Về khái niệm tư vấn, theo Hiệp hội tham vấn Hoa Kỳ (1998) định nghĩa tư vấn là “Mối quan hệ giữa một người trợ giúp chuyên nghiệp và cá nhân, nhóm hoặc một tổ chức xã hội cần được sự giúp đỡ để giúp họ trong việc xác định và giải quyết vấn đề liên quan” [101], [12]. Nói cách khác, tư vấn là quá trình cung cấp thông tin để thân chủ tham khảo lắng nghe ý kiến của NVCTXH, cung cấp thông tin thông qua hoạt động tư vấn cho HS và gia đình như: Tư vấn cung cấp thông tin về tác hại của việc nghiện internet, game online; phương pháp, kỹ năng cai nghiện internet, game online có hiệu quả; giúp cải thiện tốt mối quan hệ với gia đình; pháp luật, các nội quy, quy định liên quan đến sử dụng internet; cung cấp thông tin về về các trung tâm hỗ trợ cai nghiện internet, game online. Hoạt động này cũng thường đi cùng với hoạt động tham vấn, trợ giúp HS và gia đình.
Hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần: Việc bị nghiện internet có thể gây ra một số triệu chứng tiêu cực như rối loạn giấc ngủ, chán ăn, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, cáu gắt, dễ nổi nóng, … Vì vậy, nhân viên CTXH có thể thực hiện việc kết nối HS nghiện internet với cơ sở y tế để các em được tư vấn về tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH còn tư vấn cho HS nghiện internet tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe của Đảng và Nhà nước và những dịch vụ y tế tại cộng đồng, đặc biệt là các dịch vụ công, giúp cho gia đình thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các hoạt động y tế, hỗ trợ một phần kinh phí giúp họ bớt đi gánh nặng về mặt kinh tế. Ngoài ra, nhân viên CTXH còn kết nối hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ thực hiện các thủ tục khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng tại gia đình ... cho HS nghiện. Tuy nhiên, để tổ chức được hoạt động này, nhân viên CTXH tại cộng đồng cần phải nắm rõ nhu cầu của từng đối tượng cai nghiện trong trung tâm để từ đó đưa ra các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với điều kiện cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ của HS nghiện và gia đình các em.
Hoạt động kết nối gia đình và các bên có liên quan trong hỗ trợ học sinh bị nghiện internet: Là hoạt động mà NVCTXH trợ giúp HS nghiện, gia đình các em tìm kiếm nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, tài chính, kỹ thuật, thông tin, sự ủng hộ về chính sách, chính trị, quan điểm,...), dịch vụ xã hội nhằm tăng tiềm lực cho việc giải quyết vấn đề của HS nghiện có hiệu quả.
Đối với HS nghiện internet, trong tiến trình hỗ trợ các em, các nguồn lực cần thiết cần vận động và kết nối là huy động sự tham gia của thầy cô giáo trong nhà trường vào
công tác phòng chống nghiện internet trong HS; sự tham gia, phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin về con em của mình; với cộng đồng xã hội là thái độ thông cảm, là sự chia sẻ, không có thái độ kỳ thị, phân biệt với HS nghiện và gia đình các em.Bên cạnh đó, do nhiều HS nghiện có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì vậy nhân viên CTXH kết nối các em với các tổ chức, cá nhân nhân để hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị học tập, ... để động viên các em tập trung vào quá trình trị liệu có hiệu quả, chẳng hạn: các tổ chức tín dụng, các hội khuyến học, các nhà tài trợ từ các doanh nghiệp. Không những vậy, việc kết nối các em với các dịch vụ y tế, như việc cấp thuốc cắt cơn giải độc, hay những trung tâm cai nghiện internet để hỗ trợ miễn phí cho các em. Dĩ nhiên, việc kết nối, tìm kiếm các nguồn lực cho HS nghiện, NVCTXH cần xác định được vấn đề khó khăn của từng trẻ để xác định chính xác nguồn lực mà mình cần tìm kiếm.
2.3.4. Một số lý thuyết liên quan đến hoạt động công tác xã hội trong việc can thiệp, hỗ trợ đối với học sinh nghiện internet
2.3.4.1. Lý thuyết hệ thống
Lý thuyết hệ thống được khởi xướng vào năm 1940 bởi nhà sinh vật học Ludwig von Bertalanffy [86]. Sau đó lý thuyết này được các nhà khoa học khác như Hanson (1995) [110], Mancoske (1981) [128], Siporin (1980) [148] nghiên cứu và phát triển. Lý thuyết này dựa trên quan điểm lý thuyết sinh học rằng tất cả các tổ chức hữu cơ đều là hệ thống được tạo thành từ các tiểu hệ thống và lần lượt là một phần của các hệ thống lớn hơn [35]. Lý thuyết này ban đầu chỉ được áp dụng trong lĩnh vực sinh học, sau đó chuyển sang giải quyết các vấn đề trong các ngành khác, bao gồm khoa học xã hội, nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với các vấn đề xã hội như xã hội học, công tác xã hội.
Hệ thống được định nghĩa là "một phức hợp của nhiều yếu tố tương tác và phụ thuộc lẫn nhau" (Bertalanffy), còn về mặt công tác xã hội: "Hệ thống là một tập hợp các yếu tố có trật tự và liên hệ với nhau để vận hành thống nhất. Con người phụ thuộc vào hệ thống trong môi trường xã hội để đáp ứng nhu cầu trực tiếp của anh ta trong cuộc sống ” [21].
Thuyết hệ thống hoạt động tuân thủ theo nguyên tắc: mọi tiểu hệ thống đều nằm trong hệ thống lớn hơn; mối quan hệ chặt chẽ giữa tiểu hệ thống này với hệ thống khác; mọi hệ thống đều có đầu vào và đầu ra; mọi hệ thống đều có xu thế tìm kiếm sự cân bằng với hệ thống khác.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Biểu Hiện Và Tiêu Chuẩn Đánh Giá Nghiện Internet
- Các Mức Độ Và Biểu Hiện Tâm Lý Của Học Sinh Trung Học Cơ Sở Nghiện Internet
- Các Nguyên Tắc Và Phương Pháp Của Công Tác Xã Hội Làm Việc Với Học Sinh Trung Học Cơ Sở Nghiện Internet
- Cơ Sở Vật Chất, Nguồn Lực Và Sự Quan Tâm Của Nhà Trường
- Tỷ Lệ % Các Mức Độ Nghiện Internet Của Học Sinh
- Các Hoạt Động Công Tác Xã Hội Đối Với Học Sinh Trung Học Cơ Sở Nghiện Internet
Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.
Trong công tác xã hội, hai hình thức cơ bản của lý thuyết hệ thống được phân biệt đó là lý thuyết hệ thống tổng quát và lý thuyết hệ thống sinh thái. Lý thuyết hệ thống đã được áp dụng trong thực hành công tác xã hội từ những năm 1970 và những người có công đưa lý thuyết hệ thống vào thực tiễn công tác xã hội phải kể đến công lao của Pincus và Minahan và những người khác. Nguyên tắc của cách tiếp cận này là các cá nhân phụ thuộc vào các hệ thống trong môi trường trung gian xã hội của họ để thỏa mãn cuộc sống của chính họ, vì vậy công tác xã hội phải nhấn mạnh đến hệ thống. Ba loại hệ thống như thế này có thể giúp ích cho các cá nhân: Hệ thống tự nhiên hoặc không chính thức: gia đình, bạn bè, nhóm tự do; Hệ thống chính thức: nhóm cộng đồng, tổ chức đoàn, đội, đoàn thể; Hệ thống xã hội: bệnh viện, trường học… [34].
Những quan điểm về lý thuyết hệ thống được áp dụng vào đề tài nghiên cứu với những mục đích sau [34]:
Trước hết giúp nhìn nhận học sinh nghiện internet là một hệ thống được tạo nên từ tiểu hệ thống nhỏ hơn như: hệ thống tâm lý, hệ thống sinh học và hệ thống hành vi. Các tiểu hệ thống đó có sự tác động qua lại với nhau giúp cá nhân con người tồn tại và phát triển. Đây là cơ sở quan trọng giúp người làm công tác xã hội có cơ sở để đánh giá về những tổn hại có thể xảy ra đối với những học sinh có hành vi nghiện internet, đó là những ảnh hưởng về sức khỏe như: mất ăn, rối loạn giấc ngủ, đau ốm, bệnh tật …; ảnh hưởng về đời sống tâm lý tinh thần như: sa sút trí tuệ, ảo tưởng, bất an …; và những ảnh hưởng khác đến hành vi như: chống đối, vi phạm pháp luật, trốn học .v.v. Nói đến hệ thống luôn có những điểm chung và nét khác biệt, chính vì thế khi làm việc với học sinh nghiện internet nhân viên CTXH nên có những lượng định cụ thể và chính xác về mức độ nghiện, đặc điểm tâm sinh lý và hoàn cảnh gia đình học sinh … để trên cơ sở đó đưa ra những cách thức trợ giúp phù hợp với mỗi học sinh.
Việc học sinh nghiện internet không chỉ xuất phát từ bản thân của các em mà còn chịu sự ảnh hưởng từ tác động của hệ thống tự nhiên (không chính thức), hệ thống chính thức và hệ thống xã hội, đây cũng được xem là cơ sở quan trọng để nhân viên CTXH xem xét về các nguyên nhân dẫn đến hành vi nghiện internet của học sinh. Một vai trò khá quan trọng của lý thuyết hệ thống là giúp nhân viên CTXH đánh giá về các hệ chính sách trợ giúp xã hội cũng như hệ thống hỗ trợ khác xung quanh học sinh nghiện internet. Tuy nhiên, khi đánh giá về các hệ thống can thiệp hỗ trợ học sinh bị nghiện internet, nhân viên CTXH nên tìm hiểu xem gia đình của các em thuộc vào loại
hệ thống nào – đóng hay mở, xa cách hay không gắn bó; tìm hiểu cơ chế phản hồi trong gia đình; những ranh giới chức năng phân chia theo vai trò; và các qui tắc trong gia đình
… để đưa ra những đánh giá xác thực làm căn cứ hỗ trợ các em học sinh và gia đình các em có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó việc áp dụng lý thuyết hệ thống vào luận án còn giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động CTXH trong can thiệp giảm thiểu nghiện internet trong HS. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên thì nguyên nhân HS bị nghiện internet là do chịu sự tác động từ nhiều hệ thống tự nhiên, hệ thống chính thức và hệ thống xã hội. Do vậy, để hoạt động CTXH mang lại hiệu quả, NVCTXH cần tác động, huy động sự tham gia của các hệ thống trong hoạt động can thiệp và phòng ngừa tình trạng nghiện internet.
2.3.4.2. Lý thuyết nhận thức – hành vi
Lý thuyết hành vi và nhận thức hành vi bắt nguồn từ trong lý thuyết học tập cổ điển và lý thuyết tập nhiễm xã hội, có nguồn gốc và cơ sở khoa học bắt đầu từ thành tựu của học thuyết “phản xạ có điều kiện” dựa trên các thực nghiệm của Pavlov (1927) [138]. Cũng cùng thời gian trên, Skinner (1938) [151] và các đồng nghiệp của mình mở rộng thực nghiệm điều kiện hóa và đưa ra học thuyết về điều kiện hóa thực thi. Trên cơ sở đó, J.Wolpe (1952) [157] đã phát triển và hoàn thiện liệu pháp hành vi. Từ những năm 1960, các tác giả Albert Ellis đặt tiền đề của mô hình trị liệu xúc cảm hợp lí (Rational Emottve Behaviour Therapy – REBT); Aaron Beck phát triển liệu pháp nhận thức (Cognltive therapy); Maxie C. Maultsby phát triển liệu pháp nhận thức hành vi” (Beatlonal Behaviour Therapy) [100]. Năm 1990, tên gọi “Liệu pháp nhận thức hành vi” (Bchaviour Cognitive Therapy) bắt đầu được sử dụng. Tên gọi này để chỉ tất cả những liệu pháp tâm lí có định hướng đến nhận thức (cognitively – onented psychotherapy) như liệu pháp hành vi xúc cảm hợp lí của Ellis, liệu pháp nhận thức của Beck, liệu pháp hành vi hợp lí của Maultsby [89]. Như vậy, nhận thức – hành vi (hay còn gọi là thuyết trị liệu nhận thức) là trường phái trị liệu được áp dụng để tìm hiểu và điều trị các dạng suy nghĩ tiêu cực trong nhận thức của con người về một tình huống hay một sự kiện nào đó gây nên các vấn đề tâm lý và các mối quan hệ xã hội; các rối nhiễu về mặt tinh thần của chính cá nhân đó.
Thuyết nhận thức-hành vi cho rằng chính tư duy là nhân tố quyết định phản ứng chứ không phải do tác nhân kích thích quyết định. Thuyết nhận thức-hành vi cho rằng chính tư duy là nhân tố quyết định phản ứng chứ không phải do tác nhân kích thích
quyết định. Điều đó có nghĩa rằng, mỗi người có những hành vi hay tình cảm lệch chuẩn vì người đó có những suy nghĩ không phù hợp. Do đó để làm thay đổi những hành vi lệch chuẩn người ta cần phải thay đổi chính những suy nghĩ không thích nghi [55]. Cũng theo các nhà lý thuyết gia nhận thức- hành vi thì các vấn đề nhân cách hành vi của con người được tạo tác bởi những suy nghĩ sai lệch trong mối quan tương tác giữa họ với môi trường bên ngoài. Con người nhận thức sai lầm và gán nhãn nhầm từ tâm trạng ở trong ra đến hành vi bên ngoài, do đó gây nên những niềm tin, hình tượng, đối thoại nội tâm tiêu cực. Một khi suy nghĩ "không thích" nghi tốt đưa đến các hành vi của một cái tôi thất bại, chẳng hạn: đứa trẻ suy nghĩ và chắc mẩm rằng mẹ mình không yêu thương mình bằng em mình, từ đó đứa trẻ xa lánh mẹ và tỏ thái độ khó chịu với mẹ, không gần gũi [23].
Bên cạnh đó, thuyết nhận thức – hành vi cũng cho rằng, hầu hết hành vi là do con người học tập (trừ những hành vi bẩm sinh), đều bắt nguồn từ những tương tác giữa họ với thế giới bên ngoài, do vậy con người có thể học tập các hành vi mới, học hỏi để tập trung nghĩ về việc nâng cao cái tôi, điều này sẽ sản sinh các hành vi, thái độ thích nghi và củng cố nhận thức.
Tóm lại, lý thuyết nhận thức-hành vi cho rằng hành vi là do nhận thức và cách lý giải môi trường (trong quá trình học tập hay học tập xã hội) của con người ta mà hình thành (hoặc ít ra là chịu ảnh hưởng). Từ đó suy ra hành vi sai lệch là do nhận thức sai lệch và lý giải môi trường sai lệch. Nhìn xa hơn nữa, khi tư duy của con người bị méo mó về bản thân người ta, về cuộc sống và về tương lai, người ta sẽ rơi vào trạng thái suy sụp hay lo lắng. Việc thay đổi cách nhìn, thay đổi tư duy sẽ dẫn đến thay đổi hành động.
Vận dụng lý thuyết nhận thức hành vi, trước hết giúp xác định nguyên nhân dẫn đến việc học sinh nghiện internet là do nhận thức của các em bị sai lệch. Đó là những ý nghĩ và niềm tin không phù hợp, với nhiều học sinh việc sử dụng internet như kênh quan trọng để khẳng định bản thân mình với bạn bè cùng trang lứa; là nơi duy nhất để vui chơi giải trí, giao lưu với bạn bè và là môi trường duy nhất để học tập những giá trị tiến bộ của nhân loại, … và vì vậy nhiều em đã không kiểm soát được thời lượng truy cập internet của mình, từ đó trở thành thói quen lặp đi lặp lại và hệ quả cuối cùng là các em rơi vào hành vi nghiện internet. Do đó muốn thay đổi hành vi của các em thì phải thay đổi nhận thức. Nói cách khác, nhân viên CTXH phải tác động vào việc làm thay đổi nhận thức của các em về việc sử dụng internet.
Từ việc lý giải về nguyên nhân nghiện internet, mục tiêu tiếp theo của nghiên cứu là tạo điều kiện để nhân viên CTXH giúp học sinh có hành vi nghiện đối diện với cái nhìn tiêu cực về cuộc sống và xây dựng quan điểm sống tích cực và có lý trí.Để thực hiện nhiệm vụ này, nhân viên CTXH phải thiết lập một mối quan hệ nồng ấm, không phê phán; thu thập bằng chứng hoặc đặt một loạt câu hỏi để phát hiện những suy luận vô lý trong nhận thức của học sinh;giúp các em đặt mình vào vị trí của người khác, nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người khác (thông qua học tập) để có cái nhìn hợp lý hơn về cuộc sống, có trách nhiệm, từ đó giúp các em tìm ra các giải pháp thay thế tích cực đối với những thói quen sử dụng internet không hợp lý.
2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động công tác xã hội đối với học sinh nghiện internet
2.4.1. Nhận thức, thái độ của học sinh nghiện internet
Trước hết về nhận thức của HS: Việc HS nghiện internet nhận thức còn hạn chế về nguyên nhân, hậu quả, các điều khoản của luật pháp liên quan đến việc sử dụng internet ở các độ tuổi, … vừa là nguyên nhân dẫn đến việc các em bị nghiện nhưng đồng thời cũng là yếu tố cản trở việc thực hiện các hoạt động can thiệp hỗ trợ trong CTXHTH. Điều này được thể hiện ở chổ, để triển khai các hoạt động CTXH trong can thiệp hỗ trợ đối với HS nghiện internet, trước hết NVCTXHTH phải làm thay đổi nhận thức của chính HS đó, nghĩa là giúp HS nhận thức được hậu quả của việc nghiện đối với sự phát triển trong tương lai của các em. Tuy vậy, trong thực tế không phải HS nào cũng cảm nhận được điều đó để thay đổi. Có những HS biết mình bị nghiện, bản thân đang có những vấn đề về sức khỏe; học tập sa sút, rối loạn giấc ngủ, … nhưng các em vẫn tìm mọi cách để sử dụng internet bất chấp sự ngăn cấm từ gia đình, sự khuyên bảo từ thầy cô và bạn bè và thậm chí các em còn từ chối sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý học đường, các NVCTXHTH. Một khi đối tượng HS nhận thức, suy nghĩ chưa đúng về vấn đề nghiện internet và lợi ích của sự can thiệp, hỗ trợ từ các NVCTXHTH và cũng như tâm thế chưa sẵn sàng thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tiến trình thiết lập, thu thập thông tin, chuẩn đoán vấn đề trong CTXH.
Bên cạnh sự nhận thức còn hạn chế, yếu tố tâm lý của HS cũng là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động CTXH. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, HS nghiện internet thường có biểu hiện tâm lý như lo lắng, buồn chán, mất hứng thú, trống rỗng khi không có internet (Lê Minh Công, 2016) [4]; tức dận, cáu gắt, bực bội, lo âu khi bị cắt hoặc
ngừng sử dụng internet (Huỳnh Văn Sơn, 2012) [56]. Bên cạnh đó, do tính cách đặc trưng riêng có những HS nghiện internet còn có biểu hiện sống khép mình, ngại tiếp xúc với mọi người sẽ là khó khăn cho NVCTXHTH trong việc tiếp xúc để thu thập thông tin và thực hiện các hoạt động giáo dục, tư vấn, tham vấn trong CTXH. Hơn nữa với đặc trưng tâm lý lứa tuổi thiếu niên là các em thường có xu hướng thích độc lập, không muốn người khác can thiệp vào vấn đề của mình, một số còn tỏ ra ngang bướng cũng là trở ngại cho NVCTXH, đặc biệt đối với những nhân viên có ít kinh nghiệm hoặc tuổi đời còn trẻ.
Một yếu tố khác có ảnh hưởng đến hoạt động CTXH đó là kinh nghiệm, kỹ năng của HS nghiện internet: Có thể nói rằng ở độ tuổi thiếu niên HS có sự phát triển khá mạnh mẻ về nhận thức, tư duy, các kỹ năng xã hội, các em nhận thức được vai trò của bản thân, biết học hỏi, trang bị những kỹ năng cần thiết cho tương lai.Tuy vậy, do sự hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm cuộc sống chưa có nhiều, một số HS nghiện internet lại ít biết đến hoặc không có cơ hội tham gia các câu lạc bộ kỹ năng sống; các hội thi văn hóa – văn nghệ, các hoạt động tham vấn học đường được tổ chức trong trường học,
…nên việc tham gia thực hiện một số hoạt động CTXH trong giảm thiểu hành vi nghiện internet các em HS gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó vừa làm tốn kém về thời gian của HS cũng như NVCTXHTH và ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu đã đề ra.
2.4.2. Trình độ, năng lực và kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác xã hội trong trường học (NVCTXHTH)
Công tác xã hội là một nghề chuyên môn được thực hiện bởi NVCTXH thông qua việc vận dụng các kiến thức, kỹ năng và phương pháp đặc thù để hỗ trợ các đối tượng giải quyết vấn đề khó khăn gặp phải. Điều đó cho thấy, hiệu quả của các hoạt động của CTXH nói chung và CTXH trong làm việc với HS nghiện internet phụ thuộc rất nhiều vào năng lực nghề nghiệp của người làm công tác xã hội.
Hiện nay, đội ngũ NVCTXH làm việc trong các trường học ở Việt Nam là tương đối khan hiếm, đa số là những giáo viên, cán bộ đoàn làm công tác kiêm nhiệm, một số trường có nhân viên tâm lý, nhưng rất ít người được đào tạo bài bản, chuyên sâu về chuyên ngành CTXH. Mặc dù trong thời gian qua, các trường học trong cả nước đã cử giáo viên, cán bộ trong nhà trường tham gia đào tạo về nghề CTXH (Theo Quyết định 327/QĐ-BGDĐT về ban hành Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Giáo dục 2017 – 2020 của Bộ GD&ĐT [60]), nhưng hình thức đào tạo chỉ là tập huấn,
bồi dưỡng ngắn hạn nên chưa thể đáp ứng yêu cầu của nghề CTXH.Để can thiệp hỗ trợ HS nghiện internet nâng cao năng lực để giải quyết những khó khăn về đời sống tâm lý, sức khỏe, vấn để học tập, NVCTXHTH không chỉ tác động vào khía cạnh tâm lý của HS nghiện internet như những nhân viên tâm lý học đường mà còn tác động vào môi trường xung quanh, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và kết nối các nguồn lực để giúp các em giải quyết vấn đề. Không những vậy, NVCTXH còn phải vận dụng rất nhiều kỹ năng chuyên nghiệp đã được đào tạo như lắng nghe, quan sát, giao tiếp, vấn đàm, vãng gia, thấu cảm, … thì việc giải quyết những vấn đề đó mới thực sự hiệu quả. Điều đó thật không dễ dàng đối với những thầy cô giáo, cán bộ trường học làm công tác kiêm nhiệm ở trường học nếu họ không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, do thiếu kiến thức về CTXH nên đa số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm CTXH trong trường học chủ yếu làm việc với trường hợp HS nghiện internet theo kinh nghiệm, cảm tính, đôi khi bị yếu tố tình cảm chi phối và không theo một tiến trình khoa học cũng như phương pháp CTXH đặc thù thì hiệu quả các hoạt động CTXHTH sẽ không cao.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn nghề nghiệp, một yêu cầu khác với NVCTXH chuyên nghiệp là thái độ, phẩm chất nghề nghiệp để trợ giúp HS nghiện internet có hiệu quả. Bất kể nghề nào cũng có những tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề, và trong CTXH các tiêu chuẩn này được quy định trong Thông tư Số: 01/2017/TT-BLĐTBXH [20]. Trong đó nhấn mạnh, người làm công tác xã hội “phải cần, kiệm, liêm, chính, không được lạm dụng các mối quan hệ với đối tượng để vụ lợi cá nhân; phải xác định rõ ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp; kiên nhẫn, thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đối với đối tượng; đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất trong quá trình hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội, ... chịu trách nhiệm về các hoạt động nghề nghiệp của mình theo quy định của pháp luật”. Để trợ giúp HS nghiện internet bộc lộ những nguyên nhân dẫn đến nghiện, khó khăn gặp phải, những nhu cầu cần trợ giúp, NVCTXHTH phải có sự kiên trì, thấu cảm, biết lắng nghe, đối xử công bằng và luôn đặt lợi ích của HS trên hết để HS sẵn sàng chia sẽ những điều các em mong muốn. Thực tế cho thấy, một số trường hợp cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm CTXH trong trường học do không nắm vững quy điều đạo đức trong CTXH nên rất khó khăn trong việc khai thác thông tin từ phía HS nghiện internet, cũng như trong việc áp dụng các quy tắc xử lý trong trường học (nêu gương, xử phạt, cảnh cáo, báo cáo gia đình, …) để trợ giúp HS đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.