Đánh Giá Tổng Quát Về Các Công Trình Nghiên Cứu Trong Tổng Quan

phạm vào trong bối cảnh BLGĐ”, “Thừa nhận rằng BLGĐ không phải là vấn đề riêng tư”…; để tránh duy trì những ngộ nhận và định kiến về BLGĐ, hãy “tránh gọi BLGĐ là một vấn đề của một mối quan hệ”, “không tập trung vào hành vi của nạn nhân hoặc sử dụng ngôn ngữ đổ lỗi cho nạn nhân”, “đừng khẳng định rằng một số tầng lớp xã hội hoặc nhóm văn hóa có bạo lực, còn một số khác thì không”, “Hãy tránh sử dụng những thông tin có mối liên hệ tình cảm với người gây bạo lực hoặc những nguồn không có thông tin đáng kể về hành vi phạm tội”, “Tránh đề cập BLGĐ như một bi kịch không thể giải thích, vượt ngoài tầm với của các hoạt động cộng đồng”…

Định kiến giới trên báo chí Việt Nam Nâng cao chất lượng hình ảnh nữ giới trên báo chí Việt Nam là hai bài báo của tác giả Trần Thị Yến Minh (2015).

[77] Tác giả đã căn cứ trên kết quả khảo sát gần 400 bài viết trên một số tờ báo in năm 2014 để chỉ ra một số biểu hiện của ĐKG khi thể hiện hình ảnh người phụ nữ như: Mục tiêu truyền thông về giới chưa được chú trọng, Hình ảnh nữ củng cố khuôn mẫu và gây áp lực giới, Mối quan hệ giữa nam và nữ được phản ánh thiếu công bằng… Tác giả chứng minh rằng những đặc điểm truyền thống như “dịu dàng, chu đáo, đảm đang” và khá truyền thống như “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vẫn phổ biến và được xem là tính cách điển hình đáng quý của người nữ. Ngay cả khi khai thác người nữ tham chính, nhà báo cũng hướng ngòi bút theo khuôn mẫu kép với chân dung nữ chính trị gia vừa quyết đoán trong công việc vừa chu toàn trong chăm sóc gia đình. Điều này ít khi gặp ở nhân vật nam có vị trí công việc tương tự.

Bộ chỉ số về giới trong truyền thông (2014) [9] là một tài liệu quan trọng liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án. Bộ chỉ số cung cấp nhiều khái niệm, thuật ngữ liên quan đến vấn đề giới, đồng thời xây dựng những mục tiêu chiến lược cho các hành động tăng cường BĐG trong tổ chức truyền thông (cân bằng giới ở cấp ra quyết định, bình đẳng giới ở công sở và điều kiện làm việc, chính sách giáo dục đào tạo, hoạt động của các tổ chức, hiệp hội nhà báo, quy định về đạo đức nhà báo) và cho việc phản ánh giới trong nội dung truyền thông (tin tức, thời sự và quảng cáo), mỗi mục tiêu đều có các chỉ số và phương tiện kiểm chứng cụ thể. Đây là những gợi ý quan trọng cho tác giả khi nghiên cứu về nội dung văn bản của từng tác phẩm báo chí cụ thể trong phạm vi khảo sát và các giải pháp nhằm khắc phục thực trạng định kiến giới trên BMĐT.

Điểm chung và cũng là thành công của các công trình này là đã chỉ ra những khuôn mẫu giới tồn tại lâu đời vẫn được truyền thông sử dụng làm củng cố, gia tăng sự bất bình đẳng giới một cách vô thức, ví dụ như quan niệm vợ phải ít tuổi hơn chồng, hay phụ nữ phải đoan trang, hiền thục - trong khi thực tế đời sống đã thay đổi và những khuôn mẫu này không còn là lý tưởng. Tác giả Nguyễn Thu Phương (2003) chỉ rõ: “Cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ giờ đây thay đổi rất nhiều nhưng những giá trị và quan niệm mang tính rập khuôn về giới lại thay đổi quá ít so với thập kỷ trước”. Những thông tin này gợi ý cho tác giả luận án rất nhiều khi “nhặt sạn” các biểu hiện ĐKG trong nội dung tin tức BMĐT.

3.2.3. Nhóm công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề giới trên các phương tiện truyền thông thông qua việc phân tích hình ảnh, vị thế, vai trò của nam/nữ giới xuất hiện trong các đơn vị nội dung cụ thể (tờ báo, chuyên mục hay lĩnh vực…).

Đây là mảng đề tài được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Các công trình này tập trung vào việc khảo sát, phản ánh những biểu hiện của ĐKG trong tương quan so sánh vị thế, vai trò giữa nam giới và nữ giới trong các chuyên mục, chương trình, tờ báo/loại hình cụ thể. Có thể kể đến:

Hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo trên báo, (Trần Thị Kim Loan, Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 3/1998);

Sự lạm dụng hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo trên truyền hình (Nguyễn Qúy Thanh và Phạm Phương Mai, Tạp chí Khoa học về phụ nữ số 4/2004);

Định kiến giới trong phim quảng cáo trên truyền hình (Đặng Thị Tuyết Minh, Truyền thông VN trong bối cảnh toàn cầu hóa, 2009);

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Định kiến giới trong các thông điệp quảng cáo của truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay, (Đặng Thị Ánh Tuyết, Bản tin Nghiên cứu Giới và xã hội - Trung tâm Nghiên cứu Giới và XH - Trường ĐH Hoa Sen, Tháng 5/2012);

Hình ảnh nam giới trên TTĐC, sự kỳ vọng của xã hội về vai trò nam giới và mối quan hệ của chúng với hành vi sức khỏe của nam giới (Dương Thị Thu Hương, Truyền thông VN trong bối cảnh toàn cầu hóa, 2009);

Định kiến giới trên báo mạng điện tử Việt Nam Khảo sát báo mạng điện tử Tuoitre.vn, Vnexpress.net, Giadinh.net.vn từ tháng 01-2014 đến tháng 12-2016 - 7

Kỷ yếu Hội thảo Giới - Truyền thông và phát triển (2003) với các bài viết: Giới không có nghĩa là phụ nữ (Nguyễn Thu Phương), Hình ảnh người phụ nữ trên truyền hình (Vũ Thị Gái);

Một sự duy trì định kiến giới về vai trò của nữ và nam trên báo in hiện nay

(Trần Thị Minh Đức, Tạp chí Tâm lý học, số 6/2004);

Báo cáo nhạy cảm giới trong các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam

(OXFAM, CSAGA, 2008).

Trong các bài viết về hình ảnh người phụ nữ trong quảng cáo trên truyền thông, các tác giả đều thống nhất quan điểm: Quảng cáo trên báo và truyền hình tiềm ẩn định kiến giới và bất bình đẳng giới trong cách thức khai thác hình ảnh nữ giới. Các thông điệp trong truyền thông về quảng cáo ở Việt Nam hiện nay đã vô tình cổ vũ cho nhiều nhóm trong xã hội duy trì cái nhìn về định kiến giới. Có thể nói từ trong sâu thẳm quảng cáo đã đi vào vô thức của con người với sự phân biệt vai trò, vị thế xã hội, nhất là vai trò của người phụ nữ, “với tư tưởng coi thường phụ nữ, đặt người phụ nữ trong khuôn khổ gia đình, chưa thoát ra được quan niệm “nam ngoại, nữ nội” của Nho giáo, bảo thủ về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong công việc, người phụ nữ chỉ biết lo nội trợ, là phần nối dài của người khác, mà trực tiếp là chồng con” (Trần Thị Kim Loan, 1998). Bên cạnh đó, hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo trên truyền thông thể hiện định kiến giới khi mô tả người nữ như một “biểu tượng tình dục”, “một lực lượng gắn với tiêu dùng hơn là sản xuất” (Nguyễn Quý Thanh, 2004). Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Minh đã rà soát thông điệp của 160 quảng cáo thương mại trên kênh truyền hình VTV3 và chỉ ra rằng các quảng cáo thể hiện định kiến giới trên bốn khía cạnh: Vị trí, hành vi, phạm vi hoạt động và nghề nghiệp của nhân vật theo giới. Tác giả khẳng định: “Định kiến giới, khuôn mẫu giới, phân công lao động theo giới vẫn được thể hiện khá rõ trong phim quảng cáo. Định kiến giới, khuôn mẫu giới và phân công lao động giới thể hiện qua hình ảnh minh hoạ, nhân vật, nội dung và các câu sologan trong phim. Trong đó, phụ nữ thường mô tả như những người có tính cách dịu dàng, tình cảm, hoạt động chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ gia đình, thường làm các công việc liên quan đến lĩnh vực tái sản xuất. Ngược lại, nam giới thường được mô tả như người có tính cách mạnh mẽ, thích sự phiêu lưu, mạo hiểm, thường đảm nhiệm các công việc trong lĩnh vực sản xuất, có tính cơ động xã hội cao và có vị trí lãnh đạo”. Cách xây dựng thông điệp như vậy sẽ tạo ra một hệ thống biểu tượng giới, khuôn mẫu giới, định kiến giới về hình mẫu, hành vi và đức tính tương ứng với vai trò của giới nam và giới nữ. Truyền thông đại chúng được xem là một trong những môi trường quan trọng trong quá trình xã hội hoá cá nhân. Cá nhân sẽ học hỏi các khuôn mẫu hành vi từ thông điệp truyền thông này và sẽ có những nhận thức, thể hiện thái độ và thực hành theo các khuôn mẫu định kiến giới đó, các cá nhân “tiếp thu sự

áp bức giới” một cách tự nhiên và thực hành nó như một thói quen khó thay đổi (75, 70-96]

Dựa trên bốn đặc trưng của định kiến giới: (1) Sự khái quát hóa trong xem xét đánh giá mà không tính đến trường hợp cụ thể; (2) Xuất hiện một cách tự động và ngẫu nhiên trong xã hội; (3) Không phải lúc nào cũng được phản ánh công khai trong hành động; (4) Sự phản ánh thiếu khách quan, tác giả Đặng Thị Ánh Tuyết đã chỉ ra nguyên nhân gây ra định kiến giới của các thông điệp quảng cáo trên truyền thông đại chúng, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân về lợi ích kinh tế của chủ thể truyền thông và nguyên nhân về nhận thức của công chúng. Vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên các phương tiện thông tin đại chúng có xu hướng gia tăng quảng cáo và thiếu chặt chẽ, thiếu nhạy cảm giới trong việc kiểm soát nội dung quảng cáo, còn công chúng thì có xu hướng “nhất thể hóa” và “đại chúng hóa” với một niềm tin lớn vào nội dung của các thông điệp trên truyền thông khi tiếp nhận. Định kiến giới vì thế mà càng sâu sắc (Đặng Thị Ánh Tuyết, 2012). [133]. Tuy đây chỉ là những nghiên cứu trường hợp, tập trung nghiên cứu hình ảnh phụ nữ trong chuyên mục quảng cáo, song tác giả rất tán thành với quan điểm của các nghiên cứu này, đặc biệt là về nguyên nhân của định kiến giới trong quảng cáo trên truyền thông. Tác giả hy vọng sẽ có cơ hội khai thác sâu hơn vấn đề nhận thức của công chúng đối với các thông điệp bình đẳng giới trên BMĐT. Công chúng nhận thức như thế nào về các thông điệp giới trên BMĐT? Các thông điệp đó có ảnh hưởng đến thái độ của công chúng không, có khả năng thay đổi hành vi của họ không? Nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng chính là câu trả lời chính xác nhất cho hiệu quả của các thông điệp truyền thông và hiệu lực của báo chí trong đời sống xã hội.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số công trình liên quan khác đáng lưu tâm như: Luận án Hiệu quả của các bài viết về bạo lực gia đình trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, [131] của tác giả Phạm Hương Trà cung cấp một hướng tiếp cận khá mới khi nghiên cứu về hiệu quả của các bài viết về bạo lực gia đình trên sáu báo mạng điện tử từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2010 - đó là trên cơ sở phân tích nội dung thông điệp, tác giả tiến hành đưa thông điệp đến công chúng để tìm

hiểu sự đánh giá từ phía công chúng thông qua phương pháp trắc nghiệm.

Báo chí Đồng Bằng Sông Cửu Long truyền thông về vấn đề bình đẳng giới (Đỗ Thị Huệ Anh (2014) [1] đã hệ thống hóa các khái niệm liên quan đến vấn đề BĐG, khảo sát, phân tích nội dung và phương thức truyền thông về BĐG ở các đài PTTH

tỉnh Bến Tre và Cần Thơ, từ đó đề xuất những khuyến nghị và biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về BĐG tại các đài này. Tuy nhiên do chỉ giới hạn ở báo chí đồng bằng sông Cửu Long nên tính khái quát hóa chưa cao.

Đáng chú ý là 09 chuyên đề được tổng hợp từ 21 bản tin “nhặt sạn” bình đẳng giới trên truyền thông của Oxfam và Csaga, 2011 [100]. Nằm trong seri các công trình nhằm mục đích cung cấp các gợi ý cho phóng viên, nhà báo để đạt đến “nhạy cảm giới” trong quá trình khai thác và xử lí thông tin, tài liệu Truyền thông có nhạy cảm giới của CSAGA và OXFAM đã biên soạn 09 chuyên đề với chín lĩnh vực khá cơ bản: Nhạy cảm giới trong truyền thông phòng chống BLGĐ; Mẫu hình văn hóa giới trong các phương tiện thông tin đại chúng; Góc nhìn giới trong các tin bài về thể thao; Công bằng giới khi truyền thông về lao động việc làm; Giới và tình dục trên các phương tiện truyền thông; Quan điểm giới trong việc phản ánh vấn đề phụ nữ lấy chồng ngoại quốc; Cách nhìn nhận trên báo chí về sự thành công hay thất bại của nam và nữ; Thông tin trên báo chí về người nổi tiếng; Thông điệp về giới qua hình ảnh và ngôn từ quảng cáo. Mỗi chuyên đề đều cung cấp những khái niệm cơ bản hữu ích về BĐG, phân tích các biểu hiện của bất bình đẳng giới trong nội dung chuyên đề trên cơ sở tổng hợp từ 21 bản tin “nhặt sạn giới”, đồng thời cung cấp cho phóng viên, người làm báo những lưu ý cơ bản trong quá trình khai thác và xử lí thông tin để đảm bảo tránh được những ngộ nhận và định kiến về giới.

4. Đánh giá tổng quát về các công trình nghiên cứu trong tổng quan

4.1. Ở hướng nghiên cứu thứ nhất về báo mạng điện tử

Tổng quan tài liệu ở nội dung này giúp chúng tôi xác định được khái niệm, vị trí và vai trò của TTĐC nói chung và BMĐT nói riêng trong việc tuyên truyền về BĐG; nắm rõ các kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về báo chí như khái niệm báo chí, nhà báo, tác phẩm báo chí, thể loại báo chí, đặc điểm, bản chất và cơ chế tác động của báo chí, chức năng nhiệm vụ của báo chí, các đặc trưng và quy trình sản xuất, sáng tạo tác phẩm báo chí, đặc biệt là BMĐT, từ đó có căn cứ để xác lập mẫu nghiên cứu, xây dựng tiêu chí khảo sát, đồng thời phân tích, luận giải các số liệu khảo sát thu được để đưa ra các kết luận và giải pháp khoa học cho mục tiêu nghiên cứu. Mặt khác, các tài liệu giúp xác định được phương pháp, cách thức, kỹ năng cho việc giải quyết vấn đề nghiên cứu, phương hướng triển khai khung lý thuyết, mục đích, mục tiêu nghiên cứu, thiết kế khảo sát số liệu định tính và định lượng một cách chi tiết rõ ràng để có được kết quả khảo

cứu chính xác, khoa học cho luận án. Ở hướng này, chúng tôi nhận thấy các nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ trên BMĐT còn khá khiêm tốn, cần có những công trình với những số liệu cụ thể và luận giải xác đáng hơn về vai trò của ngôn ngữ trên BMĐT, đặc biệt là theo hướng phân tích diễn ngôn báo chí truyền thông.

4.2. Hướng nghiên cứu thứ hai về phân tích nội dung tin tức

Các công trình nghiên cứu theo hướng tiếp cận nội dung tin tức báo chí - truyền thông đã giúp ích cho tác giả luận án tiếp cận với các tri thức khoa học của lý thuyết truyền thông, xác định được vị trí và vai trò quan trọng của mỗi yếu tố trong nội dung tin tức cũng như trong chu trình truyền thông. Đồng thời các nghiên cứu cũng giúp cho tác giả luận án nắm vững phương pháp phân tích nội dung văn bản báo chí, cung cấp một hệ thống các lý luận và bằng chứng thực tiễn về sự hình thành và phát triển của phương pháp phân tích nội dung tin tức, tạo điều kiện cho việc hình thành tư duy logic về phương pháp, cách thức phân tích nội dung tin tức, lý giải được ý nghĩa của các thông điệp đưa ra thông qua các sự kiện xã hội được phản ánh qua báo chí.

4.3. Hướng nghiên cứu thứ ba về giới, bình đẳng giới, định kiến giới trên truyền thông và BMĐT

Đây là hướng liên quan trực tiếp đến đề tài. Tổng luận các công trình liên quan đến vấn đề giới, bình đẳng giới, định kiến giới trên truyền thông trên thế giới và ở Việt Nam giúp tác giả luận án có được các luận chứng từ kết quả của các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá về thực trạng định kiến giới trên truyền thông ở Việt Nam, đồng thời có cái nhìn tổng quan cho bức tranh toàn cảnh về ĐKG trên BMĐT Việt Nam hiện nay. Kết quả khảo cứu cho thấy, đây là mảng đề tài mang tính thời sự ở Việt Nam trong khoảng hai thập niên gần đây. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đề cao yếu tố bình đẳng trong phát triển con người, cùng với sự bùng nổ của của công nghệ thông tin và sự phát triển vượt bậc của BMĐT, việc nghiên cứu vấn đề giới, bình đẳng giới, định kiến giới trên truyền thông nói chung, BMĐT nói riêng được coi là một hướng nghiên cứu quan trọng và rất cần thiết. Tuy nhiên, đánh giá chung về các công trình nghiên cứu ở hướng này, chúng tôi nhận thấy:

- Vấn đề thông tin về BĐG trên truyền thông được nghiên cứu nhiều xong chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Thừa nhận việc thông tin về BĐG là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí Việt Nam nhưng các quy định và chế tài về

việc đăng tải thông tin này trên báo chí vẫn chưa được các cơ quan chức năng quy định một cách rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ. Vì vậy các công trình nghiên cứu chỉ mang tính gợi mở vấn đề mà chưa mang lại nhiều sự thay đổi thực sự về mặt thực trạng.

- Các nghiên cứu về vấn đề BĐG, ĐKG trên truyền thông đa phần còn rời rạc, phiến diện, chủ yếu là những đánh giá, nhìn nhận mang tính chủ quan về một hiện tượng bề nổi hay một vài khía cạnh nội dung của việc thông tin về giới trên truyền thông đại chúng. Những nghiên cứu quy mô với phương pháp nghiên cứu khoa học, số liệu thực chứng đáng tin cậy, bao quát tổng thể vấn đề về mảng đề tài này vẫn còn khá khiêm tốn, đặc biệt là ở lĩnh vực báo chí học.

- Bất bình đẳng giới trên truyền thông là một nội dung nghiên cứu không mới, đã được nhiều nhà khoa học quan tâm, đặc biệt là từ góc độ chuyên ngành xã hội học, tâm lý học, khoa học về giới… Nhưng ĐKG trên BMĐT thì lại là lĩnh vực khá mới mẻ và hấp dẫn, chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này một cách chi tiết, chuyên sâu và có hệ thống, đặc biệt là nhìn nhận dưới góc độ báo chí học và khoa học liên ngành bằng phương pháp phân tích nội dung tin tức. Trong bối cảnh BMĐT ngày càng phát huy những ưu thế riêng để trở thành loại hình báo chí thu hút độc giả nhất, và BĐG vẫn đang là mục tiêu quốc gia thì việc nghiên cứu ĐKG trên BMĐT nhằm nâng cao chất lượng tin bài về giới là điều hết sức cần thiết.

Trên cơ sở kế thừa những giá trị khoa học từ các công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối, luận án mong muốn phần nào làm đầy các khoảng trống trong nghiên cứu về ĐKG trên BMĐT thông qua việc tiến hành khảo cứu, phân tích, đánh giá vấn đề nhằm trả lời câu hỏi: Vấn đề ĐKG trên BMĐT Việt Nam hiện nay là gì? Biểu hiện cụ thể qua những yếu tố nào của nội dung và hình thức tin bài? Giải pháp nào cho việc nâng cao chất lượng thông tin về giới trên BMĐT Việt Nam hiện nay?

TIỂU KẾT

Kết quả nghiên cứu tổng quan là quá trình tìm kiếm, phân tích thông tin có liên quan đến chủ đề “ĐKG trên báo mạng điện tử” nhằm đưa ra cái nhìn tổng quát về các giá trị mà những công trình đi trước đạt được, giúp chúng tôi tiếp cận, học hỏi, kế thừa các giá trị nghiên cứu, đồng thời cung cấp một hệ thống lý luận, bằng chứng thực tiễn nghiên cứu vấn đề ĐKG trên BMĐT, là điều kiện cho việc hình thành tư duy, nhận thức về vấn đề giới, BĐG, ĐKG trong nội dung tin tức BMĐT.

Các công trình nghiên cứu về BMĐT được triển khai theo hướng nghiên cứu lý thuyết cơ bản về khái niệm, bản chất, chức năng của báo chí, về hoạt động sáng tạo tác phẩm, về cơ chế tác động của báo chí và xu hướng phát triển của BMĐT. Hướng nghiên cứu nội dung báo chí - truyền thông phần lớn được triển khai trong phạm vi nghiên cứu ở báo in và truyền hình, còn trên kênh BMĐT chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu nghiên cứu về công chúng, về chủ thể, bộ máy truyền thông, về hiệu quả của truyền thông mà chưa chú ý đến lĩnh vực nghiên cứu nội dung tin tức. Mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu thực nghiệm về phân tích nội dung thông điệp truyền thông ở nhiều góc nhìn khác nhau, tuy nhiên chưa có nhiều công trình đề cập trực diện đến nghiên cứu nội dung tin tức trên BMĐT, đặc biệt là chưa có nghiên cứu chuyên sâu về ĐKG trên BMĐT dưới góc nhìn báo chí học, nhất là bằng phương pháp phân tích nội dung tin tức.

Vấn đề giới, BĐG, ĐKG là một hiện tượng xã hội được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau, chẳng hạn như dưới góc nhìn chính trị khi bàn về đặc điểm, vai trò của lãnh đạo nữ trong bộ máy xã hội; dưới góc nhìn pháp luật khi bàn về tính pháp lý hay điều chỉnh pháp luật trong quan hệ hôn nhân gia đình; dưới góc nhìn kinh tế khi bàn về vấn đề chênh lệch thu nhập và các công việc không được trả công trong tương quan giữa lao động nam và nữ; hoặc góc nhìn văn hóa, xã hội khi bàn về nữ quyền, chính sách, nhân quyền, di cư, nhân khẩu và dư luận xã hội... Báo chí học là một trong những khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề ĐKG qua lăng kính báo chí được triển khai trên bình diện lý thuyết và thực nghiệm là công việc rất cần thiết góp phần làm sáng rõ quan niệm, chức năng, ảnh hưởng của báo chí đối với công cuộc BĐG, chỉ rõ vai trò, vị thế của báo chí trong sự định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tháo gỡ của báo chí trong việc truyền thông về giới và BĐG.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2024