Thứ năm, nâng cao tính hệ thống xuyên suốt trong các hoạt động của ngân hàng. Trong hoạt động của ngân hàng, tính hệ thống cực kỳ quan trọng. Thực tế hiện nay, sự hợp tác giữa các cá nhân/phòng ban còn kém hiệu quả do mục tiêu của các phòng ban là khác nhau. Chẳng hạn như phòng khách hàng doanh nghiệp được giao chỉ tiêu về tín dụng khách hàng phải đạt doanh số theo kế hoạch đề ra, trong khi phòng quản trị rủi ro lại được giao chỉ tiêu là giảm nợ xấu khi có quyết định cho vay. Như vậy phòng quản trị rủi ro thì luôn phải thận trọng, trong khi phòng khách hàng doanh nghiệp lại muốn cho vay trong thời gian sớm nhất để có thể đạt chỉ tiêu được giao. Khi các bộ phận chức năng có mục tiêu khác nhau thì sự hợp tác sẽ kém hiệu quả và ngược lại, từ đó gây ảnh hưởng đến kết quả chung của ngân hàng.
Như vậy ngân hàng cần có các chính sách, mục tiêu phù hợp để giảm tính đối kháng giữa các phòng ban chức năng. Bên cạnh đó, cần phải có những chuẩn mực, những khung chung để các cá nhân và phòng ban bám sát theo những chuẩn mực đó để thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cá nhân và phòng ban chức năng.
5.2.6 Gợi ý chính sách vĩ mô hỗ trợ ngân hàng phát triển vốn xã hội tạo hiệu ứng tích cực và hạn chế hiệu ứng tiêu cực trong môi trường hoạt động ngân hàng
Để tạo các kênh tương tác giữa ngân hàng với các chủ thể bên ngoài như khách hàng, đối tác kinh doanh, các hiệp hội, cơ quan truyền thông và chính quyền các cấp, vốn xã hội (bao gồm vốn xã hội bên ngoài ngân hàng), rất cần sự tương hỗ từ phía Chính phủ. Do đó, các gợi ý giải pháp như sau:
5.2.6.1 Gợi ý chính sách vĩ mô hỗ trợ ngân hàng phát huy hiệu ứng tích cực của vốn xã hội
Thứ nhất, để góp phần tạo ra vốn xã hội bên ngoài cho ngân hàng, cần có sự hỗ trợ của NHNN để xây dựng hành lang pháp lý cho việc phát triển các sản phẩm tài chính, tiền tệ tạo sự liên kết các chủ thể tham gia. Có thể kể đến như sản phẩm tài chính phái sinh, NHNN cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến kinh doanh tiền tệ, công cụ tài chính phái sinh theo xu hướng hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho sự áp dụng đa dạng các công cụ tài chính dựa trên sự liên kết của các chủ
thể tham gia thị trường (dù các công cụ này đã được các NHTM tại Việt Nam áp dụng, tuy nhiên chưa phong phú, đa dạng, chưa hấp hẫn khách hàng). Các công cụ này, hiện nay các quốc gia phát triển đã áp dụng và mang lại hiệu quả cao cho các chủ thể tham gia. Điều này, góp phần tạo ra vốn xã hội bên ngoài cho các ngân hàng, thông qua đó nâng cao khả năng huy động vốn; tạo thêm cung tín dụng cho thị trường ngân hàng và giúp các hoạt động của ngân hàng hiệu quả hơn.
Thứ hai, NHNN và các hiệp hội nên có những chương trình đầu tư phát triển các kênh tương tác xã hội giữa các NHTM, giữa NHTM với các ngành có liên quan. Các kênh này nên được hỗ trợ của các công cụ mạng lưới công nghệ thông tin, giúp thuận tiện trong trao đổi thông tin giữa các chủ thể trong mạng lưới. Các NHTM có thể thông qua các kênh tương tác này để mở rộng thị phần và mạng lưới khách hàng của mình, cũng như khai thác các mạng lưới quan hệ tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm!
- Hiệu Ứng Tích Cực Và Tiêu Cực Của Vốn Xã Hội Đối Với Nhtm
- Kết Quả Xây Dựng Và Kiểm Định Thang Đo Vốn Xã Hội Của Ngân Hàng
- Mục Tiêu, Tiêu Chí Đo Lường Vốn Xã Hội Của Nhtm
- Đánh giá tác động của vốn xã hội đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 21
- Đánh giá tác động của vốn xã hội đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 22
- Đánh giá tác động của vốn xã hội đến hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 23
Xem toàn bộ 192 trang tài liệu này.
5.2.6.2 Gợi ý chính sách vĩ mô và vi mô hỗ trợ ngân hàng hạn chế hiệu ứng tiêu cực của vốn xã hội
Một số gợi ý chính sách vĩ mô
Bên cạnh hiệu ứng tích cực thì còn tồn tại những tiêu cực trong các mạng lưới quan hệ của lãnh đạo, bên ngoài và bên trong ngân hàng. NHNN đóng vai trò rất quan trọng để hạn chế hiệu ứng tiêu cực của vốn xã hội trên thị trường ngành ngân hàng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý NN, cần xây dựng khung pháp lý tốt, tạo sân chơi chung cho các NHTM, tạo sự công bằng giữa NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần ( dù trong giai đoạn qua đã có những thay đổi tích cực nhưng chưa thay đổi hoàn toàn được).
Thứ hai, NHNN cần có văn bản hướng dẫn quy trình, minh bạch tạo điều kiện tiếp cận vốn và thụ hưởng sự hỗ trợ từ chính sách công bằng đối với tất cả các NHTM. Cần xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn NHTM có đủ năng lực để thực hiện cho vay các khu vực kinh tế được trợ cấp hoặc theo một chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ.
Thứ ba, sự phân công nguồn lực phải theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo tính hiệu quả. Khi có vốn ưu đãi của Chính phủ (định chế tài chính nước ngoài hỗ trợ thông qua Chính phủ) thì NHTM Nhà nước có quy mô lớn, hiệu quả kinh doanh của họ gắn với Nhà nước nên họ được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn này hơn (dù hiệu quả từ việc sử dụng nguồn lực này là điều chưa chắc chắn). Như chúng ta đã thấy thời gian qua vụ việc của nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã gây thất thoát cực kỳ lớn cho nền kinh tế, tiêu biểu vụ việc của Vinashin, nhiều ngân hàng khi cho doanh nghiệp này vay, đã gặp rất nhiều khó khăn vì không thu hồi được nợ, làm ảnh hưởng tính thanh khoản của ngân hàng, nợ xấu tăng cao…
Một số gợi ý chính sách vi mô
Theo Putnam, 2000, vốn xã hội bên trong sẽ có tác động tiêu cực khi co cụm vào nhau, và tác động tích cực khi vươn ra bên ngoài. Với tác động tiêu cực sẽ dẫn đến hạn chế ý tưởng mới, kiềm chế sự phát triển của tổ chức, tư tưởng cục bộ, thiển cận. Với thực trạng các hiện tượng tiêu cực trong ngành ngân hàng trong thời gian qua, có sự liên kết giữa một số cá nhân hoặc phòng ban, vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm đã lợi dụng chức năng, quyền hạn để liên kết gây ra thất thoát lớn cho ngân hàng và cho nền kinh tế. Đó chính là một biểu hiện của hiệu ứng tiêu cực của vốn xã hội bên trong ngân hàng. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế hiệu ứng tiêu cực này, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bản thân ngân hàng cần có quy trình nghiệp vụ thật chặt chẽ, phân chia trách nhiệm rõ ràng giữa các phòng ban chức năng trong quy trình giải quyết công việc, tránh sai sót mang tính dây chuyền.
Thứ hai, ngân hàng cần xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, phân quyền nhưng phải có sự đánh giá và kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng lạm quyền, gây mất đoàn kết nội bộ và ảnh hưởng đến ngân hàng.
Thứ ba, cần nêu cao văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong ngân hàng. Muốn vậy trước hết phải có sự chỉ đạo của ban giám đốc, và bản thân người lãnh đạo phải gương mẫu, khách quan, công bằng để có thể lãnh đạo đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, phải phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn,
tổ chức các phong trào thi đua tạo sự gắn kết, đoàn kết nội bộ và cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của tổ chức, góp phần xây dựng uy tín và hình ảnh thương hiệu của ngân hàng ngày càng bền vững.
5.3 NHỮNG ĐÓNG GÓP CHÍNH CỦA LUẬN ÁN
5.3.1 Đóng góp về mặt khoa học
- Cho đến nay, vốn xã hội vẫn là một khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu thảo luận, phát triển với nhiều quan niệm và cách giải thích khác nhau. Các tác giả cũng đã nỗ lực xây dựng các thang đo để đo lường vốn xã hội nhưng còn hạn chế trong việc nghiên cứu trên phạm vi ngành do từng ngành có những đặc điểm riêng biệt. Các nghiên cứu trước đây được thực hiện không phải thuộc ngành ngân hàng nên chưa chỉ ra được tác động của vốn xã hội đến hoạt động của các NHTM. Đóng góp đầu tiên của luận án là đã xây dựng được thang đo vốn xã hội đầy đủ cả ba khía cạnh của mạng lưới bên trong, bên ngoài và lãnh đạo ngân hàng trên cơ sở lý thuyết và nghiên cứu định tính cùng với những đặc trưng riêng của ngành ngân hàng Việt Nam.
- Nghiên cứu đã nhận dạng được các nhóm hoạt động của NHTM là hoạt động huy động vốn, hoạt động nguồn vốn và hoạt động cung ứng dịch vụ. Thang đo các hoạt động của NHTM đã được kiểm định độ tin cậy cho trường hợp các NHTM Việt Nam, đảm bảo giá trị nội dung và độ tin cậy nên có giá trị kế thừa cho các nghiên cứu liên quan tại Việt Nam.
- Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tác động trực tiếp và gián tiếp của vốn xã hội tới các nhóm hoạt động của các NHTM, từ đó có thể khẳng định vốn xã hội là một nguồn lực mà các ngân hàng cần hoạch định trong các chiến lược kinh doanh của mình để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả trong quá trình kinh doanh của ngân hàng. Kết quả kiểm định mô hình vận dụng cho trường hợp đặc thù điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần làm sáng tỏ về mặt lý thuyết cũng như về cơ sở khoa học, góp phần tạo nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo về mối liên hệ giữa vốn xã hội và các hoạt động trong quá trình kinh doanh không chỉ ở trong ngành ngân hàng mà còn trong các ngành kinh tế khác.
5.3.2 Đóng góp về mặt thực tiễn
Xét trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, luận án đã có những đóng góp thực tiễn cho các NHTM và các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành ngân hàng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cụ thể như sau:
- Luận án đã xây dựng và kiểm định thang đo vốn xã hội trên cả ba khía cạnh bên ngoài, bên trong và lãnh đạo ngân hàng, từ đó giúp cho ngân hàng nhận diện được khuôn khổ tạo lập, sử dụng, duy trì, phát triển và đánh giá vốn xã hội trong ngân hàng. Từ đó các ngân hàng sẽ hoạch định các chiến lược để khai thác, phát triển và sử dụng vốn xã hội nhằm nâng cao kết quả các hoạt động trong quá trình kinh doanh.
- Luận án đã xây dựng và kiểm định thang đo các nhóm hoạt động của ngân hàng thương mại đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa các hoạt động thông qua lý thuyết và kiểm chứng thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó giúp các ngân hàng đánh giá các nhóm hoạt động toàn diện hơn.
- Luận án cũng chỉ ra các hiệu ứng tích cực và tiêu cực của vốn xã hội trong ngành ngân hàng. Từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp liên quan nhận diện được tầm quan trọng và sự vận động của nguồn lực này để kịp thời hoạch định các chính sách phát huy các hình thức liên kết vốn xã hội tích cực đồng thời hạn chế hình thức liên kết vốn xã hội tiêu cực trong ngành ngân hàng Việt Nam.
- Kết quả nghiên cứu của luận án cũng hỗ trợ cho hiệp hội Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc nhận diện tầm quan trọng của vốn xã hội cũng như tạo giá trị từ các mạng lưới liên kết phục vụ cho các thành viên của hiệp hội có thể khai thác lợi ích từ các mạng lưới này phục vụ cho quá trình kinh doanh.
5.4 HẠN CHẾ CỦA LUẬN ÁN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO
5.4.1 Hạn chế của luận án
Bên cạnh những đóng góp tích cực về mặt khoa học và thực tiễn, luận án cũng còn những hạn chế nhất định cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để nội dung nghiên cứu được toàn diện hơn, cụ thể như sau:
- Thang đo được xây dựng và kiểm định cho trường hợp Tp. Hồ Chí Minh nên kết quả nghiên cứu không đạt tính đại diện cho cả nước. Mặt khác thang đo vốn xã hội được xây dựng cho ngành ngân hàng gắn với đặc thù ngành nên không thể áp dụng cho doanh nghiệp ngành khác.
- Luận án đánh giá vốn xã hội chủ yếu qua thang đo cảm nhận (tùy thuộc vào sự chủ quan của người trả lời), nên bị hạn chế trong việc đo lường. Tuy nhiên các nghiên cứu trước khi đo lường vốn xã hội cũng chưa bao hàm hết giá trị nội dung của vốn xã hội (theo Glanville & Bienenstock (2009), không có nhiều chắc chắn về cách đo lường, đánh giá hoặc thậm chí mô tả đầy đủ khái niệm xã hội vốn). Tương tự, Ferri và ctg (2009), khi đánh giá cách đo lường vốn xã hội trong quá trình kinh doanh từ các nghiên cứu trước đã chỉ ra còn thiếu sự đồng thuận thực nghiệm trong đo lường vốn xã hội. Theo Knack và Keefer (1997) trích trong Xie Wenjing (2013), đo lường vốn xã hội dựa trên khảo sát là hợp lý. Đồng quan điểm của Lê Khắc Trí, 2007, đề xuất đo lường vốn xã hội bằng các phương pháp điều tra đánh giá xã hội học). Bên cạnh đó, vốn xã hội là nguồn lực vô hình, để đánh giá tác động của vốn xã hội tới các hoạt động của NHTM, đòi hỏi trước hết phải sử dụng thang đo cảm nhận, sau đó sử dụng nội dung của thang đo cảm nhận để xây dựng tiêu chuẩn đo lường vốn xã hội là việc làm phù hợp. Có thể nói việc sử dụng thang đo cảm nhận để đánh giá vốn xã hội tuy còn những hạn chế nhất định nhưng vẫn trong giá trị chấp nhận được.
- Luận án chỉ nghiên cứu hoạt động nguồn vốn với hoạt động chính là nhận tiền gửi; hoạt động sử dụng vốn với hoạt động chính là cho vay; hoạt động cung ứng dịch vụ với hoạt động chính là cung ứng các dịch vụ nên chưa đánh giá hết được các hoạt động khác. Ngoài ra, thang đo được kiểm định với kích thước mẫu trung bình, nên không đủ bậc tự do để ước lượng SEM với tất cả biến quan sát, do đó không thể hiện giá trị của từng biến quan sát cá biệt trong mô hình nghiên cứu.
5.4.2 Hướng nghiên cứu tiếp theo
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đã đặt ra yêu cầu cần thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về vốn xã hội trong ngân hàng, cũng như tìm thêm luận cứ và bằng chứng để khẳng định vốn xã hội là nguồn lực của ngân hàng, cụ thể như sau:
- Thang đo và mô hình nghiên cứu trong luận án chỉ mới được kiểm định tại thành phố Hồ Chí Minh nên chưa thể khẳng định được sự phù hợp đối với các địa phương khác. Do vậy, rất cần có các nghiên cứu tiếp theo để kiểm định thang đo và mô hình lý thuyết cho ngành ngân hàng ở các địa phương khác.
- Do hạn chế về cỡ mẫu, nên tác giả mong muốn có những nghiên cứu kiểm định thang đo và mô hình lý thuyết cho ngành ngân hàng với kích thước mẫu lớn hơn để khắc phục hạn chế nêu trên.
- Luận án chỉ nghiên cứu hoạt động nguồn vốn với hoạt động chính là nhận tiền gửi; hoạt động sử dụng vốn với hoạt động chính là cho vay; hoạt động cung ứng dịch vụ với hoạt động chính là cung ứng các dịch vụ nên chưa đánh giá hết được các hoạt động khác. Do đó, rất cần có các nghiên cứu tiếp theo để có thể đánh giá tất cả các khía cạnh còn lại của từng hoạt động trong ngân hàng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 5
Chương 5, luận án đã đưa ra kết luận chung cho đề tài nghiên cứu gồm kết quả xây dựng và kiểm định thang đo vốn xã hội và các hoạt động của ngân hàng thương mại. Kết quả ước lượng SEM cho thấy mô hình lý thuyết đạt được độ tương thích với dữ liệu thị trường và các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả nghiên cứu chỉ ra tác động của vốn xã hội của ngân hàng tới các hoạt động của NHTM.
Thông qua kết quả nghiên cứu cho thấy vốn xã hội của ngân hàng có đóng góp trực tiếp vào các hoạt động của NHTM bao gồm hoạt động nguồn vốn (cụ thể là hoạt động nhận tiền gửi); hoạt động sử dụng vốn (cụ thể là hoạt động cho vay) và hoạt động cung ứng dịch vụ.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra vốn xã hội là một nguồn lực cần được các NHTM khai thác để phục vụ cho các hoạt động của mình. Theo đó, luận án cũng đề xuất những gợi ý chính sách vi mô và vĩ mô giúp NHTM nâng cao kết quả các hoạt động thông qua sử dụng vốn xã hội.
Ngoài ra, trong chương 5 luận án cũng chỉ ra những đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn đồng thời cũng nêu rõ những hạn chế của đề tài và hướng nghiên
cứu tiếp theo.