Những Yếu Tố Tác Động Đến Phát Triển Công Nghiệp Ở Bình Dương


nguồn tài tài liệu có giá trị thiết thực phục vụ cho tác giả luận án trong quá trình nghiên cứu.

Thứ tư, mặc dù có đối tượng nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu khác nhau nhưng một số công trình đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu và tiếp cận khoa học, phù hợp. Đây thực sự là những gợi ý quan trọng giúp nghiên cứu sinh lựa chọn kế thừa và sử dụng các phương pháp nghiên cứu, tiếp cận một cách hợp lý nhất để giải quyết được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.

Tuy nhiên, do mục đích và nội dung nghiên cứu đặt ra, các nhóm công trình chỉ đề cập đến những vấn đề chung của công nghiệp, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015.

1.2.2. Những nội dung luận án tiếp tục nghiên cứu

Tất cả những công trình nêu trên đã tiến hành nghiên cứu vấn đề phát triển công nghiệp trên nhiều khía cạnh khác nhau, một số công trình có liên quan mật thiết đến đề tài của tác giả luận án. Căn cứ vào nguồn tài liệu và mục đích nghiên cứu của luận án, luận án sẽ tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Một là, làm rõ cơ sở lý luận lãnh đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015.

Hai là, hệ thống, khái quát những quan điểm, chủ trương của Đảng và quá trình vận dụng của Đảng bộ tỉnh Bình Dương về phát triển công nghiệp giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH (1997 - 2015). Trên cơ sở đó làm nổi bật sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Bình Dương trong hoạch định chủ trương phát triển công nghiệp ở địa phương.

Ba là, khảo cứu thực tiễn quá trình chỉ đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015.

Bốn là, từ những dữ liệu khảo sát được, luận án nhận xét về quá trình hoạch định chủ trương, chỉ đạo thực hiện và kết quả cụ thể về phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Năm là, từ đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quá trình lãnh đạo phát triển công nghiệp của Đảng bộ tỉnh Bình Dương từ năm 1997 đến năm 2015, luận án


Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo phát triển công nghiệp từ năm 1997 đến năm 2015 - 4

đúc kết một số kinh nghiệm chủ yếu nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp ở Bình Dương trong thời gian tới.


Tiểu kết chương 1


Công nghiệp là ngành giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là khâu đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta nói chung, Bình Dương nói riêng. Qua tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án cho thấy:

Nhóm các công trình nhiên cứu về phát triển công nghiệp, đã luận giải một số nội dung cơ bản về quá trình phát triển công nghiệp ở Việt Nam và cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương phát triển công nghiệp ở nước ta.

Nhóm các công trình nghiên cứu liên quan đến phát triển công nghiệp ở các địa phương, cơ sở cho thấy, phát triển công nghiệp đang được đẩy mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nghiên cứu làm rõ tính năng động và sáng tạo của các địa phương khi phát triển công nghiệp mang sắc thái riêng phù hợp với tiềm năng và lợi thế của mình.

Nhóm các công trình nghiên cứu có liên quan đến phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã làm rõ được những ưu thế, thành tựu nổi bật cũng như những khó khăn yếu kém trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp của Bình Dương nói riêng.

Tuy nhiên, từ tổng quan tình hình nghiên cứu đặt ra những vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết như chủ trương của Đảng và quá trình vận dụng của Đảng bộ tỉnh Bình Dương về phát triển công nghiệp giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, phân tích, đánh giá quá trình chỉ đạo phát triển công nghiệp ở Bình Dương. Qua đó, đúc kết một số kinh nghiệm chủ yếu góp phần nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp ở địa phương trong thời gian tới.


Chương 2

CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH CHỈ ĐẠO CỦA

ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH DƯƠNG VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2005


2.1. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP Ở BÌNH DƯƠNG

2.1.1. Vai trò của công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, công nghiệp là ngành kinh tế quốc dân quan trọng nhất, có ảnh hưởng quyết định đến trình độ phát triển lực lượng sản xuất và năng suất lao động xã hội. Tỉ lệ sản phẩm công nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội được xem như chỉ tiêu phản ánh trình độ phát triển kinh tế của xã hội. Công nghiệp gồm có hai nhóm lớn: nhóm A (sản xuất tư liệu sản xuất: công nghiệp nặng) và nhóm B (sản xuất tư liệu tiêu dùng: công nghiệp nhẹ) [58, tr.586].

Theo Từ điển tiếng Việt, công nghiệp là ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hiện đại, bao gồm các xí nghiệp khai thác và chế biến nguyên vật liệu và nhiên liệu, chế tạo công cụ lao động, khai thác rừng, sông, biển, chế biến sản phẩm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp [179, tr.202].

Từ hai cách định nghĩa công nghiệp trên cho thấy, công nghiệp bao gồm những hoạt động sản xuất, bắt đầu từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên (ngành công nghiệp khai thác), tách đối tượng lao động ra khỏi thiên nhiên; công nghiệp sản xuất tất cả các tư liệu lao động (công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất) và hoạt động chế biến các tài nguyên có được từ khai thác (công nghiệp chế biến), làm thay đổi hoàn toàn về chất các nguyên liệu ban đầu để biến chúng thành những sản phẩm tương ứng hoặc nguồn nguyên liệu tiếp theo để sản xuất ra các sản phẩm khác phục vụ cho nhu cầu của con người.

Công nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của nước ta. Vai trò ấy thể hiện tập trung trên các mặt cơ bản dưới đây:

Thứ nhất, công nghiệp sản xuất và trang bị những tư liệu lao động (máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất) ngày càng hiện đại cho các ngành kinh tế trong quá trình CNH, HĐH và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất lớn XHCN.


Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được coi là nhiệm vụ tất yếu để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển. Một trong những nội dung trọng yếu của quá trình này là chuyển nền kinh tế từ trình độ thủ công, năng suất thấp sang nền kinh tế chủ yếu sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các phương pháp sản xuất ngày càng hiện đại, có năng suất cao thông qua việc thực hiện cơ khí hóa, tự động hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, sinh học hóa, tin học hóa. Trong nền kinh tế quốc dân, công nghiệp là ngành duy nhất sản xuất các loại máy móc, thiết bị cho bản thân nó và cho các ngành kinh tế quốc dân. Công nghiệp chính là nền tảng cơ bản tạo nên những thay đổi đó. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của CNH, HĐH đất nước.

Thứ hai, công nghiệp sản xuất và cung cấp các hàng hóa tiêu dùng đáp ứng nhu cầu cải thiện đời sống của dân cư.

Mức sống của dân cư ở mỗi quốc gia phụ thuộc trực tiếp vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Khi kinh tế ở trình độ thấp kém, nông nghiệp là ngành giữ vị trí hàng đầu trong việc đáp ứng nhu cầu cơ bản và thiết yếu của dân cư - lương thực và thực phẩm. Trong cuộc sống hàng ngày, bên cạnh nhu cầu ăn để tái sản xuất sức lao động, con người còn có rất nhiều nhu cầu khác đòi hỏi phải được đáp ứng bằng các sản phẩm vật chất - nhu cầu mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học tập và vui chơi giải trí. Mức độ đáp ứng nhu cầu này phụ thuộc trực tiếp vào trình độ phát triển công nghiệp. Khi trình độ kinh tế phát triển càng cao, mức sống của dân cư cũng ngày càng được nâng cao. Con người đòi hỏi những sản phẩm ngày càng đa dạng với những tính năng cao hơn. Sự phát triển công nghiệp được coi là điều kiện thỏa mãn các nhu cầu này, trực tiếp góp phần vào việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư.

Thứ ba, sự phát triển công nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến tư duy, lối sống, phong cách và phương pháp tổ chức sản xuất và đời sống theo hướng hiện đại.

Công nghiệp là ngành đại diện cho phương thức sản xuất hiện đại. Với những đặc trưng vốn có của mình, công nghiệp không chỉ sử dụng các tư liệu sản xuất tiên tiến, mà còn có phương thức tổ chức sản xuất, tổ chức lao động và tổ


chức quản lý tiên tiến hơn so với các ngành khác. Phương thức ấy thể hiện tính chặt chẽ và khoa học tạo điều kiện mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Chính vì điều đó, phương thức tổ chức và quản lý của công nghiệp thường được coi là hình mẫu cho các ngành khác vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của mình. Hơn nữa, phương thức ấy còn được vận dụng ngày càng rộng rãi trong quản lý hành chính và tổ chức xã hội của mỗi quốc gia.

Thứ tư, công nghiệp phát triển càng thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, tạo việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Phát triển công nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm là một trong những mục tiêu của các nước đang phát triển. Làm việc trong các ngành công nghiệp, người lao động được tiếp cận với tác phong công nghiệp làm việc khẩn trương và theo một dây chuyền tiên tiến cùng kỷ luật lao động cao, buộc các nhà quản lý và người lao động phải rèn luyện và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Sự phát triển của công nghiệp, có ảnh hưởng rộng lớn đến tư duy, ý thức và hệ thống chính trị của mỗi quốc gia.

Trên đây là những biểu hiện cơ bản nhất vai trò của công nghiệp trong sự phát triển KT-XH của đất nước. Mức độ thể hiện vai trò này phụ thuộc trực tiếp vào trình độ phát triển công nghiệp: khi công nghiệp ở trình độ phát triển thấp, quy mô nhỏ bé, kỹ thuật lạc hậu, vai trò của nó còn hết sức mờ nhạt; khi công nghiệp phát triển ở trình độ cao, quy mô rộng lớn và trình độ kỹ thuật tiên tiến, nó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển KT-XH của đất nước.

2.1.2. Những tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp ở Bình Dương

2.1.2.1. Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý:

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên 2.695,22 km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước và xếp thứ 42/63 về diện tích tự nhiên. Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xem là cửa ngõ vào Thành phố Hồ Chí Minh, thông thương giữa trung tâm công nghiệp đô thị lớn với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên; là trung tâm của các đầu mối giao thông huyết mạch, có khả năng tiếp nhận các cơ sở công nghiệp


từ đô thị chuyển ra, đồng thời là vành đai cung cấp thực phẩm cho các vùng đô thị. Với vị trí địa lý tự nhiên, Bình Dương có tiềm năng đa dạng và có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh trên cả ba lĩnh vực: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Với địa hình cao trung bình từ 6 - 60 m, nên chất lượng và cấu trúc đất Bình Dương không chỉ thích hợp với các loại cây trồng mà còn rất thuận lợi đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xí nghiệp, nhà máy, phát triển các KCN.

