Địa Vị Pháp Lý Của Người Lao Động Nước Ngoài

được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; Nhóm thứ 3 là người lao động vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 30 ngày) gồm thương nhân vào thu mua hàng hóa ngắn ngày; người nước ngoài vào thực tập tại Việt Nam, người nước ngoài vào Việt Nam để công tác, tham dự họp, khảo sát, đầu tư,.... Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định Nhóm 1 thuộc đối tượng phải có giấy phép lao động trước khi xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Đối với nhóm 2 và nhóm 3 thì xác nhận không thuộc diện cấp giấy giấy phép lao động trước khi xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Riêng Nhóm 3 thì quy định rõ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định hoặc thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định nhưng được miễn giấy phép lao động.

Căn cứ vào thời hạn cư trú và mức ổn định của mối quan hệ với Nhà nước Việt Nam, người lao động nước ngoài tại Việt Nam bao gồm người lao động nước ngoài tạm trú và người lao động nước ngoài thường trú. Đa phần người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc là tạm trú (cư trú có thời hạn). Họ chỉ được xem xét cho thường trú (cư trú không có thời hạn) trong những trường hợp sau: Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước; người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam; người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh; người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. Ngoài ra, để được thường trú họ phải đáp ứng một số điều kiện khác như có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống; được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị; đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.4

Căn cứ vào trình độ chuyên môn, người lao động nước ngoài tại Việt Nam bao gồm người lao động nước ngoài có trình độ, chuyên môn cao và người lao động nước ngoài phổ thông. Các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật, Séc, Đài Loan sử dụng nhiều lao động phổ thông đến từ các nước kém phát triển, còn các nước đang phát triển như Việt Nam thì lại có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ, chuyên môn cao mà trong nước chưa đáp ứng được. Hiện nay, Việt Nam chỉ cho phép các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh (Điều 170, Bộ luật Lao động năm 2012). Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu Việt Nam phải là những lao động có trình độ chuyên môn nhất định chứ không phải là những lao động phổ thông.

Căn cứ vào quốc tịch của người sử dụng lao động, người lao động nước ngoài tại Việt Nam bao gồm người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động có quốc tịch Việt Nam và người lao động nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài. Đối với người nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động có quốc tịch Việt Nam thì thông thường quyền và nghĩa vụ của họ xác định Bộ luật Lao động Việt Nam và các quy định khác của pháp luật Việt Nam nếu các bên không có thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Trong trường hợp này, các quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam, ví dụ như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ được áp dụng cho người lao động nước ngoài theo chế độ đối xử quốc gia, tức là người lao động nước ngoài được hưởng


4 Xem Điều 39, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014

những quyền tương đương với người lao động là công dân nước sở tại được hưởng. Đối với người nước ngoài làm việc cho các hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam (tức người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài) đã ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp ở nước ngoài, theo luật nước ngoài thì thông thường, quyền và nghĩa vụ của những lao động nước ngoài này sẽ được xác định theo pháp luật của quốc gia mà doanh nghiệp đó mang quốc tịch nếu như hai bên không thỏa thuận luật áp dụng trong hợp đồng lao động. Trường hợp này, người lao động đã ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp ở nước ngoài, theo luật nước ngoài. Sau đó, họ đến Việt Nam làm việc theo hình thức di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp. Do vậy, các quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam, về nguyên tắc, sẽ không được áp dụng cho những đối tượng lao động này. Đồng thời, trong một số lĩnh vực khác liên quan như bảo hiểm xã hội, công đoàn thì họ đương nhiên có quyền tham gia bảo hiểm ở nước ngoài và là thành viên của công đoàn ở quốc gia mà doanh nghiệp nước ngoài đó mang quốc tịch, mặc dù họ đang lao động trên lãnh thổ Việt Nam.5

Căn cứ vào quan hệ quốc tịch, người lao động nước ngoài bao gồm người không có quốc tịch và người có quốc tịch nước ngoài. Người có quốc tịch nước ngoài lại gồm người có một quốc tịch nước ngoài và người có hai hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài. Quốc tịch là một phạm trù chính trị - pháp lý thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, đồng thời quốc tịch còn xác định một cá nhân là công dân. Có thể nói người có quốc tịch của của quốc gia nào là công dân của quốc gia đó. Nếu một người lao động có nhiều quốc tịch nhưng một trong số đó là quốc tịch Việt Nam thì người này không được coi là người lao động nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định dành cho người lao động không có quốc tịch, vậy nếu họ vào làm việc tại Việt Nam thì có bị coi là lao động bất hợp pháp?

Ngoài ra, còn nhiều cách phân loại khác như căn cứ vào tính hợp pháp (người lao động nước ngoài tại Việt Nam hợp pháp và bất hợp pháp), căn cứ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.


5 Cao Nhất Linh (2009), “Bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Số 142, tháng 3, năm 2009.

Địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài tại Việt Nam - 3

vào quy chế pháp lý (người lao động nước ngoài được hưởng các quy chế pháp lý đặc biệt và không được hưởng quy chế pháp lý đặc việt), dựa vào giới tính (người lao động nước ngoài là nam và nữ).

1.1.3. Vai trò của người lao động nước ngoài


Toàn cầu hóa dẫn tới việc mở của thị trường lao động. Không chỉ người lao động nước ngoài tại Việt Nam mà người lao động di cư quốc tế nói chung ngày càng khẳng định được vai trò của mình. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu các nước đang có dân số giảm cho phép lực lượng lao động của mình tăng 3% bằng việc cho thêm 14 triệu lao động nhập cư trong khoảng thời gian từ 2001 - 2025 thì mỗi năm nền kinh tế thế giới sẽ có thêm khoảng 365 tỷ USD.6 Có thể nói người lao động di cư quốc tế là một trong những hạt nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ nhất, nguồn lao động nước ngoài sẽ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng lao động. Việt Nam là một nước đang phát triển, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh, xuất hiện nhiều ngành, lĩnh vực mới đòi hỏi phải sử dụng lao động nước ngoài, đặc biệt, rất cần những nhân lực có trình độ cao như người quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật nhưng trên thực tế nguồn nhân lực trong nước lại không đáp ứng được nhu cầu này mà phải cần đến nguồn lao động ngoài nước. Theo báo cáo của Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 9/4/2015, tổng số lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng là 33.738 người. Trong đó, lao động Việt Nam là 27.786 người, lao động nước ngoài 5.952 người (chiếm 17,64%).7 Còn tại Tỉnh Bắc Ninh, năm 2014 tại Bắc Ninh có khoảng 300 doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với gần 5.000 lao động là người nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp8.Việc lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc sẽ cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động, dẫn tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


6 “Mặt sáng dòng di cư”, <http://anninhthudo.vn >, [Ngày truy cập: 10/5/20016].

7 “Hà Tĩnh: Gần 34.000 lao động làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng”.

<http://laodong.com.vn>, [Ngày truy cập: 10/5/20016].

8 “Tăng cường quản lý lao động người nước ngoài”, <http://baobacninh.com.vn>, [Ngày truy cập: 03/5/20016].

Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn mong muốn có một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, có trình độ tương đương để đáp ứng cho việc sử dụng vốn và công nghệ mà họ mang tới. Vì vậy, dựa trên điểm này, Việt Nam sẽ thông qua các chính sách với lao động nước ngoài để thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế.

Thứ hai, lao động nước ngoài sẽ giúp nâng cao chất lượng lao động nói chung và chất lượng lao động trong nước nói riêng. Khi có sự tham gia của lao động nước ngoài tại thị trường lao động trong nước thì một tất yếu xảy ra đó là sự cạnh tranh giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài. Người lao động trong nước để cạnh tranh lại, họ sẽ phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, học thêm các ngoại ngữ. Mặt khác khi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cùng với lao động trong nước, người lao động trong nước sẽ cơ hội tiếp xúc với phong cách làm việc của họ, học hỏi từ họ nhưng kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ. Từ đó, chất lượng nguồn lao động trong nước cũng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hạn chế. Người lao động nước ngoài khi vào Việt Nam làm việc sẽ đem theo cả những phong tục, tập quán, những lối sống, văn hóa khác với bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì vậy, cần có sự học hỏi có chọn lọc. Hơn nữa, người lao động nước ngoài sẽ lấy đi cơ hội việc làm của lao động trong nước, lấy đi một phần thu nhập để chuyển về nước của họ và làm giảm tổng thu nhập quốc gia.

1.2. Địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài


1.2.1. Khái niệm địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài


Theo ngôn ngữ học, địa vị là chỗ đứng xứng đáng với vai trò, tác dụng có được hoặc vị trí, chỗ đứng của cá nhân trong xã hội, chỗ đứng trong cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề. Từ đó, có thể hiểu, địa vị pháp lý là vị thế của một chủ thể đặt trong quan hệ pháp luật cụ thể. “Địa vị pháp lý, hay còn gọi là tư cách pháp lý, thể hiện vị trí, vai trò của chủ thể đó trong quan hệ pháp

luật và đi liền với nó là quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý phát sinh9.

Trong khoa học pháp lý, có người dùng khái niệm “quy chế pháp lý” thay cho “địa vị pháp lý”. Địa vị pháp lý của thể nhân chính là những yếu tố cấu thành của nội dung quy chế pháp lý của thể nhân. Vì vậy, có thể nói, quy chế pháp lý của thể nhân là địa vị pháp lý của thể nhân theo nghĩa hẹp. Có nhiều yếu tố xây dựng nên địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài. Yếu tố đầu tiên thể hiện địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài không thể thiếu là vấn đề người có được công nhận là chủ thể của pháp luật của quốc gia hay không. Vì một khi được công nhận là chủ thể của pháp luật thì đương nhiên cá nhân có quyền năng chủ thể, tức là có năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật quốc gia, và chỉ nhờ đó mới có các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể cũng như các lợi ích hợp pháp của cá nhân. Một yếu tố hạt nhân khác thể hiện nội dung địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài đó là hệ thống các quyền, nghĩa vụ pháp lý và các lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, nếu như chỉ đặt ra các hệ thống quyền và nghĩa vụ không thôi thì chưa đủ, cần phải có những biện pháp pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện quyền năng chủ thể, các quyền, nghĩa vụ pháp lý đó. Ngoài những yếu tố cơ bản trên thì địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài còn được thể hiện thông qua yếu tố khác nữa.

