Những Công Trình Nghiên Cứu Của Người Nước Ngoài


“Quán triệt những quan điểm của Đảng trong công tác hậu cần” [98] khi đề xuất các nội dung xây dựng và giải quyết tốt các mối quan hệ trong CTHC tập thể tác giả đã đề cập một số giải pháp xây dựng LLHC là: phải “làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần trở thành người chiến sĩ cách mạng tự giác, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp, với dân tộc, có giác ngộ chính trị cao, có mục tiêu phục vụ rõ ràng, có phương hướng đúng đắn” [98, tr. 35]; phải xây dựng “tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy hậu cần vững mạnh, thích hợp” [98, tr. 38]; tổ chức hậu cần phải có hình thức thích hợp, sử dụng con người và phân công, phối hợp hợp lý [98, tr. 38]; phải lãnh đạo xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, kỹ thuật vững mạnh [98, tr.41].

“Không ngừng nâng cao chất lượng công tác hậu cần” [129], tác giả Trần Thọ đã đưa ra một số giải pháp xây dựng LLHC là: coi trọng việc kiện toàn cơ cấu tổ chức hậu cần mạnh, gọn, nhẹ và hiệu suất cao [129, tr. 88]; không ngừng nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; khẩn trương nâng cao năng suất và chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật [129, tr. 36].

“Bài học thắng lợi của CTHC trong chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước” [127], tác giả Đinh Đức Thiện đánh giá kết quả xây dựng LLHC đến đầu năm 1969 là: đã xây dựng được hệ thống tổ chức cơ quan hậu cần và bộ đội hậu cần hoàn chỉnh, chặt chẽ từ trên xuống dưới, hệ thống cơ sở hậu cần vững chắc từ hậu phương đến tiền tuyến; đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần đông đảo, có lập trường tư tưởng vững, có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng của các LLVT; khối lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường ngày càng hiện đại đáp ứng đủ yêu cầu thiết yếu cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng [127, tr. 140]. Theo tác giả kinh nghiệm về xây dựng LLHC gồm: xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần các cấp; xây dựng hệ thống cơ sở, vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hậu cần mạnh; xây dựng tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị hậu cần phù hợp, cân đối, thống nhất trong toàn quân; trong đó, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hậu cần vững mạnh toàn diện là khâu trung tâm then chốt nhất [127, tr. 136 - 147].


Ngoài những công trình nghiên cứu chung về CTHC đã đề cập đến nội dung xây dựng LLHC, còn có một số công trình tiêu biểu khác cũng đề cập nội dung này như:

“Xây dựng và bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ kiên cường, dũng cảm, có năng lực hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ” [159], tập thể tác giả đã khẳng định: một trong những vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ quân đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “Nâng cao hơn nữa trình độ chính trị, quyết tâm chiến đấu, trình độ tổ chức, chỉ huy, quản lí bộ đội, tác phong chiến đấu của cán bộ các cấp” [159, tr. 73], và đã đặt ra yêu cầu “Bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện cả về chính trị, lập trường, tư tưởng, đạo đức, tác phong, trình độ tổ chức chỉ huy, quản lí bộ đội, trình độ nghiệp vụ, văn hóa, sức khỏe” [159, tr. 74]. Tập thể tác giả cũng xác định xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức, biện pháp. Phải thực hiện tốt tất cả các khâu, các bước từ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, quản lý, đánh giá… Lấy đào tạo, huấn luyện tập trung tại các học viện, nhà trường, các đơn vị huấn luyện để trang bị những kiến thức cơ bản; lấy bồi dưỡng, rèn luyện tại chức làm thường xuyên để không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần các cấp trong toàn quân [159, tr. 76].

“Cần, kiệm trong chiến đấu và xây dựng quân đội” [96], tác giả Lương Nhân khẳng định: cần, kiệm là một nguyên tắc trong xây dựng LLVT, xây dựng LLHC cách mạng của Đảng, quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc ấy Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, ngành HCQĐ nói riêng vừa có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng trước mắt, vừa có điều kiện để chiến đấu lâu dài thắng lợi, giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân, giành thêm sức người, sức của cho phát triển kinh tế, củng cố hậu phương. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh, tác giả đề xuất ba giải pháp nhằm thực hành cần, kiệm một cách thiết thực hơn trong chiến đấu và xây dựng quân đội, xây dựng LLHC đó là: sử dụng thật tốt sức người trong quân đội; sử dụng và bảo vệ thật tốt cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài sản, tài chính và tích cực tăng gia sản xuất, phát huy cao độ khả năng tự cấp, tự túc [96, tr. 46].


Đào tạo cán bộ hậu cần đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới [4] là tập hợp 50 bài tham luận trong Hội thảo khoa học “Đào tạo cán bộ hậu cần đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới” do Học viện Hậu cần tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Học viện. Trong các bài tham luận dù đề cập nông, sâu khác nhau, nhưng đều khẳng định: đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần vững mạnh là một yêu cầu khách quan, là nhân tố đặc biệt quan trọng trong xây dựng LLHC. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đã, đang và tiếp tục được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Các bài viết đã đề ra những yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; về tác phong lãnh đạo, chỉ huy đối với cán bộ hậu cần các cấp trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời, đề xuất các nội dung, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.

1.2. Những công trình nghiên cứu của người nước ngoài

1.2.1. Nhóm công trình nghiên cứu chung về công tác hậu cần

Đảng bộ Quân đội lãnh đạo xây dựng lực lượng hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1975 - 3

Hậu cần các lực lượng vũ trang Xô viết trong chiến tranh giữ nước vĩ đại [11], Đại tướng S. K. Curơcôtkin, nguyên Thứ trưởng BQP, Chủ nhiệm TCHC Quân đội Xô viết từ thực tiễn chỉ đạo CTHC trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô (1941-1945), đã khái quát thành những vấn đề lý luận có tính nguyên tắc về CTHC quân đội trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những vấn đề đó gồm: vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động hậu cần các LLVT Xô viết; những nội dung, biện pháp nâng cao chất lượng các hoạt động của CTHC các LLVT Xô viết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Hậu cần các lực lượng vũ trang sự hình thành và phát triển [67], tác giả Gôluskô đã xác định: hậu cần các LLVT là một bộ phận của LLVT, thành phần của nó gồm các đơn vị, cơ quan và phân đội được sử dụng để bảo đảm cho quân đội về vật chất, kỹ thuật, giao thông, y tế, xăng dầu, doanh trại và tài chính.


Đồng thời, khái quát quá trình hình thành, phát triển và chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong CTHC của Hậu cần các LLVT Xô viết.

Hậu cần các lực lượng vũ trang hỗn hợp của khối quân sự NATO [70] tác giả A. Lêkhin khẳng định các nhà lãnh đạo của khối quân sự NATO đánh giá rất cao về vai trò của CTHC “Mức độ hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu cao hay thấp phụ thuộc trực tiếp vào trình độ tổ chức của hậu cần” [70, tr. 3], nên thường xuyên chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hậu cần làm cho các đơn vị hậu cần tinh, gọn có sức cơ động nhanh và hiệu suất bảo đảm lớn.

Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một câu hỏi lớn đặt ra với nhiều thế hệ người Mỹ là: Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam? (Why Viet Nam?). Thua ở Việt Nam làm Mỹ đau đầu, nhiều học giả tập trung nghiên cứu, tìm lời giải đáp. Ở Mỹ, đã có hàng nghìn cuốn sách, hàng triệu trang viết của các chính khách, các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, những người trực tiếp điều hành và tham gia cuộc chiến tranh và cả những người ngoài cuộc, … viết về sự kiện này với những lập luận, lý giải khác nhau để tìm ra lời giải cho sự thất bại của họ ở Việt Nam. Trong đó có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới CTHC tiêu biểu như: Report on the war in Viet Nam [170]; The limits of intervention [58]; The Air war in Indochina [167]; Indochina in conflict [176]; The best and the brightest [165]; Dynamics of the Viet Nam war, a quantitative analysis and predictive computer simulation [168]; War in the Shadows [162]; The lessons of Viet Nam [173]; The last chopper [163]; Vain hope, grim realities the economic consequences of the Viet Nam war [172]; A soldier reports [175]; Tóm tắt tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ [130]; Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam [95]; Giải phẫu một cuộc chiến tranh Việt Nam - Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại [72]; ...

Trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đều thừa nhận rằng thất bại của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam là một tất yếu, đó là một thất bại tổng lực trên tất cả các mặt của chiến tranh. Trong đó, thất bại trên mặt trận hậu cần là một thất bại nghiêm trọng. Các nghiên cứu của người


Mỹ trên cho rằng: Phát động và tổ chức chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền và giới quân sự Mỹ nhận rõ vai trò to lớn của CTHC trong chiến tranh. Vì thế, họ đã cố gắng hết mức trong khả năng có thể để huy động tiền, của cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam và tìm mọi cách để phá hoại, ngăn chặn sự lớn mạnh của hậu cần đối phương, nhưng kết cục họ vẫn thất bại nặng nề. Thất bại đó là vì: cuộc chiến xâm lược Việt Nam mà giới tư sản hiếu chiến Mỹ phát động là một cuộc chiến phi nghĩa, táng tận lương tâm, bị nhân dân Mỹ và nhân dân tiến bộ thế giới kịch liệt phản đối; hậu cần Việt Nam là hậu cần của cuộc chiến tranh nhân dân vệ quốc chính nghĩa dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đã huy động và tổ chức được toàn dân tham gia, liên minh chặt chẽ với nhân dân cách mạng Lào và Cămpuchia, đồng thời được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Thất bại đó là một khách quan và khẳng định thắng lợi trên mặt trận hậu cần của Việt Nam là tất yếu, là thắng lợi to lớn góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc KCCM, CN.

1.2.2. Nhóm công trình nghiên cứu về xây dựng lực lượng hậu cần quân đội

Tuyển tập hậu cần quân đội nước ngoài [148] là tập hợp các bài viết nghiên cứu về CTHC trong giai đoạn hiện nay, ở một số nước trên thế giới của người nước ngoài. Khi nghiên cứu CTHC một số nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a cho thấy từ trước tới nay các nước này đều rất quan tâm đến xây dựng LLHC. Hiện nay, các nước này đang điều chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng từ số lượng lớn sang số lượng hợp lý, lấy chất lượng làm trọng tâm. Biên chế các đơn vị khung gồm các sư đoàn, lữ đoàn, tổ chức lực lượng sĩ quan hậu cần ở các đơn vị, các cấp theo độ tuổi mà luật quy định và theo trình độ quân sự, chuyên môn kỹ thuật. Đội ngũ sĩ quan, binh sĩ hậu cần được quản lý chặt chẽ theo biên chế của các đơn vị, được huấn luyện bằng chương trình riêng của các đối tượng và chuyên ngành, nhằm nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ [148, tr. 589].

“Tầm nhìn tổng thể hậu cần liên quân của quân đội Mỹ” [83], tác giả

R.E. Love và Gary W. Collborne cho rằng ngày nay, nước Mỹ thực hiện


“chính sách lực lượng tổng thể” các lực lượng tồn tại dựa vào nhau và kết hợp chặt với nhau, thực hiện nhất thể hóa các lực lượng quân sự, phục vụ, bảo đảm. Mỹ ra sức biên chế, sắp xếp LLHC đủ mạnh để xây dựng các sư đoàn lục quân, sư đoàn hải quân đánh bộ và LLHC bảo đảm, phục vụ cho các quân, binh chủng [83, tr. 53].

“Chiến lược hậu cần của Quân đội Đài Loan” [86], tác giả Vương Mê – Hà Ý đã mô tả toàn diện công tác cải cách thể chế bảo đảm hậu cần của Quân đội Đài Loan theo một phương thức mới. Theo đó, để nâng cao chất lượng CTHC trong phương thức bảo đảm mới này, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, phục vụ ở cấp chiến thuật có chất lượng tốt và số lượng hợp lý.

“Nhận thức về hậu cần chiến tranh tương lai – Chiến tranh thế hệ thứ 6” [94], tác giả Balucxpki J.N cho biết ở Liên Xô trước đây, LLHC được xây dựng đồng bộ cả về con người và phương tiện và được quản lý chặt chẽ ở tất cả các cấp. Hàng năm đội ngũ cán bộ, binh sĩ làm CTHC được huấn luyện với thời gian nhất định, quy định theo từng cấp, theo những chương trình riêng và theo chuyên môn. Đặc biệt Liên Xô rất chú trọng đào tạo các sinh viên có chuyên ngành tương ứng thành các sĩ quan hậu cần trong quân đội [94, tr. 28]. “Phương pháp huấn luyện quân sự, nhân viên y tế của liên quân Mỹ”

[73], tác giả Kranop cho rằng: để bảo đảm cho việc gắn kết và hòa nhập với các lực lượng của LLHC trong quá trình bảo đảm, phục vụ thì việc huấn luyện cán bộ, nhân viên hậu cần ở các cấp được thực hiện cả ở trong quân đội và ngoài quân đội. Lực lượng hậu cần phục vụ trong vùng chiến chủ yếu là chi viện chiến đấu và phục vụ chiến đấu nên Mỹ đặc biệt chú trọng xây dựng LLHC làm các nhiệm vụ bốc xếp, vận tải, cấp nước, cung cấp xăng dầu, cung cấp đạn dược, cấp dưỡng, cứu thương, xây dựng công trình [73, tr. 23].

“Nghiên cứu công tác quản lý tài sản quân sự” [74], tác giả N.A. Kriucop cho rằng: nước Nga hiện nay đang thực hiện tổ chức lại quân đội, chuyển sang chế độ nhà nghề, nên LLHC và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm, phục vụ cũng phải được biên chế và sắp xếp lại. N.A. Kriucop đã trích dẫn Thông điệp Liên bang ngày 26/5/2004 của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin: “Trong quân đội và các cơ quan sức mạnh khác, đang quản lý khối


lượng vật chất rất lớn, cần thiết phải được đánh giá và quản lý hiệu quả”. Đây là vật chất – tài sản của LLVT Liên bang Nga và các lực lượng sức mạnh khác có chức năng chủ yếu để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động. Số lượng và chất lượng của các tài sản này ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Vì vậy, cần phải nghiên cứu công tác quản lý. Tác giả đề cập đến bốn yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến công tác quản lý tài sản quân sự, trong đó yếu tố quyết định là chủ thể quản lý. Cho nên, cần phải xây dựng hệ thống đội ngũ chủ thể quản lý theo phân cấp: Nhà nước, Liên bang, cấp vùng, cấp khu vực (Tập đoàn, quân đoàn và đơn vị). Đối với các đơn vị cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý tài sản quân sự theo đúng nguyên tắc và phương pháp quản lý [74].

“Một số vấn đề về bảo đảm hậu cần quân đội Nga” [71] và “Về cải cách hậu cần quân đội Liên Bang Nga” [82], các tác giả nghiên cứu quá trình cải cách LLHC và một số vấn đề bảo đảm hậu cần của quân đội Liên bang Nga đều đặc biệt chú ý đến việc xây dựng hoàn thiện đội ngũ cán bộ hậu cần theo hệ thống bảo đảm và trang bị kỹ thuật mới cho các đơn vị.

2. Khái quát kết quả các công trình nghiên cứu có liên quan và những vấn đề tập trung giải quyết trong luận án

2.1. Khái quát chung kết quả các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án

Trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án cả trong và ngoài nước cho thấy:

Thứ nhất, các công trình nghiên cứu dưới cả góc độ lý luận nhận thức và tổng kết thực tiễn đều đã đề cập một cách khá sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTHC bảo đảm cho chiến tranh.

Thứ hai, các công trình nghiên cứu đã đề cập đến thực trạng của CTHC trong cuộc KCCM, CN, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của CTHC đáp ứng yêu cầu bảo đảm vật chất, kỹ thuật cho quân đội, cho các LLVT xây dựng và chiến đấu thắng lợi.


Thứ ba, một số công trình đã nghiên cứu tổng kết, đánh giá kết quả, nguyên nhân của CTHC bảo đảm cho quân đội và cho các LLVT trong cuộc KCCM, CN với những nhận định và hệ thống số liệu phong phú, từ đó đã rút ra một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo lớn.

Thứ tư, nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến yêu cầu xây dựng LLHC, thực trạng LLHC qua các giai đoạn của cuộc KCCM, CN; đồng thời, đề xuất một số giải pháp xây dựng LLHC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số công trình cũng đã đánh giá kết quả xây dựng LLHC trong cuộc KCCM, CN và chỉ ra nguyên nhân của kết quả ấy.

Thứ năm, các công trình nghiên cứu có liên quan đều đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của ngành HCQĐ, của LLHC. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống về chủ trương và sự chỉ đạo của ĐBQĐ xây dựng LLHC trong cuộc KCCM, CN từ năm 1969 đến năm 1975.

Như vậy, các công trình nghiên cứu có liên quan đến luận án rất phong phú, đa dạng. Đó là những tài liệu quý mà tác giả có thể tham khảo, kế thừa trong quá trình xây dựng và hoàn thiện luận án.

2.2. Những vấn đề tập trung giải quyết trong luận án

Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan, tác giả xác định luận án Đảng bộ Quân đội lãnh đạo xây dựng lực lượng hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1975 tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản là:

Làm rõ yêu cầu khách quan ĐBQĐ lãnh đạo xây dựng LLHC vững mạnh toàn diện.

Phân tích, luận giải làm rõ tính đúng đắn, sáng tạo về chủ trương và sự chỉ đạo của ĐBQĐ xây dựng LLHC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho chiến tranh.

Nhận xét và rút ra một số kinh nghiệm từ quá trình ĐBQĐ lãnh đạo xây dựng LLHC trong cuộc KCCM, CN từ năm 1969 đến năm 1975 có giá trị tham khảo, vận dụng trong lãnh đạo xây dựng LLHC giai đoạn hiện nay.

Xem tất cả 228 trang.

Ngày đăng: 24/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí