Các Mức Độ Và Biểu Hiện Tâm Lý Của Học Sinh Trung Học Cơ Sở Nghiện Internet

có những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Nghiện internet ở HS THCS, một phần nguyên nhân do đặc điểm tâm lý của các em tạo nên: thích khám phá những cái mới lạ trong không gian mạng; bản thân muốn chứng tỏ đẳng cấp; sự lôi kéo của bạn bè, … trở thành những thói quen lặp đi lặp lại thường xuyên và đến lúc bản thân lệ thuộc vào internet và gây ra những hậu quả nhất định đối với bản thân mà các em không hề hay biết.

2.2.3. Các mức độ và biểu hiện tâm lý của học sinh trung học cơ sở nghiện internet

2.2.3.1. Các mức độ nghiện internet

Kế thừa quan điểm của các nhà nghiên cứu Young (1999), Vũ Dũng (2008), Lê Minh Công (2016), Huỳnh Văn Sơn (2012) và kết hợp với các quan điểm của các tác giả về mức độ nghiện internet, luận án xác định nghiện internet ở HS THCS bao gồm ba mức độ là nghiện internet nhẹ, nghiện vừa và nghiện nặng.

- Mức độ nghiện nhẹ: ở mức độ nghiện nhẹ HS đã có những bận tâm đến việc sử dụng internet so với dành thời gian cho công việc học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ đối với gia đình, bạn bè. Việc sử dụng internet ở mức độ này không còn đơn thuần để giải trí, việc học tập mà để giải quyết những căng thẳng, áp lực về đời sống tâm lý/tinh thần. HS bắt đầu xuất hiện các cảm xúc tiêu cực như, cảm thấy khó chịu khi không được sử dụng internet và dễ chịu hơn khi được sử dụng internet trở lại (Hội chứng cai). Các biểu hiện về hành vi như lơ đãng trong học tập, chối bỏ một số công việc trong gia đình và không muốn tiếp tiếp xúc với mọi người để có thời gian sử dụng internet. Tuy vậy, ở mức độ nghiện nhẹ, bản thân HS vẫn kiểm soát được thời gian sử dụng internet của mình, cũng như các hành vi tiêu cực của bản thân nếu có một sự nổ lực từ ý chí của HS và sự nhắc nhở từ nhiều phía, quan tâm từ phía gia đình, thầy cô giáo.

- Mức độ nghiện vừa: nhu cầu sử dụng internet của HS ở mức độ này tăng cao, trong tư tưởng lúc này nhu cầu sử dụng internet là ưu tiên quan trọng nhất thế chổ cho các nhu cầu công việc, học tập, sinh hoạt và ngay cả việc ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Các cảm xúc tâm lý tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều, HS nghiện internet có cảm giác khó chịu khi có ai đó làm phiền, hoặc không được sử dụng internet. Các biểu hiện của hội chứng cai biểu hiện khá rõ ràng ở HS nghiện internet: cảm giác run, buồn rầu, cáu gắt, … xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã gây ra những khó chịu về tâm lý và những ảnh hưởng về sức khỏe đối với học sinh (giảm cân, đau ngón tay, mỏi cổ, đau lưng, giấc ngủ chập chờn, …). Các hành vi tiêu cực như quát mắng khi bị người khác

làm phiền; la hét, đập phá khi chiến thắng một trò chơi; gây hấn, thách đố với các game thủ trong mạng và ngoài đời thực; HS nghiện cũng có thể sử dụng một số chất kích thích trong quá trình sử dụng internet.

- Mức độ nghiện nặng: Ở mức độ này các em hoàn toàn mất khả năng kiểm soát hành vi sử dụng internet của mình, HS nghiện hầu như đặt nhu cầu sử dụng internet lên hàng đầu so với các công việc khác. Nói cách khác, cuộc sống của các em hoàn toàn bị chi phối bởi internet kể cả nhận thức, cảm xúc và hành vi. Các hành vi tiêu cực bắt đầu xuất hiện với những mức độ nặng hơn, đặc biệt là những biểu hiện tiêu cực có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cho xã hội: trộm cắp, gây hấn đối với người khác, nghiện các chất kích thích, tự sát, … Về mặt chất cũng xuất hiện nhiều triệu chứng rất rõ ràng như sức khỏe suy giảm, các bệnh tiêu chảy, toàn thân ê ẩm, giảm trí nhớ, trầm cảm, rối loạn vận động … do việc sử dụng internet quá nhiều. Các em tiếp tục lặp đi lặp lại các hành vi sử dụng internet của mình như mọi ngày mà không thể kiểm soát được điều đó. Ở mức độ này, các triệu chứng cai (hội chứng cai) đã bộc lộ một cách rõ ràng, chính vì vậy các em rất dễ bị kích động mạnh và có những phản ứng về mặt cảm xúc thể hiện rất mạnh mẽ.

2.2.3.2. Các biểu hiện tâm lý của học sinh trung học cơ sở nghiện internet

Dưới góc độ tâm lý, các biểu hiện về về đời mặt lý được thể hiện ở ba mặt là nhận thức, cảm xúc và ý chí [16]. Chính vì vậy, khi xét đến biểu hiện tâm lý của HS THCS nghiện internet cũng cần được đánh giá dựa trên ba khía cạnh đó.Cụ thể:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.

Biểu hiện về mặt nhận thức: Những HS bị nghiện luôn có sự bận tâm quá mức, liên tục suy nghĩ về việc sử dụng internet trong quá khứ hoặc việc sử dụng trong tương lai. Các em thường nghĩ rằng cần phải sử dụng internet với thời lượng nâng cao để có được niềm vui mà các em mong muốn, đồng thời để trốn tránh các vấn đề hoặc những cảm xúc tiêu cực như cô đơn, tội lỗi, sự lo lắng.v.v [109]. Nhìn chung trong ý nghĩ của các em, việc làm cách nào để được sử dụng internet là ưu tiên hàng đầu bất kể những cấm đoán từ phía gia đình. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu còn cho thấy một số HS nghiện internet ở mức nhẹ hoặc mức vừa thường có sự xung đột về nội tâm, nghĩa là có những lúc các em nhận thức được việc sử dụng internet quá mức có thể gây hại cho cơ thể nhưng bản thân không kiểm soát được thời gian lên mạng của mình.

Biểu hiện về mặt cảm xúc, tình cảm: Ở HS bị nghiện internet thường có những cảm xúc trái ngược nhau. Những cảm xúc thường thấy là cảm giác bồn chồn, lo

Công tác xã hội đối với học sinh nghiện internet từ thực tiễn tỉnh Bình Định - 7

lắng, sợ hãi vì lo sợ một ngày nào đó không được sử dụng internet do sự cấm đoán từ gia đình; cáu kỉnh, bực tức vì không thực hiện được mong muốn đề ra khi lên mạng; cảm giác mệt mỏi, khó chịu do sử dụng internet quá mức [118]. Không chỉ có những cảm xúc tiêu cực, một số còn có những cảm xúc tích cực như cảm thấy vui sướng, hạnh phúc khi được sử dụng mạng internet, đạt được ý định đề ra và khi các em là người thắng cuộc trong các trò chơi. Nhưng, nhìn chung cảm xúc tiêu cực là biểu hiện xuất hiện chủ đạo với những HS bị nghiện internet.

Biểu hiện về mặt ý chí: Việc quá bận tâm với internet khiến HS bị nghiện thiếu động lực trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí. Mặc dù nhiều em đã có những nổ lực nhất định trong việc kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng sử dụng internet nhưng dường như bị thất bại. Điều đó khiến các em dồn hết công năng của mình, bất chấp thời gian để rèn luyện trở thành những cao thủ chơi game mà không quan tâm nhiều đến việc học hành cũng như tương lai của bản thân.

2.3. Lý luận về công tác xã hội đối với học sinh trung học cơ sở nghiện internet

2.3.1. Một số khái niệm

2.3.1.1. Khái niệm công tác xã hội

Hiện nay đã có rất nhiều khái niệm về công tác xã hội được đưa ra ở các góc độ khác nhau. Một số tác giả nhìn nhận CTXH như là một dạng thức có những điểm tương đồng với hoạt động tình nguyện. Tác giả Abraham Flexner (1915) cho rằng: “Công tác xã hội là “bất kỳ hình thức nỗ lực bền bỉ và có chủ ý nào nhằm cải thiện điều kiện sống hoặc làm việc của cộng đồng, hoặc để giải tỏa, giảm bớt hoặc ngăn chặn tình trạng nghèo khổ, cho dù do tính cách yếu đuối hoặc do áp lực của hoàn cảnh bên ngoài. Tất cả những nỗ lực như vậy có thể được coi là thuộc về tổ chức từ thiện, giáo dục hoặc công lý và hành động tương tự đôi khi có thể xuất hiện như một hoặc một hành động khác theo quan điểm' [104, tr. 17]. Cheyney (1926) đã định nghĩa về công tác xã hội đó là “bao gồm tất cả những nỗ lực tự nguyện để mở rộng lợi ích nhằm đáp ứng các nhu cầu liên quan đến mối quan hệ xã hội và tận dụng kiến thức khoa học và sử dụng các phương pháp khoa học” [91].

Trong khi đó, một số tác giả cho rằng, công tác xã như là một loại hình dịch vụ xã hội. Chẳng hạn, Arther E. Fink (1942) định nghĩa: “Công tác xã hội là việc cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ các cá nhân, đơn lẻ hoặc theo nhóm, nhằm đối phó với những trở ngại về xã hội và tâm lý hiện tại hoặc những ngăn cản trong tương lai hoặc có khả năng

ngăn cản sự tham gia đầy đủ hoặc hiệu quả xã hội" [142]. Tương tự, Helen L. Wilmer (1942) đưa ra quan điểm: “Chức năng chính của công tác xã hội là hỗ trợ các cá nhân về những khó khăn mà họ gặp phải khi sử dụng dịch vụ của một nhóm có tổ chức hoặc trong quá trình hoạt động của họ với tư cách là thành viên của một nhóm có tổ chức” [94]. Tác giả Anderson (1945) nêu quan điểm: “Công tác xã hội là một dịch vụ chuyên nghiệp nhằm mục đích hỗ trợ mọi người với tư cách là cá nhân hoặc theo nhóm, để nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn mối quan hệ hài hòa giữa họ với cộng đồng” [155]. Helen I. Clarke (1945) nhận xét: “Công tác xã hội là một hình thức dịch vụ chuyên nghiệp bao gồm tổng hợp các kiến thức và kỹ năng, mà một mặt cố gắng để giúp cá nhân thỏa mãn nhu cầu của mình trong môi trường xã hội và mặt khác để loại bỏ, càng nhiều càng tốt, những rào cản cản trở mọi người đạt được những điều tốt nhất mà họ có thể” [94]. Theo quan điểm của Friedlander (1963): Công tác xã hội là một dịch vụ chuyên nghiệp dựa trên kiến thức khoa học và kỹ năng trong quan hệ con người, giúp các cá nhân, một mình hoặc theo nhóm, đạt được sự hài lòng và độc lập về xã hội và cá nhân” [106].

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây khái niệm CTXH mang tính đồng nhất hơn, trong đó đa số cho rằng CTXH là một hoạt động chuyên nghiệp, một nghề chuyên môn. Theo Hiệp hội quốc gia nhân viên xã hội Mỹ (NASW) vào năm 1973 đã định nghĩa công tác xã hội là: “công việc chuyên nghiệp hoạt động giúp đỡ các cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng nâng cao hoặc phục hồi năng lực hoạt động xã hội của họ và tạo ra các điều kiện xã hội thuận lợi để đạt được mục tiêu này. Thực hành công tác xã hội bao gồm việc áp dụng chuyên nghiệp các giá trị, nguyên tắc và kỹ thuật của công tác xã hội vào một hoặc nhiều mục đích sau: giúp mọi người có được các dịch vụ hữu hình; cung cấp tư vấn và liệu pháp tâm lý với cá nhân, gia đình và nhóm; cộng đồng hoặc nhóm giúp đỡ cung cấp hoặc cải thiện các dịch vụ xã hội và y tế; và tham gia vào các quy trình lập pháp có liên quan” (Barker, 2003, tr. 408) [154].

Theo Hiệp hội nhân viên xã hội thế giới (IFSW) và Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo công tác xã hội (IASSW) năm 2014 định nghĩa như sau: “CTXH là một nghề dựa trên thực hành, là một ngành học nhằm thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, trao quyền và giải phóng con người. Các nguyên tắc về công bằng xã hội; quyền con người; trách nhiệm tập thể và sự tôn trọng sự đa dạng là trọng tâm của công tác xã hội. Được củng cố bởi các lý thuyết về công tác xã hội, khoa học xã hội, nhân

văn và tri thức bản địa, công tác xã hội thu hút mọi người và các cơ cấu tham gia giải quyết những thách thức trong cuộc sống và nâng cao phúc lợi” [158] .

Ở Việt Nam, trong Thông tư Quy định về Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm CTXH (2017) đã đưa ra định nghĩa: “Nghề CTXH là những hoạt động chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề thuộc về cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của Nhân dân” [20].

Dưới góc độ nhận thức, luận án cho rằng: Công tác xã hội là một khoa học, một nghề chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm và cộng đồng nâng cao năng lực, biết cách phát huy tiềm năng, huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài để giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải để từ đó hòa nhập vào đời sống xã hội và phát triển bền vững.

2.3.1.2. Khái niệm công tác xã hội trong trường học

Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về CTXH trong trường học. Theo Madhubala Kasiram (1993) cho rằng: Công tác xã hội trường học là một dịch vụ đóng góp vào các mục đích chính của trường học” (Poole, 1959 trong Hare, 1988) [119]. Barrett (2014) định nghĩa: Công tác xã hội trường học đề cập đến các dịch vụ xã hội được cung cấp trong môi trường học đường, mục đích chính là nhằm phát huy tiềm năng học tập của học sinh, dựa trên các các hoạt động làm việc bao gồm sự phối hợp, kết nối giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để đạt được mục đích này” [140]. Datta và cộng sự (1998) định nghĩa: CTXH trường học là lĩnh vực thuộc Công tác xã hội nhằm hướng đến các hoạt động can thiệp trong trường học bao gồm việc cung cấp các dịch vụ tư vấn cho học sinh và cha mẹ, giáo viên trong nhà trường liên quan đến những vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập [112].Theo Hiệp hội Công tác xã hội trường học của Hoa Kỳ (School Social Work Association of America) định nghĩa: “CTXH học đường là một lĩnh vực thực hành có tính chuyên biệt trong phạm vi của hoạt động nghề công tác xã hội. Nhân viên xã hội học đường mang lại hệ thống những kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp cho hệ thống trường học cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho học sinh. Nhân viên xã hội học đường góp phần thúc đẩy hơn nữa các mục đích cần đạt được trong trường học như: cung cấp môi trường thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập, thực hiện nhân quyền cũng như sự tự tin của người học. Các nhân viên CTXH học đường được các trường

tuyển dụng nhằm nâng cao khả năng đáp ứng sứ mệnh đào tạo, học tập, đặc biệt là tạo ra sự hợp tác bền vững giữa gia đình học sinh, nhà trường và cộng đồng xã hội để các trường hoàn thành sứ mệnh đó [137].

Từ các định nghĩa nêu trên, nghiên cứu cho rằng: Công tác xã hội trường học là một lĩnh vực có tính chuyên biệt trong phạm vi nghề công tác xã hội được thực hiện bởi nhân viên CTXH nhằm cung cấp các dịch vụ xã hội để can thiệp, trợ giúp đối với những học sinh gặp phải những vấn đề khó khăn trong học tập, sức khỏe tâm thần, các vấn đề lệch chuẩn về hành vi, bị bạo lực, xâm hại, nghiện chất gây nghiện và nghiện hành vi, … Đồng thời CTXHTH góp phần kết nối học sinh, gia đình, nhà trường và cộng đồng để trường học thực hiện tốt chức năng giáo dục có hiệu quả.

