Kết Quả Nghiên Cứu Của Các Công Trình Khoa Học Liên Quan Và Nội Dung Luận Án Tập Trung Nghiên Cứu


những yếu tố đó. Đồng thời tìm hiểu đặc điểm dân tộc và quan hệ dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk với tính cách là kết quả của những yếu tố tác động.

Kết quả Đề án “Điều tra, khảo sát nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk” của Sở khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk [85] gồm báo cáo điều tra, thống kê toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đào tạo đại học và sau đại học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đánh giá sự phát triển về số lượng và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đào tạo đại học và sau đại học theo một số chỉ tiêu chủ yếu như: cơ cấu dân tộc, cơ cấu giới tính, trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, hình thức đào tạo và hệ thống các phương pháp thực hiện.

Tiếp cận ở góc độ trình độ nguồn nhân lực cán bộ khoa học và kỹ thuật trình độ từ cao đẳng trở lên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được tổng kết trong báo cáo “Phúc tra nguồn nhân lực cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng trở lên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” của Sở khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk [86]. Các vấn đề được nêu trong báo cáo là: Các biện pháp kỹ thuật áp dụng để phúc tra, thu thập thông tin, phương pháp xử lý, phân tích, thống kê tổng hợp về trình độ của cán bộ khoa học - kỹ thuật. Thực trạng nguồn nhân lực cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng trở lên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hệ thống những giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Báo cáo khoa học “Một số vấn đề về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học cấp huyện, xã và lao động kỹ thuật người dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk” của Nguyễn An Vinh và các cộng sự [165] đã trình bày một số đặc điểm và tình hình chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cấp huyện, xã và lao động kỹ thuật người dân tộc thiểu số; nêu rõ thực trạng và nguyên nhân của công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cấp huyện, xã và lao động kỹ thuật người dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk. Bước đầu nêu ra định hướng và giải


pháp về công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cấp huyện, xã và lao động kỹ thuật người dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Công trình khoa học “Miền Trung và Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới” của Trương Minh Dục [44] đã tổng kết thực tiễn vận dụng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở từng khu vực, từng địa phương, đặc biệt là những sáng tạo của cơ sở, nhằm phác họa bức tranh riêng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tác giả có. Cuốn sách đã nêu bật những vấn đề: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền Trung từ góc nhìn lịch sử. Quảng Nam, Quảng Bình, EaPhê - Đắk Lắk có những sáng tạo đáng được ghi nhận và học tập. Đặc điểm nổi bật của thành phố Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển, những kinh nghiệm cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, cuốn sách đã làm rõ một số chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ ở vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là những chính sách cán bộ ở tỉnh Đắk Lắk.

Luận án “Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2003 đến năm 2015” của Phạm Ngọc Đại [52] đã nêu lên những chủ trương của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về công tác dân tộc; đánh giá khách quan về những thành tựu, hạn chế; phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế; rút ra một số nhận xét về ưu điểm, khuyết điểm và những kinh nghiệm chủ yếu về thực hiện chính sách dân tộc của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk từ năm 2003 đến năm 2015.

Vấn đề quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được tác giả Nguyễn Tấn Bích nêu trong luận văn “Quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” [23]. Luận văn đã làm rõ một số vấn đề lý luận về dân tộc và quản lý nhà nước về dân tộc; phân tích và đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk; đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm về đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn (2010-2015), luận văn


Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2005 đến năm 2015 - 5

"Năng lực cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay" [53] của tác giả Nguyễn Hải Đông, đi sâu phân tích thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất những giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số cho giai đoạn tiếp theo.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thời kỳ 1986 - 2000, luận văn “Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị cấp cơ sở thời kỳ đổi mới (1986-2000)” của tác giả Lê Nhị Hòa [58] đã đề xuất những kiến nghị về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp cận ở một góc độ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã, luận văn “Đào tạo cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” của Đỗ Quang Trà [145] đã hướng đến giải quyết ba nội dung: cơ sở lý luận về đào tạo cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số; thực trạng đào tạo cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; đề xuất các giải pháp đào tạo cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Những công trình khoa học nghiên cứu về công tác dân tộc và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đã nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng; đề cập đến thực trạng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trong thời gian tiếp theo.

1.2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN VÀ NỘI DUNG LUẬN ÁN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU

1.2.1. Kết quả các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án

Các công trình khoa học nghiên cứu chung về cán bộ và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tập trung vào 5 vấn đề sau:


Một là, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về cán bộ và cán bộ dân tộc thiểu số được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, nội dung về cán bộ và cán bộ dân tộc thiểu số luôn được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng và sự phát triển của xã hội. Đó là cơ sở lý luận và là định hướng để triển khai thực hiện các nội dung của luận án.

Hai là, chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của các địa phương với phạm vi là các vùng, các tỉnh qua các giai đoạn phát triển. Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng về cán bộ và cán bộ dân tộc thiểu số nên có tính thống nhất trong chủ trương và quá trình tổ chức thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các địa phương trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, do đặc điểm khác nhau của các vùng, miền và các tỉnh nên chủ trương và quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có sự đa dạng, phong phú, đồng thời cũng có tính đặc thù riêng biệt ở mỗi địa phương. Từ đó, giúp tác giả tìm ra được điểm riêng của tỉnh Đắk Lắk trong cái chung của các địa phương khác.

Ba là, thực trạng của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các địa phương giai đoạn sau so với giai đoạn trước tuy có tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đảm bảo được về số lượng theo yêu cầu. Vấn đề chất lượng, năng lực thực tiễn trong quá trình công tác của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công việc. Sự thiếu đồng bộ về cơ cấu ngành nghề cũng được đề cập đến nhiều trong các công trình khoa học.

Bốn là, nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng công tác lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay ở các địa phương; hệ thống những giải pháp thực hiện; những kinh nghiệm lãnh đạo; những kiến nghị, đề xuất đã gợi mở cho tác giả đưa ra những nhận xét, đánh giá trong luận án.

Năm là, hệ thống bảng, biểu, phiếu điều tra và phương thức điều tra, giúp cho tác giả phương pháp và nội dung xây dựng các mẫu phiếu, bảng, biểu và định hướng cho quá trình triển khai thực hiện luận án.


1.2.2. Những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu

Khảo cứu các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, tác giả nhận thấy, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vẫn còn “khoảng trống” cần được tiếp tục nghiên cứu. Các công trình khoa học nghiên cứu ở các góc độ chuyên ngành khác nhau, dưới các hình thức khác nhau, ở những địa bàn khác nhau. Mặc dù, đã có một số công trình nghiên cứu về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số lãnh đạo, quản lý nhưng chủ yếu đều nghiên cứu ở các tỉnh phía Bắc, hoặc một số công trình nghiên cứu ở khu vực Tây Nguyên. Các công trình nghiên cứu ở tỉnh Đắk Lắk rất ít, đặc biệt chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống, toàn diện về quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số dưới góc độ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Kế thừa những công trình khoa học trước đó, tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra, luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.

Thứ hai: Chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và quá trình phát triển về nhận thức và chủ trương của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2005 đến năm 2015.

Thứ ba: Quá trình Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trên các mặt: Quy hoạch đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; chính sách cán bộ dân tộc thiểu số.

Thứ tư: Từ thực tiễn quá trình Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, luận án đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học về ưu điểm, hạn chế và bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk để vận dụng vào thực tiễn trong giai đoạn mới.


Tiểu kết chương 1

Các công trình khoa học được nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án đã được nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau với các chuyên ngành khác nhau, dưới dạng sách chuyên khảo, tạp chí, luận án, luận văn, báo cáo của các đề tài khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ được nghiên cứu nhiều hơn so với những nghiên cứu về cán bộ dân tộc thiểu số và nghiên cứu về cán bộ dân tộc thiểu số cũng được nghiên cứu nhiều hơn so với cán bộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk. Các công trình khoa học đề cập đến nhiều vấn đề, từ lý luận chung đến sự vận dụng vào thực tiễn thông qua quá trình lãnh đạo và chỉ đạo của các địa phương.

Những công trình khoa học trên đã tập trung phân tích làm rõ những vấn đề lý luận chung về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, bao gồm: nội hàm công tác cán bộ; quy trình công tác cán bộ; hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ trên phạm vi cả nước cũng như ở từng vùng, miền và những địa phương cụ thể, các công trình khoa học đã nêu rõ thực trạng vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, nêu lên những bất cập trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Qua đó, đưa ra những đánh giá về ưu điểm và hạn chế trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề ra những giải pháp hoặc tổng kết một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trong thời kỳ mới.

Vấn đề xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số rất phong phú, đa dạng, nhạy cảm thậm chí rất khó nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trong các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án được trình bày trong chương Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án đã cung cấp tư liệu và định hướng trong quá trình triển khai thực hiện luận án về nội dung và phương pháp nghiên cứu.


Chương 2

CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH ĐẮK LẮK VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ

TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010


2.1. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH ĐẮK LẮK

2.1.1. Vị trí, vai trò của cán bộ, cán bộ dân tộc thiểu số

* Khái niệm về cán bộ, dân tộc thiểu số, cán bộ dân tộc thiểu số:

Luật cán bộ, công chức Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, ngày 13/11/2008, nêu khái niệm cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện (tại Điều 4 khoản 1) như sau:

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [82].

Theo Luật cán bộ, công chức (tại Điều 4 khoản 3) cán bộ cấp xã là:

Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [82].

Nghị định về công tác dân tộc số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ nêu rõ: “dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


“Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia [32].

Như vậy, khái niệm cán bộ dân tộc thiểu số là một khái niệm kép, một tập hợp của hai khái niệm “cán bộ” và “dân tộc thiểu số”. Từ những phân tích như trên, có thể đi đến một quan niệm chung về cán bộ dân tộc thiểu số, như sau: “cán bộ dân tộc thiểu số” là những cán bộ được quy định tại Luật cán bộ, công chức đang công tác trong một tổ chức xác định của hệ thống chính trị, có thành phần xuất thân từ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong một số văn kiện của Đảng và Nhà nước, cụm từ "cán bộ dân tộc thiểu số" được thay thế bằng cụm từ "cán bộ là người dân tộc thiểu số". Xét về ngữ nghĩa, đây là hai cụm từ đồng nghĩa. Xét về nội hàm khái niệm, đây là hai khái niệm có cùng một nội hàm, có thể thay thế cho nhau.

* Vị trí, vai trò của cán bộ và cán bộ dân tộc thiểu số

C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đặt nền móng cho vấn đề cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của giai cấp vô sản. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen đó là muốn thực hiện tư tưởng cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn. Con người sử dụng lực lượng thực tiễn được hiểu là những người định hướng, dẫn dắt hành động của quần chúng vô sản. Đó là những đại biểu ưu tú nhất, lãnh tụ của phong trào công nhân đã được giác ngộ lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và là những người cộng sản đầu tiên của giai cấp vô sản. Lực lượng thực tiễn là toàn bộ quần chúng vô sản và các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột đang hành động với những hình thức khác nhau trong cuộc đấu tranh với giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác.

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, mỗi giai cấp muốn giành được quyền thống trị thì trong hàng ngũ của mình phải có những nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt phong trào và khi đã có đường lối đúng thì cán bộ là khâu quyết định để biến đường lối đó thành hiện thực cách mạng. Do đó, trên lĩnh vực công tác của cán bộ nhà nước, đặc biệt là những chức vụ chủ chốt, V.I.Lênin nhấn mạnh quyền quyết định của Đảng. Theo

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/03/2023