Trên địa bàn Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km. Các tuyến đường sông tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận tiện. Với đặc điểm khí hậu, thủy văn thuận lợi đó, tạo cho Bình Dương những lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, đồng thời cũng là đặc điểm rất thuận lợi để xây dựng và phát triển các KCN tập trung.

Tài nguyên - khoáng sản

Về tài nguyên rừng: Diện tích rừng hiện còn 18.500 ha, khu vực có diện tích lớn nhất là rừng phòng hộ núi Cậu với 3.905 ha. Rừng tự nhiên hiện còn chủ yếu là rừng non tái sinh, phân bố rải rác ở phía Bắc tỉnh, chưa đáp ứng được vai trò bảo vệ môi trường, phòng hộ và cung cấp lâm sản. Độ che phủ của tỉnh đến cuối năm 1999 đạt tỷ lệ 44,5% diện tích.

Về tài nguyên nước: Bình Dương hiện có 3 sông chính thuộc hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương. Ngoài ba sông chính, còn có sông Thị Tính (chi lưu của sông Sài Gòn), rạch Bà Lô, Bà Hiệp, Vĩnh Bình, rạch cầu Ông Cộ...Tiềm năng nguồn nước mặt trong tỉnh khá dồi dào, hàng năm các sông suối trong tỉnh truyền tải đến cho khu vực một khối lượng nước rất lớn. Nguồn nước ngầm của tỉnh Bình Dương tương đối phong phú, được tồn tại dưới 2 dạng là lổ hổng và khe nứt. Toàn bộ nguồn nước mặt và nước ngầm cung cấp nước phong phú cho nhu cầu sinh hoạt và cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Về tài nguyên khoáng sản: Bình Dương có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, nhất là khoáng sản phi kim loại có nguồn gốc magma, trầm tích và phong hoá đặc thù. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho những ngành công nghiệp truyền thống và thế mạnh của tỉnh như gốm sứ, vật liệu xây dựng.

2.1.2.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội

Bình Dương trước đây là một phần của vùng đất Gia Định. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp cải tổ các đơn vị hành chính cho phù hợp với chế độ thuộc địa, tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12/1899 từ Sở Tham Biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập tỉnh Bình Dương và Bình Long và một số xã nhập vào tỉnh Phước Long. Năm 1959, chế độ cũ cắt một phần đất của tỉnh Biên Hoà và Bình Dương thành lập tỉnh Phước Thành.

Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, do yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, quốc phòng, ngày 02/7/1976, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập các tỉnh Thủ Dầu Một, Bình Phước và 4 xã An Bình, Bình An, Đông Hoà, Tân Đông Hiệp thuộc huyện Thủ Đức thành tỉnh Sông Bé, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Thủ Dầu Một. Đến ngày 06/11/1996, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Ngày 1/1/1997, Bình Dương chính thức được tái lập với 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Đến năm 2015, sau khi được chia tách đơn vị hành chính, Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện.

Từ trong lịch sử, Bình Dương là vùng đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Bình Dương là nơi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Những truyền thống cách mạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với nguồn lao động là nội lực, để Bình Dương phát triển KT-XH trong thời kỳ đổi mới.

Là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, năm 1997, ngay trong năm đầu tiên tái lập, nhưng kinh tế tỉnh Bình Dương đã tăng trưởng với tốc độ cao, toàn diện. Hầu hết các mục tiêu


quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 1997, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 17,5%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.800,6 tỷ đồng (tăng 42%), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,4%, giá trị dịch vụ tăng 10,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 41%, thu ngân sách tăng 29%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng trong GDP là: 50% - 27% - 23%. Năm 1997, toàn tỉnh có 845 doanh nghiệp trong nước được cấp phép hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 8.900 tỷ đồng, 163 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 1.235,3 triệu USD [42, tr.9,14].

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Bình Dương, năm 2005, dân số toàn tỉnh là 1.030.722 người. Bình Dương vẫn đang ở thời kỳ “dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động là 734.952 người. Là một tỉnh công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao, hàng năm, tỉnh tiếp nhận một lượng lớn dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt của địa phương. Trên địa bàn Bình Dương có khoảng 15 dân tộc, nhưng đông nhất là dân tộc Kinh và sau đó là dân tộc Hoa, dân tộc Khơ Me,...

Bình Dương là địa phương có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, Quốc lộ 13 là con đường chiến lược quan trọng xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía Nam lên phía Bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia đến biên giới Thái Lan. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng thuộc tỉnh Bình Phước xuyên suốt vùng Tây Nguyên, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước… và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh. Bình Dương còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận thị xã Dĩ An, với chiều dài 8,6 km. Ga xe lửa Sóng Thần là trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường xe lửa của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn chỉ cách

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 03/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí