Nhóm Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Du Lịch Và Kinh Tế Du Lịch Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu


Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu khác về du lịch của các tác giả nước ngoài được dịch ra tiếng Việt cũng là những tài liệu tham khảo có ý nghĩa trong nghiên cứu, tiêu biểu như:

Cuốn sách Kinh tế du lịch của tác giả Robert Lanquar [175], là công trình nghiên cứu tổng hợp những kỹ thuật và phương tiện của kinh tế học du lịch. Tác giả đưa ra những khái niệm mới về kinh tế du lịch; nêu những biến số cơ bản của kinh tế du lịch (yêu cầu, tiêu thụ, sản xuất, đầu tư); những công cụ và phương tiện phân tích tổng thể lĩnh vực du lịch; đi sâu vào xí nghiệp du lịch và xem xét sự quản lý kinh tế và tài chính từ sự đánh giá kinh tế một dự án du lịch cho đến việc quy định các chỉ tiêu kinh tế về lời lãi. Đồng thời, tác giả cuốn sách đã giới thiệu những vấn đề về tình hình và ảnh hưởng của du lịch đến nền kinh tế; những yêu cầu về tiến hành du lịch, sự tiêu dùng của du lịch, sản xuất và đầu tư du lịch, nhằm biến các tài nguyên nhân lực, tư bản và nguyên liệu thành dịch vụ và sản phẩm phục vụ con người.

Cuốn Quy hoạch Du lịch của tác giả G.Cazes - R.Lanquar - Y. Raynouard, người dịch Phạm Ngọc Uyển, Bùi Ngọc Chưởng [170], giới thiệu cột mốc lịch sử của công nghiệp du lịch và đi sâu phân tích những ảnh hưởng của du lịch đến kinh tế, nghiên cứu về vai trò và tầm quan trọng trong công tác quy hoạch du lịch; trình bày các yếu tố cần thiết trong quy hoạch; phân tích các loại cơ sở du lịch khác nhau ở ba môi trường tự nhiên đặc thù là: các dải ven biển, nơi hoạt động du lịch tắm biển; du lịch miền núi và du lịch trong môi trường nông thôn và ven đô. Tác giả cũng phân tích và làm sáng tỏ một số phương pháp quy hoạch du lịch được sử dụng trên thế giới, giúp người đọc nhận thức rõ, hiểu hơn về chiến lược quy hoạch du lịch.

Cuốn sách Kinh tế du lịch và Du lịch học của các tác giả Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình cùng với tập thể giáo sư và giảng viên khoa Du lịch Đại học Hải Dương, Thanh Đảo (Trung Quốc) hợp soạn [69], được Nxb. Trẻ dịch và đã đưa về Việt Nam năm 2000. Đây là công trình nghiên cứu khoa


học có hệ thống về hoạt động du lịch từ thực tiễn của Trung Quốc, nêu lên nhiều mặt phù hợp với điều kiện hoạt động du lịch Việt Nam, từ đó có thể rút ra được những bài học, kinh nghiệm để đưa du lịch Việt Nam phát triển theo đúng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Nhiều nội dung nghiên cứu của các công trình là “cẩm nang” du lịch cho các đối tượng quan tâm và cũng là tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chủ trương, chính sách và các nhà quản lý du lịch. Các công trình là nguồn tài liệu rất cần thiết cho việc nghiên cứu luận án của nghiên cứu sinh.

1.1.4. Nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến du lịch và kinh tế du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cuốn sách Di tích, danh thắng Bà Rịa - Vũng Tàu của Bảo tàng tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu [10], là công trình nghiên cứu tổng hợp về các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nội dung cuốn sách cũng khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử trường tồn trong đời sống, xã hội là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là niềm tự hào của cả nước với tư cách Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến du lịch thân thiện của cả nước. Thông qua nội dung cuốn sách, tác giả đã giới thiệu, quảng bá những di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới du khách trong nước và quốc tế.

Cuốn Sắc màu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu [86]. Nội dung của cuốn sách giới thiệu với du khách về các địa điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch hấp dẫn ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là hoạt động truyền thông, quảng bá sức hấp dẫn của điểm đến và sản phẩm, dịch vụ du lịch cụ thể của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; góp phần thực hiện mục đích nâng cao nhận thức của những người tham gia vào chuỗi cung cấp các dịch vụ của ngành du lịch, của cộng đồng dân cư tại điểm đến. Thu hút nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, cộng đồng dân cư thân thiện, hiếu khách, tạo ấn tượng, sự thiện cảm và hài lòng cho du khách

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.


đến với địa phương; nâng cao nhận thức, tạo dựng hình ảnh du khách Việt văn minh, lịch sự khi đi du lịch trong và ngoài nước.

Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch từ năm 1991 đến năm 2015 - 4

Cuốn Bà Rịa - Vũng Tàu Festival Biển 2006 - Du lịch và cơ hội đầu tư của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu [70], giới thiệu, quảng bá đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những thông tin về du lịch, các lĩnh vực hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuốn sách cũng nêu rõ quan điểm của Đảng đối với phát triển du lịch biển được cụ thể hóa trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế du lịch, là “ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” phát triển kinh tế du lịch biển là một hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - du lịch nói chung, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu nêu trên, các cuốn sách và công trình nghiên cứu lịch sử của Đảng bộ các cấp và một số ngành cũng là những tài liệu quan trọng. Tiêu biểu như cuốn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập 3, giai đoạn 1975 - 2010 [8]; Lịch sử Đảng bộ thành phố Vũng Tàu giai đoạn 1930 - 2005, của Đảng bộ thành phố Vũng Tàu, 2005; Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân thành phố Bà Rịa (1930 - 2000), Đảng bộ thành phố Bà Rịa, 2000; Lịch sử Đảng bộ huyện Xuyên Mộc (1930 - 2005), Đảng bộ huyện Xuyên Mộc, 2000; Lịch sử Đảng bộ huyện Long Điền (1930 - 2005), Đảng bộ huyện Long Điền, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2007; Lịch sử Đảng bộ huyện Đất Đỏ (1930 - 2008), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2009; Lịch sử Đảng bộ huyện Côn Đảo (1975 - 2005), Đảng bộ huyện Côn Đảo (2010); Bà Rịa - Vũng Tàu 20 năm xây dựng và phát triển (1991 - 2011), của Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 2011... là những tài liệu lịch sử quan trọng ghi lại quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đảng bộ các huyện trong giai đoạn cách mạng sôi động giành độc lập, xây dựng đất nước. Đó là những hoạt động của Đảng bộ, gắn với thực tiễn đầy sáng tạo, tận dụng tiềm năng,


lợi thế để phát triển. Trong đó, thể hiện rõ, Bà Rịa - Tàu là điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Một số công trình là luận văn, luận án, sách, kỷ yếu hội thảo và các bài báo khoa học cũng rất phong phú và đa dạng:

Phát triển Du lịch bền vững Bà Rịa - Vũng Tàu của Vũ Văn Đông [49], góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận và kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững; đánh giá thực trạng về phát triển du lịch bền vững Bà Rịa - Vũng Tàu; phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch bền vững của Bà Rịa - Vũng Tàu; đề xuất những định hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo phát triển du lịch từ năm 2001 đến năm 2012 của Nguyễn Thị Hiền [55], bước đầu hệ thống hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về lãnh đạo phát triển du lịch; đánh giá một số thành tựu, hạn chế trong quá trình Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo phát triển du lịch trong giai đoạn hơn 10 năm từ 2001 đến 2012.

Các công trình đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu hội thảo gồm: Bài viết Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ba năm thực hiện Nghị quyết

Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ III của Nguyễn Trọng Tín [114], đã tập trung

phân tích những yếu tố tác động đến sự phát triển mạnh của ngành Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Qua đó, cho thấy du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nhận được sự động viên, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, của Trung ương, sự hỗ trợ toàn diện của các ban ngành, đoàn thể địa phương. Công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đã tạo nên một bước chuyển mới trong hoạt động du lịch, dịch vụ; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm đẩy mạnh; mục tiêu ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2005 được tập trung là xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Bài: Chính sách phát triển kinh tế ven biển và hải đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực trạng và vấn đề đặt ra của Lê Thanh Sơn [79], phân tích, đánh giá vùng ven biển và hải đảo Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành: dầu khí, đóng tàu, thuỷ sản và dịch vụ du lịch... Trên cơ sở đặc điểm riêng của từng địa phương để đầu tư phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, chính sách khai thác tiềm năng và các lợi thế phát triển ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Chính sách còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ; công tác phối hợp liên ngành còn chồng chéo, chưa đồng nhất; công tác hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ vay vốn đầu tư còn lúng túng; hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế ven biển còn thấp, chưa phát huy lợi thế về tính mũi nhọn như dầu khí, du lịch, cảng biển, thuỷ sản.

Bài: Côn Đảo với mục tiêu trở thành khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao của Hoàng Nghĩa Doãn [27], phân tích tầm quan trọng của các giá trị lịch sử và tiềm năng thiên nhiên biển, đảo cần được phát huy trong quá trình phát triển kinh tế biển, đảo. Qua đó, giúp cho Đảng bộ huyện Côn Đảo xác định rõ hơn trong các chủ trương về xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ đạt chuẩn quốc tế; phát triển du lịch bền vững làm nền tảng cho khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, bài viết cũng cho thấy, Côn Đảo còn những khó khăn nhất định, nhất là tình hình sản xuất và cung ứng điện, nước, giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ, đòi hỏi Đảng bộ huyện và tỉnh phải có những mục tiêu, nhiệm vụ đột phá, phù hợp với thực tế của địa phương.

Bài Phát triển Văn hóa, Du lịch - thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu của Minh Chính [24]; Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy lợi thế, tập trung phát triển tốt các ngành du lịch của Trần Minh Sanh [76]; Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2012 và triển vọng năm 2013, của Vũ Văn Đông [48]; Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu và một


số định hướng phát triển của Tạ Việt Thắng [98]; Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiềm năng và thực trạng phát triển, của Nguyễn Lan Hương [59]...

Đề: Nghiên cứu giải pháp đầu tư và khai thác tiềm năng văn hóa phục vụ du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Phạm Quang Khải, làm chủ nhiệm [61], đã tập trung phân tích các vấn đề: tình hình phát triển du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu; tiềm năng và hiện trạng khai thác văn hóa phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn đầu tư và khai thác tiềm năng du lịch văn hóa ở Bà Rịa - Vũng Tàu... Trên cơ sở đó, xây dựng một số mô hình nhằm đầu tư, khai thác tiềm năng văn hóa phục vụ phát triển du lịch.

Công trình nghiên cứu: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời kỳ hội nhập và phát triển, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức [158], là các sản phẩm thuộc Hội thảo khoa học, nhằm tập trung thảo luận về thực trạng chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch của tỉnh; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch ngày càng thân thiện, hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng liên kết phát triển du lịch vùng; vai trò quản lý Nhà nước với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; hỗ trợ thu hút đầu tư, vấn đề quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới.

1.2. NHẬN XÉT VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG NỘI DUNG LUẬN ÁN TIẾP TỤC LÀM RÕ

1.2.1. Kết quả nghiên cứu của các công trình đã được công bố

Các công trình nêu trên, tuy được thực hiện theo các hướng tiếp cận nghiên cứu chuyên ngành khác nhau, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đều có liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh, cụ thể là:

Đã góp phần làm sáng tỏ các khái niệm về phát triển du lịch, phát triển kinh tế du lịch, Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch...; qua đó, phân tích rõ hơn các nội dung lãnh đạo và tầm quan trọng của công tác lãnh đạo


của Đảng đối với việc phát triển kinh tế du lịch - được xác định là ngành kinh tế tổng hợp - mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân.

Khái quát có hệ thống các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng phát triển ngành kinh tế du lịch ở từng giai đoạn lịch sử trong tổng thể của thời kỳ đổi mới; sự vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế du lịch ở các đảng bộ địa phương, ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế

- xã hội thiết thực, thể hiện rõ vai trò quan trọng của ngành kinh tế du lịch trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy được nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau nhưng các công trình đều phản ánh rõ nét thực trạng nền kinh tế du lịch cả nước hoặc ở những địa phương mà các đề tài tập trung nghiên cứu. Trong đó, nêu bật được các thành tựu mà ngành kinh tế du lịch mang lại, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức mà Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải quan tâm thiết thực hơn.

Nhiều công trình đi sâu tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn trong nước và của một số nước trên thế giới về phát triển kinh tế du lịch; rút ra các nhận xét về quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch của Đảng hoặc các Đảng bộ địa phương, phản ánh rõ tính khoa học về cả lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp và nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch phù hợp trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, bài viết của các tác giả dù ở các cấp độ khác nhau, chuyên ngành nghiên cứu khác nhau, nhưng đều là những nghiên cứu chuyên sâu, giúp nghiên cứu sinh có được hướng tiếp cận mới, nhất là kế thừa nguồn tư liệu, những tiền đề lý luận, phương pháp luận và cơ sở thực tiễn đúng đắn trong nhận thức về phát triển du lịch nói chung và phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.


Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên, hầu hết tiếp cận nghiên cứu từ các chuyên ngành kinh tế, môi trường, quản lý nhà nước và thường là trong phạm vi rộng cả nước. Các nghiên cứu về phát triển kinh tế du lịch địa phương, tuy đã được quan tâm, nhưng chưa nhiều. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một số công trình đã được công bố, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu theo hướng nghiên cứu lịch sử Đảng như đề tài nghiên cứu sinh đã lựa chọn. Do đó, vẫn còn những “khoảng trống” khoa học trong nghiên cứu mà nghiên cứu sinh cần hướng đến.

1.2.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu làm rõ

Trên cơ sở đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, luận án tập trung nghiên cứu những nội dung chủ yếu sau đây:

Hệ thống hóa đầy đủ nguồn sử liệu thuộc lĩnh vực Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch tại một địa phương, cụ thể là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, chú trọng hệ thống hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch của tỉnh từ năm 1991 đến năm 2015 được gắn kết trong không gian chung của cả nước. Qua đó, đánh giá rõ các bước phát triển về nhận thức trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch của một đảng bộ địa phương trong một giai đoạn lịch sử cụ thể từ 1991 - 2015, mà cụ thể là của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông qua phân tích, luận giải làm rõ kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế du lịch của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên ba lĩnh vực chủ yếu: Quản lý, quy hoạch phát triển du lịch; phát triển nguồn lực (nhân lực và cơ sở vật chất); tăng cường các loại hình và sản phẩm du lịch.

Rút ra các nhận xét khoa học, đúc kết những kinh nghiệm nhằm góp phần làm phong phú thêm lý luận lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế trên một lĩnh vực, một ngành (cụ thể là ngành kinh tế du lịch) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, làm rõ hơn những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn cần phải giải đáp về quá trình lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế nói chung và kinh tế du lịch nói riêng hiện nay từ góc nhìn lịch sử.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/03/2023