Nhóm Nghiên Cứu Về Xây Dựng Đội Ngũ Cán Bộ Dân Tộc Thiểu Số Ở Các Tỉnh Tây Bắc


nhiệm vụ hiện nay, tác giả nhấn mạnh yêu cầu phải có những chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước.

Phạm Thị Kim Cương, Lê Thanh Bình trong bài viết (2015), “Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc” [44] đã khẳng định, việc đổi mới mạnh mẽ “nội dung chương trình là “xương cốt” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng”. Đây là vấn đề quyết định đến đặc thù, yêu cầu của việc đào tạo, bồi dưỡng, là cái quyết định đến chất lượng của sản phẩm đào tạo, là cái có đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn khách quan về công tác dân tộc của đất nước hay không.

Lý Thị Thu trong luận án (2016), Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 1991 đến năm 2010 [153] và Nguyễn Thị Tĩnh (2018), Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2005 đến năm 2015 [176] tiếp cận vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS dưới góc nhìn Lịch sử Đảng. Qua đó đã làm rõ những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự vận dụng sáng tạo của các Đảng bộ địa phương (Tuyên Quang, Đắk Lắk) về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; quá trình các Đảng bộ địa phương (Tuyên Quang, Đắk Lắk) lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Từ thực tiễn lãnh đạo và kết quả lãnh đạo của Đảng bộ hai tỉnh, hai tác giả đưa ra những nhận xét và rút ra kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS.

Tác giả Trương Minh Dục lại tiếp cận trên góc độ bình đẳng dân tộc trong xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Trong bài viết (2018) “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số - Giải pháp quan trọng bảo đảm quyền bình đẳng dân tộc ở Việt Nam” [48], tác giả đã nêu bật những kết quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức DTTS. Dưới góc nhìn khoa học, tác giả cũng thẳng thắn nêu lên 4 hạn chế, bất cập của đội ngũ cán bộ DTTS:

(i) Tỷ lệ cán bộ, công chức DTTS so với dân số còn thấp; (ii) Trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức DTTS không đồng đều; (iii) Cơ cấu cán bộ mất cân đối trên nhiều mặt; (iv) Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức DTTS có nhiều hạn chế và chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số quan điểm và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức DTTS trong thời gian tới.


1.1.4. Nhóm nghiên cứu về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc

Nghiên cứu về vấn đề tạo nguồn cán bộ DTTS ở khu vực Tây Bắc, tiêu biểu có đề tài khoa học cấp Bộ của Đoàn Minh Huấn (2004) Tạo nguồn cán bộ hệ thống chính quyền chủ chốt cấp xã các tỉnh Tây Bắc hiện nay [110] đã nghiên cứu khá sâu sắc về những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng việc tạo nguồn cán bộ, thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới. Vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở trong công tác tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã tại các tỉnh miền núi Tây Bắc đã được đề tài đề cập, phân tích như một nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu.

Tác giả Lô Quốc Toản trong luận án tiến sĩ Triết học (2009) Phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

[177] đã đề cập tới những nội dung, quan niệm về “Phát triển nguồn cán bộ”, công tác “Phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số” ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Dưới góc nhìn cá nhân, tác giả đề xuất một số phương hướng và hệ giải pháp phát triển nguồn cán bộ DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch trong mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tác giả Thân Minh Quế có nghiên cứu (2012), Công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn hiện nay [135]. Cuốn sách phân tích thực trạng công tác, quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nêu lên một số khó khăn trong quy hoạch cán bộ người DTTS, cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Một số phương hướng, giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã được tác giả nêu ra, có ý nghĩa tham khảo hữu ích.

Quá trình các Đảng bộ tỉnh khu vực miền núi Tây Bắc lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 - 4

Trên cơ sở các khung lý thuyết về chính sách công, tác giả Nguyễn Lâm Thành (2014) trong nghiên cứu Chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam hiện nay [146] đã hệ thống hoá những nội dung lý luận về chính sách phát triển vùng DTTS; phân tích, đánh giá các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS phía Bắc gắn với thực trạng kinh tế - xã hội


và những vấn đề quản lý nhà nước có liên quan; chỉ ra những khó khăn, hạn chế, bất cập của chính sách và xác định những vấn đề cần giải quyết; đề xuất giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện chính sách phát triển vùng DTTS phía Bắc Việt Nam. Trong phông nghiên cứu toàn diện của công trình, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở các tỉnh Tây Bắc cũng được tác giả phân tích, so sánh với các mặt công tác khác và với các địa phương khác trong vùng.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng như là một trong những trọng tâm của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước (mã số TB.20X/13-18) do Cao Anh Đô là chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo khoa học (2016) Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc [67]. Hội thảo với 32 bài viết, tham luận đã làm rõ nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn của công tác này. Trong đó, một số nội dung tiêu biểu đã được trao đổi, nghiên cứu như: quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS; phát triển đội ngũ cán bộ DTTS vùng Tây Bắc trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh; một số vấn đề đặt ra cho sự phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc; những hạn chế, bất cập của đội ngũ cán bộ DTTS ở Tây Bắc - kiến nghị và giải pháp; những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS ở Tây Bắc trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; mối quan hệ giữa chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS vùng Tây Bắc với hệ thống chính sách kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc; một số chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ DTTS nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc;...

Vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của các Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc thuộc phạm vi khảo sát của luận án cũng được đề cập gián tiếp và trực tiếp ở nhiều công trình nghiên cứu.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Hoà Bình, tiêu biểu có nghiên cứu của Trương Khánh Ngọc (2015), Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã từ năm 2001 đến năm 2012 [126]; Vũ Thị Phương Thảo (2019), Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2005 đến năm 2015 [149];... Ở những nghiên


cứu này, các tác giả đã phân tích quá trình Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc nói chung; quá trình lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS được đề cập trong mối liên hệ với các nội dung công tác khác.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Sơn La, tiêu biểu có nghiên cứu của Tòng Thị Hính (2009), “Sơn La chú trọng công tác đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số” [83]; Thuỷ Anh (2009), “Phát triển đảng viên để xây dựng tổ chức đảng ở Sơn La” [4]; Nguyễn Văn Vỵ (2016), “Sơn La: Những điểm nhấn trong xây dựng đội ngũ cán bộ” [215]; Xuân Vinh (2016), “Đánh giá cán bộ từ thực tiễn ở Sơn La” [216];… Các nghiên cứu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Một số kết quả nổi bật, điểm nhấn của công tác này, đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng đã được các giả nêu ra.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Điện Biên, có một số nghiên cứu của Lâm Văn Năm (2012), “Luân chuyển cán bộ thực hiện “4 hoá” ở Điện Biên” [124]; Thu Thủy (2014), “Nâng cao chất lượng đảng viên người dân tộc thiểu số” [155]; Hoàng Mẫn (2016), “Điện Biên: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số” [122]… Ở những công trình này, mỗi tác giả có những cách tiếp cận riêng trong nghiên cứu về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Điện Biên. Với góc nhìn khách quan, các nghiên cứu đã góp phần phản ánh thực trạng chung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Điện Biên.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Lai Châu, có nghiên cứu của Nguyễn Văn Chương (2005), “Lai Châu đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số“ [41]; Vũ Ngọc An (2009), “Lai Châu xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số“ [1]; Hà Tiến Vĩ (2013), Đảng bộ tỉnh Lai Châu lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở từ năm 2004 đến 2010 [212];... Ở những nghiên cứu này, chủ trương và quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của Đảng bộ tỉnh Lai Châu qua các giai đoạn được các tác giả nêu lên khá rõ nét, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được phản ánh đậm nét. Từ thực trạng nghiên cứu, các tác giả nêu lên nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác


xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp chính:

(i) Làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; (ii) Hoàn thiện hệ thống chính sách cho cán bộ DTTS; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ DTTS ở cơ sở;...

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Lào Cai, có nghiên cứu của Nguyễn Đức (2002), “Lào Cai thực hiện luân chuyển, tăng cường cán bộ về cơ sở” [68]; Trần Thị Hương (2007), “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số ở Lào Cai“ [112]; Nguyễn Sĩ Hồng (2010), Đảng bộ tỉnh Lào Cai lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến 2008 [109]; Lê Văn Kiểm (2011), “Công tác cán bộ dân tộc thiểu số ở Lào Cai” [116]; Đặng Minh Tâm (2014), “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai“ [143]; Đinh Văn Hậu (2017), “Xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Lào Cai” [80];.... Ở những nghiên cứu này, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của Đảng bộ tỉnh Lào Cai được phản ánh trong mối liên hệ với nhiều nội dung khác của công tác dân tộc. Mỗi tác giả ở góc nhìn riêng của mình lại có những tìm hiểu, nghiên cứu riêng, tựu chung lại, đã dựng lên bức tranh khá toàn diện về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của Đảng bộ tỉnh Lào Cai.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở Yên Bái, có một số nghiên cứu của Lâm Văn Hưng (2014), Đảng bộ tỉnh Yên Bái lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2001 đến năm 2010 [113]; Hà Minh Hoàn (2016), Đảng bộ tỉnh Yên Bái lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở từ năm 2005 đến năm 2015 [84]; Đình Tứ (2016), “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Yên Bái: Chính sách và thực tiễn” [188];… Những nghiên cứu trên đều nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ DTTS, vị trí, vai trò quan quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ tỉnh Yên Bái nói riêng, với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh nói chung.


1.2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ VÀ NHỮNG NỘI DUNG LUẬN ÁN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU

1.2.1. Kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố liên quan đến luận án

1.2.1.1. Về tư liệu

Các công trình nghiên cứu về cán bộ DTTS ở Việt Nam khá phong phú về loại hình, bao gồm sách chuyên luận, chuyên khảo, đề tài khoa học các cấp, kỷ yếu hội thảo khoa học, bài báo khoa học, các luận án, luận văn ở cả trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu của các công trình đã cung cấp cho nghiên cứu sinh hệ thống tư liệu phong phú, toàn diện liên quan tới đề tài luận án, nghiên cứu sinh có thể tham khảo, kế thừa vào xây dựng luận án.

1.2.1.2. Về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu về xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ DTTS trong đó có khu vực Tây Bắc đượ c tiếp cận dưới nhiều góc độ, chuyên ngành khoa học khác nhau như: Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Chính trị học, Hồ Chí Minh học, Dân tộc học,... và sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như: phân tích, tổng hợp, so sánh, lịch sử, logic,... Sự đa dạng trong cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu với nhiều mức độ và phạm vi nghiên cứu khác nhau đã cung cấp cho nghiên cứu sinh “phông” kiến thức khá đầy đủ về đội ngũ cán bộ DTTS, giúp nghiên cứu sinh có cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu đa diện hơn, với sự phân tích, luận giải về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trong mối quan hệ biện chứng và tác động với nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS được tiếp cận ở các lĩnh vực Kinh tế chính trị, Xây dựng Đảng, Chính trị học,... mà chưa có nhiều công trình nghiên cứu dưới góc độ Lịch sử Đảng. Đặc biệt, chưa có công trình nào nghiên cứu dưới góc độ Lịch sử Đảng về quá trình các Đảng bộ tỉnh ở khu vực Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trong những năm 2006-2016.


1.2.1.3. Về nội dung nghiên cứu

Các nhóm nghiên cứu nêu trên đã đề cập và giải quyết một số chiều cạnh chung của nội dung liên quan đến luận án. Cụ thể:

Một là, đã làm khá rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn chung về cán bộ, công chức và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, ở cả Việt Nam và thế giới như: quan niệm/ khái niệm; vị trí, vai trò của cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; yêu cầu khách quan về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ cán bộ DTTS; định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ của các nhà nước; những kết quả/ thành công - những tồn tại/ hạn chế; kinh nghiệm được rút ra.

Hai là, một số công trình đã phân tích đặc điểm, đặc thù khu vực Tây Bắc - những tác động thuận lợi, khó khăn tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở đây. Hệ thống hóa những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS nói chung, cán bộ DTTS ở khu vực Tây Bắc nói riêng.

Ba là, đánh giá thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS của các Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc. Đúc rút một số kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS.

Bốn là, đưa ra các nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS nói chung và ở các tỉnh khu vực Tây Bắc nói riêng.

Kết quả của các nghiên cứu này là rất quan trọng và có ý nghĩa tham khảo đặc biệt hữu ích cho nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện luận án nghiên cứu về quá trình các Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS từ năm 2006 đến năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thì nhìn chung, vẫn còn một số điểm tồn tại hoặc chưa được luận giải thật sự thấu đáo. Đó là:

Hệ thống lý luận về cán bộ, công chức còn khá mỏng, nhiều vấn đề về quan niệm, khái niệm, đặc biệt là về xác định vai trò, vị trí, phạm vi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức,... mặc dù đã được nêu ra và phân tích, tuy nhiên vẫn chưa thực sự rõ nét.


Đề cập chưa thật rõ vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng ở Tây Bắc - chủ thể chính trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở các địa phương trong khu vực. Có một số nghiên cứu mang tính đơn lẻ, phản ánh một khía cạnh nội dung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS hoặc phản ánh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở một hoặc một vài địa phương mà chưa có tính toàn diện ở phạm vi vùng Tây Bắc. Từ đó chưa nhận diện thật rõ và đầy đủ điểm khác biệt, điểm sáng tạo của mỗi Đảng bộ tỉnh khu vực Tây Bắc trong việc quán triệt quan điểm của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở địa phương mình.

Phân tích, luận giải chưa thật sâu sắc thực trạng, đặc biệt là những mặt tồn tại, hạn chế của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, bao gồm các nội dung: Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ; Công tác đào tạo, bồi dưỡng; Công tác đánh giá, sử dụng và luân chuyển cán bộ DTTS; Công tác tuyển dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Ở công tác đào tạo cán bộ là DTTS, một số hạn chế đưa ra còn khá chung chung mà chưa đi sâu làm rõ mặt nào, lĩnh vực nào phát huy hiệu quả kém để có giải pháp nâng cao, mặt nào, lĩnh vực nào không phát huy hiệu quả để có giải pháp đổi mới.

1.2.2. Những nội dung luận án tập trung nghiên cứu

Với những kết quả đã đạt được và một số tồn tại, hạn chế của các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, trên cơ sở kế thừa, phát triển, luận án tập trung nghiên cứu những nội dung sau:

Một là, những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở các tỉnh khu vực Tây Bắc từ năm 2006 đến năm 2016

Luận án tập trung phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và phát triển DTTS; vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ DTTS và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực Tây Bắc; Thực trạng xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở các tỉnh Tây Bắc trước năm 2006; Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Đây là những yếu tố thường xuyên tác động đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở các tỉnh khu vực Tây Bắc. Bên cạnh những tác động tạo thuận lợi, cũng gây ra khó khăn cho quá trình này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/04/2023