Kết Quả Xây Dựng Và Kiểm Định Thang Đo Vốn Xã Hội Của Ngân Hàng


TÓM TẮT CHƯƠNG 4


Chương 4 của luận án đã trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu:

- Kết quả kiểm định thang đo bằng Cronbach’s alpha cho các thang đo thành phần bậc ba của vốn xã hội và các hoạt động của ngân hàng cho thấy các biến quan sát đều đảm bảo tính nhất quán để đo lường các khái niệm nghiên cứu với hệ số tin cậy lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,35.

- Bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho thấy không có biến nào bị loại với tất cả các trọng số nhân tố đều lớn hơn 0,5, phương sai trích lớn hơn 50%, hệ số KMO lớn hơn 0,5 và mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett nhỏ hơn 0,05.

- Bằng công cụ phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy trọng số CFA của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,5, khẳng định tính đơn nguyên và giá trị hội tụ của các biến quan sát. Hệ số tương quan của các thành phần thuộc các khái niệm nghiên cứu đều nhỏ hơn 1 đơn vị với mức ý nghĩa 1%, vì vậy các thành phần này đạt được giá trị phân biệt trong cùng một khái niệm. Đồng thời tất cả các nhân tố thành phần của các khái niệm đều đạt yêu cầu về độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích.

- Kết quả ước lượng SEM cho thấy mô hình lý thuyết đạt mức độ tương thích với dữ liệu thị trường, các thành phần của khái niệm vốn xã hội (gồm vốn xã hội bên ngoài, vốn xã hội bên trong và vốn xã hội của lãnh đạo ngân hàng) đều có thể giải thích được sự biến thiên của các hoạt động của ngân hàng thương mại (gồm hoạt động nguồn vốn, hoạt động sử dụng vốn và hoạt động cung ứng dịch vụ).

- Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra hiệu ứng tích cực và tiêu cực của vốn xã hội đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.

CHƯƠNG 5

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Đánh giá tác động của vốn xã hội đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 18


Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chương 5 của luận án sẽ trình bày kết luận của nghiên cứu, từ đó đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao kết quả các hoạt động của ngân hàng thương mại thông qua sử dụng vốn xã hội. Qua đó, luận án cũng nêu lên những đóng góp mới, những mặt còn hạn chế của luận án và đề xuất các hướng nghiên cứu tiếp theo.


5.1 KẾT LUẬN

5.1.1 Kết quả xây dựng và kiểm định thang đo vốn xã hội của ngân hàng

Dựa trên kết quả liên hệ lý thuyết, nghiên cứu định tính và kiểm định cho trường hợp điển hình tại các chi nhánh NHTM tại thành phố Hồ Chí Minh, đề tài đã xây dựng được các thang đo vốn xã hội của ngân hàng là thang đo bậc ba đảm bảo được giá trị nội dung và độ tin cậy cho ngành ngân hàng Việt Nam. Thang đo đã tích hợp được chất lượng và cấu trúc mạng lưới. Ba thành phần cơ bản của vốn xã hội là vốn xã hội của lãnh đạo; vốn xã hội bên ngoài và vốn xã hội bên trong ngân hàng.

- Thành phần vốn xã hội của lãnh đạo gồm mạng lưới bạn bè, đối tác, đồng nghiệp và quan chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Chất lượng các mạng lưới trên với lãnh đạo ngân hàng thể hiện qua việc tạo lập, duy trì mối quan hệ, tín cẩn, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

- Thành phần vốn xã hội bên ngoài ngân hàng gồm mạng lưới khách hàng, đối tác kinh doanh, các hiệp hội, cơ quan truyền thông và chính quyền các cấp. Chất lượng của các mối quan hệ thể hiện qua việc tạo lập, duy trì mối quan hệ, tín cẩn, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa ngân hàng và các chủ thể thuộc mạng lưới bên ngoài ngân hàng.

- Thành phần vốn xã hội bên trong ngân hàng gồm sự hợp tác giữa cá nhân lẫn nhau; sự hợp tác giữa các phòng ban lẫn nhau. Chất lượng của các mối quan hệ thể hiện qua sự hợp tác giữa các cá nhân/ phòng ban chức năng trong ngân hàng trên cơ


sở tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đoàn kết vì mục tiêu chung của ngân hàng.

Qua kết quả kiểm định thang đo vốn xã hội của ngân hàng cho trường hợp các NHTM tại thành phố Hồ Chí Minh bằng các công cụ hệ số tin cậy (Cronbach’s alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy, thang đo vốn xã hội của ngân hàng đảm bảo tính đơn nguyên, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích. So với nghiên cứu định tính và đánh giá sơ bộ ban đầu, cấu trúc thang đo không có sự thay đổi và không có biến quan sát nào bị loại.

5.1.2 Kết quả xây dựng và kiểm định thang đo các hoạt động của NHTM

Kết quả xây dựng thang đo đã chỉ ra các hoạt động của NHTM là thang đo đơn hướng, cụ thể hoạt động nguồn vốn (chủ yếu huy động vốn) gồm huy động từ nhận tiền gửi cá nhân và nhận tiền gửi của các TCKT; hoạt động sử dụng vốn (chủ yếu cho vay) gồm cho vay khách hàng cá nhân, cho vay các TCKT; hoạt động cung ứng dịch vụ gồm cung ứng dịch vụ cho khách hàng cá nhân và cho các TCKT. Bằng các công cụ hệ số tin cậy (Cronbach’s alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy, thang đo các nhóm hoạt động của NHTM đảm bảo tính đơn nguyên, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích. Việc xây dựng thang đo các hoạt động của NHTM sẽ hỗ trợ cho NHTM trong việc nhận diện các tiêu chí đo lường và đánh giá kết quả các hoạt động trong quá trình kinh doanh.

5.1.3 Kết quả ước lượng và kiểm định mô hình nghiên cứu

Kết quả ước lượng SEM cho thấy mô hình lý thuyết đạt được độ tương thích với dữ liệu thị trường và các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tác động của vốn xã hội của ngân hàng tới các hoạt động của NHTM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội của ngân hàng có đóng góp trực tiếp vào các hoạt động của NHTM bao gồm hoạt động nguồn vốn: cụ thể là hoạt động nhận tiền gửi; hoạt động sử dụng vốn, cụ thể là hoạt động cho vay; hoạt động cung


ứng dịch vụ. Điều này được giải thích thông qua mạng lưới quan hệ của lãnh đạo với bạn bè, đối tác kinh doanh ngoài việc giúp ngân hàng duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu còn tiếp cận được những khách hàng tiềm năng mới, góp phần tăng khả năng huy động vốn cho ngân hàng. Bên cạnh đó, lãnh đạo thiết lập mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp sẽ kích thích tinh thần làm việc và phát huy được năng lực của nhân viên, từ đó giúp hiệu quả và chất lượng công việc tăng cao, tạo niềm tin và sự hài lòng của khách hàng, góp phần đẩy mạnh hoạt động cho vay và cung ứng dịch vụ của ngân hàng. Ngoài ra, uy tín của chính bản thân người lãnh đạo ngân hàng cũng góp phần tạo được lòng tin và sự trung thành của khách hàng, các đối tác kinh doanh, từ đó giúp cho kết quả các hoạt động của ngân hàng được phát triển hơn.

Thêm vào đó, thông qua mạng lưới quan hệ của ngân hàng với khách hàng, đối tác kinh doanh ngoài việc giúp ngân hàng duy trì mạng lưới khách hàng hiện hữu còn tiếp cận được những khách hàng tiềm năng mới, góp phần tăng khả năng huy động vốn cho ngân hàng. Mối quan hệ với các hiệp hội cũng góp phần tạo cơ hội để ngân hàng quảng bá sản phẩm của mình, tiếp cận các doanh nghiệp là khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Bên cạnh đó, mối quan hệ của ngân hàng với chính quyền các cấp, với cơ quan truyền thông có thể giúp ngân hàng tiếp cận sớm nguồn thông tin và có sự chuẩn bị trước từ đó nắm bắt các cơ hội kinh doanh và xác lập vị trí của mình trên thương trường.

Hơn nữa, mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các phòng ban trong ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kết quả hoạt động của ngân hàng tốt hơn. Cụ thể với một môi trường làm việc mà các đồng nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên được tăng lên, chất lượng tư vấn, phục vụ khách hàng sẽ tốt hơn. Thêm vào đó, mỗi ngân hàng có cơ chế hợp tác và cơ chế quản lý, giám sát riêng để thúc đẩy các nhân viên, các bộ phận chức năng cùng phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, và vì mục tiêu chung của tổ chức. Có thể nói, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cá nhân, giữa các khâu nghiệp vụ, giữa các phòng ban, giúp quy trình giải quyết công việc được nhanh chóng, thuận lợi nhất cho khách hàng, đây là yếu tố đem lại sự hài


lòng cho khách hàng. Đặc biệt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng như hiện nay thì tính chuyên nghiệp của người nhân viên và các bộ phận phòng ban chức năng trong giải quyết nghiệp vụ sẽ góp phần giữ chân khách hàng và thu hút khách hàng tiềm năng, giúp hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn và cung ứng dịch vụ cùng phát triển.

Như đã lược khảo lý thuyết và dựa trên kết quả tính toán của đề tài, ta thấy các hoạt động của ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau. Cụ thể là hoạt động nguồn vốn tác động trực tiếp đến hoạt động sử dụng vốn, hoạt động sử dụng vốn tác động trực tiếp đến hoạt động cung ứng dịch vụ và hàm ý hoạt động nguồn vốn tác động gián tiếp đến hoạt động cung ứng dịch vụ. Đây cũng là là ưu điểm và là lợi thế cho ngân hàng khi sản phẩm của họ cung ứng cho khách hàng có thể mang tính trọn gói. Nói cách khác, một khách hàng họ có thể vừa là người đi vay, vừa là người cho vay và sử dụng các dịch vụ kèm theo của ngân hàng. Điều này vừa thuận lợi cho khách hàng, vừa giúp ngân hàng có thể khai thác tối đa tiềm năng của khách hàng để sử dụng hết các sản phẩm của mình mà không cần phải tốn thêm chi phí khai thác thông tin khách hàng. Khi tiết kiệm được chi phí thì hiệu quả các hoạt động liên quan sẽ tăng thêm.

Với kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy vốn xã hội của ngân hàng có tác động ý nghĩa đến các hoạt động của NHTM, điều này có nghĩa là các NHTM cần xem vốn xã hội là một nguồn lực cần khai thác để phục vụ cho các hoạt động của mình trong quá trình kinh doanh.

5.2 KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NHTM THÔNG QUA SỬ DỤNG VỐN XÃ HỘI

Vốn xã hội của ngân hàng là một nguồn lực có tác động đến các hoạt động của NHTM (hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay và hoạt động cung ứng dịch vụ) và nguồn lực này cần được các NHTM khai thác hiệu quả.

Thật vậy, ngân hàng tồn tại trong môi trường kinh doanh bị chi phối bởi rất nhiều các mối quan hệ (cả bên trong lẫn bên ngoài ngân hàng). Do đó, nếu các mối quan hệ được thiết lập và duy trì tốt thì NHTM có thể tận dụng được các mối quan


hệ này tạo cho mình lợi thế trong cạnh tranh. Nhất là tại Việt Nam, các mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội (gồm vốn xã hội bên ngoài) có tác động đến các hoạt động của ngân hàng như giúp cho hoạt động huy động vốn, cho vay và cung ứng dịch vụ thuận lợi hơn. Đặc biệt là với uy tín của người lãnh đạo ngân hàng cũng như mạng lưới quan hệ của họ sẽ hỗ trợ nhiều cho các hoạt động của NHTM. Điều này đã được chứng minh sau khi kiểm định mô hình lý thuyết tại TP.HCM, vốn xã hội (gồm vốn xã hội của lãnh đạo) có tác động ý nghĩa đến các hoạt động của NHTM.

Trung tâm của mọi hoạt động của ngân hàng là con người và hệ thống quản lý. Với sự hợp tác chặt chẽ, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết ở các khâu nghiệp vụ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại hiệu quả ở hầu hết các hoạt động của ngân hàng.

Có thể nói trong quá trình kinh doanh của ngân hàng, vốn xã hội của ngân hàng là một nguồn lực cần được khai thác hiệu quả (trước hết ngân hàng phải có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nguồn lực vốn xã hội của ngân hàng; sau đó là ngân hàng phải luôn có biện pháp tạo tập, duy trì, phát triển và sử dụng vốn xã hội để nâng cao kết quả các hoạt động của mình).

Các nhóm gợi ý chính sách cụ thể như sau:

5.2.1 Nhận thức về tầm quan trọng của vốn xã hội trong chiến lược phát triển của NHTM

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội của ngân hàng có ảnh hưởng đến các hoạt động của ngân hàng, do đó cần nhận thức đầy đủ về nguồn lực vốn xã hội của ngân hàng và xây dựng khung phân tích để các ngân hàng tiếp cận được vốn xã hội, từ đó ngân hàng có thể khai thác và sử dụng nguồn lực này phục vụ cho các hoạt động của mình. Trong các chiến lược phát triển của mình, ngân hàng cần xác định tầm nhìn, mục tiêu, tiêu chí để phát triển nguồn lực vốn xã hội của ngân hàng. Bằng tư duy cá nhân, có thể thấy các ngân hàng cũng đã biết khai thác các mối quan hệ để phục vụ cho lợi ích của ngân hàng như việc hội sở giao chỉ tiêu cho chi nhánh hoặc cấp trên giao chỉ tiêu cho cấp dưới, thường sẽ yêu cầu vượt kế hoạch, vậy phần vượt


này chi nhánh hay cấp dưới phải khai thác các mối quan hệ để đạt được chỉ tiêu đề ra. Việc khai thác và sử dụng các mối quan hệ theo hướng tích cực thì sẽ mang lại kết quả tốt cho ngân hàng, ngược lại nếu tính tiêu cực bị lạm dụng thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho ngân hàng mà còn cho cả nền kinh tế, do đó ngân hàng cần có khung phân tích, định hướng, kế hoạch sử dụng nguồn lực vốn xã hội hợp lý để có thể khai thác nguồn lực này theo hướng tích cực và mang lại hiệu quả cho ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước khi các tác giả cho rằng việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vốn xã hội và tăng cường các mối quan hệ xã hội có thể dẫn đến nâng cao hiệu suất của công ty (Tseng và cộng sự 2013; Albertini 2016). Tổ chức nào đầu tư vốn vào các mối quan hệ xã hội mạnh hơn thì hiệu suất của tổ chức trong phân phối sản phẩm sẽ cao hơn (Raza 2013).

5.2.2 Thiết lập mục tiêu đo lường vốn xã hội trong ngân hàng

Trong chiến lược phát triển nguồn lực vốn xã hội cần bao gồm cả ba thành phần: vốn xã hội của lãnh đạo, vốn xã hội bên ngoài và vốn xã hội bên trong ngân hàng. Đối với vốn xã hội của lãnh đạo, để khai thác được lợi thế và sự hỗ trợ từ các mối quan hệ này, đòi hỏi bản thân người lãnh đạo phải tăng cường chất lượng mối quan hệ của họ với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác kinh doanh và quan chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với vốn xã hội bên ngoài ngân hàng, đòi hỏi ngân hàng phải tăng cường thiết lập các mối quan hệ với khách hàng, đối tác kinh doanh, các hiệp hội, cơ quan truyền thông và chính quyền các cấp để đảm bảo sự trung thành và sẵn sàng hỗ trợ từ các chủ thể này. Còn đối với vốn xã hội bên trong ngân hàng, điều quan trọng là tạo ra được cơ chế hợp tác và giám sát sự hợp tác hiệu quả giữa các cá nhân và các phòng ban chức năng để đảm bảo các hoạt động của ngân hàng được diễn ra trôi chảy, thuận lợi, mang lại kết quả tốt nhất.

Với mục tiêu chung là chất lượng các mối quan hệ của lãnh đạo được tăng lên và hợp tác hiệu quả, cụ thể là luôn duy trì và tăng cường chất lượng các mối quan hệ của lãnh đạo với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác kinh doanh và quan chức thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, mà các mối quan hệ này có thể mang lại lợi ích cho ngân hàng. Do đó, cần phải có một khung phân tích để có thể tiếp cận, đo lường vốn xã hội của


lãnh đạo thông qua các mục tiêu và tiêu chí đo lường cụ thể bao gồm: (1) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ bạn bè, được đo lường cụ thể bằng các chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ bình quân từ bạn bè; (2) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ đối tác kinh doanh, được đo lường cụ thể bằng chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ từ đối tác bình quân; (3) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ chính quyền, được đo lường bằng các chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền bình quân; (4) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, được đo lường bằng các chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp bình quân.

Đối với vốn xã hội bên ngoài ngân hàng, mục tiêu chung là chất lượng các mối quan hệ của ngân hàng được tăng lên và hợp tác hiệu quả, cụ thể là luôn duy trì và tăng cường chất lượng các mối quan hệ của bản thân ngân hàng với khách hàng, đối tác kinh doanh, các hiệp hội, cơ quan truyền thông và chính quyền các cấp, mà các mối quan hệ này có thể mang lại lợi ích cho ngân hàng. Do đó, cần phải có một khung phân tích để có thể tiếp cận, đo lường vốn xã hội bên ngoài ngân hàng thông qua các mục tiêu và tiêu chí đo lường cụ thể bao gồm: (1) Lòng trung thành của khách hàng cũ và tăng thêm khách hàng mới qua giới thiệu của khách hàng cũ, được đo lường cụ thể bằng các chỉ tiêu số lần khách hàng cũ giao dịch bình quân và số khách hàng mới giao dịch do khách hàng cũ giới thiệu bình quân; (2) Lòng trung thành của đối tác kinh doanh cũ và phát triển thêm đối tác kinh doanh mới, được đo lường cụ thể bằng các chỉ tiêu số giao dịch bình quân được thực hiện cùng đối tác kinh doanh cũ, số đối tác kinh doanh mới đăng ký hợp tác và số lượng chính sách ban hành duy trì hợp tác giữa các bên; (3) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ chính quyền các cấp, được đo lường cụ thể bằng chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ bình quân từ chính quyền các cấp; (4) Thông tin được chia sẻ và sự giúp đỡ từ hiệp hội, được đo lường bằng các chỉ tiêu số thông tin và số lần nhận được sự giúp đỡ bình quân từ hiệp hội; (5) Nhận được sự chia sẻ thông tin và giúp đỡ từ cơ quan truyền thông, được đo lường bằng các chỉ tiêu số thông tin có giá trị được ưu tiên thông báo và số lần nhận được sự giúp đỡ bình quân từ cơ quan truyền thông.

Xem tất cả 192 trang.

Ngày đăng: 28/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí