Đánh Giá Về Thực Trạng Pháp Luật Bảo Vệ Người Tố Cáo Ở Việt Nam

Đối với việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ Công an quy định rõ, khi nhận được đề nghị, yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; xét thấy đề nghị, yêu cầu là có căn cứ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, yêu cầu Thủ trưởng Công an các cấp có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc (theo Điều 5) [11].

3.2.1.5. Các hình thức chế tài xử lý hành vi vi phạm

Luật Tố cáo năm 2018 tại Điều 8 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo, trong đó có những hành vi như: tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo… Nếu người giải quyết tố cáo có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật Tố cáo, hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo nếu không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà không áp dụng biện pháp cần thiết để xử lý kịp thời đối với người giải quyết tố

cáo có hành vi vi phạm quy định tại Điều 63 của Luật Tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (theo các Điều 63, 64, 65 của Luật Tố cáo năm 2018). Như vậy, chế tài xử lý hành vi vi phạm trong việc bảo vệ người tố cáo bao gồm những hình thức chế tài được quy định trong pháp luật hành chính (chế tài xử lý kỷ luật, chế tài xử lý vi phạm hành chính, chế tài xử lý trách nhiệm vật chất) và các chế tài hình sự (theo quy định của pháp luật hình sự), chế tài dân sự (theo quy định của pháp luật dân sự).

Trong đó, về các hình thức chế tài theo quy định của pháp luật hành chính có một số nội dung cần lưu ý sau:

- Về chế tài xử lý kỷ luật: Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ tại Điều 22 quy định cụ thể: Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có hành vi tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết [37].

- Về chế tài xử lý trách nhiệm vật chất: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14 ngày 20/6/2017 tại Điều 17 đã quy định một trong những trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó là không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp sau đây để

bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu: (a) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo tại nơi công tác; (b) Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm tại nơi cư trú;

(c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo theo quy định của pháp luật (theo Khoản 6) [117].

- Về chế tài xử lý vi phạm hành chính, cũng ngày càng được tăng cường hơn với việc ban hành và thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017) [107].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, chế tài hình sự và chế tài dân sự cũng có thể được áp dụng trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tố cáo. Về chế tài hình sự, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017) đã quy định về tội xâm phạm quyền KN, TC tại Điều 166. Theo quy định này, phạm tội trong trường hợp trả thù người khiếu nại, tố cáo thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm [116]. Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền tự do của con người; các tội xâm phạm sở hữu; tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật;… Liên quan đến bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán

hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác tại Điều 361 và Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác tại Điều 362. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm xâm hại đến người tố cáo, bảo vệ người tố cáo. Về chế tài dân sự, cùng với quy định mang tính nguyên tắc của Luật Tố cáo, các quy định cụ thể của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng [110] cũng góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn chế tài dân sự trong việc bảo vệ người tố cáo.

Bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính ở Việt Nam - 13

3.2.2. Đánh giá về thực trạng pháp luật bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam

3.2.2.1. Khái quát kết quả đạt được

Pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo đã mang tính đồng bộ hơn, phù hợp hơn với thực tế nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo theo pháp luật hành chính ở Việt Nam. Trong đó, căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo; nội dung, cách thức thực hiện các biện pháp bảo vệ; chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong việc bảo vệ người tố cáo được xác định rõ hơn, cụ thể hơn, đồng bộ hơn. Gắn với đó, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo cũng được đổi mới theo hướng bảo đảm tốt hơn yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo trong toàn bộ quá trình giải quyết tố cáo. Đồng thời, sự phát triển, hoàn thiện của pháp luật hành chính trong các lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, quản lý nhà nước về lao động, xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường của nhà nước... cũng góp phần vào thực hiện biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo trong quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư; bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, bảo vệ vị trí việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động; hoàn thiện hơn các hình thức trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm vật chất, các hình thức chế tài xử lý vi phạm trong việc bảo vệ người tố cáo.

3.2.2.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân

* Những hạn chế, bất cập:

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng song pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Cụ thể là:

- Về phạm vi chủ thể được bảo vệ, điều kiện được bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ:

+ Phạm vi chủ thể được bảo vệ: Chưa nghiên cứu toàn diện về mối quan hệ giữa tố cáo với phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi vi pháp pháp luật, tố giác, tin báo về tội phạm cũng như mối quan hệ giữa bảo vệ người tố cáo với bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức, với bảo vệ người tố giác tội phạm. Chính vì vậy, hiện nay vẫn chưa có các quy định của pháp luật về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, chưa nghiên cứu, làm rõ những trường hợp người cung cấp thông tin, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật cho người tố cáo thực hiện việc tố cáo, cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, điều tra vụ án hình sự; người tố cáo giấu tên (nặc danh)… có cần phải đưa vào diện cần được bảo vệ hay không?

+ Điều kiện được bảo vệ: Chưa xác định rõ, cụ thể giới hạn tố cáo được bảo vệ, những trường hợp tố cáo không được bảo vệ nên dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ trong thực tế. Pháp luật về tố cáo cũng chưa làm rõ dấu hiệu của hành vi cố ý tố cáo sai sự thật nên dẫn đến khó phân biệt người có hành vi này với người tố cáo trung thực, thiện ý nhưng không có bằng chứng cụ thể hoặc do hiểu lầm là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời cũng gây khó khăn cho việc xử lý những trường hợp lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ: Luật Tố cáo hiện hành chưa quy định về quyền KN, TC của người được bảo vệ đối với quyết định, hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ nên chưa thể hiện được đầy đủ các biện pháp mang tính chất bảo vệ quyền được bảo vệ của người tố cáo.

- Phạm vi bảo vệ: Chưa chú trọng đến việc bảo vệ người tố cáo trước những hành vi mang tính phân biệt đối xử, chính vì vậy, Luật Tố cáo năm 2018 chưa có những quy định cụ thể về nội dung biện pháp bảo vệ người tố cáo tránh khỏi sự phân biệt đối xử trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp. Trong khi đó, pháp luật về thủ tục hành chính còn thiếu những quy định phòng ngừa, xử lý hành vi phân biệt đối xử đối với người tố cáo khi tiến hành làm các thủ tục hành chính. Ngoài ra, Luật Tố cáo cũng chưa có quy định về miễn, giảm trách nhiệm pháp lý đối với người tố cáo trong một số trường hợp nhằm bảo vệ người tố cáo.

- Nội dung các biện pháp bảo vệ: Luật Tố cáo năm 2018 quy định nội dung các biện pháp bảo vệ: biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, tuy nhiên một số quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, khó thực hiện.

+ Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo: Giữ bí mật thông tin về người tố cáo là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng nhằm bảo vệ người tố cáo tránh khỏi nguy cơ bị đe dọa, trả thù, trù dập hay bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các quy định của Luật Tố cáo năm 2018 về nội dung biện pháp bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa. Làm thế nào để giữ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp? Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo được thực hiện như thế nào? Phải làm gì để bảo vệ bí mật thông tin

cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan? Đó vẫn là những vấn đề khó. Mặt khác, việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo bao gồm nhiều khâu, công việc khác nhau và được đảm nhiệm bởi nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau như: tổ chức, bộ phận tiếp công dân và xử lý đơn, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo…Với một quy trình mang tính chia cắt, phân tán như vậy, thì việc rò rỉ thông tin về người tố cáo không phải là không có nguy cơ xảy ra. Trong khi đó, để thu thập được đầy đủ chứng cứ làm cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang là vấn đề khó khăn, thách thức đối với các cơ quan chức năng trên thực tế. Vì thế, việc bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo theo tinh thần của Luật Tố cáo hiện hành đã, đang và sẽ là công việc không đơn giản, dễ dàng.

+ Bảo vệ vị trí công tác, việc làm: Luật Tố cáo năm 2018 tại Khoản 2, điểm a quy định việc áp dụng biện pháp bảo vệ chấm dứt trong trường hợp người giải quyết tố cáo đã ra kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Theo Điều 3 của Thông tư số 03/2020/TT-BNV ngày 21/07/2020 của Bộ Nội vụ thì bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo. Vậy biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo có được áp dụng sau khi có kết luận nội dung tố cáo? Ở giai đoạn hậu kết luận nội dung tố cáo này những hành vi trả thù, trù dập hay phân biệt đối xử đối với người tố cáo và người thân thích của người tố cáo thì được xử lý như thế nào? Đây là những điểm mà pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện hành chưa làm rõ nên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

+ Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm: Quy định của Luật Tố cáo năm 2018 về bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm còn đơn giản, thiếu cơ chế, biện pháp thực hiện, nhất là để phòng ngừa, ngăn chặn

các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người được bảo vệ. Quy trình thực hiện, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa được làm rõ, chẳng hạn như: quy trình thực hiện biện pháp đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết… Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, tuy nhiên Thông tư này chỉ quy định về biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo về hành vi tham nhũng quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong quy định về các biện pháp bảo vệ cũng như một số vấn đề khác, pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện hành cũng chưa xem xét thấu đáo mối quan hệ giữa bảo vệ người tố cáo với trình tự, thủ tục tố cáo, với tố cáo nặc danh.

- Thẩm quyền, trách nhiệm trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền chưa được xác định cụ thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nhất là các biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người giải quyết tố cáo với cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, với cơ quan Công an, giữa cơ quan chủ trì với các cơ quan, tổ chức phối hợp, giữa cơ quan chức năng với các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo chưa được cụ thể hóa thành các quy chế, chương trình phối hợp hay quy định liên tịch, liên ngành.

Xem tất cả 189 trang.

Ngày đăng: 26/06/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí