yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Tỉnh trong tình hình mới xác định: “Tổ chức quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” [199, tr. 1]. Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành hương ước, quy ước làng, xóm về trật tự, an ninh; phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Lực lượng công an các cấp phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và Nhân dân trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng như thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM; quan tâm xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ và đảm an ninh trật tự ở các địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của cả HTCT, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân tham gia; xây dựng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đản bảo an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn. Bắc Giang có “2.479/2.479 hương ước, quy ước đã được phê duyệt” [185, tr. 7]; toàn Tỉnh duy trì, hoạt động “10.050 mô hình tự quản; 75 mô hình liên kết” [195, tr. 66]; nhiều mô hình trong quần chúng đã phát huy hiệu quả như: Mô hình “Lắp đặt Camera an ninh” của Hội Cựu chiến binh xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang; mô hình “Tổ tự quản về An ninh trật tự” thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa; mô hình “Cụm dân cư an toàn” thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn... qua đó tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, không xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, xây dựng NTM bền vững.
Nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, vai trò giám sát của HĐND, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, hạn chế thấp nhất tình trạng
đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, nặc danh. Quan tâm tới công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, không để phức tạp, không để tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. Có chính sách đãi ngộ phù hợp cả về vật chất lẫn tinh thần để động viên, khuyến khích các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và quần chúng Nhân dân tự nguyện tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, dự bị động viên.
Từ chủ trương, chính sách đúng đắn và công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nên tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, lực lượng công an các cấp đã phối hợp với các ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền về an ninh, trật tự xã hội trong xây dựng NTM, qua đó quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm, giúp đỡ lực lượng công an trong phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục phát huy được hiệu quả. Đến hết năm 2020, “có 180 xã đạt tiêu chí quốc phòng và an ninh (chiếm 97,8%) [201, tr. 9]. Mặc dù đã có những kết quả cao hơn so với giai đoạn 2010 - 2015, song tình hình an ninh trật tự xã hội trong những năm 2015 - 2020 còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; tội phạm hình sự, kinh tế có biểu hiện gia tăng.
Kết luận chương 3
Trước những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong những năm 2015 - 2020, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; thành tựu đạt được Chương trình MTQG xây dựng NTM những năm 2010 - 2015, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đề ra chủ trương, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020. Tính chất “đẩy mạnh” xây dựng NTM được thể hiện trong chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2015 - 2020 là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng số xã, huyện đạt chuẩn NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động…
Với chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời, hạ tầng KT - XH được tập trung đầu tư, nâng cấp có chuyển biến rõ nét, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, vui chơi, giải trí và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân, nhất là đường giao thông nông thôn. Phát triển sản xuất có nhiều điểm mới, nổi bật, thu hút được HTX, doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu đem lại hiệu quả; dồn điền, đối thửa, cánh đồng mẫu đạt kết quả cao; Chương trình OCOP được tập trung thực hiện, các tổ chức, cá nhân dần quan tâm đến việc xây dụng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh của sản phấm; đời sống người dân được nâng lên; văn hoá, giáo dục, y tế và môi trường nhiều nội dung có chuyển biến tích cực; HTCT ở cơ sở được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.
Có thể bạn quan tâm!
- Đẩy Mạnh Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng Kinh Tế - Xã Hội
- Đổi Mới Các Hình Thức Tổ Chức Sản Xuất, Hỗ Trợ Người Dân Phát Triển Kinh Tế
- Chỉ Đạo Về Giảm Tỷ Lệ Hộ Nghèo, Tỷ Lệ Lao Động Làm Việc Trong Lĩnh Vực Nông, Lâm, Ngư Nghiệp Và Tăng Tỷ Lệ Nông Dân Qua Đào Tạo
- Nguyên Nhân Hạn Chế Nguyên Nhân Khách Quan
- Những Kinh Nghiệm Chủ Yếu Từ Quá Trình Đảng Bộ Tỉnh Bắc Giang Lãnh Đạo Xây Dựng Nông Thôn Mới (2010 - 2020)
- Tăng Cường Công Tác Thanh Tra, Kiểm Soát, Kịp Thời Biểu Dương Nhân Rộng Điển Hình Tiên Tiến Xây Dựng Nông Thôn Mới
Xem toàn bộ 249 trang tài liệu này.
Bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng NTM giữa các địa phương còn chênh lệch; chất lượng đạt chuẩn tiêu chí ở một số địa phương còn thiếu bền vững. Tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó đối với các xã nhất là chất thải sinh hoạt; sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, Bộ máy giúp việc BCĐ các cấp chưa được quy định rõ vị trí pháp lý trong hệ thống các cơ quan và cơ cấu chuyên môn.
Chương 4
NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.1. Nhận xét sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020)
4.1.1. Ưu điểm và nguyên nhân
4.1.1.1. Ưu điểm
Một là, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra chủ trương xây dựng NTM phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả HTCT. Xây dựng NTM không chỉ là vấn đề KT - XH mà còn là vấn đề kinh tế - chính trị tổng hợp nhằm mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Nhìn lại 10 năm (2010 - 2020) lãnh đạo xây dựng NTM của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang cho thấy, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Điều đó được thể hiện trước hết ở nhận thức và xác định nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM của toàn Tỉnh cũng như từng địa phương cơ sở.
Đại hội XVII (10 - 2010) của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, xã hội ổn định. Tiến hành quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ theo hướng chuẩn nông thôn mới” [81, tr. 48]; giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, nâng cao dân trí, thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2015 thu nhập của người dân nông
thôn tăng 1,8 đến 2 lần so với năm 2010. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Nghị quyết số 145-NQ/TU ngày 14 - 7 - 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang Về xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 xác định: “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị... phát huy nội lực của cả cộng đồng dân cư; các cấp, các ngành có vai trò lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, có cơ chế chính sách hỗ trợ” [83, tr. 3]. Từ chủ trương của Đảng bộ, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn ban hành nghị quyết, xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM của địa phương. Giai đoạn 2010 - 2015, Tỉnh lựa chọn 40 xã chỉ đạo điểm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM là phù hợp với thực tiễn của địa phương, bởi qua khảo sát thực tế Bắc Giang có: “4/9 huyện đạt tiêu chí thấp; 3/9 huyện đạt trung bình, 01 thành phố và 2/9 huyện có các tiêu chí tương đối cao” [106, tr. 7]; các tiêu chí đạt thấp trên địa bàn Tỉnh là: “Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, thu nhập, cơ cấu lao động, môi trường” [106, tr. 7] đều là tiêu chí khó thực hiện.
Trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2010 - 2015, Kết luận số 81-KL/TU ngày 17
- 7 - 2015 của Tỉnh ủy Bắc Giang Về xây dựng NTM Bắc Giang giai đoạn 2015
- 2020; đề ra mục tiêu phấn đấu có 1 - 2 huyện đạt huyện NTM, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 35 - 40%, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Thực hiện mục tiêu trên, Đại hội XVIII (10 - 2015) của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết hợp chặt chẽ với nông dân. “Huy động linh hoạt, sáng tạo nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của người dân” [90, tr. 56].
Cùng với đó, phát huy thế mạnh về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã chú trọng: Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng
dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; triển khai thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao tại các xã đã đạt chuẩn; thực hiện cơ cấu lại sản xuất, dần hình thành thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp theo từng vùng. Theo đó Tỉnh ủy đã xác định: Huyện Sơn Động sẽ tập trung phát triển các sản phẩm từ rừng (mật ong, nấm, cây dược liệu); huyện Lục Ngạn vùng cây ăn quả; huyện Tân Yên vùng cây ăn quả, thủy sản và chăn nuôi; huyện Yên Thế chăn nuôi gà đồi, chè; huyện Hiệp Hòa vùng rau an toàn; huyện Yên Dũng vùng lúa chất lượng, rau an toàn; huyện Việt Yên rau an toàn; huyện Lạng Giang vùng rau chế biến, lúa chất lượng; thành phố Bắc Giang vùng hoa gắn với khai thác du lịch... Đồng thời trong các văn kiện của Tỉnh ủy và UBND Tỉnh đã rất chú trọng đến các giải pháp: Xúc tiến thương mại, tạo thị trường đầu ra ổn định cho nông sản như: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều, gà đồi Yên Thế, cam, bưởi; Ngày hội trái cây Lục Ngạn, Ngày hội giới thiệu mỗi xã một sản phẩm; Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm của HTX; tôn vinh các mặt hàng nông sản chủ lực. Qua đó, đưa sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của Tỉnh tham gia các kênh tiêu thụ, phân phối theo chuỗi liên kết tại một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu... Những chủ trương, chính sách trên chính là kết quả vận dụng chủ trương của Đảng đúng đắn, phù hợp với điều kiện của địa phương; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong Tỉnh cùng phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Hai là, tích cực chỉ đạo các lực lượng có liên quan cụ thể hóa, tổ chức thực hiện xây dựng NTM theo mục tiêu, phương hướng đề ra
Xác định đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp là một trong những thành công của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trong những năm 2010 - 2020. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào
cuộc sống, biến mục tiêu lý tưởng thành hiện thực. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo các lực lượng có liên quan cụ thể hóa chủ trương thành cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả HTCT và mọi tầng lớp Nhân dân cùng “Chung sức xây dựng nông thôn mới ”. Cụ thể là:
Giai đoạn 2010 - 2015, căn cứ hệ thống cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Trung ương, tỉnh Bắc Giang ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh quản lý cho từng hạng mục công trình; bố trí ngân sách Tỉnh tập trung hỗ trợ 40 xã điểm giai đoạn 2010 - 2015; khen thưởng xã đạt chuẩn; hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu; ban hành các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ xây dựng trường mầm non; thực hiện lồng ghép các chính sách để hỗ trợ các xã; triển khai thực hiện xây dựng NTM; các sở, ban, ngành căn cứ nhiệm vụ đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các xã thực hiện...
Bước sang giai đoạn 2015 - 2020, từ kinh nghiệm triển khai giai đoạn trước, Tỉnh đã chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính chất đột phá hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện, khắc phục các hạn chế của giai đoạn trước như: Tỉnh không quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh quản lý cho các hạng mục công trình, giao quyền chủ động cho các địa phương trong sử dụng, phân bổ nguồn vốn, từ đó đã khắc phục khó khăn trong huy động, sử dụng nguồn vốn và hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; ban hành văn bản thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Qua đó, “trên 95% công trình khởi công mới dưới 3 tỷ đồng đều giao cho cộng đồng thực hiện (giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 15 - 20%)” [170, tr. 5]; chính sách cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn (ngân sách Tỉnh hỗ trợ xi măng, ngân sách huyện hỗ trợ chi phí
vận chuyển đến công trình), đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp tại các xã; chính sách xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, rau, hoa sản xuất trong nhà màng, nhà lưới; chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp; hỗ trợ công trình vệ sinh trường lớp học; Đề án sản xuất rau, thủy sản theo hướng VietGap; triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm...
Căn cứ chính sách của Tỉnh, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai và chủ động ban hành chính sách hỗ trợ xã giao đạt chuẩn và thưởng cho thôn, xã đạt chuẩn NTM; một số địa phương đã sáng tạo trong tổ chức thực hiện tạo tiền đề nhân rộng trên địa bàn Tỉnh như: Huyện Việt Yên, Lạng Giang với chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông; huyện Hiệp Hòa triển khai xây dựng NTM từ cấp thôn với phương châm: “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”; huyện Tân Yên triển khai xây dựng NTM tại tất cả các xã, không có xã điểm; huyện Yên Dũng triển khai dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu... Cơ chế chính sách và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình được các cấp, ngành, địa phương ban hành cụ thể, đầy đủ, kịp thời, phù hợp với điều kiện của địa phương đã tạo nguồn lực, có tác động tốt đến các địa phương tổ chức thực hiện.
Ba là, những kết quả đạt được trong lãnh đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 là to lớn, có ý nghĩa quan trọng
Về huy động nguồn lực: Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ năm 2010 đến năm 2020 “khoảng 12.663,790 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2015 - 2020 cao gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Giai đoạn 2015
- 2020, ngân sách địa phương đã có sự ưu tiên hơn để thực hiện Chương trình và cao gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010 - 2015” [195, tr. 7; 201, tr. 3]; đóng góp từ người dân và cộng đồng dân cư giai đoạn 2015 - 2020 cao gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2010 - 2015, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM cũng như đi vào chiều sâu, bền vững.