Như vậy, về cơ bản, ta có thể xem xét, tìm hiểu địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài tại Việt Nam thông qua năng lực chủ thể (bao gồm năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự), các quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ trong quan hệ lao động cùng với các cơ chế thực thi và bảo vệ các quyền và nghĩa vụ đó.

1.2.2. Đặc điểm địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài


Trước hết, địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài cũng như địa vị pháp lý của người nước ngoài nói chung tại Việt Nam có hai thuộc tính



9 Nguyễn Ngọc Bích (2010), Tài ba của Luật sư - Sách gối đầu của những ai muốn trở thành Luật sư, Nhà xuất bản trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

pháp lý cơ bản là năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Người lao động nước ngoài tại Việt Nam là một thể nhân (cá nhân), là một chủ thể của Tư pháp quốc tế, khi xem xét địa vị pháp lý một thể nhân, chúng ta không thể bỏ qua việc xem xét năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể bao gồm hai yếu tố cấu thành là năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Trong đó, năng lực pháp luật của một người là khả năng của người đó có được các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, còn năng lực hành vi của một người là khả năng của người đó bằng chính các hành vi của mình tạo ra cho mình các quyền, các nghĩa vụ được pháp luật bảo hộ và là khả năng của người đó thực hiện các quyền, gánh vác các nghĩa vụ do pháp luật quy định.

Thứ hai, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật cùng một lúc, bao gồm pháp luật của nước nơi họ làm việc (Việt Nam) và và pháp luật của nước nơi họ mang quốc tịch hoặc thường trú (nếu người đó không có quốc tịch) trừ trường hợp mà người nước ngoài vừa thường trú và vừa làm việc tại Việt Nam thì sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Như vậy, vấn đề đặt ra là việc xác định năng lực dân sự, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được xác định như thế nào.

1.3. Cơ sở xác định địa vị pháp lý của người lao động nước ngoài


1.3.1. Các nguyên tắc cơ bản trong đối xử với người lao động nước ngoài


Các nguyên tắc cơ bản là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo cơ bản, có tính chất xuất phát điểm, thể hiện tính toàn diện, linh hoạt và có ý nghĩa bao trùm, quyết định nội dụng và hiệu lực của các quy định pháp luật. Việc xây dựng các quy định pháp luật dành cho người lao động nước ngoài tại việt Nam thường dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

1.3.1.1. Nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment)


Nguyên tắc đối xử quốc gia còn được dùng với tên gọi khác là “chế độ đãi ngộ quốc dân”. Nội dung của quy chế này đó là người nước ngoài được hưởng những quyền tương đương với công dân nước sở tại được hưởng trong

những quan hệ xã hội nhất định. Theo khoản 2, Điều 761, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 quy định: “Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.” Như vậy, theo nguyên tắc này, tất cả người lao động nước ngoài tại Việt Nam đều được hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia, tất cả các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động nước ngoài tại Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Về cơ bản, không có sự phân biệt đối xử giữa người lao động nước ngoài với người lao động Việt Nam.

1.3.1.3. Nguyên tắc tối huệ quốc (The Most - Favoured - Nation Treatment)


Theo nguyên tắc này, cá nhân là người nước ngoài ở nước sở tại được hưởng chế độ pháp lý mà nước sở tại dành cho những cá nhân là người nước ngoài của bất kỳ một nước thứ ba nào đang hoặc sẽ được hưởng. Quy chế này đảm bảo cho mọi cá nhân người nước ngoài được hưởng những quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong cùng một lĩnh vực, địa bàn hoạt động mà không có sự phân biệt đối xử nào giữa họ, đồng thời, tạo ra sự công bằng trong các mối quan hệ của nước sở tại với các quốc gia khác. Như vậy, những người lao động nước ngoài, không phân biệt đến từ quốc gia nào, sẽ có những quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp, nơi làm việc.

1.3.1.2. Nguyên tắc đối xử đặc biệt


Nội dung pháp lý của quy chế này đó là hai nước hoặc một nhóm nước dành cho nhau những chế độ ưu đãi, thuận lợi nhất định mà không dành cho nước thứ ba trong quan hệ tương tự. Đôi khi, quy chế này được coi là một ngoại lệ của quy chế Đối xử Tối huệ quốc. Cũng theo nguyên tắc này, người nước ngoài có thể được hưởng các quyền hoặc được miễn trừ các nghĩa vụ mà ngay cả công dân nước sở tại cũng không được hưởng. Cần lưu ý, đối với người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ quan lãnh sự nước ngoài sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động của nước nơi họ đang làm việc.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/02/2023