Phẩm Báo Chí Có Định Kiến Giới Trên Báo Mạng Điện Tử
- Mô Hình Cơ Chế Tác Động Của Báo Chí Đối Với Dư Luận Xã Hội
- Mô Hình Phân Công Lao Động Theo Giới (Theo Mô Hình 24 Giờ Trong Ngày)
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng lợi ích như nhau về thành quả của sự phát triển đó (Luật Bình đẳng giới, 2006). [19, 14]
Theo tác giả Trần Thị Minh Đức, mục tiêu của BĐG là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong xã hội. Để đạt được sự BĐG, phụ nữ phải được tạo điều kiện và cơ hội như nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Hơn thế nữa, cần đối xử đặc biệt với phụ nữ bằng những “biện pháp thúc đẩy BĐG tạm thời” mới có thể đạt được bình đẳng giới triệt để. [33]. Luật BĐG (2007) cũng chỉ rõ: Biện pháp thúc đẩy BĐG là “biện pháp nhằm đảm bảo BĐG thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy BĐG được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích BĐG đã đạt được” [19, 16]. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, người phụ nữ vẫn là đối tượng cần được hỗ trợ bởi những biện pháp thúc đẩy BĐG tạm thời.
Khác với các dạng thức bất bình đẳng khác chỉ xảy ra trong xã hội (bất bình đẳng về chủng tộc, bất bình đẳng về giai cấp), bất bình đẳng về giới còn diễn ra trong gia đình, giữa những người thân thích, ruột thịt với nhau, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh trai - em gái… Chính vì vậy, bất bình đẳng giới được các nhà nữ quyền đánh giá là dạng bất bình đẳng đầu tiên nhưng lại được phát hiện và đề cập tới muộn nhất trong xã hội loài người do tính chất khó phân định và phức tạp của nó. Tồn tại trong gia đình, bất bình đẳng giới được tình yêu che mờ và bao bọc. Tình yêu khiến cho người ta không dễ nhận ra và cũng không dễ giải quyết như các dạng bất bình đẳng khác là dùng đấu tranh vũ trang hoặc hòa đàm [103, 21]. Tuy nhiên, tiến tới BĐG là con đường tiến tới sự tiến bộ, văn minh của xã hội, cho dù đó là cuộc đấu tranh gian khổ, đầy khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì. Chỉ có con đường đấu tranh hòa bình bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bổ sung hoặc thay đổi chính sách của Nhà nước, tích cực truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng và mỗi cá nhân mới có
thể giúp chúng ta tiến dần đến BĐG. Trên con đường lâu dài đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của các phương tiện TTĐC, đặc biệt là loại hình BMĐT.
1.1.3. Nhạy cảm giới:
Nhạy cảm giới là việc nhận thức được các nhu cầu, vai trò, trách nhiệm khác nhau của nam giới và phụ nữ; hiểu được sự khác nhau đó do đâu mà có và những điểm khác nhau này có thể dẫn tới sự khác nhau về mức độ tham gia, cống hiến, hưởng thụ, phát triển của mỗi giới. [102]
Truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong việc góp phần làm cho xã hội hiểu đúng hơn về bình đẳng giới. Vì thế, kiến thức và kỹ năng truyền thông về giới của các nhà báo là điểm mấu chốt tạo nên sức mạnh này. Nhà báo có nhạy cảm giới sẽ tạo nên những bài báo có nhạy cảm giới. Tờ báo với nhiều bài báo có nhạy cảm giới sẽ góp phần chuyển tải đến độc giả những thông điệp đúng đắn về BĐG, góp phần thay đổi xã hội theo hướng bình đẳng, tích cực và nhân văn hơn. Thiếu nhạy cảm giới chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới định kiến giới.
Một số tiêu chí về nhạy cảm giới trong truyền thông mà Csaga và Oxfam đã tổng kết trong cuốn “Truyền thông có nhạy cảm giới” như sau [100, 125-126]:
+ Thể hiện quan điểm BĐG dựa trên quyền (Đảm bảo nam và nữ được bình đẳng trong tất cả các quyền con người. BĐG không có nghĩa là đấu tranh nhằm đề cao nữ quyền hoặc dành sự ưu tiên về quyền lợi cho nữ giới).
+ Loại bỏ mọi hình thức, nội dung tuyên truyền mang ĐKG hoặc củng cố ĐKG.
+ Hướng tới thay đổi vai trò giới truyền thống, khẳng định tính tích cực của nam và nữ trong những vai trò mới. Ví dụ: nam giới tham gia công việc nội trợ, chăm sóc con cái; phụ nữ tham gia làm kinh tế, quản lí...
+ Khuyến khích sự tự tin, năng động, sáng tạo của nữ giới.
+ Thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng về giới, BĐG.
+ Cân bằng khắc họa hình ảnh của nam giới và phụ nữ.
+ Không sử dụng tài liệu mang tính xúc phạm giới hoặc đưa tin không phù hợp về các vấn đề nhạy cảm như: Đổ lỗi cho phụ nữ trong các vụ bạo lực tình dục, kì thị, lên án phụ nữ bị HIV.
+ Thông điệp truyền thông về giới và BĐG: Phấn đấu vì BĐG, chấm dứt bạo lực giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
1.1.4. Khuôn mẫu giới:
Khuôn mẫu được các nhà tâm lý xã hội gọi là “niềm tin liên kết các cá nhân hoặc nhóm trong việc nhìn nhận về một số phẩm chất đặc trưng của đối tượng”. Thuật ngữ khuôn mẫu xã hội (social stereotype) được Lippman đưa ra lần đầu vào năm 1992 để gọi tên các phạm trù mô tả được đơn giản hóa mà chúng ta tìm
cách đặt người khác hay các nhóm khác vào trong đó để nhìn nhận, đánh giá được dễ dàng hơn. Nói cách khác, khuôn mẫu là những quan niệm rập khuôn, mang tính khái quát cho từng nhóm xã hội. [4, 388]. Vì thế, khuôn mẫu xuất phát từ thực tế nhưng lại không vận động cùng với sự thay đổi của thực tế đó. Cuộc sống vốn đa dạng và biến đổi nhanh, nhưng khuôn mẫu lại cố định và có xu hướng xa rời cuộc sống. Những quan niệm khuôn mẫu có thể dẫn đến những hành vi hạn chế các cơ hội hay điều kiện thực hiện hoạt động của một nhóm xã hội nhất định.
Theo nhà nghiên cứu xã hội học Trần Thị Minh Đức, khuôn mẫu giới là những hình ảnh lý tưởng về nam tính hay nữ tính dùng để nhìn nhận một con người dựa trên sự tổng hợp đơn giản các thuộc tính của nhóm, của giới mà người đó quy thuộc [33]. Ví dụ: Về tính cách, nam giới phải mạnh mẽ, táo bạo, dũng cảm, đầy tham vọng, luôn ở thế tiến công và phải biết kiềm chế cảm xúc; còn nữ giới thì phải dịu dàng, tế nhị, dễ bộc lộ tình cảm, đảm đang, thụ động, phụ thuộc. Về năng lực, nam giới thường được tin là những người giỏi khoa học tự nhiên, làm việc thiên về kỹ thuật, có đầu óc tư duy sáng tạo và họ thích hợp với vai trò làm chủ gia đình, xã hội; còn nữ giới được tin là những người thích hợp với công việc nhẹ nhàng, khéo léo, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, đặc biệt có “thiên chức” nội trợ. Về vai trò xã hội, mỗi giới bị mặc định cho một vài công việc được coi là thích hợp cho giới đó. Chẳng hạn phụ nữ thích hợp làm y tá, nội trợ, thư ký, người trông trẻ…; còn nam giới được tín nhiệm làm chủ gia đình, giám đốc, lái xe, luật sư, kiến trúc sư…
Khuôn mẫu giới là một trong những căn cứ để duy trì định kiến và phân biệt đối xử theo giới. Tuy nhiên khuôn mẫu giới và ĐKG không phải là một. Trong trường hợp khuôn mẫu giới mang sắc thái tiêu cực dựa trên việc đánh giá các cá nhân cụ thể lại được khái quát để đánh giá các nhóm xã hội thì khuôn mẫu này sẽ trở thành ĐKG. Khuôn mẫu giới thường liên quan đến quan niệm, niềm tin từ cuộc sống thường nhật; còn ĐKG liên quan đến thái độ, cảm xúc của cá nhân đối với những khuôn mẫu đó và thường mang hàm ý xấu, tiêu cực, một chiều.
1.1.5. Định kiến giới
+ Định kiến:
Có rất nhiều quan điểm về định kiến:
Định kiến là “ý kiến thiên vị, không khách quan, đã có sẵn từ trước” (Xuân Huy, Đồng Công Hữu: 2007, tr. 344). Trong tiếng Anh, định kiến (prejudice/
stereotype) được định nghĩa là sự ghét hay yêu thích không có lý do đối với một người, một nhóm, một thói quen, v.v. đặc biệt là khi sự yêu ghét đó dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính v.v. (Oxford University Press 8th Edition, tr. 1193). Trong từ điển bách khoa toàn thư, định kiến được định nghĩa là “xu thế tâm lý (tâm thế) tiêu cực đối với một nhóm xã hội, một cá nhân hay một sự vật, là hiện tượng nhất định có tính chất định hình, khó thay đổi bằng những thông tin, nhận thức duy lý”...
Trần Thị Vân Anh cho rằng: “Định kiến là sự khái quát mang tính tuyệt đối về một nhóm xã hội cụ thể. Các đặc điểm của nhóm thường được mô tả một cách cứng nhắc và cố định” [5, 13].
Theo Knud S. Larsen và Lê Văn Hảo trong cuốn “Tâm lý học xuyên văn hóa” (2010), định kiến là một thái độ do những sự quy định sẵn có trong nhận thức trước khi cá nhân tương tác với một đối tượng nào đó. Thái độ định kiến gồm ba thành tố: nhận thức, xúc cảm và hành vi. Thành tố nhận thức là yếu tố duy trì thái độ định kiến, được gọi là định khuôn (khuôn mẫu), thành tố xúc cảm được gọi là định kiến, còn thành tố hành vi được gọi là kỳ thị. Các tài liệu tâm lý học xã hội thường dùng một thuật ngữ định kiến để bao hàm cả ba thành tố trên [80, 256]. Thông qua định kiến, các định khuôn (khuôn mẫu) được truyền tải và xã hội hóa thông qua phương tiện TTĐC, thông qua truyền thống và hệ giáo dục. Dựa vào đặc tính quy gán các đặc điểm là phổ biến cho toàn bộ một nhóm, định kiến giúp ta đơn giản hóa thế giới bên ngoài, tạo ra sự thuận tiện trong việc hiểu rõ một cá nhân trong nhóm đối tượng và từ đó, dự phòng những phản ứng trước khi tương tác với người đó. Tuy nhiên, chính vì định khuôn là sự khái quát hóa, nó hạn chế xu hướng xem xét các khác biệt và biến thể cá nhân. Nó tạo ra những sự kỳ thị không đáng có và mối quan hệ trung tâm - ngoại vi trong cách nhận thức của một cá nhân. Hơn thế, định khuôn tuy dựa trên cơ sở là sự phân biệt nhưng lại không đưa ra lý giải cho sự phân biệt ấy. Chúng chỉ đơn giản hóa các xét đoán, nhấn mạnh đến đặc điểm tiêu cực hay tích cực của cá nhân trong mối tương liên với nhóm mà người đó là thành viên và hỗ trợ quá trình ra quyết định [80, 260].
Tựu trung lại, có hai cách hiểu về định kiến: Thứ nhất, định kiến gắn liền với nhận thức, mà những nhận thức đó thường là khuôn mẫu, phiến diện, một chiều, bất hợp lý…, về đặc điểm của đối tượng/nhóm đối tượng. Ở cách hiểu thứ hai, định kiến còn gắn liền với thái độ mang định kiến của chủ thể với đối tượng,
thậm chí của chính chủ thể với bản thân mình trong trường hợp anh ta cũng thuộc nhóm đang bị định kiến. Nếu ở cấp độ định kiến về mặt nhận thức, chủ thể có thể che giấu hoặc không thừa nhận, thì ở cấp độ định kiến thái độ, định kiến thể hiện trên cả ba khía cạnh: nhận thức (khuôn mẫu), xúc cảm (định kiến) và hành vi (kỳ thị).
+ Định kiến giới:
Theo tổng hợp của chúng tôi, các quan niệm về định kiến giới cũng chia theo hai góc độ tiếp cận giống như các quan niệm về định kiến: Góc độ thứ nhất coi ĐKG là nhận thức và góc độ thứ hai coi ĐKG vừa là nhận thức, vừa là một kiểu thái độ.
Ở góc độ thứ nhất có một số định nghĩa sau:
Tác giả Ngô Tuấn Dung (2008) cho rằng: “ĐKG là tập hợp các quan niệm, ý kiến, niềm tin hoặc biểu tượng có tính chất rập khuôn hoặc đơn giản hóa quá mức về thái độ và hành vi ứng xử của nhóm nam hay nữ” [24, 16].
Tác giả Mai Huy Bích (2009) coi định kiến giới (gender stereotype) là quan niệm rập khuôn về giới mà ở đó, sự khái quát hóa rộng lớn về toàn bộ một loại, một nhóm người được thực hiện dựa trên cơ sở đôi chút hiểu biết về vài ba khía cạnh của một số thành viên thuộc loại hay nhóm đó [15, 23 - 24]. Những quan niệm rập khuôn mang sắc thái tiêu cực, không chính xác và không có cơ sở có thể thể hiện các cá nhân một cách sai lệch, và đây chính là nguy cơ của bất bình đẳng giới.
Ủy ban QG về sự tiến bộ của phụ nữ cũng khẳng định: “ĐKG là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, cộng đồng cụ thể coi là thuộc tính của phụ nữ hoặc nam giới. ĐKG thường không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng giới và thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện” [135]
Tác giả Nguyễn Thị Quý (2009) cho rằng: ĐKG là nhận định của mọi người trong xã hội về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng và các loại hoạt động mà họ có thể làm với tư cách họ là nam hay nữ [113, 44]. Biểu hiện phổ biến của ĐKG là những quan niệm về đặc điểm, tính cách và khả năng của phụ nữ và nam giới. Khi những quan niệm này được phổ cập trong xã hội sẽ trở thành khuôn mẫu, làm cơ sở để đánh giá và đối xử phân biệt giữa hai giới.
Ở góc độ thứ hai, các khái niệm về ĐKG không chỉ đề cập đến mặt nhận thức, mà còn nhấn mạnh đến mặt thái độ:
Trong Luật Bình đẳng giới (2006), định kiến giới được định nghĩa như sau: Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Khái niệm này có phạm vi hàm chứa cả ba tầng bậc: nhận thức, xúc cảm và hành vi phân biệt đối xử theo giới, vì thế mức độ khái quát lớn hơn các khái niệm chỉ đề cập đến khía cạnh nhận thức.
Theo quan điểm của tác giả Trần Thị Minh Đức, ĐKG là “những thái độ được tạo ra dựa trên một sự khái quát hóa mang tính tuyệt đối và những ấn tượng xấu để phân biệt nam và nữ”, “là thái độ có sẵn của xã hội nhìn nhận không đúng về khả năng, về tính cách mà nam giới và nữ giới nên có hoặc không nên có, về loại hình hoạt động và nghề nghiệp mà nam hay nữ giới có thể hoặc không thể làm” [34].
Chúng tôi tán thành với quan điểm xem xét ĐKG ở cả khía cạnh nhận thức và thái độ. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại lâu đời và vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề trong hiện tại, thì ĐKG thực sự không chỉ tồn tại ở mặt nhận thức mà đã trở thành thái độ định kiến về giới, đặc biệt là nữ giới trong mối quan hệ với nam giới.
Như vậy, có thể khẳng định: Định kiến giới là những quan niệm, thái độ, đánh giá mang tính khuôn mẫu về đặc điểm, vị trí, vai trò, tính cách, khả năng của nam giới và nữ giới mà những khuôn mẫu đó bao hàm sắc thái tiêu cực, một chiều, cản trở sự phát triển và cơ hội của mỗi giới trong đời sống xã hội và gia đình, là nguy cơ dẫn đến bất bình đẳng giới.
ĐKG bắt nguồn từ những khuôn mẫu (định khuôn) đã tồn tại trong nhận thức của cộng đồng xã hội một cách bền vững và lâu dài, vì thế nó có thể trở thành thái độ và hành vi kỳ thị một cách rất tự nhiên và khó nhận biết. Nếu không dần được loại bỏ, ĐKG sẽ ăn sâu bám rễ trong đời sống nhờ quá trình xã hội hóa, trong đó có môi trường sống, học tập, môi trường gia đình và các tác động mạnh mẽ của TTĐC trở thành rào cản của BĐG, kìm hãm sự tiến bộ xã hội.
1.1.6. Báo mạng điện tử
BMĐT là một trong bốn loại hình của báo chí bao gồm: báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử. Theo Từ điển Báo chí Việt Nam (2008) do Tạ Ngọc Tấn chủ biên, Báo mạng điện tử, hay còn được gọi là Báo trực tuyến, Báo mạng internet (online newspaper) là một sản phẩm đặc biệt, được sinh ra từ sự kết hợp của các loại hình báo chí truyền thống, là một loại hình thông tin đại chúng đa phương tiện, sử dụng yếu tố công nghệ cao như một nhân tố quyết
định, hoạt động trong môi trường internet, mang tính chất đa phương tiện, tính tương tác cao và tính siêu văn bản. [122, 22,28].
Báo điện tử là cách gọi phổ biến ở Việt Nam thời kì loại hình báo chí này mới xuất hiện, gắn liền với tên gọi của nhiều tờ BMĐT như Quê Hương điện tử, Nhân Dân điện tử, Lao động điện tử.... Các văn bản pháp quy của Nhà nước đều sử dụng thuật ngữ này. Luật Báo chí, nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 1999, tại Điều 3 chương 1 có ghi: Báo điện tử là loại hình báo chí được thực hiện trên mạng thông tin máy tính bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu sổ Việt Nam, tiếng nước ngoài; Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về Quản lý và cung cấp dịch vụ internet, trong Điều 12 cũng khẳng định: “Dịch vụ thông tin trên internet là một loại hình dịch vụ ứng dụng internet, bao gồm dịch vụ phát hành báo chí (báo in, báo hình, báo điện tử), phát hành xuất bản phẩm trên internet và dịch vụ cung cấp các loại hình điện tử khác trên internet”.
Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Thị Trường Giang, trong cuốn Báo mạng điện tử - những vấn đề cơ bản, “Báo điện tử” là thuật ngữ thông dụng ở Việt Nam nhưng có nghĩa chung chung, chưa nêu rõ được đặc điểm của loại hình báo chí phát hành trên mạng, “Báo trực tuyến” là cách gọi thiên về yếu tố tin học và chưa được Việt hoá, “Báo mạng” là cách gọi tắt không xác định rõ ranh giới giữa khái niệm mạng và mạng internet; thuật ngữ “Báo internet” lại dễ gây nhầm lẫn đánh đồng tất cả các trang web trên internet đều là báo mạng điện tử. Vì vậy tác giả đề xuất sử dụng khái niệm “Báo mạng điện tử” và đưa ra định nghĩa: BMĐT là loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang web, phát hành trên mạng internet, có ưu thế trong việc chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, tức thời, đa phương tiện và tính tương tác cao. [37, 12]
Trong luận án này, tác giả thống nhất sử dụng thuật ngữ “báo mạng điện tử” theo cách hiểu của tác giả Nguyễn Thị Trường Giang.
1.1.7. Tác phẩm báo mạng điện tử
Trong lịch sử nghiên cứu báo chí đã có rất nhiều nhà khoa học đưa ra các khái niệm khác nhau về tác phẩm báo chí tuỳ vào góc độ tiếp cận vấn đề, nhưng nhìn chung đều có sự thống nhất ở các tiêu chí nhất định để phân biệt tác phẩm báo chí với các loại tác phẩm khoa học nghệ thuật khác như văn học, mỹ thuật, âm nhạc... hay để khu biệt với chính các loại tác phẩm khác ngay trên cùng một sản phẩm báo chí. Nói cách khác là không phải tất cả những gì hiện diện trên báo chí