2.3.1.3. Khái niệm nhân viên công tác xã hội, nhân viên công tác xã hội trường học Nhân viên CTXH: Theo Teater (2014) đưa ra quan điểm cho rằng “Nhân viên xã

hội là tác nhân thay đổi theo đó họ tập trung vào giải quyết vấn đề, khởi xướng và thúc đẩy sự thay đổi, đồng thời cho phép tất cả mọi người phát huy hết tiềm năng của họ (IFSW, 2012). Để đạt được mục tiêu này, nhân viên xã hội phải có kiến thức, kỹ năng và giá trị cần thiết để làm việc và can thiệp với các cá nhân, gia đình và nhóm, cộng đồng” [153].

Hiệp hội các nhà CTXH chuyên nghiệp Quốc tế IASW định nghĩa về “NVCTXH là người được đào tạo và trang bị các kiến thức và kỹ năng trong CTXH, họ có nhiệm vụ trợ giúp các đối tượng nâng cao khả năng giải quyết và đối phó với vấn đề trong cuộc sống và tạo cơ hội để các đối tượng tiếp cận được nguồn lực cần thiết; thúc đẩy sự tương tác giữa cá nhân, giữa cá nhân với môi trường và tạo ảnh hưởng tới chính sách xã hội, các cơ quan, tổ chức vì lợi ích của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn” [159].

Trong cuốn Sách bỏ túi dành cho nhân viên xã hội tác giả Nguyễn Ngọc Lâm (1999) cho rằng: “nhân viên xã hội làm việc với cá nhân hoặc nhóm có cùng vấn đề và giúp cộng đồng nhận diện nhu cầu của mình, phát triển kỹ năng và tìm kiếm tài nguyên để thỏa mãn các nhu cầu ấy” [25] .Trong giáo trình Kiểm huấn công tác xã hội của tác giả Cunaman và Nguyễn Hữu Tân (2014) có đưa ra khái niệm về “Nhân viên xã hội bán chuyên nghiệp” (paraprofessionals) là những người có động cơ tích cực và cam kết chia sẻ những kiến thức, kỹ năng và dịch vụ của họ, cho những cá nhân được chọn lựa, các nhóm đặc thù, tại những nơi xác định hoặc cộng đồng nhằm mục đích nhân đạo và

hiệu quả công dân [58]. Theo các tác giả trong thực tế có hai loại nhân viên xã hội bán chuyên nghiệp: Những người đã tốt nghiệp đại học thuộc các ngành ứng dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội mà họ ở vị trí hỗ trợ phúc lợi thuộc các cơ sở của chính phủ. Họ được xem là nhân viên bán chuyên nghiệp vì họ không thực hành trong lĩnh vực tương ứng của họ nhưng lại giúp đỡ các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác xã hội; Họ là Tác viên cộng đồng, các thành viên người bản xứ thuộc cộng đồng, các nhân viên phụ tá, những người giúp đỡ tại nhà. Những người này không có bằng cấp đại học nhưng đã phối hợp tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ xã hội trực tiếp. Họ cũng có thể trải qua hoặc chưa trải qua các khóa tập huấn ngắn hạn về công tác xã hội.

Qua những khái niệm nêu trên cho thấy, hiện nay có những tên gọi khác nhau như “nhân viên CTXH chuyên nghiệp” [52], [39], [29];“nhân viên XH” [26], [18], [36]; “cán bộ xã hội” [33], [64]; “cán sự xã hội” [70], [46], … với nội hàm có những điểm tương đồng để nói đến người làm nghề CTXH. Trong phạm vi luận án này tác giả sử dụng thuật ngữ “nhân viên CTXH” trong quá trình đề cập đến hoạt động của công tác xã hội. Kế thừa những khái niệm của những tác giả nêu trên, luận án quan niệm về Nhân viên CTXH là: là những người được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực công tác xã hội nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm và cộng đồng có vấn đề và khó khăn cải thiện cuộc sống về vật chất, đời sống tinh thần- xã hội, nâng cao khả năng thích nghi với môi trường kinh tế và xã hội của họ; và tham gia đề xuất, tham mưu trong soạn thảo các chính sách liên quan đến phúc lợi xã hội cho quốc gia. Ngoài những nhân viên CTXH chuyên nghiệp thì những người không được đào tạo chuyên nghiệp về CTXH nhưng có làm các công việc liên quan đến công tác xã hội, cũng như hỗ trợ nhân viên xã hội chuyên nghiệp thực hiện các công việc chuyên môn theo tác giả họ là những nhân viên xã hội bán chuyên nghiệp.

Nhân viên công tác xã hội trường học: Theo Allen-Meares & Montgomery (2014) định nghĩa NVCTXHTH là những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng được tuyển dụng trong trường học để xử lý, tư vấn, can thiệp các vấn đề phức tạp về tâm lý xã hội, học tập, các vấn đề về hành vi, xâm hại tình dục trong học sinh, đồng thời cung cấp các giải pháp để giải quyết các vấn đề phức tạp trong nhà trường thông qua các giải pháp phòng ngừa [74]. Trong khi đó, Jaffee và CS (2016) cho rằng: Nhân viên xã hội học đường là một trong những lực lượng được đào tạo và trang bị các kỹ năng về CTXH để giải quyết các tác động và rào cản bởi việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong môi trường trường học [113]. Theo Hiệp hội Quốc gia

nhân viên CTXH Mỹ (NASW) năm 2012 định nghĩa như sau: Nhân viên xã hội học đường là chuyên viên công tác xã hội được tuyển dụng trong hệ thống trường học để giải quyết các vấn đề tâm lý và xã hội của học sinh [105].

Như vậy, thuật ngữ khái niệm nhân viên công tác xã hội trường học (NVCTXHTH) được dùng với những tên gọi như “nhân viên xã hội học đường”; “nhân viên công tác xã hội trường học”nhưng nội hàm có những điểm giống nhau để chỉ những nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng, thái độ nghề nghiệp được tuyển dụng trong trường học để thực hiện các hoạt động như tư vấn, can thiệp, phòng ngừa, vận động các nguồn lực để trợ giúp học sinh giải quyết các vấn khó khăn về học tập, tâm lý – xã hội, các vấn đề về hành vi và giúp nhà trường thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo đáp ứng mong đợi của xã hội.

2.3.1.3. Khái niệm công tác xã hội đối với học sinh trung học cơ sở nghiện internet

Từ nội hàm các khái niệm CTXH, chúng tôi quan niệm: Công tác xã hội với học sinh nghiện internet là tập hợp các hoạt động được thực hiện bởi nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp nhằm hướng đến hỗ trợ học sinh nghiện nâng cao kiến thức, năng lực bản thân để giảm thiểu hành vi nghiện internet, từ đó giúp các em thực hiện tốt các chức năng xã hội và phát triển lành mạnh như những học sinh bình thường khác trong trường học.

Với khái niệm trên, có thể nhận thấy hoạt động CTXH với HS nghiện internet hướng đến mục đích: Giúp HS nâng cao năng lực, khả năng ứng phó, khả năng giải quyết các vấn đề của bản thân ; Giúp HS hiểu biết tác hại nguy hiểm của việc nghiện internet đối với thể chất, tinh thần đối với HS cũng như tác động đến gia đình và xã hội ; Giúp HS tiếp cận được với các nguồn lực hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống như các chính sách hỗ trợ cuộc sống ; Bên cạnh đó, với chức năng phòng ngừa, công tác xã hội cũng hướng đến việc nâng cao kiến thức cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái để chúng nhận thức được những tác hại của nghiện internet, làm cho phụ huynh hiểu cách giáo dục như thế nào là tốt và phù hợp cho con cái của mình ; CTXH với HS nghiện internet còn huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội trong việc hỗ trợ HS nghiện hoà nhập với xã hội, với những trò vui chơi giải trí lành mạnh, để HS phát triển nhân cách hoàn thiện nhất, đồng thời hướng đến thay đổi cách nhìn nhận và định kiến về HS nghiện của cộng đồng, hướng đến việc cần xem các em là đối tượng cần trợ giúp, là nạn nhân chứ không phải tội phạm.

Xem tất cả 238 trang.

Ngày đăng: 26/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí