Các Chính Sách Hỗ Trợ, Trợ Cấp Lương Thực Và Trợ Cấp Thu Nhập

xuất lương thực. Đây là hiện tượng tất yếu và phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang hướng đến nhưng lại làm giảm lực lượng lao động sản xuất lương thực. Trên thực tế, không phải quốc gia nào có lực lượng lao động trong nông nghiệp đông đảo cũng đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn các nước có ít lao động tham gia lĩnh vực này. Sản lượng lương thực đạt được còn phụ thuộc vào diện tích canh tác và năng suất lao động.

3.1.2.2. Các chính sách hỗ trợ, trợ cấp lương thực và trợ cấp thu nhập

Những biện pháp này chủ yếu được chính phủ đưa ra sử dụng đối với các khu vực miền núi có giao thông khó khăn với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khu vực bị thiên tai khó tiếp cận nguồn lương thực. Hỗ trợ lương thực trong chính sách trợ giúp xã hội được quy định tại Điều 12 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội. Theo đó, quy định cụ thể về mức hỗ trợ lương thực, trường hợp được xét hỗ trợ. Đối tượng được xét cấp hỗ trợ là hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác. Như vậy, những chỉ đạo chính sách này được sử dụng không thường xuyên mà căn cứ vào tình hình thực tế. Thông thường, các tỉnh xảy ra thiên tai, mất mùa…sẽ căn cứ tình hình địa phương để đề xuất lên chính phủ xin hỗ trợ gạo cho người dân. Chính phủ căn cứ trên đề xuất của địa phương quyết định mức trợ cấp phân bổ gạo cho địa phương.

Ngoài ra, đối tượng thường xuyên hơn của chính sách này là các đối tượng người trong danh sách nghèo, cận nghèo của các địa phương với những mức hỗ trợ khác nhau. Hiện nay, hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng này thường được quy ra tiền mặt, hỗ trợ trực tiếp hàng tháng cho các đối tượng, mức hỗ trợ được tính toán dựa trên nhu cầu chi tiêu tối thiểu của con người bao gồm lương thực thực phẩm và dịch vụ sinh hoạt.

3.1.2.3. Xây dựng kênh phân phối lương thực

Để việc tiếp cận lương thực của người dân một cách dễ dàng đòi hỏi cần có hệ thống phân phối lương thực như: hệ thống đường sá phát triển cho sự thuận tiện trong giao thông, các cửa hàng bán lương thực, chợ, siêu thị. Cải cách thương mại định hướng thị trường được bắt đầu vào năm 1986, tiếp theo đó là một loạt cải cách thương mại vào những năm 1990 – 2000. Năm 1998, Chính phủ ra Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 về việc bãi bỏ giấy phép thương mại. Nghị định này quy định tất cả các doanh nghiệp trong nước được phép tự do buôn bán hàng hóa trừ những doanh nghiệp bị cấm hoặc chịu sự quản lý đặc biệt.

Hiện nay, nhiệm vụ về cân đối cung cầu lương thực nhất là cho thị trường trong nước được giao trách nhiệm chính cho hai Tổng công ty lương thực, đó là Tổng công ty lương thực Miền Bắc và Tổng công ty lương thực Miền Nam. Tuy nhiên, thương lái gạo và các hộ bán lẻ tư nhân lại giữa vai trò quan trọng trong việc cung cấp gạo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hệ thống kênh phân phối này được hình thành một cách tự phát, chưa được tổ chức một cách chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa các thành viên. (Lưu Thanh Đức Hải, 2005). Theo nghiên cứu của tác giả Lưu Thanh Đức Hải về hệ thống phân phối gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện dưới đây: hệ thống bán lẻ tư nhân phân phối tới 28,8% lượng gạo sản xuất phục vụ tiêu thụ trong nước, 14,2% là qua các công ty lương thực nhà nước, 0,3% thông qua hệ thống bán sỉ tư nhân, 56,7% lượng gạo sản xuất được dùng cho xuất khẩu.

Hình 3 1 Kênh phân phối gạo trên thị trường ĐBSCL Nguồn Nghiên cứu của tác 1

Hình 3.1: Kênh phân phối gạo trên thị trường ĐBSCL


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Nguồn: Nghiên cứu của tác giả Lưu Thanh Đức Hải: Chi phí marketing và hệ thống phân phối lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long

Đối với thị trường lương thực trong nước, người dân tại các tỉnh miền đồng bằng thường có khả năng tiếp cận lương thực dễ dàng. Các tỉnh miền núi và Tây Nguyên do điều kiện khó khăn về đường xá nên hệ thống chợ phân bố lẻ tẻ, số lượng ít, hàng hóa ít đa dạng, người dân chủ yếu sử dụng lương thực do gia đình tự sản xuất. Mức độ ổn định về nguồn cung lương thực phụ thuộc vào khả năng bảo quản, tích trữ lương thực của các hộ dân, tình hình thời tiết, dịch bệnh. (Nguyễn Viết Đăng và cộng sự, 2014).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ phê duyệt ngày 16/8/2016 đã đưa nội dung về xây dựng chợ dân sinh vào Nội dung số 06: Hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu của

người dân. Nguồn ngân sách cho việc xây dựng hệ thống chợ này được lấy từ ngân sách Trung ương và địa phương là chủ yếu.

3.1.3. Nhóm chính sách tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm


Trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và đối với lương thực nói riêng, từ Trung ương đến cấp địa phương Việt Nam đã có nhiều chính sách điều chỉnh. Theo (Tran Cong Thang, Dinh Thi Bao Linh, 2015), nhóm chính sách của Trung ương đối với lĩnh vực này được chia ra như sau:

- Các chính sách để thực hiện Luật An toàn thực phẩm: như Luật An toàn thực phẩm được ban hành năm 2010. Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ban hành năm 2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

- Chính sách về tổ chức, kiểm tra, giám sát quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chính sách tăng cường sản xuất và phát triển thị trường đối với thực phẩm an toàn

Đối với mặt hàng lương thực cụ thể là gạo, ngô, khoai, sắn, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm lượng chủ yếu tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm trong sản phẩm. Trước đây, chúng ta chú trọng vào gia tăng sản lượng lương thực, theo đuổi mục tiêu đứng trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Chính sách đưa ra là chủ trương cho nông dân độc canh 3 vụ lúa. Khi độc canh đến 3 vụ lúa/năm sẽ làm cạn kiệt dinh dưỡng trong đất đai, dẫn đến nông dân phải sử dụng nhiều phân bón hơn trong sản xuất khiến cho sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tràn lan làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát. Chính vì vậy, theo các số liệu được công bố: trong 4 tháng đầu năm 2016 đã có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao. Tính từ năm

2012 đến tháng 8/2016 thì đã có tới 412 container với gần 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả về. Lí do các lô gạo xuất khẩu này bị trả về là do tồn dư của 8 hoạt chất vượt mức cho phép (các hoạt chất này có mặt trong thuốc bảo vệ thực vật chống các bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu đục thân…). Trước đó, các lô gạo xuất sang thị trường Nhật Bản cũng nhiều lần bị trả về tuy nhiên số liệu cụ thể không được công bố. Các lô gạo bị trả về không được tiêu hủy ngay mà được các doanh nghiệp xuất khẩu mang lại về trong nước. Nếu theo đúng quy trình số gạo này phải được mang kiểm định lại xem có đủ với tiêu chuẩn trong nước hay không, nếu đủ sẽ được mang tiêu thụ trong nước, nếu không bắt buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, theo nhận định của GS.TS Võ Tòng Xuân thì quy trình này lỏng lẻo dễ gây những lỗ hổng để doanh nghiệp tuồn số hàng này ra tiêu thụ nội địa gây nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trong nước.

Xảy ra tình trạng này một phần do nguyên nhân thông tin Nhà nước cung cấp cho người dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn thấp, không hiệu quả, trình độ tiếp cận thông tin của nông dân còn hạn chế. Đa phần việc sử dụng thuốc của người dân do tự phát, không đúng liều lượng quy định, nhiều khi không cần thiết vẫn phun xịt thuốc. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới đã cấm nhưng Việt Nam vẫn cho phép sử dụng. Khi xảy ra dịch bệnh thiếu sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng.

3.1.4. Nhóm biện pháp đối phó khi xảy ra khủng hoảng lương thực.


Đây là các chính sách được đưa ra trong điều kiện nguy cơ mất an ninh lương thực tăng cao, mục tiêu là nhanh chóng chặn đứng tình trạng mất an ninh về lương thực. Nguy cơ mất an ninh lương thực xảy ra cấp bách khi: mất mùa, biến đổi khí hậu, năng lực sản xuất nội địa đột ngột suy giảm mà không có nguồn cung nhập khẩu thay thế.

Nhằm đối phó tình trạng đột ngột giảm nguồn cung lương thực gây nên những hoảng loạn trên thị trường. Nhà nước có chủ trương xây dựng hệ thống

kho lưu trữ nông sản, Chính sách về xây dựng kho dự trữ lúa gạo như Quyết định số 3242/QĐ-BNN-CB ngày 02/12/2010 về phê duyệt quy hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các kho dự trữ này chịu trách nhiệm trong việc thu mua lương thực của nông dân trong trường hợp sản lượng lúa gạo tăng làm giảm giá bán. Các kho sẽ thu mua lại lương thực do đó làm giảm cung trên thị trường và đẩy giá lương thực lên giúp đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân. Khi tình trạng mất mùa xảy ra, lượng cung lương thực trên thị trường giảm xuống dẫn đến giá lương thực tăng cao, khả năng tiếp cận lương thực của những hộ có thu nhập thấp dần bị đe dọa, các kho dự trữ lại có nhiệm vụ xả kho giúp ổn định nguồn cung trên thị trường.

Trong trường hợp xảy ra nguy cơ mất an ninh lương thực chúng ta sẽ phải lựa chọn ưu tiên cho việc đảm bảo ANLT trong nước chứ không phải mục tiêu xuất khẩu. Chính vì vậy, khi tình huống này xảy ra như vào năm 2008, chính phủ sẽ đưa ra quyết định hủy các hợp đồng xuất khẩu lương thực.


3.2.Tình hình tổ chức thực hiện chính sách


3.2.1. Bộ máy thực hiện chính sách


Theo Nghị quyết 63/NQ-CP về Đảm bảo ANLT quốc gia: Bộ NN & PTNT có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tổ chức các hoạt động cụ thể, hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện, hướng dẫn kiểm tra, giám sát. Như vậy việc điều hành thực hiện và hướng dẫn thực hiện đều do Bộ NN & PTNT chủ trì. Hiện tại, các chính sách của chúng ta đang được giao cho các Bộ thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng mình. Tuy nhiên, thiếu một cơ chế điều hành chung, thiếu cơ chế phối hợp dẫn đến việc chồng chéo nhiệm vụ nhưng phân tách quyền hạn và không huy động được các bộ, ban, ngành khác vào thực hiện. Chính sách đảm bảo ANLT đòi hỏi không những đảm về khả năng đảm bảo cung lương thực, mà còn về khả năng phân phối, trình độ lực lượng sản xuất, thu hút đầu tư, hỗ trợ của nhà nước…do đó đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ ngành khác nhau.

Theo Nghị quyết 63 ban hành năm 2009 giao Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất việc thành lập Ủy ban ANLT quốc gia do một Phó Thủ tưởng đứng đầu nhưng đến hiện nay năm 2017 chúng ta vẫn chưa có Ủy ban này. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách cũng được giao cho Bộ NN & PTNT hướng dẫn thực hiện là không hợp lý, không đảm bảo tính khách quan cho việc kiểm tra, giám sát. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách chưa chú ý đến các nguồn lực (con người, kinh phí, điều kiện vật chất, thời gian) để thực hiện chính sách.Theo quy trình hiện nay, Kế hoạch được dự thảo bởi một bộ phận chuyên môn mà thiếu sự bàn bạc, thống nhất giữa các bộ phận khác nhau. Dẫn đến đưa ra Kế hoạch không phù hợp khả năng thực tiễn (về số lượng người thực thi, chi phí thực hiện, thời gian các bước trong quy trình thực hiện…). Tồn tại tình trạng cố tình xây dựng chính sách theo hướng có lợi cho bộ phận của mình làm méo mó công cụ và mục tiêu chính sách.

Đặc biệt là khâu phân công, phối hợp thực hiện chính sách chưa hợp lý, còn biểu hiện của tính cục bộ, không đề cao trách nhiệm, tinh thần phối kết hợp giữa các cơ quan hữu quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Biểu hiện của tính cục bộ như đẩy việc, đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác, không lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chung thành mục tiêu phấn đấu mà chỉ chú ý đến lợi ích khi xây dựng và thực thi chính sách. Thiếu cơ chế phối hợp cũng dẫn đến thiếu cơ chế xử lý đối với các trường hợp thiếu ý thức trách nhiệm trong phối hợp thực thi nhiệm vụ. Đối với nhiệm vụ đảm bảo ANLT, việc thiếu cơ quan thường trực và người có quyền hạn đứng đầu cũng dẫn đến việc xử lý vi phạm trở nên khó khăn khi không Bộ, ngành nào nhận trách nhiệm về phía mình, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu xử lý nghiêm dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách không đạt được.

Ví dụ việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta chịu sự quản lý của ba Bộ: Bộ NN & PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thậm chí cần thêm Bộ Công an. Nhưng trên thực tế

sự phối hợp này bộc lộ những bất cập, thiếu hiệu quả, dẫn đến tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm không kiểm soát được như hiện nay.

Về nhân lực thực hiện chính sách: việc thực hiện chính sách được giao cho các cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành liên quan. Hiện nay, cơ chế chuyển tuyển dụng không minh bạch cộng với chế độ lương, thưởng thấp là một rào cản cho việc tuyển dụng và giữ các cán bộ có chất lượng cao. Việc thực hiện một chính sách thành công hay không phụ thuộc lớn vào chất lượng của đội ngũ thực thi. Hiện nay, chất lượng năng lực cán bộ, công chức nhìn chung còn thấp, thái độ trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ còn thiếu khách quan, không tích cực dẫn đến chính sách thực hiện bị méo mó, mục tiêu chính sách là không đạt được. Công tác đào tạo bổ sung năng lực cho cán bộ chưa thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.

3.2.2. Các nguồn lực tài chính thực hiện chính sách


Nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách được lấy từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và một phần nhỏ từ cộng đồng dân cư. Giai đoạn 2006 – 2008, bình quân vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 48.858 tỷ đồng/năm, trong đó 45,2% là từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thể hiện chủ trương tăng cường phát triển cho lĩnh vực này. Chính phủ đã ban hành các Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2010/NĐ-CP nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp được tăng lên 90.006 tỷ đồng vào năm 2009, 94.754 tỷ đồng vào năm 2010, 100.615 tỷ đồng vào năm 2011. Nguồn vốn này được chi cho phát triển sản xuất nông nghiệp là 153.548 tỷ đồng, chi cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng. (Vương Đình Huệ, 2013)

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 25/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí